TẢN MẠN TỪ “VÀNG SON NHUNG GẤM”

Nguyễn Thị Hậu

Vài năm gần đây sức hấp dẫn của cổ vật Việt Nam ngày càng lan rộng trong xã hội. Không chỉ là các nhà nghiên cứu về khảo cổ hay cổ vật, các nhà bảo tàng, giới sưu tầm đồ cổ… mà còn được nhiều người dân biết đến và quan tâm tìm hiểu. Có thể coi hiện tượng này là kết quả của việc sau nhiều thập kỷ cổ vật bị coi là đối tượng cấm mua bán hay sưu tầm thì nay đã trở thành một loại “hàng hóa” đặc biệt, bước đầu trong nước đã hình thành thị trường đồ cổ, thậm chí Việt Nam còn tham gia nhiều sàn đấu giá đồ cổ trên thế giới.

Kết quả này còn nhờ sự phổ biến của nhiều công trình nghiên cứu về cổ vật dưới nhiều hình thức: sách in, tạp chí, bài báo, các cuộc trưng bày triển lãm của bảo tàng nhà nước và sưu tập tư nhân. Trong đó, ở lĩnh vực trang phục cổ có thể kể đến các công trình khoa học như Ngàn năm mũ áo của nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa Trần Quang Đức, Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn (1802 – 1945) của nhà sưu tầm – nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn, một số bảo tàng có phần trưng bày về trang phục cổ và gần đây, ngày 21/12/2016 là cuộc trưng bày tại Bảo tàng lịch sử TP.HCM “Vàng son nhung gấm” – Trang phục cung đình triều Nguyễn 1802 – 1945.

Cuộc trưng bày của Bảo tàng lịch sử TP.HCM có sự phối hợp của bảo tàng phụ nữ Nam bộ và một số nhà sưu tập tư nhân gồm khoảng 70 hiện vật là trang phục và một số trang sức… Lần đầu tiên nhiều trang phục cung đình là những hiện vật gốc được giới thiệu với công chúng: Áo đại triều hoàng thái tử; bộ nữ phục cung đình; áo hoàng hậu (Phụng bào); áo vua (hoàng bào thường triều); áo thường triều quan võ nhị phẩm, nhất phẩm; áo đại triều quan võ nhị phẩm; áo thường triều và đại triều của quan văn nhị phẩm; áo thường triều và thường phục của quan văn tam phẩm... Đặc biệt nhất là hai báu vật thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng quốc gia tại Sài Gòn trước năm 1975 (nay là Bảo tàng lịch sử TP.HCM), đó là hoàng bào của vua Đồng Khánh (niên đại khoảng năm 1886-1888), một chiếc của ông lúc còn là Hoàng thái tử, và chiếc kia là lúc ông đã lên ngôi, vạt trong chiếc áo này còn có dòng chữ Hán viết tay bằng son: Đồng Khánh Ngự Lãm.

Đến với cuộc trưng bày, người tham quan được nhìn tận mắt trang phục cung đình chỉ được nhắc đến trong sách Khâm định, Hội điển… mà trong sách cũng chỉ tả sơ lược một số bộ trang phục và không có hình vẽ minh họa. Nhiều loại hình trang sức, trang phục, các hoa văn qua từ ngữ cổ càng làm chúng ta không thể hình dung được. Nhiều người yêu thích tìm hiểu về trang phục xưa thường phải tìm kiếm hình ảnh cụ thể qua những tác phẩm điêu khắc hay chạm khắc trên các kiến trúc, trên đồ dùng trong cung đình… nhưng không thể đầy đủ và chính xác.

Vàng son nhung gấm – trang phục cung đình triều Nguyễn 1802 – 1945 còn được tôn cao giá trị nhờ thiết kế mỹ thuật trưng bày hiện đại và phù hợp với việc bảo quản hiện vật chất liệu lụa, gấm được thêu may bằng cả chỉ vàng. Những chiếc áo được treo trên giá áo ống tròn không làm thành nếp gấp gãy vải, đèn chiếu sáng không trực tiếp vào hiện vật mà vẫn làm đường nét hoa văn nổi bật rất sống động, trang phục sắp xếp theo thứ tự toát lên vẻ trang nghiêm như trong triều chính… Có thể nói đây là một phòng trưng bày đẹp và có giá trị sánh ngang nhiều cuộc trưng bày về cổ vật Việt Nam trên thế giới.

Trang phục cổ tương đối hiếm trong các bảo tàng nhà nước hay tư nhân, hiện nay chỉ còn lại một phần nhỏ trang phục cung đình thời Nguyễn sau hàng trăm năm. Trang phục những triều đại trước nhà Nguyễn lại càng hiếm hoi, kể cả trang phục cung đình và dân gian. Nguyên nhân ngoài tình trạng chiến tranh và loạn lạc liên miên thì các chất liệu để may trang phục cũng khó có thể bảo tồn trong khí hậu nóng ẩm của nước ta. Mặt khác sự quan tâm gìn giữ bảo tồn trang phục cũng chưa được người xưa quan tâm như việc sưu tầm đồ gốm quý hay các loại trang sức vàng ngọc…

Điều này gây ra những khó khăn không nhỏ cho việc phục dựng đời sống và sinh hoạt văn hóa trong lịch sử, càng khó khăn hơn khi muốn chế tác phục trang cho việc phục dựng một số nghi lễ, lễ hội, sử dụng cho sân khấu, phim ảnh… Lịch sử Việt Nam đến với mọi người có phần phiến diện và khô khan vì chủ yếu chỉ là lịch sử chiến tranh mà thiếu hẳn sự sinh động của những sinh hoạt đời thường và lễ nghi trong cung đình và ngoài dân gian, được phản ánh qua trang phục – một thành tố quan trọng của văn hóa.

Từ đầu những năm 2000, nghệ nhân Trịnh Bách - nhà nghiên cứu phục chế trang phục cổ đã đi đến những bảo tàng và sưu tập trong và ngoài nước để tìm hiểu về những bộ trang phục thời Nguyễn còn được lưu giữ: số lượng, loại hình – kiểu dáng, chức năng, chất liệu, kỹ thuật cắt may và sử dụng… Trên cơ sở đó ông cùng nhiều nghệ nhân đã phục chế được một số chất liệu và phục dựng thành công nhiều bộ trang phục cung đình thời Nguyễn. Đây có thể coi là một trong những thành công quan trọng của kỹ thuật phục chế, bảo quản di sản văn hóa Việt Nam.

Trang phục truyền thống trong cung đình và cả trong dân gian dần thay đổi và biến mất nhất là từ khi tiếp xúc với nền văn hóa phương Tây thông qua sự cai trị về chính trị và quân sự. Rồi từ nửa đầu thế kỷ 20 ý thức hệ và nhiều tư tưởng mới xuất hiện tác động mạnh mẽ làm thay đổi mọi mặt đời sống. Trang phục là một trong những yếu tố thay đổi rõ ràng nhất. Chính vì vậy sự lưu giữ trang phục cổ cùng với việc cố gắng đưa ra trưng bày phục vụ công chúng của một số bảo tàng và nhà sưu tập thật đáng trân trọng.


Sài Gòn, 21.12.2016




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...