Ước mơ của một người thương sông rạch TP.HCM

 Gắn bó và có nhiều năm nghiên cứu về đặc trưng văn hóa đô thị Sài Gòn – TP. HCM, trong đó có hệ thống sông rạch, hơn ai hết, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử TP.HCM hiểu hệ thống sông rạch TP đến “chân tơ kẽ tóc”. Sông rạch không chỉ là đặc điểm địa lý mà theo bà Hậu nó còn là di sản đô thị.

Tuổi Trẻ có buổi trò chuyện với Tiến sĩ Hậu về các vấn đề xoay quanh khai thác, cải tạo, bảo vệ sông rạch TP.

-       Gắn bó và nghiên cứu nhiều năm về sông rạch TP. Cũng đích thân bà tham gia nhiều chuyến du khảo thời gian qua, bà đánh giá gì về sông rạch TP trước đây và hiện tại?

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu: Ở góc độ nghề nghiệp, tôi quan tâm đến sông rạch TP là một trong những di sản tự nhiên. Nó là yếu tố cảnh quan làm nên đặc trưng của TP mình giống đặc trưng của nhiều đô thị Nam Bộ. Nói đến TP.HCM mà không nói hoặc không quan tâm đến hệ thống sông rạch thì sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề văn hoá, xã hội.

Ở góc nhìn đơn giản nhất, hệ thống sông rạch là yếu tố tự nhiên gắn bó lâu đời với cuộc sống người dân. Nếu trước đây giao thông đường bộ chưa phát triển thì sông rạch là con đường giao thông quan trọng nhất. Các thương cảng, giang cảng ở TP.HCM đã minh chứng cho điều này. Sông rạch không chỉ phục vụ cho việc đi lại bình thường mà còn là tuyến đường buôn bán, thông thương.

Thứ hai, đời sống người dân Nam Bộ thường gắn liền với sông nước nên thường cư trú dọc theo các con sông rạch.

Tuy nhiên mức độ phát triển của Sài Gòn từ sau năm 1954 đến 1975 quá nhanh, dân cư nhập về quá lớn đã nảy sinh ra tình trạng sinh sống, cư trú trên kênh rạch với mức độ dày đặc. Điều này đã khiến nhiều con sông rạch bị bức tử bởi ô nhiễm.

Khoảng 10- 20 năm gần đây, TP đã bắt tay vào giải toả nhà ven sông rạch, cải tạo những hệ thống sông rạch lớn như  Bến Nghé, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò GốmĐộng thái này này đảm bảo cho người dân môi trường sống tốt hơn và cải thiện vệ sinh môi trường nước của TP.

-       Theo bà thì đâu mới là yếu tố để sông rạch TP được tồn tại bền vững? Chúng ta có thể khôi phục lại hệ thống sông rạchnhư trước đây để chia lửa cho giao thông đường bộ được hay không?

Phát triển bền vững ở vùng đất Nam Bộ này là phải hiểu và sống theo điều kiện tự nhiên. Làm sao để điều kiện tự nhiên phục vụ cho con người tốt hơn chứ không phải hạn chế hay ngặn chặn những yếu tố tự nhiên.

Hệ thống kênh rạch TP trước đây chằng chịt hơn nhiều, sự phát triển của đô thị từ đầu thế kỷ 20 đã khiến nhiều sông rạch bị lấp đi. Ngay như khu vực quận 1, đường Nguyễn Huệ hay Hàm Nghi chẳng hạn, trước đây cũng là rạch nhưng đã bị lấp. Bây giờ chúng ta đã hiểu tác động không tốt của việc lấp kênh rạch thì phải dừng chuyện đó lại, thậm chí rạch nào lỡ lấp rồi mà có thể khơi thông lại và cần thiết thì nên khơi thông.

Về việc sử dụng giao thông đường thuỷ chia lửa bớt cho đường bộ, nhiều nước đã thực hiện điều đấy. Thói quen đi trên đường bộ mới hình thành trên dưới trăm năm, còn trước đó chúng ta vẫn sử dụng giao thông đường thuỷ.

Nhưng có 2 điều tôi muốn lưu ý. Thứ nhất phát triển giao thông đường thủy đầu tiên là để tạo thuận lợi về đi lại và sinh hoạt cho cư dân tại chỗ trước rồi mới đến phục vụ du lịch. Du lịch phát triển rất cần, nhưng tất cả những gì cải tạo TP này phải hướng đến cộng đồng người dân sống ở đây và những người sẽ làm việc trở thành cư dân của TP. Người dân phải được sử dụng đường thủy để đi lại, đi làm, đi chơi như họ sử dụng đường bộ chứ không phải cải tạo sông rạch chỉ để cho khách du lịch.

Thứ hai là giữ vệ sinh cho kênh rạch và nâng cao ý thức người dân. Sông rạch ở TP thường chảy qua những khu dân cư rất lớn. Đã có những đoạn được ngăn cách bằng đường ven sông nhưng phần nhiều nhà cửa vẫn còn sát sông rạch. Cần làm sao nâng cao ý thức người dân, cùng với những điều kiện kỹ thuật khác để đảm bảo vệ sinh môi trường đối với khu vực nhà ven sông, rạch.

Nếu không đáp ứng được 2 yếu tố trên thì sự phát triển về giao thông, môi trường, du lịch đường thủy còn khó khăn.

-       Vậy bà có mơ ước gì về sông rạch TP trong thời gian tới?

Mong ước của tôi trong 10 năm tới về sông rạch TP là chỉ mong nó đẹp và sạch hơn. Đẹp hơn về cảnh quan, đẹp hơn trong suy nghĩ của người đến TP và trong ký ức của người dân đô thị. Theo tôi, đẹp không nhất thiết là công trình hiện đại hay cái gì trang trí quá tốn kém, chỉ cần hai bên bờ kênh rạch là cây xanh, thảm cỏ. Nếu được, mỗi tuyến sông rạch nên trồng một loại cây đặc trưng tạo điểm nhấn về cảnh quan.

Để phong phú, đa dạng và cũng tận dụng “nguồn vốn” từ cảnh quan thì tổ chức thêm dịch vụ nhỏ ven bờ sông, rạch như những quán cà phê, quán sách báo… tất nhiên là phải đảm bảo môi trường.

Sạch là về chất lượng nước. Nước là yếu tố quan trọng nhất của vấn đề kênh rạch, trước tiên muốn kênh rạch thay đổi thì phải xử lý được nước thải. Hệ thống cống xử lý nước thải ra kênh rạch là điều cần thiết và phải đồng bộ vì kênh rạch thông nhau, không thể chỉ xử lý khu vực này mà không làm khu vực khác.

Một lần nữa tôi muốn nhấn mạnh giải quyết các vấn về sông rạch cần hướng đến đời sống người dân TP trước. Bảo vệ sông rạch là phải từ người dân, họ cảm thấy dòng sông, kênh rạch này của mình, môi trường sạch sẽ có lợi cho mình thì sẽ ý thức và hành động cụ thể bảo vệ nó.

BOX 1: TP đầu tư mạnh cải tạo kênh rạch

Chưa thời kì nào TP.HCM tập trung đầu tư mạnh vào cải tạo môi trường kênh rạch như giai đoạn 2021-2025. Với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 19.280 tỉ đồng, nhiều con kênh hứa hẹn sẽ được trong xanh trở lại.

Ngoài ra từ nay đến năm 2025, TP.HCM còn lên kế hoạch triển khai 53 dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch với hơn 20.300 căn nhà được di dời. Sở Xây dựng TP.HCM mới đây đã đưa ra chương trình kế hoạch chỉnh trang, phát triển đô thị giai đoạn 2021-2025, trong đó có việc di dời và tổ chức lại cuộc sống cho người dân sống trên và ven kênh rạch trên địa bàn TP.

BOX 2: Bảo vệ môi trường kênh rạch là nhiệm vụ hàng đầu

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM qua hơn 3 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước” đã thực hiện được nhiều giải pháp, mô hình thiết thực trong công tác bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân.

Vừa qua TP vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch, xanh và thân thiện môi trường” giai đoạn năm 2022-2025 với nhiều nhiệm vụ. Trong đó nhiệm vụ bảo vệ hệ thống kênh rạch được TP đặt lên hàng đầu.

LÊ PHAN thực hiện

https://tuoitre.vn/chi-mong-kenh-rach-tphcm-sach-dep-hon-20221229232032655.htm



 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DI SẢN LỊCH SỬ - VĂN HÓA CÁC ĐÔ THỊ NAM BỘ NHÌN TỪ GIA ĐỊNH THÀNH THÔNG CHÍ CỦA TRỊNH HOÀI ĐỨC

Vài nét về công trình Gia Định thành thông chí Gia Định thành thông chí ( 嘉定城通志 ) còn có tên Gia Định thông chí ( 嘉定通志 ), là một quyển địa...