NHỚ NÚI


Kết quả hình ảnh cho tam đảo vĩnh phúc

Một ngày hè Tam Đảo

Vào mùanăm 2009. Khóa học về khoa học xã hội và nhân văn với khoảng gần trăm học viên từ Sài Gòn, Hà Nội, Huế... Các giảng viên từ Pháp qua, trong đó có nhiều nhà nghiên cứu nhân học dày dạn kinh nghiệm Châu Phi các nước Đông Nam Á. Sau hai ngày nóng nực ở Hà Nội, lớp học được tổ chức tại Tam Đảo - lúc đó còn là một thị trấn nhỏ cách Hà Nội hơn 80 km.
Sống ở Hà Nội bao nhiêu năm nhưng đây là lần đầu tiên tôi lên Tam Đảo. Hồi nhỏ có lần xem cái tranh vui: trên con đường núi dốc ngoằn nghèo, ông chồng hớn hở đi trước miệng tấm tắc: Tam Đảo thật mát mẻ, thế nhưng phía sau bà vợ tay xách nách mang lỉnh kỉnh đồ đạc, mồ hôi mồ kê nhễ nhại...
Thị trấn Tam Ðảo rộng hơn 300ha, nằm gọn trong một thung lũng nhỏ của dãy Tam Ðảo, đồng thời cũng là một trong những vườn quốc gia lớn nhất miền Bắc. Ðầu thế kỷ 20 người Pháp phát hiện ra Tam Ðảo và xây dựng ở nơi đây thành nơi du lịch nghỉ dưỡng cho quan chức thuộc địa người Pháp với khoảng hơn 160 ngôi biệt thự nằm rải rác trên các sườn núi. Thời gian trôi qua, đến cuối thế kỷ 20 những toà nhà Tây chỉ còn là phế tích trong hoang tàn, đổ nát, trơ ra những móng, tường, công trình ngầm nằm lẫn với cỏ cây, rêu phong, nắng mưa... Nhìn mà xót xa. Một thời gian dài chẳng ai biết đến và cần đến cái đẹp như thế...
Mười năm trước Tam Đảo còn là một thị trấn xinh xắn với những con đường lên xuống quanh co nho nhỏ, một dòng suối như vệt nước cắt ngang chảy suốt bốn mùa... Khí hậu ở đây rất độc đáo, bốn mùa trong một ngày. Buổi sáng se se gió xuân, buổi trưa nắng ấm mùa hạ, buổi chiều lãng đãng heo may mùa thu, buổi tối lạnh giá mùa đông.
Và hoa. Hoa dại trên sườn núi, trong khuôn viên các ngôi nhà cổ, hoa trên tường rào những ngôi nhà mới, đủ sắc màu... nhưng màu tím vẫn nhiều sắc thái nhất: tím ngả xanh của bìm bìm, tím hồng nâu của anh đào, tím huế của bằng lăng, tím đỏ rực rỡ của bông giấy...
Và rau. Ngọn susu vươn bò khắp nơi, trên ruộng, trong vườn nhà... mỗi sáng đầy trên con đường có cái chợ nhỏ toàn khách du lịch. Bữa ăn nào cũng có món ăn dân dã susu luộc ngọt mát chấm muối vừng hay ngọn susu xào tỏi bùi bùi.
Và mây... mây sáng mây chiều là là mặt đất. Đường đi lẫn trong mây, người đi lẫn vào sương... Hơi sương thẫm đẫm mà không lạnh, chỉ se se, và làm người ta thèm quá một vòng tay...
Và rừng ngút ngàn xanh. Dù là rừng nguyên sinh được che phủ bởi một lớp thảm thực vật dày đặc, nhiều tầng và đa dạng về loài, đa dạng về sinh học và hệ sinh thái nhưng hiền hòa bởi những loài cây đã quen thuộc với con người qua hàng ngàn năm.
Vài năm sau tôi quay lại nơi này. Đường lên Tam Đảo vẫn dốc núi ngoằn nghèo như thế nhưng đã rộng hơn, xe hơi đủ loại đủ kiểu lên xuống tuy ở đoạn cua gấp khúc vẫn phải nhường đường tránh nhau. Giống hệt nhiều thành phố mới khác, Tam Đảo nhan nhản những "biệt thự " kiểu dáng phô trương. Phần lớn là khách sạn nhà nghỉ.
Bởi vậy ngay cả trong những ngày đông, Tam Đảo cũng không còn yên tĩnh nữa...

Bạch Mã sương tan

Núi Bạch Mã ranh giới tự nhiên giữa tỉnh Thừa Thiên-Huế và thành phố Đà Nẵng. Đây là một phần của dãy Trường Sơn chạy cắt ra sát biển, nơi có đèo Hải Vân nổi tiếng. Trên đỉnh núi hùng vĩ bốn mùa xanh tươi với thác nước, suối, rừng... quy tụ nhiều loại động vậtthực vật quý hiếm ở miền nhiệt đới. Bạch Mã nằm cách biển chỉ có 18 km nên hòa với không khí của rừng núi là chút hương vị của biển.
Vào đầu thế kỷ XX Bạch Mã còn là khu rừng núi hoang sơ chưa ai khai phá. Nhưng từ khoảng năm 1925, khi thám sát để mở đường qua khu vực này người Pháp đã phát hiện ra đỉnh Bạch Mã và bắt đầu tổ chức khai thác nhằm phát triển du lịch. Từ đó nơi này trở thành khu vực nghỉ dưỡng như Tam Đảo, Đà Lạt. Trên sườn núi xuất hiện các biệt thự, khách sn và theo đó là một con đường nhỏ tráng nhựa chủ yếu cho xe hơi của giới có tiền thời đó và các quan chức người Pháp. Từ khoảng giữa sườn núi là đường mòn đi bộ cho khách du lịch thích khám phá đỉnh núi. Từ cuối thế kỷ 20 những ngôi biệt thự cổ này được sửa sang lại làm khách sạn du lịch trong cảnh quan vẫn còn hoang vắng lắm…
Tôi đến Bạch Mã vào một ngày thu từ nhiều năm trước. Ngay từ khi ấy núi Bạch Mã cũng đã mất dần vẻ hoang sơ vì một ngôi chùa đang được hoàn thành trên đỉnh núi. Trước sân là đôi ngựa đá màu trắng, trong chùa những đồ thờ cúng cũng là đá trắng, lọai đá Ngũ Hành Sơn. Tháp chuông mới dựng, chuông quý cũng đã được thỉnh về. Giữa trưa, không gian mênh mang đủ cho tiếng chuông ngân dài vang xa, nhưng mặt đất thì tấp nập những người chen chúc trên con đường đã được mở rộng cho xe hơi lên đến tận chùa!
Đứng trên đỉnh Bạch Mã nhìn xuống đèo Hải Vân uốn lượn rồi mất hút, nhìn xuống phá Tam Giang xa mờ biển lẫn vào mây, nhìn xuống rừng Bạch Mã xanh ngút ngát... chợt ước ao được biến thành hạt bụi hay một giọt sương, tan trong không trung, nhẹ nhàng, không dấu tích... Rồi nơi đây sẽ trở thành Hương Tích, Yên Tử chăng? Dù không thế thì tôi cũng may mắn khi đã đến Bạch Mã khi nơi đấy còn chưa nhuốm nhiều màu đời trần tục...
Bài ca trên đỉnh núi

Có một buổi chiều đi làm về bị kẹt xe. Một đọan đường ngắn “ùn tắc giao thông” do giao lộ có đèn mà không có công an, do xe bus dừng trả đón khách giữa đường, do đúng giờ tan trường học trò ào ra, phụ huynh đứng kín hai bên vỉa hè tràn xuống lòng đường… Trời thì oi bức vì đang chuyển mưa ầm ì, vì khói xăng xe, vì bụi, vì ồn, vì bực bội do phải chen chúc trong cái dòng người xe như kiến vỡ tổ…
Khi tôi nhích chiếc xe máy ngang qua một chiếc xe hơi sang trọng, người trong xe hạ cửa kính ngó nghiêng phía trước, bỗng nghe thấy một bài hát xa xưa…
Ớ… bầu trời… có sao chiều sao sớm…
Đầu núi kia có ở hai người
Dù đi cùng trời dù đi khắp núi
Rừng chỉ có… chỉ có sao sớm sao chiều
Núi chỉ có hai người
Hai người… yêu nhau…*
Ôi, sao những lời ca tình yêu đẹp mênh mang như thế lại vang lên trong cái oi bức bực bội giữa thành phố chật chội này nhỉ… Ngoái lại nhìn, cánh cửa xe đã đóng kín, lớp kính đen mờ không thể trông thấy chủ nhân chiếc xe sang trọng. , được ngồi trong xe máy lạnh kia mà nghe bài hát cũ mà mơ về một chốn núi cao rừng sâu, bầu trời đêm thăm thẳm lấp lánh những vì sao xa, và có hai người yêu nhau… Mặc kệ tắc đường với kẹt xe, mặc kệ cơn giông mùa hè đang dậm dọa, mặc kệ bụi mặc kệ khói… chỉ có hai người yêu nhau…
Suốt đọan đường còn lại tôi cứ tò mò, không biết ai ngồi trong chiếc xe ấy nhỉ…?

* Bài hát trong phim Vợ chồng APhủ
 Tản văn, Nguyễn Thị Hậu

BẠN VỀ QUÊ Ở



Anh nhắn: chiều ngồi đâu lai rai chút, mai tui về quê. Hỏi: Bao giờ lên? Anh: Về ở luôn dưới đó, đồ đạc sách vở chuyển đi hết rồi.
Anh là một người nghiên cứu “tự do”: không làm ở một cơ quan nào cả, không bị ràng buộc bởi các quy định của công chức và đương nhiên không có đồng lương cơ bản cùng những thu nhập khác ngòai lương, tuy ít ỏi nhưng cũng neo được nhiều người trong cái bộ máy cồng kềnh của nền học thuật hành chánh. Nhưng nhờ vậy mà anh có thể tòan tâm tòan ý theo đuổi những gì mình say mê: nghiên cứu, biên dịch tài liệu cổ sử, những vấn đề văn hóa… khi rảnh rang còn viết cả truyện ngắn. Thu nhập thất thường vì không phải ai cũng hiểu được giá trị những tư liệu anh công bố (nhưng cũng có trừờng hợp chính vì người ta hiểu quá rõ giá trị của tư liệu nên...).

Từ nhiều năm qua để lại vợ con ở quê, anh sống một mình ở thành phố này, lặng lẽ, khiêm nhường, cần mẫn làm nhiều việc để kiếm sống. Dù làm việc gì anh cũng không từ bỏ niềm đam mê nghiên cứu cổ sử của mình. Nhiều lần kêu anh đi cà phê, anh nói không có rảnh, bạn bè chọc: ông làm gì mà bận, chảnh dữ ha. Anh cười: đang viết bài trả nợ nè. “Nợ” là chính anh tự nợ mình một vấn đề khoa học chứ đâu phải nợ ai tiền bạc. Và bạn bè biết sắp được anh chia sẻ một công trình nghiên cứu nghiêm túc và có giá trị. Được in hay không, với anh không quan trọng, vấn đề là anh đã làm được nhiều việc chắn chắn hữu ích cho những ai quan tâm đến lịch sử văn hóa hôm nay và mai sau.Không có nhiều “nhà” nghiên này cứu nọ trong các viện, trường mà viết được như anh. Có lẽ khi tự thóat khỏi những ràng buộc cơm áo sân si chức vị đời thường, từ ý thức công dân và bằng tri thức của mình, người nghiên cứu sẽ tìm thấy không gian tư duy tự do cho ý tưởng bay lên, như cánh diều trên bầu trời lộng gió.

Dọn về quê, đồ đạc của anh không có gì, nhiều nhất chỉ là sách. Hàng ngàn cuốn sách quý anh cân nhắc chọn lựa mua bằng đồng nhuận bút khiêm tốn, tìm kiếm trong hầu hết các hiệu sách cũ khắp Sài Gòn, Chợ Lớn… Không hiểu sao anh có thể sắp xếp hết chừng đó sách vở trong ngôi nhà anh ở thuê nhỏ xíu không đủ chỗ mà quay qua quay lại? Có người nói đùa: số sách này bán đi ông sống khỏe cả đời. Anh cười hiền lành: sống đui mù cực lắm ông ơi.

Năm nào cũng vậy, gần Tết là anh mua giấy dó mực tàu rồi cùng bạn bè ngồi ở một nơi nào đó, viết chữ cho bạn, cho cả người qua đường. Thư pháp Hán Nôm của anh tuyệt vời, mềm mại mà cứng cỏi, thanh thóat. Mỗi người đều nhận ra mình trong mỗi chữ nôm na anh tặng.
Những lần ngồi lai rai trong quán nhỏ bên bờ kè, anh kể chuyện xưa chuyện nay bằng cái giọng từ từ, tưng tửng… Bạn bè mỗi người góp một câu rồi cùng cười nghiêng ngả. Sau những trận cười là nỗi đắng cay, người viết có tâm thời nào cũng vất vả…

Thời buổi lạm phát, nơi đô thành sống khó khăn quá thì anh cứ về quê mà ở nhưng đừng đi ẩn nhé. Về đó yên tĩnh viết lách, theo đuổi công việc nghiên cứu nhọc nhằn…  Sài Gòn – Định Tường đâu có xa xôi, xe cộ giờ rất sẵn. Rảnh thì nhắn nhe lên xuống thăm nhau, nếu có ngồi bờ kè nhớ nhau thì kêu điện thọai, mà cần gì còn có email, khó gì…

Tưởng chỉ ngày xưa mới có chuyện vào lúc thời buổi nhiễu nhương trắng đen lẫn lộn vàng thau khó lường, thì các nho sĩ bèn rời bỏ kinh thành về quê ẩn dật… Bỗng ngậm ngùi. Người như anh dường như “vận” cả số phận quê hương…

Tạp chí Tia sáng ngày 22.8.2012. Repost nhân dịp nhà nghiên cứu PHẠM HOÀNG QUÂN ĐOẠT GIẢI SÁCH HAY 2019

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, trong nhà

Không có mô tả ảnh.

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...