Nguyễn Thị Hậu
Trong đô thị - một không gian có giới
hạn nhưng tập hợp nhiều yếu tố tự nhiên như sông rạch, đồi gò, rừng cây… và
nhân văn như các công trình kiến trúc, cảnh quan nhân tạo… Tất cả đều liên quan
trực tiếp và gián tiếp đến đời sống của cư dân đô thị. Mỗi đô thị có cảnh quan
đặc thù do vị trí địa lý, địa hình, lịch sử hình thành khác nhau, nhưng đều có
một điểm chung như sợi dây nối liền và tạo ra sự hài hòa giữa tự nhiên và những
gì nhân tạo, đó là hệ thống cây xanh đô thị. Vì vậy từ rất lâu trên thế giới đã
coi cây xanh như là một thành tố của di sản văn hóa đô thị, vừa là vật thể bởi
sự hiện hữu lâu đời và lợi ích của chúng, vừa là phi vật thể bởi cây xanh tạo
nên những ký ức cá nhân và ký ức của cộng đồng. Cây xanh góp phần tạo nên bản
sắc riêng của từng đô thị, và có thể nói, một bản sắc khó thay đổi dù đô thị đó
có biến đổi đến đâu.
Từ nhiều năm nay những cụm từ như “bảo
tồn di sản”, “di sản văn hóa”, “di sản đô thị”… đã phổ biến trong xã hội. Ai
cũng biết bảo tồn di sản chính là gìn giữ mối liên hệ giữa quá khứ và tương lai
thông qua những “vật chứng” như các di tích, di vật, lễ hội… thông qua ký ức
lịch sử mà thế hệ trước di truyền cho thế hệ sau. Những “vật chứng” nếu thiếu
đi cảm xúc của ký ức con người thì chỉ là những kiến trúc những sự kiện vô hồn;
nhưng ký ức con người cũng cần sự tồn tại của “vật chứng” để bám rễ vào đó tạo
nên sức sống lan truyền giá trị và tình yêu đối với di sản văn hóa. Cây xanh
trong đô thị cũng là một phần của di sản đô thị văn hóa bởi lợi ích mà nó mang
lại cho con người tuy vô hình nhưng không hề vô giá trị.
Cây xanh đô thị
gắn liền với các tuyến phố tạo mảng xanh giữa những gạch đá bê tông thép kính,
được coi như “lá phổi xanh” điều hòa không khí, tạo sự trong lành và tươi mát
cho không gian hạn hẹp của đô thị. Sự sinh động muôn màu sắc hình dáng của cây
xanh tạo nên vẻ đẹp tự nhiên mà không bàn tay con người nào có thể làm được. Một thành phố đẹp có
thể nào thiếu cây xanh, công viên, thiếu mùa lá đâm chồi nảy lộc, thiếu mùa lá
rụng như níu bước chân người qua?
Những
hàng cây luôn gắn bó với những con đường, những ngôi nhà, với những con người
thành phố. Cảnh quan đô thị không thể
thiếu những hàng cây cao vút toả bóng mát tạo khoảng xanh bình yên… Mỗi thành
phố, vô tình hay hữu ý, có loại cây đặc trưng riêng, như Hải Phòng “thành phố
hoa phượng đỏ”, Hà Nội “mùa hoa sữa”, Sài Gòn “cánh hoa dầu xoay tít bay bay”…
Trải qua thời gian, môi trường biến đổi, đô thị phát triển, cây xanh trong
thành phố trở thành chứng nhân của sự thay đổi ấy.
Việc thay thế cây xanh là việc làm bình thường, nếu như nó
được thực hiện như một công việc hàng ngày của cơ quan có trách nhiệm: theo dõi
chăm sóc các loại cây theo đặc điểm của từng loại, khi cây “bị bệnh” thì thuốc
men chạy chữa ngay – giống như di tích kiến trúc xuống cấp hư hỏng thì phải sửa
chữa, trùng tu. Ngay cả việc xây dựng một công trình mới nếu liên quan đến số
phận của nhiều cây xanh thì cũng cần cân nhắc, một mức độ nào đó cũng cân nhắc
như phải di dời một tòa nhà cổ nhường chỗ cho công trình mới. Đấy là ở thời
điểm hiện nay khi cây xanh đô thị được coi là một loại “cổ tích”, còn ngày
trước người ta ứng xử thế nào với cây xanh đô thị?
Theo vài công trình nghiên cứu gần đây,
từ khoảng giữa thế kỷ 19 khi người Pháp quy hoạch các đô thị ở Việt Nam thì họ đã tiến hành
trồng cây xanh trên vỉa hè, đầu tiên là ở những tuyến phố chính rồi dần dần
trên những tuyến đường khác. Như ở Sài Gòn cây trồng lấy từ vườn ươm trong vườn
Bách Thảo (như vậy vườn Bách thảo không chỉ có chức năng như một công viên và bảo
tồn những giống cây quý hiếm mà còn có chức năng nghiên cứu ươm trồng cây xanh
đô thị - một chức năng mà đến giờ hình như đã bị chuyển giao cho cơ quan
khác?). Việc trồng cây, tưới cây và chăm sóc hàng ngày được chính quyền giao
cho cấp làng (như phường hiện nay) đảm nhiệm. Sau một thời gian chính quyền đô
thị đã “rút kinh nghiệm” là loại cây nào phù hợp nhất, mật độ bao nhiêu thì vừa
đủ với khí hậu ẩm thấp mưa nhiều…
Cho đến đầu thế kỷ 20 nhiều con đường ở Sài
Gòn đã có “thương hiệu riêng” từ những hàng cây trồng ở đó: đường cây me, cây
sao, cây dầu… Một điều rất thú vị là ngay trong quá trình “thử nghiệm” việc đốn
hạ loại cây nào cũng phải được Hội đồng thành phố quyết định dựa vào những phân
tích khoa học và bằng chứng thực tế (như rễ cây ăn ngang phá hủy vỉa hè, lá và
trái rụng nhiều vào mùa mưa làm dơ bẩn đường phố, cây lá quá rậm rạp làm ẩm ướt
sinh sôi côn trùng…) nhưng chỉ thay thế dần dần hàng năm. Ngay cả vài loại cây
rễ chùm rậm rạp như những cây da cổ, chính quyền cũng ngần ngại “để nghiên cứu
tiếp” vì thấy dân chúng còn “mê tín” và có nhiều gắn bó (*).
Khi Hà Nội triển khai việc đốn chặt hàng
loạt cây xanh trên nhiều tuyến phố chính, trong đó có những con đường “phố cổ”
với hàng cây cao được trồng từ thời Pháp thuộc đến nay đã hàng trăm năm tuổi,
là “chứng nhân” cho bao cuộc đời người Hà Nội, chứng kiến bao đổi thay thăng
trầm của Thủ đô… Nhiều người, trong đó có tôi, chứng kiến hình ảnh hàng cổ thụ
nằm rạp dưới những lưỡi cưa máy, dòng nhựa tuôn như nước mắt… thật không thể
cầm lòng! Nhìn thấy đường phố trơ ra dưới những khối bê tông tôi không hình
dung được mùa hè sắp tới Hà Nội sẽ ra sao trong cái oi nồng nắng gắt?
Một đô thị phát triển không thể thiếu
đường giao thông hiện đại, thiếu nhà cao tầng thiếu những công trình đồ sộ.
Nhưng một đô thị hiện đại văn minh cũng không thể vắng thiên nhiên mà cây xanh
là yếu tố quan trọng nhất! Nếu thực sự vì con người xin hãy bảo vệ thiên nhiên!
Khi con người biết yêu thiên nhiên thì sẽ biết yêu đồng loại!
Sài Gòn 21.3.2015
(*) Xem: Trần Hữu Quang,
Hạ tầng đô thị Sài Gòn buổi đầu. Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM 2012.
- xem tin tức mà phát bực, không lẽ mỗi lần tụi đầu bò, đạp cức thì mỗi lần chặc chân tụi nó ???. Chứ nếu xét ngược lại thì bộ máy chính trị còn lõng lẽo yếu kém. Qua những câu hỏi của các nhà báo thì đủ thấy chỉ một mặt trận báo trí cũng đủ vùi lắp cuộc đời chúng nó vì so ra chúng nó sống cả đời mà chẵng biết kính trên nhường dưới là gì !!? Ngu như con bò ...
Trả lờiXóa