ĐÊM NHỚ VỀ SÀI GÒN...

Tùy bút, Nguyễn Thị Hậu

Vào khoảng thời gian này, khi khắp nơi nhộn nhịp mừng Giáng sinh và đón năm mới với bản nhạc Happy New Year thì trong tôi lại vang lên giai điệu một bài hát tình cờ được nghe trong một phòng trà trên đường Đồng Khởi, cũng vào một đêm cuối năm…

Lúc ấy, sau mấy tháng thành phố sôi lên vì sự đổi thay bất ngờ, cuối năm tiết trời bỗng se lạnh sau hàng chục năm Nam bộ chưa biết mùa đông, một số sinh hoạt văn hóa của Sài Gòn đã “âm thầm” trở lại: nhà hàng, phòng trà có ca nhạc, ca sĩ hát những bài ca “giải phóng” nhưng thỉnh thoảng, bất ngờ một bài “nhạc cũ” vang lên: Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Trầm Từ Thiêng, Trường Sa… Tôi, cô gái Hà Nội khi ấy 17 tuổi, bắt đầu từ giai điệu lời ca da diết “để đêm đêm nhớ về Sài Gòn thấy mình vừa trở lại quê hương, đã gặp người một trời yêu thương…” biết mình đã thuộc về Sài Gòn.

Không như Hà Nội hay Huế có cả một dòng nhạc để gọi tên hay nhớ về, những tình khúc sáng tác trước 1975 ở miền Nam hầu như ít bài có hai chữ Sài Gòn trên tựa hay trong lời ca, nhưng ai cũng có thể nhận ra hình ảnh Sài Gòn thấp thoáng trong ca từ và giai điệu… Cái chất sang cả mà gần gũi, cởi mở mà thâm trầm của Sài Gòn thấm vào trong từng nốt nhạc, để khi người ca sĩ cất lên tiếng hát thì dù quê đâu người nghe cũng thấy mình thuộc về Sài Gòn. 

Cho đến bây giờ, theo tôi có hai ca khúc lột tả được đúng nhất cái “chất Sài Gòn”, đó là “Sài Gòn đẹp lắm” của Y Vân và “Đêm nhớ về Sài Gòn” của Trầm Tử Thiêng. Nếu trong “Sài Gòn đẹp lắm” đây là một thành phố đông vui, trẻ trung, sôi động, rộn ràng của những người tứ xứ tụ về thì “Đêm nhớ về Sài Gòn” lại như lời tự sự của một đô thành từng trải qua bao biến động, có nỗi buồn chia ly và những thân phận ẩn trong đêm tối…

Sài Gòn không có ban đêm, một cuộc sống khác bắt đầu ở đây khi mặt trời đi ngủ, phổ biến nhất là sinh hoạt nghệ thuật ở phòng trà, quán cà phê, tụ điểm ca nhạc, sân khấu, rạp phim ở trung tâm đến quán nhậu ven kênh hay nơi hẻm nhỏ. Khi thành phố lên đèn ánh sáng rực rỡ thì cũng là lúc nhiều người bước vào cuộc mưu sinh, nghệ sĩ trên sân khấu hay ca sĩ “kẹo kéo” nơi vỉa hè đều mang lại cho đêm thành phố đầy ắp cung bậc cảm xúc. Và không đâu như trong dòng nhạc Sài Gòn xưa hình ảnh người ca sĩ mong manh sương khói khuất vào đêm khuya lại được nhiều nhạc sĩ đưa vào ca khúc của mình, như chia sẻ, trân trọng và có gì đó cũng như xót thương…

Sau một ngày hối hả vội vàng mưu sinh, đêm xuống bên những cuộc bia rượu ồn ào vẫn có giây phút cô đơn, lắng lòng nghe tiếng hát mà nhớ một Sài Gòn đâu đó, ngay ngoài khung cửa kia hay cách xa ngàn dặm, có thể chạm vào hay chỉ nhìn thấy trong tưởng tượng… Với rất nhiều người Sài Gòn không chỉ là quê hương, là người thương trong trái tim lỗi nhịp khi nhớ về, Sài Gòn còn là một phần của cuộc đời ngắn ngủi. Bởi vậy người đi xa nhớ về Sài Gòn đã đành mà người ở Sài Gòn cũng không ngừng nhớ nhung thành phố. Nhớ ánh đèn vàng, nhớ quán xưa, nhớ con đường hoa dầu bay bay, nhớ cơn mưa chợt đến chợt đi, nhớ Sài Gòn như nhớ mẹ nhớ người tình nhớ bạn tâm giao…

Tưởng chỉ có những người từng trải đã vào tuổi 60 mới có những hoài niệm về một Sài Gòn coi lạnh lùng mà nồng nàn, ngỡ hờ hững cách xa mà thân quen ấm áp. Đâu dè lại bắt gặp niềm thương nỗi nhớ như thế đầy ắp trong từng trang viết của hai bạn trẻ Mạc Thụy và Ubee Hoàng. Những câu chuyện trong Sài Gòn vẫn hát là dòng đời của từng nghệ sĩ mà cũng là một dòng chảy mãnh liệt của Sài Gòn truyền qua từng lời ca nốt nhạc mà người đón nhận, may thay, bây giờ có rất nhiều người trẻ.

Đêm nhớ về Sài Gòn để cùng thức và cùng hát, có những con người đã nuôi dưỡng sức sống của Sài Gòn bằng một tình yêu như thế!

Sài Gòn 28.12.2016



 (*) "Sài Gòn vẫn hát" của tác giả Mạc Thụy - Ubee Hoàng. Sách do First News và Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành.

SÀI GÒN MÙA GIÁNG SINH


Nguyễn Thị Hậu

Từ đầu tháng 12 thời tiết Sài Gòn mát dần dù đã bắt đầu vào mùa nắng gắt. Không phải là sự mát ẩm của mùa gió chướng mà lẫn trong gió lại có chút khô lạnh, nhất là sáng sớm và chiều tối. Nhiệt độ thấp nhất cũng chỉ khoảng 19, 20 độ thôi nhưng với người Sài gòn, đây là thời tiết “lý tưởng” để có dịp khoác lên mình những chiếc áo lạnh đủ màu đủ kiểu – loại áo trước nay chỉ để bán cho người lâu lâu đi nghỉ ở Đà Lạt hay người miền Trung về quê dịp Tết. Nhớ hồi cuối năm 1975, lần đầu tiên sau hàng chục năm Sài Gòn và Nam bộ mới có một đợt không khí lạnh tràn vào. Năm đó, ai bán áo lạnh thì “trúng mùa” vì được mua rất nhiều mang về miền Bắc.
Cùng với tiết trời se lạnh là sự xuất hiện những khu vực bán hàng cho lễ Noel, nhất là ở quanh các nhà thờ: cây thông xanh, giấy trang kim trắng vàng lấp lanh, dây bóng đèn nhấp nháy, những gói quà nhỏ xíu, thiệp Giáng sinh rực rỡ… Nhiều năm trước trên đường phố chưa thấy xuất hiện bộ quần áo và chiếc mũ đỏ của Già Santa Claus, mà hình ảnh của ông chỉ có mặt nơi nhà hàng, khu thương mại sang trọng, dáng người bệ vệ trong chiếc áo choàng đỏ rực, vai vác túi quà lớn, miệng cười tươi sau chòm râu trắng xóa… Nhìn từ xa đã hấp dẫn không chỉ con nít mà cả người lớn, bởi ông là biểu tượng của sự vui vẻ và ấm áp của ngày lễ trọng.
Người Sài Gòn chỉ cần đi quanh quận Một đã được hưởng tất cả không khí nhộn nhịp và trang trọng của lễ Noel không khác gì ở nước ngoài. Bởi vì, khác với nhiều đô thị trong nước, khu vực trung tâm Sài Gòn có nhiều nhà thờ cổ xưa và đẹp nhất được xây dựng từ nửa sau thế kỷ 19. Cứ lấy Nhà thờ Đức Bà làm tâm điểm, bán kính khoảng 2 km thôi sẽ có những nhà thờ nổi tiếng như Tân Định, Chợ Quán, Huyện Sĩ, khu tu viện đường Tôn Đức Thắng… Theo địa giới hành chính ngày nay có một số nhà thờ thuộc quận khác nhưng vẫn là vùng đất Sài Gòn xưa sớm có người cư trú.
Giống như nhiều thành phố phương Tây, Sài Gòn cũng có một (trong nhiều) biểu tượng đô thị (urban symbolism) là nhà thờ. Kiến trúc đặc sắc của nhiều nhà thờ góp phần tạo nên diện mạo đô thị Sài Gòn trong ký ức bao thế hệ. Sài Gòn còn là nơi từ lâu luôn có nhiều người nước ngoài sinh sống và làm việc nên cũng từ Noel, thành phố bắt đầu trang hoàng bước vào mùa kinh doanh, du lịch đón tết Tây kéo dài đến Tết ta – thời gian lễ hội của cả thành phố.
Bên cạnh khu trung tâm có những nhà thờ trang hoàng rực rỡ là nơi du khách đổ về, nhiều người lại muốn đến những xứ đạo ẩn sau phố phường đông đúc. Những ngày này đi đến khu Ông Tạ, Chí Hòa hay Xóm mới, khu quận 8 hay Thủ Đức, vùng Tân Bình – Tân Phú, gần hơn thì có xóm đạo dọc đường ven Nhiêu Lộc - Thị Nghè… Ở những nơi này đường ngõ chăng đèn kết hoa rực rỡ, đêm Giáng sinh cạnh hang đá với Đức Mẹ và Chúa Hài đồng là sân khấu ngoài trời cho chương trình văn nghệ của người xóm đạo. Có thể cảm nhận khắp nơi là sự bình yên, thân thiện và chia sẻ của những người anh em trong mùa Giáng sinh và mừng năm mới.
Năm nay mùa Noel về với không khí se lạnh hơn nhiều năm trước. Trên đường phố đã xuất hiện “ông già Noel” chạy xe máy giao tặng quà cho trẻ em và cả người lớn. Dịch vụ này phát triển vài năm gần đây mang lại niềm vui cho nhiều người. Nhưng quanh năm ở Sài Gòn có biết bao “ông bà Noel” vẫn thầm lặng những chuyến đi thiện nguyện mang đến vùng lũ lụt thiên tai từng bao gạo, cuốn tập, góp mỗi tấm áo gói mỳ cho người cơ nhỡ, vẫn đón nhận và chia sẻ cơ hội kiếm sống cho hàng triệu người nhập cư…
Ở Sài Gòn, mỗi năm ngày Chúa sinh ra đời là một dịp để nhắc nhớ tinh thần tương thân tương ái giữa đồng bào không phân biệt tôn giáo, vùng miền. Bởi vì, nếu không như vậy thì đâu còn là Sài Gòn nữa…

Sài Gòn 20.12.2016
http://plo.vn/…/noel-mua-tuong-than-tuong-ai-cua-nguoi-sai-… (báo PLTP đổi tựa bài này nghe như xã luận!)

TẢN MẠN TỪ “VÀNG SON NHUNG GẤM”

Nguyễn Thị Hậu

Vài năm gần đây sức hấp dẫn của cổ vật Việt Nam ngày càng lan rộng trong xã hội. Không chỉ là các nhà nghiên cứu về khảo cổ hay cổ vật, các nhà bảo tàng, giới sưu tầm đồ cổ… mà còn được nhiều người dân biết đến và quan tâm tìm hiểu. Có thể coi hiện tượng này là kết quả của việc sau nhiều thập kỷ cổ vật bị coi là đối tượng cấm mua bán hay sưu tầm thì nay đã trở thành một loại “hàng hóa” đặc biệt, bước đầu trong nước đã hình thành thị trường đồ cổ, thậm chí Việt Nam còn tham gia nhiều sàn đấu giá đồ cổ trên thế giới.

Kết quả này còn nhờ sự phổ biến của nhiều công trình nghiên cứu về cổ vật dưới nhiều hình thức: sách in, tạp chí, bài báo, các cuộc trưng bày triển lãm của bảo tàng nhà nước và sưu tập tư nhân. Trong đó, ở lĩnh vực trang phục cổ có thể kể đến các công trình khoa học như Ngàn năm mũ áo của nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa Trần Quang Đức, Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn (1802 – 1945) của nhà sưu tầm – nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn, một số bảo tàng có phần trưng bày về trang phục cổ và gần đây, ngày 21/12/2016 là cuộc trưng bày tại Bảo tàng lịch sử TP.HCM “Vàng son nhung gấm” – Trang phục cung đình triều Nguyễn 1802 – 1945.

Cuộc trưng bày của Bảo tàng lịch sử TP.HCM có sự phối hợp của bảo tàng phụ nữ Nam bộ và một số nhà sưu tập tư nhân gồm khoảng 70 hiện vật là trang phục và một số trang sức… Lần đầu tiên nhiều trang phục cung đình là những hiện vật gốc được giới thiệu với công chúng: Áo đại triều hoàng thái tử; bộ nữ phục cung đình; áo hoàng hậu (Phụng bào); áo vua (hoàng bào thường triều); áo thường triều quan võ nhị phẩm, nhất phẩm; áo đại triều quan võ nhị phẩm; áo thường triều và đại triều của quan văn nhị phẩm; áo thường triều và thường phục của quan văn tam phẩm... Đặc biệt nhất là hai báu vật thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng quốc gia tại Sài Gòn trước năm 1975 (nay là Bảo tàng lịch sử TP.HCM), đó là hoàng bào của vua Đồng Khánh (niên đại khoảng năm 1886-1888), một chiếc của ông lúc còn là Hoàng thái tử, và chiếc kia là lúc ông đã lên ngôi, vạt trong chiếc áo này còn có dòng chữ Hán viết tay bằng son: Đồng Khánh Ngự Lãm.

Đến với cuộc trưng bày, người tham quan được nhìn tận mắt trang phục cung đình chỉ được nhắc đến trong sách Khâm định, Hội điển… mà trong sách cũng chỉ tả sơ lược một số bộ trang phục và không có hình vẽ minh họa. Nhiều loại hình trang sức, trang phục, các hoa văn qua từ ngữ cổ càng làm chúng ta không thể hình dung được. Nhiều người yêu thích tìm hiểu về trang phục xưa thường phải tìm kiếm hình ảnh cụ thể qua những tác phẩm điêu khắc hay chạm khắc trên các kiến trúc, trên đồ dùng trong cung đình… nhưng không thể đầy đủ và chính xác.

Vàng son nhung gấm – trang phục cung đình triều Nguyễn 1802 – 1945 còn được tôn cao giá trị nhờ thiết kế mỹ thuật trưng bày hiện đại và phù hợp với việc bảo quản hiện vật chất liệu lụa, gấm được thêu may bằng cả chỉ vàng. Những chiếc áo được treo trên giá áo ống tròn không làm thành nếp gấp gãy vải, đèn chiếu sáng không trực tiếp vào hiện vật mà vẫn làm đường nét hoa văn nổi bật rất sống động, trang phục sắp xếp theo thứ tự toát lên vẻ trang nghiêm như trong triều chính… Có thể nói đây là một phòng trưng bày đẹp và có giá trị sánh ngang nhiều cuộc trưng bày về cổ vật Việt Nam trên thế giới.

Trang phục cổ tương đối hiếm trong các bảo tàng nhà nước hay tư nhân, hiện nay chỉ còn lại một phần nhỏ trang phục cung đình thời Nguyễn sau hàng trăm năm. Trang phục những triều đại trước nhà Nguyễn lại càng hiếm hoi, kể cả trang phục cung đình và dân gian. Nguyên nhân ngoài tình trạng chiến tranh và loạn lạc liên miên thì các chất liệu để may trang phục cũng khó có thể bảo tồn trong khí hậu nóng ẩm của nước ta. Mặt khác sự quan tâm gìn giữ bảo tồn trang phục cũng chưa được người xưa quan tâm như việc sưu tầm đồ gốm quý hay các loại trang sức vàng ngọc…

Điều này gây ra những khó khăn không nhỏ cho việc phục dựng đời sống và sinh hoạt văn hóa trong lịch sử, càng khó khăn hơn khi muốn chế tác phục trang cho việc phục dựng một số nghi lễ, lễ hội, sử dụng cho sân khấu, phim ảnh… Lịch sử Việt Nam đến với mọi người có phần phiến diện và khô khan vì chủ yếu chỉ là lịch sử chiến tranh mà thiếu hẳn sự sinh động của những sinh hoạt đời thường và lễ nghi trong cung đình và ngoài dân gian, được phản ánh qua trang phục – một thành tố quan trọng của văn hóa.

Từ đầu những năm 2000, nghệ nhân Trịnh Bách - nhà nghiên cứu phục chế trang phục cổ đã đi đến những bảo tàng và sưu tập trong và ngoài nước để tìm hiểu về những bộ trang phục thời Nguyễn còn được lưu giữ: số lượng, loại hình – kiểu dáng, chức năng, chất liệu, kỹ thuật cắt may và sử dụng… Trên cơ sở đó ông cùng nhiều nghệ nhân đã phục chế được một số chất liệu và phục dựng thành công nhiều bộ trang phục cung đình thời Nguyễn. Đây có thể coi là một trong những thành công quan trọng của kỹ thuật phục chế, bảo quản di sản văn hóa Việt Nam.

Trang phục truyền thống trong cung đình và cả trong dân gian dần thay đổi và biến mất nhất là từ khi tiếp xúc với nền văn hóa phương Tây thông qua sự cai trị về chính trị và quân sự. Rồi từ nửa đầu thế kỷ 20 ý thức hệ và nhiều tư tưởng mới xuất hiện tác động mạnh mẽ làm thay đổi mọi mặt đời sống. Trang phục là một trong những yếu tố thay đổi rõ ràng nhất. Chính vì vậy sự lưu giữ trang phục cổ cùng với việc cố gắng đưa ra trưng bày phục vụ công chúng của một số bảo tàng và nhà sưu tập thật đáng trân trọng.


Sài Gòn, 21.12.2016




CỜ BẠC - TỆ NẠN CỦA CÁ NHÂN VÀ QUỐC GIA


Nguyễn Thị Hậu

Từ nửa đầu thế kỷ 20, nhiều trí thức Việt Nam đã lên tiếng về những thói hư tật xấu trong dân chúng. Phan Kế Bính trong Việt Nam phong tục đã dành hẳn chương cuối nói về “cuộc cờ bạc”. Sau khi khảo tả một số loại cờ bạc phổ biến trong dân chúng, ông phê phán sự “nhàn cư vi bất thiện” ham mê cờ bạc, mong muốn giàu có nhưng thực chất chỉ làm hại mình và cả gia đình, rồi sinh ra trộm cắp hại đến người khác. Học giả Đỗ Đức Dục cũng đánh giá: từ người giàu đến người nghèo, từ trên xuống dưới, cờ bạc đã trở nên một tập quán ăn sâu vào đầu óc dân chúng, đó thực là một mối tai ương cho dân tộc ta.

Gần một thế kỷ trôi qua, thế giới đã thay đổi bước sang thời đại mới, vậy nhưng sự mê muội tìm kiếm sự giàu có từ may rủi hiện nay vẫn còn phổ biến trong xã hội Việt Nam. Nạn bài bạc ngày càng có nhiều hình thức: xổ số kiến thiết thì bị biến thành đánh số đề, trò chơi dân gian đá gà chọi gà cũng thành “sới bạc”, rồi sang bên kia biên giới chơi bạc thua nợ đến nỗi bị xã hội đen giữ làm “con tin”, gia đình phải mang tiền qua trả nợ chuộc người, chưa kể nhiều sòng bài ở phố này hẻm khác thậm chí cả trong công sở… Nói là chơi cho vui chỉ vài chục vài trăm nghìn đồng nhưng không dừng được, thắng hay thua cũng trở thành “con bạc khát nước” như nhau. Đi cùng với bài bạc là lừa đảo, cho vay nặng lãi, “xã hội đen”… những thế lực gây ra nhiều tội ác.

Tham gia cuộc đỏ đen có đủ thành phần, từ người bình dân đến thượng lưu, từ buôn gánh làm thuê tới công chức trí thức… Tác hại của nạn cờ bạc không thấy rõ ràng như nghiện ma túy. Người ta thường nghĩ đơn giản chơi bạc chỉ mất tiền chứ chưa/không hại sức khỏe và làm cho con người tiều tụy hình hài như ma túy, cơn nghiện cờ bạc không nguy hiểm cho xã hội như cơn nghiện ma túy, ai ham chơi thì người đó mất tiền chứ không liên quan đến mình… Chính vì thế dư luận bỏ qua hoặc dễ dãi trong việc đánh giá hậu quả tệ nạn này.

Biết bao thảm cảnh đã xảy ra vì nạn bài bạc. Xưa thì “cờ bạc là bác thằng bần” nay lại thêm “thua đề ra đê mà ở”… Bao nhiêu gia đình đã phải âm thầm chịu đựng cho đến khi tan nát vì mất hết nhà cửa tài sản, thậm chí mất cả nhân phẩm khi con gái phải bán thân con trai thì trộm cướp… Rõ ràng chịu hậu quả đầu tiên chính là gia đình của người nghiện đỏ đen. Vì vậy, dù ở vai trò nào, cha mẹ hay chồng vợ, con cái hay anh em, người nghiện cờ bạc cũng không thể được cảm thông mà phải lên án bởi vì họ đã lợi dụng tình cảm của người ruột thịt để có được tiền bạc tài sản nhằm thỏa mãn cơn nghiện, từ đó sớm hay muộn cũng sẽ gây hại cho chính gia đình mình!

Trường hợp một ca sĩ nổi tiếng vượt qua sĩ diện cá nhân để lên tiếng trước công luận về người mẹ nợ nần cờ bạc là tiếng chuông cảnh báo về tác hại của tệ nạn này trong gia đình và ngoài xã hội! Hành động này rất cần được cảm thông, vì tuy mỗi gia đình có hoàn cảnh khác nhau nhưng đều mong muốn và làm mọi cách để người thân “cai nghiện”. Khi đã bất lực thì việc công khai lên tiếng là một sự “cầu cứu” xã hội. Cai nghiện ma túy còn có thuốc chữa và nhiều biện pháp trị liệu bằng y học, tâm lý… nhưng cai nghiện cờ bạc thì chưa có biện pháp nào! Sự nguy hiểm của nạn cờ bạc còn là ở đó. Mặt khác, ngày nay quan niệm hiếu đễ đâu còn như xưa là phải chấp nhận chịu đựng tệ nạn của cha mẹ, cũng như tình thương yêu của cha mẹ không phải là sự hy sinh cho những đòi hỏi vô lối và ích kỷ của con cái.

Dung dưỡng nạn cờ bạc lừa đảo là nuôi dưỡng tâm lý trông chờ giàu có từ sự may rủi, muốn có tiền bạc lợi lộc “ngay và luôn” không bằng công ăn việc làm chân chính… Trong một xã hội sự gian trá được coi là vận may thì việc làm ăn bất tín, mua quan bán chức, sử dụng quyền lực để kiếm chác và tham nhũng trở thành bình thường. Khi “người ta không biết trọng cái thực lực mà muốn trông cậy về cái vận may, thì chí khí cũng đã kém rồi” – đấy là điều mà học giả Phan Kế Bính từ gần một thế kỷ trước đã chỉ rõ cho từng cá nhân và cảnh báo cho cả quốc gia.

TBKTSG ngày 22.12.2016







@ Vụn vặt đời thường (134)


Tình cờ xem chương trình VTV 1 lúc 17.30 - 18g chiều nay, được xem một phóng sự ngắn về cuộc gặp gở sau 37 năm của hai nhân vật trong hình và người chụp bức hình đó. Cảm động, vì hành động bình thường của một người lính - một người phụ nữ trong chiến tranh. Và cảm động hơn vì em bé lúc đó nay đã tìm về "cô bộ đội" để nhận bà là Mẹ!
Nơi cuộc gặp mặt trong phóng sự là địa điểm tấm hình đó được chụp từ 37 năm trước. Chắc chắn sự trở lại đây sẽ làm cho cảm xúc của mọi người càng mãnh liệt.
Chỉ tiếc một điều, một chi tiết nhỏ thôi. Đó là khi đưa người nữ cựu chiến binh ra khỏi chiếc cáng có nệm và chăn ấm trên xe bệnh viện (vì bà bị tai nạn và liệt 2 chân), đặt bà ngồi lên chiếc xe lăn, dừng và quay phim ở giữa đường, không ai nhớ đến việc khoác thêm cho bà chiếc áo ấm, để bà phong phanh áo ngắn tay trong khi mọi người xung quanh đều mặc áo đơn áo kép.
 Một chi tiết nhỏ thôi, nhưng cứ như cái dằm nhói trong tim...


Trong hình ảnh có thể có: 2 người, ngoài trời

Trong hình ảnh có thể có: 2 người, mọi người đang đứng và ngoài trời

Linh tinh lang tang (162 ). Vài nhời về một Hội thảo



Vậy là kết thúc hai ngày Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5 tại Hà Nội. 

So với những lần trước thì hội thảo lần này “3 không”: không tài trợ vé máy bay, không được ở khách sạn “miễn phí” và không có nhuận bút. Thật ra những hội thảo trước cũng không nhuận bút nhưng thường có một tập kỷ yếu hoặc một CD-rom in toàn văn các báo cáo của hội thảo. Người tham dự coi đó như là nhuận bút vì được thêm thông tin, tài liệu mình quan tâm, nếu may mắn thì có được tài liệu mới. Lần này chỉ có một tập các tóm tắt báo cáo, chương trình các tiểu ban và cuốn tạp chí của ĐHQG chuyên đề HT VNH (nhưng phải ký tên vào đến 4 tờ danh sách… hic hic!)

“500 anh em” phía Nam ra dự HT lần này rất ít, phần nhiều vì “3 không”.

Các tiểu ban HT lần này thể hiện tính chất liên ngành rộng hơn so với những lần trước. Mình chỉ tham dự tại tiểu ban 2 “Nguồn lực văn hóa” mà không thể tham dự hết các tiểu ban khác, nhưng từ quan sát của mình, qua các bản tóm tắt và thông tin từ bạn bè ở các tiểu ban thì có thể thấy vài điểm sau đây (nếu so với lần thứ 4 gần nhất):

-         Phiên khai mạc và bế mạc đều vắng nhiều. Phiên khai mạc đến sát giờ rồi mà hội trường còn thưa thớt. Đến 9g mới khai mạc (giấy mời và chương trình ghi 8.30) người tham dự chỉ ngồi đầy hai dãy ghế giữa hội trường còn hai cánh thì hầu như còn trống. Lần trước, cũng tại đây, mới 8g hội trường đã không chỗ trống cả trên lầu, khi khai mạc nhiều người còn ngồi tạm ở cả bậc lên xuống. 

-         Tham dự lần này có nhiều người trẻ: phiên khai mạc còn có cả một số sinh viên được trường đưa đến. Ở các tiểu ban người nghiên cứu trẻ có mặt khá nhiều trong vai trò báo cáo viên và người thảo luận. Các bạn mạnh dạn, tự tin, nhiều người khá sắc sảo. Phần lớn những bạn trẻ đó học ở nước ngoài về (thạc sĩ, tiến sĩ), ngoại ngữ tốt, tư duy liên ngành gần như “thường trực” nên cách tiếp cận vấn đề khá cởi mở. 

-         Nhiều đồng nghiệp ở các viện, trường ở HN không tham dự ngay từ khâu gửi bài. Chắc bận rộn quá. Ở HN luôn có nhiều hội thảo quốc tế nên chia sẻ sức lực cũng mệt. SG là “vùng sâu vùng xa” 4 năm mới có dịp gặp lại đồng nghiệp gần xa nên ráng chút xíu J Vui vì gặp nhiều anh chị và các bạn đồng nghiệp tâm huyết và tử tế với nghề, mặc dù vẫn gặp nhau trên FB nhưng nói chuyện ngoài đời vẫn thú vị hơn chứ, nhất là với các bạn trẻ.

-         Mình hy vọng được gặp một số học giả nước ngoài nghiên cứu về VN mà mình kính nể, nhưng chẳng có ai cả :( Cũng tiếc không gặp các bạn trẻ Hán Nôm mà mình luôn quý mến :)

-         Không biết tiểu ban khác thế nào chứ TB 2 của mình, các topic ở phòng 219 báo cáo đúng giờ, thảo luận sôi nổi và vui nữa, hầu như không bị tình trạng “buồn ngủ” như nhiều HT khác J Có lẽ vì đề tài đa dạng nhưng đều có cái gốc là “lịch sử - văn hóa” nên phong phú nhiều ý kiến, trong đó nhiều ý kiến xác đáng!

-         Nghe các báo cáo và trao đổi với một số nhà nghiên cứu Nhật Bản, kể cả những NCS của họ, mình hình dung (không biết đúng không) việc nghiên cứu VNH của họ như một bức tranh tổng thể đã được định hướng rõ ràng, mỗi nhà nghiên cứu, mỗi công trình như một “mảnh ghép” của bức tranh đó. Kết hợp tất cả lịch sử - văn hóa VN khá đầy đủ các giai đoạn các lĩnh vực. Vấn đề là mỗi người “chịu” làm một/vài mảnh ghép nhỏ hay lớn, biết cách “khớp” với nhau để dần dần (không vội vã) làm nên một bức tranh toàn diện.

-         Lần này theo lịch của HT có đến 2 cuộc “diện kiến” lãnh đạo đảng và nhà nước, tất nhiên chỉ có một số người do BTC bố trí, chắc đó phải là những người nổi tiếng trong nước, việt kiều và người nước ngoài. Cũng có 2 cuộc gặp mặt trước và sau HT của những VIP. Hình như đây cũng là cái mới của HT lần này (ít nhất là mới vì có thông báo và có in trong chương trình hẳn hoi) :D

-         Lần sau, hội thảo lần thứ 6 vào năm 2020 sẽ do Viện Hàn lâm KHXH VN đăng cai, chấm dứt “triều đại” 5 lần tồ chức của ĐHQGHN :D

Còn gì nữa nhỉ? À, hai hôm nay Hà Nội chuyển lạnh vừa đủ, không mưa, thời tiết đẹp quá… Nói chung cứ mình ra HN là đẹp giời thuận tiết :)
Nhưng dù vậy, mai mình cũng về SG rồi, ra vẻ bận rộn tí khi không có ai níu giữ “người ở đừng dìa” :D

Hà Nội 16/12/2016 


Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang đứng và hoa


Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang đứng
Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang ngồi, đang đứng và trong nhà
Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang đứng

Vụn vặt đời thường (133)

@ Vài cuốn sách mới đọc.

- Kể cả khi năm mươi triệu người cùng nói về thứ ngớ ngẩn nào đó, thì nó vẫn là thứ ngớ ngẩn (Tư duy rành mạch). Bạn đọc cuốn này đi, để thấy mình mắc khá nhiều lỗi tư duy và hành xử lắm khi vô cùng ngớ ngẩn mà lại tưởng mình vô cùng thông minh  :)



- Giá trị thặng dư: không hề khô khan như kiểu sách kinh tế Mac Lê :) Bạn xem một phần Mục lục đi, hấp dẫn đấy chứ, nhất là với bạn nào làm về truyền thông. Một cuốn sách có kiến thức liên ngành viết cho cộng đồng.


- Người lính kèn về làng. Là cuốn sách rất hay về chiến tranh, người lính và những vùng quê hậu phương miền Bắc. Mình đọc đi đọc lại những câu chuyện giản dị, kể bằng giọng văn cũng giản dị đến nhói lòng... Một phía của Chiến tranh không mang gương mặt người lính, có thể nói về cuốn sách và tác giả này như vậy.


THÊM MỘT LỜI CHIA TAY


Đã bao lần tôi phải viết lời chia tay xót xa với những công trình văn hóa ở Sài Gòn –không chỉ là những kiến trúc đẹp mà nó còn đẹp hơn trong ký ức rất nhiều người Sài Gòn, bởi ở đó là kỷ niệm, là hồi ức, là tuổi thơ, là một phần đời đã qua…

Cà phê Givral trên đường Đồng Khởi - con đường nổi tiếng nhất trong những con đường đẹp, buôn bán sầm uất và có tuổi đời xưa nhất của Sài Gòn - vài năm nay được nhớ đến bởi ca khúc “Vĩnh biệt Givral” – C’est fini Givral mỗi khi vang lên làm cho bao người Sài Gòn rưng rưng nước mắt. Khi dự án xây tòa nhà Vincom B ở vị trí khu Eden được công bố, dư luận đã lên tiếng đề nghị được giữ lại Givral ở đúng vị trí cũ như lưu giữ một di tích lịch sử. Sau khi tòa nhà Vincom B khánh thành, Cà phê Givral được giữ lại ở vị trí đó như lời hứa nhưng nhiều người rất thất vọngvì trang trí nội ngoại thất của Givral hầu như không còn chút gì của một thời nổi tiếng. Rồi, dù thất vọng cũng đành chấp nhận, vì ít nhất cũng còn lại cái tên cũ. Nhưng giống như ngọn đèn dầu vụt sáng lên trước khi tàn lụi, không bao lâu sau do những điều kiện khó khăn mà Givral mới lẳng lặng biến mất không hy vọng có ngày hồi sinh.

Cùng với quán cà phê Givral là hành lang (passage) Eden với các phòng chiếu phim và khu thương mại sầm uất - một trung tâm văn hóa với những sinh hoạt đặc trưng của đô thị kiểu Pháp: quán cà phê, hiệu sách ngoại văn, cửa hàng đồ lưu niệm và hàng tiêu dùng cao cấp, rạp phim sang trọng… Tất cả hòa hợp với nhau, là một không gian văn hóa góp phần tạo nên diện mạo và tính cách của đô thị Sài Gòn. Khi trung tâm thương mại mới mọc lên ở chỗ ngày xưa là passage Eden “thần thánh”, cùng với thái độ đón nhận một công trình thương mại hiện đại và nguy nga, nhiều người Sài Gòn vẫn không nguôi nhớ tiếc không gian văn hóa công cộng độc đáo trước đó, nơi đậm đàbản sắc riêng và thân thiện biết bao với cộng đồng !
***
Những ngày cuối tháng mười một này nhiều người đã đến  một ngõ nhỏ trên đường Hai Bà Trưng để chia tay với Hanoi Cinematheque – địa chỉ văn hóa quen thuộc từ nhiều năm nay của người Hà Nội. Quen thuộc không chỉ vì đến đó có thể xem những bộ phim hay và gặp nhiều nhân vật nổi tiếng của điện ảnh Việt Nam mà ở đó còn có sự hấp dẫn của một quán cà phê và ngôi biệt thự khá đẹp còn sót lại sau bao thăng trầm của “phố Tây Hà Nội”.

Tòa nhà nơi Cinémathèque tọa lạc tuy quy mô khiêm tốn nhưng là một trong những viên ngọc còn lại của kiến trúc Hà Nội với những lan can theo phong cách Art Déco, quán café và cây ngọc lan cổ thụ, khoảng sân vườn xinh xắn…  như một ốc đảo yên bình hiếm hoi ngay giữa trung tâm thành phố luôn ồn ào và náo nhiệt.  Nhiều ý kiến của giới văn hóa Hà Nội đã cho rằng: không gian văn hóa này (bao gồm kiến trúc ngôi biệt thự, hoạt động chiếu phim, ẩm thực gắn với sinh hoạt văn hóa) cần được nghiên cứu giải pháp bảo tồn vì nó đã trở thành một phần của lịch sử xã hội đương đại Hà Nội, góp phần làm cho văn hóa đô thị Hà Nội đa dạng hơn.

Thay vì đập bỏ toàn bộ công trình hiện nay như phương án của nhà đầu tư, vẫn có thể thực hiện sự tích hợp hài hòa về kiến trúc giữa ngôi biệt thự cổ và sân vườn xinh xắn với trung tâm thương mại hiện đại sắp được xây dựng. Nếu phương án này được thực hiện sẽ tạo ra một bước chuyển quan trọng trong chính sách bảo tồn của một đô thị nhạy cảm về văn hóa như Hà Nội. Đây cũng là kinh nghiệm của nhiều thành phố trên thế giới trong việc cố gắng duy trì sự cân bằng nhất định giữa hiện đại hóa và bảo tồn để phát triển bền vững.

Nhưng, có vẻ như những ý kiến đáng được xem xét ấy đang rơi vào vô vọng. Hanoi Cinematheque đã bị đóng cửa, toàn bộ khu đất nghe nói nhất định sẽ biến thành trung tâm thương mại đồ sộ ngay tại khu vực Hồ Gươm, sát cạnh Tràng Tiền Plaza – công trình trước đây bị dư luận phản đối dự án cao tầng nên đã phải xây dựng “tương tự”như cũ.

Ở Hanoi Cinematheque từng nhiều lần chiếu bộ phim nổi tiếng của đạo diễn Trần Văn Thủy “Chuyện tử tế”. Trong khái niệm tử tế mà đạo diễn bộ phim và rất nhiều người chia sẻ chắc chắn có cả việc đối xử tử tế với các di sản. Cho dù Hà Nội đang lưu giữ được khá nhiều di tích của các triều đại lịch sử, cho dù Hanoi Cinematheque chưa phải là “di tích văn hóa” thì cũng không được phép quên điều này: mọi di sản đều phải bắt đầu từ một công trình văn hóa tử tế và được các thế hệ đối xử một cách tử tế. Theo đà phát triển của thời đại mới, chúng ta chắc rồi sẽ còn phải nói lời chia tay với một, hai hay nhiều hơn những gì xưa cũ gắn liền với ký ức của các thế hệ.

 Không phải cái gì cũ cũng đều quí. Nhưng chắc chắn cần đến trái tim và cái đầu để biết trong những cái xưa cũ đâu là giá trị không cân đếm được bằng tiền nhưng là vô giá về tinh thần với nhiều thế hệ. Và, chỉ như thế, khi phải nói lời chia tay với một cái gì đó dã qua, người ta có thể không tránh được bâng khuâng, nhưng sẽ không đau đớn vì ký ức bị coi rẻ ./.

 Nguyễn Thị Hậu

Sài Gòn 1.12.2016

HẺM HOA LAN SÀI GÒN

Nguyễn Thị Hậu

Hẻm nhỏ này không phải là đường Hoa Lan bây giờ ở khu Phan Xích Long, Phú Nhuận. Nhiều người sống ở Sài Gòn trước năm 1975 biết con hẻm ngắn này, nó nằm trên đường Trần Quý Cáp (nay là đường Võ Văn Tần).

Hồi đó hẻm Hoa Lan tuy là đường dẫn vào nhà một “ông lớn” nhưng trong hẻm vẫn sinh hoạt bình thường. Phía đầu hẻm là một quán cơm bình dân bán vào buổi trưa, bên cạnh là xe bán cà phê nước ngọt. Đối diện có “vựa” nước đá là những chiếc kệ gỗ lớn bên trên chất đầy nước đá cây, phủ bạt. Rồi thời gian sau ở đầu hẻm có thêm ông sửa xe máy xe đạp, xe trái cây cóc ổi xoài mía ghim… Buổi sáng khách ngồi uống cà phê đọc báo, buổi trưa quán cơm đông khách, bàn ăn dọn cả dưới tán cây điệp khá lớn trong hẻm. Thỉnh thoảng có chiếc xe hơi màu đen sang trọng từ từ ra vô, chờ cho khách đứng lên đẩy lui mấy bộ bàn ghế nhựa cho xe đi qua, dù hẻm đông người bác tài cũng không bấm còi giục giã mà còn vui vẻ gật đầu cám ơn mọi người. Khách quen cũng giơ tay chào lại rồi bình luận, hôm nay ổng đi trễ hén? ủa bữa nay không thấy ổng… “Ổng” là chủ nhân ngôi dinh thự rất đẹp trên một khuôn viện rộng ở cuối hẻm.

Thật ra phần lớn khách biết hẻm này là từ quán cơm bình dân. Không biết quán có từ bao giờ nhưng người sống quanh đó đã quen với cảnh hai vợ chồng chủ quán lui cui dọn hàng từ 7,8 giờ sáng. Quán che mái ghé vào bức tường ở một bên hẻm, mấy bộ bàn ghế nhựa cuối ngày xếp gọn gàng, ba bốn ông lò lớn dùng than đước. Chỉ có nồi cơm lớn là nấu sẵn ở nhà và xe ba gác chở tới vào khoảng 10g, được ông chủ đặt lên cái bếp lớn bên dưới than hồng riu riu cho cơm nóng, ai ăn trễ vào cuối giờ trưa sẽ  được thêm miếng cơm cháy mỏng giòn tan. Thức ăn chén bát phụ gia… chở tới từ sáng sớm, xào nấu tại chỗ thơm phức. Xế chiều lại dọn tất cả về nhà. Công chức ở công sở gần đó, học sinh trường  Lê Quý Đôn, Marie Curie, các bác chạy xích lô, taxi… là khách hàng thường xuyên của quán, chưa kể nhiều người ghé mua cơm mang về nhà ăn.

Cơm trưa ở đây thường có hai, ba món mặn, một hai món canh, mấy món xào, rau sống… đơn giản nhưng rất ngon và rẻ. Một dĩa cơm (cơm thêm và trà đá, chuối tráng miệng không tính tiền) với đĩa lươn xào xả ớt hay xào lăn, tô canh chua lươn bắp chuối rau muống chỉ 20 đồng tiền Việt Nam cộng hòa (lúc đó chưa đổi tiền, mì gói 2 tôm chỉ có 10 đồng một gói). Những món ngon của quán, ngoài món lươn kể trên còn có cá trê chiên chấm nước mắm gừng, khô cá lóc chiên với nước mắm xoài bằm, khổ qua xào trứng hay khổ qua hầm thịt, tép rang nước dừa… tất nhiên không thể thiếu thịt kho hột vịt dưa chua dưa giá ăn với canh cải xanh thịt bằm, hay canh chua cá khô tộ… Những món ăn rặt Nam bộ nhưng quyến rũ khẩu vị của nhiều người.

Bây giờ khu vực này đã thay đổi nhiều, nhà cao tầng mọc lên thay thế những căn nhà phố hay biệt thự, công sở văn phòng ngân hàng san sát, nhà hàng và quán cà phê dày đặc… Nhiều dân cư mới thay thế dân trong hẻm Hoa Lan, lớp khách cũ cũng không còn lui tới nơi đây vì những chủ quán xưa cũng không còn. Dinh thự trong hẻm từ lâu đã vắng người ra vô.

Sài Gòn có hàng ngàn hẻm nhỏ, từ những khu biệt thự trên con đường lớn hay ngang dọc khu bàn cờ, trong xóm nhà lá trên kinh rạch… Hẻm là một phần của đời sống đô thành Sài Gòn, nơi đây hòa hợp giữa lối sống đô thị và làng quê tứ xứ. Người trong hẻm là quan chức hay bình dân, công chức hay buôn bán, sĩ quan nhà binh hay chạy xích lô… ra vô gặp mặt chào hỏi thân tình, gặp chuyện thì qua lại phụ giúp. Không gian hẻm là “của chung” ai sử dụng cũng được, miễn là giữ gìn sạch sẽ và đừng gây phiền hà cho người qua lại. Đặc biệt những quán cơm bình dân trong hẻm vừa ngon vừa rẻ, lại “đậm đà bản sắc” vùng miền của cộng đồng dân cư ở khu vực đó. Khách sành ăn thường tìm đến quán cơm hẻm mà khách lạ đến một lần thì nhớ mãi.

Nhiều người nói rằng chỉ cần một lần bước chân vô những con hẻm của Sài Gòn là có thể cảm nhận được về cuộc sống và con người thành phố này. Hẻm Hoa Lan là một trong muôn vàn hẻm phố như vậy ở Sài Gòn.

Sài Gòn 20.11.2016



MÙA CÚC HỌA MI


Tản văn, Nguyễn Thị Hậu

Mới chừng mươi năm nay vào những ngày chớm đông người Hà Nội lại thấy những chiếc “xe hoa” đầy cúc họa mi bồng bềnh trôi trên đường phố. Màu trắng giản dị và tươi tắn của những cành hoa mới rời bãi đất ven sông Hồng làm cho phố xưa nhà cổ thêm sức quyến rũ những ai lần đầu đến đây. Với người Hà Nội đi xa, mùa cúc họa mi lại gợi nhớ về cả một thời thơ ấu…

Khi gió Đông Bắc đầu mùa tràn về nhưng chưa mang theo cái lạnh tê tái  mà chỉ làm cho không khí dịu lại sau những ngày cuối thu thất thường nắng gió, buổi sáng đến trường đi trong làn sương dày hơn và không khí lành lạnh trong lành, bọn trẻ chỉ mong được nghỉ học để kéo nhau ra bãi ven sông Hồng.  Ở đó có những vạt hoa dại mọc rậm rạp kết vào nhau dày đặc, mỗi khi gió từ sông Hồng ào lên vạt hoa lại nghiêng mình mềm mại. Đứng trên cầu Long Biên nhìn xuống xa xa như có những mảnh lụa trắng nhẹ nhàng bay trên màu xanh của bãi ngô và ruộng rau vụ đông... Không thấy ai gọi tên hoa là gì, cũng chẳng thấy ai mua bán hay cắm trong nhà bao giờ. Thỉnh thoảng gặp những người đàn bà cầm liềm cắt từng ôm cây hoa này, lèn chặt vào hai quang gánh, bọn trẻ hỏi “cắt về làm gì hả bác?” – Cho bò ăn. Mùi cây tươi ngái sực lên, sao bò ăn được nhỉ, lũ trẻ nghĩ thế.

Ngày ấy ngoài bãi ven sông Hồng và cả Bãi giữa nữa luôn là “điểm đến” hấp dẫn của bọn trẻ trong phố. Từ những ngôi nhà ở phố cổ hay căn phòng trong khu tập thể, kể cả nhà biệt thự cũ trên “phố Tây” đã bị chia năm xẻ bảy, chật chội và ngột ngạt, mùa hè như cái lò nung còn mùa đông lúc nào cũng ẩm ướt… Chỉ cần đi theo đường đê cả ngày và đêm thường vắng vẻ, phía ngoài đê là một không gian rộng rãi, thoáng đãng, ngăn ngắt xanh từ triền đê xuống bãi, ngút ngát sông Hồng và những đoàn xà lan chở than, cát…  Chiều mùa đông nhạt nắng những chiếc thuyền xa dần, chỉ còn bóng dáng “cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm…” mơ hồ gợi nỗi niềm tha hương.

 Ra đến bãi sông bọn con gái hay tìm rau dại, vào ruộng ngô nhặt rau muối, trò chuyện với nhau, ở cái tuổi trăng tròn đứa nào không có vài bí mật nho nhỏ có thể đã giữ kín trong lòng nếu không có một ngày với bạn ở bãi sông. Sau lúc tâm sự an ủi trêu chọc lẫn nhau thì kéo nhau đi tìm một hàng ngô nướng trong xóm gần đó, ngồi quanh cái chậu nhôm rách có mẻ than đỏ hồng, vừa hơ bàn tay bắt đầu lạnh cóng vừa chờ mùi thơm ngô nếp tỏa ra cho đến lúc chẳng phân biệt được đâu là những hạt ngô non đâu là chiếc răng xinh. Còn bọn con trai, chúng chơi trò gián điệp tìm bắt hay “quân ta quân địch” bùm chéo, có khi lại đánh nhau với bọn con trai xóm bãi, chán rồi nằm lăn trên cát mịn như nhung mà tán chuyện những vũ trụ hành tinh xa xôi, nhổ cỏ gà chơi chọi, nếu trời hanh nắng chúng xuống sông tắm, quần áo vứt hết trên bờ. Bọn con gái không biết, nhỡ đi qua thì ù té chạy trong khi bọn con trai dưới sông lại reo hò không hề biết ngượng.
***
Thảm hoa dại ngày ấy bây giờ được gọi là cúc họa mi, chở trên xe đạp cũng nhiều gần bằng gánh cho bò ăn ngày trước nhưng bán từng bó nhỏ bọc trong giấy nilon. Bạn, một người “Hà Nội gốc”, có lần nói “xưa chẳng ai mua bán hay cắm loại hoa dại này cả!”. Ừ xưa thế,  nhưng nay khi món ăn dân dã vào nhà hàng máy lạnh để thành “đặc sản”  thì hoa dại có mặt trong ngôi nhà phố cổ cũng là điều bình thường, phải không? Vì người ta nhìn ra cái ngon, vẻ đẹp trong dân dã, hay là vì “người khôn của khó”?

Thật ra thời bao cấp mỗi năm có mấy dịp để mà cắm hoa? Phổ biến nhất là dịp Tết: nhà khá thì có đào, quất, thủy tiên, bình thường thì thược dược, cúc, violet, lay-ơn, hoa bướm, mõm thỏ… thật rực rỡ. Nhà có bình hoa trông trang trọng hẳn lên. Thỉnh thoảng sinh nhật bạn bè tặng nhau bó hồng hay chục hoa đồng tiền đơn được cắm trong bình thủy tinh nhỏ xinh. Bây giờ nhiều loại hoa hơn mà nhu cầu cũng nhiều hơn, ngày nào cũng có thể cắm hoa cho đẹp cho vui mà không cần lý do. Nhiều nhà luôn có bình gốm sành hay bình gốm men màu thân bầu to, có thể cắm vài chục bông sen, mấy mươi bông cúc, bông hồng, bó loa kèn, cúc họa mi hay violet sum suê. Bình hoa đơn sắc như biểu tượng của sự sang trọng và no đủ.

Mùa cúc họa mi chỉ khoảng mươi ngày ngắn ngủi. Dù vậy vẫn như ngày xưa, loài hoa dại này góp thêm vào nguồn sống ít ỏi của nhiều người nghèo khó như những người đàn bà, đàn ông  hàng ngày chở trên chiếc xe đạp cũ kỹ của mình mùa nào hoa ấy từ vùng ngoại ô đi vào thành phố.
Hà Nội đẹp hơn nhờ những bông hoa mà đằng sau nó là những con người bình dị.

Sài Gòn 25.11.2016

Kết quả hình ảnh cho cúc họa mi


Vụn vặt đời thường (132)

... Những người đàn bà tặng hoa cho nhau
Hồng thơm, Ly, Cúc họa mi, Violet
Những loài hoa chỉ một mùa ngắn ngủi
như hạnh phúc của chúng ta
Những người đàn bà 
Qua mỗi mùa hoa
lại nhớ đến nhau
Từng câu chữ dịu dàng
Nhẹ nhàng chia sẻ...

@ Cám ơn em gái, một bạn đọc thầm lặng, từ Sài Gòn nhờ điện hoa Hà Nội gửi tặng chị bó cúc họa mi rất đẹp này <3 p="">


160 NĂM THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN

  https://nguoidothi.net.vn/160-nam-thao-cam-vien-sai-gon-42825.html   Nguyễn Thị Hậu Thảo cầm viên Sài Gòn là một không gian công cộng và...