ĐA TRUYỀN THÔNG VÀ TÍNH TỰ CHỦ CỦA HỌC SINH

Trong tháng 5 năm 2011 vừa qua, tại thành phố Biên Hòa hội thảo khoa học “Tính tự chủ của học sinh trong thời đại đa truyền thông” được tổ chức tại trường Đại học Đồng Nai. Kỷ yếu hội thảo có hơn 30 tham luận của nhiều nhà khoa học trên các lĩnh vực Giáo dục học, Tâm lý học, Xã hội học, Văn hóa học, Báo chí và truyền thông…

Đa truyền thông theo nghĩa hiểu thông thường là truyền thông bằng nhiều lọai hình, phương tiện, phương thức khác nhau, không chỉ có/ bằng internet. Còn rất nhiều lọai hình khác như báo chí, truyền hình, đài phát thanh, phim ảnh, video, CD-rom, các lọai văn hóa phẩm, kể cả việc tổ chức các sự kiện, hội thảo, lễ hội… hiện nay cũng được coi là những lọai hình truyền thông. Đa truyền thông, theo cách tiếp cận từ sự phát triển của bản thân các ngành truyền thông, còn là nhiều hình thức, phương thức tiếp cận bạn đọc/nghe/xem/nhìn từ một lọai hình truyền thông. Chính vì từ hai phía như vậy nên ngày nay thông tin mang lại cho con người từ những lọai hình truyền thông này ngày càng phong phú, đa dạng, nhiều chiều, cập nhật với tốc độ ngày càng nhanh, và đặc biệt tính tương tác giữa thông tin với người tiếp nhận thông tin ngày càng trực tiếp, càng mạnh mẽ. Tiêu biểu cho truyền thông thời hiện đại là internet. Chính vì vậy những tác động tích cực và tiêu cực của internet đến trẻ em/ học sinh được cả xã hội quan tâm. Các tham luận tại hội thảo trên đã tập trung phản ánh thực trạng sử dụng, sự tác động của Internet đến giới trẻ nói chung và học sinh nói riêng. Những lợi ích tích cực đã được nói đến. Những tác động tiêu cực cũng được nêu ra khá chi tiết, đa dạng, mang tính cảnh báo thậm chí báo động! Một số giải pháp được đặt ra, chủ yếu từ phía nhà trường, phụ huynh đối với học sinh, từ phía xã hội đối với việc quản lý internet. Việc “chống nghiện”, “cai nghiện” internet cho học sinh/ trẻ em được cả gia đình, nhà trường và xã hội quan tâm.

Tôi không phải là người chuyên nghiên cứu về trẻ em, về sức khỏe tâm thần trẻ em, không phải là nhà quản lý về giáo dục, lại càng không phải là người họat động trong lĩnh vực (đa) truyền thông, nhưng qua ý kiến của nhiều nhà chuyên môn trong hội thảo tôi có một số suy nghĩ từ góc độ một người nghiên cứu về văn hóa - xã hội và một phụ huynh của thế hệ sinh những năm 1980, 1990 – thế hệ mà hiện nay internet là một phần không thể thiếu được trong cuộc sống của họ.

- Về khái niệm “nghiện internet”: Nên chăng cần định lại chuẩn và khái niệm này bởi không như vài thập niên trước, nhu cầu sử dụng internet cũng như những tính năng mà NET mang lại cho xã hội ngày càng to lớn. Ngày nay việc hàng ngày con người phải/ cần tiếp xúc với internet đến 6,7 tiếng thậm chí hơn đã là bình thường, bất cứ công việc nào cũng cần đến, thậm chí phụ thuộc vào internet, ngay các phương tiện thông tin cá nhân đều tăng cường mang internet đến với con người. Các mối quan hệ trong xã hội cũng thể hiện, biểu hiện ngày càng đa dạng qua môi trường internet.

- Về “Tính tự chủ của học sinh/ trẻ em”. Về cơ bản ta có thể nhận thấy tính tự chủ này biểu hiện trên 3 mặt từ đơn giản đến phức tạp: tự chủ về những hành vi, ứng xử hàng ngày (trước hết là trong môi trường gia đình, nhà trường), tự chủ về lối sống nếp sống (thể hiện nhận thức về đạo đức, pháp luật, truyền thống văn hóa…), tự chủ về định hướng, xu hướng phát triển (thể hiện sở thích, khả năng của con người cá nhân đồng thời với con người xã hội). Theo mức độ đó rèn luyện cho trẻ em tính tự chủ trước hết là từ gia đình. Vai trò người lớn trong gia đình cực kỳ quan trọng: là/ như người bạn, người dạy dỗ, người chia sẻ, là tấm gương… “cái gốc” của mỗi con người là gia đình, gốc vững thì cây lớn lên tốt và có đủ sức vượt qua giông bão để sống hữu ích cho chính mình và hữu ích cho xã hội.

- Tôi không nghĩ “cấm” luôn là biện pháp tốt đối với những hiện tượng tiêu cực trong xã hội nói chung. Nói riêng trong internet, nếu người lớn có sự hiểu biết và kỹ năng sử dụng internet tốt, biết cách khai thác những lợi ích từ internet mang lại thì sẽ dễ dàng “quản lý” con em trong việc sử dụng internet. Tránh tình trạng chúng ta cấm chỉ vì không hiểu cách thức sử dụng internet (hay hiểu mù mờ, thậm chí hòan tòan không biết sử dụng những tiện ích của internet như khai thác và tìm kiếm thông tin, mạng xã hội, blog, các trò chơi, giải trí…). Thế hệ sinh những năm 1970, 1980 càng cần thiết biết và nắm vững về kỹ năng và tiện ích của internet hơn vì sẽ là cha mẹ của trẻ em sinh ra trong thế kỷ XXI – thế hệ chắc chắn sẽ dùng internet như một phương tiện sinh họat và làm việc bình thường.

Cấm vì sợ, sợ vì không hiểu biết, không hiểu biết vì dốt, dốt vì không chịu học, vì không chịu thay đổi tư duy cũ để tiếp nhận kiến thức mới của thế hệ mới… Khi có “quyền” làm cha mẹ, làm người lớn rất dễ hành xử như thế. Tuy nhiên cách hành xử này chỉ làm cho khỏang cách cha mẹ và con cái (và khỏang cách giữa các thế hệ) ngày càng xa nhau. Cùng con sử dụng internet và qua đó hướng dẫn con sử dụng đúng, hữu ích, bản thân cha mẹ cũng biết thêm điều… Làm bạn với con để hiểu và chấp nhận những khác biệt tốt đẹp của thế hệ sau cũng là một biểu hiện dân chủ trong gia đình.

- Có thể “phi lợi nhuận” trong truyền thông cho trẻ em không? Như trên đã nói, những thông tin mang tính cảnh báo từ truyền thông thường tác động nhanh, trực tiếp đến các bậc cha mẹ, vì vậy cần khách quan, đúng mực để phụ huynh hiểu đúng bản chất của thông tin, hiểu đúng thực chất của các hiện tượng xã hội đang tác động đến trẻ em một cách tiêu cực hay tích cực. Nếu các phương tiện đa truyền thông đều đặt ra nguyên tắc “phi lợi nhuận” trong truyền thông cho trẻ em, vì trẻ em thì chắc chắn tính chất giáo dục và những lợi ích sẽ mang lại cho trẻ em thiết thực hơn nhiều.

Sài Gòn - Nhìn từ tòa nhà Bitexco

Tòa nhà Bitexco cao 68 tầng ở ngay trung tâm quận 1, mới khánh thành tháng 10/2010. Từ chân tòa nhà nhìn lên.
Đường Nguyễn Huệ

Nhìn qua bán đảo Thủ Thiêm sắp thành khu đô thị mới

Sông Bến Nghé, Đại lộ Đông Tây - đường Võ Văn Kiệt

Trên sân bay trực thăng tại tầng 52

Từ sân bay trực thăng nhìn lên các tầng trên đang hòan thiện

Sông Sài Gòn
Ngày trời âm u: nhìn qua Thủ Thiêm
Quận 1 - quận 4 hai bên sông Sài Gòn

Những tòa nhà cao tầng đang được xây dựng ở trung tâm TP: đường Nguyễn Huệ

Chợ Bến thành, công viên 23 - 9, mảng xanh hiếm hoi ở trung tâm thành phố.

Lối về

Lối về, có khi là con đường giữa hai hàng cây cao vút, gió chiều xào xạc từng cánh hoa chiếc chong chóng nhỏ xíu…
Lối về, có khi là ngõ nhỏ rợp dàn bông giấy, thi thoảng một chiếc xe trong ngõ chạy ra, từ tốn nhập vào dòng người như nước trên đường phố…
Lối về, có khi là con đường ra khu dân cư mới đây còn là vùng ngoại ô, nay đường cao tốc 8 làn xe, dải phân cách thảm cỏ xanh mướt mát.
Lối về, có khi là vỉa hè phố cổ, khập khiễng đá lát vỉa hè, trái tim vấp ngã…
Lối về, có khi là đường quê dưới tán dừa, hàng rào bông bụt vẳng tiếng gà trưa…
Lối về, có khi là một chiều trên bãi biển… dấu chân in trên cát, nhẹ mà sâu, sóng ùa vào cũng không làm mất dấu, thật đấy…
Lối về, có khi là một sáng café quán nhỏ, ngồi gần nhau mà bỗng nghe xa ngái…
Lối về, có khi là đêm dài sự yên tĩnh làm nhàu ký ức tưởng như đã được an bài…
Lối về, có khi chỉ là một lần ra đi không ngoái lại…
Và mọi cái bỗng dưng biến mất.
Đơn giản thế
Ừ, thôi em về…

Phỏng vấn về di sản văn hóa Sài Gòn

Thưa quý vị,
Sài Gòn- một thành phố hiện đại, năng động, một “vùng đất hứa”, một trung tâm kinh tế thương mại lớn. Song Sài Gòn còn là vùng đất với hơn 3000 năm lịch sử, một đô thị hơn 300 tuổi với nhiều giá trị văn hóa cần phải được gìn giữ và bảo tồn. Thế nhưng hiện nay, nhiều di tích cổ xưa của Sài Gòn đang bị “phá hủy” trong quá trình đô thị hóa. Nhiều nét tính cách, nhiều thói quen, tập tục tốt đẹp của người Sài Gòn xưa ít nhiều đã bị mai một. Vậy thì chúng ta cần phải làm gì để gìn giữ, bảo vệ nó. Nội dung cuộc trao đổi giữa Minh Nga- kênh GTĐT FM 95,6 Mhz- Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM với TS. Nguyễn Thị Hậu sẽ xoay quanh nội dung này. Mời quý vị cùng nghe

1. Thưa bà, là người gắn bó và nghiên cứu về Sài Gòn. Trước sự đổi thay của Sài Gòn bà có thấy lo ngại không?
Thay đổi như thế nào? Nếu là sự hiện đại văn minh hơn thì mừng chứ: không còn những xóm nhà lá lụp xụp nhếch nhác trên kinh nước đen, xây dựng những khu đô thị mới như Phú Mỹ Hưng… Tuy nhiên nếu là sự thay đổi làm mất đi những dấu tích xưa cũ mang “hồn vía” của Sài Gòn thì thật đáng buồn, đáng lo ngại vì trong cơn lốc đô thị hóa tràn lan hiện nay, không khéo chúng ta sẽ xóa hết di tích lịch sử và văn hóa thể hiện bản sắc Sài Gòn.
Tại sao cần phải bảo vệ di sản văn hóa Sài Gòn? Không bảo vệ thì điều gì sẽ xảy ra khi các di sản đó biến mất? Di sản văn hóa giúp gì trong đời sống tinh thần của cư dân đô thị?

Ngoài việc cần giữ lại “hồn vía” cũ (nào đó, trong ký ức của ai đó) của một đô thị, một vùng đất, việc xây dựng một không gian sống đô thị hiện đại sẽ làm mất chiều sâu ký ức của nó. Khi đi qua một con phố với dấu tích cổ xưa, người ta sẽ cảm thấy vững tin hơn, khiếm tốn hơn, bình thản hơn, thấy mình thuộc về một chiều sâu văn hóa…ngược lại, họ sẽ cảm thấy bơ vơ, kiêu ngạo, hốt hoảng, vong thân và sẽ bị cuốn phăng đi bởi sự bề bộn của đời sống hiện đại. Bảo vệ di sản văn hóa là để con người sống tốt hơn cho hôm nay chứ không chỉ cho một ý niệm nào của quá khứ (“hồn vía”) dù đẹp đến đâu.

2. Làm thế nào để Sài Gòn phát triển hiện đại nhưng vẫn bảo vệ được những di sản văn hóa đô thị vốn đã có từ lâu đời?
Trả lời câu hỏi “vĩ mô” này có lẽ cương vị của tôi khó trả lời thấu đáo. Chủ trương chính sách về bảo tồn di sản văn hóa của nhà nước, của thành phố không thiếu, nhưng có lẽ việc thực thi chưa tốt. Từ góc độ người làm công tác về khảo cổ học và di sản văn hóa, tôi nghĩ đầu tiên ngành văn hóa cần có đầy đủ hồ sơ về những di sản văn hóa đô thị và cung cấp cho các ngành liên quan như kiến trúc, quy hoạch, xây dựng để có thể phối hợp đồng bộ trong công việc… Không chỉ các nhà quản lý văn hóa mà chủ đầu tư các công trình xây dựng trong thành phố cũng cần nắm vững và thực thi đúng Luật di sản văn hóa VN. Sau nữa là ý thức tự giác bảo vệ di sản văn hóa của cư dân thành phố. Ý thức này có được từ việc giáo dục (trong gia đình, ở nhà trường) từ nhỏ, từ việc truyền bá kiến thức và giá trị của các di sản văn hóa, và ý thức được củng cố bởi những biện pháp chế tài của cơ quan công quyền đối với những vi phạm, sai phạm trong lĩnh vực này.
Có một điểm quan trọng, nhưng khá tế nhị là truyền thống bảo vệ di sản văn hóa của người Việt. Ngoài những di sản để thờ phượng, di tích tín ngưỡng, chúng ta giữ lại được rất it những loại hình di tích khác… Vì vậy khi mà dân cư chưa có đầy đủ ý thức, khi luật pháp và các biện pháp chế tài chưa đủ mạnh để bảo vệ di sản văn hóa thì ý chí của chính quyền đô thị cực kỳ quan trọng. Từ ý chí này sẽ có những quyết sách và giải pháp hữu hiệu để thực thi việc bảo vệ DSVH, đó cũng là một trong những biện pháp quan trọng để nâng cao ý thức của người dân.

3. Là nơi thu hút và tập trung người nhập cư lớn nhất nước, thì liệu những đặc trưng này liệu có mất đi không và chúng ta phải làm gì trứoc làn sóng dân nhập cư ngày càng tăng ạ?
Một thành phố lớn tự nó có tính chất thu hút dân nhập cư, nhất là Sài Gòn trung tâm kinh tế lớn nhất nước. Hơn thế nữa, Sài Gòn là thành phố phát triển nhờ thu hút nguồn nhân lực từ nhiều nơi. Vấn đề Bảo vệ di sản văn hóa chính là chính sách và thực thi chính sách quản lý đô thị chứ không phải từ việc người nhập cư tăng hay giảm. Chính sách quản lý đô thị phù hợp sẽ tạo điều kiện để những người nhập cư trở thành “người Sài Gòn”, khi con người gắn bó với nơi mình làm ăn sinh sống, không chỉ về kinh tế mà còn bằng tình cảm bằng văn hóa lối sống thì sẽ góp phần xây dựng và gìn giữ Sài Gòn. Còn nếu người nhập cư không “an cư lạc nghiệp” thì khó có thể kêu gọi hay khuyến khích họ gìn giữ cho Sài Gòn đẹp và văn minh. Mặt khác, nếu “người Sài Gòn” không có nếp sống văn minh, không tự gìn giữ văn hóa của nơi mình sinh ra, lớn lên và là nơi mình đang sống thì khó có thể trông mong người từ nơi khác đến Sài Gòn làm cho điều đó.

4. Riêng những nét văn hóa tinh thần như lối sống, tính cách con người Sài Gòn cũng mất đi và để giữ gìn nó là 1 thách thức. Theo bà thì đòi hỏi người Sài Gòn phải làm gì ạ?
Sài Gòn là một đô thị, đô thị sông nước, đô thị thương cảng, trung tâm của Nam bộ. Điều đó cùng với quá trình lịch sử của nó tạo nên văn hóa tinh thần, lối sống, tính cách người Sài Gòn vừa là văn minh đô thị vừa là “người Nam bộ”. Tính cách văn hóa này đủ mạnh để dù ai sống ở đây cũng ít nhiều trở thành “người Sài Gòn” – nhất là trong làm ăn kinh tế, trong các phong trào xã hội. Tất nhiên, hoàn cảnh kinh tế - xã hội thay đổi thì văn hóa, lối sống sẽ thay đổi ít nhiều. Nhưng ít nhất, gìn giữ và duy trì nếp sống văn minh đô thị, lối sống tình nghĩa, năng động, cởi mở, không kỳ thị những gì khác mình… sẽ góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa Sài Gòn.

- Kênh GTĐT FM 95,6 Mhz- Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM phát lúc 6g – 6g30 sáng chủ nhật 22/5/2011

BUỔI TRƯA TRONG QUÁN CAFÉ (hay là MƠ GHE)

Thỉnh thoảng, buổi trưa ra quán café ăn cơm văn phòng. Nói là ăn cơm nhưng chủ yếu là ngồi với bạn bè, “nam tào bắc đầu” (chữ của K. :D) đủ chuyện để xả xì-trét, lấy sức cho buổi chiều và cho vài hôm sau nữa “chiến đấu” tiếp.
Cũng thi thoảng, buổi trưa ra quán café, ngồi 1 mình, có khi ăn cơm có khi không, nhưng bao giờ cũng kêu l ly café đá, nhâm nhi. Đọc 1 cái gì đó, nghe 1 cái gì đó, và gõ trên máy tính 1 cái gì đó, như bây giờ chẳng hạn.
Sài Gòn mấy bữa nay nắng rát người, mặt đường hực lên hơi nóng, oi bức quá thể… Ngồi trong phòng máy lạnh nhìn ra dường như ngoài đường mọi thứ đều uể oải: cây im ko một ngọn gió, người trùm kín mít, xe phóng nhanh thế mà vẫn không thoát được cái nắng, đứng dưới bóng râm ven đường cũng không thấy mát hơn chút nào…Haizzz… giờ này chả muốn làm gì, chỉ muốn làm biếng, trôi đi đâu thì trôi, mà mắc vào đâu thì mắc (dưới gầm cầu hay dười giề lục bình càng hay, hy vọng không bị mắc dưới kênh đen mà dưới sông Sài Gòn, đoạn gần ra đến cửa CẦN GiỜ thì càng tốt!!!).
Lại nhớ đến tin (ai đó ko biết) nhắn (đùa hay thật cũng chả biết) vô điện thoại mình “cần bán nhà ở trung tâm Phú Mỹ Hưng, có 3 mặt nhìn ra sông, giá 1 tỷ VND, miễn trung gian”. Sao rẻ thế nhỉ, với vị trí như thế thì rẻ quá (dù 1 tỷ với mình là 1 số tiền rất xa lạ… chả hình dung nó là bao nhiêu và như thế nào. Nhưng vì ai mua đất mua nhà cũng đều nói số tiền từ vài tỷ trở lên nên mình nghĩ 1 tỷ là rẻ). Nghĩ mãi nghĩ mãi, thậm chí còn thì thầm với con gái “giá mẹ có tiền…”. Con gái cũng ngơ ngẩn một hồi rồi bảo: chắc là họ bán cái ghe đấy mẹ ạ, đậu giữa sông thì 4 mặt là sông, còn đầu sát bờ thì có 3 mặt sông còn gì? Uh nhỉ thế mà nghĩ không ra, đúng là mình vẫn chưa “mãn tin” vì còn hay tin người lắm lắm!!!
Nhưng bỗng ước gì (ước gì em đã không lỡ lời… nói đến chuyện ai đó bán ghe) có tiền sẽ mua ngay chiếc ghe ấy (mình đoán chắc một tỷ thì ghe cũng còn tốt, thậm chí khá xang chọng là khác), sẽ thực hiện ước mơ từ xửa xưa là được lang thang trên những con sông miền Tây Nam bộ. Đầu tiên là từ cửa Cần Giờ đi ngược vào, đến ngã ba Nhà bè sẽ “lại” phân vân “Nhà bè nước chảy chia hai, ai về Gia Định, Đồng Nai thì về”. Bây giờ theo sông Đồng Nai ngược lên đến Cù Lao Phố cũng là một vùng đô thị rồi, không còn là một thương cảng sầm uất như thủa xa xưa… Ngược lên nữa đến Cù lao Rùa thuộc đất Bình Dương, nơi xưa kia có những ngôi nhà cổ tuyệt đẹp ẩn mình trong vườn trái cây sum sê quanh năm. Bây giờ nghe nói đất đai nơi ấy các đại gia về mua vườn lập villa hết rồi. Thôi thì đi ngược nữa lên qua thác Trị An đến vùng Đồng Nai thượng vậy… “rừng đã cháy và rừng đã hết” ta như nhiều người bỗng dưng “không chốn nương thân” J
Thôi thì theo sông Sài Gòn vào đất Gia Định vậy. A, đã không muốn ở thành phố mới mua ghe đi lang thang, vậy còn vô đây chi vậy ta? Kẹt xe ngập đường do trời mưa do triều cường do trời mưa kết hợp với triều cường chứ không phải do con người. Đằng nào cũng lội cũng bơi, vậy… ở ghe là đúng nhất rồi còn gì. Mỗi khi “phố bỗng là dòng sông uốn quanh” thì mình đã có sẵn ghe bơi tung tăng cho giang hồ nhìn thấy tức chơi, ở trên ghe mình còn nhóm bếp cà ràng nướng cá khô sặc trộn gỏi xoài dưa leo, ngồi nhâm nhi nhìn bà con dắt xe chết máy lội bì bõm… thiệt là một thú zui tao nhã J…
Nhưng mà muốn thực hiện ước mơ mua ghe để có thể trở thành người xang chọng có thú zui tao nhã như thế thì phải có xiền, tức là phải đi cày vì mình không có tài lấy không tiền của ai được. Tức là bây giờ phải đứng lên, trả tiền café, lao ra ngoài trời nắng hầm hập để về cơ quan, chịu đựng tất cả những gì có thể chịu đựng được, làm những gì phải làm, để kiếm xiền mà sống…
Giời ơi, uớc gì em chả ước điều gì, mèo lại hoàn mèo… Hy vọng sau vài lần đầu thai mềnh sẽ đủ xiền thực hiện ước mơ sắm ghe, hy vọng lúc ấy Sài Gòn của mềnh vẫn là “dòng sông uốn quanh” để mềnh được“sống trên du thuyền” như người xang chọng, tao nhã.
Thôi mềnh đi về đi cày đây.

Talk&Think - Chia sẻ và Suy ngẫm


Kính gửi: Ông /Bà

Trước hết, Ban Tổ chức Diễn đàn Talk&Think - Chia sẻ và Suy ngẫm xin gửi đến Ông/Bà lời chúc sức khỏe và lời chào trân trọng!

Talk&Think – Chia sẻ và suy ngẫm là một diễn đàn chia sẻ tri thức phi lợi nhuận, do Tổ chức Giáo dục PACE, Dự án Sách Hay, Chương trình Hạt giống Lãnh đạo IPLCổng Tri thức Doanhtri.vn phối hợp tổ chức. Với nỗ lực hình thành một không gian tri thức mở, Diễn đàn quy tụ các diễn giả có uy tín trong nhiều lĩnh vực để lan tỏa những tri thức hữu ích đến công chúng.

Thưa Ông/Bà,

Sài Gòn – vùng đất có 3000 năm lịch sử và hình thành đô thị khỏang hơn 300 năm với nhiều di tích cổ xưa hiện nay đang bị “phá hủy” trong quá trình đô thị hóa. Câu hỏi luôn đặt ra đối với những ai thao thức với tương lai của Sài Gòn là “Làm thế nào để Sài Gòn phát triển hiện đại nhưng vẫn bảo vệ được những di sản văn hóa đô thị trên mặt đất và di tích khảo cổ học dưới mặt đất?”; và “Những đặc trưng khác của di sản văn hóa Sài Gòn như lối sống, tính cách con người Sài Gòn liệu có mất đi khi Sài Gòn là nơi thu hút và tập trung người nhập cư lớn nhất nước?”

Chương trình Talk&Think – Chia sẻ và suy ngẫm số 2 sẽ dành riêng cho các thảo luận về Sài Gòn từ khía cạnh Di sản văn hóa. Với sự hiện diện của diễn giả là Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu khảo cổ học, đồng thời là người theo dõi sát sao hiện trạng bảo tồn các di sản văn hóa của Sài Gòn, cùng với các nhà nghiên cứu, các chuyên gia về văn hóa, buổi thảo luận hi vọng sẽ có thêm nhiều ý kiến đóng góp, nhất là trong việc giải quyết mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển di sản văn hóa vật thể và phi vật thể – một vấn đề quan trọng hiện nay của Sài Gòn cũng như của nhiều đô thị khác trong mục tiêu hướng tới sự “phát triển bền vững”.

Được biết Ông/Bà là người có nhiều năm gắn bó với Sài Gòn và tâm huyết với sự phát triển của thành phố, Ban Tổ Chức xin trân trọng kính mời Ông/Bà tới tham dự chương trình với các thông tin chi tiết như sau:

Chủ đề: Sài Gòn của tôi – Di sản văn hóa Sài Gòn từ một góc nhìn

Thời gian: 9h30 – 11h30, sáng thứ Năm ngày 12/5/2011

Địa điểm: Tòa nhà PACE, 341 Nguyễn Trãi, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh.

Hi vọng rằng chủ đề và nội dung chương trình sẽ được Ông/Bà quan tâm và tham gia ý kiến thảo luận. Chúng tôi xin bày tỏ niềm vui và lòng vinh dự khi được đón tiếp Ông/Bà tại sự kiện!

Một lần nữa, thay mặt Ban Tổ chức Diễn đàn, xin gửi tới Ông/Bà lời chào trân trọng và lời chúc sức khỏe, hạnh phúc!

TP. HCM, ngày 6 tháng 5 năm 2011

Trân trọng,

Trưởng Ban Tổ Chức Diễn đàn

NGUYỄN THÚY UYÊN PHƯƠNG

Thông tin về Diễn đàn Talk&Think - Chia sẻ và Suy ngẫm

Talk&Think - Chia sẻ và Suy ngẫm là một diễn đàn chia sẻ tri thức phi lợi nhuận do Tổ chức Giáo dục PACE, Dự án Sách Hay, Chương trình Hạt giống Lãnh đạo IPLCổng Tri thức DoanhTri.vn đồng phối hợp tổ chức.

Diễn giả của Talk&Think - Chia sẻ và Suy ngẫm là những người có dấu ấn trong chuyên ngành, lĩnh vực của mình, có uy tín đối với xã hội để cùng chung tay lan tỏa những tri thức đẹp, quý, hữu ích đến với đông đảo công chúng.

Đây là một diễn đàn mở và hoàn toàn miễn phí với sự tham dự của đông đảo trí thức, giới doanh nhân, các văn nghệ sĩ và các bạn trẻ, những người quan tâm tới việc học hỏi và lan tỏa tri thức.

Ngoài việc “mở” về đối tượng tham dự, tính chất mở của các chủ đề được chọn chia sẻ và thuyết trình cộng với những trải nghiệm thực tế của các diễn giả sẽ là yếu tố quan trọng tạo nên sự đa dạng, phong phú và là đặc thù riêng của các chương trình Talk&Think.

Diễn đàn được tổ chức định kỳ 2 lần/tháng và không thu phí vào cửa. Cụ thể:

- Thời gian: 09h30, Thứ 5

- Địa điểm: Tòa nhà PACE, 341 Nguyễn Trãi, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh.

-

Thông tin về diễn giả DIỄN GIẢ - TIỄN SĨ NGUYỄN THỊ HẬU

Text Box:   “Với tôi, đó là một mẫu phụ nữ Việt Nam hiện đại theo nghĩa tích cực nhất!” (Nhà báo Nguyễn Thế Thanh nói về TS. Nguyễn Thị Hậu)Là Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Tp.HCM và Phó Tổng Thư ký Hội khoa học lịch sử Việt Nam, TS. Nguyễn Thị Hậu không ngần ngại chia sẻ những hiểu biết và kinh nghiệm của mình với công chúng. Với quan niệm “khoa học không phải là một tháp ngà”, TS. Nguyễn Thị Hậu, hay còn gọi là “chị Hậu khảo cổ”, đã chọn hướng đi của khảo cổ học bình dân, qua những bài viết dạng du ký, nhật ký điền dã… để đưa những kiến thức khô khan, khó khăn và có phần xa lạ… đến với người đọc một cách dễ hiểu và say mê.

Sinh ra tại Hà Nội, năm 17 tuổi chị trở lại mảnh đất phương Nam, quê hương của chị và bắt đầu cuộc sống của mình ở Sài Gòn. “Như một sự phân thân - chị nói - tôi sống ở Sài Gòn và quan sát Sài Gòn từ cả hai góc nhìn: góc nhìn của một người có Sài Gòn là cội nguồn và góc nhìn của một “người nhập cư” như người ta vẫn thường gọi hiện nay”. Gắn bó với Sài Gòn không chỉ trong mối liên hệ của tình cảm mà còn vì công việc, nghề nghiệp, “Sài Gòn của tôi” từ góc nhìn của Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu chắc chắn sẽ mang lại cho khán thính giả những trải nghiệm và chia sẻ sâu sắc.

Thông tin liên hệ

Cô Hồ Thị Hòa - ht.hoa@PACE.edu.vn; ĐT: 021 6288 3454

CHỢ XƯA & NAY

Chợ xưa là nơi trao đổi buôn bán hàng hóa của một khu vực nhất định, thường là chợ “làng”. Nông thôn miền Bắc xưa kia, chợ làng họp nơi bến sông hay đầu làng – ranh giới giữa “nơi ở” khép kín trong lũy tre làng với cánh đồng liền khỏanh của các làng liền kề nhau. Chợ họp trên bãi đất tương đối rộng, bằng phẳng, có cây đa hay cây gạo lớn tỏa bóng mát. Hàng ngày họp chợ từ sáng sớm đến khi mặt trời cao hơn con sào là tan chợ. Chỉ có vài hàng quán như hàng nước chè, hàng xén, hàng lò rèn… còn lại là buôn gánh bán bưng. Hàng hóa chủ yếu là “cây nhà lá vườn”, người bán người mua đều quen biết. Thuận mua vừa bán ít khi nói thách mặc cả, có khi còn mua chịu bán thiếu… Có làng chợ họp tháng dăm ba phiên. Vào ngày phiên chợ tấp nập, hàng hóa phong phú hơn, người các làng khác cũng đến mua bán trao đổi…

Ở Nam bộ, sông rạch nhiều nên đi lại bằng ghe xuồng là chính. Chợ thường họp nơi bến sông, ngã ba ngã tư kênh rạch gặp nhau hay có đường bộ cắt ngang. Ngày hai lần nước lớn nước ròng, nơi giáp nước ghe xuồng cắm sào neo đậu chờ con nước để đi tiếp nên thành chợ trên sông hay trên bến dưới thuyền. Dần dần trên bờ hình thành các thị tứ với tiệm cà phê, chạp pô, tiệm vàng, tiệm gạo, rau trái… Chợ cũng họp hàng ngày rồi theo phiên. Có khi ngày phiên theo con nước cho tiện ghe xuồng lui tới.

Quan sát chợ xưa có thể nhận biết nhiều điều về “đất nước, con người” vùng quê ấy: dân cư, ngôn ngữ, sản phẩm, các mối quan hệ xã hội qua xưng hô… Đi chợ là nhu cầu không chỉ/ không phải để mua bán mà còn để gặp gỡ, giao lưu, thể hiện các mối quan hệ tình cảm, quan hệ xã hội… Nghe lời nói thách trả giá mặc cả… không chỉ để biết giá cả chất lượng hàng hóa mà còn có thể biết được tính tình, thái độ của người bán kẻ mua.

Tên gọi của chợ - một lọai địa danh – là một yếu tố văn hóa, thường gắn liền với các đặc sản của làng/ vùng miền ấy. Bây giờ những tên chợ đậm chất dân dã đang mất dần...

Chợ nay. Muốn nói đến các siêu thị đang mọc ra nhan nhản khắp nơi, từ đô thị đến vùng nông thôn. Hình thức giống nhau, nội thất trang trí bày hàng giống nhau. Tên gọi của siêu thị, trung tâm thương mại ít khi mang dấu ấn địa danh. Trong đó mua bán sòng phẳng, lịch sự, người mua hàng có thể chọn lựa thỏai mái, tự mình quyết định khi mua món hàng nào đó theo giá ấn định sẵn. Quan hệ “tình cảm” trong việc mua bán nhạt đi, mất đi… vì người bán “vô hình” mà chỉ có người tính tiền (ở nước ngòai đã có siêu thị người mua tự tính tiền, tự quẹt thẻ trả tiền). Siêu thị - chợ hiện đại phản ánh mối quan hệ của xã hội đô thị: coi trọng tính cá nhân, đặt giá trị vật chất của hàng hóa lên trên quan hệ tình cảm trong mua bán. Tính chất văn hóa vùng miền (sản phẩm, ngôn ngữ, xưng hô…) không thể hiện trong siêu thị, trung tâm thương mại. Tên gọi các Chợ hiện đại - phần nhiều là tên nước ngòai - nghe... nhạt hóet, không mang chút ký ức văn hóa nào cả.

Chợ - ký ức của những con người được di truyền qua nhiều thế hệ phụ nữ. Đi chợ với mẹ, mong mẹ đi chợ về... tuổi thơ của ai mà không có những ký ức đẹp như thế...

160 NĂM THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN

  https://nguoidothi.net.vn/160-nam-thao-cam-vien-sai-gon-42825.html   Nguyễn Thị Hậu Thảo cầm viên Sài Gòn là một không gian công cộng và...