KHÔNG GIAN SỐNG CỦA GIA ĐÌNH Ở ĐÔ THỊ

 “NHÀ NHỎ” XƯA VÀ NAY

Ở đô thị nước ta thời bao cấp, phần lớn người dân sống trong những ngôi nhà nhỏ hoặc trong các căn phòng ở khu tập thể. Hầu hết các khu dân cư, khu tập thể mọi người mọi nhà đều phải chung đụng với nhau những nhu cầu riêng tư nhất: nhà tắm, nhà vệ sinh, nhà bếp, kể cả chuyện “ngủ chung” cha mẹ con cái cùng một giường, vợ chồng mới cưới ngủ cùng một căn phòng với cả đại gia đình... Vì thế đã có bao chuyện giở khóc giở cười, bao chuyện tọc mạch mất lòng phiền phức.

Vậy nên, qua khỏi thời bao cấp, khi có điều kiện thì ai cũng muốn có một không gian riêng cho mình, cho gia đình mình dù nhỏ bé, chỉ cần tiện nghi cơ bản cho sinh hoạt và làm việc. Từ nhu cầu đó, các đô thị ngày nay phát triển nhiều chung cư hoặc khu dân cư, diện tích mỗi căn hộ, mỗi ngôi nhà vừa đủ cho nhu cầu của một gia đình nhỏ, thường là vợ chồng và  1- 2 con nhỏ. Khoảng mươi năm trở lại đây, nhiều người trẻ công việc làm ăn ổn định, muốn “thoát ly” khỏi gia đình còn làm xuất hiện những căn hộ cho một người.

Có thể nói, nhu cầu “ra riêng” của một gia đình hay một cá nhân không chỉ là nhu cầu được thoái mái tiện nghi hơn về “không gian sống”, mà còn là nhu cầu “tự do hơn” về sinh hoạt và tinh thần. Vì vậy xu hướng phát triển những căn hộ diện tích vừa và nhỏ là phổ biến và lâu dài, khi mà các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM còn là nơi có dân số tăng cơ học một cách nhanh chóng và phức tạp.

Tôi từng nhiều năm sống trong một căn phòng 25m2 trong khuôn viên trường học nơi tôi giảng dạy. Ở căn phòng “tập thể” chỉ kê vừa cái giường đôi, tủ quần áo, nền nhà tráng xi măng luôn lau sạch để tối có thể nằm nếu trời nóng quá. Tất cả là ở hành lang: một bàn nhỏ vừa là nơi ăn cơm vừa là nơi tôi làm việc, cái tủ nhỏ đựng đồ dùng bếp núc, phía trên đặt cái bếp dầu, thau chậu, mấy xô nước nấu ăn... Những gia đình bên cạnh cũng vậy. Ban ngày mọi người đi làm nhưng trưa chiều thì hành lang nhộn nhịp, nơi này nấu nướng nơi kia tắm gội cho trẻ con, rồi tiếng mời nhau khi đang ăn có người đi qua..

Muốn vệ sinh tắm giặt thì xuống khu bể nước ở tầng trệt, ban ngày thì chuột chạy ban đêm gián bò lổm ngổm... Dẫu vậy, những gia đình trẻ vẫn thấy vui vì ở riêng thì... dễ cãi nhau hơn, không phải “giữ ý” vì sống chung bên chồng bên vợ. Nói vui là thế nhưng cũng có một phần sự thật.

Về sau gia đình tôi ở trong một chung cư mới xây trên một nghĩa địa vừa giải tỏa, phía sau nhà còn ngổn ngang hố huyệt ván hòm, chiều tối là trong nhà lạnh ngắt, luôn phải thắp nhang. Căn hộ trên lầu một khoảng 50m2, có khu bếp và vệ sinh, diện tích còn chia thành phòng khách và hai phòng ngủ nhỏ xíu, nhưng với tôi đã là “thiên đường”! Ít nhất chúng tôi có nơi để giá sách, bàn làm việc, hai con có phòng riêng, có góc học tập của mình. Chung cư không có “không gian dịch vụ” nên các nhà ở tầng trệt nhanh chóng đảm nhận việc này: giữ xe, bán tạp hóa, bán cà phê, ăn sáng...

Từ trước 1975 Sài Gòn đã có hàng trăm chung cư phân bố trong nội thành, hợp thành những khu vực cư trú của người bình dân ở quận Ba, quận Mười như Nguyễn Thiện Thuật, Ngô Gia Tự, Nguyễn Kim... một vài chung cư cao cấp hơn rải rác ở quận Một như trên đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Trần Hưng Đạo... Nhiều chung cư xây dựng sau 1975 đến khoảng năm 2000 vẫn theo mô hình và quy mô tương tự chung cư cũ. Cộng đồng sống trong chung cư phần lớn là người và hộ gia đình có thu nhập trung bình và thấp, trải qua thời gian dài khó khăn nhưng cơ bản vẫn “bảo tồn” được lối sống bình dị, gần gũi tình làng nghĩa xóm. Hiện nay các chung cư, các khu phố người dân đã thay đổi suy nghĩ và hành vi theo hướng tích cực:  từ suy nghĩ chung cư chỉ là nơi “ở tạm” họ đã gắn bó và quan tâm hơn đến không gian sống “của mình, của chúng ta”, như trồng hoa và cây cảnh, giữ vệ sinh sạch sẽ hành lang, cầu thang, ứng xử văn minh, thân thiện... Đây chính là điểm độc đáo thể hiện sự nhân văn đồng thời góp phần bảo tồn một loại hình di sản đô thị và hướng cộng đồng đến lối sống bền vững.

 Tuy nhiên chất lượng những chung cư này đến nay là điều cần phải quan tâm, đồng thời, những hạn chế về dịch vụ, về cấu trúc căn hộ đơn giản, không phù hợp tiện nghi và sinh hoạt hiện đại chính là điều mà những chung cư hay khu nhà mới xây dựng hiện nay cần khắc phục.

Chung cư “bình dân” mới cần có khu vực dịch vụ càng đa dạng càng tốt, diện tích căn hộ nhỏ nhưng bố trí không gian hợp lý cho nhu cầu chung và riêng của từng thành viên gia đình. Đồ đạc nội thất là loại dùng đa chức năng, linh hoạt và thiết kế sao cho có thể tiết kiệm diện tích nhưng vẫn tiện nghi... Và cuối cùng là giá bán hay cho thuê hợp lý. Tất nhiên, người mua chấp nhận vị trí có thể xa khu vực trung tâm thành phố, nhưng nếu ở gần trường học, bệnh viện, chợ hay siêu thị lớn, và nhất là môi trường tốt như có “không gian công cộng” là công viên, nhiều cây xanh... thì đó sẽ là sự lựa chọn của nhiều người.

Nhu cầu về nhà ở/căn hộ vừa và nhỏ luôn là nhu cầu bức thiết ở đô thị, vì không gian đô thị hạn hẹp không thể “cơi nới” mà dân số thì luôn có xu hướng tăng lên, vì nhu cầu tâm lý “tự do trong không gian của mình” của thị dân hiện đại cũng ngày càng tăng lên, và phần đông dân chúng có khả năng chi trả cho căn hộ/nhà ở với diện tích như vậy.



GÓC NHỎ BÌNH YÊN

Tính ra, gần như cả ngày mỗi người trong gia đình đều ở nơi làm việc.

            Buổi tối về nhà sau giờ cơm nước, dọn dẹp nhà cửa thì mỗi người lại ngồi ở góc riêng của mình miệt mài với công việc. Bởi vậy dù nhà nhỏ nhưng bố mẹ vẫn tạo một khoảng không gian chung ở tầng lửng, nơi đặt TV, máy tính, tủ sách để cả nhà có thể gần nhau sau cả ngày dài mỗi người mỗi nơi.

Không định mà cả nhà cùng “dính líu” vào nghề viết lách nên ở góc nhỏ ấy cô Út dịch sách, cô Hai biên tập bài, bố chấm thi, sửa luận văn cho sinh viên, mẹ viết báo cáo, thi thoảng tạp bút tản văn… Nhà có ba phụ nữ nên nhiều lúc góc nhỏ biến thành… chợ chồm hổm, đủ thứ chuyện từ cơ quan đến ngoài đường, từ chuyện xã hội đến facebook – thế giới ảo vui vẻ thư giãn của mấy mẹ con. Có lúc ồn ào quá, bố phải “mắng”, này, họp ở cơ quan chưa chán à?

            Nhớ hồi xưa, khi các con còn nhỏ, nhà tập thể chật không có chỗ xoay người, “góc nhỏ” của mấy mẹ con chính là cái xe máy. Mỗi ngày bốn lượt đưa đón 2 con đến trường, trên chiếc xe máy cũ kỹ ấy 3 mẹ con vẫn có thể “tám” đủ chuyện. Mẹ biết được việc học hành, biết thầy cô, bạn bè của con… Giờ đây nơi góc nhỏ có khi mỗi người mỗi cuốn sách, mỗi máy tính vẫn thấy gần nhau như xưa. Ngày nào mà gia đình thiếu vắng một thành viên ngày ấy góc nhỏ bỗng im ắng buồn hiu.

Có lần mấy mẹ con “nổi hứng” dọn dẹp góc nhỏ ấy. Không đụng đến thì thôi, đụng vào thì quá trời đồ đạc linh tinh, bỏ thì tiếc mà để thì không dùng đến. Có những thứ nho nhỏ xinh xinh không biết mua làm gì, giờ cũ xì mà trông vẫn xinh, ngắm nghía mãi cũng phải cho vào thùng rác. Có thứ mua rồi nhưng cất kỹ quá tìm không ra, tưởng mất hay không có, lại mua... giờ hiện ra ba, bốn cái mà không cần nữa. Còn trăm thứ bà rằn khác, bỏ thì thương vương thì tội... ba mẹ con phải hô “quyết tâm” để dọn dẹp cho gọn gàng. Thứ nào còn tốt mà không dùng sẽ chuyển giao cho người cần dùng; những thứ linh tinh cương quyết giải tán, không như vài lần trước con vứt mẹ tiếc của giữ lại, hóa ra chiếm chỗ trong tủ trên bàn, thành nơi chứa bụi...

Sách nữa, có cuốn có tới hai, ba bản vì mẹ mua rồi con cũng mua hay có rồi lại được tặng thêm. Nhiều sách không còn đọc nữa như tạp chí cũ, sách truyện linh tinh, cả sách khoa học mà không phải chuyên môn của bố mẹ... Thế là xếp vào thùng giấy để mang tặng các nhà mở, mái ấm. Riêng bộ sách Conan và Đô Rê Mon thì lần nào dọn dẹp con xin mẹ được giữ lại vì đó là “tuổi thơ của con”. Đúng rồi, hồi đó mẹ còn tranh nhau với con để được đọc trước mà. Bây giờ, có cháu ngoại rồi lại mang ra cho cháu xem, cháu chỉ vào hình những gương mặt rất ngộ nghĩnh và bi bô: mẹ, bố, ngoại... cả nhà cười vui vẻ.

Dọn dẹp xong, lau nhà sạch sẽ, giặt giũ tấm phủ máy tính, rèm cửa sổ, đặt thêm bình bông tươi tắn, góc nhỏ trở nên gọn gàng, thông thoáng, đẹp hẳn ra, “cứ như nhà mới, mẹ nhỉ!”.

Bạn đến chơi đúng lúc mấy mẹ con đang tay năm tay mười “làm việc bằng hai”. Ra về bạn nói: Nhà cậu vui thật đấy. Còn nhà mình cứ như cái khách sạn, ai nấy rút vô phòng riêng với TV, máy tính và thế giới riêng! Không biết mình xây nhà rộng để làm gì nữa…

Góc nhỏ bình yên đâu cần nhà hẹp hay rộng, nó tồn tại trong mỗi thành viên trong gia đình, bạn ạ.



TC Kiến trúc nhà đẹp, số tháng 8 và 10/2021 


 


TA CÒN EM, HOA SỮA...

 

Từ bao giờ hoa sữa đã trở thành một biểu tượng của Hà Nội - nhất là đối với những người đi xa? Tôi không biết chính xác nhưng tôi nhớ Hà Nội bắt đầu từ một tối mùa thu 1975 chia tay bạn bè trong hương hoa sữa, tôi bắt gặp nỗi nhớ ấy trong bài hát “Hoa Sữa” của Hồng Đăng, và sau đó da diết hơn theo từng câu hát “Em ơi Hà Nội phố… ta còn em mùi hoa sữa” (thơ Phan Vũ, nhạc Phú Quang), và “hoa sữa thôi rơi em bên tôi một chiều tan lớp...” (thơ Bùi Thanh Tuấn, nhạc Trương Quý Hải).

Có mặt ở Hà Nội từ thời Pháp nhưng chưa thấy trong biệt thự nào trồng hoa sữa, chỉ có hoàng lan hoặc vài cây nhỏ. Cây hoa sữa được trồng ở vài tuyến phố thuộc khu phố Tây đường lớn vỉa hè rộng rãi chứ phải ở khu phố cổ đường nhỏ vỉa hè cũng nhỏ. Hàng cây cao lớn, lá xanh mướt quanh năm, trồng cách nhau đến hơn mươi mét mà vòm lá vẫn rợp vào nhau. Đây là loại cây xanh phù hợp với đô thị vì là cây lâu năm, thân gỗ, có tán rộng làm bóng mát. Nhưng có lẽ vì “đặc tính” của hương hoa nên người Pháp trồng hoa sữa không dày, phố chỉ có vài cây vừa đủ mùi hương thoang thoảng.

Có thời nhà tôi trên phố Ngô Thời Nhiệm - HN. Một quãng phố này và phố Lò Đức gần đó có hàng cây hoa sữa. Vào những ngày cuối thu đầu đông, chiều tối Hà Nội lãng đãng hơi sương, từng chùm hoa trắng sữa tỏa hương đậm đặc đến mức… nhức đầu. Thỉnh thoảng một làn gió thoáng qua là mùi hương lan xa và dịu hẳn. Quãng đường Nguyễn Du ven hồ Thiền Quang cũng vậy, những ngôi biệt thự “kín cổng cao tường” thời Pháp quanh đó như gần gũi và thân thiện hơn với người trong phố khi cùng được đắm mình trong hương hoa sữa… 

Trong không gian giới hạn của một đô thị, với “tuổi đời” gần cùng với tuổi của đô thị Hà Nội kiểu Pháp, những cây hoa sữa trở nên quen thuộc với nhiều người Hà Nội thời kỳ 1950-1960, và “hương hoa sữa” trở thành ký ức chung của những chàng trai, cô gái Hà Nội thập niên 1970-1980 và về sau. Ngay cả những người sống ở Hà Nội từng “khổ sở” vì mùi hương nồng nàn của nó thì khi đi xa, “hoa sữa” đã là một từ khóa (keyword) để mở ra “kho kỷ niệm” về Hà Nội.

***

Phải chăng từ vẻ đẹp quyến rũ của những lời hát về hoa sữa (và cả từ nỗi nhớ của những người Hà Nội đi xa?), khoảng những năm 1990 một số đô thị bắt đầu trồng hoa sữa trên đường phố chính. Hàng hoa sữa mới trồng chỉ cao hơn đầu người, cành còn khẳng khiu đã bắt đầu bung những chùm hoa tỏa hương đậm đặc. Nhưng không như mong đợi, nhiều người bất ngờ vì mùi hương của nó... Chỉ sau vài mùa hoa nhiều nơi đã phải chặt đi trồng cây khác vì không phù hợp với sức khỏe người dân.

Rồi Hà Nội lại trồng hoa sữa trên một số đường mới như Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh... Cũng như nơi khác, vài năm nay với mật độ cây trồng cao trong điều kiện khí hậu thay đổi, cây chưa kịp lớn nhưng hoa sữa đã nở sớm hơn ngay trong những ngày hè...  Vào cuối thu trong tiết trời se lạnh hương hoa sữa nồng nàn như mang chút hơi ấm cho người đi ngoài phố, nhưng trong cái nắng oi mùa hạ người ta khó có thể “lãng mạn” với mùi hương đặc biệt này. Hệ quả tất yếu là hàng cây hoa sữa trên những con đường mới chưa kịp trở thành “ký ức” đã bị chặt bỏ di dời, đành ngậm ngùi chia tay với phố.

Hà Nội có hương hoa sữa trên đường Nguyễn Du, có mùa lá sấu rụng vàng trên phố Phan Đình Phùng... nhưng trước khi hương sắc ấy trở thành ký ức thì Hà Nội đã có hàng cây cổ thụ trăm năm, hàng cây là bóng mát mùa hè đổ lửa, là “nhân chứng” của bao đời người. Việc trồng cây lâu năm ở đô thị là một khoa học vì nó bảo vệ môi trường và sự cộng cảm giữa con người với thiên nhiên. Không thể cứ tùy tiện trồng cây rồi chặt bỏ hay di dời, làm tốn kém nguồn vốn xã hội, gây ra tâm lý bất an và cảm giác không thân thiện trong đời sống đô thị.

Hàng cây luôn gắn bó với những con đường những ngôi nhà, với người thành phố.  Cảnh quan đô thị không thể thiếu những hàng cây cao vút toả bóng mát tạo khoảng xanh bình yên… Mỗi thành phố, vô tình hay hữu ý, có loại cây đặc trưng riêng, như Hải Phòng “thành phố hoa phượng đỏ”, Hà Nội “mùa hoa sữa” và bây giờ là “mùa hoa tím bằng lăng”, Sài Gòn “cánh hoa dầu xoay tít bay bay” “hàng lá me bay”, giờ là mùa hoa bò cạp vàng hay hoa kèn hồng…

Trải qua thời gian, đô thị phát triển, loài cây đặc trưng sẽ trở thành “thương hiệu” của thành phố ấy. Mong lắm!

 https://tcdulichtphcm.vn/suy-ngam/hoa-sua-nong-nan-mo-kho-ki-niem-ve-ha-noi-c8a17816.html?fbclid=IwAR3xoExZyAgBatiV9B0JbWOKWJ57THyysdwvnjgK4IqCykvZsSqp0W6b4mA



Tôn tạo tượng đài Trần Hưng Đạo: Cần thỉnh lư hương về vị trí cũ

 https://nguoidothi.net.vn/ton-taotuong-dai-tran-hung-dao-can-thinh-lu-huong-ve-vi-tri-cu-31564.html?fbclid=IwAR10pKycREjSIFwgL_4zZbZ5tsrOIvYbm_S1NATDRQGhb7ZFPTqm5nLHSoo

     Cuối tháng 9.2021, ông Phạm Đức Hải - phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP.HCM - cho biết TP.HCM sẽ công bố phương án thiết kế, tôn tạo tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo. Sau khi công bố, TP mời người dân góp ý phương án trùng tu tượng, phù điêu, màu sắc, lư hương… Ngày 1.10.2021, thông tin từ Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, Sở Xây dựng kiến nghị thực hiện sửa chữa theo nguyên tắc không làm thay đổi đặc điểm tạo hình, màu sắc của bệ tượng và thân tượng; giao Trung tâm Bảo tồn và Phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa phối hợp trong quá trình lập thiết kế, thi công sửa chữa tượng đài Trần Hưng Đạo…

TP. HCM vừa trải qua thời gian dịch bệnh căng thẳng, tuy chưa thực sự bước vào thời kỳ an toàn nhưng cuộc sống cần được trở lại tình trạng “bình thường mới”. Chỉnh trang đô thị nói chung trong đó có khu vực bến Bạch Đằng là một việc cần thiết, bắt đầu ngay lúc này cũng mang ý nghĩa đó. Vì vậy nhiều người đón nhận thông tin trên với sự đồng tình. Tuy nhiên, trong kiến nghị của Sở Xây dựng chưa nói đến việc cần thỉnh lư hương dưới chân tượng Đức Thánh Trần về lại vị trí cũ. Suốt thời gian qua, nhất là trong những tháng dịch bệnh căng thẳng, đây là một việc mà  đông đảo người dân thành phố mong đợi và hy vọng chính quyền thành phố sớm thực hiện.

Có thể nói, việc di dời lư hương dưới chân tượng Đức Thánh Trần là không hợp cả tình và lý. Hơn nữa, cách thức di dời lư hương không thể hiện sự tôn kính với vị Anh hùng dân tộc và không phù hợp với nơi thể hiện tâm linh của cộng đồng. Nay thành phố tiến hành chỉnh trang, sửa chữa khu vực công viên và tượng đài thì cần phải phục hồi lại cảnh quan quen thuộc và có ý nghĩa lịch sử của khu vực này: thỉnh lư hương trở về vị trí cũ, để nhân dân có điều kiện bày tỏ lòng tôn kính với Đức Thánh Trần bằng những nén tâm nhang tại đây.

Từ cả trăm năm, ngàn năm trước, một hòn đá, một cái cây khi được con người thờ cúng đã là tâm linh. Tượng Phật, tượng các vị Thánh dù trong chùa, trong đền thờ hay ngoài trời khi có lư hương thì đã là nơi thờ cúng, “có thờ có thiêng”, ông bà mình đã đúc kết như vậy. Tại nhiều đô thị Việt Nam, các tượng đài các vị anh hùng dân tộc thường có lư hương. Lư hương gắn liền với tượng đài cả về hình thức kiến trúc và một tập quán tốt đẹp của người dân là dâng hương tưởng niệm. Tượng Đức Thánh Trần ở TP.HCM cũng vậy!  Tượng đài cùng với lư hương trong không gian đô thị Sài Gòn – TP. HCM không chỉ là cảnh quan kiến trúc mà quan trọng hơn, là một địa điểm, cảnh quan nằm trong hệ thống những di tích tâm linh, mang ý nghĩa gắn kết cộng đồng dân cư từ nhiều nguồn gốc, nhiều nơi chốn đã tập hợp sinh sống ở đây. Thiếu sự gắn kết này thành phố chỉ còn những con người xa lạ không có sự đồng cảm với nhau, không có mối liên hệ giữa các thế hệ. Thiếu sự hiện diện của những di tích, tượng đài nhắc nhở truyền thống lịch sử - văn hóa chung, đô thị chỉ là những khối bê tông vô hồn.

Chính quyền thành phố mong muốn được nhân dân đóng góp ý kiến về việc chỉnh trang đô thị nói chung và khu vực tượng đài Đức Thánh Trần nói riêng, là thể hiện sự tôn trọng người dân, thấu hiểu mong muốn của dân, đồng cảm với tâm linh của dân... Chính quyền, bằng sự chính danh của mình, trên cơ sở những lời “thuận ngôn” của cộng đồng, cần thực hiện ngay việc thỉnh lại lư hương của Đức Thánh Trần về vị trí cũ một cách trang trọng. Đó là thái độ trân trọng lịch sử và lòng tôn kính với vị anh hùng dân tộc. Sài Gòn – TP.HCM luôn tự hào là “thành phố nghĩa tình” thì nghĩa tình ấy đầu tiên là với nơi mình đang sinh sống, tình nghĩa với những gì lịch sử để lại, tình nghĩa còn là giữ gìn Lễ Nghĩa với tiền nhân.

Chỉnh trang, tu bổ khu vực công viên và tượng Đức Thánh Trần nên phục hồi nguyên trạng những gì vốn có, bảo toàn sự trang nghiêm mà giản dị ở đây. Đừng làm mới một cách lòe loẹt, xa lạ với cảnh quan quen thuộc với người dân thành phố. Nếu có thể, tiết kiệm kinh phí dự kiến chi cho việc này dành để hỗ trợ thêm cho các bác sĩ, nhân viên y tế đang trên tuyến đầu chống dịch bệnh, hoặc dành hỗ trợ cho hàng ngàn trẻ em mồ côi vì dịch bệnh.

 Nguyễn Thị Hậu




Để đất lành chim đậu

 Khi TP.HCM tạm "tự do" sau bốn tháng giãn cách xã hội nghiêm ngặt thì xảy ra một thực trạng chưa từng có: hàng chục ngàn người dân phải "phá rào" để trở về quê hương ở miền Tây. Những đoàn người từng rời quê đến TP.HCM chất phác, cần cù làm ăn nay vội vã rời nơi này. 

Trong khi trước đó, trong những ngày đại dịch COVID-19 vô cùng nguy hiểm, người dân ở TP.HCM nơi nào cũng có những việc làm hỗ trợ, đùm bọc lẫn nhau, động viên nhau cùng cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Đã có những đợt rời thành phố nhưng đầu tháng 10 này xem ra là đợt lớn nhất. Những đoàn người ra đi đó có lẽ ai cũng đều hy vọng khi thành phố bình yên họ sẽ sớm trở lại.

Từ những bước chân khai khẩn của lưu dân hàng trăm năm trước đến nay, Nam Bộ nói chung và TP.HCM nói riêng luôn được coi là một vùng "đất lành chim đậu". Đất lành là do có những điều kiện cần và đủ để con người yên tâm sinh sống. 

Ở thời xa xưa điều kiện đó là thiên nhiên không quá khắc nghiệt, là "người đi trước rước người đi sau". Nhưng trong thời buổi dịch giã hiện nay, vai trò và nhiệm vụ an sinh của Nhà nước là điều kiện đầu tiên, thứ đến là trách nhiệm của các doanh nghiệp, công ty... trong việc nhanh chóng hoạt động trở lại, bảo đảm đời sống của người lao động. 

Chính phủ và TP.HCM đã nỗ lực triển khai 3 gói hỗ trợ cùng nhiều cách giúp đỡ khác cho người lao động trong thời gian dịch bệnh, nhưng dịch kéo dài quá, các gói hỗ trợ chưa đủ để có thể đảm bảo đời sống người dân trong nhiều tháng trời khi vật giá leo thang. Đây là một trong những lý do chính khiến nhiều đoàn người từng đợt rời về quê.

Và hơn nữa là cho đến lúc này nhiều người chưa thấy sớm có việc làm trở lại. Để có thể tạm thời mở ra trạng thái bình thường mới như hiện nay, chính quyền không chỉ căn cứ vào tình hình dịch bệnh đã khả quan hơn, mà còn cần chuẩn bị các chính sách ứng phó với điều kiện làm việc và sinh hoạt mới của người dân, đặc biệt với hoạt động kinh tế. Các công ty, doanh nghiệp đã có những điều kiện gì để có thể hoạt động và chuẩn bị những gì để đón nhận, giải quyết khó khăn cho người lao động quay lại làm việc? Khi có được những điều kiện cơ bản của cuộc sống, của việc làm thì người lao động sẽ cân nhắc việc ở lại hay về quê.

Nếu ngay sau những ngày "bị nhốt" trong khó khăn, chỉ cần việc làm thiết thực của chính quyền là hỗ trợ ngay cho người thất nghiệp, người nghèo một khoản tiền có thể đủ trả tiền thuê nhà trọ, đủ cho ăn uống, điện nước một cách tiết kiệm trong 1, 2 tháng tới, người lao động được doanh nghiệp cho biết thời gian sớm nhất bắt đầu công việc trở lại, các giải pháp khác của chính quyền căn cơ khả thi hơn... thì dù là "ánh sáng cuối đường hầm" cũng giúp hàng vạn người lao động dễ dàng hơn trong việc lựa chọn ở lại thành phố.

Chống dịch và bảo toàn đời sống xã hội trong và sau dịch là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, nhưng nhiệm vụ này với một đô thị lớn như TP.HCM với cư dân tứ xứ hội tụ thì cần phải có sự chung tay, liên kết của cả vùng. Trên phạm vi rộng hơn, Chính phủ và chính quyền các tỉnh cũng có trách nhiệm và việc làm thiết thực cùng TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An hỗ trợ cho người lao động, cho doanh nghiệp để có thể bảo toàn sức lao động, bảo toàn nền kinh tế, đặc biệt là tránh dòng người đổ về quê có thể tạo ra những vùng đỏ lây lan dịch bệnh trở lại.

Đất chỉ lành khi những đàn chim đến đây xây được tổ ấm và an toàn vượt qua dông bão. Dông bão COVID-19 mới tạm yên bước đầu nhưng đất lành bị thử thách. Cùng với sự sòng phẳng của quan hệ làm ăn còn cần sự trân trọng, "đền ơn đáp nghĩa" những người đã "đến đây thì ở lại đây" một cách thiết thực và đủ đầy. Người dân cần thấy mình trong chính sách của chính quyền sau dịch, căn cơ và lâu dài hơn thì mới có thể duy trì tổ ấm trên vùng đất lành chờ ngày hồi sinh sau dịch.

HÌNH: Thương quá dân mình ! Dân thương dân, giúp nhau trên đường về quê <3










Ngày đầu tiên “tạm tự do” sau bốn tháng! (Ngày 1.10.2021)

Hôm nay, nếu được đi ra đường thì bạn sẽ đi đâu? Vui thôi, nhớ đừng vui quá vì vẫn có thể bị xét hỏi, vẫn phải cài đặt và khai báo trong vài cái app mà không cái nào ăn nhập với cái nào!

Bao nhiêu dự tính cho ngày này nhưng tự nhiên thấy oải quá! Từ tối qua đến giờ không thấy vui lại thấy buồn... Chúng ta phải trả cái giá như thế nào để hôm nay tạm được “tự do”?

TP.HCM bắt đầu thực hiện giãn cách với chỉ thị 10 và 15 từ 31-5-2021, rồi 16, rồi 16+, 12 rồi giãn cách nghiêm với hàng vạn bộ đội vào cuộc, tới hôm nay 1-10 đã 4 tháng! Bốn tháng khốc liệt, chưa bao giờ Sài Gòn tê liệt một thời gian lâu như vậy!

Thiệt hại kinh tế khủng khiếp không biết bao giờ TPHCM mới có thể phục hồi, cuộc sống của hàng triệu người bị ảnh hưởng nặng nề do mất việc làm, do dính dịch bệnh, hàng chục ngàn người sức khỏe suy yếu sau khi thoát khỏi tử thần, hơn chục ngàn người đã thiệt mạng, hàng ngàn trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa...

Những tổn hại về tinh thần của xã hội không gì bù đắp được. Trạng thái bất ổn kéo dài gây nên nỗi sợ hãi thường trực trong không ít người: sợ dịch bệnh, sợ thiếu đói, sợ người thi hành công vụ... Đó là sự hao mòn về niềm tin vào lòng tốt và sự tử tế, khi mà những việc những người làm thiện nguyện bị nghi ngờ bị đấu tố vì tin tức thật giả lẫn lộn, dến nay vẫn chưa được cơ quan công quyền xác minh, làm rõ. Bất cứ gì cũng có thể là nguyên nhân để người ta chia phe “ném đá” vào nhau.

Đó là bộ máy công quyền bộc lộ nhiều yếu kém thậm chí sai lầm qua những văn bản chỉ thị kiểu “đùng một cái” làm dân không kịp trở tay, những việc làm kéo dài không hiệu quả, những việc gây lãng tiền của và hao phí sức người... Đặc biệt những hành xử vô thiên vô pháp của một số người thực thi chức trách mang tâm thức sai nha, quan liêu và vô nhân! Những hành vi này gây thêm tâm lý khiếp sợ và biến một số người dân thành những cái máy ngoan ngoãn chỉ biết làm theo mệnh lệnh dù vô lý!

Bao nhiêu câu hỏi Tại sao... Nhưng bao giờ có câu trả lời sòng phẳng và minh bạch?!

Còn bây giờ, ngay lúc này mình chỉ mong muốn các bác sĩ và nhân viên y tế, những người phục vụ ở nơi cách ly, bệnh viện... được thay phiên nhau nghỉ ngơi, được về với gia đình vài bữa. Cuộc chiến này có thể đã qua giai đoạn ác liệt nhất nhưng còn kéo dài. Lực lượng này cần được dưỡng sức cả về thể chất và tinh thần. Đồng thời, những chính sách chế độ cho họ cần được Bộ Y tế thay đổi tốt hơn và phải thực thi sự thay đổi ấy, ngay và luôn! Đừng để nước mắt người xem những bộ phim phóng sự của VTV chưa kịp ráo thì các vị cũng quên luôn trách nhiệm và lương tâm của mình!

@ Một câu chuyện từ Fb chị Nguyễn Thị Sơn

Trong kinh tế học, có câu chuyện kinh điển mà sinh viên marketing thường nghe: Một công ty xuất nhập khẩu ngành giầy cử hai chuyên viên đi khảo sát thị trường mới để bán giầy. Sau khi khảo sát ở một đất nước kinh tế thị trường còn kém phát triển, một người viết báo cáo "nên mở cửa hàng giầy vì thành phố này chưa có cửa hàng giầy", người thứ hai viết báo cáo "không nên mở cửa hàng giầy vì dân ở đây không đi giầy, nhà giàu đi dép còn người dân đi chân đất".

Ông chủ tập đoàn đa quốc gia sau khi đọc báo cáo, bèn bay một chuyến sang quốc gia đó xin gặp lãnh đạo quốc gia. Không biết ông chủ thuyết phục thế nào mà lãnh đạo quốc gia đó ban hành một sắc lệnh bắt mọi người dân khi ra đường, đến công sở, nơi làm việc phải đi giầy. Thế là ông chủ mở hàng loạt cửa hàng giầy và bán độc quyền giầy với giá bán kinh khủng gọi đó là hàng hiệu.

P/S (của tui). Nghe nói, sau đó người ký sắc lệnh ấy phải ra “điều trần trước quốc hội” vì đã gây hậu quả xấu cho kinh tế và bất ổn về tâm lý cho cộng đồng. Nhưng đây là chuyện nước ngoài!

Sẽ nhớ mãi hình ảnh một SG không người như thế này!



LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...