ĐA TRUYỀN THÔNG VÀ TÍNH TỰ CHỦ CỦA HỌC SINH

Trong tháng 5 năm 2011 vừa qua, tại thành phố Biên Hòa hội thảo khoa học “Tính tự chủ của học sinh trong thời đại đa truyền thông” được tổ chức tại trường Đại học Đồng Nai. Kỷ yếu hội thảo có hơn 30 tham luận của nhiều nhà khoa học trên các lĩnh vực Giáo dục học, Tâm lý học, Xã hội học, Văn hóa học, Báo chí và truyền thông…

Đa truyền thông theo nghĩa hiểu thông thường là truyền thông bằng nhiều lọai hình, phương tiện, phương thức khác nhau, không chỉ có/ bằng internet. Còn rất nhiều lọai hình khác như báo chí, truyền hình, đài phát thanh, phim ảnh, video, CD-rom, các lọai văn hóa phẩm, kể cả việc tổ chức các sự kiện, hội thảo, lễ hội… hiện nay cũng được coi là những lọai hình truyền thông. Đa truyền thông, theo cách tiếp cận từ sự phát triển của bản thân các ngành truyền thông, còn là nhiều hình thức, phương thức tiếp cận bạn đọc/nghe/xem/nhìn từ một lọai hình truyền thông. Chính vì từ hai phía như vậy nên ngày nay thông tin mang lại cho con người từ những lọai hình truyền thông này ngày càng phong phú, đa dạng, nhiều chiều, cập nhật với tốc độ ngày càng nhanh, và đặc biệt tính tương tác giữa thông tin với người tiếp nhận thông tin ngày càng trực tiếp, càng mạnh mẽ. Tiêu biểu cho truyền thông thời hiện đại là internet. Chính vì vậy những tác động tích cực và tiêu cực của internet đến trẻ em/ học sinh được cả xã hội quan tâm. Các tham luận tại hội thảo trên đã tập trung phản ánh thực trạng sử dụng, sự tác động của Internet đến giới trẻ nói chung và học sinh nói riêng. Những lợi ích tích cực đã được nói đến. Những tác động tiêu cực cũng được nêu ra khá chi tiết, đa dạng, mang tính cảnh báo thậm chí báo động! Một số giải pháp được đặt ra, chủ yếu từ phía nhà trường, phụ huynh đối với học sinh, từ phía xã hội đối với việc quản lý internet. Việc “chống nghiện”, “cai nghiện” internet cho học sinh/ trẻ em được cả gia đình, nhà trường và xã hội quan tâm.

Tôi không phải là người chuyên nghiên cứu về trẻ em, về sức khỏe tâm thần trẻ em, không phải là nhà quản lý về giáo dục, lại càng không phải là người họat động trong lĩnh vực (đa) truyền thông, nhưng qua ý kiến của nhiều nhà chuyên môn trong hội thảo tôi có một số suy nghĩ từ góc độ một người nghiên cứu về văn hóa - xã hội và một phụ huynh của thế hệ sinh những năm 1980, 1990 – thế hệ mà hiện nay internet là một phần không thể thiếu được trong cuộc sống của họ.

- Về khái niệm “nghiện internet”: Nên chăng cần định lại chuẩn và khái niệm này bởi không như vài thập niên trước, nhu cầu sử dụng internet cũng như những tính năng mà NET mang lại cho xã hội ngày càng to lớn. Ngày nay việc hàng ngày con người phải/ cần tiếp xúc với internet đến 6,7 tiếng thậm chí hơn đã là bình thường, bất cứ công việc nào cũng cần đến, thậm chí phụ thuộc vào internet, ngay các phương tiện thông tin cá nhân đều tăng cường mang internet đến với con người. Các mối quan hệ trong xã hội cũng thể hiện, biểu hiện ngày càng đa dạng qua môi trường internet.

- Về “Tính tự chủ của học sinh/ trẻ em”. Về cơ bản ta có thể nhận thấy tính tự chủ này biểu hiện trên 3 mặt từ đơn giản đến phức tạp: tự chủ về những hành vi, ứng xử hàng ngày (trước hết là trong môi trường gia đình, nhà trường), tự chủ về lối sống nếp sống (thể hiện nhận thức về đạo đức, pháp luật, truyền thống văn hóa…), tự chủ về định hướng, xu hướng phát triển (thể hiện sở thích, khả năng của con người cá nhân đồng thời với con người xã hội). Theo mức độ đó rèn luyện cho trẻ em tính tự chủ trước hết là từ gia đình. Vai trò người lớn trong gia đình cực kỳ quan trọng: là/ như người bạn, người dạy dỗ, người chia sẻ, là tấm gương… “cái gốc” của mỗi con người là gia đình, gốc vững thì cây lớn lên tốt và có đủ sức vượt qua giông bão để sống hữu ích cho chính mình và hữu ích cho xã hội.

- Tôi không nghĩ “cấm” luôn là biện pháp tốt đối với những hiện tượng tiêu cực trong xã hội nói chung. Nói riêng trong internet, nếu người lớn có sự hiểu biết và kỹ năng sử dụng internet tốt, biết cách khai thác những lợi ích từ internet mang lại thì sẽ dễ dàng “quản lý” con em trong việc sử dụng internet. Tránh tình trạng chúng ta cấm chỉ vì không hiểu cách thức sử dụng internet (hay hiểu mù mờ, thậm chí hòan tòan không biết sử dụng những tiện ích của internet như khai thác và tìm kiếm thông tin, mạng xã hội, blog, các trò chơi, giải trí…). Thế hệ sinh những năm 1970, 1980 càng cần thiết biết và nắm vững về kỹ năng và tiện ích của internet hơn vì sẽ là cha mẹ của trẻ em sinh ra trong thế kỷ XXI – thế hệ chắc chắn sẽ dùng internet như một phương tiện sinh họat và làm việc bình thường.

Cấm vì sợ, sợ vì không hiểu biết, không hiểu biết vì dốt, dốt vì không chịu học, vì không chịu thay đổi tư duy cũ để tiếp nhận kiến thức mới của thế hệ mới… Khi có “quyền” làm cha mẹ, làm người lớn rất dễ hành xử như thế. Tuy nhiên cách hành xử này chỉ làm cho khỏang cách cha mẹ và con cái (và khỏang cách giữa các thế hệ) ngày càng xa nhau. Cùng con sử dụng internet và qua đó hướng dẫn con sử dụng đúng, hữu ích, bản thân cha mẹ cũng biết thêm điều… Làm bạn với con để hiểu và chấp nhận những khác biệt tốt đẹp của thế hệ sau cũng là một biểu hiện dân chủ trong gia đình.

- Có thể “phi lợi nhuận” trong truyền thông cho trẻ em không? Như trên đã nói, những thông tin mang tính cảnh báo từ truyền thông thường tác động nhanh, trực tiếp đến các bậc cha mẹ, vì vậy cần khách quan, đúng mực để phụ huynh hiểu đúng bản chất của thông tin, hiểu đúng thực chất của các hiện tượng xã hội đang tác động đến trẻ em một cách tiêu cực hay tích cực. Nếu các phương tiện đa truyền thông đều đặt ra nguyên tắc “phi lợi nhuận” trong truyền thông cho trẻ em, vì trẻ em thì chắc chắn tính chất giáo dục và những lợi ích sẽ mang lại cho trẻ em thiết thực hơn nhiều.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...