Nguyễn
Thị Hậu
Hẻm nhỏ này không phải là đường Hoa Lan bây giờ ở
khu Phan Xích Long, Phú Nhuận. Nhiều người sống ở Sài Gòn trước năm 1975 biết
con hẻm ngắn này, nó nằm trên đường Trần Quý Cáp (nay là đường Võ Văn Tần).
Hồi đó hẻm Hoa Lan tuy là đường dẫn vào nhà một “ông
lớn” nhưng trong hẻm vẫn sinh hoạt bình thường. Phía đầu hẻm là một quán cơm
bình dân bán vào buổi trưa, bên cạnh là xe bán cà phê nước ngọt. Đối diện có “vựa”
nước đá là những chiếc kệ gỗ lớn bên trên chất đầy nước đá cây, phủ bạt. Rồi thời
gian sau ở đầu hẻm có thêm ông sửa xe máy xe đạp, xe trái cây cóc ổi xoài mía
ghim… Buổi sáng khách ngồi uống cà phê đọc báo, buổi trưa quán cơm đông khách,
bàn ăn dọn cả dưới tán cây điệp khá lớn trong hẻm. Thỉnh thoảng có chiếc xe hơi
màu đen sang trọng từ từ ra vô, chờ cho khách đứng lên đẩy lui mấy bộ bàn ghế
nhựa cho xe đi qua, dù hẻm đông người bác tài cũng không bấm còi giục giã mà
còn vui vẻ gật đầu cám ơn mọi người. Khách quen cũng giơ tay chào lại rồi bình
luận, hôm nay ổng đi trễ hén? ủa bữa nay không thấy ổng… “Ổng” là chủ nhân ngôi
dinh thự rất đẹp trên một khuôn viện rộng ở cuối hẻm.
Thật ra phần lớn khách biết hẻm này là từ quán cơm
bình dân. Không biết quán có từ bao giờ nhưng người sống quanh đó đã quen với cảnh
hai vợ chồng chủ quán lui cui dọn hàng từ 7,8 giờ sáng. Quán che mái ghé vào bức
tường ở một bên hẻm, mấy bộ bàn ghế nhựa cuối ngày xếp gọn gàng, ba bốn ông lò
lớn dùng than đước. Chỉ có nồi cơm lớn là nấu sẵn ở nhà và xe ba gác chở tới
vào khoảng 10g, được ông chủ đặt lên cái bếp lớn bên dưới than hồng riu riu cho
cơm nóng, ai ăn trễ vào cuối giờ trưa sẽ
được thêm miếng cơm cháy mỏng giòn tan. Thức ăn chén bát phụ gia… chở tới
từ sáng sớm, xào nấu tại chỗ thơm phức. Xế chiều lại dọn tất cả về nhà. Công chức
ở công sở gần đó, học sinh trường Lê Quý
Đôn, Marie Curie, các bác chạy xích lô, taxi… là khách hàng thường xuyên của
quán, chưa kể nhiều người ghé mua cơm mang về nhà ăn.
Cơm trưa ở đây thường có hai, ba món mặn, một hai
món canh, mấy món xào, rau sống… đơn giản nhưng rất ngon và rẻ. Một dĩa cơm
(cơm thêm và trà đá, chuối tráng miệng không tính tiền) với đĩa lươn xào xả ớt
hay xào lăn, tô canh chua lươn bắp chuối rau muống chỉ 20 đồng tiền Việt Nam cộng
hòa (lúc đó chưa đổi tiền, mì gói 2 tôm chỉ có 10 đồng một gói). Những món ngon
của quán, ngoài món lươn kể trên còn có cá trê chiên chấm nước mắm gừng, khô cá
lóc chiên với nước mắm xoài bằm, khổ qua xào trứng hay khổ qua hầm thịt, tép
rang nước dừa… tất nhiên không thể thiếu thịt kho hột vịt dưa chua dưa giá ăn với
canh cải xanh thịt bằm, hay canh chua cá khô tộ… Những món ăn rặt Nam bộ nhưng
quyến rũ khẩu vị của nhiều người.
Bây giờ khu vực này đã thay đổi nhiều, nhà cao tầng
mọc lên thay thế những căn nhà phố hay biệt thự, công sở văn phòng ngân hàng
san sát, nhà hàng và quán cà phê dày đặc… Nhiều dân cư mới thay thế dân trong hẻm
Hoa Lan, lớp khách cũ cũng không còn lui tới nơi đây vì những chủ quán xưa cũng
không còn. Dinh thự trong hẻm từ lâu đã vắng người ra vô.
Sài Gòn có hàng ngàn hẻm nhỏ, từ những khu biệt thự
trên con đường lớn hay ngang dọc khu bàn cờ, trong xóm nhà lá trên kinh rạch… Hẻm
là một phần của đời sống đô thành Sài Gòn, nơi đây hòa hợp giữa lối sống đô thị
và làng quê tứ xứ. Người trong hẻm là quan chức hay bình dân, công chức hay buôn
bán, sĩ quan nhà binh hay chạy xích lô… ra vô gặp mặt chào hỏi thân tình, gặp
chuyện thì qua lại phụ giúp. Không gian hẻm là “của chung” ai sử dụng cũng được,
miễn là giữ gìn sạch sẽ và đừng gây phiền hà cho người qua lại. Đặc biệt những
quán cơm bình dân trong hẻm vừa ngon vừa rẻ, lại “đậm đà bản sắc” vùng miền của
cộng đồng dân cư ở khu vực đó. Khách sành ăn thường tìm đến quán cơm hẻm mà
khách lạ đến một lần thì nhớ mãi.
Nhiều người nói rằng chỉ cần một lần bước chân vô những
con hẻm của Sài Gòn là có thể cảm nhận được về cuộc sống và con người thành phố
này. Hẻm Hoa Lan là một trong muôn vàn hẻm phố như vậy ở Sài Gòn.
Sài
Gòn 20.11.2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét