Phỏng vấn về di sản văn hóa Sài Gòn

Thưa quý vị,
Sài Gòn- một thành phố hiện đại, năng động, một “vùng đất hứa”, một trung tâm kinh tế thương mại lớn. Song Sài Gòn còn là vùng đất với hơn 3000 năm lịch sử, một đô thị hơn 300 tuổi với nhiều giá trị văn hóa cần phải được gìn giữ và bảo tồn. Thế nhưng hiện nay, nhiều di tích cổ xưa của Sài Gòn đang bị “phá hủy” trong quá trình đô thị hóa. Nhiều nét tính cách, nhiều thói quen, tập tục tốt đẹp của người Sài Gòn xưa ít nhiều đã bị mai một. Vậy thì chúng ta cần phải làm gì để gìn giữ, bảo vệ nó. Nội dung cuộc trao đổi giữa Minh Nga- kênh GTĐT FM 95,6 Mhz- Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM với TS. Nguyễn Thị Hậu sẽ xoay quanh nội dung này. Mời quý vị cùng nghe

1. Thưa bà, là người gắn bó và nghiên cứu về Sài Gòn. Trước sự đổi thay của Sài Gòn bà có thấy lo ngại không?
Thay đổi như thế nào? Nếu là sự hiện đại văn minh hơn thì mừng chứ: không còn những xóm nhà lá lụp xụp nhếch nhác trên kinh nước đen, xây dựng những khu đô thị mới như Phú Mỹ Hưng… Tuy nhiên nếu là sự thay đổi làm mất đi những dấu tích xưa cũ mang “hồn vía” của Sài Gòn thì thật đáng buồn, đáng lo ngại vì trong cơn lốc đô thị hóa tràn lan hiện nay, không khéo chúng ta sẽ xóa hết di tích lịch sử và văn hóa thể hiện bản sắc Sài Gòn.
Tại sao cần phải bảo vệ di sản văn hóa Sài Gòn? Không bảo vệ thì điều gì sẽ xảy ra khi các di sản đó biến mất? Di sản văn hóa giúp gì trong đời sống tinh thần của cư dân đô thị?

Ngoài việc cần giữ lại “hồn vía” cũ (nào đó, trong ký ức của ai đó) của một đô thị, một vùng đất, việc xây dựng một không gian sống đô thị hiện đại sẽ làm mất chiều sâu ký ức của nó. Khi đi qua một con phố với dấu tích cổ xưa, người ta sẽ cảm thấy vững tin hơn, khiếm tốn hơn, bình thản hơn, thấy mình thuộc về một chiều sâu văn hóa…ngược lại, họ sẽ cảm thấy bơ vơ, kiêu ngạo, hốt hoảng, vong thân và sẽ bị cuốn phăng đi bởi sự bề bộn của đời sống hiện đại. Bảo vệ di sản văn hóa là để con người sống tốt hơn cho hôm nay chứ không chỉ cho một ý niệm nào của quá khứ (“hồn vía”) dù đẹp đến đâu.

2. Làm thế nào để Sài Gòn phát triển hiện đại nhưng vẫn bảo vệ được những di sản văn hóa đô thị vốn đã có từ lâu đời?
Trả lời câu hỏi “vĩ mô” này có lẽ cương vị của tôi khó trả lời thấu đáo. Chủ trương chính sách về bảo tồn di sản văn hóa của nhà nước, của thành phố không thiếu, nhưng có lẽ việc thực thi chưa tốt. Từ góc độ người làm công tác về khảo cổ học và di sản văn hóa, tôi nghĩ đầu tiên ngành văn hóa cần có đầy đủ hồ sơ về những di sản văn hóa đô thị và cung cấp cho các ngành liên quan như kiến trúc, quy hoạch, xây dựng để có thể phối hợp đồng bộ trong công việc… Không chỉ các nhà quản lý văn hóa mà chủ đầu tư các công trình xây dựng trong thành phố cũng cần nắm vững và thực thi đúng Luật di sản văn hóa VN. Sau nữa là ý thức tự giác bảo vệ di sản văn hóa của cư dân thành phố. Ý thức này có được từ việc giáo dục (trong gia đình, ở nhà trường) từ nhỏ, từ việc truyền bá kiến thức và giá trị của các di sản văn hóa, và ý thức được củng cố bởi những biện pháp chế tài của cơ quan công quyền đối với những vi phạm, sai phạm trong lĩnh vực này.
Có một điểm quan trọng, nhưng khá tế nhị là truyền thống bảo vệ di sản văn hóa của người Việt. Ngoài những di sản để thờ phượng, di tích tín ngưỡng, chúng ta giữ lại được rất it những loại hình di tích khác… Vì vậy khi mà dân cư chưa có đầy đủ ý thức, khi luật pháp và các biện pháp chế tài chưa đủ mạnh để bảo vệ di sản văn hóa thì ý chí của chính quyền đô thị cực kỳ quan trọng. Từ ý chí này sẽ có những quyết sách và giải pháp hữu hiệu để thực thi việc bảo vệ DSVH, đó cũng là một trong những biện pháp quan trọng để nâng cao ý thức của người dân.

3. Là nơi thu hút và tập trung người nhập cư lớn nhất nước, thì liệu những đặc trưng này liệu có mất đi không và chúng ta phải làm gì trứoc làn sóng dân nhập cư ngày càng tăng ạ?
Một thành phố lớn tự nó có tính chất thu hút dân nhập cư, nhất là Sài Gòn trung tâm kinh tế lớn nhất nước. Hơn thế nữa, Sài Gòn là thành phố phát triển nhờ thu hút nguồn nhân lực từ nhiều nơi. Vấn đề Bảo vệ di sản văn hóa chính là chính sách và thực thi chính sách quản lý đô thị chứ không phải từ việc người nhập cư tăng hay giảm. Chính sách quản lý đô thị phù hợp sẽ tạo điều kiện để những người nhập cư trở thành “người Sài Gòn”, khi con người gắn bó với nơi mình làm ăn sinh sống, không chỉ về kinh tế mà còn bằng tình cảm bằng văn hóa lối sống thì sẽ góp phần xây dựng và gìn giữ Sài Gòn. Còn nếu người nhập cư không “an cư lạc nghiệp” thì khó có thể kêu gọi hay khuyến khích họ gìn giữ cho Sài Gòn đẹp và văn minh. Mặt khác, nếu “người Sài Gòn” không có nếp sống văn minh, không tự gìn giữ văn hóa của nơi mình sinh ra, lớn lên và là nơi mình đang sống thì khó có thể trông mong người từ nơi khác đến Sài Gòn làm cho điều đó.

4. Riêng những nét văn hóa tinh thần như lối sống, tính cách con người Sài Gòn cũng mất đi và để giữ gìn nó là 1 thách thức. Theo bà thì đòi hỏi người Sài Gòn phải làm gì ạ?
Sài Gòn là một đô thị, đô thị sông nước, đô thị thương cảng, trung tâm của Nam bộ. Điều đó cùng với quá trình lịch sử của nó tạo nên văn hóa tinh thần, lối sống, tính cách người Sài Gòn vừa là văn minh đô thị vừa là “người Nam bộ”. Tính cách văn hóa này đủ mạnh để dù ai sống ở đây cũng ít nhiều trở thành “người Sài Gòn” – nhất là trong làm ăn kinh tế, trong các phong trào xã hội. Tất nhiên, hoàn cảnh kinh tế - xã hội thay đổi thì văn hóa, lối sống sẽ thay đổi ít nhiều. Nhưng ít nhất, gìn giữ và duy trì nếp sống văn minh đô thị, lối sống tình nghĩa, năng động, cởi mở, không kỳ thị những gì khác mình… sẽ góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa Sài Gòn.

- Kênh GTĐT FM 95,6 Mhz- Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM phát lúc 6g – 6g30 sáng chủ nhật 22/5/2011

1 nhận xét:

  1. http://f.cl.ly/items/1x3o2L0F422Q0N1l0P0N/phongvanTSNguyenThiHauvedisanVanhoaSG.mp3

    Trả lờiXóa

NỖI ÁM ẢNH CỦA QUÁ KHỨ

  Trần Quốc Vượng   Nước Việt Nam ta hiện là một quốc gia kém phát triển về mọi mặt, vừa lạc hậu, vừa lạc điệu với một thế giới nhìn chung...