Vụn vặt đời thường (75)

@ Ông Lý Quang Diệu - người kiến lập nhà nước Singapore từ trần. Trên thế giới có nhiều quốc gia có được những nhà sáng lập như ông. Nhưng Ông còn có công lao “DỰNG NGƯỜI” để cho những người dân – như người dân của nhiều quốc gia ĐNA năm mươi năm trước - trở thành NGƯỜI SINGAPORE hiện nay: tự trọng, tử tế, tri thức, kỹ năng và hội nhập. Đó là suy nghĩ của mình sau nhiều lần đến quốc gia nhỏ bé mà có một tư thế rất đàng hoàng này.

@ Việc tịch thu tấm bảng “nội quy lạ” của quán Bún bò gân ở chung cư Tôn Thất Thuyết quận 4 TPHCM:
 Tôi ko nghĩ đây là “nội quy LẠ”, vì là nội quy tức là quy định chỉ trong “nội một phạm vi” nào đó, mà “phạm vi” nhỏ như cái quán, cái nhà thì vô thiên ở thành phố này, mà việc ra nội quy trong nhà trong quán thì ko ai cấm… như vậy chắc hẳn nếu có nội quy thì mỗi nhà mỗi quán ko nơi nào giống nhau vì nó phụ thuộc vào người ra nội quy muốn yêu cầu cái gì cho phù hợp với hoàn cảnh thậm chí sở thích của người ta. Như vậy chắc chắn nội quy mỗi nơi đều là LẠ so với nơi khác. Khi nhiều cái lạ như thế thì trở thành bình thường: đó là sự đa dạng , một thuộc tính của đời sống.

Riêng tôi cực kỳ thú vị với "Bảng nội quy" của ông chủ quán này. Đọc những nội quy này còn làm ngon miệng hơn nhiều kiểu vừa ăn vừa nghe chửi mắng của vài cái quán "nổi tiếng" khác.
Cho nên, coi đây là NỘI QUY LẠ là không đúng, mà lấy lý do LẠ để tịch thu lại càng sai. Vì cái “lạ” mà không gây hại cho bất cứ ai, còn hơn nhiều cái QUEN mà gây phiền hà cho bao nhiều người.

Đó là cái bảng quy định ngay cổng nhiều cơ quan công sở và tồn tại từ thời bao cấp đến nay: XUỐNG XE TẮT MÁY XUẤT TRÌNH GIẤY TỜ kèm theo bộ mặt hình sự tối tăm của nhiều ông bảo vệ thường trực. Xe máy xe đạp của người dân vào công sở thì rón rén rụt rè đi qua cái cổng bé tạo, còn xe hơi thì đường hoàng cổng chính lại được bảo vệ vội vã ra mở cổng nhất barie

Đề nghị hãy tịch thu và bỏ ngay những cái bảng quy định làm phiền và coi thường người dân như thế!

Và đề nghị thêm: mấy người đi tịch thu cái bảng nội quy ấy làm ơn có chút đầu óc hài hước. Ủa mà quên, người ta nói chỉ có người thông minh mới biết hài hước, đề nghị như vậy có cao quá không nhỉ?

CHÚC MỪNG NGƯỜI "BẠN VỀ QUÊ Ở" :)



         Diễn từ nhân dịp nhận giải nghiên cứu của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh                                                                                                                                               Phạm Hoàng Quân

Kính thưa Bà Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh,
Kính thưa toàn thể quý vị.
    Tôi rất hân hạnh được dự buổi lễ trang trọng này, và cũng thật bối rối khi được quý vị trong Hội đồng xét tặng giải thưởng trao cho giải nghiên cứu Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh. Trước đây mấy hôm và cho đến giờ này tôi vẫn băn khoăn cảm thấy khó diễn đạt những suy nghĩ của mình thành lời lẽ sao cho phù hợp với khung cảnh này.
     Tôi có hơi bất ngờ khi những bài nghiên cứu lịch sử thuộc một chuyên đề rất khó đọc của một người có chuyên môn hẹp như tôi lại nhận được sự đánh giá tốt, được tiếp nhận rộng rãi thông qua giải thưởng này.
     Tôi được sinh ra trong một gia đình không có truyền thống nghiên cứu, bản thân lại không được may mắn học hành chính quy, chữ Hán và phương pháp nghiên cứu đều mài mò tự học. Ước nguyện của tôi lúc vào đời lại thiên về bộ môn mỹ thuật, một dịp tình cờ, tôi nhận viết một khảo cứu về lịch sử hội họa và thư pháp của Hoa kiều ở Sài Gòn- Chợ Lớn, những tưởng vì sự yêu thích nhất thời viết lách cho vui, không ngờ đó là điểm khởi đầu để tôi gắn với nghiệp nghiên cứu cho đến nay.
    Có lẽ một phần do cá tính, một phần do ảnh hưởng bởi đặc thù của bộ môn mỹ thuật, tôi đã chọn nghiên cứu độc lập làm hướng đi cho mình. Nhân đây tôi xin chia sẻ với quý vị đôi điều về những thuận lợi và trở ngại của một người nghiên cứu đơn độc.
    Có 3 điều rất hay. Đầu tiên là tôi không phải dự các buổi họp, không phải giao tiếp lễ lạt, có nghĩa là dành được hết thì giờ cho việc đọc sách, giữ được mạch suy nghĩ không bị gián đoạn. Kế đến là luôn được làm việc trong trạng thái không bị áp lực, không bị khống chế bởi thời gian, tôi được chủ động điều độ thời gian trong việc làm của mình. Điều hay thứ ba là tôi được chọn lĩnh vực hoặc đề tài mà mình thích nhất, và trong đề tài ấy tôi lại được tự xác định việc nào cần phải làm trước. Ba điều đơn giản vậy thôi nhưng tôi cảm thấy thật là hạnh phúc khi giữ được chúng.
    Cũng có nhiều trở ngại. Nghiên cứu độc lập phải đương đầu với không ít khó khăn, thứ nhất là chuyện giải quyết nhu cầu cuộc sống cơ bản, giải quyết được vấn đề này thì kế đến là tài liệu sách vở, tư liệu không phong phú dồi dào thì kiến thức hạn hẹp, làm sao nghiên cứu sâu. Mua sách thì tốn kém vô biên, hoàn cảnh của tôi nhiều lúc khát sách tợ như doanh nghiệp khát vốn, tuy nhiên lần hồi tích góp, bè bạn yểm trợ và cộng thêm sự hào phóng của nhiều thư viện điện tử quốc tế, vụ này cũng tạm ổn. Trở ngại vừa lớn vừa khó là việc tìm tài liệu ở thư viện công, nước ta trước giờ nói chung là khắt khe đối với những người không thuộc cơ quan nghiên cứu công, nên đã một thời gian dài tôi không được tham khảo nguồn này, gần đây tuy có được vài ngoại lệ, nhưng tiếc là những ngoại lệ này đến chậm. Những trở ngại ấy tuy không thể làm nản lòng, nhưng có điều đáng tiếc là một số công trình phải chịu mất nhiều thời gian hơn dự tính.
     Từ hoàn cảnh của mình, tôi thấy rằng dù cá nhân hay tập thể, muốn có thành tựu nghiên cứu tốt phải hội đủ 3 yếu tố là: sách, khả năng, và tinh thần khoa học, hay nói cách khác, sách cùng với tài liệu là vốn liếng cơ bản, khả năng là tay nghề là trình độ và tinh thần khách quan khoa học là không thiên về cảm tính hoặc bị chi phối bởi tinh thần dân tộc.  
     Trong lúc nghiên cứu về lịch sử biển Đông, tôi chỉ đơn thuần vì mục đích muốn biết rõ sự thật, vì tò mò, tôi tìm hiểu, kê cứu, hệ thống và đối chiếu so sánh nguồn sử liệu Trung Hoa chỉ để thỏa mãn ham muốn riêng, muốn hiểu biết cặn kẽ và tường tận những ghi chép trong sử liệu thực. Lúc đọc hiểu tư liệu cũng như lúc phân tích chuỗi sự kiện, tôi không nghĩ mình là người dân của một quốc gia nào, lúc này chỉ có tính khách quan của khoa học dẫn dắt. 
    Điều băn khoăn khó nói mà tôi cũng muốn chia sẻ là khi nhìn kỹ lại hoạt động học thuật sử học trong bối cảnh hiện nay, trình độ nghiên cứu lịch sử nói chung hoặc nghiên cứu chuyên sâu các đề tài lịch sử liên quan đến biển Đông nói riêng, chúng ta còn thua khá xa các nước, mà trong đó đáng ngại đáng lo nhất là chưa theo kịp trình độ của người Trung Quốc.
    Mấy mươi năm qua, nền sử học nước ta đã để quá nhiều khoảng trống trong nghiên cứu cơ bản, riêng ở lĩnh vực nghiên cứu biển Đông, giới sử học trong nước hầu như chưa làm tròn trách nhiệm ở nhiều mặt, chỉ lướt qua công việc dịch thuật, mà sản phẩm của nó là nguồn căn cứ thiết yếu trong nghiên cứu đối sánh, đã thấy còn quá nhiều điểm đáng lo ngại.
    Chúng ta chưa có một tổng tập bản dịch và chú giải tư liệu lịch sử Trung Quốc, nhằm để nắm rõ thực hư ý nghĩa của sử liệu;
    Chưa dịch công trình nghiên cứu tiêu biểu nào của học giới Trung Quốc hiện nay, nhằm để coi họ sử dụng, dẫn dụng tư liệu sử có đúng hay không, tài năng khả năng của họ đã tới chừng mức nào, phương pháp nghiên cứu của họ mới hay cũ, họ tiếp thu nghiên cứu bên ngoài tới đâu, họ đánh giá và nhận định ra sao về nguồn sử liệu Việt Nam, cách thức và lập luận của họ trong phản biện các nghiên cứu mới ở Việt Nam; Lại cũng chưa dịch hoặc dịch quá ít ỏi các bài viết, các sách nghiên cứu về quan hệ Trung Quốc với Việt Nam, Trung Quốc với Đông Nam Á và phương Tây của các tác giả bên ngoài, kể từ thời Học viện Viễn Đông bác cổ đến nay, trong khi các nghiên cứu này chứa đựng rất nhiều chi tiết liên quan đã được phân tích, v.v;
    Chưa dịch các sách công cụ cơ bản phục vụ cho nghiên cứu, cụ thể là các sách thư mục, từ điển địa danh, từ điển lịch sử, từ điển địa lý, v.v.. do người Trung Quốc soạn, và mặt khác, cũng chưa thấy dịch hoặc giới thiệu, phổ biến những sách công cụ đồng dạng nói trên bằng Anh ngữ do học giới phương Tây biên soạn.
    Sự thiếu hụt kiến thức bên ngoài đã dẫn đến tình trạng giới sử học cứ mãi nói chuyện trong nhà. Trong khi ở Trung Quốc hiện nay, học giới đã tiến đến hình thành nhóm chuyên gia “dịch bình”, quy tụ những người vừa có nghiệp vụ nghiên cứu vừa rất giỏi ngoại ngữ, chuyên lo chuyện đọc và phê bình các bản dịch sách nghiên cứu sau xuất bản, họ muốn những công trình nghiên cứu tầm cỡ bên ngoài phải đến tay học giới trong nước bằng một bản dịch thật chuẩn xác thật hoàn hảo. Trong khi ở Campuchia hiện nay, ở nhà sách ngoại văn số 1 đường Norodom tại Phnom Penh, sách nghiên cứu sử nổi bật trong nhiều loại sách nghiên cứu khác, nhẩm tính số lượng nhiều hơn ở Sài Gòn gấp 7 hoặc 8 lần.
     Lịch sử học thuật sử học Việt Nam thật sự đã để lại nhiều khiếm khuyết, đã để xảy ra tình trạng thiếu hụt kiến thức nền trầm trọng đến mức báo động như hiện nay, lỡ lầm này buộc những người nghiên cứu sử phải nhận trách nhiệm. Trách nhiệm này là trách nhiệm đối với học thuật. Chừng nào mỗi người tâm huyết cùng nỗ lực chung tay khắc phục khiếm khuyết của quá khứ, thì nền sử học mới có thể lấy lại thăng bằng, chừng nào người nghiên cứu sử - bất kể công hay tư- ngoài sự miệt mài dốc sức và thú vui trong nghiên cứu còn nghĩ thêm một điều lấy cạnh tranh học thuật với bên ngoài làm trách nhiệm với đời sau, thì lúc ấy học thuật sử học mới có đà phấn phát.
     Theo kịp mặt bằng học thuật trong khu vực và thế giới có lẽ là mục tiêu không ngoài lý tưởng và ý nguyện của bậc tiền bối mà giải thưởng này vinh dự mang tên. Nên tôi nghĩ rằng, giải thưởng này đối với riêng tôi và học giới nói chung, ngoài sự biểu hiện mối cảm thông và sẻ chia trong tinh thần trách nhiệm của một bộ phận xã hội, nó còn là động lực thúc đẩy mỗi người đã chọn nghề nghiên cứu phải dốc tâm tận lực, nương theo khoa học để gặt hái tri thức cho mình và cho cộng đồng, để mỗi công trình được viết ra càng về sau càng có giá trị học thuật cao hơn và càng có tầm ảnh hưởng sâu rộng hơn.  

Xin cảm ơn quý vị đã lắng nghe.

 Xem thêm:







SÁCH MỚI ĐÂY Ạ - CÁC BẠN ỦNG HỘ NHÉ :)

http://www.nxbtre.com.vn/cach-nhau-chi-mot-giac-mo-tap-but.13121.5351.-1.128.aspx

Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu là người rất quen thuộc với những ai yêu quý và quan tâm đến việc bảo tồn di sản văn hóa Sài Gòn. Từ góc nhìn của nghề nghiệp và bằng một tình yêu Sài Gòn sâu đậm nhưng cũng rất lãng mạn, những tản văn, tạp bút của chị đã giúp chúng ta nhìn thấy và cảm nhận được vẻ đẹp của thành phố và con người Sài Gòn đằng sau cuộc mưu sinh vội vã hàng ngày. Cách nhau chỉ một giấc mơ chính là mơ ước của mỗi người Sài Gòn làm sao giữ gìn hồn phố thị, là ký ức nhớ quê của những người miền Tây xa xứ, là tự vấn của thế hệ đi trước đã để lại gia tài văn hóa gì cho thế hệ sau.
Bạn có thể cùng mơ ước một điều gì đó với nhiều người khác, nhưng một giấc mơ, ngay cả về điều đó, thì nó chỉ là của riêng bạn mà thôi. Ký ức và những giấc mơ là tài sản quý giá của ta không ai có thể lấy đi được. Miễn là đừng đánh mất giấc mơ.




Ảnh của Nguyễn kc Hậu.



THƯ CHO CON DƯỚI CHÂN GIÁO ĐƯỜNG

http://laodong.com.vn/thu-gui-mot-nguoi/thu-cho-con-duoi-chan-giao-duong-306776.bld


Sáng nay có việc đi ngang Nhà thờ Đức Bà, mẹ chợt nhớ ra đã lâu mấy mẹ con mình chưa lang thang cà phê bệt ở công viên này để ngồi lặng trong lòng Sài Gòn bình yên một màu xanh của trời của lá, để ngắm đôi tháp chuông nhà thờ in trên nền mây trắng lang thang, và để chia sẻ hạnh phúc những lứa đôi đang rạng rỡ bên nhau chụp hình đám cưới bên “ngôi nhà của Chúa”. 
Có lẽ không có góc nào nhìn ngôi nhà thờ đẹp như từ công viên nhỏ này vì nhìn từ phía khác nhà thờ đã trở nên bé nhỏ bởi sau nó là những tòa nhà cao tầng ốp kính màu xanh chói nắng!

Cũng sáng nay khi đi qua đây, bất giác mẹ nhìn thấy bức tường nhà thờ chi chit những dòng chữ, hình vẽ bằng bút xóa màu trắng, nhiều đến nỗi mẹ không cần phải ngừng xe lại vẫn có thể đọc được. Rồi những rào chắn ở chỗ khuất của tường nhà thờ để ngăn việc xả rác hay tiểu tiện… Một cảm giác khó chịu rồi bực tức và cuối cùng là nỗi xót xa trào lên: Trời ơi, một di tích ngay trung tâm thành phố, ngay giữa đường phố mà vẫn bị vô tư bôi bẩn như vậy sao? Từ lúc nào bức tường gạch mòn dấu thời gian lại bị những dòng chữ, hình vẽ như những vệt bùn vấy bẩn lên chiếc áo khoác một màu đỏ tươi đẹp đẽ của nhà thờ?

Ngôi nhà thờ là một trong những công trình được xây dựng sớm nhất, vào khoảng cuối thế kỷ 19, là một trong những di sản văn hóa – kiến trúc tôn giáo của đô thị Sài Gòn, là nơi quen thuộc của bất cứ ai từng ở, từng đến Sài Gòn. Văn hóa – lịch sử của một đất nước là gì khác ngoài những di tích của các thời còn lưu lại? Và một đất nước, một cộng đồng có văn minh hay không chính là ở thái độ đối với di sản văn hóa của đất nước, cộng đồng mình, và của nhân loại.

Việc viết bậy vẽ bậy ở những di tích đã trở thành phổ biến ở nước ta, đâu cũng bắt gặp hiện tượng này, từ những hang động ở Vịnh Hạ Long, ở Phong Nha – kẻ Bàng… đến những đình chùa miếu, thậm chí trên cây cầu Long Biên cũng chi chit những dòng chữ nghệch ngoạc, không hiếm từ ngữ hình vẽ bậy bạ… mà chỉ cần nhìn qua ta có thể biết ‘chủ nhân” của nó là các bạn trẻ. Từ vô ý thức đến  vô văn hóa chỉ một bước chân thôi nhưng họ không biết dừng lại.

Có thể con sẽ nói “các bạn chỉ vô tình thôi, mẹ đừng từ góc độ nghề nghiệp bảo tồn di sản mà đánh giá nặng nề”. Không con ạ, hiện tượng này không phải là mới, nhiều người đã lên tiếng nhưng vẫn ngày càng phổ biến. Về đạo đức nó phản ánh xã hội không còn sự “khiêm cung” tối thiểu khi con người cho phép mình tùy tiện để lại “dấu ấn” trên di tích của ông cha. Con có còn nhớ xưa kia bà Hồ Xuân Hương đã từng mắng bọn học trò hãnh tiến: “muốn sống đem vôi quét trả đền!”.

Mẹ tin rằng không ai muốn mình bị coi là phường hãnh tiến, không ai muốn thành phố mình, đất nước mình bị đánh giá là không văn minh chỉ vì những hành xử vô văn hóa với di sản của cha ông.
Việc bảo tồn di tích và mỹ quan của đô thị chỉ có thể làm được bắt đầu từ ý thức của mỗi người. 

Mong rằng những người trẻ thường ngồi chơi ở công viên, thường chụp hình ở khu vực nhà thờ hãy không cho phép mình và bạn bè bôi bẩn lên nhà thờ hay bất cứ di tích nào, hãy cùng nhau làm sạch tường nhà thờ như  một hành động thiết thực “vì thành phố văn minh hiện đại” chứ đừng chỉ hô khẩu hiệu theo kiểu phong trào.

Sài Gòn 18/3/2015
Nguyễn Thị Hậu


CÂY XANH - MỘT PHẦN DI SẢN ĐÔ THỊ


Nguyễn Thị Hậu
Trong đô thị - một không gian có giới hạn nhưng tập hợp nhiều yếu tố tự nhiên như sông rạch, đồi gò, rừng cây… và nhân văn như các công trình kiến trúc, cảnh quan nhân tạo… Tất cả đều liên quan trực tiếp và gián tiếp đến đời sống của cư dân đô thị. Mỗi đô thị có cảnh quan đặc thù do vị trí địa lý, địa hình, lịch sử hình thành khác nhau, nhưng đều có một điểm chung như sợi dây nối liền và tạo ra sự hài hòa giữa tự nhiên và những gì nhân tạo, đó là hệ thống cây xanh đô thị. Vì vậy từ rất lâu trên thế giới đã coi cây xanh như là một thành tố của di sản văn hóa đô thị, vừa là vật thể bởi sự hiện hữu lâu đời và lợi ích của chúng, vừa là phi vật thể bởi cây xanh tạo nên những ký ức cá nhân và ký ức của cộng đồng. Cây xanh góp phần tạo nên bản sắc riêng của từng đô thị, và có thể nói, một bản sắc khó thay đổi dù đô thị đó có biến đổi đến đâu.
Từ nhiều năm nay những cụm từ như “bảo tồn di sản”, “di sản văn hóa”, “di sản đô thị”… đã phổ biến trong xã hội. Ai cũng biết bảo tồn di sản chính là gìn giữ mối liên hệ giữa quá khứ và tương lai thông qua những “vật chứng” như các di tích, di vật, lễ hội… thông qua ký ức lịch sử mà thế hệ trước di truyền cho thế hệ sau. Những “vật chứng” nếu thiếu đi cảm xúc của ký ức con người thì chỉ là những kiến trúc những sự kiện vô hồn; nhưng ký ức con người cũng cần sự tồn tại của “vật chứng” để bám rễ vào đó tạo nên sức sống lan truyền giá trị và tình yêu đối với di sản văn hóa. Cây xanh trong đô thị cũng là một phần của di sản đô thị văn hóa bởi lợi ích mà nó mang lại cho con người tuy vô hình nhưng không hề vô giá trị.
Cây xanh đô thị gắn liền với các tuyến phố tạo mảng xanh giữa những gạch đá bê tông thép kính, được coi như “lá phổi xanh” điều hòa không khí, tạo sự trong lành và tươi mát cho không gian hạn hẹp của đô thị. Sự sinh động muôn màu sắc hình dáng của cây xanh tạo nên vẻ đẹp tự nhiên mà không bàn tay con người nào có thể làm được. Một thành phố đẹp có thể nào thiếu cây xanh, công viên, thiếu mùa lá đâm chồi nảy lộc, thiếu mùa lá rụng như níu bước chân người qua?
Những hàng cây luôn gắn bó với những con đường, những ngôi nhà, với những con người thành phố.  Cảnh quan đô thị không thể thiếu những hàng cây cao vút toả bóng mát tạo khoảng xanh bình yên… Mỗi thành phố, vô tình hay hữu ý, có loại cây đặc trưng riêng, như Hải Phòng “thành phố hoa phượng đỏ”, Hà Nội “mùa hoa sữa”, Sài Gòn “cánh hoa dầu xoay tít bay bay”… Trải qua thời gian, môi trường biến đổi, đô thị phát triển, cây xanh trong thành phố trở thành chứng nhân của sự thay đổi ấy.
          Việc thay thế cây xanh là việc làm bình thường, nếu như nó được thực hiện như một công việc hàng ngày của cơ quan có trách nhiệm: theo dõi chăm sóc các loại cây theo đặc điểm của từng loại, khi cây “bị bệnh” thì thuốc men chạy chữa ngay – giống như di tích kiến trúc xuống cấp hư hỏng thì phải sửa chữa, trùng tu. Ngay cả việc xây dựng một công trình mới nếu liên quan đến số phận của nhiều cây xanh thì cũng cần cân nhắc, một mức độ nào đó cũng cân nhắc như phải di dời một tòa nhà cổ nhường chỗ cho công trình mới. Đấy là ở thời điểm hiện nay khi cây xanh đô thị được coi là một loại “cổ tích”, còn ngày trước người ta ứng xử thế nào với cây xanh đô thị?
Theo vài công trình nghiên cứu gần đây, từ khoảng giữa thế kỷ 19 khi người Pháp quy hoạch  các đô thị ở Việt Nam thì họ đã tiến hành trồng cây xanh trên vỉa hè, đầu tiên là ở những tuyến phố chính rồi dần dần trên những tuyến đường khác. Như ở Sài Gòn cây trồng lấy từ vườn ươm trong vườn Bách Thảo (như vậy vườn Bách thảo không chỉ có chức năng như một công viên và bảo tồn những giống cây quý hiếm mà còn có chức năng nghiên cứu ươm trồng cây xanh đô thị - một chức năng mà đến giờ hình như đã bị chuyển giao cho cơ quan khác?). Việc trồng cây, tưới cây và chăm sóc hàng ngày được chính quyền giao cho cấp làng (như phường hiện nay) đảm nhiệm. Sau một thời gian chính quyền đô thị đã “rút kinh nghiệm” là loại cây nào phù hợp nhất, mật độ bao nhiêu thì vừa đủ với khí hậu ẩm thấp mưa nhiều…
 Cho đến đầu thế kỷ 20 nhiều con đường ở Sài Gòn đã có “thương hiệu riêng” từ những hàng cây trồng ở đó: đường cây me, cây sao, cây dầu… Một điều rất thú vị là ngay trong quá trình “thử nghiệm” việc đốn hạ loại cây nào cũng phải được Hội đồng thành phố quyết định dựa vào những phân tích khoa học và bằng chứng thực tế (như rễ cây ăn ngang phá hủy vỉa hè, lá và trái rụng nhiều vào mùa mưa làm dơ bẩn đường phố, cây lá quá rậm rạp làm ẩm ướt sinh sôi côn trùng…) nhưng chỉ thay thế dần dần hàng năm. Ngay cả vài loại cây rễ chùm rậm rạp như những cây da cổ, chính quyền cũng ngần ngại “để nghiên cứu tiếp” vì thấy dân chúng còn “mê tín” và có nhiều gắn bó (*).

Khi Hà Nội triển khai việc đốn chặt hàng loạt cây xanh trên nhiều tuyến phố chính, trong đó có những con đường “phố cổ” với hàng cây cao được trồng từ thời Pháp thuộc đến nay đã hàng trăm năm tuổi, là “chứng nhân” cho bao cuộc đời người Hà Nội, chứng kiến bao đổi thay thăng trầm của Thủ đô… Nhiều người, trong đó có tôi, chứng kiến hình ảnh hàng cổ thụ nằm rạp dưới những lưỡi cưa máy, dòng nhựa tuôn như nước mắt… thật không thể cầm lòng! Nhìn thấy đường phố trơ ra dưới những khối bê tông tôi không hình dung được mùa hè sắp tới Hà Nội sẽ ra sao trong cái oi nồng nắng gắt?
Một đô thị phát triển không thể thiếu đường giao thông hiện đại, thiếu nhà cao tầng thiếu những công trình đồ sộ. Nhưng một đô thị hiện đại văn minh cũng không thể vắng thiên nhiên mà cây xanh là yếu tố quan trọng nhất! Nếu thực sự vì con người xin hãy bảo vệ thiên nhiên! Khi con người biết yêu thiên nhiên thì sẽ biết yêu đồng loại!
Sài Gòn 21.3.2015
(*) Xem: Trần Hữu Quang, Hạ tầng đô thị Sài Gòn buổi đầu. Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM 2012.



Linh tinh lang tang (109) - TIN TỨC THÁNG BA


@ Chuẩn bị xây dựng tháp truyền hình cao nhất ĐNA – tức là cao nhất thế giới! Ồ, lại NHẤT! Cũng không lạ, vì từ cái “to nhất” của bánh chưng bánh dày cúng tổ Hùng Vương sẽ đến những cái “nhất” khác, mà chắc chắn có nhiều “cái nhất” sẽ từ từ “lộ diện” – theo ngôn ngữ báo mạng.

@ Sắp khánh thành tượng đài “mẹ Việt Nam anh hùng” hoành tráng nhất ĐNA với kinh phí hơn 411 tỷ đồng (tỷ, không phải triệu!) tại Quảng Nam, một trong những địa phương trải qua cuộc chiến ác liệt nhất và cũng gặp nhiều khó khăn nhất sau cuộc chiến.  Cũng lại nhất! Tin này thì có quá nhiều liên tưởng làm rơi nước mắt L

@ Nữ sinh lớp 7 bị bạn cùng lớp dùng ghế nhựa đánh hội đồng đến gãy ghế. Nhiều học sinh chứng kiến, không ai can ngăn và… không ai lên tiếng, kể cả nạn nhân, cho đến hai tháng sau một clip được tung lên mạng. Lý do: không nghe lời lớp trưởng. Hành xử độc ác, thái độ dửng dưng trước cái ác cái sai, và một nguy cơ đã thành sự thật: các loại sao đỏ cờ đỏ, lớp trưởng lớp phó – trẻ em - cũng là “cường hào” trong lớp học. Có lẽ học ở trường thì ít mà học ngoài đời nhiều hơn chăng?!

@ Điện tăng giá, xăng tăng giá, lại tiếp tục được nghỉ lễ dài ngày. Giá điện giá xăng có lẽ cũng “mù mờ” nhất; Nghỉ lễ tết có lẽ cũng nhiều nhất. Nói chung là nhất nhất nhất… Mai mốt chắc con cháu mình cũng là con nợ lớn nhất L

@ Chuẩn bị xuất khẩu lao động sang… Campuchia và Lào. Mỗi năm có 18.000 gái Việt ra nước ngoài hành nghề mại dâm. Không còn gì để nói!

@ Truyền thông – nhất là truyền hình – lại bắt đầu “chiến dịch” phim tài liệu về những ngày này cách đây 40 năm. Cứ nhìn nhiều quốc gia châu Âu vào năm 1985 tức là 40 năm sau 1945 thế nào thì mới thấy VN đã đi qua 40 năm nhưng chưa thấy có dấu hiệu chấm dứt thời hậu chiến.

@ Chặt “thay thế” hơn 6700 cây xanh ở Hà Nội cho “đồng bộ”. Hết tư duy “to nhất, lớn nhất” lại đến tư duy “đồng bộ”. Tất cả các đô thị đã giống hệt nhau từ trụ sở hành chính, trung tâm thương mại đến… khách sạn nhà nghỉ, bây giờ lại sẽ “trọc lóc” giống nhau vì chặt hết cây xanh lâu năm.
Tháng ba rồi tháng tư. Hết những năm 1970, 80, 90… rồi cũng sẽ hết những năm 2010, 2020…

Bao giờ Tháng Ba chúng ta sẽ khác?!

NHỮNG GIẤC MƠ LẠC ĐƯỜNG


Nguyễn Thị Hậu

Tôi thường có những giấc mơ mình bị đi lạc đường.
Trong mơ ở bất cứ tình huống nào thì một hồi sau tôi cũng lâm vào tình trạng ngơ ngác, khó chịu, thậm chí sợ hãi vì không biết mình đang ở đâu và sẽ đi đâu… Và thế là có lúc tôi đi lung tung, hỏi thăm hết người nọ đến người kia, mỗi người chỉ một kiểu, có người không thèm trả lời, có người chỉ “đểu” làm tôi càng đi lạc.

Có lúc tôi tự mình tìm đường, qua nhiều phố qua nhiều làng qua nhiều rừng cây, cuối cùng bao giờ cũng đến tận cùng là một vực thẳm không thể vượt qua. Một mình với bầu trời xanh phía trên, vực thẳm đầy mây phía dưới, và con đường phía sau bỗng biến mất chẳng còn một dấu tích dẫu chỉ là lối mòn chân thú.
Những lúc ấy tôi nghĩ gì nhỉ? Tôi có phân vân tự hỏi nên tìm cách đi tiếp hay là quay lại không? Tôi có tự trách mình vì sao để xảy ra tình trạng này không? Tôi có oán trách những người cùng đi đã bỏ mặc tôi không hề tìm kiếm? tôi có nhớ đến ai để có thể cầu cứu hay ít nhất tên một ai đó như là một đốm lửa làm đích cho tôi tỉnh táo tìm về?

Không, chẳng có gì cả! Sau những giây phút bực tức và hoảng loạn, tôi ngồi bệt trên bãi cỏ hay bờ đá, đầu óc trống rỗng, thậm chí cũng không nghĩ việc gì sẽ đến. Rồi tôi như lơ lửng giữa không gian yên tĩnh tuyệt đối, không nghe thấy cả nhịp tim hơi thở của mình… Dường như lúc ấy tôi không còn tồn tại.
Dưới kia gió vi vút, trên kia mây lang thang, ở đây những ngọn cỏ im lặng những hòn đá trầm ngâm. Tôi ngả mình nhìn lên bầu trời xanh và bỗng thấy mình không cô độc. Xung quanh tôi sự sống vẫn tiếp diễn, tôi cảm nhận được điều đó, chỉ là tôi có một mình thôi, một thể xác khác những vật thể xung quanh nhưng cảm thức về thế giới cũng giống như hòn đá ngọn cỏ. Nếu thêm một người nữa ở đây có lẽ lại là… thừa.

Khi lạc đường hay gặp hiểm nguy, nếu chỉ có một mình thì ta sẽ dũng cảm hơn. Khi ấy ta chẳng trông chờ vào ai được, không làm ai sợ hãi và cũng không sợ hãi vì ai. Ta phải tự vượt qua sự sợ hãi của chính mình, hậu quả thế nào cũng tự mình gánh chịu không thể nói tại vì bởi ai.

Ngụ ngôn có câu chuyện hai người bạn đi trong rừng và gặp một con gấu. Một người bạn leo vội lên cây, anh kia sợ quá nằm im. Con gấu lại gần, ngửi và tưởng anh chết bèn bỏ đi. Người bạn trên cây tụt xuống hỏi: con gấu nói gì với cậu vậy? Anh trả lời: nó bảo là tớ có một người bạn tồi! Nhưng thử đặt ngược lại xem: nếu anh chỉ có một mình thì thế nào? Bỏ chạy hay trèo lên cây hay nằm im? Con gấu sẽ thế nào: đuổi theo hay chờ dưới gốc cây hay ngửi rồi bỏ đi? Đấy, cũng chẳng nên trách móc hay hờn giận ai nếu trong khó khăn họ không giúp mình được.

Rồi tôi còn nhớ thêm một câu truyện tôi đọc từ lúc còn nhỏ và nó luôn trở lại trong tâm trí mỗi khi tôi gặp khó khăn. Hai người bạn thân đi chơi và bị lạc trong rừng rậm. Trước mặt họ là một khe sâu, phía bên kia là khoảng rừng thưa có một lối mòn. Khe rất dài nhưng không rộng lắm, chỉ còn cách phải nhảy qua. Hai người xem xét kỹ càng rồi quyết định. Họ vứt ba lô qua bên kia và một người nhảy trước. Anh lấy đà và nghe thấy tiếng bạn động viên: nào cậu cố lên, cậu sẽ qua được mà. Vút, anh đã qua được bờ bên kia, tim đập chân run nhưng anh vẫn nhận thấy nụ cười hạnh phúc của bạn mình. Đến lượt người bạn nhảy qua. Khi bạn đang lấy đà bỗng nhiên anh thấy sợ hãi: nhỡ bạn không qua được thì sao? Nỗi sợ hiện rõ trên gương mặt anh, trong ánh mắt anh. Và người bạn đã cảm nhận được điều đó. Bạn chỉ nhảy hụt một bước chân…
Nhiều năm về sau anh luôn tự trách: nếu lúc ấy mình đừng sợ hãi… Nhưng nỗi sợ như là một bản năng, nó ập đến bất ngờ, khó tránh. Anh không biết giây phút cuối bạn nghĩ gì, có trách móc anh hay không? Nhưng anh biết mình không thể tha thứ cho mình. Giây phút sợ hãi thoáng qua ấy đã làm cho cả cuộc đời anh trở thành bi kịch.

Có lẽ vì những câu chuyện này mà trong những giấc mơ đi lạc đường của tôi không bao giờ có một người đồng hành. Và cũng chưa bao giờ trong mơ tôi tìm thấy đường về. Tôi cứ lạc mãi, hoặc dừng lại đâu đó. Nhưng tôi không trông chờ một ai sẽ chỉ cho mình đường đi.

Bởi vì, trên mặt đất làm gì có đường, đường là do ta đi mãi mà thành, cổ nhân đã nói như vậy. Những con đường trong mơ sẽ đưa ta đến một nơi nào đó, nếu ta tiếp tục đi tìm ngay cả khi đã ra khỏi giấc mơ...

(Tuổi trẻ cuôi tuần 13.3.2015)

Vụn vặt đời thường ( 74 ) LỢN HAY HEO

Ngủ một đêm dậy vưỡn thấy FB ồn ào chuyện "lợn" của Tr. Hạ, mà đọc nhiều stt và comts thì thấy hình như chưa đọc cả bài ngoài việc đọc cái tựa (bị trích sai lời T.H). Chưa kể bài này từ đời nào...
Nhưng mà cũng chỉ vài ngày trước lại có nhiều stt, comts ra sức thán phục anh chàng người Nhật nào đó đóng phim con heo với năng xuất rất cao, ngưỡng mộ cả ông cụ ngoài 70 cũng còn đóng phim heo... 
Bởi vậy, đề nghị Tr. Hạ thay chữ "con lợn" bằng "con heo" để ngừng Lễ hội "chém lợn" giờ có cả trên FB!

P/S. Sai đúng thì tranh luận về nội dung, sao nhiều người lại lôi chuyện xấu đẹp ra mà mỉa mai thậm chí cay nghiệt nhỉ?! Vừa sau 8/3 với bao nhời chúc mừng tôn vinh yêu thương...
Ôi là người KINH!

P/S 2. Vô cùng buồn cười khi thấy nhiều đờn ông nhất định chứng minh mình ko phải là nhợn hoặc là một con nhợn rất chi là ngoan, và cũng nhiều đờn bà ra sức chứng minh chồng mình không phải là nhợn. Rồi sau đó chửi mắng T.H bằng những lời lẽ mà nhợn chắc  cũng ko thể "nói" những câu như thế về đồng loại. Chính thức NẢN!

P/S 3. Ca rao mới:
Đang cơn điện mất cơm sôi/ Loa phường léo nhéo, heo đòi đóng phim / Bây giờ loa đã nín thing/ điện sáng cơm chín mần phim thì mần :D



LỄ HỘI VÀ NHÂN VĂN

http://nld.com.vn/van-hoa-van-nghe/le-hoi-va-nhan-van-20150307224114393.htm


Mùa lễ hội năm nay mới bắt đầu đã làm cho xã hội phải đồng loạt lên tiếng vì những hành vi phản cảm đang diễn ra ngày càng phổ biến và mức độ ngày càng trầm trọng.

Quốc gia nào dân tộc nào cũng có những lễ hội truyền thống. Đó là di sản văn hóa chứa đựng giá trị tinh túy và luôn được gạn lọc những gì không còn phù hợp với thời đại mới. Lễ hội là loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian bao gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ thường diễn ra ở những nơi trang nghiêm như: trong hoặc trước cửa đình, chùa... Tham gia và điều hành phần lễ là các bậc cao niên có uy tín trong cộng đồng, được cộng đồng kính trọng và tuân thủ sự điều hành trong lễ hội. Ý nghĩa của lễ là để giao tiếp với thần linh thông qua các nghi thức tín ngưỡng thể hiện nguyện vọng hay ký ức của một cộng đồng. Lễ hiến tế là một phần quan trọng của lễ hội, sau lễ hiến tế là một bữa ăn chung cả làng, như là sự sẻ chia những gì thần linh ban tặng.

Phần hội diễn ra ở một “không gian mở” rộng lớn hơn, cho toàn thể cộng đồng và người ngoài cộng đồng có thể tham gia, “vui như hội” vì đây là không – thời gian nhằm thỏa mãn nhu cầu vui chơi giải trí của con người thông qua các trò chơi dân gian thể hiện sự khéo léo, khỏe mạnh, cũng có những trò mang tính chất “phá luật” như “linh tinh tình phộc” (tắt đèn thì trai gái “tự do”)…  Nhìn chung lễ hội xưa mang đậm dấu ấn của nông nghiệp trồng lúa với cộng đồng cư dân “làng” hẹp về không gian và nhỏ về quy mô. Thông tin về các lễ hội xưa cũng hạn hẹp do truyền thông kiểu “truyền miệng”, chỉ có một vài lễ hội nổi tiếng khắp vùng như Hội Gióng hội Lim… 

Lễ hội có những mặt tích cực như bảo lưu các giá trị truyền thống của làng, nhắc nhở ý thức về cội nguồn, tưởng nhớ tổ tiên, anh hùng dân tộc… các trò trong hội thể hiện ý thức về đồng loại, cố kết con người vào cộng đồng, thể hiện ý thức về mỹ tục và thể hiện tài năng văn hóa, nghệ thuật, thể thao của từng cá nhân, của cộng đồng.

 Tâm thức trong lễ hội xưa thể hiện tinh thần “dân chủ làng xã”, qua dịp lễ hội mọi người gần gũi nhau hơn. Lễ hội thường vào thời gian “nông nhàn” con người được nghỉ ngơi. Đây là dịp con người nhìn lại và giải toả những phiền muộn, lo âu, bày tỏ với thần linh những mong muốn về cuộc sống tốt đẹp hơn. Những trò “cướp lộc” trong lễ hội phản ánh rõ một nhận thức là rất ít người có được sự “may mắn” từ thần linh ban cho, còn lại những ai không có được may mắn ấy thì càng cố gắng làm ăn.
Vì vậy những hành vi trong lễ hội thời xưa là mang tính biểu trưng của văn hóa.

Ngày nay lễ hội có phạm vi không gian rộng hơn nhiều, càng rộng hơn về phạm vi ảnh hưởng vì phương tiện truyền thông hiện đại “ngay và luôn”. Gọi là “hội làng” nhưng phần lớn là người từ nơi khác đến tham gia, không phải ai cũng hiểu ý nghĩa và những hành vi mang tính tượng trưng của lễ hội xưa. Ngoài ra còn cần phải nói đến tâm lý thực dụng, thậm chí có phần tham lam của nhiều người dự lễ hội. Biết rằng “lộc” không đáng gì nhưng “kém miếng giữa làng” thì khó chịu, “sự may mắn” bị đánh đồng với “cái lợi” cho cá nhân nên quyết cướp giựt cho bằng được, không được thì xô xát, chửi mắng đánh nhau. Do đó lễ hội có trò “cướp, giết” sẽ không thể kiểm soát được do tâm lý đám đông dễ làm lây lan hành vi vô văn hóa.

Do quy mô lễ hội lớn hơn nên mục đích ý nghĩa của lễ hội không còn thuần túy tinh thần như trước. Dễ nhận thấy nhất là sự thương mại hóa lễ hội khá phổ biến. Để phục vụ mục đích thương mại nhiều lễ hội biến dạng về hình thức và cả nội dung, do đó tính nhân văn của lễ hội ngày càng biến mất.

Theo TS Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo, Chủ nghĩa nhân bản hiện đại đã tiến những bước dài trong ứng xử với tự nhiên, xã hội, cá nhân và cộng đồng. Các hành vi bạo lực bị lên án, các hành vi lệch lạc bị chỉ ra và ngăn cấm... Do đó, việc duy trì bản sắc văn hóa cũng cần được đặt trong khuôn khổ thế giới là một cộng đồng liên đới, có trách nhiệm chung, vừa duy trì sự đa dạng, vừa đạt được sự đồng thuận theo các chuẩn mực quốc tế. Sự tuân thủ các chuẩn mực quốc tế phải được coi là trình độ đạt đến hay chưa đạt đến văn minh. Như thế, sự duy trì tục hiến sinh phải được đặt trong bối cảnh đó”.

Duy trì các lễ hội truyền thống và những hoạt động trong lễ hội cũng phải đặt trong bối cảnh một xã hội đang “xây dựng một nền văn hóa tiên tiến” bên cạnh việc gìn giữ “bản sắc văn hóa dân tộc”. Nếu cứ duy trì những lễ hội đầy rẫy hành vi bạo lực tham lam thì chính chúng ta đang “giết chết” di sản văn hóa. Di sản văn hóa sẽ không còn giá trị nếu nó không vun đắp tính nhân văn của cộng đồng và lòng nhân ái, trắc ẩn của mỗi con người.

Sài Gòn ngày 5.3.2015




QUÁ KHỨ NÀO ĐANG TRỞ LẠI?


Từ năm 2010, nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra lễ khai ấn đền Trần và nhiều lễ hội khác đã không còn giữ đúng hình thức và nội dung đã được lưu truyền hay ghi chép trong sử sách. Thế nhưng vì sao mỗi năm các lễ hội này lại càng phát triển hoành tráng, lãng phí thời giờ, tiền bạc, công sức của xã hội, biến chất về ý nghĩa, mang nặng yếu tố tiêu cực hơn?

** “Công bộc của dân” làm ảnh hưởng tâm lý toàn xã hội

Hiện nay tâm lý truyền thống “tháng Giêng là tháng ăn chơi” đã sống lại và phát triển nhờ hàng loạt lễ hội mở ra với mật độ dày đặc trong một thời gian không dài, quy mô tổ chức ngày càng lớn, ngoài phạm vi làng xã. Hầu hết lễ hội đều do các cấp chính quyền nhà nước tổ chức và cử hành nên phần nghi lễ trước đây trang nghiêm, giản dị, vừa phải thì nay trở thành phần chính, được cử hành một cách chính thức. Ý nghĩa của nghi lễ đã thể hiện, đáp ứng những nhu cầu “chính thống” của xã hội. Do đó không lạ khi lễ khai ấn đền Trần lại trở thành lễ cầu xin thăng quan tiến chức. Đây là tâm lý của một bộ phận không nhỏ công chức nhà nước nên có ảnh hưởng lớn đến tâm lý xã hội nói chung. Người xưa nói “ấn tín” là để chỉ đạo đức, trách nhiệm của người giữ ấn. Nhưng nay những “công bộc của dân” mấy ai quan tâm đến việc tạo dựng và gìn giữ uy tín, đạo đức?

Mặt khác, việc các công chức nhà nước bỏ nhiệm sở đổ xô đi dự lễ khai ấn và nhiều lễ hội khác cho thấy mặc dù chúng ta luôn nói đến công nghiệp hóa - hiện đại hóa nhưng không biết đến bao giờ tác phong văn minh công nghiệp mới trở thành nếp sống của xã hội ta?

** Đánh mất các di sản văn hóa, xô con người vào chỗ vô đạo đức

Những lễ hội có các hành vi chém giết động vật, tranh cướp “lộc thánh”… nếu trước đây mang tính biểu trưng văn hóa thì nay lại mang tính thực dụng. Việc nhúng tiền vào máu động vật bị giết hay rải tiền lẻ ở đền, chùa để cầu may; việc để cho con trẻ chứng kiến, người lớn thì reo hò nhìn con vật chết dần không thể hiện sự “thiêng liêng” như ý nghĩa vốn có. Nếu nhìn rộng hơn ra xã hội, ta không khó để nhận ra những hành vi “buôn thần bán thánh”, coi thường đạo đức luật pháp, dửng dưng, trơ lỳ cảm xúc trước bất công, trước hành vi bạo lực của con người với con người, như những vụ “mất chó, giết người đền mạng” xảy ra gần đây.

Nếu cứ tiếp tục tổ chức rầm rộ lễ khai ấn và những lễ hội thế này thì việc hằng năm người dân ùn ùn kéo đến lễ hội sẽ không chỉ làm cho ý nghĩa của lễ hội tiếp tục biến dạng mà thực chất nó phản ánh thực trạng và những “nhu cầu” xã hội hiện nay. Đó là: Các lễ hội truyền thống không còn giá trị đích thực, chúng ta đang làm mất di sản văn hóa của chính chúng ta. Các giá trị tinh thần tốt đẹp của truyền thống mất đi, con người sẽ phải tìm đến và tin vào những giá trị “ảo”, dần dần sẽ làm băng hoại xã hội! Và Nhà nước đã cho thấy không thể quản lý được các lễ hội nếu cứ tổ chức tràn lan và tùy tiện như vậy. Những tệ nạn đã xuất hiện trong các lễ hội sẽ rất khó bị dẹp bỏ, chưa kể nó sẽ biến tướng và xuất hiện thêm những tệ nạn mới.

Quá khứ phải là nguồn mạch trong lành để nuôi dưỡng tâm hồn con người hiện tại và tương lai. Chúng ta không thể thải những rác rưởi vào đó để biến quá khứ thành “ao tù nước đọng”, bởi vì chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu chứ không phải sống trong một cái làng tù túng ngày xưa.
TS NGUYỄN THỊ HẬU
http://phapluattp.vn/t…/qua-khu-nao-dang-tro-lai-535129.html

KHI PHỤ NỮ “LÀM QUAN”

(Báo Tuổi trẻ ngày 8.3.2015)
Nguyễn Thị Hậu

Mỗi khi trả lời phỏng vấn, những chị em có chút chức vụ quản lý hay lãnh đạo, thường nhận được câu hỏi về “khó khăn và thuận lợi khi phụ nữ - mà - làm - công tác quản lý”. Câu hỏi thực chất là một vấn đề về “giới” bởi vì hình như chưa có một người đàn ông nào làm quản lý, lãnh đạo lại nhận được câu hỏi như thế.
Vậy thì từ góc độ về giới, “phụ nữ làm quan” thường gặp phải những vấn đề gì?
 “Phụ nữ làm quan” đầu tiên phải đối diện với một quan niệm khá phổ biến “việc (phấn đấu/ trở thành) là người số 1 trong cơ quan hay trong công việc đồng nghĩa với việc hạnh phúc gia đình, cuộc sống riêng tư sẽ lui xuống hàng thứ 2”. Thật ra chưa có một nghiên cứu nào cho một con số định lượng và những kết luận định tính cho thấy quan niệm trên là đúng. Một vài trường hợp của người phụ nữ thành đạt nhưng chưa trọn vẹn trong cuộc sống riêng không thể là đại diện cho những người “phụ nữ làm quan” khác.
“Phụ nữ làm quan” là người gánh trách nhiệm cao với xã hội và gia đình, do đó họ luôn phải tự cân bằng giữa hai vai trò “đối nội và đối ngoại”. Nhiều chị em đã vượt qua được tình trạng này vì biết xác định ở mỗi nơi mình có một chức trách khác nhau: ở cơ quan là lãnh đạo, quản lý công việc thì cần phải hành xử theo nguyên tắc và làm sao cho nhân viên thực hiện công việc một cách thỏai mái chứ không phải làm do “mệnh lệnh”. 
Còn ở nhà, việc của phụ nữ  là chăm sóc con cái và bếp núc, nếu được phụ giúp chia sẻ thì càng tốt, mà không thì ráng chút cũng xong. Kinh nghiệm của nhiều chị em là sớm dạy cho con cái tính tự lập và sự cảm thông, biết chia sẻ với cha mẹ những công việc trong gia đình. Có người giúp việc nhà thật ra không phải là phương án được nhiều chị em chọn lựa, bởi vì nó “tiềm ẩn” nhiều nguy cơ cho hạnh phúc gia đình, nhẹ nhất là “bị” nghe chồng khen “ô sin nấu cơm ngon hơn vợ nấu”. Do đó, có con là “đồng minh” trong việc nội trợ vẫn là “phương án tối ưu” của nhiều “phụ nữ làm quan”.
“Phụ nữ làm quan” luôn thiếu thời gian. Từ sáng sớm đến tối mịt, từ cơ quan công ty về đến nhà, lúc nào chị em cũng tất bật. Nếu con còn nhỏ thì chị em chẳng thể dành cho mình một chút thảnh thơi cà phê với bạn hay lượn lờ phố xá ngắm hàng ngắm hiệu. Con lớn rồi thì phải dành thời gian học tập để có thêm hiểu biết, kinh nghiệm, đặng mà làm việc.
“Phụ nữ làm quan” thường “mắc bệnh”  ôm đồm và hay gây áp lực cho chính mình và cho những người xung quanh, đồng nghiệp, cấp dưới, vì mong muốn mọi việc phải được thực hiện một cách hoàn hảo nhất. Với bản năng tinh tế (nhiều khi thành “tinh vi”) nên nhìn đâu cũng thấy “việc cần làm”, thường chỉ đạo sát sao thậm chí còn “ra tay” trực tiếp nên làm việc với các “sếp nữ” rất dễ mà cũng rất khó.
Nhưng, “phụ nữ làm quan” hay “bị” đánh giá, làm quan là nhờ quy hoạch, cơ cấu… thậm chí muốn đi học nâng cao trình độ cũng bị nói “học gì, chắc chỉ để làm quan”. Ô, cứ nhìn chị em “làm quan” thế nào rồi hãy phán chứ. Muốn làm quan thì đâu có xấu, nếu làm quan xấu thì mới đáng chê, phải không?
“Phụ nữ làm quan” nhiều lần khóc thầm, nhiều lần nản chí, không phải vì khó khăn trong công việc mà mệt mỏi vì sự phức tạp trong các mối quan hệ, nhiều khi là từ… những người phụ nữ khác. Phải chăng cái sự “cầu toàn” làm cho phụ nữ nhìn nhau khe khắt hơn? Nếu những thách thức trong công việc làm chị em dũng cảm hơn thì có khi lời nói thái độ của chính người cùng giới lại làm họ phải bỏ cuộc. Bởi vậy nếu “phụ nữ làm quan” có tính khí “đàn ông” một chút thì có lẽ cũng là cách “tự vệ” để đừng dễ bị tổn thương.
Tất cả những điều trên chính là cuộc sống thời hiện đại. Và người “phụ nữ làm quan” thời nay nói cho cùng chỉ có một khó khăn, đó là làm sao để cho gia đình và sự nghiệp không trở thành hai lĩnh vực mâu thuẫn đến mức cần phải dung hòa.
Sài Gòn 7.3.2015

 


Linh tinh lang tang (106) – ĐỒNG PHỤC MỚI CỦA VNA


Nhiều bạn chê đồng phục mới của tiếp viên VNA “giống phục vụ nhà hàng”. Ủa chứ không phải phục vụ sao? Phục vụ nhà hàng trên không (trong máy bay) thì cũng là phục vụ. Đồng phục là để dễ nhận dạng người đang thi hành công vụ và tiện lợi cho công việc. Tiếp viên đâu cần mặc đẹp và "xoang chọng" như hoa hậu á hậu hay người mẫu ?

Bộ đồng phục trước màu đỏ sậm đúng là “dấu hiệu” để nhận ra phụ nữ VN bởi kiểu áo dài truyền thống, nhưng đi lại làm việc trên máy bay khó mà nhanh nhẹn linh hoạt, vì vậy hiếm khi nào thấy các cô tiếp viên giúp hành khách để đồ lên khoang hành lý phía trên vì mặc áo dài ôm sát khó đưa tay với lên cao. Khi phục vụ ăn uống lại thêm cái tạp dề có hoa văn trống đồng, hồi đó mình đã góp ý là không nên lấy biểu tượng văn minh Việt cổ làm hoa văn tạp dề vì biểu tượng đó đã có mặt ở những nơi tôn nghiêm, nay lấy mà đeo vào bụng thì như “đeo trống” (con gái “đeo trống” là gì thì khỏi nói hén
J )

Mình thấy đồng phục mới ống quần gọn độ dài của áo ngắn hơn thì tiện cho việc đi lại nhanh nhẹn không vướng víu, cổ xẻ trông mềm mại mà tạo sự thoải mái, miễn là áo đừng chiết eo quá sát, bất tiện cho nhiều việc. Màu xanh, vàng nhìn mát dịu nhưng hai màu này giặt vài nước là trông cũ xì. Chưa kể là nếu tính về hiệu ứng màu thì màu đỏ dễ gây chú ý hơn màu xanh và vàng.

Nếu nói mặc đồng phục này làm xấu các cô tiếp viên thì cũng hay, để các cô ấy tập trung vào công việc và hiểu rõ vị trí “người phục vụ” của mình. Tuyển tiếp viên mà như tuyển hoa hậu, có cần thế không?! Trước đây đi máy bay là sang trọng nhưng nay thì đã trở nên bình thường. Nói hơi ngoa chứ có ai đòi tiếp viên xe lửa hay xe bus phải đẹp không nhỉ J

Mình thấy nhiều hãng hàng không nước ngoài đâu bắt buộc tiếp viên phải là các cô trẻ đẹp mà người ta đòi hỏi sự chuyên nghiệp, cần dịu dàng thì dịu dàng nhưng khi cần nghiêm khắc thì cũng rất nghiêm với những vị khách vi phạm nguyên tắc. Tiếp viên của mình “hiền” quá hay là thiếu trách nhiệm quá, khi mà để hành khách thoải mái điện thoại trên máy bay lúc chuẩn bị cất cánh và chuẩn bị hạ cánh, chưa kể nhiều hành vi làm phiền người khác.

Vả lại, có xấu thì nhìn mãi cũng… hết xấu, nhá, như khi VNA bỏ màu sơn trắng với hình con chim cách điệu và trái đất, thay bằng màu sơn xanh sậm và hoa sen cách điệu trông như nải chuối J . Nhưng nếu VNA đưa hình ảnh mới quảng bá trước thì vẫn tốt hơn, vừa tôn trọng khách hàng vừa tỏ ra tự tin với sự lựa chọn của mình. Vì đằng nào mà chả có nhiều ý kiến khen chê J Cho nên chắc chỉ chê vài bữa rồi cũng quên, dân mình vưỡn thế J

P/S. Tui không nói bộ mới này đẹp hay xấu nha, tui chỉ nói về sự tiện lợi của nó. Đẹp hay xấu còn tùy từng người mặc và quan trọng là do thái độ đối với khách hàng của người mặc đồng phục đại diện cho hãng hàng không quốc gia.

P/S 2. Đồng phục (cũng như logo) không cần phải gánh lên nó quá nhiều ý nghĩa to nhớn cao siêu, chỉ cần dễ nhìn dễ nhớ “thương hiệu” mà nó đang đại diện.


TRUYỆN 100 CHỮ

Đầu tư
Hồi chưa li dị X. đầu tư lòng thương của mọi người bằng việc… than thở về người bạn đời.
Tự do rồi X. lập công ty đầu tư bằng tiền của người yêu X.
Công ty thua lỗ, X. lấy hoàn cảnh của mình “đầu tư” vào túi tiền của vài người khác.
Cứ vậy, không ai biết X. đang dựa vào họ để nuôi cái công ty chỉ còn một chức năng là giúp X. có lý do tiếp tục “đầu tư”.


THỦY TINH VÀ PHA LÊ
Cửa hàng bán những chiếc bình bằng pha lê và thủy tinh. Khách thường mua bình thủy tinh vì giá rẻ hơn, nhìn qua cũng giống pha lê, nếu bị vỡ hay không thích nữa thì bỏ đi không tiếc.
Ít người mua bình pha lê, nhưng đã mua thì họ giữ gìn cẩn thận, không chỉ vì đắt tiền mà vì người ta hiểu sự kỳ công để làm ra một chiếc bình pha lê hoàn mỹ.
Tình yêu là pha lê còn những gì giống như tình yêu chỉ là thủy tinh.

Hai mươi năm sau

Bạn già đến thăm nhau trong Viện dưỡng lão. Chuyện cũ nhớ nhớ quên quên, bà liền kể một chuyện vui hồi xưa mỗi lần nghe cả hai đều cười rũ rượi. Bạn ngơ ngác chẳng cười tiếng nào. Thương bạn quá bà bật khóc. Bạn nhìn bà rồi bỗng cười y như ngày xưa, nước mắt bà càng ràn rụa...
Bây giờ còn cùng vui được thì vui đi, cũng đừng làm cho nhau phải rơi nước mắt. Hai mươi năm nữa biết đâu chúng mình cũng vậy.

Mắt và răng
Người ta có hai con mắt và hai mấy chiếc răng.
Đau mắt hay đau răng đều khó chịu. Mắt ít đau nhưng đau thì khó chữa, còn răng thì ai chẳng vài lần bị đau? Mắt hỏng không thể thay cả hai mắt giả còn răng có thể làm giả cả hai hàm, vì mắt giả không nhìn thấy gì nhưng răng giả vẫn sử dụng được. Mắt giả dễ nhận ra còn răng giả thì khó biết.
Hình như, vchồng như mắt, bồ bịch như răng?

Món quà của Chúa
Một lần cô ngập ngừng thổ lộ “Anh biết không, em vô cùng may mắn vì có tình yêu của Anh - món quà quý giá nhất mà em được Chúa ban tặng…”
Sau giây phút cảm động vì sự chân tình của cô, anh bỗng thấy như bị đặt lên vai một gánh nặng. Không khó để cô nhận ra cảm giác đó của anh…
Có khi nào “Món quà của Chúa” giống một truyện cực ngắn không tìm ra đoạn kết?

Lời ru buồn
Chồng mất sớm, chị có một con nhỏ. Vài năm sau chị tái hôn. Rồi chị sinh “con chung”. Đứa con của chị hậm hực vì mình không còn là “duy nhất” của mẹ, nó lạnh nhạt thậm chí luôn tỏ thái độ ghét đứa em cùng mẹ khác cha.
Buồn lòng, chị thường cất tiếng ru:
“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”

160 NĂM THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN

  https://nguoidothi.net.vn/160-nam-thao-cam-vien-sai-gon-42825.html   Nguyễn Thị Hậu Thảo cầm viên Sài Gòn là một không gian công cộng và...