TẢN MẠN VỀ ĐƯỜNG THÀNH PHỐ




Nguyễn Thị Hậu (Lifestyle 11/2012)

Đường thành phố rất khác đường ở làng quê. Hẳn rồi.
Này nhé, đường làng nho nhỏ như những lối mòn uốn lượn chạy giữa những mảnh vườn những ngôi nhà... Đường thành phố thì thẳng tắp rộng rãi “đường ta rộng thênh thang tám thước”, sau này khi “tám thước” đã lạc hậu, người ta sửa lại “đường ta rộng thênh thang ta cứ bước”, nghe mới hùng dũng làm sao!
Đường thành phố tráng nhựa bằng phẳng, trời nắng hun nóng bỏng đố ai dám đi chân không.  Đường thành phố hay bị đào lên xới xuống lắp đặt nay ống nước mai ống điện mốt cáp quang... thành ra mặt đường nham nhở, lớp nhựa mỏng phủ lên lớp cát đá vá víu qua loa được vài hôm thì lở loét. Còn đường làng lồi lõm, phân trâu bò vương vãi khắp nơi nhưng đất cát pha mịn màng nén chặt, đi chân đất mát rượi. Người ở phố về, chỉ cần bỏ dép đi chân không trên đường làng thì bao nhiêu mệt nhọc bao nhiêu bức bối đều tan biến.
Đường thành phố có vỉa hè lót gạch con sâu hay gạch men màu sạch sẽ, lề đường là những viên đá xanh bó vỉa gọn gàng hay tráng xi măng thoai thoải tiện xe lên xuống, mặc dù có khi chỉ vài bữa là long tróc khập khiễng. Còn vệ đường làng là cỏ xen lẫn cây mắc cỡ... sáng sớm ướt sương trưa nắng hăng hắc mùi cây cỏ. Đây là “vương quốc” của đám châu chấu cào cào... nên người ta không đi sát vệ đường mà cứ giữa đường mà bước.
                   Đường làng hai bên là hàng rào râm bụt hay dây tơ hồng, lòng chợt bình yên khi gặp người quen, chào hỏi chuyện trò như người trong nhà. Rảnh thì ghé vô nhà bác Hai cô Ba trò chuyện vài câu. Nghe ai đó hú một tiếng thì bước qua hàng rào mà vô làm một ly cho ấm bụng... Đường thành phố mặt tiền là những cửa hàng cửa hiệu sang trọng, quán cóc lề đường chợ tạm lúc nào cũng nhấp nhổm vội vã cuống quýt... Giữa phố đông người vẫn “thấy đời mình là những quán không”. Chẳng chào hỏi ai nhưng thấy người đi xe chưa gạt chân chống vẫn đuổi theo nhắc một câu rồi phóng đi không đợi lời cám ơn.     
Đường thành phố có nhiều ngã tư ngã năm ngã sáu... đèn xanh đỏ liên tục, bùng binh xoay tròn, xe chảy qua như nước. Phải chờ đúng đèn xanh mới được qua đường, nếu không rất dễ gặp tai nạn. Chỉ cần mỗi bên lấn trước đèn vài giây thôi thì kẹt xe xảy ra chắc chắn, không dễ “giải tỏa” chút nào. Lần nào thoát khỏi đám kẹt xe ta cũng thấy hình như chưa bao giờ hạnh phúc như lúc ấy.
Đường làng làm gì có lề phải với lề trái, làm gì có vạch vôi phân làn. Không thích đi bên này thì qua bên kia. Xe máy mà chạy trên đường làng thì lo mà... tránh người đi bộ đang ung dung “đường ta ta cứ đi”. Nhưng khi đằng trước là chú trâu hay mợ bò đủng đỉnh bước thì đi bộ hay đi xe cũng đành nép vào vệ đường mà vẫn sợ cái đuôi dính đầy phân đang ve vẩy, sợ cặp sừng cong vút húc vào người. Thôi thì... nhường, trâu bò có biết tránh ai bao giờ?
Đường thành phố thường có dải phân cách bằng inốc, bằng bê tông ngăn giữa hai chiều, nhất là gần giao lộ. Ấy là vì phía nào người ta cũng lấn sang bên kia để đi cho nhanh, chính vì vậy mà người đan vào nhau, xe này nối xe kia, bám sát, nhúc nhích lách từng khe hở. Tiếng động cơ, khói xăng, bụi bặm, cáu bẳn, kiên nhẫn, trách móc, chửi rủa... kiểu gì cũng phải chờ đợi, như chờ ông Bụt hiện lên hô “biến” cho hết kẹt xe. Thỉnh thoảng có người trèo qua dải phân cách như vẫn tiện thể trèo qua hàng rào, bờ ruộng ở làng nhưng nhìn chung thói quen “đường ta ta cứ đi... lung tung” nhờ vậy được hạn chế phần nào. Đường thành phố khác đường làng thật!
Người thị thành có lối sống khác người (ở) làng, hẳn rồi, bắt đầu từ thói quen đi trên đường thành phố.

Nguyễn Thị Hậu và chuyện 30 chữ

SGTT.VN - Trong cuốn 101 chuyện 100 chữ, chỉ duy nhất có một truyện dưới 50 chữ, chính xác là 34 chữ (tính cả tựa), Haiku, vì lý do tác giả muốn làm thơ.
Cái công việc của người làm quản lý kiêm nghiên cứu tưởng đã không còn thời gian cho chị thở, vậy mà sáng sáng, trước khi vào họp hành hay ngập đầu trong tài liệu, thấy chị vẫn “đàn đúm” với “lũ” bạn tứ phương của mình: nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, dịch thuật, bán càphê, nội trợ… từ già đến trẻ. Có lẽ vì vậy mà chị bỗng dưng thích viết, cao hứng viết và suýt nữa thì… làm thơ.
Tác giả truyện ngắn Haiku Nguyễn Thị Hậu
Cái truyện 34 chữ nó thế này:

Haiku.
Bạn bè nó toàn là những nhà thơ. Ngày kia nó cũng tập mần thi.
Tập riết, mần chỉ được ba câu. Đọc đi đọc lại, nó sung sướng nhận ra
Thơ Haiku! (trang 77)

Đây là truyện ngắn nhất cũng là “Hậu khảo cổ” nhất (nickname bạn bè đặt cho chị). Thơ Haiku là bài thơ mà chị chợt nhận ra mình, chỉ thu gọn 100 chữ thôi chưa đủ, thu xuống còn 30 chữ, rồi còn lại hai chữ (tuy đọc thành ba âm). Rồi cuối cùng là thinh lặng.
Sự im lặng của Hậu khảo cổ, sẽ là giây phút vô ưu nhất, như nụ cười hồn nhiên của chị. Mà không chỉ hồn nhiên cười, còn hồn nhiên nói, hồn nhiên diễn đạt tất cả những tự vấn của mình trước xã hội, con người bằng một thứ ngôn ngữ dễ chịu nhất. Để cho nhẹ lòng, để tránh làm tổn thương một trái tim người, dù mình đã bị tổn thương bởi chính sự mẫn cảm của một trái tim đàn bà, giàu trải nghiệm nhưng vẫn hồn nhiên yêu.
Đọc 101 chuyện 100 chữ, tự dưng muốn nhìn lại mọi thứ xung quanh, và cố mô tả nó rõ ràng trong 100 chữ như Hậu khảo cổ vậy. Dù đang băn khoăn đếm chữ, vẫn nhận ra, điều hệ trọng nhất đời mình, chính là giây phút nhìn lại và gói gọn trong 100 chữ.

Ngân Hà
http://sgtt.vn/Van-hoa/172515/Nguyen-Thi-Hau-va-chuyen-30-chu.html

Nhiều biển nhưng "máu" đất vẫn nặng (Tia sáng 19/11/2012))

http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=115&News=5880&CategoryID=41

Nguyễn Thị Ngọc Hải thực hiện 

TS Nguyễn Thị Hậu

Nhân sự việc ngư dân Quảng Ngãi đổ xô trục vớt cổ vật từ con tàu đắm do họ tình cờ phát hiện mới đây trong lúc mò hải sản, TS Nguyễn Thị Hậu - Viện phó Viện nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh, cũng là một nhà khảo cổ học, có cuộc trò chuyện về khảo cổ học biển đảo.

Là người trong ngành, chị nghĩ gì về sự việc ngư dân Quảng Ngãi tranh nhau lặn biển lấy đồ cổ?

Phần lớn những con tàu đắm đều do ngư dân làm ăn bám biển phát hiện ra. Đến nay mình đã khai quật được năm con tàu đắm ở vùng biển Việt Nam. Dù là khảo cổ dưới nước hay trên bờ, quan trọng là nghiên cứu di tích cả nơi đó chứ không chỉ là moi được cổ vật đem lên.

Trên báo, một vị lãnh đạo Viện Khảo cổ đã trả lời phỏng vấn là do “Ba không” (không tiền, chuyên gia, máy móc) nên khảo cổ học dưới nước chẳng thể đáp ứng gì. Chị thấy có đúng không, những khó khăn ấy thì ngành nào chả có?

Riêng với khảo cổ học dưới nước là đúng… Hiện nay khai quật trên bờ vẫn dùng sức người là chính. Máy móc chủ yếu ở phòng thí nghiệm, ít có ở hiện trường. Mà khảo cổ dưới nước không có tàu và máy móc chuyên dùng thì không làm gì được cả.

Nhưng ngư dân chỉ “lặn vo” cũng xuống tha hồ vớt lên được đồ gốm sứ cổ đó thôi?

Thế mới làm vỡ bao đồ gốm, phá hỏng bao nhiêu di tích. Không phải nước nào có nhiều biển cũng phát triển được khảo cổ học dưới nước vì khi đầu tư người ta phải nghĩ tới hiệu quả, lợi nhuận. Tôi được biết một số quốc gia ven Địa Trung Hải đã đầu tư lớn để nghiên cứu khảo cổ những đô thị cổ xưa chìm dưới nước. Không phải là “khai quật” bê chúng lên bờ, mà họ trùng tu, bảo dưỡng rồi đặt trở lại vị trí cũ của nó dưới biển, giữ nguyên hiện trường khảo cổ để khai thác du lịch, một nguồn thu vô tận. Một số quốc gia Đông Nam Á cũng phát hiện nhiều tàu đắm, họ thuê công ty trục vớt. Nước mình không có chuyên gia đi liền với máy móc, phương tiện mới.

Đất nước ta nhiều biển đảo, nhưng gần đây do phải đấu tranh chủ quyền người dân mới hiểu biết sâu sắc... Đây có là vùng quan tâm mới của khảo cổ học không?


Phải tiếp tục quan tâm hơn nữa cho xứng tầm vấn đề. Nghiên cứu làng biển, văn hóa ven biển, các đảo Việt Nam… Khi nói văn hóa Việt, chúng ta chỉ nhấn mạnh văn minh lúa nước. Mình nghiên cứu biển quá chậm. Nếu nghiên cứu lịch sử, người Việt di dân vào Nam, mang theo văn hóa sông Hồng, văn minh lúa nước nhưng đã có sự biến đổi, “tâm thức biển” đã khác so với đồng bằng sông Hồng. Ngay về ẩm thực cũng biểu hiện văn hóa vùng miền. Trong các món ăn lâu đời mang tính truyền thống của người miền Trung, miền Nam, đồ biển, tôm cá rất thịnh hành. Trong khi ngày xưa ở Bắc, mực khô cá khô là đặc biệt. Cá tươi chê tanh. Có lẽ chỉ có một hải sản “vua” là cua bể vào được ẩm thực cả ba miền, tham gia được vào mâm cỗ truyền thống miền Bắc (xưa kia cỗ có nem cua bể là sang). Văn hóa cư dân ven biển đóng góp cho văn hóa Việt, từ cách thức sinh hoạt làm ăn trên biển cho đến tâm thức họ gắn bó với biển chả khác nào người nông dân gắn bó với đất. Khai thác biển sẽ khó khăn nếu không có chiến lược như khai thác đất.

Nước ta nhiều biển, vậy mà sao nghề biển cũng như mọi thứ liên quan đến biển đều phát triển chậm?

Đúng là chưa có đầy đủ điều kiện nghiên cứu văn hóa biển. Thời kỳ chiến tranh, chỉ nghiên cứu những gì có trong tầm tay, trong đất liền. Nhược điểm chung: “máu” đất vẫn nặng. Văn hóa truyền thống đồng bằng Bắc Bộ chi phối. Ngay lứa người khai sáng nghiên cứu lịch sử - văn hóa cũng chỉ có được vài vị để ý biển, phát hiện vấn đề, đánh động cần nghiên cứu biển như các vị: Cao Xuân Phổ, Trần Quốc Vượng, Phạm Đức Dương… Xã hội vẫn phổ biến tâm thức đồng bằng. Nhiều câu hay nói như “Vững tay chèo ra biển lớn”, “Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn” dù là “quyết tâm chính trị” hay để ví von, vẫn lộ ra một tâm thức không coi biển là biển, mà dường như biển vẫn mang dáng vẻ của cái ao (làng).
Xin cảm ơn chị.

NHỮNG LÀNG GỐM CỔ




Tạp bút, Nguyễn Thị Hậu

Lâu rồi tôi mới có dịp trở lại những làng gốm một thời nổi tiếng: Phù Lãng, Thổ Hà, Bát Tràng, Đông Triều... Các “làng gốm” đã thay đổi theo hướng đô thị hóa: đường làng xây bê tông sạch sẽ, lò nung nhỏ phổ biến thay thế các lò nung bằng củi, than truyền thống, nhà xưởng khang trang, cơ ngơi đàng hoàng, sản phẩm phong phú với những mẫu mã khá hiện đại... Khắp nơi là cửa hàng cửa hiệu của những chủ lò gốm là người làng cũng có mà của người nơi khác đến đây thuê mặt bằng bán hàng cũng có. Tính chất thương nghiệp đã/ đang lấn dần tính chất làng nghề của những làng gốm cổ.
Quy trình sản xuất gốm men xanh trắng, men màu ở Bát Tràng, Đông Triều đã hiện đại hóa từ khâu tạo dáng đến lò nung. Men “công nghiệp” thay thế hoàn toàn chất liệu men truyền thống, hoa văn “dán” decan phổ biến hơn vẽ tay. Dù có vẻ rực rỡ hơn nhưng không có độ sâu của màu men và hầu như không còn những chi tiết “ngẫu hứng” của người thợ trên từng sản phẩm thủ công như ngày nào. Vì vậy làm mất dần sự độc đáo của sản phẩm qua loại hình, hoa văn, màu men, chưa kể nhiều sản phẩm bán tại đây được sản xuất từ nơi khác. Đến chợ gốm ở đây có thể nhìn thấy những đồ gốm cũng có ở nơi khác, thậm chí có cả ở nước ngoài. Tuy vậy cần ghi nhận sự đa dạng của sản phẩm gia dụng đã đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Đồng thời, việc sản xuất hàng loạt và tính chất “thương nghiệp” đã góp phần mang sản phẩm của làng nghề đi xa hơn.
Những làng “gốm sành” vẫn giữ được sự độc đáo bắt đầu từ việc “bảo lưu” chất liệu: đồ sành mộc không vẽ men màu, không nhiều chi tiết trang trí. Chỉ màu nâu sành đã bao nhiêu sắc độ khác nhau, những giọt men sành đọng lại đầy ngẫu hứng. Vẫn phương pháp thủ công với bàn xoay và dụng cụ giản đơn, sản phẩm không chỉ là chum vại, tiểu sành hay vài loại đồ gia dụng xưa cũ mà đã có nhiều sản phẩm mỹ nghệ như tranh gốm, bình hoa, đèn trang trí… Trên bức tường rêu xanh của nhiều “xưởng” gốm treo những bức phù điêu, tượng nhỏ... trông thật có hồn hơn khi chúng là những sản phẩm lưu niệm trong các cửa hàng mỹ nghệ sang trọng trên thành phố.  Tài năng người làm gốm ở đây, mà sự độc đáo khác biệt của mỗi nhà sản xuất cũng ở đây. Sự kết hợp giữa những người nghệ sĩ và người thợ làm gốm đã làm cho làng sành hồi sinh.
Đi dọc đường làng hai bên là những bức tường xây bằng bao nung, bằng tiểu sành phế phẩm phủ dây mướp mềm mại thấp thoáng hoa vàng mang lại cho làng gốm vẻ cổ xưa, tôi chợt nhớ câu chuyện trong một cuốn sách về gốm cổ: loại men rạn đặc biệt có được bắt đầu từ một ‘sự cố” của lò nung... Bạn hỏi sao nghề của tôi lại thích thú với sản phẩm bị hư hỏng? Đó là vì khi quan sát những phế phẩm do lỗi kỹ thuật chúng ta sẽ biết công nghệ, quy trình sản xuất, từ công đoạn tạo dáng, tráng men, tạo hoa văn, đến sửa sang, chồng lò, nung và hoàn chỉnh sản phẩm... Vài trăm năm nữa mà “đào bới” ở đây thì có khối hiện vật! Chứ sao nữa, làng gốm Chu Đậu từng rực rỡ hồi thế kỷ XV – XVI nay đã trở thành khu vực khảo cổ gốm sứ nổi tiếng của nước ta. Nhưng tại sao lại cần vài trăm năm nữa khai quật lại, khi mà bây giờ có thể giữ gìn lò gốm này, lưu giữ những sản phẩm này cho đời sau? Tại sao các làng gốm không hình thành ngay một bảo tàng làng nghề? Trên thế giới đâu thiếu những bảo tàng như thế!
Với quan niệm mới “du lịch là ngành công nghệ di sản”, những làng gốm này có thể phát triển lọai hình du lịch giới thiệu giá trị di sản văn hóa của địa phương. Những cơ sở sản xuất gốm sứ dân dụng và mỹ nghệ là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngòai nước, đối với người có nhu cầu tìm hiểu về gốm sứ Việt Nam. Giá trị của làng gốm không chỉ là sản phẩm chất lượng cao được xuất khẩu đi nhiều nơi trên thế giới, là sản phẩm mỹ nghệ có mặt khắp mọi miền đất nước, mà là làng gốm còn bảo tồn ngay trong nó tính truyền thống và tính độc đáo. Đó chính là di sản văn hóa phi vật thể - bên cạnh di sản vật thể là những sưu tập gốm sứ, sành, đất nung… đang được nhiều bảo tàng và nhà sưu tập lưu giữ. Sự kết hợp giữa bảo tồn văn hóa vật thể và phi vật thể trong “du lịch và gốm sứ” thể hiện mối liên hệ mật thiết giữa phát triển kinh tế và giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống.


(báo Thanh Niên 18/11/2012)

Sài Gòn có mùa đông không...?


Lâu lắm mới có một buổi sáng thong thả cà phê như thế này để thưởng thức "mùa đông đã đến trong thành phố" :)

Lan man với những hạt bụi thính

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2012-11-09-lan-man-voi-nhung-hat-bui-thinh

Mình cực thích bác này viết về ẩm thực - viết về (cái. món) ĂN mà như viết về (cách, lối) SỐNG :)

Tác giả: Ngữ Yên

Thính đã nâng những con cá ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc, thành món ăn dân dã, nhưng đầy ắp cái ngon, vị thơm của những người biết thưởng thức mắm. Mắm đánh bóng thương hiệu của Lập Thạch. Cái mùi nướng của món cá thính đã lan rất xa.
Thính, như những hạt bụi hoá kiếp nào thân cá, thân thịt, thân tép, thân tôm..., tạo nên nét "đẹp" tinh tế trong ẩm thực Việt. "Đẹp" trong ẩm thực là vào bực trên cả ngon. Nên xin vong hồn Trịnh Nhạc sĩ thứ cho cái tội nhại đoạn bài hát "những hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi".
Thầy Lê Quang Trí, trường Đại học Công nghệ Thực phẩm, nói: "Nó giúp quá trình lên men. Nó bổ sung vi chất giúp protein, ví dụ, của những con tôm Gò Công, chuyển hoá thành acid amin."
Và thính thành công trong chuyện gây men, thính hạnh phúc. Có những thứ men bất hạnh vì bị phủ định, bị vùi dập, bị qui chụp.
Thính đã nâng những con cá ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc, thành món ăn dân dã, nhưng đầy ắp cái ngon, vị thơm của những người biết thưởng thức mắm. Mắm đánh bóng thương hiệu của Lập Thạch. Cái mùi nướng của món cá thính đã lan rất xa.
Thính như một thứ thi vị
Mắm là khí chất của ẩm thực Nam bộ. Nhà văn Nguyễn Trọng Tín có thể ngồi nói chuyện hằng buổi về mắm. Rồi có ngày, ông còn cất công chọn cá, làm cho bạn bè nghe giảng đạo mắm miền Tây của ông mỗi người một hũ.
Tôi cũng thường làm mắm. Độ này chợ Thái Bình bỗng rộ lên nghêu. Mỗi lần đi ngang, bà bán nghêu đều than ế, năn nỉ mua. Nghêu đã chẻ sẵn, về chỉ cần cân lượng muối hột cho vào, vài ngày sau là vớt ra cho ráo, trộn với thính, và chờ mắm chua.
Lười rang gạo, phải ra chợ mua món gì đó ở đằng hàng có món bì thính, bà bán hàng mới chịu để cho bịch thính.
Mắm là quãng đời thơ ấu của thuở tát đìa. Của mùa nước nổi. Của cá linh từ Campuchia theo con nước về, mê mải chơi tràn theo con nước vào vùng tứ giác Long Xuyên. Của bông điên điển.
Ấy vậy nên năm nay miền Tây buồn tênh, vì nước không thèm về. Nước bận chu du tận bờ Đông nước Mỹ, theo chân cuồng phong Sandy. Thơ ấu cũng không có cớ để về.

Nem phùng ở quán bia hơi Hà Nội tại Sài Gòn. Ảnh: Trần Việt Đức
Nói thính chợt nhớ đến bia hơi Hà Nội ở Sài Gòn. Trung tâm thành phố chỉ có độc quán. Ở đây chấm nhất chỉ có mỗi món nem Phùng nhâm nhi bia hơi (chấm bét là chó chặt, vừa dở vừa mắc). Cái thần tạo nên nem Phùng là thính.
Để tạo danh của một món thời trân nào đó, người ta bèn gắn với chữ "tiến". Nên có thông tin nem là món tiến từ thời Trần định đô đất Thiên Trường, cái triều đại mà ái tình, ái ân loạn cào cào, loạn luân lung tung phèng. (Không biết cái câu "ông ăn chả, bà ăn nem" có phải xuất phát từ thời đó không nữa?).
Cỡ nụ hôn của tên "đồ tể" văn hoá tạo oán cho hai tăng sĩ vừa rồi đã ăn thua gì. Chỉ đáng xách dép cho chị Hai nhà Trần - Thiên Cực công chúa Trần Nhị Nương. Nhưng chẳng thấy đời sau dị nghị mấy so với nụ hôn mất dạy kia. Là do sử Việt viết về vua chúa sạch sẽ quá. Sạch đến độ sử gia Tạ Chí Đại Trường trong cuốn Sex và triều đình, phải thốt lên: bọn sử quan đã xoá gần sạch dấu vết của cái sự lang chạ, lăng loàn trong cung qua các triều đại.
Trở lại với món tiến, có cả một bộ sưu tập món tiến. Có thứ tiến cũng thành cách mạng. Như Mai Thúc Loan tiến vải... Thanh Hoá (???) sang phương Bắc. Gì cũng tiến. Ông bạn nghe nói "gì cũng tiến" lắc đầu: "Vua chúa mà ăn món tiến tao chết liền. Sợ vướng phải thuốc độc mạn tính chết dần."
Bỏ qua cái vụ nem Phùng là món tiến vua, phải nói nem Phùng ngon nhờ cái duyên của thính. Còn phải kể độ công phu của sợi bì xắt. Thêm cái vị chát của lá sung. Chỉ tiếc cái đinh lăng chẳng thơm, nói theo kiểu miệt ngoài, "tí ti ông cụ nào".
Thính vừa làm nem chua bên trong, lớp thính bên ngoài lại tạo ngọt nhờ gạo là gốc bột đường (carbon hydrat); thơm, béo, do rang vàng. Vị chua mặn một chút từ trình độ ngon tới đâu của tương nước chấm.
Bê thui Sài Gòn
Sài Gòn thính còn góp phần làm nên danh của bê thui. Bây giờ thì dễ thở rồi. Hồi xưa mà ăn bê thì phải tội ăn sức kéo (được qui hoạch), có khi lâm vào vòng lao lý. Bây giờ đi qua các đường phố thỉnh thoảng thấy con bê được xiên dọc thân từ cổ ra sau đuôi, đặt trên hai cái trụ, bên dưới là cái thùng phuy cắt làm đôi theo chiều dọc để ngửa lên đựng than hồng.
Bê được quay trên bếp lửa ấy cho tới khi vàng lườm. Dân Sài Gòn còn có kiểu quay bằng đèn khò thường gặp ở miệt Bình Chánh, khu Bình Hưng Hoà. Đất ở đây vượng hoả, lại nặng về âm. Ngày nào cũng có lửa thiêu.
Trở lại, để chấm công trạng rạch ròi, bạn nên ăn thử bê thui không thính. Ghi nhớ. Rồi chăm chút ngâm miếng bê thui tiếp theo vào mắm nêm có pha tương, sả, rồi lăn vào trong chén thính rang đạt màu vàng rơm. Ăn.

Bê thui ở Gò Vấp, một địa chỉ bình dân nổi tiếng. Ảnh: Trần Việt Đức
Tự thân thính thì ngửi chỉ có mùi thơm. Vậy mà khi quyện vào miếng thịt bê thui thì sự cộng hưởng thập phần bá đạo. Nhưng cũng chưa đủ đô. Phải rau diếp, chuối chát, khế mà quạ ngày xưa từng ăn xong trả vàng ấy. (Chẳng là, bọn quạ kêu khào khào cả ngày, chúng phải chơi khế chua cho thông cổ, mới bõ công trả vàng).
Phải không được thiếu cái vỉa hè nữa. Bắt hơn nữa là vỉa hè bên bờ kinh Nhiêu Lộc-Thị Nghè. Vì cái cảnh sông nước nó ám vào mỗi một cư dân có vô thức tập thể về tiến trình khẩn hoang. Về đời lưu dân. Lưu phải trên một dòng chảy. Lưu phải ở ngoài đường, mở tâm thức ra với trống trải.
Bên bờ kinh buổi sáng, phải chọn phía đường Hoàng Sa. Không đâu lý tưởng hơn Bò Ba Chuông (đừng lộn với Nhà thờ Ba Chuông). Bê thui và các loại món từ bò. Đến đây là nhâm nhi thuần thành, chuyên tâm, vì không có em phục vụ nào ở quán này để lo ra. Chỉ có gió, thỉnh thoảng, từ dòng kinh. Gió có mùi, nhưng lại thổi theo hướng về đường Trường Sa.
Cũng không thể không nói đến bì thính. Dân Sài Gòn thường ăn sáng thường chọn cơm tấm bì. Bì với một ít thịt trộn thính ăn cơm tấm với chén nước mắm, pha mặn mặn ngọt ngọt thoảng chua, ngon lắm. Các tiệm cơm tấm bì hơn nhau chỉ ở mỗi món nước chấm.
Vậy mà hồi mới vào Sài Gòn, tôi bị sốc với cái gọi là cơm tấm. Vì ở quê, thứ gạo này là loại lọt sàng xuống nia, chỉ cho heo ăn. Bây giờ mới biết ăn cơm tấm. Lại trở giọng, lâu lâu nghe nông dân bị ép giá lúa do gạo 5% tấm mất giá, bèn chửi đổng cái bọn nước ngoài không biết ăn cơm tấm để mua gạo tỉ lệ tấm càng cao với giá cũng càng cao.
Một phong cách sử dụng thính khá lạ đời là cho thính vào canh. Dân xứ Nghệ khi nấu canh rau hoặc canh măng, thường sau khi nấu xong, nêm nếm đủ, họ cho thính vào. Đang lang thang Sài Gòn tìm thử món ăn có thính này, nhưng chưa ra...

Sài Gòn với nền kinh tế vỉa hè

http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/tuanvietnam/95746/sai-gon-voi-nen-kinh-te-via-he.html


Được nhiều người coi là "miền đất hứa", TP. Hồ Chí Minh cũng phải đối mặt với những khó khăn, phức tạp mà một phần không nhỏ đến từ những người lao động phi chính thức.
LTS: Vấn đề nhập cư đối với các thành phố lớn như Hà Nội, Tp. HCM, Đà Nẵng luôn đóng vai trò quan trọng và thường gây ra các tranh luận, ý kiến trái chiều.
Với riêng thành phố Hồ Chí Minh, người nhập cư đã tạo nên một phần diện mạo cho mảnh đất 10 triệu dân này. Một cái nhìn tổng thể về lịch sử nhập cư, cũng như những đặc thù, tác động mang tính xã hội của đối với Tp. HCM sẽ có thể hữu ích để thiết lập nền tảng cho các chính sách nhập cư.
Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của TS Nguyễn Thị Hậu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM, xung quanh vấn đề trên.

Quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa mở rộng đô thị, ruộng đất làm nông nghiệp bị thu hẹp, áp lực việc làm ngày càng lớn đối với lao động nông thôn, người di cư ra thành phố càng đông đúc. Số người này nếu không có vốn, không được học nghề do không đủ trình độ học vấn, không kiếm được việc làm dù là giản đơn trong các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN) thì không còn sự chọn lựa nào khác là trở thành lao động phi chính thức ở nhiều khu vực kinh tế.
Nền kinh tế chủ yếu của Việt Nam nói chung và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng là nông nghiệp. Với đặc trưng cơ bản của cơ cấu thời gian mang tính thời vụ, vì vậy thời gian "nông nhàn" cũng là thời gian người nông dân tận dụng để kiếm thêm thu nhập từ họat động kinh tế phi nông nghiệp, lên thành phố kiếm việc làm thêm là khá phổ biến.
Cùng với việc ruộng đất bị thu hồi hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng cho các KCN - KCX hay những công trình khác, hiện nay có thể nói, nông dân là lực lượng "tiềm năng" của lao động phi chính thức tại các đô thị.
Chỗ trũng
Ở Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh lao động phi chính thức là thực tế khách quan tồn tại ngay từ lúc đô thị được hình thành, ngày càng phát triển mạnh mẽ và đa dạng do những nhu cầu nội tại của đời sống đô thị.
Trong thời kỳ đô thị trung cổ các ngành kinh tế hầu không có sự phân biệt giữa "chính thức" và "phi chính thức", nhưng từ khi hình thành các đô thị thời cận đại vào cuối thế kỷ XIX ở Sài Gòn - Bến Nghé đã đồng thời làm hình thành và tách biệt hai khu vực kinh tế này. Sự thành lập những nhà máy, công sở, cơ sở dịch vụ công như bệnh viện, trường học... ở Sài Gòn thời Pháp thuộc tuy số lượng không nhiều nhưng cũng đủ để hình thành một tầng lớp xã hội "làm công ăn lương", làm việc theo những luật lệ "hành chính" về giờ giấc và nhiều yếu tố khác. Có thể coi đây là sự hình thành tầng lớp "thị dân" - cư dân sống ở đô thị và làm những nghề nghiệp của đô thị, có lối sống thị dân khác với những người lao động khác ở thành phố.
Khu vực "kinh tế chính thức" tập trung ở trung tâm hành chính - quận 1, quận 3 hiện nay. Còn lại các khu vực khác của Sài Gòn - Chợ Lớn là nơi phát triển thương nghiệp dịch vụ, xóm lao động, vùng Gia Định chủ ýếu là nông nghiệp... Khu vực kinh tế "phi chính thức" bao quanh khu vực "kinh tế chính thức" là hạt nhân của đô thị, là "vùng lõi" của quy hoạch kiến trúc thành phố. Đặc điểm này xuyên suốt sự phát triển của đô thị Sài Gòn từ cuối thế kỷ XIX đến nửa cuối thế kỷ XX.
Sài Gòn còn trải qua một thời gian dài thời kỳ chiến tranh. Khác với Hà Nội (trong chiến tranh những người làm trong thành phần kinh tế chính thức - làm nhà nước - đều tản cư, sơ tán về nông thôn, hòa bình mới trở về thành phố, trong khí đó người làm kinh tế phi chính thức hầu như không bị bắt buộc đi khỏi thành phố), Sài Gòn lại là nơi người dân nhiều vùng nông thôn từ miền Trung, từ đồng bằng sông Cửu Long đổ vào thành phố.
Hầu như không có nghề nghiệp, không có hoặc ít vốn, họ tham gia vào lực lượng lao động phi chính thức bằng những công việc như buôn bán nhỏ lẻ, hàng rong, dịch vụ, lao động thủ công, chuyên chở bằng xe thô sơ... Địa bàn làm việc của họ, có thể nói khái quát, là "ngòai trời" gồm lòng lề đường, các công trường, chợ búa...
Sau năm 1975 một bộ phận người dân trở về quê quán, một bộ phận khác đi vùng kinh tế mới, khu vực việc làm phi chính thức thu hẹp. Cấu trúc kinh tế của thành phố chỉ còn "một thành phần" nên nhiều lọai hình kinh tế và việc làm ngòai quốc doanh trở thành "phi chính thức".
Khi kinh tế nước ta lâm vào thời kỳ khó khăn "trước đổi mới" và nhất là từ cuối những năm 1990 đến nay quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, thì thành phố lại như một "chỗ trũng" có thể dung nạp những dòng người "chảy" vào kiếm sống, phần nhiều tham gia vào hình thức "kinh tế vỉa hè".
Khu vực kinh tế phi chính thức càng mở rộng, phong phú đa dạng về lọai hình, cách thức họat động và ngày càng có đóng góp đáng kể phục vụ cho cuộc sống đô thị và cho sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên sự nhìn nhận của nhiều "người thành phố" đối với dân nhập cư, người bán hàng rong, trẻ đường phố vẫn có phần xem thường, thương hại, thậm chí họ còn bị coi là nguyên nhân chính làm cho thành phố chưa có nếp sống "văn minh đô thị".
Từ nông thôn mới lên hoặc sống ở thành phố chưa lâu, tầng lớp này được gọi chung là "dân nhập cư". Lâu dần sẽ trở thành / tham gia vào tầng lớp "dân nghèo thành thị" mà hiện nay dùng khái niệm mới là "nghèo đô thị". Địa bàn cư trú của những lao động này thường ở các huyện ngọai thành, quận vùng ven hay trong những khu hẻm sâu "nhà lá" ở các quận nội thành. Không có nghề nghiệp "được đào tạo" và không có điều kiện tiếp cận cơ hội đào tạo nghề nghiệp nên phần lớn lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức đều phải chấp nhận điều kiện làm việc kém, thu nhập thấp, không được hưởng quyền, nghĩa vụ lao động, quỹ phúc lợi xã hội, dịch vụ công ích...
Ở Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh lao động phi chính thức là thực tế khách quan tồn tại ngay từ lúc đô thị được hình thành
Đặc biệt số lượng phụ nữ tham gia vào khu vực kinh tế này khá lớn, từ "buôn gánh bán bưng" đến công nhân tại KCN - KCX, từ giúp việc nhà đến làm việc trong quán xá, từ thợ hồ đến thậm chí làm xe ôm... Lao động nữ mang một trách nhiệm như "thiên chức", đó là luôn hy sinh, chịu thiệt thòi vì gia đình.
Cũng như cả nước, TP. Hồ Chí Minh đã có khá nhiều hoạt động, tổ chức tương trợ đối với người lao động tự do, trẻ em đường phố, dân nhập cư. Thế nhưng, quy mô và hoạt động của những tổ chức này vẫn chưa thật sự tạo được sự tiếp cận sâu sát, kịp thời đến đối tượng này và quan trọng hơn là chưa lôi kéo họ cùng tham gia các hoạt động tương trợ.
Phần lớn người lao động phi chính thức chưa biết cách khai thác sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội mà vẫn thụ động, tự bảo vệ mình một cách kém hiệu quả. Với những đóng góp của lao động phi chính thức đối với xã hội và nền kinh tế hiện nay, việc thừa nhận vị trí, vai trò xã hội và tạo điều kiện cho họ thụ hưởng các dịch vụ công ích là điều rất cấp thiết.
Kinh tế vỉa hè
Thành phố Hồ Chí Minh phát triển từ đô thị Sài Gòn - Bến Nghé lớn dần lên, nối kết với các trung tâm khác là Chợ Lớn và Gia Định. Tốc độ đô thị hóa của Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh trong giai đọan lịch sử nào cũng rất nhanh, tuy nhiên phải nhìn nhận rằng hiện nay quy họach của nhà nước không theo kịp tốc độ phát triển của thành phố, việc xây dựng tự phát do người dân chưa có ý thức cao trong việc tuân thủ quy họach của nhà nước, sự tùy tiện phát triển các khu dân cư xen lẫn thương mại, khu sản xuất... là rất rõ.
Có thể dùng cụm từ "làng trong phố" để hình dung về tính chất văn hóa nhiều khu đô thị mới. Đây chính là địa bàn thuận tiện cho lao động phi chính thức phát triển: từ việc buôn bán trong những chợ "chồm hổm" "chợ đuổi"... đến một "nền kinh tế vỉa hè": buôn bán cố định/ di động, sản xuất, dịch vụ... Do cơ chế quản lý chưa phù hợp, "kinh tế vỉa hè" cũng "góp phần" làm cho thành phố còn nhiều nơi nhếch nhác, không mang dáng dấp của một đô thị văn minh hiện đại.
Việc sử dụng vỉa hè, lòng lề đường để kinh doanh, buôn bán, thậm chí sản xuất, làm các dịch vụ như giữ xe... còn xuất phát từ chính nhận thức của người dân. Nhiều người dân thành phố có quan niệm vỉa hè, lòng lề đường thuộc sở hữu của chủ nhà có mặt tiền đường. Và để có một chỗ buôn bán nhỏ lẻ ở vỉa hè trước mặt nhà không phải của mình đều phải được sự cho phép của chủ nhà và phải đóng một khoản tiền "thuê chỗ" hàng tháng.
Những năm gần đây, thành phố có chủ trương phát triển nhiều trung tâm để phân tán mức độ tập trung; ở nhiều quận do chưa hình thành các khu mua bán lớn nên lại bị phân tán theo các trục đường và lề đường. Quy hoạch khu hành chánh, trường học, chợ, cửa hàng... không theo khu vực "ô phố" đặc trưng của đô thị mà vẫn phân tán theo mặt tiền một số con đường chính nên làm việc gì người dân cũng phải "xuống đường". Và thực tế, loại hình kinh tế phi chính thức phổ biến nhất ở TP Hồ Chí Minh là buôn bán trên vỉa hè từ nhiều năm qua đã nhanh chóng đáp ứng nhu cầu mua - bán nhanh, tiện lợi với các loại hàng hóa giá rẻ. Và đây cũng là điều kiện thuận lợi để các hoạt động kinh tế vỉa hè có điều kiện nảy sinh và tồn tại.
Cùng với đó "Văn hóa mặt Tiền" trở thành "đặc trưng" mới của đô thị Việt Nam, từ thành phố lớn đến thị trấn hẻo lánh (Có lẽ không có nước nào mà dân cư lại có thói quen, nhu cầu và "đua nhau" ra sống cạnh mặt đường lớn, nhỏ như ở nước ta! Trong khi đó ở các nước thì mặt tiền vỉa hè là không gian công cộng, cần tuân thủ những quy định chung của thành phố, không được tùy tiện sử dụng theo ý muốn cá nhân).
Thói quen này dẫn đến nhiều hệ lụy: Thứ nhất, quy họach và quản lý kiến trúc mặt tiền các con đường trở nên khó khăn, thậm chí làm cho hình thức kiến trúc xấu, không đồng bộ dù tốn kém rất nhiều kinh phí để xây dựng hay cải tạo đường xá (đường Nam Kỳ khởi nghĩa từ sân bay Tân Sơn Nhất về trung tâm thành phố Hồ Chí Minh là  ví dụ điển hình);
Thứ hai, những đường cao tốc mới xây dựng lại không thể lưu thông với tốc độ cao vì rất nguy hiểm khi dân cư trú ngay hai bên đường, không có khoảng lùi an toàn và cảnh quan cần thiết,  làm giảm hiệu quả xây dựng và đầu tư;
Thứ ba, buôn bán vỉa hè, lòng đường, mặt tiền đường phố và phương tiện giao thông cá nhân có mối quan hệ mật thiết của "cung và cầu", xe cá nhân phát triển thì người sử dụng còn nhu cầu mua bán ngay ở vỉa hè lòng đường. Tình trạng tắc đường kẹt xe lại có thêm một nguyên nhân. Các nhà quản lý và điều phối giao thông thấy được điều này nhưng khó mà giải quyết.
Không để người dân tự giải quyết
Ở các thành phố như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nếu phương tiện giao thông công cộng phát triển, tiện lợi, phù hợp nhu cầu, tạo điều kiện cho người dân có thói quen sử dụng xe công cộng thay vì xe cá nhân, nhu cầu "mua bán nhanh tiện lợi" sẽ chuyển đến các đầu mối giao thông như bến tàu xe, trạm xe bus, ga xe điện ngấm, bãi giữ xe hơi... Có nghĩa là những trung tâm mua bán, dịch vụ... sẽ được thiết lập ở đó.
Tuy nhiên, trong khi chờ đợi có được những yếu tố giao thông mang tính chất "giao thông đô thị", bằng cách nào hạn chế mặt tiêu cực của "kinh tế vỉa hè" tác động đến nếp sống văn minh đô thị? Nên chăng cần tổ chức những con đường, khu vực theo ô phố - đặc thù quy họach đô thị, để duy trì và phát triển kinh tế vỉa hè, vừa giải quyết nhu cầu sinh sống của người bán, người mua, vừa đảm bảo mỹ quan và trật tự đô thị, vừa bảo tồn được nét độc đáo, cần thiết giữ gìn và có thể khai thác nó như một di sản văn hóa phi vật thể. "Văn minh đô thị" sẽ có bộ mặt mới.
Mặt khác cũng cần thấy rằng, những loại hình dịch vụ và buôn bán nhỏ hiện nay còn phù hợp với tập quán tiêu dùng, tiện ích, khả năng chi trả... của phần lớn người dân thành phố.
Hơn nữa, nó còn được xem giải pháp mưu sinh hữu hiệu của rất nhiều hộ dân nghèo, hộ thu nhập thấp, vì vậy cần tổ chức và tăng cường mạng lưới cửa hàng nhỏ lẻ trong các khu vực tập trung dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất... nhằm đáp ứng nhu cầu của đa số dân cư. Cũng vậy, việc hạn chế và lọai bỏ các lọai xe thô sơ 3, 4 bánh - phương tiện mưu sinh của hàng ngàn hộ gia đình, cũng cần có tính tóan thấu đáo khả năng chuyển đổi nghề nghiệp để không đẩy người dân vào chỗ khó khăn.
Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều thành phố, đô thị khác trong cả nước đang xây dựng nếp sống văn minh hiện đại. Không thể không bắt đầu từ yếu tố kinh tế: các ngành nghề của dân cư, lọai hình kinh tế cần được phát triển cân đối, đảm bảo quyền lợi của nhân dân nhưng cũng đảm bảo sự phát triển bền vững của thành phố.
Trong việc này vai trò quản lý và điều phối của nhà nước là chủ đạo, không thể trông chờ người dân tự giải quyết mà chỉ có thể kêu gọi ý thức chấp hành luật pháp và ý thức cộng đồng. Do đó, người nhập cư và vấn đề việc làm - kinh tế phi chính thức cần được nhìn nhận xem xét ở một góc độ lịch sử - văn hóa sâu rộng hơn, bên cạnh góc độ kinh tế, góp phần tìm ra giải pháp cải thiện đời sống của cư dân và phát triển những lợi ích của khu vực kinh tế phi chính thức.
Nguyễn Thị Hậu

Giao lưu với dịch giả Dennis Quyên - Hội sách Online 2012

 Con gái trả lởi giao lưu chững chạc ra phết :)

http://www.youtube.com/watch?v=JeVgS7eCM8Q


Giới Thiệu:
Tự bạch nho nhỏ của một người đam mê ngôn tình:
Tên thật: Đỗ Mai Quyên.
Nickname: Dennis Q.
Sở thích: đọc truyện, nghe nhạc, lang thang café, dịch truyện, offline với các bạn…
Tác giả ngôn tình yêu thích: Cố Mạn, Hoa Thanh Thần, Tiên Chanh, Tân Di Ổ…
Tác phẩm để lại ám ảnh nhất: Ai là ai của ai, Ánh trăng không hiểu lòng tôi.
Tác phẩm yêu thích nhất: Không thể quên em.
Ước mơ: Được dịch những tác phẩm của tác giả mình yêu thích, kiếm đủ tiền để đi du lịch thế giới…

Nội Dung Giao Lưu

Oanh Oanh: em được biết, chị đã có hai năm học tại Trung Quốc, chị có thể kể lại một kỷ niệm vui của mình trong quá trình học ở nước ngoài không
Dennis Quyên: Có 1 kỷ niệm vui thế này: một lần Den cùng các bạn Hàn quốc và Nhật Bản cùng đi ăn ở một quán ăn Nhật. Lúc vào cửa thì bà chủ lại chào Den bằng tiếng Nhật Mọi người nói: "Cô ấy không phải người Nhật", bà chủ lại quay sang chào bằng tiếng Hàn. Den thì ú ớ luôn, chỉ nói được một câu "Tôi không phải người Hàn", thế là bà chủ kết luận, "Vậy là cô cũng là người Trung Quốc giống tôi rồi" 

miaka tama: Được biết chị là một dịch giả nổi tiếng của các tác phẩm tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc để có được thành công trên con đường dịch thuật ngày nay không phải là dễ và ít ai có thể làm được như chị, dịch rất hay trôi chảy nhưng vẫn giữ được nét riêng của mỗi tác phẩm. Do đó chị có thể chia sẻ kinh nghiệm, bí quyết dịch thuật cho những người có dự dịnh làm việc trong ngành nghề biên, phiên dịch này không?
Dennis Quyên: Den nghĩ rằng ngoài việc biết tiếng Trung ra thì người dịch cần phải có vốn tiếng Việt phong phú nữa, vì chuyển ngữ là một công việc rất khó khăn, khi chuyển từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác thì cần đúng và hay nữa. Văn phong do bản thân tạo nên, mỗi người đều có một văn phong riêng, dấu ấn riêng ^_^. Ban đầu có thể sẽ phải tra cứu từ điển và các nguồn tài liệu khác rất nhiều, nhưng các bạn đừng vội nản, vì khi dịch được một đoạn khó, câu khó... xong, bạn sẽ cảm thấy rất vui và hạnh phúc 

Peiyi: Tác giả khiến chị đặc biệt yêu thích là ai? Và vì sao lại thích?
Dennis Quyên: Tác giả mà Den yêu thích nhất là Cố Mạn, Den rất thích văn phong hài hước và duyên dáng của Mạn Mạn, cộng thêm vào đó là những mối tình nhẹ nhàng nhưng không kém phần sâu sắc, mãnh liệt. Cố Mạn viết thường ngắn gọn nhưng rất ý nghĩa, có những câu Den đã thuộc nằm lòng vì độ "kinh điển" của nó. Ngoài ra, Cố Mạn luôn viết một cái kết hạnh phúc, mà đó là điều Den mong muốn nhất ^_^
 
Cjip sjp: Những cảm xúc do truyện mang lại đã bao giờ ảnh hưởng đến cuộc sống riêng của chị hay chưa? Ngược lại, tâm trạng có tác động như thế nào đến quá trình dịch thuật của chị?
Dennis Quyên: Có đôi lúc dịch một tác phẩm quá tâm trạng, Den cũng khó tránh khỏi bị ảnh hưởng. Chẳng hạn với cuốn "Ánh trăng không hiểu lòng tôi" hay "Ai là ai của ai", đó là những tác phẩm sâu sắc, cảm xúc dồn dập và có những đoạn cao trào khiến... chính mình cũng dễ đau tim theo nhân vật. Nhiều khi cảm thấy rất tức và ấm ức thay cho nhân vật. Cho nên sau khi dịch xong thì... phải thay luôn bàn phím vì trong lúc dịch tức quá mà... gõ hơi mạnh Còn những khi tâm trạng vui, Den có thể dịch nhanh hơn bình thường và có lẽ là câu văn cũng mang màu sắc vui tươi hơn chứ không quá u ám ^_^ 

Yurimi Phan: Em là em rất thích các truyện mà chị Den dịch <3 a="a" b="b" bi="bi" c.="c." c="c" ch="ch" cu="cu" d="d" den="den" e="e" g="g" gi="gi" h="h" hi="hi" i="i" k="k" kh="kh" khi="khi" l="l" lu="lu" m="m" n="n" nam="nam" ng.="ng." ng="ng" ngh="ngh" nh="nh" nhi="nhi" o="o" ph="ph" qu="qu" qua="qua" quan="quan" r="r" s="s" sao="sao" t="t" tham="tham" tr="tr" trung="trung" u="u" v="v" vi="vi" vui="vui">
Dennis Quyên : Qua các tác phẩm đã dịch, Den cảm thấy giới trẻ Trung Quốc hiện nay rất hiện đại cả trong cách sống lẫn suy nghĩ, có khi còn mang hơi hướm "nổi loạn". Song bên cạnh đó, họ cũng phải luôn phấn đấu vượt lên các áp lực mà gia đình, xã hội đã mang lại. Chẳng hạn trong các tác phẩm, mình có thể nhận thấy tình trạng "xem mắt" của giới trẻ Trung Quốc, họ quá bận rộn, quá mệt mỏi để tự đi tìm một người bạn đời. Tác phẩm ưng ý nhất đến giờ là Không Thể Quên Em của tác giả Hoa Thanh Thần. Den rất thích tính cách của nhân vật Tang Du trong đó, một cô gái con nhà giàu nhưng thiếu thốn tình cảm gia đình, luôn nổi loạn, mạnh mẽ nhưng cô độc, thế nhưng cô đã đi tìm được hạnh phúc cho chính mình. Nhân vật khiến Den ám ảnh nhất là Hướng Viễn trong tác phẩm "Ánh trăng không hiểu lòng tôi", cũng là một người phụ nữ mạnh mẽ, thành công trong sự nghiệp nhưng đáng thương trong tình yêu, một người luôn bị giằng co giữa lý trí và tình cảm, luôn yêu thương chồng nhưng cuối cùng lại bị lún sâu trong những suy nghĩ đen tối và tuyệt vọng vì chính sự phản bội và yếu đuối của chồng cô 

Phuong De Thuong: em là fan của tác phẩm Bên Nhau Trọn Đời, em rất thích cách dịch tác phẩm của dịch giả, thật sự rất mượt mà, sâu lắng và cảm động. Câu hỏi: em muốn hỏi dịch giả là ở ngoài đời sống thực như hiện nay, dịch giả có tin là có thể có một người đàn ông như Hà Dĩ Thâm không? Và có tin vào một tình yêu đẹp như tình yêu của Dĩ Thâm - Mặc Sênh không ạ? Nói thiệt là em rất thích mẫu người như Dĩ Thâm, có thể chờ người mình yêu tới 7 năm trời. Và dịch giả có thể nói ra cảm nhận của mình về tác phẩm này được không ạ?
Dennis Quyên: Nói thật lòng là Den không tin lắm Một mẫu hình đàn ông đẹp trai, tài giỏi, chung thủy như Dĩ Thâm, thật sự là rất khó tìm. (có thể là có nhưng mình chưa tìm thấy nên cứ nghĩ là không có vậy hihi~) Nhưng tình yêu đẹp như của Dĩ Thâm và Mặc Sênh thì Den tin là có, bởi vì vốn dĩ thì tình yêu nào cũng đẹp đối với những người đang yêuDen rất hâm mộ mối tình của họ, hâm mộ Dĩ Thâm vì sự chung thủy của anh, hâm mộ Mặc Sênh vì đã có được tình yêu của một người đàn ông quá hoàn hảo như vậy 

happy_ending93: Được biết các tác phẩm chị dịch đa phần đều là ngôn tình Trung Quốc. Theo nhận xét cá nhân của chị, vì sao tiểu thuyết Trung Quốc lại lôi cuốn giới trẻ đến thế? Bên cạnh đó có nhiều ý kiến cho rằng đọc tiểu thuyết Trung Quốc tạo "xu hướng lệch lạc cho giới trẻ", chị nghĩ sao về ý kiến này? Với tư cách là một dịch giả được nhiều bạn trẻ yêu thích, chị có nhắn nhủ hay chia sẻ với độc giả không?
Dennis Quyên:Tiểu thuyết TQ lôi cuốn giới trẻ đến vậy, theo Den là vì những câu chuyện tình yêu, gia đình, bạn bè... mà các tác giả đã xây dựng nên trong tác phẩm. Tình yêu trong ngôn tình Trung Quốc rất đẹp, có lẽ ai cũng mơ ước có được, nên điều đó đã đánh trúng tâm lý các bạn trẻ chăngVà xu hướng này thật ra theo Den nghĩ thì bất cứ vấn đề nào cũng có hai mặt cả, bởi vì đúng là trong các tác phẩm ngôn tình, tình yêu được xây dựng quá đẹp, quá hoàn hảo; các anh nam chính anh nào cũng đẹp trai, giỏi giang, chung thủy; nữ chính có thể không phải là người đẹp nhưng vẫn được các nam chính yêu hết lòng Song bên cạnh đó thì Den nghĩ các bạn đều hiểu được rằng ngôn tình chỉ là truyện hư cấu, đời thực vẫn là đời thực, trong đời thực không thể có một mẫu người đàn ông nào hoàn hảo như trong truyện được. Ngay cả ở Trung Quốc thì hình mẫu nam chính cũng chỉ là tưởng tượng của các tác giả TQ mà thôi Và ngôn tình TQ cũng chỉ khiến cho thế giới nội tâm, tình cảm của chúng ta phong phú hơn, đầy đủ hơn thôi ^^ 

Thanh Thanh: em tò mò tại sao chị lại chọn nickname Dennis Q, chị giải thích cho em và các bạn ý nghĩa cái tên này nha
Dennis Quyen: Thực ra thì... nickname này có một lai lịch rất đơn giản và... bình thường! Đó là do hồi trước, Den xem film "Cô cảnh sát đáng yêu" - Sweet Spy trên tivi, kết ngay anh diễn viên Dennis O. từ cái nhìn đầu tiên, thế là nick Dennis Q. ra đời 

Asakura Natsu: Cá nhân chị, chị cho rằng mình đã học được gì từ thế giới ngôn tình?
Dennis Quyên: Đầu tiên là nhờ ngôn tình mà Den đã có cơ hội được dịch những tác phẩm yêu thíchVà qua thế giới nội tâm của các nhân vật trong truyện, ít nhiều Den cũng tìm thấy một chút gì đó của bản thân qua họ, từ đó Den có thể hiểu được nhiều hơn về tình cảm và cuộc sống. Thế giới ngôn tình đã tạo ra một Dennis Q. hiện nay, Den rất cám ơn về điều đó 

Thảo Zin: Em đã đọc rất nhiều sách của chị, có cuốn sách nào mà chị đánh giá rất cao nhưng độc giả lại phản hồi không tốt không? Cảm xúc của chị khi ấy như thế nào?
Dennis Quyên: Nói là phản hồi không tốt thì chắc chưa đến nỗi thế đâu hihi~ thật ra có thể nói là bản thân Den thì thích tác phẩm đó, nhưng có thể là cách viết của tác giả, cách xây dựng nhân vật và tình huống của tác giả khá kén bạn đọc mà thôi. Và Den nghĩ "Con đường đưa tiễn đầy hoa" của tác giả Thanh Sam Lạc Thác là một ví dụ điển hình. Den thích cách viết của tác giả, cách xây dựng nhân vật, nhưng về một mặt nào đó thì có lẽ tác giả viết khá dàn trải, nói sâu về các vấn đề công việc được đề cập trong truyện, thêm nữa là hầu như không có cao trào nào quá mạnh, cả tác phẩm là một giọng văn bình thản, kể như không kể, nên có lẽ đa số độc giả cảm thấy không hứng thú lắm chăng ^^ 

An Phan: Chị có thể bật mí sắp tới chị sẽ dịch những sách gì không chị Dennis Q ơi !!! em có xem video clip thì chị nói là chị có thể dịch truyện kiếm hiệp, nhưng mà chị có định dịch kiếm hiệp lãng mạng không
Dennis Quyên: haha chắc là Den khó mà có kiên nhẫn viết được tiểu thuyết, đôi khi cảm hứng cũng trào dâng lắm, nhưng viết được khoảng mấy dòng là tắc tịCó lẽ Den chỉ có duyên viết truyện ngắn và siêu ngắn thôi ^^ Dennis Q: (ngoài lề, em cho chị xin cái link em đăng phần hỏi đáp này với chị tìm hoài ko ra trong FB hehe...) 

Ngọc Sơn La: đọc và dịch nhiều ngôn tình thế, vậy thì hình mẫu ông xã tương lai lý tưởng của chị sẽ như thế nào ^_^.
Dennis Quyên: Câu này thật là khó trả lời quá Thật ra tiêu chuẩn của Den gói gọn trong một câu thôi à: người đó phải cao hơn Den một cái đầu À nhưng nhiều khi tiêu chuẩn đặt ra lại thế, nhưng khi yêu ai đó có khi lại chẳng phù hợp tí nào với tiêu chuẩn cả, tiêu chuẩn đặt ra là để ta phá vỡ nó khi cần m.

Kết thúc chương trình giao lưu trực tuyến, Dennis Q xin gửi lời nhắn đến các bạn thân yêu, những người đã ủng hộ Den, mong rằng các bạn sẽ "rung động không bằng hành động", nắm bắt được tình yêu đẹp đẽ của mình như nữ chính trong ngôn tình Mong tất cả chúng ta sẽ được hạnh phúc và mong các bạn sẽ luôn ủng hộ Den hihi
.

160 NĂM THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN

  https://nguoidothi.net.vn/160-nam-thao-cam-vien-sai-gon-42825.html   Nguyễn Thị Hậu Thảo cầm viên Sài Gòn là một không gian công cộng và...