Tạp bút, Nguyễn Thị Hậu
1.Bạn từ xa về nhắn
đi uống cà phê, hẹn ở một quán sân vườn ngoại ô. Hỏi: sao xa dữ vậy? bạn cười: ồ, quán này là quán vườn
đúng nghĩa. Ừ nhỉ, từ xứ lạnh nhà cao thang máy chục tầng về, cần gì phải tới
những quán máy lạnh cửa kính đèn mờ…
Lu bu, nửa buổi mới đến nơi. Quán lá, chòi bát giác dưới
hàng dừa rợp bóng, thỉnh thoảng trái rụng lộp bộp xuống mương nước. Tiếng cá quẫy,
tiếng gà gáy le te ban trưa… Quán vắng, bạn ngồi một mình với ấm trà nóng.
Trông ung dung như chủ nhà sau một ngày làm việc.
Mỗi năm bạn đều cố gắng “về nhà” một lần, vào dịp gần tết dù
chẳng bao giờ bạn ở lại đến tết. Thời gian nghỉ phép chỉ có vậy, công việc
không như ở trong nước muốn nghỉ phép hồi nào là nghỉ. Bạn chọn mùa gió chướng
để về, thuê một ngôi nhà nhỏ ven sông Sài Gòn để ở, mỗi ngày ngắm hai lần nước
lớn nước ròng, đêm nghe gió chướng ngoài kia ào ạt để rồi thiếp đi trong hơi nước
mang theo vị biển.
Năm nay cũng vậy. Khi tôi hỏi như năn nỉ: tết năm nay ở lại
đi, bạn cười buồn, ở lại thì cũng một mình, thà bên đó đi làm cho qua ba ngày tết…
Tôi vẫn biết nỗi cô đơn của bạn nhưng khi nghe bạn nói vẫn thấy thương bạn nhói
lòng.
Rồi đến ngày bạn đi, để hẹn sang năm sẽ lại về. Gần ba mươi
năm vẫn như người “một chốn đôi nơi”, cứ
ngong ngóng qua hết những tờ lịch cuối để bay nửa vòng trái đất về ngôi nhà nhỏ
ven sông, ngồi ngoài hiên nghe tiếng sóng đánh ì oạp vào bờ, ngó hàng rào bông
giấy lốm đốm nắng trưa, nghe tiếng gà eo óc ngoài kia mà nhớ mẹ, nhớ chị… Và thỉnh
thoảng, vào buổi sáng được uống ly cà phê pha bởi đôi tay người phụ nữ đã hơn nửa đời chờ
đợi bạn.
Tất cả là Quê hương mà bạn đã mang theo bên mình đến hết cuộc
đời người xa xứ…
2.Em là một họa
sĩ trẻ, sinh sống ở nước ngoài từ nhỏ. Tranh của em được giới mỹ thuật biết đến
khi mới tuổi teen. Tốt nghiệp cao học
loại ưu, trước mắt em là một tương lai thênh thang khi giáo sư của em đã có hẳn
chương trình vài năm tới đưa tranh của em đi triển lãm khắp châu Âu rồi qua Mỹ,
em sẽ bước vào thế giới của những người nổi tiếng trong giới hội họa và sưu tập…
Em đã có đầy đủ điểu kiện để thành công ở
xứ sở mà tài năng hội họa được tôn vinh như một báu vật chỉ có một số rất rất
ít người được Thượng đế ban tặng.
Vậy nhưng em lại quyết định mang tranh của mình về nước “cho
đồng bào con xem, Thầy ạ”. Vị giáo sư sững sờ: Ai hiểu và trân trọng tài năng của
con? Ai sẽ sở hữu tranh của con với sự
hiểu biết đúng giá trị của nó? Con làm vậy là đánh mất cơ hội ngàn năm để bước
chân vào “giới thượng lưu nghệ thuật”. Em nhẹ nhõm trả lời: con tuy sống từ nhỏ
ở nước ngoài, nhưng con vẫn là người Việt. Không có tâm hồn Việt con không thể
sáng tác được những tác phẩm như thế này… Tại sao con không mang nó về tạ ơn đất
nước của con?
Tranh của em có kỹ thuật điêu luyện do những người thầy giỏi
truyền dạy, nhưng tất cả kỹ thuật ấy ẩn sau tâm hồn và cảm xúc quê hương tràn đầy
trên tranh, một quê hương trong ký ức của ba mẹ em trao cho em, từ làn điệu
chèo cổ, từ tấm áo tứ thân, từ mái đình cây đa, từ cô Thị Màu từ nàng Súy Vân,
từ những cánh đồng lúa chín từ dòng sông quan họ… Những người đàn bà trong tranh của em dịu
dàng như lúa mà cũng mãnh liệt như sóng. Họ, như hiện thân của em.
Và em nói, em không thể đi tiếp trên con đường nghệ thuật đằng
đẵng nếu không có quê hương bên cạnh, sau mỗi chuyến đi về như thế.
3.Nhà văn nổi tiếng
với các tác phẩm ca ngợi những vĩ nhân trên khắp thế giới. Quá nửa đời sống nơi đất khách ông mới về thăm
quê. Đứng trước mộ ông bà cha mẹ, nhà văn chợt hiểu đây chính là những con người tuyệt vời nhất,
vì họ đã dạy cho ông biết nhận ra sự vĩ đại trong
những con người bình dị quanh mình.
Nhà văn ra đi, mang theo món nợ văn chương mà ông biết kiếp
này sẽ không thể trả. Vì thiếu quê
hương.
8.1.2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét