CÂU CHUYỆN ĐỒI DINH VÀ DI SẢN ĐÔ THỊ ĐÀ LẠT

Vào năm 2019, xung quanh việc tỉnh Lâm Đồng công bố Quy hoạch khu trung tâm thành phố Đà Lạt (còn gọi là khu Hòa Bình) đã có rất nhiều ý kiến của các chuyên gia về quy hoạch - kiến trúc, lịch sử - văn hóa, bảo tồn di sản... phân tích, đánh giá tác động tiêu cực của quy hoạch đến những giá trị tiêu biểu của một “đô thị di sản” mà Đà Lạt đang hướng đến. Đặc biệt các ý kiến đều nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo tồn cảnh quan và kiến trúc khu vực trung tâm trong đó có Đồi Dinh và công trình Dinh tỉnh trưởng, tồn tại đã hơn một trăm năm.

Mới đây, tháng 10. 2021 UBND tỉnh Lâm Đồng có chủ trương di dời Dinh Tỉnh trưởng, bằng cách nâng công trình kiến trúc này lên đỉnh đồi cao hơn vị trí hiện hữu 28m và xây dựng tổ hợp khách sạn thương mại trên toàn khu đồi Dinh. Tuy nhiên theo Quyết định số 47 ngày 8.12.2017 cũng của UBND tỉnh Lâm Đồng về Quy định bảo tồn, quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Lạt, thì Dinh Tỉnh trưởng được xếp vào danh sách biệt thự nhóm 1 - là những biệt thự gắn với di tích lịch sử, chính trị, văn hóa theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; biệt thự có giá trị điển hình về kiến trúc. Theo đó, ngoài việc được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định, Dinh Tỉnh trưởng còn được cấp giấy chứng nhận “Biệt thự có giá trị lịch sử, văn hóa hoặc biệt thự có kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu”. Việc quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc nhóm 1 (trong đó có Dinh Tỉnh trưởng) phải tuân thủ các quy định: Không làm thay đổi kiểu dáng kiến trúc, các chỉ tiêu quy hoạch và công năng, tính chất sử dụng ban đầu của biệt thự.
Quyết định này là một trong những căn cứ pháp lý quan trọng để các chuyên gia quy hoạch, kiến trúc sư và những người bảo vệ di sản viện dẫn nhằm bảo vệ nguyên trạng khu vực đồi Dinh và Dinh Tỉnh trưởng - được coi là một “viên ngọc xanh” còn sót lại trong “rừng bê tông” đang lan rộng ở trung tâm thành phố. Thực tế nhiều năm qua, Sở Văn hóa Lâm Đồng trong việc quản lý Dinh Tỉnh trưởng cũng đã tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Luật Di sản văn hóa. Những đáng tiếc là UBND tỉnh Lâm Đồng đã có động thái mới: xem xét lại chủ trương và sửa đổi Quyết định số 47 của UBND tỉnh Lâm Đồng về phân loại bảo tồn biệt thự. Như vậy, số phận của Dinh Tỉnh trưởng và Đồi dinh đang đứng trước nguy cơ bị biến đổi hoàn toàn!
***
Di sản kiến trúc có một vị trí đặc biệt vì đó là “dấu chỉ” để nhận diện đô thị và là những “cột mốc” phản ánh quá trình lịch sử - văn hóa của đô thị. Trung tâm đô thị có vị trí đắc địa, nơi được xây dựng các công trình quan trọng về chính trị, xã hội, văn hóa, không gian công cộng... Khu trung tâm luôn là “điểm nhấn” của đô thị, ký ức quen thuộc của nhiều thế hệ cư dân, tạo ấn tượng khó quên với du khách.
Từ đầu thế kỷ 20 người Pháp quy hoạch và xây dựng nhiều đô thị ở Việt Nam theo kiểu phương Tây. “Dinh tỉnh trưởng” là công trình công sở quan trọng nhất tại đô thị - tỉnh lỵ của một tỉnh, đánh dấu kiểu tổ chức chính quyền khác với chính quyền thời nhà Nguyễn. Khảo sát một số công trình Dinh tỉnh trưởng còn lại ở phía Nam như Dinh xã tây (UBND. TPHCM hiện nay), Dinh tỉnh trưởng ở Bến Tre, Gò Công, Quảng Trị hay Đà Lạt... có thể nhận thấy đây là công trình trung tâm của khu vực trung tâm đô thị, nơi thường xuyện diễn ra hoạt động chính trị - xã hội, xung quanh có các cơ quan hành chính và công trình công cộng, dịch vụ. Có thể nhận biết “vùng lõi” của trung tâm các đô thị này trong phạm vi không gian giữa các công trình: Dinh tỉnh trưởng - Nhà thờ lớn – Bưu điện – Chợ trung tâm. Đường phố, nhà cửa ở khu vực này cũng được chỉnh trang hoặc xây dựng mới theo quy hoạch chung về không gian và kiến trúc. Do mỗi đô thị có cảnh quan tự nhiên, địa hình và yếu tố văn hóa khác nhau nên khu trung tâm thường mang những đặc trưng riêng... trải qua quá trình lịch sử những đặc trưng ấy trở thành một “bản sắc” riêng có của từng đô thị.
Ngày nay, khu vực trung tâm đô thị luôn được coi là “khu vực di sản” vì đã tích lũy trong nó các giá trị quan trọng. Đó là 1/Giá trị lịch sử (bằng chứng giai đoạn khởi đầu hoặc giai đoạn phát triển mới của đô thị, có thể là “chứng tích” của nhiều sự kiện lịch sử), trở thành “ký ức đô thị”, mang tính chất “không gian thiêng” của cộng đồng dân cư; 2/Giá trị văn hóa – xã hội vì là “không gian cộng đồng” đặc trưng và quen thuộc nhất của đô thị, có những công trình tiêu biểu về kiến trúc, nghệ thuật... 3/Giá trị khoa học, là “không gian sáng tạo” vì các công trình kiến trúc hay quy hoạch cảnh quan khu vực mang dấu ấn của một thời đại.
Chính vì vậy hầu hết các quốc gia đều coi trọng việc bảo tồn cảnh quan kiến trúc khu vực trung tâm các đô thị. Việc tích lũy giá trị lịch sử văn hóa khu vực trung tâm đô thị cũng là tích lũy giá trị kinh tế (bao gồm đất đai, thương nghiệp, dịch vụ). Không có ba giá trị kể trên thì khu vực này không có chức năng “trung tâm” để có giá trị kinh tế cao. “Hiện đại hóa” đô thị bằng cách thay đổi diện mạo khu vực trung tâm, hủy hoại di sản đô thị chính là sự phá hủy “nguồn vốn xã hội” đã được tích lũy lâu dài. Đồng thời, công trình mới xây dựng ở đây là sự lợi dụng, sử dụng “nguồn vốn công” (bao gồm đất đai và không gian văn hóa, tinh thần công cộng) và biến thành lợi ích tư nhân.
Một đô thị đặc sắc về quy hoạch và kiến trúc như Đà Lạt, việc bảo tồn toàn bộ khu vực trung tâm (và chỉnh trang lại vì hiện nay rất nhếch nhác, xô bồ do quản lý yếu kém), bảo tồn từng công trình cụ thể như Rạp Hòa Bình, chợ Đà Lạt, các dãy nhà phố buôn bán hay Đồi Dinh, hồ Xuân Hương... chính là bảo toàn nguồn vốn văn hóa một cách an toàn và bền vững, bảo vệ lợi ích của cộng đồng.
***
Câu chuyện Đồi Dinh không chỉ về công trình kiến trúc “Dinh tỉnh trưởng” mà còn là việc khai thác “đất vàng” ở khu trung tâm qua các dự án bất động sản. Trong quá trình phát triển đô thị việc các doanh nghiệp tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà ở, công trình công cộng... là bình thường, thậm chí là chủ đầu tư những dự án lớn, các khu đô thị mới, các công trình có tính chất như “điểm nhấn” (landmark) của một khu vực hay của cả thành phố.
Với nhiều nhà đầu tư thì “lợi nhuận kinh tế” là yếu tố hàng đầu, họ không quan tâm đến việc bảo toàn giá trị lịch sử - văn hóa mà chỉ tận dụng nó dưới góc độ giá trị đất đai. Khu vực di sản được các nhà đầu tư coi là “đất vàng, đất kim cương”. Lợi ích của nhà đầu tư là “tiền tươi thóc thật, ngay và luôn” còn lợi ích của cộng đồng là lâu dài, bền vững, giá trị vật chất kinh tế cùng với giá trị văn hóa tinh thần. Chọn lựa, ưu tiên giá trị và lợi ích nào thể hiện tâm và tầm của chính quyền, thể hiện quan điểm quản lý và phát triển đô thị hướng đến mục tiêu nào? Từ đó chính quyền và nhà quản lý “ra đề bài” cho nhà đầu tư thực hiện. Nếu chính quyền không nhìn thấy giá trị di sản hoặc cố tình bỏ qua giá trị này mà chỉ hướng đến lợi nhuận kinh tế từ “đất vàng”, tất yếu dẫn đến việc nhà đầu tư sẽ “quy hoạch, thiết kế” tận dụng từng mét đất và hủy hoại di sản và giá trị di sản. Câu chuyện Đồi Dinh là một trường hợp điển hình.
Phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng của Đà Lạt được lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng lựa chọn là phương án Hotel du Printemps. Theo đó, Dinh Tỉnh trưởng sẽ được nâng cao 28m so với vị trí ban đầu. Phần dưới và xung quanh sẽ là tổ hợp khách sạn, thương mại, trung tâm hội nghị quốc tế 1.500 chỗ... Tuy nhiên, công trình cổ bị đẩy lên trơ vơ giữa đỉnh đồi, ra khỏi rừng cây cao xanh ngát và thoáng đãng quanh năm, bị vây quanh bởi tổ hợp khách sạn kiến trúc hiện đại dày đặc... Như vậy, giá trị kiến trúc của Dinh Tỉnh trưởng, giá trị cảnh quan “viên ngọc xanh” Đồi Dinh còn gì nữa?
Với những di tích chưa được công nhận là “di tích lịch sử văn hoá” như trường hợp khu Hòa Bình và nhiều công trình ở trung tâm Đà Lạt, cần thấy rằng đó là do nhà quản lý chậm trễ trong nhận thức và hành xử. Giá trị của di sản đô thị là khách quan, vì vậy việc định vị và tái định vị giá trị di sản của khu vực này và những công trình ở đó cần khẩn trương thực hiện. Nhưng trước khi các di sản có được sự “công nhận” bằng văn bản hành chính thì việc quy hoạch khu vực này tác động thế nào đến các công trình cổ xưa ở đây là điều chính quyền phải cẩn trọng xem xét.
Thành phố Đà Lạt đang hướng đến việc tạo nên thương hiệu là một “đô thị di sản”. Bản sắc của Đà Lạt nằm ở hệ thống di sản đô thị độc đáo, “hồn vía” của Đà Lạt được hình thành và lưu giữ từ mối liên hệ chặt chẽ của các đặc trưng: Thành phố trung tâm Cao nguyên, thành phố “thung lũng ngàn hoa”, thành phố du lịch, nghỉ dưỡng, nghệ thuật, thành phố của công trình kiến trúc đặc sắc. Đây là những “ADN” cần được “bảo tồn và di truyền” để Đà Lạt được trở thành chính nó! Dinh Tỉnh trưởng, cảnh quan đồi Dinh và những công trình kiến trúc đặc sắc đã trở thành một “dấu chỉ” tạo nên “thương hiệu” của Đà Lạt, thu hút du khách và góp phần phát triển kinh tế du lịch bền vững.
Mỗi thế hệ luôn có vai trò là trung gian gìn giữ di sản cho đời sau, đảm bảo sự kế thừa lịch sử và bảo tồn di sản đô thị. Có quyền hành mà phủ nhận hoặc lạm dụng vai trò đó để hủy hoại di sản văn hóa thì sẽ để lại “di sản tội ác”. Lịch sử thế giới từ thời cổ đại đến nay đã có nhiều “tấm gương” như thế!

Nguyễn Thị Hậu
Bài trên Doanh nhân Sài Gòn số mới ra.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...