NHỮNG CHUYẾN TÀU NỐI QUÁ KHỨ VỚI TƯƠNG LAI

Tùy bút, Nguyễn Thị Hậu

Nhiều người nếu chưa từng đến Sài Gòn thì cũng biết đến vùng đất này qua câu ca dao “Nhà Bè nước chảy chia hai, Ai về Gia Định – Đồng Nai thì về”, gợi lên cảnh quan một vùng sông nước mênh mang và lạ lẫm từ thủa lưu dân Ngũ Quảng vào đây khai phá. Vài trăm năm trước Sài Gòn được hình thành nên từ nơi gặp gỡ của hai dòng sông lớn Đồng Nai và Sài Gòn để cùng đi ra biển tại cửa Cần Giờ.

Đô thị Sài Gòn có nhiều kênh rạch lớn, mật độ lưu thông cao như rạch Bến Nghé, kinh Tàu Hũ, kinh Tẻ kinh Đôi, lại có những con rạch quanh co xuyên qua thành phố như Nhiêu Lộc, Thị Nghè; vùng Chợ Lớn chằng chịt rạch lớn nhỏ, có rạch Lò Gốm mang tên cả một làng nghề nổi tiếng, có kênh đào thẳng tắp một thời là đường giao thông quan trọng về miền Tây là kênh Ruột Ngựa... Một trong những đặc trưng của Sài Gòn là “đô thị sông nước” vừa là cảnh quan tự nhiên vừa là con đường thông thương quan trọng. Do đó Sài Gòn có một hệ thống bến – chợ hai bên bờ sông, phát triển suốt vài trăm năm và góp phần tạo nên sự sầm uất và văn minh của thành phố.

Bắt đầu từ sông/rạch Bến Nghé nối Sài Gòn - Chợ Lớn chia đôi thành phố bên là thị tứ (quận 1, quận 5) bên là bến cảng và nhà máy (quận 4, quận 8), nhưng hai nửa liên kết với nhau bởi cùng tính chất giao thương về miền Tây, lên miền Đông. Cuối thế kỷ 18, cùng với việc xây Thành Gia Định, chúa Nguyễn Ánh đã dựng Xưởng thủy tại nơi rạch Thị Nghè gặp sông Sài Gòn. Từ Xưởng Thủy nghề đóng tàu đi biển phát triển trong thời Nguyễn, sau này trở thành công xưởng Ba Son nổi tiếng từ nửa sau thế kỷ 19, khi kỹ thuật đóng tàu và sửa chữa tàu của phương Tây được ứng dụng tại đây.

Đầu thế kỷ 20 khu vực Bến Bạch Đằng - nơi có ngôi chợ đầu tiên của thành Gia Định là chợ Bến Thành (nay là chợ Cũ – Hàm Nghi) - còn nhiều tàu chở hàng, tàu du lịch neo đậu. Khi các cảng lớn đựợc xây dựng như Tân Cảng, cảng Khánh Hội, cảng Bến Nghé thì đây là nơi tàu du lịch ra vào. Nửa cuối thế kỷ 20 trở thành khu vực công viên Bạch Đằng, nhà hàng nổi, nhưng vẫn còn bến đò đi Cần Giờ và phà Thủ Thiêm. Nay thì những dấu tích giao thông của thế kỷ 20 tại đây không còn nữa mà đã xuất hiện bến tàu cao tốc Sài Gòn – Cần Giờ - Vũng Tàu và bến bus đường sông từ quận 1 đến Linh Đông (Thủ Đức).

Nằm tại vị trí đắc địa giữa trung tâm thành phố, bến Bạch Đằng là điểm thu hút du khách trong và ngoài nước khi đến với Sài Gòn, còn người Sài Gòn thì hầu như ai cũng biết và đã có lần đi qua hoặc đến đây dạo chơi. Có thể nói, chỉ một đoạn ven sông Sài Gòn dài hơn 1 km, “bến Bạch Đằng” đã chứng kiến quá trình phát triển của thành phố bắt đầu từ sự thay đổi của những con tàu, những chuyến đò và từ sự biến đổi của chính khu vực này.

***

Cách đây hai năm nhân dịp khánh thành tuyến tàu cao tốc Sài Gòn – Cần Giờ - Vũng Tàu tôi được mời đi chuyến tàu đầu tiên của tuyến đường sông này. Bến tàu mới ở bến Bạch Đằng, đối diện tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo, là ga chính lớn nhất nên được xây dựng hiện đại, sạch đẹp, thoáng đãng. Phòng vé lịch sự, bản đồ và giá vé các tuyến chi tiết, cụ thể. Để phục vụ người dân thưởng thức cảnh sông nước, ngắm cầu Thủ Thiêm, cầu Khánh Hội, cầu Thủ Thiêm 2 (sẽ mang tên cầu Ba Son) đang hoàn thành, tại bến tàu còn có một quán cà phê xinh xắn tạo nên ấn tượng thân thiện với du khách, một tính cách nổi bật của Sài Gòn.

Hiện nay, tàu cao tốc Sài Gòn – Cần Giờ - Vũng Tàu được đánh giá là phương tiện di chuyển nhanh và an toàn, được đông đảo người dân ưa thích để thay thế những phương tiện truyền thống như xe máy, ô tô... Mỗi ngày có từ 4 đến 6 chuyến liên tục ở cả 2 chiều. Hệ thống tàu hiện đại, đầy đủ tiện nghi, di chuyển nhanh và êm không bị rung lắc quá nhiều, hành khách có thể yên tâm thư giãn ngắm nhìn cảnh quan hai bên bờ sông. Tính ra chỉ gần 2 tiếng đã đến nơi, không phải lo lắng kẹt xe, lại được hưởng không khí trong lành mát mẻ... Chưa kể tàu còn ghé Cần Thạnh - một thị trấn sát biển đang phát triển nhưng vẫn còn khá yên bình và... có nhiều món ngon hải sản chờ đón du khách.

 Nhiều năm trước con đường từ thành phố về Cần Giờ (lúc đó còn mang tên huyện Duyên Hải) còn là đường đất đỏ mới đắp, nhỏ xíu, trời nắng thì bụi mù mà trời mưa thì lầy lội, qua phà Bình Khánh chờ đợi khá lâu. Đặc biệt qua phà Dần Xây còn phải canh con nước đúng ngày kịp giờ, nếu gặp lúc nước cạn thì ngồi chờ cả buổi vì phà không hoạt động được! Sau đó tuyến đường này được trải nhựa nhưng vẫn rất xấu, hai xe hơi tránh nhau còn khó, không có xe bus, vì vậy phần lớn người dân thường đi bằng đò ra Cần Giờ và ngược lại. Cũng tùy ngày (âm lịch) nhưng thường thì khoảng 5g sáng đò bắt đầu rời bến Bạch Đằng. Trên đò chở theo xe máy nhiều hàng hóa, lại vẫn còn chỗ mắc vài chiếc võng, ai nhanh chân xuống đò trước thì có thể “chiếm” được một cái, nằm võng tòng teng trong tiếng máy nổ đều đều, gió sông mát rượi... có khi ngủ quên hồi nào không hay... Khoảng 3g chiều đò tới chợ Cần Thạnh và sáng hôm sau mới quay về thành phố.

Tôi từng nhiều lần đi về Cần Giờ như vậy. Suốt nửa ngày trên đò “lang thang” theo sông Lòng Tàu – tuyến đường thủy quan trọng nhất của cảng Sài Gòn. Từ thành phố ra biển, hai bên bờ sông là phố thị nhà cao tầng, rồi ruộng vườn thôn xóm khuất sau những hàng dừa nước ken dày ven sông. Rồi bạt ngàn rừng mắm, đước từng chùm rễ hình nơm cắm sâu vào bùn lầy để giữ lại từng chút đất. Cứ như vậy, hàng ngàn năm đất lấn dần ra biển mà vẫn “bảo tồn” được một hệ sinh thái vùng ngập mặn hoang sơ mà giàu có. Rừng ngập mặn Cần Giờ đã được công nhận là khu bảo tồn khí quyển thế giới, lá phổi xanh giúp không khí trong lành hơn, khi mà mỗi ngày khí thải độc hại từ hàng trăm ngàn phương tiện giao thông đang “đầu độc” môi trường thành phố.

***

Bây giờ đường đi Cần Giờ đã thành con đường rộng lớn, các cây cầu đã được xây mới, chỉ còn một phà Bình Khánh nhưng không vất vả chờ đợi như xưa. Tuy nhiên, đường sông từ thành phố ra biển qua Cần Giờ đến Vũng Tàu vẫn là con đường thuận lợi và là sự trải nghiệm mang lại nhiều cảm xúc cho du khách. Bởi vì đi trên sông Lòng Tàu quanh co giữa vùng rừng sác là phương thức giao thông truyền thống và đặc trưng của vùng đất Sài Gòn, bởi vì vẻ đẹp không gì thay thế được của cảnh quan sông nước trời mây không bị che chắn bởi những “hàng rào” nhà cao tầng, nhà phố chen lấn ra mặt tiền. Và còn nữa, trên tuyến đường sông này ta có thể nhìn thấy thành phố mở rộng và hiện đại từng ngày.

Từ bến Bạch Đằng bên trung tâm là những cao ốc hiện đại, bên Thủ Thiêm còn dang dở những dự án cho một khu đô thị lớn, đã có đường hầm Thủ Thiêm hiện đại, nhiều con đường rộng lớn ngày đêm tấp nập xe lớn xe nhỏ. Xuôi ra biển có thể nhìn thấy những khu công nghiệp – bến cảng, những khu  dân cư mới khang trang, và đặc biệt là những cây cầu hiện đại qua sông Sài Gòn, như cầu Bình Phước 1, cầu Bình Phước 2, cầu Phú Mỹ - cây cầu dây văng lớn nhất TP. HCM... Sắp tới sẽ có thêm những cây cầu mới, góp phần kết nối các vùng đô thị mới của thành phố, tăng cường lưu thông miền Đông với miền Tây Nam bộ...

Những con tàu hiện đại giờ đây có tốc độ nhanh hơn con đò chuyến phà xưa kia, nhưng ngồi trên tàu thủy ta vẫn có được cảm giác tĩnh tại, cảnh quan hai bên sông dần dần hiện ra như một cuốn phim quay chậm, tưởng như không có gì thay đổi. Rồi một ngày ngỡ ngàng nhận ra cảnh quan mới đã hiện diện bên cạnh những gì quen thuộc từ trăm năm... giống như nàng công chúa tỉnh giấc sau những năm dài ngủ quên trong rừng, và cùng với nàng, cả khu rừng cũng bừng lên sức sống mới.

Mong sao, những phương tiện giao thông đường thủy hiện đại nhanh chóng phổ biến ở TP.HCM, trên vùng sông nước Nam bộ và từ đây đi xa hơn. Bởi vì, từ ngàn xưa sông biển đã là sự nối liền đôi bờ, nối liền những vùng đất xa lạ với nhau, là cánh cửa mở ra thế giới bao la và phong phú, luôn mang lại những điều mới mẻ... Lịch sử vùng đất này với những nền văn hóa cổ xưa Đồng Nai, Óc Eo, lịch sử đô thị Sài Gòn đã chứng minh điều đó.

 TC Du lịch TPHCM 


 


 


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...