CHUYỆN NHỎ NƠI XA



Trên cầu tình yêu.
Một ngày thu tôi đến Prague. Thành phố hiện lên đẹp như trong bộ phim cổ tích “Ba hạt dẻ dành cho lọ lem” của Tiệp Khắc (tên cũ của Cộng hòa Sec) tôi  xem hồi xưa, khoảng thập niên 70 thế kỷ trước. Từ trên tầng tháp của Nhà thờ Con Gà nhiều người mải mê ngắm nhìn toàn cảnh Prague hiện ra dưới tầm mắt. Quảng trường trung tâm có hàng ngàn du khách, đúng mười hai giờ trưa đồng hồ  thong thả hồi chuông, chú gà vàng hiện ra từ tòa tháp cao nhất, và những vị thần lần lượt đi qua ô cửa nhỏ… Một thoáng cổ tích trong nhịp sống sôi động của thành phố du lịch nổi tiếng.
Cũng như nhiều thành phố châu Âu, Prague có những cây câu bắc ngang con sông   Vltava chia đôi thành phố. Bạn đưa tôi đến “cầu tình yêu”,cây cầu nổi tiếng bởi những bức tượng dọc hai thành cầu, còn nổi tiếng hơn vì là nơi mà du khách truyền nhau rằng “cầu gì được nấy”. Trời mùa thu thời tiết thất thường, vừa nắng vàng rực rỡ đấy mà chỉ một cơn gió lạnh trời đã đầy mây xám, rồi lác đác những hạt mưa… Thoáng chốc sau mây tan bầu trời lại xanh thắm, xanh như thể là ngày thu cuối cùng… Từ cây cầu này toàn cảnh lâu đài trên đồi trở nên hiện ra hùng vĩ, đẹp mê hồn. Dưới kia, con sông Vlata trong vắt  dịu dàng trôi giữa đôi bờ những lâu đài, nhà thờ, rặng cây, đường phố… 
Địa điểm du lịch nổi tiếng này quả là được “khai thác” triệt để không gian từ trên cầu đến những cảnh quan xung quanh, nhưng vẫn mang lại cảm giác thảnh thơi nhẹ nhõm cho du khách dạo chơi. Trên cầu là những quầy hàng nho nhỏ bày bán đồ lưu niệm bằng gỗ, bằng da, bằng thủy tinh pha lê “Tiệp” nổi tiếng. Những người họa sĩ vẽ chân dung, du khách cười thích thú khi xem những bức biếm họa ngộ nghĩnh về mình. Và âm nhạc. Những nhóm nhạc chơi những thể loại khác nhau, rộn rã tươi vui khiến người ta bất giác nhún nhảy lắc lư, hay êm dịu gợi nhớ điệu valse sang trọng chốn cung đình… Giữa không gian ấy vút lên giọng hát trong vắt của một người phụ nữ khiếm thị. Cả một “dàn nhạc” ở ngay bên cạnh chị, trong chiếc máy CD trên chiếc bàn nhỏ phía sau.
 Ave Maria! maiden mild!
Listen to a maiden's prayer!
Thou canst hear though from the wild,
Thou canst save amid despair…
 Chị đứng đó trong bộ đồ trắng giản dị, say đắm cất tiếng hát, đôi bàn tay chắp trước ngực rồi mở rộng như muốn gửi tiếng hát đến tận trời xanh. Giọng hát chị khi trẻ thơ như Robertino, khi nồng nàn như Celine Dion… Chị cứ hát, không biết xung quanh mình có ai dừng lại lắng nghe ai lơ đãng đi qua. Dòng sông dưới kia, những đám mây trên bầu trời kia, cả cơn gió cuối thu cả những dòng người qua lại nơi đây… trong khỏanh khắc tất cả như ngừng lặng. Mẹ như rất gần, tưởng như ta có thể chạm vào đôi bàn tay mềm mại của Mẹ, như được thành trẻ thơ trong đôi mắt dịu hiền của Mẹ. Bỗng thấy cuộc đời như trong sạch hơn, con người tốt đẹp hơn, như vừa rũ bỏ hết những nỗi muộn phiền…
Đặt khẽ vài đồng tiền vào hộp nhỏ trên bàn, tôi bước đi. Tiếng hát vẫn vút lên
We bow us to our lot of care,
Beneath thy guidance reconciled;
Hear for a maid a maiden's prayer,
And for a father hear a child!
Ave Maria!
Đến bên bức tượng thiêng nổi tiếng, tôi đặt tay lên, nhắm mắt, và cầu nguyện.
Đi rất xa rồi mà tiếng hát vẫn theo tôi…
Ave… Maria…

Đường mùa thu

 Mỗi ngày, từ vùng Templin qua mấy chặng tàu xe mất gần 3g đến Berlin làm việc rồi cũng ngần ấy thời gian quay về khách sạn. Chiều hôm qua làm việc xong mọi người mải mê mua sắm và chụp hình ở khu trung tâm Berlin đến tối mịt mới về đến Templin. Chuyến xe bus cuối cùng đã hết từ trước đó hơn một tiếng nên từ ga xe lửa đi bộ về khách sạn, khỏang 3km. Con đường nhỏ chỉ đủ 2 làn xe chạy giữa rừng thông, một bên là lối đi nhỏ lát gạch sạch sẽ dành cho xe đạp, bên kia lề đường rộng rãi và những ngôi nhà nhỏ một trệt một lầu. Những gian phòng ấm cúng ngọn đèn vàng, cửa sổ sơn màu sáng buông rèm trắng, bệ cửa đặt những chậu hoa nho nhỏ đủ màu sắc. Bậc tam cấp bằng gỗ tay vịn thanh mảnh, cửa ra vào sơn màu sẫm… Khung cảnh gợi nhớ một truyện ngắn đầy ám ảnh của nhà văn Nguyễn Thị Minh Thái “Ngồi đợi ở bậc thềm”  dù nơi đây yên bình đến mức có thể ngồi đợi một ai đó ở bậc thềm ngôi nhà xinh xắn này cho đến hết đời… (mà mình thì cũng đã cuối đời rồi còn đâu…)

Con đường mùa thu trải dài qua rừng thông những cành thấp đã rụng hết chỉ còn phần ngọn xanh lá. Mùa thu sẽ qua rất nhanh, thông rụng lá để đón gió lạnh mùa đông và những bông tuyết đầu mùa. Nếu không rụng lá cây khó mà đứng vững trước sức nặng khi tuyết phủ trắng trĩu nặng cành cây.

Con đường mùa thu vun vút qua rừng bạch dương thân trắng lốm đốm nâu đen, dáng thanh mảnh vươn cao, rừng đấy mà bạch dương trông vẫn cô đơn. Mặt đất khô ráo thảm lá vàng trông chỉ muốn ngả lưng xuống đó mà ngắm bầu trời xanh thăm thẳm trên kia, để cho ý nghĩ không đầu không cuối lang thang bất định…

Con đường mùa thu đẩy lùi về phía sau những hàng phong tán lá sum sê, ngọn chớm vàng. Nắng sớm nắng chiều làm màu lá ánh lên như dát vàng. Gió lạnh thế này chỉ vài bữa nữa thôi những cây phong sẽ nhuộm vàng rồi đỏ rực… Mùa Thu ngắn lắm, vì vậy những sắc màu rực rỡ nhất vội vã thu hết cả vào lá vào hoa, vào sắc trời vào mặt nước… Từ sáng đến tối, bất cứ lúc nào cũng có thể nhận thấy những màu sắc phô bày không dấu diếm. “Quý bà mùa thu” đang ở vào độ tuổi đẹp nhất, rực rỡ mà đằm thắm. Sắc đẹp làm người ta ngưỡng mộ và thoáng nao lòng…

Con đường mùa thu thấp thóang hồ nước mỗi sớm hơi sương bốc lên mờ mịt, từ hàng liễu rủ ven hồ bỗng một cánh chim vút bay lên. Xa xa chiếc thuyền nhỏ, chiếc cầu nhỏ… Buổi chiều mặt nước lặng lẽ trong vắt như gương in bóng hàng liểu rủ trông như những bức tranh thủy mặc.

Con đường mùa thu qua những ngôi làng nhỏ. Những ngôi nhà vút qua cũng nhỏ nằm giữa khu vườn xinh xinh trồng hoa, những luống rau, vài cây táo trong sân, hàng rào gỗ sơn nâu, mái ngói xám dốc đứng, cửa sổ tầng sát mái như đôi mắt lặng ngắm con đường thẳng tắp chạy qua chia ngôi làng làm hai nửa.

Con đường mùa thu là tuyến đường sắt trải dài mọi miền đất nước, đường ray và hàng tà vẹt như cũ mòn nhưng những đòan tàu thì hiện đại, rộng rãi, sạch sẽ, tiện nghi làm người đi không ngán ngại thời gian dài di chuyển. Đường sắt cao tốc nối liền các nước rất hiệu quả, còn trong nước thường thấy hệ thống đường sắt khổ 1,4m vận chuyển người và hàng hóa với hệ thống ga tàu có những dịch vụ tiện dụng, đầy đủ thông tin cho hành khách, chỉ tiếc là tòan bằng tiếng Đức, đọc khó vô cùng.

Từ một ga nhỏ quạnh vắng, người đàn ông trung niên bước lên tàu. Tay cầm gậy, tay kia dẫn chú chó bergiê lông loăn xoăn màu vàng nâu. Ông khiếm thị. Chú chó to lớn ngoan ngõan quanh quẩn sát chân ông, thỉnh thỏang dụi đầu vào tay ông chủ như muốn nói rằng mình vẫn ở ngay bên cạnh. Người đàn ông xoa đầu nó và nói thầm gì đấy trông rất âu yếm. Bất giác chú chó ngước nhìn tôi. Chao ôi, một đôi mắt to tròn màu nâu quá đỗi dịu dàng... Chú Vàng ơi, nếu ông chủ không bị khiếm thị thì đôi mắt chú có buốn đến thế…?

Chiều xuống chầm chậm nhưng rồi bóng đêm lướt đến. Tôi xuống ga, đòan tàu chuyển bánh. Không biết người đàn ông và chú chó có đôi mắt buồn còn đi đến tận đâu…
Ngày Thu sắp hết…

 Những vòi nước cổ

Trong các thành phố châu Âu ta dễ dàng bắt gặp những vòi nước cổ trên đường phố.
Ngày xưa người ta xây những vòi nước công cộng dành cho kẻ lỡ độ đường hoặc chính người trong cộng đồng sử dụng. Thường bên vòi nước công cộng còn có cả bồn nước lớn có mái che dành cho các bà nội trợ mang quần áo đến giặt, cũng là nơi gặp gỡ chuyện trò, hò hẹn gái trai. Bây giờ chỉ còn lại những vòi nước trên hè phố, nhiều người lơ đãng không biết rằng mình vừa đi qua một chứng tích của cuộc sống từ vài trăm năm trước.
Vòi nước cổ thường được đúc bằng gang, dựng thành trụ trên vỉa hè hay gắn vào tường ngôi nhà ven đường. Miệng vòi có khi đúc thành hình miệng thú. Phía dưới vòi là cống thóat nước, dòng nước từ vòi chảy nhè nhẹ thằng xuống cống. Vòi nước dùng cần bơm tay hay tự chảy (do áp lực từ tháp nước) nhưng đều là nước sạch có thể uống được ngay. Hầu hết các vòi nước cổ được bảo tồn khá tốt: chúng được sơn chống rỉ, bệ gang hay bệ đá phía dưới được quét dọn thường xuyên không có rác làm nghẹt cống. Xung quanh vòi nước cũng sạch sẽ. Quan trọng là nguồn nước dẫn đến những vòi này luôn đảm bảo vệ sinh nên những người đi đường vẫn thường ghé miệng uống nước từ vòi một cách tự nhiên và thích thú. Uống nước từ vòi nước mà mạch nước có từ hàng trăm năm trước không chỉ là giải khát mà còn mang lại cảm giác dường như đang sống ở thời xa xưa.
Hệ thống cấp nước ở những thành phố này thời xa xưa gần như có chung một nguyên tắc: nước từ nguồn trên núi, từ sông hay suối, hoặc từ giếng bơm… đều được dẫn đến tháp nước chung của một thành phố (nếu thành phố lớn thì có nhiều tháp nước). Tại đó nước được lọc sạch và theo các ống dẫn về từng khu vực mà đầu tiên là đến các vòi nước công cộng. Sau này hệ thống nước vào từng ngôi nhà nhưng những vòi nước trên đường phố vẫn được duy trì để sử dụng. Sinh họat từ một nguồn nước nên cư dân có thói quen bảo vệ nguồn nước chung.
Không chỉ có vòi nước công cộng, các thành phố châu Âu còn có nhiều Đài phun nước ở quảng trường, có khi trong khu vườn, trong công viên… Tại những quảng trường – vốn là giao lộ của những con đường chính trong thành phố, đài phun nước thường có các nhóm tượng nổi chìm mờ trong làn hơi nước phun ra từ chính những bức tượng ấy. Các tia nước được phun ra theo nhiều hình dạng khác nhau. Nước ở đây như chưa bao giờ ngừng chảy và du khách hầu như ai cũng dừng chân ghé lại, ngồi chơi trên bệ đá, khỏa bàn tay mình vào bể nước trong biếc, có thể hứng từ những tia nước ấy để uống hay để xoa lên mặt lấy phước, lấy may. Họ chụp hình, đôi khi những bức hình rất đẹp bởi phía sau màn nuớc bỗng ánh lên ngũ sắc cầu vồng… Những đài phun nước ở trung tâm thành phố, nhiều người cầm đồng tiền nhỏ, đứng quay lưng vung tay ném qua đầu mình xuống bể nước trước khi tạm biệt, để mong ước có ngày được trở lại nơi đây.
Chỉ từ câu chuyện vòi nước cổ hay những đài phun nước cũng cho ta biết về “quy họach đô thị” của những thành phố này từ hàng trăm năm trước. Nó được tính tóan đến từng chi tiết nhưng lại hữu hiệu lâu dài bởi vì không chỉ là việc xây dựng các công trình, nhà cửa, đường xá, quảng trường, đài phun nước, công viên cho cộng đồng, mà còn là những vòi nước trên đường cho từng gia đình từng khách bộ hành… Bài học giản đơn cho một “không gian đô thị bền vững”: Khi cộng đồng chú ý đến nhu cầu của từng con người thì mỗi con người cũng có ý thức gìn giữ không gian ấy cho cả cộng đồng.

Tùy bút, Nguyễn Thị Hậu




Kết quả hình ảnh cho những vòi nước cổ

1 nhận xét:

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...