Đã bao lần tôi phải viết lời chia tay xót xa với những công trình văn
hóa ở Sài Gòn –không chỉ là những kiến trúc đẹp mà nó còn đẹp hơn trong ký ức rất
nhiều người Sài Gòn, bởi ở đó là kỷ niệm, là hồi ức, là tuổi thơ, là một phần đời
đã qua…
Cà phê Givral trên đường Đồng Khởi - con đường nổi tiếng nhất trong những con đường
đẹp, buôn bán sầm uất và có tuổi đời xưa nhất của Sài Gòn - vài năm nay được nhớ đến bởi ca khúc “Vĩnh biệt
Givral” – C’est fini Givral mỗi khi vang lên làm cho bao người Sài Gòn rưng
rưng nước mắt. Khi dự án xây tòa nhà Vincom B ở vị trí khu Eden được công bố,
dư luận đã lên tiếng đề nghị được giữ lại Givral ở đúng vị trí cũ như lưu giữ một
di tích lịch sử. Sau khi tòa nhà Vincom B khánh thành, Cà phê Givral được giữ lại
ở vị trí đó như lời hứa nhưng nhiều người rất thất vọngvì trang trí nội ngoại thất
của Givral hầu như không còn chút gì của một thời nổi tiếng. Rồi, dù thất vọng cũng
đành chấp nhận, vì ít nhất cũng còn lại cái tên cũ. Nhưng giống như ngọn đèn dầu
vụt sáng lên trước khi tàn lụi, không bao lâu sau do những điều kiện khó khăn
mà Givral mới lẳng lặng biến mất không hy vọng có ngày hồi sinh.
Cùng với quán cà phê Givral là hành lang (passage)
Eden với các phòng chiếu phim và khu thương mại sầm uất - một trung tâm văn hóa
với những sinh hoạt đặc trưng của đô thị kiểu Pháp: quán cà phê, hiệu sách ngoại
văn, cửa hàng đồ lưu niệm và hàng tiêu dùng cao cấp, rạp phim sang trọng… Tất cả
hòa hợp với nhau, là một không gian văn hóa góp phần tạo nên diện mạo và tính
cách của đô thị Sài Gòn. Khi trung tâm thương mại mới mọc lên ở chỗ ngày xưa là
passage Eden “thần thánh”, cùng với thái độ đón nhận một công trình thương mại
hiện đại và nguy nga, nhiều người Sài Gòn vẫn không nguôi nhớ tiếc không gian văn
hóa công cộng độc đáo trước đó, nơi đậm đàbản sắc riêng và thân thiện biết bao với
cộng đồng !
***
Những ngày cuối tháng mười một này nhiều người
đã đến một ngõ nhỏ trên đường Hai Bà
Trưng để chia tay với Hanoi Cinematheque – địa chỉ văn hóa quen thuộc từ nhiều
năm nay của người Hà Nội. Quen thuộc không chỉ vì đến đó có thể xem những bộ
phim hay và gặp nhiều nhân vật nổi tiếng của điện ảnh Việt Nam mà ở đó còn có sự
hấp dẫn của một quán cà phê và ngôi biệt thự khá đẹp còn sót lại sau bao thăng
trầm của “phố Tây Hà Nội”.
Tòa nhà nơi Cinémathèque tọa lạc tuy quy mô khiêm tốn nhưng là một trong
những viên ngọc còn lại của kiến trúc Hà Nội với những lan can theo phong cách
Art Déco, quán café và cây ngọc lan cổ thụ, khoảng sân vườn xinh xắn… như một ốc đảo yên bình hiếm hoi ngay giữa trung
tâm thành phố luôn ồn ào và náo nhiệt. Nhiều
ý kiến của giới văn hóa Hà Nội đã cho rằng: không gian văn hóa này (bao gồm kiến
trúc ngôi biệt thự, hoạt động chiếu phim, ẩm thực gắn với sinh hoạt văn hóa) cần
được nghiên cứu giải pháp bảo tồn vì nó đã trở thành một phần của lịch sử xã hội
đương đại Hà Nội, góp phần làm cho văn hóa đô thị Hà Nội đa dạng hơn.
Thay vì đập bỏ toàn bộ công trình hiện nay như phương án của nhà đầu tư,
vẫn có thể thực hiện sự tích hợp hài hòa về kiến trúc giữa ngôi biệt thự cổ và
sân vườn xinh xắn với trung tâm thương mại hiện đại sắp được xây dựng. Nếu
phương án này được thực hiện sẽ tạo ra một bước chuyển quan trọng trong chính
sách bảo tồn của một đô thị nhạy cảm về văn hóa như Hà Nội. Đây cũng là kinh
nghiệm của nhiều thành phố trên thế giới trong việc cố gắng duy trì sự cân bằng
nhất định giữa hiện đại hóa và bảo tồn để phát triển bền vững.
Nhưng, có vẻ như những ý kiến đáng được xem
xét ấy đang rơi vào vô vọng. Hanoi Cinematheque đã bị đóng cửa, toàn bộ khu đất
nghe nói nhất định sẽ biến thành trung tâm thương mại đồ sộ ngay tại khu vực Hồ
Gươm, sát cạnh Tràng Tiền Plaza – công trình trước đây bị dư luận phản đối dự
án cao tầng nên đã phải xây dựng “tương tự”như cũ.
Ở Hanoi Cinematheque từng nhiều lần chiếu bộ phim nổi tiếng của đạo diễn
Trần Văn Thủy “Chuyện tử tế”. Trong khái niệm tử tế mà đạo diễn bộ phim và rất
nhiều người chia sẻ chắc chắn có cả việc đối xử tử tế với các di sản. Cho dù Hà
Nội đang lưu giữ được khá nhiều di tích của các triều đại lịch sử, cho dù Hanoi
Cinematheque chưa phải là “di tích văn hóa” thì cũng không được phép quên điều
này: mọi di sản đều phải bắt đầu từ một công trình văn hóa tử tế và được các thế
hệ đối xử một cách tử tế. Theo đà phát triển của thời đại mới, chúng ta chắc rồi
sẽ còn phải nói lời chia tay với một, hai hay nhiều hơn những gì xưa cũ gắn liền
với ký ức của các thế hệ.
Không phải cái gì cũ cũng đều quí. Nhưng chắc chắn cần
đến trái tim và cái đầu để biết trong những cái xưa cũ đâu là giá trị không cân
đếm được bằng tiền nhưng là vô giá về tinh thần với nhiều thế hệ. Và, chỉ như
thế, khi phải nói lời chia tay với một cái gì đó dã qua, người ta có thể không
tránh được bâng khuâng, nhưng sẽ không đau đớn vì ký ức bị coi rẻ ./.
Nguyễn Thị Hậu
Sài Gòn 1.12.2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét