Linh tinh lang tang (308) Nhân vụ Cơm tấm Kiều Giang



Gần đây có một số doanh nghiệp bỗng nhiên “nổi tiếng” (hơn trước) nhờ/vì vài tờ báo, nhà báo đưa tin về “sai phạm” hay mập mờ về một “khuất tất” nào đấy.
Và chỉ trong tích tắc thông tin ấy tràn lan trên FB, thường là dẫn link báo kèm theo sự khẳng định như đúng rồi, hoặc, tuyên bố từ bỏ sản phẩm ấy luôn. Cùng với đó là những comments theo hướng tiêu cực về sản phẩm, doanh nghiệp đó.
Bây giờ nhiều người dễ dàng từ bỏ “niềm tin” của mình cũng như sẵn sàng tin vào bất cứ thông tin nào cho biết về một điều có vẻ bất lợi, thiệt hại cho mình (về sức khỏe, về túi tiền...) mà không cần đọc thêm những thông tin khác kiểm chứng, phản biện... Người ta nói đó là vì xã hội bây giờ thiếu vắng niềm tin, khủng hoảng niềm tin... Nhưng tôi nghĩ, đó là vì con người không còn biết tin ở chính mình!
Mặt khác, thói quen chỉ đọc các - mặt - con - chữ có khác nào chỉ biết nghe loa phường? Đọc và đọc hiểu rất khác nhau, phải không ạ? Chúng ta đâu phải đàn cừu để cho vài tờ báo nhà báo lùa đi và dẫm nát hết đám cỏ mà lẽ ra chúng ta sẽ được ăn? Chúng ta cũng đâu phải cái loa để phát giùm phát tiếp những tin tức chưa kiểm chứng hoặc đầy ác ý, mà không khó để nhận ra điều đó.
Khi chưa rõ thực hư (và nhất là loại hàng hóa tôi ít khi dùng hoặc chưa dùng) thì tôi giữ thái độ im lặng để tìm hiểu, qua những tờ báo khác nguồn khác, qua thông tin trên FB của một số nhà báo mà tôi tin cậy. Và thường là tôi có được thông tin đúng. Lúc đó sẽ quyết định tiếp tục sử dụng hay từ bỏ sản phẩm đó cũng chưa muộn.
Còn nhớ vụ nước mắm không? Đến nước mắm – hồn cốt của mâm cơm gia đình Việt mà “họ” còn dám chơi nhau thì sá gì những loại hàng hóa, thực phẩm khác – mà toàn những doanh nghiệp đã có “thương hiệu”? Cuối cùng, doanh nghiệp bị oan thì thiệt hại đã đành. Còn người tiêu dùng, lẽ nào chúng ta không thiệt hại?


Com tam Kieu Giang vi pham 2 loi ve an toan thuc pham hinh anh 1

CẦM CỐ NỖI BUỒN



Những ngày buồn
Tôi trốn vào đâu?
Trốn vào nỗi nhớ
Tôi nợ ai một lần gặp gỡ
Nợ ai hơi ấm bàn tay
Nợ ai một tiếng thở dài
Nợ ai một lần ngoảnh mặt…

Những ngày buồn
Tôi trốn đi đâu?
Đi tìm ký ức
Về người nợ tôi
Người nợ tôi một lần hò hẹn
Nợ tôi một bước chân xa
Nợ tôi một lời không nói
Nợ tôi một giọt lệ buồn

Ta nợ nhau cả cuộc đời
Mà chưa một lần góp trả

Những ngày buồn
Tôi biết đi đâu
Thôi thì đến tiệm cầm đồ
Cầm cố nỗi buồn
Lấy niềm hy vọng

Kiếp sau
Trả nợ cho nhau...

Sài Gòn, tháng 6.2018



Linh tinh lang tang (229)

Năm bí mật của đàn ông về mối quan hệ hoàn hảo

@ Điều quan trọng là có một người phụ nữ giúp đỡ bạn công việc nhà, luôn nấu nướng, dọn dẹp và có công ăn việc làm.
Điều quan trọng là có một người phụ nữ có thể làm bạn bật cười.
Điều quan trọng là có một người phụ nữ mà bạn có thể tin tưởng và người đó không nói dối bạn.
Điều quan trọng là có một người phụ nữ giỏi chuyện chăn gối và thích được ở bên bạn.
Điều rất quan trọng là bốn người phụ nữ đó không hề biết nhau.
(Chôm trên mạng)
--------------
@ Còn phụ nữ chỉ cần Một bí mật cho mối quan hệ hoàn hảo:
Điều rất rất rất quan trọng là người đàn ông của bạn không có bất cứ bí mật nào trên đây!
Cho nên, đờn ông dễ có (những) quan hệ hoàn hảo còn đờn bà thì không dễ.
Cho nên, khi mối quan hệ đổ vỡ, đờn ông thường ra đi vì sự sở hữu bị xâm phạm, họ không chịu nổi người đàn bà của họ thuộc về người khác.
Còn đờn bà
thường ra đi vì sự tôn trọng không còn, họ không chịu nổi người đàn ông của họ trở nên tầm thường trong mắt họ.
Có phải vậy không?

P/S. – (sụt sịt): Anh ấy bảo luôn coi em như vợ...

- Ngu thế! Một lão coi là vợ vẫn chưa chán à?!
(nghe trong quán cà phê)  :D

Kết quả hình ảnh cho quan hệ hoàn hảo


TẢN MẠN KHI BAY


Nửa đêm uống wine trên trời

Vài lần như thế rồi chứ nhỉ?
Ấy là những chuyến bay đi Paris vào ban đêm, khi máy bay đã ổn định trên cao, hành khách qua khỏi cảm giác lo lắng, sốt ruột mà bình tĩnh nghỉ ngơi, ngả đầu vào ghế thư giãn hay tìm kiếm xem các chương trình chiếu trên máy bay, cũng là lúc tiếp viên hàng không phục vụ bữa ăn đêm. Khỏi nói, VNA rất kiên định bảo tồn hình thức và chất lượng món ăn suốt nhiều năm nay dù là chuyến bay trong hay ngoài nước. Vậy nên, ly wine trong chuyến bay đêm lần này đã mang lại sự thoải mái vì một cảm giác quen thuộc.
Ngồi bên cửa số máy bay nhìn ra bên ngoài màn đêm và mây, có khi thấp thoáng vài ngôi sao... khay thức ăn nguyên vẹn, chỉ có ly wine từ từ vơi đi... nếu hết có thể yêu cầu thêm ly nữa. Anh chàng tiếp viên có gương mặt bụ bẫm và trong sáng như một cậu thiếu niên, nhẹ nhàng rót thêm rượu cho tôi và mỉm cười: cháu mời cô ạ. Cám ơn cháu nhé! Hình như cậu có chút ngạc nhiên: phụ nữ, đi một mình, không ăn gì cả và chỉ uống wine trong khi hầu hết mọi người đã chìm vào giấc ngủ. Nhưng có gì đấy như chia sẻ “cô có uống thêm chút nữa không ạ”? Cậu hỏi tôi khi lại đi qua hàng ghế tôi ngồi. Tất nhiên tôi gật đầu, và ly wine  thứ mấy này được rót đầy hơn.
Nhấp từng ngụm wine, nhìn ra ngoài cửa sổ, nghe lời hát “... em mơ cùng bay bên anh, ta thấy như trăng dưới chân mình...”*, nhớ lần nào đó ai nhắn “cứ mơ đi, biết đâu...”. Ừ có ai đánh thuế giấc mơ đâu? Mơ đi, bởi vì ký ức và giấc mơ là của riêng mình, không ai có thể lấy đi hay ban tặng, là tài sản quý nhất của mỗi người. Ai không lưu giữ ký ức không biết ước mơ thì cuộc sống nghèo nàn biết mấy! Giấc mơ về những điều làm cho con người trở nên tốt đẹp hơn, yêu nhau hơn luôn ngọt ngào... để khi ra khỏi giấc mơ dù có tiếc nuối thì trái tim vẫn đầy ắp cảm giác yêu thương...
Ly wine giữa đêm trên trời không uống bằng chiếc ly thủy tinh chân cao sang trọng mà bằng chiếc ly nhựa nhỏ nhắn trong vắt… Có sao đâu, quan trọng là đôi môi mềm đi khi chạm vào những giọt đỏ long lanh quen thuộc, quen đến mức dù chỉ gần nhau chốc lát rồi có xa vắng bao nhiêu thì ký ức vẫn sẽ ở đó, trong một góc nhỏ của trái tim. Ký ức ấy mãi như một giấc mơ dịu dàng...
Ly wine trên trời lúc đêm đang trôi đi chứa cả hơi lạnh ngưng từng giọt ngoài cửa số, cả cụm mây xám nhẹ ngoài kia màu đêm đang tan ra... Uống ly wine như giấu từng giọt ký ức. Bạn không thể đánh mất ký ức dù đã từ chối giấc mơ...
Trong cuộc đời chúng ta thường xuyên “ước gì” nhưng có bao giờ nhận ra đã nhiều lần đánh mất ước mơ?

Một kiếp nào đó ở Paris
Buổi sáng, khi mở mắt là thấy trời đã sáng rõ, không phải vì dậy trễ mà vì mùa hè phương Bắc gần như không có màu đêm. Ban đêm không khí như ở Sài Gòn, thỉnh thoảng có ngọn gió lang thang lướt qua làm dịu cả cái nóng bức của cả một ngày dài chói chang ánh nắng. Mở cửa sổ thì hơi lạnh nên đắp tấm chăn mỏng, nằm “nướng” và tha hồ nghĩ ngợi linh tinh, một cảm giác lười biếng dễ chịu của ngày thơ bé...
“Paris có gì lạ không em?” ** Ai cũng nhắn hỏi như vậy khi biết tôi đang ở Paris. Khi tôi trả lời một người bạn rằng, em thấy Paris vẫn thế chỉ có em dường như có khác khi trở lại. Anh nói: Paris lạ vì nó luôn làm người ta khám phá ra chính mình, mỗi lần một khác, mỗi lần một mới hơn!
Có lẽ vì vậy mà tôi luôn mong muốn trở lại Paris.
Paris là một thành phố có nét đẹp cổ kính tạo nên sự lãng mạn chưa bao giờ phai nhạt... Ở Paris hình như người ta luôn sống bình thản trong khung cảnh ấy. Nhiều người đến đây cũng bị “lây” sự bình thản và bỗng sống chùng lại. Tôi thích bước đi chậm rãi trên đường phố Paris, dưới những tán lá mùa hè xanh mướt, thi thoảng lọt qua kẽ lá một mảnh trời xanh biếc không một gợn mây. Những quán cà phê trên vỉa hè như ngưng đọng qua hàng trăm năm, ngồi đó và tưởng một kiếp nào đó mình từng sống nơi đây.
Kiếp nào đó... tôi đã quen thuộc một Paris với những quán sách cũ ven sông, những con đường dịu dàng ánh đèn vàng ấm áp, những cây cầu qua sông Seine đẹp như mơ, và một Paris “đẹp nhất lúc trời mưa” khi bên cạnh là một ánh mắt ấm áp và giọng nói trìu mến.
Kiếp nào đó... tôi đã quen thuộc những đại lộ lát từng viên đá chẻ vang lên tiếng xe ngựa lọc cọc, từng ngõ nhỏ mờ sương tím thấp thoáng bóng chiếc váy dài kiều diễm, công viên mùa hè rực rỡ nắng như lụa trên những chiếc dù ren trắng mong manh... Tôi từng quen thuộc những người “đàn ông Paris” hào hoa và hóm hỉnh, những vị vua chúa cao sang, những chàng ngự lâm quân can đảm và đa tình...
Kiếp nào đó ở Paris... có sự thất vọng ê chề của Madame Bovary, của những người đàn bà quên mình lao vào mối tình đẹp và buồn, ngắn ngủi như ánh mặt trời hiếm hoi ngày đông lạnh giá... Có sự bao dung của lời tỏ tình đẹp nhất tôi từng biết “Ông Marius, hình như em có đem lòng yêu ông”...
Kiếp nào đó Paris là của  “Những người khốn khổ”. Và đàn ông Paris ngày ấy, cũng như ở đâu ở thời nào cũng vậy, với họ “chiến đấu” bao giờ cũng là trên hết và trước hết. Màu cờ đỏ cứ làm cho tôi rờn rợn mỗi khi xem lại những bộ phim, những bức tranh... về thời cách mạng Pháp, khi đám đông quần chúng ào ào xông lên rồi ngã xuống trước những loạt đạn. Một nhà văn sau này đã viết một câu, đại ý: Quần chúng nhân dân làm nên lịch sử, nhưng lịch sử là đoàn tàu chạy trên đường ray có sẵn, và quần chúng thì ngồi trên tàu vỗ tay ca hát reo hò còn đoàn tàu đã có đầu máy kéo đi.
... Dẫu vậy, sau tất cả, rốt cuộc Paris làm cho tôi nhận ra rằng, cuộc chiến nào cũng vô nghĩa trước tình yêu!
Paris có gì lạ không ư? Đừng “hỏi khó” nhau như thế, nếu là người yêu hãy cùng nhau đến nơi đây dù chỉ một lần.
Từ biệt tháng Bảy, từ biệt Paris, không biết có còn dịp nào trở lại thành phố này nữa không...  Nhưng cảm giác một mình lơ lửng với mùa hè của tuổi đôi mươi Paris mang lại cho tôi sẽ mãi tươi nguyên... như ở một kiếp nào đó có một người vừa đi khỏi cuộc đời tôi...
Từ ô cửa sổ máy bay
Đi máy bay tuyến ngắn hay dài tôi đều thích ngồi cạnh cửa sổ, vì suốt chuyến bay gần như không bao giờ tôi ra khỏi chỗ ngồi. Ngồi cạnh cửa sổ luôn được yên tĩnh, có thể quay mặt nhìn ra bên ngoài để tránh những câu chuyện nhạt nhẽo của người ngồi bên, hoặc giả vờ ngủ trong cái cảm giác rất thật là mình đang bay trong không gian, vì ngay bên cạnh, chỉ cách ô cửa nhỏ, luôn là bầu trời bao la.
Ngoài kia, khi là bầu trời xanh đến không thể xanh hơn, khi là những đám mây trắng bồng bềnh rong chơi, khi là những tia nắng ban mai nhẹ nhàng nhô lên từ đường chân trời xa thẳm, khi là hoàng hôn đỏ rực ngay dưới cánh máy bay...
Ngoài kia, khi là bầu trời đầy mây xám nặng nề, những ánh chớp loé lên giận dữ, những hạt mưa tạt vào ô cửa nghe như tiếng va chạm của những viên đá nhỏ khi khuấy ly cà phê đá.
Ngoài kia, có khi là bầu trời đầy sao. Dải Ngân Hà vắt ngang sáng rực, những ngôi sao xa lấp lánh tinh nghịch. Ngôi sao nào là bản mệnh của mình, tôi hay tự hỏi và hình như, mỗi chuyến bay đêm tôi lại tìm ra cho mình một ngôi sao mới. Ngoài kia, thi thoảng là chuyến bay trong ánh trăng mười sáu, tròn trặn, sáng rỡ, phô phang hết vẻ đẹp như gái một con khiến ai nhìn cũng khó mà đưa mắt đi nơi khác.
Ngoài kia, có khi phía dưới là biển mênh mông, có khi là sông dài uốn khúc, khi là rừng xanh núi cao, khi là thành phố lấp lánh ánh đèn như những vì sao đêm, khi là lô nhô nhà với đường với xe hiện ra ngày càng rõ... Khi ấy tôi biết mình đang kết thúc một chặng đường, tạm biệt không gian để trở về mặt đất.
Mặt đất, có khi là một nơi xa lạ bỗng trở nên thân quen vì có người đang chờ tôi ở đó; nhưng thường là tôi trở về nơi đã quá quen thuộc... Sài Gòn của hơn bốn mươi năm cuộc đời tôi. Thành phố hiện dần dưới ô cửa sổ. Từ lần đầu tiên tôi nhìn thấy nó đến nay đã thay đổi quá nhiều. Những mảng xanh của đồng lúa, của vườn cây, của những xóm làng ngoại ô miệt Gò Vấp, Hóc Môn, Củ Chi... đã biến mất. Thay vào đó là những ô phố lộn xộn cao thấp chen chúc nhau như hàm răng mọc lệch. Hơn một năm nay tuyến đường Vành đai từ sân bay Tân Sơn Nhất đến Thủ Đức như cái niềng răng khổng lồ đẩy những ngôi nhà ven đường mới xây ngay hàng thẳng lối. Hy vọng vài năm nữa trên máy bay nhìn xuống sẽ thấy những tuyến đường vào thành phố như vành môi mềm mại tươi cười khoe hàm răng đều đặn. Cuộc chỉnh răng nào mà không đau đớn, khi cần phải nhổ bớt đi hoặc trồng lại những cái răng quá xấu. Chỉnh trang một đô thị cũng vậy, quy hoạch giải tỏa đền bù xây mới... cần một bàn tay “nha sĩ” khéo léo và có y đức, để thành phố có thêm “những vành môi, những hàm răng” đẹp. Tiếc rằng ở thành phố này quy hoạch đô thị chưa tạo ra nhiều cảnh quan đẹp, thậm chí có những công trình như “chiếc răng giả” trồng không đúng chỗ.
Thành phố của tôi. Ở dưới đó còn có một không gian khác nối liền những con người bất chấp khoảng cách xa vời đến đâu. Nhưng, mối quan hệ giữa những con người hoàn toàn không phụ thuộc vào không gian thật hay ảo, mà do những điều khác quyết định, đôi khi, chẳng liên quan gì đến khoảng cách địa lý. Bao nhiêu năm đã trôi qua nhưng quá khứ vẫn là một sức nặng đáng sợ, dù thế hệ sau 1975 đã khoan dung hơn khi nhìn về một thời đã qua nhưng cũng nghiêm khắc với hiện tại và đòi hỏi cao hơn khi hướng tới tương lai. Vậy cái gì đã ngăn cản chúng ta vượt qua những trở ngại từ quá khứ?
Đấy là câu hỏi luôn làm tôi phải nghĩ ngợi, nhất là trên chuyến bay trở về từ những nơi xa.
 Nguyễn Thị Hậu
Trong hình ảnh có thể có: Hậu Kc Nguyễn, đang cười, đang đứng, cây, ngoài trời và thiên nhiên

LAN MAN VỀ MỘT THỜI CHƯA XA

https://nguoidothi.net.vn/lan-man-ve-mot-thoi-chua-xa-15080.html
(nhân đọc Thương nhớ thời bao cấp)
Thương nhớ thời bao cấp * là một cuốn sách tranh tập hợp, tuyển chọn những câu cửa miệng, tục ngữ, thành ngữ, những câu nói có vần, khúc đồng dao... quen thuộc và phổ biến trong thời kỳ bao cấp. Hai họa sĩ Thành Phong và Hữu Khoa bằng những nét vẽ trau chuốt và chi tiết nhưng cũng mang tính khái quát, đã tái hiện lại một cách sống động đời sống xã hội thiếu thốn nghèo khổ nhưng đầy sự hài hước tự trào... của một thời kỳ dài khó khăn chồng chất khó khăn, khốn khó vây quanh khốn khó.
Nhiều người mới đọc tựa sách đã kêu lên “thời bao cấp mà nhớ làm gì?”, “ai thương bao cấp chứ tôi thì không bao giờ!”... Cũng phải, thời bao cấp thiếu thốn là thế, khổ sở là thế, thiếu từ gạo mì mắm muối đến quần áo giày dép, lúc nào cũng phải lo lắng từ bữa ăn hàng ngày đến các loại tem phiếu sổ gạo sổ hộ khẩu... Cái đói cái nghèo thì ai mà không ngán không sợ! Nhưng có quên được không? Và vì sao nhiều người vẫn vừa thương vừa nhớ?
Thời bao cấp – gọi chung là như thế nhưng thực ra có hai giai đoạn là trước và sau năm 1975. Hai giai đoạn này khác nhau về bối cảnh xã hội, về quy mô, mức độ và cả “đối tượng” chịu đựng sự bao cấp. Bởi vậy, thương nhớ hay không có lẽ cũng từ hoàn cảnh và điều kiện sống của từng người, từng gia đình trong thời kỳ ấy.
1.
Trước 1975 là thời bao cấp ở miền Bắc, mọi thứ đều được sản xuất theo kế hoạch hóa và phân phối qua hệ thống thương nghiệp quốc doanh từ cửa hàng “bách hóa tổng hợp” đến cửa hàng trung và cao cấp như Vân Hồ, Nhà Thờ, Tôn Đản ở Hà Nội... Hàng hóa quy theo tiêu chuẩn “mức lương” tưởng như công bằng nhưng... luôn phải “phân phối lại” qua các chợ và đội ngũ “con phe”, “bọn buôn gian bán lận”.Tính chất bao cấp tác động và thể hiện rõ nhất trong đời sống đô thị, nơi tập trung cán bộ công chức ăn lương nhà nước, tất cả đời sống phụ thuộc vào tem phiếu, đến số phận con người cũng phụ thuộc vào sổ hộ khẩu! Nhưng ở nông thôn thì đỡ hơn vì dù sao cũng còn mảnh vườn, chuồng gia súc, thức ăn tự cung tự cấp trong phạm vi gia đình hay làng xóm.
Tuy vậy, lúc ấy sự phân hóa giàu nghèo không quá lớn, phần lớn trong xã hội “ai cũng như ai” vì của cải sức lực từ nông thôn đến thành phố đều tập trung cho chiến tranh. Nhớ thời bao cấp là nhớ những ký ức ấm áp tình người vì nhìn quanh, mình chẳng bằng ai nhưng còn hơn nhiều người. Những khu phố hay nhà tập thể có khi chung bếp chung nhà tắm đến nhà vệ sinh cũng chung thì tránh sao khỏi sự dòm ngó thóc mách, nhưng trên hết vẫn là sự nhường nhịn, giúp đỡ nhau, coi nhau như “người nhà” khi hữu sự.
Má tôi giữ mãi chục bát sứ Hải Dương men trắng ngà lại còn hơi méo, là “tiêu chuẩn” lao động tiên tiến năm nào đó của bà. Bà giữ lại không chỉ vì những cái bát ấy còn tốt, mà vì được thưởng có 5 cái, một người bạn đã nhường phần của cô cho má tôi để có đủ chục bát “phòng khi nhà có khách”. Hơn 50 năm rồi nhưng má tôi vẫn nhắc nhớ chuyện này. Còn tôi, cứ mỗi mùa trung thu là tôi lại nhớ cảm giác hồi nhỏ thèm bánh trung thu như thế nào. Chỉ là chiếc bánh dẻo nhân hạt sen bột khô cứng hay chiếc bánh nướng nhân thập cẩm thoáng mùi vị lạp xưởng... Mỗi nhà được mua 1,2 cái theo phiếu nhưng bao giờ má tôi cũng để dành gửi về nơi quê biếu các gia đình chúng tôi ở nhờ hồi sơ tán, vì “mình ở Hà Nội thỉnh thoảng còn mua được chứ ở nông thôn không có đâu con ạ”.
Ngày chủ nhật trong khu tập thể nhà nào cũng rộn rịp bếp núc “ăn tươi”, có gì đâu, thường là bữa bún riêu hay bún chả. Thế là từ sáng sớm đã í ới gọi nhau đi xếp hàng đổi bún, mua thịt. Ra đến cửa hàng mậu dịch đặt cục gạch giữ chỗ mua thịt, chạy qua cửa hàng bún đặt cái chổi cùn “gửi chỗ” cho người đứng sau đứng trước, hay chạy ra chợ mua xóc cua mớ rau... Cục gạch và cái chổi cùn ấy cứ lần lượt được nhích lên theo hàng người, chẳng ai vứt đi đâu. Chạy qua chạy lại đến hơn nửa buổi mới mua được bún được thịt hớn hở mang về. Có lần thấy chị kia xếp hàng mà hai ngực áo ướt đẫm sữa, biết là đang nuôi con nhỏ, cô mậu dịch bán luôn mấy cho lạng thịt nạc “về làm ruốc mà ăn dần” dù phiếu của chị kia chỉ mua được mỡ.
Những năm sơ tán, nhà ai đi vắng cứ khóa lại rồi viết lên cửa “chìa khóa gửi nhà bác tổ trưởng” (hay gửi bác bán nước sôi, cô quét dọn...). Hồi cuối năm 1972 nhà tôi bị sức ép của trận bom làm tung hết cánh cửa, đồ đạc trong nhà đổ vỡ ngổn ngang... Hai hôm sau má tôi mới biết và chạy về nhà nhưng chẳng mất cái gì, đồ đạc đã được ai đó xếp gọn vào một chỗ kể cả những mảnh vỡ.
Đời sống tinh thần thời bao cấp chủ yếu là đọc sách, báo và họa báo Liên Xô là của hiếm! Cửa hàng sách có đến tận phố huyện, không nhiều sách nhưng mỗi cuốn sách mới được mọi người náo nức tìm đọc. Nhà có tủ sách nhỏ, ba tôi cần mẫn mua bao nhiêu năm từ đồng tiền ông phải nhịn uống bia để mua sách. Đủ loại nhưng nhiều nhất là sách sân khấu và văn học. Đấy là thế giới tinh thần của tôi, cho đến bây giờ cũng vậy! Thỉnh thoảng được xem phim chiếu ở hội trường cơ quan hay sân kho hợp tác... Ngay ở thành phố nhiều người cũng ít có dịp đến rạp xem phim xem kịch. Ngày ấy tôi chỉ mong cậu tôi ở Vĩnh Phú về Hà Nội công tác và mang theo con bé em họ, khi ấy thế nào má tôi cũng cho mấy hào để đưa em đi xem phim và ăn kem. Khổ thân con bé, ăn kem xong vào rạp là ngủ tít mít chỉ có tôi sung sướng ngồi xem. May mắn là tôi sống trong khu tập thể của đoàn nghệ thuật nên thường xem tập kịch, cải lương, thỉnh thoảng được xem “chiêu đãi” vở mới cho gia đình nghệ sĩ, diễn viên... Vì vậy “sinh hoạt tinh thần” của tôi so với chúng bạn cũng đa dạng hơn.
Thiếu thốn là thế nhưng lúc nào và chuyện gì cũng có thể làm người ta cười vui vẻ. Chẳng hạn, có những mối tình tan vỡ chỉ vì mỗi ngày anh chị đều gặp nhau ở... nhà vệ sinh tập thể bẩn thỉu kinh hoàng, làm tuột hết cả lãng mạn mơ màng... Như cái thông báo “khủng khiếp” ở cửa hàng mậu dịch “hôm nay bán thịt trẻ em” – là bán thịt cho phiếu của trẻ em có ký hiệu chữ TR. Hay, có nhà ăn thịt gà bằng... kéo, cắt từng miếng để khỏi động dao thớt “hàng xóm người ta biết lại lắm chuyện”, ăn xong gói xương vào giấy báo rồi đạp xe ra tận bãi rác ngoài chợ để vứt... Còn bao chuyện cười ra nước mắt nữa... Nhưng khi nhớ thời bao cấp ở miền Bắc là lại thương chính vì những chuyện như thế.
2.
Sau 1975 tình trạng bao cấp “phủ sóng” trên phạm vi cả nước nên mức độ cũng “tàn khốc” hơn! Miền Bắc tiếp tục “đắm chìm” trong nền kinh tế bao cấp còn miền Nam bắt đầu “làm quen” với nó và lập tức “choáng váng”!
Gia đình tôi trở về Sài Gòn ngay tháng 5.1975, dù là về quê nhưng vẫn nếp sống như ở HN vì chỉ dựa vào đồng lương nhà nước. Lúc đó má tôi cố dành dụm mua cho mỗi người một chiếc xe đạp – ước mơ bao nhiêu năm ở miền Bắc! Chỉ sau một thời gian ngắn thì má tôi – người phụ nữ giỏi chịu đựng và xoay xở - đã phải kêu lên “Trời ơi, ai mà nghĩ Sài Gòn thiếu gạo, thiếu đủ thứ như bây giờ!”. Vâng, chẳng ai có thể hình dung dân Sài Gòn mà phải xếp hàng mua gạo dầu mắm muối, cả rau muống nữa, phải nhận hàng “phân phối” từ cây kim sợi chỉ ít người cần đến ống kem đánh răng cứng như vôi nhưng ai cũng phải dùng! Chẳng ai có thể tượng tượng được có ngày dân Sài Gòn phải ăn bo bo, ăn độn khoai mì... Thế mà tất cả lại là “hiện thực”!
Sau các “chiến dịch” đánh tư sản – cũng như sau 1954 ở miền Bắc, nhưng ở Sài Gòn thì mức độ ảnh hưởng lớn hơn và hậu quả để lại lâu dài hơn nhiều, cùng với việc “ngăn sông cấm chợ” giữa Sài Gòn và miền Tây Nam bộ đã làm cho thành phố kiệt quệ. Một lần nhà tôi có đám giỗ, dì tôi từ quê đi xe đò lên thành phố, chỉ mang theo ký gạo nếp và hai trái dừa vườn nhà để nấu xôi cúng. Tới trạm Cai Lậy (vâng, chỗ trạm B.O.T Cai Lậy nổi tiếng bây giờ) bị mấy ông “cách mạng 30.4” khám xét và đòi tịch thu. Năn nỉ không được, dì tôi liệng cả nếp và dừa xuống ruộng ngập nước “xuống đó mà tịch thu”!
Đến lúc người người nuôi heo, sân vườn biệt thự thành chuồng heo, thành vườn trồng rau cho người và cho heo. Tôi đi học về đói lả người chưa kịp ăn nhưng phải cho heo ăn trước, nếu không nó phá chuồng kêu la cả xóm nghe. Heo bịnh má tôi muốn bịnh theo vì thức đêm nấu cháo heo, canh chừng cho heo uống thuốc... Thấy cực quá ba tôi giao hẹn: bán lứa heo này thôi không nuôi nữa! má tôi nói, không nuôi heo lấy gì ăn? Ý là lấy tiền đâu đi chợ? Đổi tiền mấy lần nên để dành bao nhiêu thành ra “vô giá” hết!
Rồi nhà nhà lại đổ qua nuôi cá trê phi, ở chung cư thì xây bể dưới gầm giường, dùng cả bồn tắm để nuôi trê phi. Anh bạn tôi thả mấy ký cá giống, nuôi mấy tháng trời, tới hồi vớt lên chỉ được “hai vợ chồng con cá”, vì cá lớn đã ăn cá nhỏ do không đủ thức ăn. Anh mang đến cho tôi mấy con cá nhỏ bằng nửa cổ tay, buồn rầu nói, thế là lỗ hết tiền thức ăn tiền cá giống cậu ạ, chưa kể mấy tháng mất ngủ vì... nằm trên bể cá.
Thôi thì không thiếu việc gì để kiếm bữa ăn hàng ngày... Cho nên trong Nam ngoài Bắc mới truyền nhau câu hát về bó rau muống “cho ngày nay cho ngày mai cho hai ngày sau” hay giai thoại cười ra nước mắt: một ông giáo sư nhà ở trên lầu lại nuôi heo nên bị lập biên bản. Ông bắt phải ghi đúng là “heo nuôi giáo sư!”
Nhưng ngay cả thời kỳ khó nhăn nhất ấy thì Sài Gòn vẫn không thiếu thứ gì từ “ăn” đến “chơi”, cứ vô Chợ Lớn là có tất cả, dĩ nhiên rất nhiều hàng dỏm hàng giả “Hồng Kong bên hông Chợ Lớn”. Người có tiền “bển gửi về” thì ra Chợ Cũ tuy phải bán mua lén lút nhưng đầy đủ hàng xa xỉ, rượu mỹ phẩm quần áo máy móc... Nhiều gia đình bán dần “đồ nhà” trong khi tìm cơ hội vượt biên hoặc chờ được bảo lãnh. Người nơi khác vô Sài Gòn những năm 1980 – 1990 vẫn choáng ngợp vì sức sống và diện mạo “đô thành” của nó. Sài Gòn vẫn là một thành phố năng động và linh hoạt trong làm ăn kinh tế, vẫn là nơi thu hút người nhập cư đổ về.
Và tất nhiên, chuyện xé rào, vượt rào phải đến. Từ Nam bộ, từ Sài Gòn cánh cửa bao cấp cũ kỹ của nền kinh tế “kế hoạch hóa” già nua đã bị đóng chặt hàng chục năm dần dần cũng phải hé mở, mang lại luồng không khí mới bớt ngột ngạt hơn, dễ thở hơn, nhưng cũng gây cho xã hội nhiều cơn choáng váng.
Đó lại là chuyện của thời kỳ sau, thời “mở cửa”.
***
Đối với thế hệ tuổi 50 trở lên cuốn sách “Thương nhớ thời bao cấp” gợi nhớ một thời mà mỗi người đều sống như thế. Còn nhiều lắm những câu thành ngữ, ca dao, những “dị bản” khác nhau về từ ngữ nhưng cùng nội dung phản ánh mọi mặt đời sống thời bao cấp... Đây là dòng văn học dân gian phản ánh hiện thực xã hội qua cái nhìn, góc nhìn tinh tế, hài hước mà không kém phần sâu sắc, thậm chí châm biếm và đả phá mạnh mẽ... Hiện thực cuộc sống trong cuốn sách như “dòng lịch sử bình dân” bổ sung cho “chính sử” phản ánh cuộc chiến tranh và những sự kiện chính trị. Cũng phải nói rằng, phần lớn nội dung cuốn sách là cuộc sống thời bao cấp ở miền Bắc.
Nhưng đối với thế hệ 8x, 9x và cả thế hệ sinh từ những năm 2000 Thương nhớ thời bao cấp sẽ giúp người trẻ hiểu biết về cuộc sống và tâm thức của thế hệ ông bà cha mẹ vào nửa sau thế kỷ 20 qua từng trang sách. Một thời kỳ đầy khó khăn với những nỗi lo lắng nhọc nhằn của từng người, của cả nước... nhưng xem cuốn sách này ta vẫn thấy vượt hẳn lên là cái nhìn lạc quan, vui tươi cùng thái độ tự trào, phản biện nhưng điềm tĩnh.
Chính vì vậy mà thời bao cấp trở lại với chúng ta như là một phần đời chịu thương chịu khó, “khổ lắm nhưng mà thương lắm”, chẳng dễ mà quên! Nhưng chắc chắn không ai muốn cuộc sống đó lặp lại để con cháu phải chịu đựng như chúng ta thời ấy!
Sài Gòn 23.8.2018
Nguyễn Thị Hậu
* Tác giả: Thành Phong - Hữu Khoa
Công ty Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 1.2018



THỜI CHƯA QUA VÀ SỰ CHÍNH DANH


Không có văn bản thay thế tự động nào.

Từ sau 75 cho đến nay trong gia đình mình tuyệt nhiên không bao giờ có hai từ “ngụy” và “cộng sản”  gọi ai đó theo kiểu kỳ thị, xếch mé hay nhục mạ. Đơn giản vì hai bên nội ngoại đều có người bên này bên kia trong cuộc chiến hơn hai mươi năm.
Những ngày có đám giỗ chạp hiếu hỉ, gặp nhau không thể tránh khỏi chuyện thời cuộc, nhất là trong những năm 1975 – 1980, người ở cả hai bên có thể tranh luận thậm chí cãi nhau, nhưng không bao giờ sỉ nhục hay miệt thị nhau là “bọn ngụy” hay “thằng cộng sản”, mà thường nói vui là nhà mình có hai phe “cách mạng” và “liều mạng”, vì một bên từ bỏ sung sướng đi kháng chiến còn một bên liều mình vượt biên.
Người hai bên thương nhau vì cùng một nhà, vì thương nội ngoại không muốn đàn con gặp nhau sau bao năm xa cách lại thù ghét nhau, và vì hiểu, mỗi người có sự lựa chọn, cả do thời thế, để đi con đường của mình. Và một điều quan trọng nữa, người “trở về” như nhà mình không coi tài sản ông bà nội ngoại là “tài sản” của mình, "ba má đi làm cách mạng không phải để về - vơ - vét", vì vậy tránh được mọi khó xử không đáng có.
Khi ba mình làm công việc phụ trách khối sân khấu của thành phố, trong tâm tư tình cảm của ông chưa bao giờ ông phân biệt nghệ sĩ cách mạng hay nghệ sĩ Sài Gòn, ông cư xử thân ái như nhau, xử lý với người sai phạm như nhau không thiên vị. Nhưng ông thương những người chịu thiệt thòi như diễn viên thường, người làm công tác hậu đài, phục vụ... vì không ai biết đến, vì thu nhập thập, vì bị coi thường từ ngay mấy “nghệ sĩ lớn”... Ông vẫn nói, khi tấm màn nhung mở ra để sân khấu sáng đèn thì phải có bao người chịu đứng trong bóng tối.
Khi má mình làm việc ở ngân hàng, bà cùng nhiều đồng nghiệp đấu tranh chống lại ý định tịch thu toàn bộ tiền tiết kiệm gửi các ngân hàng Sài Gòn của người dân, công chức với lý do “làm việc cho chế độ cũ”. "Không thể thất nhân tâm như vậy, nếu khó khăn thì có kế hoạch trả dần cho người gửi, vì đó là tiền mồ hôi nước mắt, trong chế độ nào cũng phải đi làm, nếu không thì họ sống bằng gì?”.
Những suy nghĩ và ứng xử của ba má mình gặp không ít sự phê phán từ cấp trên, đồng nghiệp, thậm chí bị quy chụp "mất lập trường giai cấp", là “tả khuynh hữu khuynh” gì đó. Nhưng ông bà vẫn không thay đổi, vì điểm xuất phát của những suy nghĩ ứng xử đó là sự chính trực. Có chính trực người ta nhìn nhận và hành xử công bằng, và gọi tên sự vật đúng như nó chứ không cần phải dùng lời lẽ mệt thị khinh thường hay ngược lại, tâng bốc nịnh thối.
Mình, con của ba má, thừa hưởng tính cách đó. Chưa bao giờ chơi với bạn mà có ý nghĩ bên này bên kia... Mình có nhiều bạn Sài Gòn từ lớp 12 Marie Curie năm học 75-76 và sau đó ở trường đại học, rồi đi làm, nhất là bạn “vỉa hè” thì hầu như toàn các anh chị văn nghệ sĩ Sài Gòn... Thân nhau như với các bạn Mở Miệng, Giấy Vụn, hay với nhiều anh chị hợp nhau thì gặp cà phê hay nhậu bờ kè trò chuyện... Cũng nói đủ thứ chuyện, có nhiều chuyện không “đồng thuận” nhưng vẫn tôn trọng quý mến nhau... Nhưng nếu có ai đó thể hiện kỳ thị Bắc Nam hay bên thắng bên thua thì mình tránh không gặp nữa, vì đó là những định kiến rất khó thay đổi (nhưng không khó để nhận ra vài người vẫn ngấm ngầm “theo dõi” mình vì định kiến ấy).
Thời đã qua của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi quốc gia là sự tồn tại “như nó đã từng”. Muốn hiểu đúng gọi đúng tên sự việc thì cần sự chính trực và tình yêu thương như người một nhà, là “đồng bào”.
Chính quyền “Việt Nam cộng hòa” là một thực thể lịch sử. Khi các công trình sử học lưu lại sự tồn tại của chính thể này một cách chính danh như vậy sẽ làm rõ nhiều điều, cả thành tựu, hạn chế và cả những sai lầm của nó, cũng như sử sách ghi chép về tất cả triều đại đã qua. Khi chưa được nhìn nhận một cách công bằng thì quá khứ mãi còn là MỘT THỜI CHƯA QUA. Sự công chính dành cho quá khứ chính là sự dọn dẹp phong quang cho con đường đi đến tương lai.
Mặt khác, trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, lịch sử đánh giá về “thời đã qua” cũng là đánh giá ngay cả về thời hiện tại “đang qua”. Thái độ ứng xử với (di sản) quá khứ thế nào cho biết nhiều điều về chính thể hiện nay.
Điều cần thiết hơn là những sự việc hiện tượng của ngày hôm nay cần phải được gọi đích danh chứ không thể ve vuốt bằng những từ ngữ lươn lẹo và dối trá: quà trên mức tình cảm, nhận chìm vật chất, xóa bỏ nguyên chức, kê khai chưa đầy đủ... Những từ ngữ xảo trá này cho thấy sự bất chính của những người sử dụng nó.

Nguyễn thị Hậu. 21.8.2017


PHỤ NỮ ĐẸP BÌNH DỊ NHƯ ĐỒ GỐM



1. Thưa chị, không biết nên xưng hô với chị như thế nào? Nhà khảo cổ học hay nhà văn…
- Chỉ là “chị Nguyễn Thị Hậu” thôi, vì đối với tôi cả hai “nhà” đều lớn quá.
2. Và cũng xin bắt đầu câu chuyện bằng sự “lưỡng phân” này. Giữa khảo cổ và văn học, theo chị, có điểm gì chung?
- Có lẽ có: cùng tìm hiểu, giải mã về con người quá khứ hoặc hiện tại từ những “bằng chứng” có khi rất nhỏ nhoi. Và tìm hiểu về con người chính là tìm hiểu về xã hội, bối cảnh sống của con người.
3. Còn điểm riêng thưa chị?
- Khi “giải mã” về con người thì khảo cổ nghiêng về “lý” còn văn học nặng về “tình”.
4. Với chị, văn học là…?
- Từ nhỏ văn học đã là sở thích, là niềm vui của tôi. Còn bây giờ, nếu viết được chút gì đấy cũng để cho vui vì đã chia sẻ được với bạn bè.
5. Ngoài những cuốn sách khảo cổ học chi tiết và… dài, với văn chương, chị lại viết rất ngắn, kể cả khi viết tản văn, truyện ngắn, truyện rất ngắn. Tại sao?
- Sách về khảo cổ cần tuân thủ những yêu cầu – dù tối thiểu - của một công trình khảo cổ học để đảm bảo nội dung khoa học, mặc dù thật ra những cuốn đó của tôi cũng khá đơn giản và… mỏng thôi J. Còn khi viết những cái khác thì… thấy đủ thì thôi, vì đó là những chuyện nho nhỏ, người đọc hiểu mà, đâu cần phải dài dòng?
6. Với những truyện ngắn chỉ vỏn vẹn 100 chữ, liệu chị đang làm khó (thử thách chính) mình, hay là để đỡ tốn thời gian của độc giả thời bận rộn?
- Viết truyện 100 chữ đầu tiên là “thử” xem vốn từ ngữ của mình có thể sử dụng chính xác đến đâu? Vả lại, trong cuộc sống, một “cái dằm”  cũng đủ làm người ta bận tâm rồi. Thế thì cứ viết giản dị như chính nó thôi. Càng chính xác càng giản dị, tôi nghĩ thế.
7. Vài năm trước, đọc tập truyện “ngắn và rất ngắn” của chị in chung với nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái, tôi ấn tượng với truyện “Kiến”. Còn bây giờ, khi đọc cuốn “101 truyện 100 chữ” tôi luôn ám ảnh về những nhân vật nữ - thường là không có tên, những “nàng”, “cô”, “mẹ”, “vợ anh”. Truyện nào cũng rưng rưng, và hình như nhiều nước mắt ngậm ngùi sau mỗi 100 chữ của chị?
- Tôi đọc ở đâu đó rằng, chỉ có phụ nữ mới biết yêu thương – theo nghĩa là luôn có khả năng chia sẻ. Có lẽ vì vậy mà phụ nữ hay “tám” với nhau về mình và cả những thứ ngoài mình.
8. Là phụ nữ, khi viết và trong cuộc sống nữa, chị thường đứng về "phe nước mắt" chứ?
-Tôi đứng về phía nào không làm cho ai phải rơi nước mắt.

9. Những chuyện tình trong truyện của chị đôi khi thật ngọt ngào, nhưng đôi khi tan vỡ rất nhanh, có thể chỉ trong 34 chữ: “Trời mưa. Cô mơ màng: Bây giờ ngồi quán với một cốc café sữa nóng và nghe nhạc thì tuyệt. Anh lắc đầu: Trời mát thế này nhậu thịt chó mắm tôm là nhất. … Thế là tan vỡ một mối tình”. Chị có thường áp dụng cái nghề khảo cổ vào để khảo sát các cuộc hôn nhân không?
- Có lẽ không cố ý nhưng thói quen “tinh tướng” trong nghề nghiệp đôi khi giúp mình tinh ý hơn trong cuộc sống (hay là ngược lại nhỉ?).
10. Những xung đột và mâu thuẫn văn hóa trong cuộc sống gia đình hiện nay, có cảm giác, được chị “bắt sóng” rất nhanh để đưa vào các truyện rất ngắn của mình. Hình như chị đang muốn một khắc họa hình ảnh những người phụ nữ nhạy cảm và… thiệt thòi?
- Phụ nữ thường nhạy cảm, phụ nữ có nội tâm phong phú càng nhạy cảm. Mà cuộc sống hiện nay thì quá nhanh, hiếm có khoảnh khắc “lặng” để nhìn lại… Còn thiệt thòi à, tôi không nghĩ thế, được mất vô chừng lắm…
11. Nhưng phụ nữ, cũng có khi được quý như “Cổ vật”? (tr.89)
- Vâng. Không phải cổ vật nào cũng có vẻ đẹp rực rỡ như đồ trang sức vàng bạc hay đồ sứ hoa văn nhiều màu, mà phần đông phụ nữ như những đồ gốm, đồ đất nung có vẻ đẹp rất bình dị. Hình như ít người nhìn thấy vẻ đẹp như thế ở người phụ nữ của mình, quanh mình…
12. Người ta nói văn là người? Liệu có đúng với chị, và đúng bao nhiêu %, trong tập sách này thưa chị?
- Như tôi đã trả lời trong một cuộc trò chuyện : 50% là « chuyện » - chất liệu từ cuộc sống xung quanh và của chính mình, 50% còn lại là cảm nhận, góc nhìn của tôi, là cách « xử lý » những chất liệu ấy thành một món ăn nhẹ để mọi người có thể nhấm nháp cả lúc đói và lúc không đói J
 Xin cám ơn chị!

Hoàng Thu Phố (thực hiện nhân xuất bản tập truyện này, 2011)




TẠI SAO TẤM CÁM


Cũng như nhiều người, tôi đọc truyện Tấm Cám từ hồi nhỏ xíu, sau này có phim hoạt hình rồi truyện tranh nhưng tôi không thích vì thấy giả tạo thế nào ấy. Tuy nhiên kịch Tấm Cám của nghệ sĩ Thành Lộc hay truyện tranh của bọn trẻ vẽ lại theo lối “hậu hiện đại” thì tôi cực thích. Hình như nghệ thuật của ta diễn tả những bi kịch không tới thành ra xem bực mình, có khi làm hài kịch mà lại thành công! (đúng thôi, trong cuộc sống cái bi và hài chỉ cách nhau có một sợi tóc!).
Cùng motif “mẹ ghẻ con chồng” nhưng phim Ba hạt dẻ dành cho Lọ Lem của Tiệp Khắc (trước đây) thì làm tôi say mê. Hồi đó đi xem bao lần ở rạp, rồi sau này chiếu ở TV hay bây giờ trên mạng vẫn có thể xem đi xem lại, vì diễn viên xinh ơi là xinh, cảnh thì đẹp ơi là đẹp… Các nhân vật ai cũng dễ thương, kể cả bà mẹ ghẻ và hai cô em thì có ác đấy nhưng hành vi của họ lại (được nhìn thành) hài hước nên chỉ thấy tội nghiệp, buồn cười chứ không thấy ghét. Và cái kết cũng chỉ như mơ ước ngàn đời của bao nhiêu nàng Lọ Lem trên thế giới này: được lấy Hoàng Tử và sống cả đời hạnh phúc giàu sang. Ba mẹ con dì ghẻ xấu hổ bỏ đi. Biết xấu hổ - tức là còn lòng tự trọng – đấy là sự khởi đầu để trở thành người tốt.
Gần đây xem Cinderella (phim Mỹ, 2015). Nội dung không có gì mới hơn ngoài một vài chi tiết nhưng tôi thích cái kết của phim. Cinderella đã dũng cảm giành lấy cơ hội hạnh phúc và tình yêu của mình. Khi đạt được những gì thuộc về mình, nàng không trả thù mà tha thứ cho mẹ ghẻ, dù trước đó nàng đã nói “bà chưa bao giờ là mẹ tôi”.
Ừ thì muôn đời chuyện mẹ ghẻ con chồng, chuyện con anh con tôi… Nhưng khi người Mỹ dạy con trẻ chuyện Lọ Lem thì họ coi cách cư xử của bà mẹ ghẻ là có thể hiểu và thông cảm được: “Chúng ta thường cho rằng các bà mẹ kế dường như đều chẳng phải là người tốt. Thật ra họ chỉ không tốt với người khác thôi, chứ lại rất tốt với con mình. Họ không phải là người xấu đâu, chỉ có điều họ chưa thể yêu con người khác như con mình mà thôi”.
Vậy nếu ước mơ của mình bị ngăn cản thì làm cách nào để thực hiện điều mình mơ ước? Điều đầu tiên và quan trọng nhất là tự mình phải quyết tâm đi tìm ước mơ của mình. Đúng như người Mỹ quan niệm, ngoài Cinderella ra, chẳng ai có thể ngăn trở cô bé đi dự vũ hội của hoàng tử, chẳng ai có thể ngăn cản cô bé trở thành hoàng hậu. Nếu cảm thấy người khác không yêu mình thì ta càng phải tự yêu mình gấp bội. Nếu người khác không tạo cơ hội cho mình thì mình cần tự tạo ra thật nhiều cơ hội. Nếu thực sự biết yêu bản thân thì chúng ta sẽ tự tìm được mọi thứ mình muốn có.
Còn nếu chỉ ngồi than khóc chờ Bụt đến giúp thì suốt đời phải phụ thuộc vào Bụt như cô Tấm. Cho đến cuối cùng việc kinh khủng nhất lại là việc đầu tiên cô Tấm tự làm mà không cầu đến Bụt!
Những ước mơ của bất cứ cô Tấm nào cũng luôn là những điều tốt đẹp… Vậy thì tại sao truyện Tấm Cám lại có cái kết kinh hoàng như thế? Chúng ta luôn được nghe, và chúng ta cũng luôn giải thích lại cho con em rằng, đó là “ác giả ác báo”, là “công lý” của nhân dân. Chúng ta, từ nhỏ đã được học cách cầu xin và trông đợi vào sự may mắn. Nếu cả ước mơ cũng bị tước đoạt thì hãy nhẫn nhịn, chịu đựng … Đến cuối cùng thì phải trả thù dù đã có được điều mình mong muốn.
Những chuyện cổ tích thường mang triết lý: đừng làm điều ác để khỏi bị trừng phạt. Vậy thì vì sao cuộc đời vẫn luôn có (nhiều) người ác? Xem ra vấn đề không chỉ là "đừng làm điều ác" mà là điều ác bị trừng phạt như thế nào, và có nhất định phải trả thù bằng cái chết không? Chỉ qua truyện Tấm Cám thôi đã thấy tâm thức mong muốn trả thù ghê gớm thế nào! Chính là “người ta” đã cam chịu như thế chứ đâu phải cô Tấm? Người ta đã đặt vào miệng cô Tấm những lời ngon ngọt với cô Cám, đặt vào tay cô Tấm nồi nước sôi, người ta đã chuẩn bị sẵn hũ muối để làm mắm. Và người ta hả hê khi cô Tấm trả thù.
Hả hê, cho nên câu chuyện này mới lưu truyền lâu dài đến thế!
Những truyện/chuyện cổ tích quen thuộc với chúng ta đều chung một nội dung: tham thì thâm, ăn ở ác thì bị trả thù. Hình như rất hiếm sự tha thứ nào được truyền lại trong cổ tích. Tấm giết em và gián tiếp giết mẹ ghẻ, Lý Thông bị trời đánh chết, người anh giành cây khế và túi vàng ba gang cũng rơi xuống biển mà chết, thậm chí giết cả con hổ khi nó ngây ngô hỏi con người “trí khôn ở đâu”, chỉ vì một định kiến “hổ thì ác”… Những cái chết có thể làm kết thúc truyện cổ tích nhưng không hề “hết chuyện” vì từ đời này đến đời khác lưu truyền mãi mãi…
Khi vụ án thảm sát gia đình 6 người ở Bình Dương đưa ra xét xử công khai bằng hình thức xử lưu động cho hàng ngàn người “háo hức, tò mò” kéo đến xem trực tiếp, hàng trăm ngàn người theo dõi qua báo chí cũng tường thuật trực tiếp. Câu hỏi mà nhà báo Phạm Thanh Hà đau xót đặt ra – cũng là câu hỏi mà nhiều người day dứt: “Có cần không tổ chức lưu động một phiên tòa quá nhiều sự dã man, đau thương...?” Bởi vì trong hàng ngàn người ở đó có bao nhiêu đứa trẻ, bởi vì có thực sự răn đe không khi một phiên tòa phơi bày quá nhiều sự dã man, quá nhiều đau thương và nước mắt như thế? Phải chăng đó là tâm thức “thù này phải trả” bằng cách đền mạng sống, tước đoạt lòng tự trọng của những người còn sống nếu chẳng may họ là thân nhân của kẻ gây tội ác? Chứng kiến những phiên tòa như vậy thì sự trả thù có thể sẽ tiềm ẩn trong tâm thức để đến khi lớn lên, trong một hoàn cảnh nào đấy thì hành động trả thù sẽ bộc phát như một lẽ tự nhiên.
Đừng tiếp nối sự trả thù trong cổ tích bằng hình thức “báo thù” hiện đại như thế, vì dù xét xử tội ác thì cũng cần thể hiện, và phải dựa trên sự nhân văn ngay từ hình thức xét xử. Như vậy mới đúng ý nghĩa của công lý.
Lòng khoan dung chỉ bắt đầu khi dừng việc tiếp tay và phơi bày cái ác, dừng việc kích động sự tò mò với cái ác. Lòng khoan dung sẽ được nhân lên khi con người biết thực thi công lý không bằng tâm thức trả thù, không bằng sự hả hê trước bất kỳ cái chết nào, và lòng khoan dung sẽ được lưu truyền từ việc quý trọng cuộc sống và tôn trọng nhân cách của mỗi con người.
Sài Gòn, ngày 6/1/2016
Hình ảnh có liên quan

QUÊ HƯƠNG



Tạp bút, Nguyễn Thị Hậu

1.Bạn từ xa về nhắn đi uống cà phê, hẹn ở một quán sân vườn ngoại ô. Hỏi: sao  xa dữ vậy? bạn cười: ồ, quán này là quán vườn đúng nghĩa. Ừ nhỉ, từ xứ lạnh nhà cao thang máy chục tầng về, cần gì phải tới những quán máy lạnh cửa kính đèn mờ…
Lu bu, nửa buổi mới đến nơi. Quán lá, chòi bát giác dưới hàng dừa rợp bóng, thỉnh thoảng trái rụng lộp bộp xuống mương nước. Tiếng cá quẫy, tiếng gà gáy le te ban trưa… Quán vắng, bạn ngồi một mình với ấm trà nóng. Trông ung dung như chủ nhà sau một ngày làm việc.
Mỗi năm bạn đều cố gắng “về nhà” một lần, vào dịp gần tết dù chẳng bao giờ bạn ở lại đến tết. Thời gian nghỉ phép chỉ có vậy, công việc không như ở trong nước muốn nghỉ phép hồi nào là nghỉ. Bạn chọn mùa gió chướng để về, thuê một ngôi nhà nhỏ ven sông Sài Gòn để ở, mỗi ngày ngắm hai lần nước lớn nước ròng, đêm nghe gió chướng ngoài kia ào ạt để rồi thiếp đi trong hơi nước mang theo vị biển.
Năm nay cũng vậy. Khi tôi hỏi như năn nỉ: tết năm nay ở lại đi, bạn cười buồn, ở lại thì cũng một mình, thà bên đó đi làm cho qua ba ngày tết… Tôi vẫn biết nỗi cô đơn của bạn nhưng khi nghe bạn nói vẫn thấy thương bạn nhói lòng.
Rồi đến ngày bạn đi, để hẹn sang năm sẽ lại về. Gần ba mươi năm vẫn như người  “một chốn đôi nơi”, cứ ngong ngóng qua hết những tờ lịch cuối để bay nửa vòng trái đất về ngôi nhà nhỏ ven sông, ngồi ngoài hiên nghe tiếng sóng đánh ì oạp vào bờ, ngó hàng rào bông giấy lốm đốm nắng trưa, nghe tiếng gà eo óc ngoài kia mà nhớ mẹ, nhớ chị… Và thỉnh thoảng, vào buổi sáng được uống ly cà phê  pha bởi đôi tay người phụ nữ đã hơn nửa đời chờ đợi bạn.
Tất cả là Quê hương mà bạn đã mang theo bên mình đến hết cuộc đời người xa xứ…

2.Em là một họa sĩ trẻ, sinh sống ở nước ngoài từ nhỏ. Tranh của em được giới mỹ thuật biết đến khi mới tuổi teen. Tốt nghiệp cao học loại ưu, trước mắt em là một tương lai thênh thang khi giáo sư của em đã có hẳn chương trình vài năm tới đưa tranh của em đi triển lãm khắp châu Âu rồi qua Mỹ, em sẽ bước vào thế giới của những người nổi tiếng trong giới hội họa và sưu tập… Em đã có đầy đủ  điểu kiện để thành công ở xứ sở mà tài năng hội họa được tôn vinh như một báu vật chỉ có một số rất rất ít người được Thượng đế ban tặng.
Vậy nhưng em lại quyết định mang tranh của mình về nước “cho đồng bào con xem, Thầy ạ”. Vị giáo sư sững sờ: Ai hiểu và trân trọng tài năng của con? Ai sẽ sở hữu tranh của con với  sự hiểu biết đúng giá trị của nó? Con làm vậy là đánh mất cơ hội ngàn năm để bước chân vào “giới thượng lưu nghệ thuật”. Em nhẹ nhõm trả lời: con tuy sống từ nhỏ ở nước ngoài, nhưng con vẫn là người Việt. Không có tâm hồn Việt con không thể sáng tác được những tác phẩm như thế này… Tại sao con không mang nó về tạ ơn đất nước của con?
Tranh của em có kỹ thuật điêu luyện do những người thầy giỏi truyền dạy, nhưng tất cả kỹ thuật ấy ẩn sau tâm hồn và cảm xúc quê hương tràn đầy trên tranh, một quê hương trong ký ức của ba mẹ em trao cho em, từ làn điệu chèo cổ, từ tấm áo tứ thân, từ mái đình cây đa, từ cô Thị Màu từ nàng Súy Vân, từ những cánh đồng lúa chín từ dòng sông quan họ…  Những người đàn bà trong tranh của em dịu dàng như lúa mà cũng mãnh liệt như sóng. Họ, như hiện thân của em.
Và em nói, em không thể đi tiếp trên con đường nghệ thuật đằng đẵng nếu không có quê hương bên cạnh, sau mỗi chuyến đi về như thế.

3.Nhà văn nổi tiếng với các tác phẩm ca ngợi những vĩ nhân trên khắp thế giới. Quá nửa đời sống nơi đất khách ông mới về thăm quê. Đứng trước mộ ông bà cha mẹ, nhà văn chợt hiểu đây chính là những con người tuyệt vời nhất, vì họ đã dạy cho ông biết nhận ra sự vĩ đại trong những con người bình dị quanh mình.
Nhà văn ra đi, mang theo món nợ văn chương mà ông biết kiếp này sẽ  không thể trả. Vì thiếu quê hương.

8.1.2014




LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...