Ước mơ của một người thương sông rạch TP.HCM

 Gắn bó và có nhiều năm nghiên cứu về đặc trưng văn hóa đô thị Sài Gòn – TP. HCM, trong đó có hệ thống sông rạch, hơn ai hết, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử TP.HCM hiểu hệ thống sông rạch TP đến “chân tơ kẽ tóc”. Sông rạch không chỉ là đặc điểm địa lý mà theo bà Hậu nó còn là di sản đô thị.

Tuổi Trẻ có buổi trò chuyện với Tiến sĩ Hậu về các vấn đề xoay quanh khai thác, cải tạo, bảo vệ sông rạch TP.

-       Gắn bó và nghiên cứu nhiều năm về sông rạch TP. Cũng đích thân bà tham gia nhiều chuyến du khảo thời gian qua, bà đánh giá gì về sông rạch TP trước đây và hiện tại?

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu: Ở góc độ nghề nghiệp, tôi quan tâm đến sông rạch TP là một trong những di sản tự nhiên. Nó là yếu tố cảnh quan làm nên đặc trưng của TP mình giống đặc trưng của nhiều đô thị Nam Bộ. Nói đến TP.HCM mà không nói hoặc không quan tâm đến hệ thống sông rạch thì sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề văn hoá, xã hội.

Ở góc nhìn đơn giản nhất, hệ thống sông rạch là yếu tố tự nhiên gắn bó lâu đời với cuộc sống người dân. Nếu trước đây giao thông đường bộ chưa phát triển thì sông rạch là con đường giao thông quan trọng nhất. Các thương cảng, giang cảng ở TP.HCM đã minh chứng cho điều này. Sông rạch không chỉ phục vụ cho việc đi lại bình thường mà còn là tuyến đường buôn bán, thông thương.

Thứ hai, đời sống người dân Nam Bộ thường gắn liền với sông nước nên thường cư trú dọc theo các con sông rạch.

Tuy nhiên mức độ phát triển của Sài Gòn từ sau năm 1954 đến 1975 quá nhanh, dân cư nhập về quá lớn đã nảy sinh ra tình trạng sinh sống, cư trú trên kênh rạch với mức độ dày đặc. Điều này đã khiến nhiều con sông rạch bị bức tử bởi ô nhiễm.

Khoảng 10- 20 năm gần đây, TP đã bắt tay vào giải toả nhà ven sông rạch, cải tạo những hệ thống sông rạch lớn như  Bến Nghé, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò GốmĐộng thái này này đảm bảo cho người dân môi trường sống tốt hơn và cải thiện vệ sinh môi trường nước của TP.

-       Theo bà thì đâu mới là yếu tố để sông rạch TP được tồn tại bền vững? Chúng ta có thể khôi phục lại hệ thống sông rạchnhư trước đây để chia lửa cho giao thông đường bộ được hay không?

Phát triển bền vững ở vùng đất Nam Bộ này là phải hiểu và sống theo điều kiện tự nhiên. Làm sao để điều kiện tự nhiên phục vụ cho con người tốt hơn chứ không phải hạn chế hay ngặn chặn những yếu tố tự nhiên.

Hệ thống kênh rạch TP trước đây chằng chịt hơn nhiều, sự phát triển của đô thị từ đầu thế kỷ 20 đã khiến nhiều sông rạch bị lấp đi. Ngay như khu vực quận 1, đường Nguyễn Huệ hay Hàm Nghi chẳng hạn, trước đây cũng là rạch nhưng đã bị lấp. Bây giờ chúng ta đã hiểu tác động không tốt của việc lấp kênh rạch thì phải dừng chuyện đó lại, thậm chí rạch nào lỡ lấp rồi mà có thể khơi thông lại và cần thiết thì nên khơi thông.

Về việc sử dụng giao thông đường thuỷ chia lửa bớt cho đường bộ, nhiều nước đã thực hiện điều đấy. Thói quen đi trên đường bộ mới hình thành trên dưới trăm năm, còn trước đó chúng ta vẫn sử dụng giao thông đường thuỷ.

Nhưng có 2 điều tôi muốn lưu ý. Thứ nhất phát triển giao thông đường thủy đầu tiên là để tạo thuận lợi về đi lại và sinh hoạt cho cư dân tại chỗ trước rồi mới đến phục vụ du lịch. Du lịch phát triển rất cần, nhưng tất cả những gì cải tạo TP này phải hướng đến cộng đồng người dân sống ở đây và những người sẽ làm việc trở thành cư dân của TP. Người dân phải được sử dụng đường thủy để đi lại, đi làm, đi chơi như họ sử dụng đường bộ chứ không phải cải tạo sông rạch chỉ để cho khách du lịch.

Thứ hai là giữ vệ sinh cho kênh rạch và nâng cao ý thức người dân. Sông rạch ở TP thường chảy qua những khu dân cư rất lớn. Đã có những đoạn được ngăn cách bằng đường ven sông nhưng phần nhiều nhà cửa vẫn còn sát sông rạch. Cần làm sao nâng cao ý thức người dân, cùng với những điều kiện kỹ thuật khác để đảm bảo vệ sinh môi trường đối với khu vực nhà ven sông, rạch.

Nếu không đáp ứng được 2 yếu tố trên thì sự phát triển về giao thông, môi trường, du lịch đường thủy còn khó khăn.

-       Vậy bà có mơ ước gì về sông rạch TP trong thời gian tới?

Mong ước của tôi trong 10 năm tới về sông rạch TP là chỉ mong nó đẹp và sạch hơn. Đẹp hơn về cảnh quan, đẹp hơn trong suy nghĩ của người đến TP và trong ký ức của người dân đô thị. Theo tôi, đẹp không nhất thiết là công trình hiện đại hay cái gì trang trí quá tốn kém, chỉ cần hai bên bờ kênh rạch là cây xanh, thảm cỏ. Nếu được, mỗi tuyến sông rạch nên trồng một loại cây đặc trưng tạo điểm nhấn về cảnh quan.

Để phong phú, đa dạng và cũng tận dụng “nguồn vốn” từ cảnh quan thì tổ chức thêm dịch vụ nhỏ ven bờ sông, rạch như những quán cà phê, quán sách báo… tất nhiên là phải đảm bảo môi trường.

Sạch là về chất lượng nước. Nước là yếu tố quan trọng nhất của vấn đề kênh rạch, trước tiên muốn kênh rạch thay đổi thì phải xử lý được nước thải. Hệ thống cống xử lý nước thải ra kênh rạch là điều cần thiết và phải đồng bộ vì kênh rạch thông nhau, không thể chỉ xử lý khu vực này mà không làm khu vực khác.

Một lần nữa tôi muốn nhấn mạnh giải quyết các vấn về sông rạch cần hướng đến đời sống người dân TP trước. Bảo vệ sông rạch là phải từ người dân, họ cảm thấy dòng sông, kênh rạch này của mình, môi trường sạch sẽ có lợi cho mình thì sẽ ý thức và hành động cụ thể bảo vệ nó.

BOX 1: TP đầu tư mạnh cải tạo kênh rạch

Chưa thời kì nào TP.HCM tập trung đầu tư mạnh vào cải tạo môi trường kênh rạch như giai đoạn 2021-2025. Với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 19.280 tỉ đồng, nhiều con kênh hứa hẹn sẽ được trong xanh trở lại.

Ngoài ra từ nay đến năm 2025, TP.HCM còn lên kế hoạch triển khai 53 dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch với hơn 20.300 căn nhà được di dời. Sở Xây dựng TP.HCM mới đây đã đưa ra chương trình kế hoạch chỉnh trang, phát triển đô thị giai đoạn 2021-2025, trong đó có việc di dời và tổ chức lại cuộc sống cho người dân sống trên và ven kênh rạch trên địa bàn TP.

BOX 2: Bảo vệ môi trường kênh rạch là nhiệm vụ hàng đầu

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM qua hơn 3 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước” đã thực hiện được nhiều giải pháp, mô hình thiết thực trong công tác bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân.

Vừa qua TP vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch, xanh và thân thiện môi trường” giai đoạn năm 2022-2025 với nhiều nhiệm vụ. Trong đó nhiệm vụ bảo vệ hệ thống kênh rạch được TP đặt lên hàng đầu.

LÊ PHAN thực hiện

https://tuoitre.vn/chi-mong-kenh-rach-tphcm-sach-dep-hon-20221229232032655.htm



 

@ VIẾT CHO HAI CÔ HỌC TRÒ THÂN QUÝ

 

Năm 2022 tôi đã hướng dẫn 1 bạn thực hiện luận văn thạc sĩ ngành quản lý văn hóa và 1 bạn hoàn thành luận án tiến sĩ ngành khảo cổ học. Cả hai đều bảo vệ thành công với kết quả tốt. Tất nhiên quá trình cô trò làm việc với nhau thì từ một vài năm trước, gặp nhau nhiều lần, đi khảo sát cũng vài lần...
Cơ duyên của tôi với hai bạn không giống nhau, với Võ Thị Ánh Tuyết - NCS tiến sĩ, tôi được hướng dẫn em từ luận văn tốt nghiệp đại học, rồi luận văn thạc sĩ, và nay là luận án tiến sĩ. Với với em Bùi Hải Yến học viên thạc sĩ thì do... ông xã của em - một nhà sưu tập cổ vật - giới thiệu, và cương quyết "nhờ cô hướng dẫn luận văn cho vợ em"!
Hai bạn đều bận rộn gia đình (có hai con nhỏ, chồng cũng rất bận), công việc tại cơ quan của hai bạn luôn nhiều việc... Vậy nhưng các bạn đã rất cố gắng hoàn thành luận văn, luận án đúng hạn, biết lắng nghe các ý kiến góp ý để chỉnh sửa công trình, đồng thời cũng biết bảo vệ quan điểm, nội dung mà các bạn tâm huyết.
Với vai trò là người hướng dẫn cho học viên và NCS, có nhiệm vụ định hướng nghiên cứu và giúp các bạn cách thức tiếp cận phù hợp với đề tài, thực hành phương pháp khoa học trong nghiên cứu, tôi rất vui vì các bạn đã có sự tiến bộ so với chính mình, nếu so sánh những gì các bạn viết khi bắt đầu và kết thúc công trình. Không chỉ tiến bộ về câu chữ, diễn đạt, mà còn về ý tưởng và cách thức giải quyết vấn đề. Chắc chắn các bạn sẽ có được khả năng tốt hơn để thực hiện những công việc sắp tới của mình!
Đặc biệt hai bạn đã chuyển tải được quan điểm/lý thuyết mới vào công trình của mình một cách nhuần nhuyễn và được minh chứng bằng thực tiễn mà các bạn đã khảo sát, tìm hiểu. Đó là "Bảo tồn di sản cần được bắt đầu từ cộng đồng" và "KCH đô thị còn là KCH ứng dụng vào đời sống đương đại". Đây là hai quan điểm tôi rất tâm đắc và thể hiện trong một công trình đã xuất bản của mình. Đó cũng là việc đưa kiến thức khoa học ra khỏi "căn phòng đóng kín" để nhận được không khí tươi mới từ cuộc sống, giúp các kiến thức khoa học có sức sống trên thực tế.
Thật ra hai quan điểm này không hẳn là mới nhưng thể hiện cụ thể trong một công trình thạc sĩ hay tiến sĩ thì ít thấy, bởi học viên, NCS luôn muốn giữ sự "an toàn" trước hội đồng chấm luận văn, luận án. Hai bạn đã nắm vững nội dung và trình bày rất tốt trước HĐ.
Hai em gợi lại hình ảnh của tôi gần 30 năm trước, cũng suốt ngày việc cơ quan, lo cho hai con nhỏ đến tối khuya mới có thể lo đến luận án TS của mình. Vì vậy, các bạn nữ mà chịu khó học hành là tôi luôn trân trọng và hết mình giúp đỡ!
Chúc mừng hai học trò quý mến! Chúc các em thành công hơn trong công việc của mình, trong NCKH, và gia đình luôn hạnh phúc nhé!

28.12.2022




Phim Giáng sinh

 Mấy bữa nay TV chiếu nhiều phim về Giáng sinh. Gia đình đoàn tụ, hạnh phúc, tình yêu đôi lứa... hầu hết là những bộ phim kiểu “ngôn tình”, dù sướt mướt hay hài hước, thậm chí kinh dị, thì cũng đều có một Happy End. Không ít phim là về tình yêu của những người đã vào tuổi trung niên mà vẫn chưa tìm thấy một nửa của mình, phim về đôi lứa đã đánh mất nhau khi còn trẻ dại... Nhưng vào đêm giáng sinh họ đều tìm thấy hạnh phúc.

Tất nhiên, không phải tình yêu nào cũng phải đợi đến đêm giáng sinh mới kết thúc tốt đẹp. Giáng sinh – như là một biểu tượng của điều lành và cơ hội may mắn – là cái cớ để những gì không thể sẽ - có - thể xảy ra. Và tất nhiên, người xem hiểu được ý nghĩa biểu tượng ấy. Nhờ đó, phim về Giáng sinh luôn được đón đợi vào mùa Giáng sinh. Phim hay hoặc không hay lắm cũng đâu quan trọng khi mang lại cho người xem niềm vui về hạnh phúc của nhân vật trong phim, cảm giác bồi hồi trước những mối tình đẹp và một thông điệp vĩnh cửu: cuộc sống tốt đẹp là nhờ lòng nhân hậu và những điều tử tế.

Ừ, cuộc sống chỉ cần lòng nhân hậu và những điều tử tế. Nhưng đó lại là điều thường ít được nhận biết và hiểu đúng giá trị, bởi vì nhân hậu và tử tế thường giản dị, không màu mè gay cấn nổi bật... như những điều ngược lại.

Last Christmas, bộ phim "kinh điển" về chủ đề Giáng sinh. Trái tim của một chàng trai nhân hậu và luôn sống tích cực - chẳng may bị tai nạn và qua đời - được trao cho cô gái bị bệnh tim bẩm sinh, trong một ngày Giáng sinh. Vào dịp Giáng sinh sau cô gái "gặp lại" chàng trai, anh đã giúp cô vượt qua những bất ổn của cuộc sống từ sự nhân hậu và thái độ sống tích cực của mình.

Đêm Giáng sinh, cô gái đi tìm anh và để hiểu ra rằng, cô đến với những điều tốt đẹp và tử tế chính là từ một điều vĩnh cửu trong trái tim mỗi người: "Đôi lúc bạn chỉ cần giữ bên mình một niềm tin".







DU LỊCH SAU MÙA DỊCH

 https://tuoitre.vn/du-lich-sau-mua-dich-20221221072853175.htm

Nguyễn Thị Hậu

Đầu tháng 12, tôi có dịp dến ba thành phố phía Bắc Ấn Dộ là thù đô New Delhi và hai thành phố cổ Agra và Jaipur. Đây là những thành phố lớn có nhiều di sản văn hóa thế giới nổi tiếng. Trong đại dịch Covid-19, Ấn Độ chịu những tổn thất rất nặng nề về con người và các ngành kinh tế. Tuy nhiên dến nay, chỉ qua ba thành phố lớn kể trên khách du lịch cũng có thể nhận thấy sự hồi sinh của kinh tế nói chung và du lịch nói riêng.

Từ sân bay Indira Gandi về trung tâm New Delhi, dù đã 11g đêm nhưng trên xa lộ mỗi bên 8 làn xe vẫn đông nườm nượp, trong đó rất nhiều xe chở các đoàn khách du lịch. Từ New Delhi đến Agra hay Jaipur khoảng hơn 300 km, phải nghỉ 1 – 2 lần tại trạm dừng, nơi có đầy đủ nhà vệ sinh, shop hàng thủ công mỹ nghệ, cà phê, ăn nhẹ... sạch sẽ và tiện lợi. Bắt đầu mùa du lịch cao điểm vì thời tiết lạnh vừa phải, nhiều nơi như ở vùng Kasmir đã có tuyết và băng giá... Tất cả đều làm tăng thêm những vẻ đẹp vốn có trên đất nước có lịch sử hàng ngàn năm văn minh này.

Với những kỳ quan thế giới như lăng mộ Taj Mahal và những thành cổ lâu đài, hàng ngàn điểm tham quan nổi tiếng như các đền thờ Hồi giáo, Hindu giáo và Phật giáo, du lịch Ấn Độ là một lựa chọn hấp dẫn với nhiều người. Vì vậy du lịch luôn một ngành kinh tế quan trọng hàng đầu của quốc gia 1,4 tỷ dân này. Tại các nơi tôi đến luôn nườm nượp du khách. Lượng du khách dến với các di tích – đồng thời cũng là các công trình tôn giáo – tín ngưỡng rất đông.

Quan sát và tìm hiểu, tôi được biệt phần lớn du khách thuộc nhiều tín ngưỡng tôn giáo, người nước ngoài còn chiếm một tỷ lệ rất khiêm tốn so với du khách trong nước, do chưa phải mùa hè hay kỳ nghỉ Giáng sinh- năm mới. Mở cửa sau đại dịch, các công ty du lịch Ấn Độ đã năng động tìm nguồn khách, ưu tiên khuyến khích tìm nguồn khách nội địa, trong khi chính quyền có các chính sách để mở rộng và tạo điều kiện cho người dân tham gia lĩnh vực du lịch.

Đặc biệt có khá nhiều đoàn du khách hành hương đến những ngôi chùa Phật giáo nổi tiếng, ở đó họ được trải nghiệm những ngày tĩnh tâm, chay tịnh thật sự, để tìm lại sự an nhiên trong tâm hồn, có thêm nguồn năng lượng vui sống. Đây là một sản phẩm đặc trưng ngày càng thu hút nhiều du khách nước ngoài dến Ấn Độ, bởi yếu tố tâm linh truyền thống được bảo tồn nghiêm cẩn, không bị cơn bão thị trường làm biến dạng.

Tôi quan sát vẫn có thể nhận thấy sự phân chia đẳng cấp theo truyền thống hay phân hóa xã hội của thời hiện đại, có thể nhận thấy rõ sự chênh lệch lớn giữa những khu thượng lưu và “xóm nhà lá”, giữa thành phố và nông thôn... Nhưng việc tôn trọng và bảo vệ di sản văn hóa bất kể đó là của cộng đồng nào, tôn giáo nào, cùng với sự đầu tư đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách...  đã làm cho ngành du lịch phát triển. Bảo tồn di sản văn hóa đã trở thành quốc sách của Ấn Độ, góp phần vào kinh tế di sản và nhất là duy trì những đức tin hướng thiện cho con người hiện nay.

Tôi cho rằng đây là bài học rất đáng suy nghĩ với du lịch nhiều quốc gia sau dịch, trong đó có du lịch Việt Nam. Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) vừa cho hay thống kê năm 2022 Việt Nam chỉ đón được khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế (chỉ tiêu là đón được 5 triệu lượt khách để tạo nguồn thu khoảng 4,5 tỉ USD), đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số phục hồi du lịch châu Á sau dịch. Thủ tục thông thoáng và sự tiện lợi cho du khách là vấn đề quan trọng, song với du lịch, vấn đề then chốt vẫn là cái hay, cái đẹp, cái độc đáo để thu hút du khách.

 Việt Nam không thiếu di sản, song khai thác nét đẹp và độc đáo của di sản là vấn đề quyết định để du khách lựa chọn hay không.












CHỢ NỔI… LÊNH ĐÊNH

 Nguyễn Thị Hậu

 1.

Hiện nay ở đồng bằng sông Cửu Long, hay miền Tây Nam bộ như cách gọi thông thường, đã xuất hiện xu hướng tìm về nguồn tài nguyên bản địa để phát triển kinh tế, công nghệ, văn hóa, du lịch… hướng đến “phát triển bền vững” toàn vùng.

Một trong những loại hình kinh tế - văn hóa độc đáo, hấp dẫn mang giá trị cao của “tài nguyên bản địa” vùng sông nước Nam bộ là chợ nổi. Xuất hiện tại những tuyến giao thông đường thủy chính, một số chợ nổi được nhiều người biết đến là chợ Cái Bè (Tiền Giang), Cái Răng, Phong Điền (Cần Thơ), Ngã Bảy Phụng Hiệp (Hậu Giang), Trà Ôn (Vĩnh Long), Ngã Năm (Sóc Trăng), Long Xuyên, Châu Đốc (An Giang), Cà Mau, Năm Căn (Cà Mau), Vĩnh Thuận (Kiên Giang)… Tuy nhiên, nhiều chợ nổi đang có nguy cơ “chìm” mặc dù kết hợp chức năng kinh tế với du lịch, nhưng cả hai chức năng này ngày càng không đáp ứng được yêu cầu.

Để chợ nổi có thể duy trì được sức hấp dẫn về văn hóa và giữ được vai trò kinh tế, cần thiết nhìn nhận được những đặc điểm – tức là các giá trị “bản địa” của nó.

Chợ nổi hình thành và phát triển ở vùng sông nước miền Tây Nam bộ.  Đây là đồng bằng thấp trũng sông rạch dày đặc đan xen chằng chịt. Cùng với đómột mạng lưới kênh đào phát triển mạnh từ thời Nguyễn. Sông rạch hay kênh đào chức năng đưa nước ngọt, phù sa về đồng bằng, thoát nước vào mùa nước nổi, là đường giao thông thuận tiện và rộng khắp, nguồn thức ăn tôm cá cua ốc… quanh năm. Chợ nổi gắn liền sự phát triển giao thông đường thủy ở Nam Bộ, nhất là ghe thương hồ buôn bán với phương thức “mua tận gốc bán tận ngọn”, có khi trao đổi hai chiều mang hàng tiêu dùng đổi/bán rồi mua nông sản. Tính “chuyên nghiệp” của chợ nổi thông qua “sự phân công lao động hợp lý”, nhằm chia sẻ lợi nhuận trên nguồn vốn bỏ ra nhưng vẫn có sự tương trợ giúp đỡ lẫn nhau khi rủi ro, giữa người sản xuất và người lưu thông hàng hóa.

Do ảnh hưởng chế độ “bán nhật triều không đều” (cả về thời gian và lưu lượng) của vùng biển Tây Nam bộ nên hệ thống sông sông kênh rạch ở đây ngày hai lần nước lớn nước ròng. Tùy từng nơi mà chợ nổi hình thành ở vị trí khác nhau nhưng phần lớn tại các vàm sông (nơi có các dòng chảy gặp nhau tạo ra ngã ba, ngã tư… ngã bảy). Vàm sông có địa hình rộng rãi và tỏa đi nhiều hướng, là nơi “giáp nước, nước đứng” khi nước ròng nước lớn ngược chiều gặp nhau, tùy theo ngày âm lịch mà giờ giấc khác nhau chút ít. Do phương tiện xuồng bơi ghe chèo nên đi thuận con nước để ít tốn công sức mà lại nhanh. Trong khoảng thời gian “nước đứng” ngắn ngủi ấy ghe xuồng neo đậu nghỉ ngơi nấu ăn, sửa chữa ghe xuồng, lên xuống hàng hóa, giao tiếp với bạn hàng, chờ con nước thuận mà tiếp tục ngược xuôi. Từ đó hình thành các chợ nổi xưa. Tại đây, trên bờ cũng hình thành các bến chợ, điểm tụ cư làm “dịch vụ” như bán thức ăn, đồ dùng thiết yếu, cơ sở sửa chữa ghe tàu, các dịch vụ khác… dần dần trở thành các thị tứ. Nhà lồng chợ được xây dựng và trở thành trung tâm thị tứ.

2.

Một điều bất ngờ và thú vị là trong cuốn hồi ký Xứ Đông Dương thuộc Pháp của Paul Doumer, toàn quyền Đông dương (1897 – 1902) đã nói đến vai trò của chợ nhà lồng trong các làng ở Nam kỳ vào cuối thế kỷ XIX. Trong đó Paul Doumer xác nhận rằng ở Nam kỳ chưa có khu chợ nào có mái che trước khi người Pháp đến, ngày xưa chợ họp ngay trong làng hoặc trên mảnh đất rìa làng; sau đó những người bán hàng ở chợ đã được ngồi bên dưới một công trình có mái che như ở Pháp nhưng bốn phía thông thống để gió vào, rất thích hợp với khí hậu ở Nam kỳ. Theo Paul Doumer, một trong những cơ sở quan trọng nhất của một làng ở Nam kỳ hiện đại là cái chợ, và làng nào cũng tự hào về chợ làng mình chẳng khác gì tự hào về đình làng vậy. Tuy nhiên lợi ích quan trọng nhất của chợ là làng thu được từ chợ một khoản thuế lớn để làm công quỹ.

Như vậy, chợ nhà lồng ra đời không chỉ là sự thay đổi về hình thức của “chợ quê” mà còn là sự thay đổi một cách thức buôn bán: trong số những người đến chợ mua bán theo kiểu tự cung tự cấp có những người trở thành “chuyên nghiệp” vì buôn bán thường xuyên và cố định trong nhà lồng, họ có nghĩa vụ đóng thuế - chính thức hóa nghề nghiệp. Và nguồn thu từ thuế chợ trở thành một nguồn kinh phí cho hoạt động công ích của làng xã.

Hiện nay rất đáng tiếc là nhiều nơi ở Nam bộ đã phá chợ nhà lồng mà xây nên những “trung tâm thương mại” hoành tráng mà vô hồn, chỉ còn lại một số  ít ngôi chợ nhà lồng cổ xưa. Bên cạnh việc bảo tồn “chợ nổi” trên sông nước như một nét độc đáo của văn hóa và du lịch miền Tây, chợ nhà lồng cũng cần được bảo tồn và duy trì hoạt động vì đã lưu giữ nét “văn hóa thương nghiệp” độc đáo của các thị tứ Nam bộ. Với giá trị lịch sử như vậy chợ nhà lồng hoàn toàn xứng đáng được coi là di sản văn hóa của Nam bộ, cả ngôi nhà lồng và những sinh hoạt chợ truyền thống ở đó.

Những lần có dịp đi Pháp làm việc hay du lịch, tôi thường bắt gặp trong nhiều làng cổ ở Pháp ngôi chợ “nhà lồng” cũng ở trung tâm của làng hay khu vực dân cư tập trung đông. Làng nào cũng có hai công trình công cộng là nhà thờ và chợ, nhưng chợ thì không xây dựng trước nhà thờ hoặc gần các công trình tôn giáo. Tại Pháp công tác bảo tồn những công trình cổ rất tốt, không chỉ gìn giữ lại phần vật chất, thực thể của công trình mà còn duy trì, nuôi sống được cái hồn của mỗi công trình cổ. Những ngôi chợ cổ ở Pháp hiện nay chủ yếu hoạt động trong các ngày lễ hội, cuối tuần và phục vụ trong những thời gian đông du khách như mùa hè. Xưa đây là nơi nhộn nhịp và sinh động nhất trong cuộc sống của người dân tại làng quê Pháp thì nay là nơi họ có thể trưng bày, giới thiệu và bán những sản phẩm thủ công mỹ nghệ hay ẩm thực độc đáo – niềm tự hào của làng quê. Chợ hoạt động phục vụ nhu cầu của dân bản địa và khách du lịch. Loại hình chợ này rất thuận tiện cho mọi người có nhu cầu tham quan, mua sắm thoải mái.

3.

Chợ nổi hay chợ truyền thống ra đời “tự phát” nhưng để hình thành một hiện tượng kinh tế - văn hóa đặc trưng của miền Tây Nam bộ thì đã có sự kết hợp địa lý tự nhiên và tính thích nghi của cộng đồng bản địa. Đó là những yếu tố làm cho chợ nổi và chợ truyền thống ở nơi thị tứ hay ở làng quê đã tồn tại lâu dài.

Hiện nay những điều kiện tự nhiên, kinh tế và xã hội đã khác xưa, văn hóa, lối sống của cộng đồng dân cư có nhiều biến động. Vì vậy, duy trì hoạt động của chợ nổi nói riêng và chợ truyền thống nói chung khó khăn, nếu thêm chức năng “du lịch” càng khó hơn nếu không tạo ra những yếu tố mới, hoạt động mới. Chợ truyền thống muốn trở thành một sản phẩm độc đáo trong chuỗi sản phẩm của “du lịch văn hóa sông nước” không thể chỉ dựa vào, ăn theo “vốn xã hội cũ” mà cần tạo ra “vốn xã hội mới” để hình thành những giá trị mới.

Một đúc kết từ thực tiễn mà hiện nay đã trở thành phương châm của các nhà sản xuất: khách hàng tiếp nhận sản phẩm là tiếp nhận các yếu tố: sự trải nghiệm về tính độc đáo của sản phẩm, giải pháp sử dụng sản phẩm và hành vi tiêu dùng sản phẩm. Theo đó, sản phẩm du lịch chợ nổi/chợ truyền thống cần đáp ứng nhu cầu mua bán sản phẩm đặc trưng của địa phương là nông sản, ẩm thực với cách thức phù hợp; tạo ra và đáp ứng nhu cầu trải nghiệm được “mua bán” ở chợ truyền thống dù chỉ trong một khoảng thời gian không dài.

 Giống như trong bảo tàng có không gian “khám phá” dành cho du khách tự mình tham gia vào một sự kiện lịch sử giả định, chợ truyền thống cũng cần tổ chức cho du khách được một lần trải nghiệm với vai trò người bán người mua trong không gian văn hóa địa phương, giữa một cộng đồng có lối ứng xử giản dị, chân thành, niềm nở với du khách sẽ tạo ra ấn tượng tốt đẹp. Tất cả hoạt động trên đều cần sự hợp tác và tham gia của cư dân địa phương, tức là tạo cho cộng đồng một sinh kế mới từ “nguồn vốn văn hóa bản địa”.

Khi hoạt động du lịch coi trọng giá trị tài nguyên bản địa của văn hóa truyền thống, coi trọng vai trò của cộng đồng chủ thể văn hóa ấy, thì du lịch mới có thể góp phần tích cực bảo tồn di sản văn hóa, để từ đó có thể khai thác và phát triển văn hóa truyền thống bằng những sản phẩm mới, với một sức sống mới.

TC Du li5ch TPHCM 12.2022




KÝ ỨC THỜI SƠ TÁN

 (Những ngày này 50 năm trước. Ngày 18.12.1972 bắt đầu chiến dịch B52 của Mỹ đánh phá Hà Nội và nhiều thành phố khác trong 12 ngày đêm)

Nguyễn Thị Hậu

Năm 1972. Từ mùa hè ở Hà Nội một số cơ quan và nhiều gia đình đã lục tục sơ tán về nông thôn. Đến tháng 10 và nhất là mấy ngày đầu tháng 12 thì có lệnh sơ tán khẩn cấp. Trên các nẻo đường từng dòng người đi bộ, đạp xe ùn ùn kéo đi, tàu xe chen chúc

Đoàn kịch nói Nam bộ - lúc này ba tôi làm Trưởng đoàn - sơ tán về Lạc Đạo, một xã ở ven đường quốc lộ số 5, gần ga Như Quỳnh trên con đường huyết mạch Hà Nội – Hải Phòng. Lãnh đạo đoàn đã đưa gia đình của diễn viên, nhân viên về đây từ hè để kịp cho các con vào năm học mới. Cmỗi cuối tuần tôi lại đạp xe về Hà Nội để mang gạo mì mắm mỡ lên nơi sơ tán. Chiều chủ nhật ba má đưa tôi đi, đến cầu phao Chương Dương ba dẫn xe đạp cho tôi qua cầu, má đứng lại đầu cầu nhìn theo với đôi mắt đỏ hoe… Tôi đạp xe đi, có khi một mình, có khi cùng với hai anh em Minh Yến, là con của nghệ sĩ Tường Vân. Mỗi đứa một xe đằng sau có hai cái túi làm bằng lốp xe đạp, trong đó có thức ăn cho một tuần mười ngày, có mấy cái bánh mì hay gói bánh ngọt má tôi gửi biếu nhà bác chủ nhà nơi sơ tán, khi là gói đường hay ít mì chính (bột ngọt) gửi bác gái, khi là mấy mét vải màn gửi cho các con gái bác chủ nhà

Đường 5 chạy song song với đường xe lửa Hà Nội – Hải Phòng, ban ngày vắng xe ô tô qua lại, chỉ có người đi xe đạp, lỡ có máy bay thì lao ngay vào vệ đường hay gốc cây, vứt xe đấy mà nhảy xuống hào giao thông. Thỉnh thoảng có chuyến tàu vội vàng trên đường ray, nhưng khi có máy bay thì cũng ngừng lại, người trên tàu túa xuống tìm nơi ẩn nấp. Khi máy bay đi rồi, tàu hú vài tiếng lại tiếp tục lăn bánh. Đi qua Trâu Quỳ - nơi có bệnh viện tâm thần – vẫn thấy thấp thoáng sau bức tường sơn loang lổ màu phòng không là những bệnh nhân đi lại, nhảy nhót, có khi trồng cây, quét sân, có khi là một đám đánh nhau… Nhưng lạ, hễ nghe tiếng loa của bệnh viện, bất cứ nói gì, là bệnh nhân ngoan ngoãn ngay lập tức.

***

Khoảng tháng 10.1972 thì tất cả diễn viên của đoàn kịch cũng đi sơ tán. Tại Lạc Đạo đoàn bắt đầu dựng vở kịch “Hòn đảo thần vệ nữ”, kịch bản của Hy Lạp do đạo diễn Vũ Đình Phòng dàn dựng. Tôi còn nhớ, vở kịch nói về cuộc chiến tranh du kích của nhân dân đảo Sip chống lại quân xâm lược Anh hồi cuối thế kỷ 19. Nội dung rất gần gũi với cuộc chiến tranh ở Việt Nam, nhiều tình tiết bất ngờ và hấp dẫn. Lại có dàn diễn viên “gạo cội” như các nghệ sĩ Can Trường, Tú Lệ, Văn Thành, Hữu Hạnh… sắm vai, vì vậy vở kịch này đã trở thành một “hiện tượng” trong đời sống nghệ thuật lúc đó ở Hà Nội và cả miền Bắc, trong suốt các năm sau đó.

            Hàng ngày các diễn viên tập trung lại để “thoại lời”, “vỡ hoang” vở kịch (ngồi đọc đối thoại kịch, phân tích lời kịch, tâm lý và tình huống kịch, trước khi tập trên sàn diễn). Bọn trẻ con em diễn viên thì ngay từ những ngày tập đầu tiên đã thuộc câu thoại nổi tiếng “hết ngày dài lại đêm thâu, chúng tôi đi trên đất Phi châu” của một nhân vật trong vở kịch do nghệ sĩ Can Trường thủ vai.

Thời gian này má tôi không đi sơ tán, ngân hàng nơi bà làm việc vẫn ở Hà Nội; chị Ba tôi đã đi học nước ngoài từ cuối năm 1969, còn anh Hai đi bộ đội vào chiến trường B từ năm 1968. Năm 1971 ba tôi cũng đưa đoàn kịch đi Trường Sơn gần nửa năm, tưởng đã đi thẳng vào đến B2 (Nam bộ) nhưng rồi lại phải quay ra. Ba tôi buồn lắm, nhiều lần đi B mà không lần nào về được quê hương…

Giữa tháng 12, trong lúc Hà Nội gần như trong tình trạng “thiết quân luật” thì đoàn kịch nói Nam bộ lại về Hà Nội để diễn tập giai đoạn cuối vở “Hòn đảo thần vệ nữ”. Đúng vào đêm 18/12 là đêm tổng duyệt ở Nhà hát lớn, mới mở màn được khoảng 30 phút thì còi báo động, rồi tiếng bom rền, tiếng súng cao xạ, tiếng rít dài của tên lửa phóng lên bầu trời… Buổi tổng duyệt phải hoãn lại và cả đoàn đi ngay về nơi sơ tán. Ba tôi quả quyết: Mỹ đã đưa B52 ném bom Hà Nội! Kinh nghiệm đi chiến trường nhiều lần đã cho ông biết điều này trước khi có thông báo từ Đài phát thanh.

Những ngày sau đó tối nào cha con tôi cũng đứng ở cánh đồng nhìn về Hà Nội, nơi có quầng sáng mờ mờ và tiếng bom rền, nơi những loạt đạn đỏ lừ vọt tên trời cao, và thỉnh thoảng một chiếc tên lửa rít lên lao vào không trung… Để rồi sáng hôm sau chăm chú nghe đài Tiếng nói Việt Nam thông báo khu nào, phố nào bị bom, thương vong hy sinh bao nhiêu, và bao nhiêu B52 bị bắn rơi…

***

Ở Lạc Đạo cha con tôi sống cùng gia đình bác Mai, bác cũng là cán bộ xã, hai bác có bốn cô con gái, chị lớn đã lấy chồng có con, ở nhà còn 3 chị em trong đó có cái Chỉ bằng tuổi tôi, hai đứa học cùng lớp 6 ở trường cấp II của xã. Trong trường có một số thầy cô và nhiều bạn bè cũng từ Hà Nội sơ tán về, vậy sơ tán lần này không làm cho tôi bỡ ngỡ như những lần trước khi tôi còn quá nhỏ. Và cũng vì “lớn rồi” nên việc học hành phải tự lo, lại còn phải biết nấu cơm cho ba, thỉnh thoảng làm vài món nhậu cho ba và các chú nữa.

Khi sơ tán về Lạc Đạo tôi bước vào tuổi thiếu nữ, bắt đầu biết để ý vẻ ngoài, biết chăm chút đến mái tóc, bộ quần áo. Tóc tôi dài quá gấu áo và rất dày, thường tết thành hai bím tóc, đằng trước những sợi tóc quăn tự nhiên cứ xòa xuống má. Mấy cô ở đoàn kịch cứ ghẹo tôi là “Mai Liên” – tức là Miên lai vì nước da ngăm đen mái tóc quăn.

Chiến tranh nên quần áo đều nhuộm xanh hoặc nâu, đen. Con gái thường mặc áo cổ lá sen với quần đen, thường là quần “phíp” (gần giống như vải lanh) hoặc quần vải. Tôi có một cái quần lụa đen đã ngả màu, từ má tôi rồi đến chị gái rồi mới đến lượt tôi mặc nên nay rách mai sờn… Trong ba lô mang đi sơ tán tôi có 4 cái áo và 3 cái quần, thật là một gia tài lớn! Đi học cùng lớp với con gái út của bác chủ nhà nên tôi thích mặc cái áo màu nâu giống cái Chỉ. Đến lớp nếu không nói ra thì thầy cô không biết tôi người Hà Nội vì các bạn gái Hà Nội vẫn mặc áo hoa áo màu…

 Ngoài giờ đi học tôi cùng các chị trong nhà đi gánh phân, làm đất trồng rau, đi bón kali cho ruộng khoai tây, rồi thu hoạch rau vụ đông… Nhà bác chủ làm gì thì tôi làm việc ấy, lúc đầu vụng về rồi sau cũng quen tay. Ba tôi không nói gì nhưng tỏ ý bằng lòng. Còn má thì luôn nhắc “con gái ở nhà người ta phải ý tứ”. những ngày “đau bụng”, tối mịt tôi cầm đèn dầu một mình đi ra con mương cuối làng giặt giũ, (vì đàn bà con gái không được giặt “đồ bẩn” ở giếng nhà, phơi phóng cũng phải che chắn cho khuất mắt). Một lần đèn hết dầu mà tôi không để ý, ra tới mương đèn tắt, tôi đành mò mẫm giặt rồi mò mẫm đi về. Đến cổng thấy ba tôi như đang đứng chờ, trong ánh đèn từ nhà hắt ra cặp mắt kiếng của ba hình như loáng ướt…
***

Một phiên chợ bác gái chủ nhà đi bán gánh khoai tây, lúc về mua một con chó con rất xinh. Được hai, ba ngày con chó uể oải bỏ ăn, bác gái đút cơm cho nó bị nó cắn xước một chút ở tay. Ai dè khoảng một tuần sau bác gái lên cơn dại. Lúc đầu bác nóng sốt cao, rồi sợ gió sợ ánh sáng, bác nằm trong buồng tối và bắt cả nhà che chắn hết các khe cửa… rồi chiều tối thì bắt đầu tru lên từng hồi. Đến lúc này mọi người mới biết bác bị lên cơn dại, hùa nhau đi tìm đập chết con chó con. Tôi nhớ mãi cảnh con chó nằm bẹp dưới cối xay lúa, xung quanh cơm vãi kiến bu đầy, khi bị lôi ra con chó đã yếu lắm rồi, vậy mà nó biết, nó chảy nước mắt…

Hôm đó là thứ bảy, tình cờ chiều tối má tôi lên thăm, gặp lúc bác gái ốm má tôi là người duy nhất vào buồng xoa bóp cho bác gái khi bác tỉnh lại. Bị bệnh dại lạ lắm, khi lên cơn thì tru tréo không ai dám đến gần, nhưng qua cơn rồi thì người rất đau nhức nhưng tnh táo. Mỗi lần má tôi vào xoa bóp là bác gái lại dặn dò cẩn thận: ai nợ bác cái gì, nhà còn nợ ai bao nhiêu, bác để dành cho các con gái những gì, chuẩn bị đám cưới chị thứ hai thế nào… Cứ thế, vật vã đến trưa hôm sau thì bác gái mất. Má tôi thay cho bác bộ quần đen và chiếc áo bà ba màu xanh mới tinh mà tôi cẩn thận mang đi sơ tán cất để dành cho má. Bác trai nức lên “cả đời bà bây giờ mới được mặc quần áo mới, bà ơi…”.

Đó là một cú sốc rất lớn với tôi, sau cú sốc hồi học lớp Hai một đứa bạn thân của tôi bị chết vì bom Mỹ. Từ đó, tất cả mọi thứ với tôi đều nhạt nhòa, hình như không còn gì đáng nhớ.

Sau đợt B52 của Mỹ ném bom Hà Nội, Hải Phòng vào cuối tháng 12/1972, đầu tháng 1/1973 Đoàn kịch lại về Hà Nội nhưng tất cả gia đình con cái vẫn ở Lạc Đạo, cho đến sau ngày ký kết Hiệp định Paris mới trở về Hà Nội kịp đón cái “Tết hòa bình”.

***

Năm 1975 cả nhà tôi về Sài Gòn. Khoảng năm 1978 ba tôi cùng Đoàn kịch nói Nam bộ ra Bắc biểu diễn “đền ơn đáp nghĩa” ở những nơi đoàn từng sơ tán. Về Lạc Đạo ba tôi gặp lại bác trai, nhưng bác đã yếu nhiều. Lúc này Lạc Đạo nổi tiếng vì một “đặc sản” lâu đời mà lúc trước luôn phải giấu giếm: rượu cuốc lủi.

Bây giờ Lạc Đạo còn là nơi làm cơm nắm muối vừng mang bán khắp Hà Nội. Cứ ra Hà Nội là tôi luôn tìm mua cơm nắm của các chị gánh bán rong, lần nào tôi cũng nghĩ, biết đâu sẽ gặp lại bạn tôi,  cái Chỉ…


Hình ba má tôi và tôi, năm 1972.






 

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...