KHÔNG GIAN SỐNG CỦA GIA ĐÌNH Ở ĐÔ THỊ

 “NHÀ NHỎ” XƯA VÀ NAY

Ở đô thị nước ta thời bao cấp, phần lớn người dân sống trong những ngôi nhà nhỏ hoặc trong các căn phòng ở khu tập thể. Hầu hết các khu dân cư, khu tập thể mọi người mọi nhà đều phải chung đụng với nhau những nhu cầu riêng tư nhất: nhà tắm, nhà vệ sinh, nhà bếp, kể cả chuyện “ngủ chung” cha mẹ con cái cùng một giường, vợ chồng mới cưới ngủ cùng một căn phòng với cả đại gia đình... Vì thế đã có bao chuyện giở khóc giở cười, bao chuyện tọc mạch mất lòng phiền phức.

Vậy nên, qua khỏi thời bao cấp, khi có điều kiện thì ai cũng muốn có một không gian riêng cho mình, cho gia đình mình dù nhỏ bé, chỉ cần tiện nghi cơ bản cho sinh hoạt và làm việc. Từ nhu cầu đó, các đô thị ngày nay phát triển nhiều chung cư hoặc khu dân cư, diện tích mỗi căn hộ, mỗi ngôi nhà vừa đủ cho nhu cầu của một gia đình nhỏ, thường là vợ chồng và  1- 2 con nhỏ. Khoảng mươi năm trở lại đây, nhiều người trẻ công việc làm ăn ổn định, muốn “thoát ly” khỏi gia đình còn làm xuất hiện những căn hộ cho một người.

Có thể nói, nhu cầu “ra riêng” của một gia đình hay một cá nhân không chỉ là nhu cầu được thoái mái tiện nghi hơn về “không gian sống”, mà còn là nhu cầu “tự do hơn” về sinh hoạt và tinh thần. Vì vậy xu hướng phát triển những căn hộ diện tích vừa và nhỏ là phổ biến và lâu dài, khi mà các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM còn là nơi có dân số tăng cơ học một cách nhanh chóng và phức tạp.

Tôi từng nhiều năm sống trong một căn phòng 25m2 trong khuôn viên trường học nơi tôi giảng dạy. Ở căn phòng “tập thể” chỉ kê vừa cái giường đôi, tủ quần áo, nền nhà tráng xi măng luôn lau sạch để tối có thể nằm nếu trời nóng quá. Tất cả là ở hành lang: một bàn nhỏ vừa là nơi ăn cơm vừa là nơi tôi làm việc, cái tủ nhỏ đựng đồ dùng bếp núc, phía trên đặt cái bếp dầu, thau chậu, mấy xô nước nấu ăn... Những gia đình bên cạnh cũng vậy. Ban ngày mọi người đi làm nhưng trưa chiều thì hành lang nhộn nhịp, nơi này nấu nướng nơi kia tắm gội cho trẻ con, rồi tiếng mời nhau khi đang ăn có người đi qua..

Muốn vệ sinh tắm giặt thì xuống khu bể nước ở tầng trệt, ban ngày thì chuột chạy ban đêm gián bò lổm ngổm... Dẫu vậy, những gia đình trẻ vẫn thấy vui vì ở riêng thì... dễ cãi nhau hơn, không phải “giữ ý” vì sống chung bên chồng bên vợ. Nói vui là thế nhưng cũng có một phần sự thật.

Về sau gia đình tôi ở trong một chung cư mới xây trên một nghĩa địa vừa giải tỏa, phía sau nhà còn ngổn ngang hố huyệt ván hòm, chiều tối là trong nhà lạnh ngắt, luôn phải thắp nhang. Căn hộ trên lầu một khoảng 50m2, có khu bếp và vệ sinh, diện tích còn chia thành phòng khách và hai phòng ngủ nhỏ xíu, nhưng với tôi đã là “thiên đường”! Ít nhất chúng tôi có nơi để giá sách, bàn làm việc, hai con có phòng riêng, có góc học tập của mình. Chung cư không có “không gian dịch vụ” nên các nhà ở tầng trệt nhanh chóng đảm nhận việc này: giữ xe, bán tạp hóa, bán cà phê, ăn sáng...

Từ trước 1975 Sài Gòn đã có hàng trăm chung cư phân bố trong nội thành, hợp thành những khu vực cư trú của người bình dân ở quận Ba, quận Mười như Nguyễn Thiện Thuật, Ngô Gia Tự, Nguyễn Kim... một vài chung cư cao cấp hơn rải rác ở quận Một như trên đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Trần Hưng Đạo... Nhiều chung cư xây dựng sau 1975 đến khoảng năm 2000 vẫn theo mô hình và quy mô tương tự chung cư cũ. Cộng đồng sống trong chung cư phần lớn là người và hộ gia đình có thu nhập trung bình và thấp, trải qua thời gian dài khó khăn nhưng cơ bản vẫn “bảo tồn” được lối sống bình dị, gần gũi tình làng nghĩa xóm. Hiện nay các chung cư, các khu phố người dân đã thay đổi suy nghĩ và hành vi theo hướng tích cực:  từ suy nghĩ chung cư chỉ là nơi “ở tạm” họ đã gắn bó và quan tâm hơn đến không gian sống “của mình, của chúng ta”, như trồng hoa và cây cảnh, giữ vệ sinh sạch sẽ hành lang, cầu thang, ứng xử văn minh, thân thiện... Đây chính là điểm độc đáo thể hiện sự nhân văn đồng thời góp phần bảo tồn một loại hình di sản đô thị và hướng cộng đồng đến lối sống bền vững.

 Tuy nhiên chất lượng những chung cư này đến nay là điều cần phải quan tâm, đồng thời, những hạn chế về dịch vụ, về cấu trúc căn hộ đơn giản, không phù hợp tiện nghi và sinh hoạt hiện đại chính là điều mà những chung cư hay khu nhà mới xây dựng hiện nay cần khắc phục.

Chung cư “bình dân” mới cần có khu vực dịch vụ càng đa dạng càng tốt, diện tích căn hộ nhỏ nhưng bố trí không gian hợp lý cho nhu cầu chung và riêng của từng thành viên gia đình. Đồ đạc nội thất là loại dùng đa chức năng, linh hoạt và thiết kế sao cho có thể tiết kiệm diện tích nhưng vẫn tiện nghi... Và cuối cùng là giá bán hay cho thuê hợp lý. Tất nhiên, người mua chấp nhận vị trí có thể xa khu vực trung tâm thành phố, nhưng nếu ở gần trường học, bệnh viện, chợ hay siêu thị lớn, và nhất là môi trường tốt như có “không gian công cộng” là công viên, nhiều cây xanh... thì đó sẽ là sự lựa chọn của nhiều người.

Nhu cầu về nhà ở/căn hộ vừa và nhỏ luôn là nhu cầu bức thiết ở đô thị, vì không gian đô thị hạn hẹp không thể “cơi nới” mà dân số thì luôn có xu hướng tăng lên, vì nhu cầu tâm lý “tự do trong không gian của mình” của thị dân hiện đại cũng ngày càng tăng lên, và phần đông dân chúng có khả năng chi trả cho căn hộ/nhà ở với diện tích như vậy.



GÓC NHỎ BÌNH YÊN

Tính ra, gần như cả ngày mỗi người trong gia đình đều ở nơi làm việc.

            Buổi tối về nhà sau giờ cơm nước, dọn dẹp nhà cửa thì mỗi người lại ngồi ở góc riêng của mình miệt mài với công việc. Bởi vậy dù nhà nhỏ nhưng bố mẹ vẫn tạo một khoảng không gian chung ở tầng lửng, nơi đặt TV, máy tính, tủ sách để cả nhà có thể gần nhau sau cả ngày dài mỗi người mỗi nơi.

Không định mà cả nhà cùng “dính líu” vào nghề viết lách nên ở góc nhỏ ấy cô Út dịch sách, cô Hai biên tập bài, bố chấm thi, sửa luận văn cho sinh viên, mẹ viết báo cáo, thi thoảng tạp bút tản văn… Nhà có ba phụ nữ nên nhiều lúc góc nhỏ biến thành… chợ chồm hổm, đủ thứ chuyện từ cơ quan đến ngoài đường, từ chuyện xã hội đến facebook – thế giới ảo vui vẻ thư giãn của mấy mẹ con. Có lúc ồn ào quá, bố phải “mắng”, này, họp ở cơ quan chưa chán à?

            Nhớ hồi xưa, khi các con còn nhỏ, nhà tập thể chật không có chỗ xoay người, “góc nhỏ” của mấy mẹ con chính là cái xe máy. Mỗi ngày bốn lượt đưa đón 2 con đến trường, trên chiếc xe máy cũ kỹ ấy 3 mẹ con vẫn có thể “tám” đủ chuyện. Mẹ biết được việc học hành, biết thầy cô, bạn bè của con… Giờ đây nơi góc nhỏ có khi mỗi người mỗi cuốn sách, mỗi máy tính vẫn thấy gần nhau như xưa. Ngày nào mà gia đình thiếu vắng một thành viên ngày ấy góc nhỏ bỗng im ắng buồn hiu.

Có lần mấy mẹ con “nổi hứng” dọn dẹp góc nhỏ ấy. Không đụng đến thì thôi, đụng vào thì quá trời đồ đạc linh tinh, bỏ thì tiếc mà để thì không dùng đến. Có những thứ nho nhỏ xinh xinh không biết mua làm gì, giờ cũ xì mà trông vẫn xinh, ngắm nghía mãi cũng phải cho vào thùng rác. Có thứ mua rồi nhưng cất kỹ quá tìm không ra, tưởng mất hay không có, lại mua... giờ hiện ra ba, bốn cái mà không cần nữa. Còn trăm thứ bà rằn khác, bỏ thì thương vương thì tội... ba mẹ con phải hô “quyết tâm” để dọn dẹp cho gọn gàng. Thứ nào còn tốt mà không dùng sẽ chuyển giao cho người cần dùng; những thứ linh tinh cương quyết giải tán, không như vài lần trước con vứt mẹ tiếc của giữ lại, hóa ra chiếm chỗ trong tủ trên bàn, thành nơi chứa bụi...

Sách nữa, có cuốn có tới hai, ba bản vì mẹ mua rồi con cũng mua hay có rồi lại được tặng thêm. Nhiều sách không còn đọc nữa như tạp chí cũ, sách truyện linh tinh, cả sách khoa học mà không phải chuyên môn của bố mẹ... Thế là xếp vào thùng giấy để mang tặng các nhà mở, mái ấm. Riêng bộ sách Conan và Đô Rê Mon thì lần nào dọn dẹp con xin mẹ được giữ lại vì đó là “tuổi thơ của con”. Đúng rồi, hồi đó mẹ còn tranh nhau với con để được đọc trước mà. Bây giờ, có cháu ngoại rồi lại mang ra cho cháu xem, cháu chỉ vào hình những gương mặt rất ngộ nghĩnh và bi bô: mẹ, bố, ngoại... cả nhà cười vui vẻ.

Dọn dẹp xong, lau nhà sạch sẽ, giặt giũ tấm phủ máy tính, rèm cửa sổ, đặt thêm bình bông tươi tắn, góc nhỏ trở nên gọn gàng, thông thoáng, đẹp hẳn ra, “cứ như nhà mới, mẹ nhỉ!”.

Bạn đến chơi đúng lúc mấy mẹ con đang tay năm tay mười “làm việc bằng hai”. Ra về bạn nói: Nhà cậu vui thật đấy. Còn nhà mình cứ như cái khách sạn, ai nấy rút vô phòng riêng với TV, máy tính và thế giới riêng! Không biết mình xây nhà rộng để làm gì nữa…

Góc nhỏ bình yên đâu cần nhà hẹp hay rộng, nó tồn tại trong mỗi thành viên trong gia đình, bạn ạ.



TC Kiến trúc nhà đẹp, số tháng 8 và 10/2021 


 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...