Báo Đại đoàn kết phỏng vấn (bài cũ)
https://baomoi.com/ts-nguyen-thi-hau-phu-nu-dep-binh-di-nhu-do-gom/c/9586376.epi
https://baomoi.com/ts-nguyen-thi-hau-phu-nu-dep-binh-di-nhu-do-gom/c/9586376.epi
1. Thưa chị, không biết nên xưng hô với chị như thế
nào? Nhà khảo cổ học hay nhà văn…
- Chỉ là “chị Nguyễn Thị Hậu” thôi, vì đối
với tôi cả hai “nhà” đều lớn quá.
2. Và cũng xin bắt đầu câu chuyện bằng sự “lưỡng phân”
này. Giữa khảo cổ và văn học, theo chị, có điểm
gì chung?
- Có lẽ có: cùng tìm hiểu, giải mã về con
người quá khứ hoặc hiện tại từ những “bằng chứng” có khi rất nhỏ nhoi. Và tìm
hiểu về con người chính là tìm hiểu về xã hội, bối cảnh sống của con người.
3. Còn điểm riêng thưa chị?
- Khi “giải mã” về con người
thì khảo cổ nghiêng về “lý” còn văn học nặng về “tình”.
4. Với chị, văn học
là…?
- Từ nhỏ văn học đã là sở thích, là niềm vui
của tôi. Còn bây giờ, nếu viết được chút gì đấy cũng để cho vui vì đã chia sẻ
được với bạn bè.
5. Ngoài những cuốn sách khảo cổ học chi tiết và… dài,
với văn chương, chị lại viết rất ngắn, kể cả khi viết tản văn, truyện ngắn,
truyện rất ngắn. Tại sao?
- Sách về khảo cổ cần tuân thủ những yêu cầu
– dù tối thiểu - của một công trình khảo cổ học để đảm bảo nội dung khoa học,
mặc dù thật ra những cuốn đó của tôi cũng khá đơn giản và… mỏng thôi J. Còn khi viết
những cái khác thì… thấy đủ thì thôi, vì đó là những chuyện nho nhỏ, người đọc
hiểu mà, đâu cần phải dài dòng?
6. Với những truyện ngắn chỉ vỏn vẹn 100 chữ, liệu chị
đang làm khó (thử thách chính) mình, hay là để đỡ tốn thời gian của độc giả
thời bận rộn?
- Viết truyện 100 chữ đầu tiên là “thử” xem
vốn từ ngữ của mình có thể sử dụng chính xác đến đâu? Vả lại, trong cuộc sống,
một “cái dằm” cũng đủ làm người ta bận
tâm rồi. Thế thì cứ viết giản dị như chính nó thôi. Càng chính xác càng giản
dị, tôi nghĩ thế.
7. Vài năm trước, đọc tập truyện “ngắn và rất ngắn”
của chị in chung với nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái, tôi ấn tượng với truyện
“Kiến”. Còn bây giờ, khi đọc cuốn “101 truyện 100 chữ” tôi luôn ám ảnh về những
nhân vật nữ - thường là không có tên, những “nàng”, “cô”, “mẹ”, “vợ anh”.
Truyện nào cũng rưng rưng, và hình như nhiều nước mắt ngậm ngùi sau mỗi 100 chữ
của chị?
- Tôi đọc ở đâu đó rằng, chỉ có phụ nữ mới
biết yêu thương – theo nghĩa là luôn có khả năng chia sẻ. Có lẽ vì vậy mà phụ
nữ hay “tám” với nhau về mình và cả những thứ ngoài mình.
8. Là
phụ nữ, khi viết và trong cuộc sống nữa, chị thường đứng về "phe nước
mắt" chứ?
-Tôi đứng về phía nào không làm cho ai
phải rơi nước mắt.
9. Những chuyện tình trong truyện của chị đôi khi thật
ngọt ngào, nhưng đôi khi tan vỡ rất nhanh, có thể chỉ trong 34 chữ: “Trời mưa. Cô mơ màng: Bây giờ ngồi quán với
một cốc café sữa nóng và nghe nhạc thì tuyệt. Anh lắc đầu: Trời mát thế này
nhậu thịt chó mắm tôm là nhất. … Thế là tan vỡ một mối tình”. Chị có thường
áp dụng cái nghề khảo cổ vào để khảo sát các cuộc hôn nhân không?
- Có lẽ không cố ý nhưng thói quen “tinh
tướng” trong nghề nghiệp đôi khi giúp mình tinh ý hơn trong cuộc sống (hay là
ngược lại nhỉ?).
10. Những xung đột và mâu thuẫn văn hóa trong cuộc
sống gia đình hiện nay, có cảm giác, được chị “bắt sóng” rất nhanh để đưa vào
các truyện rất ngắn của mình. Hình như chị đang muốn một khắc họa hình ảnh
những người phụ nữ nhạy cảm và… thiệt thòi?
- Phụ nữ thường nhạy cảm, phụ nữ có nội tâm
phong phú càng nhạy cảm. Mà cuộc sống hiện nay thì quá nhanh, hiếm có khoảnh
khắc “lặng” để nhìn lại… Còn thiệt thòi à, tôi không nghĩ thế, được mất vô chừng
lắm…
11. Nhưng phụ nữ, cũng có khi được quý như “Cổ vật”?
(tr.89)
- Vâng. Không phải cổ vật nào cũng có vẻ đẹp
rực rỡ như đồ trang sức vàng bạc hay đồ sứ hoa văn nhiều màu, mà phần đông phụ
nữ như những đồ gốm, đồ đất nung có vẻ đẹp rất bình dị. Hình như ít người nhìn
thấy vẻ đẹp như thế ở người phụ nữ của mình, quanh mình…
12. Người ta nói văn là người?
Liệu có đúng với chị, và đúng bao nhiêu %, trong tập sách này thưa chị?
- Như tôi đã trả lời
trong một cuộc trò chuyện : 50% là « chuyện » - chất liệu từ
cuộc sống xung quanh và của chính mình, 50% còn lại là cảm nhận, góc nhìn của
tôi, là cách « xử lý » những chất liệu ấy thành một món ăn nhẹ để mọi
người có thể nhấm nháp cả lúc đói và lúc không đói J
Xin cám ơn chị!
Hoàng Thu Phố (thực hiện nhân xuất bản tập truyện này, 2011)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét