(Báo Tuổi trẻ ngày 8.3.2015)
Nguyễn
Thị Hậu
Mỗi khi trả lời phỏng
vấn, những chị em có chút chức vụ quản lý hay lãnh đạo, thường nhận được câu hỏi
về “khó khăn và thuận lợi khi phụ nữ - mà - làm - công tác quản lý”. Câu hỏi thực
chất là một vấn đề về “giới” bởi vì hình như chưa có một người đàn ông nào làm
quản lý, lãnh đạo lại nhận được câu hỏi như thế.
Vậy thì từ góc độ về
giới, “phụ nữ làm quan” thường gặp phải những vấn đề gì?
“Phụ nữ làm
quan” đầu tiên phải đối diện với một quan niệm khá phổ biến “việc (phấn đấu/ trở
thành) là người số 1 trong cơ quan hay trong công việc đồng nghĩa với việc hạnh
phúc gia đình, cuộc sống riêng tư sẽ lui xuống hàng thứ 2”. Thật ra chưa có một
nghiên cứu nào cho một con số định lượng và những kết luận định tính cho thấy
quan niệm trên là đúng. Một vài trường hợp của người phụ nữ thành đạt nhưng
chưa trọn vẹn trong cuộc sống riêng không thể là đại diện cho những người “phụ
nữ làm quan” khác.
“Phụ nữ
làm quan” là người gánh trách nhiệm cao với xã hội và gia đình, do
đó họ luôn phải tự cân bằng giữa hai vai trò “đối nội và đối ngoại”. Nhiều chị
em đã vượt qua được tình trạng này vì biết xác định ở mỗi nơi mình có một chức
trách khác nhau: ở cơ quan là lãnh đạo, quản lý công việc thì cần phải hành xử theo
nguyên tắc và làm sao cho nhân viên thực hiện công việc một cách thỏai mái chứ
không phải làm do “mệnh lệnh”.
Còn ở nhà, việc của phụ nữ là chăm sóc con cái và bếp núc, nếu được phụ
giúp chia sẻ thì càng tốt, mà không thì ráng chút cũng xong. Kinh nghiệm của
nhiều chị em là sớm dạy cho con cái tính tự lập và sự cảm thông, biết chia sẻ với
cha mẹ những công việc trong gia đình. Có người giúp việc nhà thật ra không phải
là phương án được nhiều chị em chọn lựa, bởi vì nó “tiềm ẩn” nhiều nguy cơ cho
hạnh phúc gia đình, nhẹ nhất là “bị” nghe chồng khen “ô sin nấu cơm ngon hơn vợ
nấu”. Do đó, có con là “đồng minh” trong việc nội trợ vẫn là “phương án tối ưu”
của nhiều “phụ nữ làm quan”.
“Phụ nữ làm quan” luôn thiếu thời gian.
Từ sáng sớm đến tối mịt, từ cơ quan công ty về đến nhà, lúc nào chị em cũng tất
bật. Nếu con còn nhỏ thì chị em chẳng thể dành cho mình một chút thảnh thơi cà
phê với bạn hay lượn lờ phố xá ngắm hàng ngắm hiệu. Con lớn rồi thì phải dành
thời gian học tập để có thêm hiểu biết, kinh nghiệm, đặng mà làm việc.
“Phụ nữ làm quan” thường “mắc bệnh” ôm đồm và hay gây áp lực cho chính mình và
cho những người xung quanh, đồng nghiệp, cấp dưới, vì mong muốn mọi việc phải
được thực hiện một cách hoàn hảo nhất. Với bản năng tinh tế (nhiều khi thành “tinh
vi”) nên nhìn đâu cũng thấy “việc cần làm”, thường chỉ đạo sát sao thậm chí còn
“ra tay” trực tiếp nên làm việc với các “sếp nữ” rất dễ mà cũng rất khó.
Nhưng, “phụ nữ làm
quan” hay “bị” đánh giá, làm quan là nhờ quy hoạch, cơ cấu… thậm chí muốn đi học
nâng cao trình độ cũng bị nói “học gì, chắc chỉ để làm quan”. Ô, cứ nhìn chị em
“làm quan” thế nào rồi hãy phán chứ. Muốn làm quan thì đâu có xấu, nếu làm quan
xấu thì mới đáng chê, phải không?
“Phụ nữ làm quan” nhiều
lần khóc thầm, nhiều lần nản chí, không phải vì khó khăn trong công việc mà mệt
mỏi vì sự phức tạp trong các mối quan hệ, nhiều khi là từ… những người phụ nữ
khác. Phải chăng cái sự “cầu toàn” làm cho phụ nữ nhìn nhau khe khắt hơn? Nếu
những thách thức trong công việc làm chị em dũng cảm hơn thì có khi lời nói
thái độ của chính người cùng giới lại làm họ phải bỏ cuộc. Bởi vậy nếu “phụ nữ
làm quan” có tính khí “đàn ông” một chút thì có lẽ cũng là cách “tự vệ” để đừng
dễ bị tổn thương.
Tất cả những điều trên chính là cuộc sống
thời hiện đại. Và người “phụ nữ làm quan” thời nay nói cho cùng chỉ có một khó
khăn, đó là làm sao để cho gia đình và sự nghiệp không trở thành hai lĩnh vực
mâu thuẫn đến mức cần phải dung hòa.
Sài Gòn 7.3.2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét