Linh tinh lang tang (158) Ngày cuối năm.



Ngày cuối năm, nhìn lại timeline FB, thấy mình đi nhiều, làm được nhiều việc, mà nói nhảm cũng nhiều khiếp 
Năm nay vẫn không phải bị họp hành cuối năm kiểm điểm bầu bán góp ý tự phê các kiểu. Xin chân thành chia sẻ cảm thông với tất cả những ai còn phải chịu đựng các thể loại thủ tục hình thức rắc rối (và giả dối) này.
Ngày cuối năm, nhìn những tấm hình những nơi đã qua những người đã gặp…Tất cả đã trở thành một phần ký ức… Ký ức dày lên cuộc đời mỏng dần. Nhưng có sao đâu, cái gì mà chả là hữu hạn, nhất là đời người. Khi còn sống mà được sở hữu "vốn ký ức" giàu có thì khác nào đang được sống thêm một cuộc đời khác?
Ngày cuối năm… lang thang trên mạng, bắt gặp đâu đó một câu chuyện buồn, bất giác nhớ câu thơ của mình từ lâu rồi, một lời trách cứ một tiếng thở dài "Rồi cũng thế thôi, như anh đã từng/ bỏ người bây giờ đi tìm người khác… Khi nhận ra trò chơi này độc ác/ trái tim anh có còn chỗ quay về…?"
Ngày cuối năm. Con gái viết “Thế giới này nhỏ bé là thế, quay đầu lại sẽ nhìn thấy nhau. Thế giới này to lớn là thế, quay lưng đi sẽ xa nhau mãi mãi”. Dẫu gì thì thời gian đã qua cũng không bao giờ là vô ích! Hy vọng khi gặp lại chúng ta vẫn có thể uống với nhau một ly, cà phê hay rượu, bia, tùy bạn nhé 
31.12.2017


SÀI GÒN BAO GIỜ CŨNG THẾ


Nguyễn Thị Hậu

Trên một chuyến bay dài từ Paris về TP.HCM tôi đã xem vài cuốn phim về Sài Gòn. Đó là những bộ phim mà báo chí gọi là “phim giải trí” nhưng với tôi nó rất hấp dẫn. Có lẽ nhờ đạo diễn là người trẻ nên phim là câu chuyện đời giản dị, lạc quan, các nhân vật chính thì hiền hậu và diễn viên từ chuyên nghiệp đến người lần đầu vào vai đều hồn nhiên… Những bộ phim kể lại những gì đúng như tôi biết về mảnh đất và con người Sài Gòn.

Vài năm gần đây nhiều tập tản văn, tùy bút, công trình khảo cứu mới được xuất bản cùng với những quán ăn, quán cà phê, phim ảnh… mà tên gọi có hai chữ “Sài Gòn” đã tạo thành trào lưu “hoài cổ” về nơi một thời là “Hòn ngọc Viễn Đông”. Những gì mà cộng đồng nhắc nhớ thật ra cũng không cổ xưa quá đâu, chỉ là Sài Gòn của gần một thế kỷ trước. Đó là các công trình kiến trúc kiểu Pháp, con đường “cây xanh bóng mát”, bùng binh vòng xoay xe cộ nối nhau chảy qua đêm ngày, gánh hàng rong quán cà phê… qua ký ức của thị dân sống gần cả đời ở đây hay người chỉ mới đến đây vài năm đều thấm đẫm tình yêu với thành phố này.

Không khó để lý giải tâm thức này từ góc nhìn văn hóa – xã hội.
Từ 1975 đến nay đã hơn bốn mươi năm, nếu theo cách tính tuổi của thời @ thì hai thế hệ đã được sinh ra và trưởng thành tại TP. Hồ Chí Minh. Thế hệ “di dân” đầu tiên vào thành phố sau biến cố chính trị lớn nhất của thế kỷ 20 cũng sinh sống ở đây quá nửa đời người. Sài Gòn có lớp cư dân mới thay thế sự thiếu vắng của cư dân cũ đã lần lượt ra đi vì nhiều hoàn cảnh. Từ bấy đến nay thành phố thay đổi nhiều về diện mạo và không ít những di sản văn hóa đã mất đi, nhưng bù lại, ngày càng có nhiều “người Sài Gòn” có nhu cầu tìm hiểu và bảo vệ những vẻ đẹp và giá trị của di sản đô thị nơi họ đang sinh sống.

Sài Gòn với bạn là ai? Là người phụ nữ sang trọng trong tấm áo dài tha thướt hay ông công chức lịch lãm bộ đồ Tây? Là bác xích lô niềm nở, chị hàng rong nhẹ nhàng lời mời chào? Là người quê miền Tây lên hay người vô từ miền Trung miền Bắc? Hay thậm chí, là “giang hồ” nơi bến cảng chợ búa hay kẻ liều lĩnh cướp giựt trên đường phố? Sài Gòn là nơi thu hút và luôn chấp nhận mọi hoàn cảnh, chia sẻ cơ hội cho mọi người, sau tất cả những phức tạp, bất ổn và cả những nguy cơ, sau cuộc sống gấp gáp ồn ào tựa như “vô cảm” của một đô thành lớn, người Sài Gòn vẫn dung dị bên ly cà phê mỗi sáng ly bia mỗi chiều, bình thản bên máy tính hay tờ báo ngồn ngộn thông tin, cần thì vẫn lao ra đường làm ăn, khi bị xe của “trật tự đô thị” làm khó thì “vui vẻ mà chạy” như chị hàng rong, những người mua ổ bánh mì hay ly cà phê vẫn chờ gặp chị để trả tiền và ngày mai họ vẫn ghé mua như thường lệ, mua vì thói quen nhưng cũng để giúp một con người, một gia đình… Sài Gòn có bao nhiêu cuộc đời như vậy.
Sài Gòn là tất cả, một bức tranh đa dạng, sinh động, khó nắm bắt như những lớp sóng của dòng Cửu Long cuồn cuộn từ thượng nguồn đổ về mùa nước lớn, để rồi lớp phù sa màu mỡ từ từ lắng đọng nuôi cánh đồng lúa vàng và vườn cây trái ngọt lành…

Với riêng tôi, Sài Gòn như một người đờn ông từng trải, phong cách hào hoa phong lưu nhưng tâm hồn chân tình và đa cảm, dù cuộc đời lúc sang trọng khi nghèo khó, “lên xuống” bầm giập nhưng không làm mất đi lòng nghĩa hiệp và nhân ái. Từ mọi vùng miền đến đây làm ăn kiếm sống và không ít người được sung túc, nhưng nếu ai đó trong số những người “lỡ dĩ” ở lại đây mà không đủ nghĩa tình để nhận ra Sài Gòn là một phần đời mình, chưa đủ yêu thương để thấy mình là một phần của Sài Gòn, chưa đủ mở lòng để thấy Sài Gòn như một quê hương… thì cũng có sao đâu, Sài Gòn không lấy đó làm điều…

Chỉ khi đã đi xa rồi có người mới nhận ra rằng mình đã gửi lại thành phố một phần trái tim.
Nếu một lần nữa bắt đầu cuộc sống và được lựa chọn nơi mình muốn sống, tôi vẫn chọn Sài Gòn. Vì bạn biết không, chẳng bao giờ là muộn để ta có thể nói với thành phố này: TẠ ƠN ĐẤT LÀNH!

Lời tựa cho tập tùy bút SÀI GÒN BAO GIỜ CŨNG THẾ, Cty Dân Trí Books và NXH Hội nhà văn, 12/2017

Vụn vặt đời thường (150)

@ Đêm Giáng sinh, những lời chúc an lành cho mọi nhà mọi người còn rộn ràng trên FB thì trên nhiều đài truyền hình và báo online đã đưa tin khẩn về cơn bão số 16 đang dồn dập đổ về. Đây là cơn bão cường độ và tốc độ rất lớn, dự báo còn nguy hiểm hơn siêu bão Linda đổ vào miền tây Nam bộ hơn 10 năm trước. Hiện nay huyện đảo Trường Sa đã bắt đầu chịu ảnh hưởng của cơn bão này. Ngày mai… bão sẽ vào vùng Nam biển Đông và các tỉnh Nam bộ.
Thiên tai nối tiếp nhân tai… đất nước tôi chưa bao giờ bình yên nhưng ngày càng dồn dập những “cơn bão” mà người dân hầu như không còn sức lực để chống đỡ.
Đêm Giáng sinh năm nay bao người thấp thỏm lo lắng cho ngày mai, bao người trân mình chịu đựng gió bão, và bao người đang khẩn trương chuẩn bị ứng phó với những gì hiểm nguy nhất!
Cầu mong thiên nhiên bớt cơn cuồng nộ đổ vào dân tôi! Cầu mong giảm được nhẹ nhất những mất mát thiệt hại về người và của, cầu mong những cảnh tang thương đừng lặp lại…

Một đêm Giáng sinh với rất nhiều lời cầu nguyện... 

Không có văn bản thay thế tự động nào.

SÁCH MỚI SÁCH MỚI ĐÂY


Chờ đợi mãi cuối cùng em cũng đến, đúng dịp Giáng sinh và tết Dương lịch.
Đây là tập tản văn gồm một số bài mình ưng ý nhất về Sài Gòn, lần đầu tựa sách của mình có chữ Sài Gòn - do "nhà sản xuất" đặt vì nằm trong tủ sách KÝ ỨC SÀI GÒN của Dân Trí books
Thật ra mình định đặt tựa sách là "Sài Gòn - em yêu anh" nhưng các em biên tập sợ cả thành phố náo loạn nên chọn cái tựa hiền lành hơn 
Tuần sau sách lên kệ nhé các bạn. Mong vẫn được các bạn chia sẻ tình yêu Sài Gòn <3 span="">

Trong hình ảnh có thể có: 1 người
Lời giới thiệu của Nguyễn Phú Cường dễ thương ghê hôn:
 Đây chắc là cuốn sách thứ mấy mươi của nàng, một thiếu phụ khảo cổ hưu trí. Với ước mong để lại văn tự trong cổ mộ cho hậu bối có cái để trầm trồ tìm kiếm (như nàng đã làm), nàng rất chăm viết và in sách, in tới mức có người em thân thiết giấu tên (nghe đâu là ông Nguyen Ha của nàng đã phải thốt lên: "bà phải thương mấy thằng phu đòn chứ!" 
Đùa tí, dù má Hậu đã in rất nhiều sách, nhưng tập sách mỏng này là tập sách rất đặc biệt về Saigon của má khi lần đầu tiên thằng con toa rập với thư cục gài má đá được chữ Saigon lên bìa. Cuốn sách là kỷ niệm, trăn trở của một người vỏ Bắc ruột Nam về đô thành, di sản và lối sống của miền Nam đang dần bị lợt phai bởi cuộc đô thị hoá ồ ạt, chóng vánh.
Trong cuộc gom góp kỷ niệm đó, thằng con (là Cường) có cơ may được góp tay góp miệng với má, với ông Diệu từ khi sách chỉ mới ở giai đoạn tượng hình.
Chúc mừng và cảm ơn má Hậu về những kỷ niệm đẹp đẽ của đô thành!
P/s: sách mới ở nhà in về hôm qua, 10 bữa nữa mới lên kệ nha các ba các mẹ.


Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người và ngoài trời

Vụn vặt đời thường (149)

Trong hình ảnh có thể có: 2 người, mọi người đang cười, cận cảnh

Tình yêu không bao giờ là muộn nhưng có được hạnh phúc ở tuổi chúng mình thì chẳng dễ chút nào! Mừng bạn tìm được một bờ vai âu yếm một vòng tay ấm áp để những tháng năm tiếp theo luôn có một người bên cạnh :)

Trong hình ảnh có thể có: 6 người, mọi người đang cười, mọi người đang ngồi, đám cưới và trong nhàTrong hình ảnh có thể có: 3 người, mọi người đang cười, mọi người đang ngồi và trong nhàTrong hình ảnh có thể có: 1 người, đang cười




 





SÀI GÒN CÓ MÙA ĐÔNG KHÔNG…


Nhiều năm trước bạn đã hỏi mình như thế.
Lúc ấy mình mới xa Hà Nội. Mùa đông đầu tiên không có gió lạnh thấu xương, không có những cơn mưa phùn như sương giăng khắp phố, không có cái ẩm ướt thấm sâu vào da thịt… Ở Sài Gòn mình viết thư cho bạn mà thư nào cũng “muốn gửi ra anh một chút nắng vàng…”. Bạn nhắn: vắng người, ly cà phê Hà Nội dường như nhạt đi ít nhiều vị đắng ngọt rất riêng của nó…
Nhiều năm trôi qua, nỗi nhớ mùa đông một thời thiếu nữ cứ canh cánh bên mình suốt những mùa mưa nắng Sài Gòn. Để rồi thi thoảng Sài Gòn có ngày gió heo may là ký ức ngày đông Hà Nội lại bùng lên, chỉ muốn bứt hết mọi thứ để trở về… Nhưng bao giờ cũng vậy, mùa đông mình về Hà Nội bỗng ấm hơn. Dường như chốn cũ sợ rằng người phương Nam đã quen với nắng gió mà quên đi cảm giác lạnh buốt ngày đông thơ ấu. Bạn thường đùa vui: Em mang cả nắng ấm Sài Gòn ra theo đấy à? Không, chỉ là một thoáng ngập ngừng của mùa đông thôi bạn ạ. Chút ngập ngừng ấy mang lại bầu trời nhạt nắng, mang lại hơi gió lạnh xào xạc lá trên đường, mang lại cảm giác ấm áp bên ly cà phê phố cổ khi gặp lại người xưa...
Mùa đông Sài Gòn hiện về trong những buổi sáng sương mờ se lạnh tràn trên các con phố dài xao xác gió. Dòng xe cộ trên đường giờ đi làm dường như cũng thong thả hơn, không vội vã cuống quýt chen lấn cáu kỉnh như những ngày nắng nóng. Áo lạnh được dịp khoe trên phố: áo gió các màu, không hiếm những chiếc áo khoác dày có mũ trùm đầu, áo len các kiểu: tay dài tay lửng, kín cổ hở cổ... những chiếc khăn quàng nhẹ nhàng như mây... Những quán cà phê như ấm cúng hơn, người với người cũng như thân quen hơn.
Mùa đông Sài Gòn không chỉ là gió heo may và những màu áo ấm, mùa đông Sài Gòn còn là ly cà phê đen nóng thay cho ly cà phê đá mỗi ngày, một mình trong quán vắng nhạc xưa thay cho quán cóc vỉa hè ồn ào bè bạn… Chợt nhớ, một ngày ở một nơi nào đó, mình đã ngồi bên bạn một buổi sáng se lạnh như thế. Ánh mắt bạn, từng giọt ngọt và đắng…trong ký ức mình buổi sáng mùa đông ấy thật ấm áp...
Mùa đông Sài Gòn cũng là mùa nắng. Nhưng trong cái nắng se se nếu ta hít thật sâu sẽ nhận rõ hơi thở mặn mòi của biển. Sài Gòn là thế, biển không xa nhưng không thật gần, dù không nhìn thấy biển nhưng vẫn cảm nhận được những xung động từng con sóng lúc ẩn lúc hiện, lúc ào ạt lúc dịu êm… Sài Gòn vẫn có mùa đông, mùa đông dịu dàng và đầy sức sống.

Trong hình ảnh có thể có: cốc cà phê, đồ uống và trong nhà

@ Không liên quan :D
Trong khoảng 1 tháng mình có 4 bài vào Top của nguoidothi.net.vn Ko phải vì viết hay mà tại “đất nước mình có nhiều điều ngộ quá” 😀
Bài số 1,4,6,10

Không có văn bản thay thế tự động nào.

THỦY ĐÀI VÀ GẤU


Chương trình thời sự của VTV chiều 10.12.2017 có hai tin chẳng liên quan gì đến nhau nhưng lại làm tôi chú ý. Cùng ngày này, tại thành phố Hồ Chí Minh đã “quyết định tháo đỡ ba thủy đài lớn xây dựng trước năm 1975, từ lâu bỏ hoang không sử dụng”, còn tại Hà Nội thì tổ chức “tuần lễ bảo vệ gấu” tuyên truyền việc không nuôi nhốt gấu trái phép và kêu gọi người dân không sử dụng mật gấu.

Tin thứ nhất là hình ảnh thủy đài trên đường Nguyễn Văn Đậu quận Bình Thạnh đang lắp giàn giáo để tháo đỡ, còn khu vực “thủy đài đôi” duy nhất ở Sài Gòn trên đường Nguyễn Văn Tráng quận Một đã xuất hiện xe xúc xe cẩu, mặt đất ngổn ngang gạch ngói… Ba thủy đài sừng sững bất lực trước những dòng tin lạnh lùng về số phận của mình và vài thủy đài còn lại ở Sài Gòn.

Tin thứ hai là hình ảnh cuộc thi “Chạy vì Gấu” có hơn 800 người tham gia đến từ 43 quốc gia, số tiền gây quỹ từ Giải chạy sẽ hỗ trợ việc đóng cửa những nơi nuôi nhốt gấu lấy mật trái phép …. Trong vài năm qua nhờ sự nỗ lực của những ngành liên quan mà số gấu nuôi nhốt đã giảm đáng kề, từ 4300 xuống chỉ còn 936 cá thể. Người tham gia chạy đủ lứa tuổi, có cả những em bé, người già… tất cả đều vui tươi, họ reo hò khi về đến đích vì họ biết việc làm của họ đã mang lại kết quả.

Không chỉ bảo vệ Gấu mà “chiến dịch” bảo vệ các động vật khác như tê giác, cá sấu… cũng được phát động rầm rộ ở nhiều nơi, hình thức đa dạng, đặc biệt là có một số “người của công chúng” tham gia. Qua đó, ít nhất thông điệp “bảo vệ động vật” đã được nhiều tầng lớp người trong xã hội biết đến, dù phần lớn người dân không có điều kiện để được sử dụng sừng tê, mật gấu hay sản phẩm từ da cá sấu. Nhưng từ thông điệp này cộng đồng sẽ hình thành ý thức và hành vi đối với động vật nói riêng và thiên nhiên nói chung.
Tôi chợt nghĩ, bao giờ thì “phong trào bảo tồn di sản” được tổ chức rộng rãi và có nhiều người tham gia như vậy?

Những thủy đài đến nay còn hiện diện ở Sài Gòn đều được xây dựng trước năm 1975, trong đó thủy đài góc đường Võ Văn Tần - Pasteur có tuổi đời xưa nhất từ cuối thế kỷ 19, là thủy đài duy nhất và là một di tích công nghiệp được công nhận Di tích kiến trúc – nghệ thuật của thành phố vào năm 2016. Công ty Cấp nước thành phố (Sawaco) đã có ý tưởng bảo tồn thủy đài thành một “bảo tàng” và địa điểm du lịch hấp hẫn bởi lịch sử lâu dài và kiến trúc độc đáo của nó.

Ngoài ra còn các thủy đài góc đường Nguyễn Văn Đậu - Lê Quang Định (Q.Bình Thạnh), Phạm Phú Thứ (Q.6), đường 3 Tháng 2 (Q.10), góc đường Lê Đại Hành - 3 Tháng 2 (Q.11), đường Nguyễn Thái Sơn (Q.Gò Vấp), góc đường Nguyễn Tất Thành - Hoàng Diệu (Q.4), đường Hồ Văn Huê (Q.Phú Nhuận) và hai thủy đài cạnh nhau ở đường Nguyễn Văn Tráng quận Một. Hệ thống thủy đài này xây dựng khoảng những năm 1960 - 1970, cùng với Nhà máy nước Thủ Đức đảm nhận chức năng cung cấp nước sạch cho đô thành Sài Gòn thay thế dần nước bơm từ các giếng ngầm.

Những thủy đài khổng lồ hình nấm, cao khoảng 30m, phía dưới xây tường kín hay là những khung cột bê tong cốt thép đỡ bồn nước hình tròn bên trên. Không gian khu vực thủy đài thường rất rộng để đảm bảo an toàn khi thủy đài vận hành. Vị trí của các thủy đài cho biết mật độ dân cư ở đó khá tập trung, nhu cầu nước sạch lớn nên cần có “áp lực” mạnh và khối lượng lớn để cung cấp. Ở vị trí trung tâm thành phố tại đường Nguyễn Văn Tráng lại có “thủy đài đôi” chứng tỏ thời đó mật độ dân cư khu vực này rất cao. Ngày nay “thủy đài đôi” đứng sừng sững giữa khu phố đông đúc sầm uất, giá trị đất xây dựng thủy đài có thể tính bằng “kim cương”, lại bị bỏ hoang phế lâu ngày nên việc tháo dỡ được coi là hợp lý.

Tuy nhiên, chúng ta có thể lên tiếng vì những loài động vật ở nơi xa, bảo vệ gấu khỏi bị hút mật, tê giác khỏi bị cắt sừng, cá sấu khỏi bị lột da… để làm thành sản phẩm phục vụ cho một số ít người thì vì sao, chúng ta không thể lên tiếng bảo vệ “thủy đài đôi” duy nhất của thành phố như một kiến trúc tiêu biểu cho dịch vụ dân sinh của thời kỳ đã qua. Nếu “thủy đài đôi” được bảo tồn chắc chắn sẽ có không ít người – nhất là giới trẻ - đề xuất phương án cải tạo và sử dụng nó vào mục đích văn hóa – kinh doanh – du lịch vừa có hiệu quả cao đồng thời vừa phục vụ cả cộng đồng. Trên thế giới việc tận dụng những địa điểm tương tự để tạo thêm không gian “sáng tạo nghệ thuật” của giới trẻ là mô hình văn hóa cộng đồng phổ biến nhưng ở nước ta hầu như còn vắng bóng. Một không gian văn hóa như vậy nhiều người mơ ước sẽ được thực hiện ở khu vực Ba Son nhưng ước mơ đó đã không thành.

Hai người bạn trẻ, một kiến trúc sư và một là doanh nhân, đều nói với tôi một cách tiếc nuối và có phần bức xúc: Giá mà cùng với thông tin tháo dỡ các thủy đài, cơ quan quản lý có động thái tham khảo ý kiến các chuyên gia về bảo tồn, kiến trúc… để có thể tìm ra những phương thức sử dụng hợp lý và đỡ lãng phí hơn đối với những công trình có giá trị như “thủy đài đôi” hơn là đập bỏ? Và để tình trạng “phá bỏ lịch sử” không tái diễn thì những công trình cổ xưa khác còn giá trị sử dụng cần được quan tâm bảo tồn và “tái sử dụng” ngay. Đừng để thế hệ mai sau sẽ hỏi chúng ta đã để lại di sản gì!

Và đừng để những câu tự vấn của chúng ta cứ vang lên nhiều lần trong vô vọng.

Trong hình ảnh có thể có: bầu trời, thực vật và ngoài trời

ĐỪNG ĐỂ CHÌM CHỢ NỔI


(tiếp cận chợ nổi từ giá trị tài nguyên bản địa)
Nguyễn Thị Hậu

Hiện nay ở đồng bằng sông Cửu Long, hay miền Tây như cách gọi thông thường, xuất hiện xu hướng tìm về nguồn tài nguyên bản địa để “khởi nghiệp” và phát triển các mô hình sản xuất - kinh doanh, trong bối cảnh tự nhiên “biến đổi khí hậu” và xã hội “cách mạng công nghệ 4.0”. Có thể nói phần lớn những “tài nguyên bản địa” ở đây không phải mới được phát hiện mà là “phát hiện lại” trong mối liên hệ mật thiết với kinh tế, công nghệ, văn hóa, du lịch… nhằm “phát triển bền vững” từ giá trị nhiều mặt của nó.

Một trong những loại hình kinh tế - văn hóa độc đáo, hấp dẫn mang trong nó giá trị của “tài nguyên bản địa” vùng sông nước Nam bộ là chợ nổi. Xuất hiện tại những tuyến giao thông đường thủy chính một số chợ nổi được nhiều người biết đến là chợ Cái Bè (Tiền Giang), Cái Răng, Phong Điền (Cần Thơ), Ngã Bảy Phụng Hiệp (Hậu Giang), Trà Ôn (Vĩnh Long), Ngã Năm (Sóc Trăng), Long Xuyên, Châu Đốc (An Giang), Cà Mau, Năm Căn (Cà Mau), Vĩnh Thuận (Kiên Giang)… Tuy nhiên, nhiều chợ nổi đang có nguy cơ “chìm” mặc dù được kết hợp chức năng kinh tế với du lịch nhưng cả hai chức năng này ngày càng không đáp ứng được yêu cầu.

Để chợ nổi có thể duy trì được sức hấp dẫn về văn hóa và giữ được vai trò kinh tế, cần thiết nhìn nhận được những yếu tố “bản địa” mang giá trị “tài nguyên” của nó.

Đầu tiên, chợ nổi hình thành và phát triển ở vùng sông nước của miền Tây Nam bộ.  Là đồng bằng thấp trũng thành tạo chưa hoàn chỉnh, Tây Nam bộ có địa hình sông rạch dày đặc đan xen chằng chịt. Cùng với hệ thống sông Cửu Long còn có một mạng lưới kênh đào phát triển mạnh từ thời Nguyễn. Sông rạch hay kênh đào đều thực hiện chức năng đưa nước ngọt, phù sa về đồng bằng, thoát nước vào mùa nước nổi, là đường giao thông thuận tiện và rộng khắp, nguồn thức ăn tôm cá quanh năm… Do ảnh hưởng chế độ “bán nhật triều không đều” (cả về thời gian và lưu lượng) của vùng biển Nam bộ nên hệ thống sông kênh rạch ở đây ngày hai lần nước lớn nước ròng. Khoảng thời gian “nước đứng” ghe xuồng neo đậu nghỉ ngơi chờ con nước thuận mà tiếp tục ngược xuôi.

Tùy từng miệt (tiểu vùng địa lý tự nhiên như miệt vườn, miệt ruộng, miệt thứ…) mà chợ nổi hình thành ở vị trí khác nhau nhưng phần lớn ở tại vàm sông (nơi có các dòng chảy gặp nhau tạo ra ngã ba, ngã tư… ngã bảy), địa hình rộng rãi và tỏa đi nhiều hướng, hoặc ở nơi “giáp nước” là nơi nước ròng nước lớn ngược chiều gặp nhau “nước đứng” tùy theo ngày âm lịch mà giờ giấc khác nhau chút ít. Do phương tiện xuồng bơi ghe chèo nên đi theo con nước thuận để ít tốn công sức mà lại nhanh.  Thời gian nghỉ ngơi để nấu ăn, coi sóc ghe xuồng, hàng hóa, giao tiếp với bạn hàng… không lâu, thường chỉ trong một buổi. Chợ nổi cũng chỉ hoạt động trong khoảng  gian ấy.

Thứ hai, theo nhiều nhà nghiên cứu, việc ghe xuồng neo đậu tại nơi giáp nước là sự thích nghi từ lâu đời của cư dân miền Tây với một hiện tượng tự nhiên, nhưng để tập trung ghe xuồng với mức độ lớn và trở thành “chợ nổi” thì có lẽ vào khoảng thế kỷ 19, khi dân cư không còn quá thưa thớt nhưng mật độ dân số chưa cao và sản xuất nông nghiệp đã có sự phát triển nhất định. Nhu cầu giao thương tăng cao giữa các “miệt” ruộng vườn rẫy bưng hay rừng ven biển… sản xuất các loại nông sản khác nhau mà những chợ nhỏ trên bờ trong một khu vực nhất định không đáp ứng được nhu cầu mua bán lượng hàng hóa lớn: trái cây theo mùa, khoai bắp bí đậu mía, hàng bông rau cải hàng ngày… Thỉnh thoảng, nhất là vào tháng chạp gần tết còn có một số hàng hóa khác như than đước, ông lò (bếp lò), nồi ơ, lu khạp gốm, chiếu “Cà Mau”, cả hoa tết cây kiểng… là hàng hóa không phải ngày nào cũng có nhu cầu mua bán cao như nông sản. Thường tại vàm sông hay nơi giáp nước có chợ nổi thì trên bờ cũng hình thành các bến chợ, điểm tụ cư làm “dịch vụ” như bán thức ăn, đồ dùng thiết yếu, cơ sở sửa chữa ghe tàu, các dịch vụ khác… dần trở thành các thị tứ.

Thứ ba, chợ nổi gắn liền sự phát triển giao thông đường thủy ở Nam bộ, nhất là ghe thương hồ buôn bán với phương thức “mua tận gốc bán tận ngọn”, có khi trao đổi hai chiều mang hàng tiêu dùng đổi/bán rồi mua nông sản. Nơi vùng sâu thì dùng xuồng nhỏ theo kinh rạch len lỏi vào tận nơi sản xuất mua với số lượng lớn, chở ra ghe lớn, thương hồ theo sông mang đến chợ nổi bán sỉ cho bạn hàng. Hàng hóa, nông sản “tươi chong” hầu như không cần “tập kết” lên “kho bãi” trên bờ mà chuyền từ ghe này qua ghe khác số lượng nhiều ít khác nhau. Từ đó lại theo sông nước ra đi… Các thị tứ với chợ nhà lồng hay dãy nhà buôn bán quanh chợ có nơi nào không tiếp cận hàng hóa từ ghe thương hồ? Tuy nhiên, chợ nổi không bán lúa gạo và gia cầm dù vẫn có những ghe lớn vận chuyển lúa gạo đến các nhà máy xay xát nhỏ ven sông hay lên khu vực bến Bình Đông ở Sài Gòn. Còn ghe chở gia cầm cũng không dừng ở chợ nổi mà đến thẳng các chợ đầu mối trên bờ nơi thị tứ.

Thứ tư, từ chợ nổi và cùng với chợ nổi nhiều hiện tượng “văn hóa kinh doanh” độc đáo xuất hiện: cây bẹo trên ghe – cây sào cao treo trên đó loại nông sản trái cây rau cải, nhìn vô thì biết ghe đó bán gì; hình thức số lượng hàng hóa mua bán tính theo “chục, trăm có đầu”, từng “thiên” hay từng bó, tính theo từng cần xé, vỏ, bội (những loại đồ đựng đan bằng tre nứa hay lác, bàng)… mà không phải theo số đếm hay cân ký thông thường. Quan hệ mua bán ở chợ nổi là bán sỉ, “bán mão” từ số lượng chủng loại hàng hóa đến tiền nong đều lấy sự chân thành và chữ “tín” làm trọng, nếu có chuyện rủi ro thì bạn hàng cùng nhau giải quyết, đôi bên không vì lợi lộc riêng mình mà “cạn tàu ráo máng”. Để phục vụ chợ nổi còn có một loại hình dịch vụ vô cùng linh động: hàng chục chiếc xuồng nhỏ len lỏi giữa những chiếc ghe to lớn, bán đồ ăn thức uống mồi nhậu, sau này còn bán cả video phim bộ phim ca nhạc hoặc cho ghe mướn coi lúc tan chợ… Những sinh hoạt trên ghe, hoạt động đa dạng ở chợ nổi đã trở thành đề tài của nhiều tác phẩm nghệ thuật phản ánh đời sống văn hóa sông nước Nam bộ…

Thứ năm, chợ nổi là một phương thức sinh sống phổ biến và bình thường ở miền Tây Nam bộ. Phương thức này dựa vào sự kết hợp nhiều loại “vốn” của các tầng lớp dân cư: nông sản của nông dân, sức lực của người làm mướn chuyển hàng trên các ghe thương hồ, nơi thị tứ, vốn tiền bạc của thương nhân, rồi “vốn xã hội” là các mối quan hệ mua bán, vận chuyển, sự tin tưởng, cách thức giải giải quyết mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình làm ăn… Tính “chuyên nghiệp” của chợ nổi thông qua “sự phân công lao động hợp lý” nhằm chia sẻ lợi nhuận trên nguồn vốn bỏ ra nhưng vẫn có sự tương trợ giúp đỡ lẫn nhau khi rủi ro. Ngoài ra, trên mỗi ghe thương hồ nhiều khi còn là không gian sinh sống của một gia đình, họ di chuyển và hầu như không cố định lâu ở một nơi. Tâm thức cư dân sông nước được nuôi dưỡng, duy trì với những mặt tích cực và và cả hạn chế của nó…
***
Chợ nổi ra đời “tự phát” nhưng để hình thành một hiện tượng kinh tế - văn hóa đặc trưng của miền Tây Nam bộ thì phải có sự kết hợp của những yếu tố “bản địa”: vị trí, thời gian của chợ nổi xác định theo điều kiện tự nhiên; nhu cầu giao thương của kinh tế hàng hóa chủ yếu là nông sản của nền nông nghiệp đa canh ở một “vùng đất mới” rộng lớn; sự phát triển của nghề thương hồ (gồm kỹ thuật của phương tiện vận chuyển đường thủy và tầng lớp thương nhân); mối quan hệ chân thành và phóng khoáng của người miền Tây. Đó là những yếu tố làm cho chợ nổi tồn tại lâu dài dù nó mang tính chất mở chứ không khép kín như “chợ làng”.

Hiện nay trong những điều kiện tự nhiên và xã hội mới, các yếu tố trên đã có nhiều thay đổi làm cho chức năng vai trò của chợ nổi trong kinh tế cũng suy giảm. Giao thông đường bộ là chủ yếu, vùng chuyên canh lúa tăng nhanh và nhằm vào mục tiêu sản lượng, sản phẩm truyền thống của miệt vườn cũng biến đổi do kỹ thuật canh tác ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng, nhu cầu thị trường trong và ngoài nước luôn thay đổi… Cộng đồng dân cư có nhiều biến động, lối sống cố định trên ghe xuồng không còn phổ biến, quan hệ giao thương rộng mở hơn và tính rủi ro cũng cao hơn…

Vì vậy, duy trì hoạt động truyền thống của chợ nổi đã khó, gánh thêm chức năng “du lịch” càng khó hơn nếu không tạo ra những yếu tố mới, hoạt động mới. Chợ nổi muốn trở thành một sản phẩm độc đáo trong chuỗi sản phẩm của “du lịch văn hóa sông nước” không thể chỉ dựa vào, ăn theo “vốn xã hội” cũ để tạo ra giá trị mới mà cần tạo ra “vốn xã hội mới” từ giá trị “tài nguyên văn hóa” của chợ nổi. Một đúc kết từ thực tiễn mà hiện nay đã trở thành phương châm của các nhà sản xuất: khách hàng tiếp nhận sản phẩm là tiếp nhận các yếu tố: sự trải nghiệm về tính độc đáo của sản phẩm, giải pháp sử dụng sản phẩm và hành vi tiêu dùng sản phẩm.

Theo đó, sản phẩm du lịch chợ nổi cần đáp ứng nhu cầu mua bán sản phẩm đặc trưng là trái cây, nông sản nơi chợ nổi – tất nhiên là du khách thì không thể mua sỉ bán mão mà cần có cách thức phù hợp; tạo ra và đáp ứng nhu cầu trải nghiệm được “sinh sống” ở chợ nổi dù chỉ trong một buổi chợ, và cũng giống như trong bảo tàng có không gian “khám phá” dành cho du khách tự mình tham gia vào một sự kiện lịch sử giả định, chợ nổi cũng cần tổ chức cho du khách được một lần trải nghiệm với vai trò thương hồ trên không gian sông nước miền Tây. Tất cả hoạt động trên đều cần sự hợp tác và tham gia của cộng đồng “dân cư chợ nổi”, tức là tạo cho cộng đồng một sinh kế mới từ “vốn văn hóa” của họ.

Chỉ khi nào coi trọng giá trị tài nguyên bản địa của văn hóa truyền thống, coi trọng vai trò của cộng đồng chủ thể văn hóa ấy, khi ấy mới có thể bảo tồn và phát triển văn hóa với một sức sống mới.


Sài Gòn 4. 12.2017

Kết quả hình ảnh cho chợ nổi

Kỷ niệm ngày sinh :)

@ Như mọi năm, sinh nhật với mình luôn là một ngày hạnh phúc. Ngày hôm qua mình đã nhận được hàng trăm “bó hoa” và lời chúc tốt đẹp của người thân, bạn bè, học trò… qua điện thoại, email, facebook. Những lời chúc “trẻ, khỏe, đẹp” thì mình sẽ ráng… được hay không thì… tùy J Nhưng lời nhắn nhủ mình hãy “đi nhiều viết nhiều”… coi bộ khả thi hơn J
Lời cám ơn chân thành nhất cũng không thể nói hết lòng biết ơn, vì vậy mình quyết định… ký Hợp đồng xuất bản tập tản văn mới, thực hiện ngay một lời chúc của các anh chị và các bạn. Cuốn sách sẽ ra mắt trong tháng 12 này cả nhà nhé J

“Lộc bất tận hưởng”, nhờ sự đồng cảm và chia sẻ của bạn đọc mà mình có thể viết nhiều, nay, một lần nữa san sẻ cùng mọi người <3 font="">

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người và văn bản

TỰ HỌC LÀ CHÍNH (phỏng vấn của FB Người Nhân Văn)



Cô Nguyễn Thị Hậu- TS. giảng viên khoa lịch sử.

* Thưa cô, được biết cô từng là sinh viên của trường và bây giờ là giảng viên của trường, tính ra cô cũng đã gắn bó với Nhân Văn hơn 40 năm. Cô có thể chia sẻ nhiều hơn về điều này?

- Tôi cảm thấy bản thân mình có duyên với trường Nhân Văn.
Tôi vào trường năm 1976, lúc đó trường đang có tên là Văn Khoa. Văn Khoa không chỉ mang nghĩa là “văn chương”, “văn thơ” mà còn là một môi trường đậm chất “nhân văn”. Với thế hệ của tôi thì cái tên này là một kí ức thân thương.
Sau khi tốt nghiệp ngành Sử năm 1980, tôi ở lại trường giảng dạy đến năm 1994. Rồi vì công việc chuyên môn của cá nhân và cũng như yêu cầu của thành phố nên tôi có chuyển đi một vài cơ quan khác. Đến năm 2014, tôi lại trở về giảng dạy ở Nhân Văn.
Khoảng thời gian 20 năm rời khỏi trường, tôi vẫn gắn bó với trường trong tư cách là giảng viên thỉnh giảng. “Cái duyên” sâu sắc của tôi với trường Nhân Văn là vậy.

*Cô cảm thấy điều gì làm cho sinh viên Nhân Văn khác với sinh viên trường khác ạ?
-Tôi nhận thấy đa phần sinh viên Nhân Văn đều yêu thích hoặc có năng khiếu về các môn xã hội nên khi chọn thi vào trường, các bạn đã định hình sở thích tương đối sớm. Điều này khá khác biệt với các bạn theo học khối ngành khoa học tự nhiên.
Một điều nữa mà tôi nghĩ cũng là một cái lợi thế của sinh viên trường mình là sở thích đọc sách. Sinh viên Nhân Văn rất chịu khó đọc và tìm tòi nghiên cứu.
Tuy nhiên, vài năm gần đây tôi cảm thấy các bạn không có, ít có sự lựa chọn khi đọc.
Có lẽ cái khó của các bạn bây giờ là thông tin bùng nổ, interne1t mang lại quá nhiều sự lựa chọn nên cũng khó chắt lọc. Mà kỹ năng chọn lọc thông tin, chọn lựa loại sách phù hợp là một kỹ năng rất quan trọng với sinh viên đại học.

*Điều gì làm cô ấn tượng nhất với trường Nhân Văn?
- Có lẽ điều tôi ấn tượng nhất về Nhân Văn là từ một số công trình nghiên cứu khoa học. Tôi đã đọc và theo dõi các công trình nghiên cứu của trường từ hồi còn là trường Văn Khoa. Đó là những công trình thể hiện trình độ hiểu biết và sự độc lập trong nghiên cứu, cách biểu đạt tự do thông qua việc tiếp cận các vấn đề khoa học không theo lối mòn.
Trường chúng ta luôn đề cao sự tự học của sinh viên. Tự học là yếu tố quan trọng nhất, thứ hai mới là việc giảng dạy, phuông pháp truyền đạt của thầy cô thế nào để tạo cho sinh viên biết độc lập nghiên cứu. Tất cả đều nhằm hình thành và phát triển một nhân cách độc lập.



Vụn vặt đời thường (148)

Báo chí đã nói đến thế này mà không chịu sửa sai thì thật là QUÁ THỂ! 
Tin mới: Tạm dừng thu phí BOT Cai Lậy 30 ngày. Giao BT Giao thông xem xét (thế này đúng là giao...thớt!)
Anh em tài xế cẩn thận! Mong báo chí tiếp tục đồng hành cùng lẽ phải!

Trong hình ảnh có thể có: 2 người

@ Ấm ức
Ko biết đầu óc nghĩ gì mà đèn đỏ dừng xe lấn vạch quy định. Chú công an bước nhanh ra tay cầm gậy ngoắc vô lề.
Mình dẫn xe lên lề, bỏ kiếng đen, khẩu trang và đang mở cốp xe lấy giấy tờ (không chờ bị hỏi) thì chú cất giọng rất hình sự (không giơ tay chào như quy định): giấy tờ của chị đâu? Mình đưa tất cả giấy tờ liên quan và nói: tôi có lỗi, ko để ý nên lấn vạch dừng.
Chú hơi ngạc nhiên, nhưng rồi trả lại giấy tờ cho mình và dịu giọng “chị lớn tuổi nên tôi chỉ nhắc nhở. Chị đi đi”. Mình cám ơn rồi đi. Kính lão đắc thọ kết hợp với thành khẩn khai nhận nên vui vẻ cả đôi bên.
Nhưng từ lúc ấy cứ ấm ức mãi. Kể ra cứ đứng lại và cãi “tôi ko lớn tuổi, anh phạt gì thì phạt đi” thì chú ấy sẽ xử lý thế nào nhỉ 
Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang cười, đang ngồi và trong nhà

@ Những người đàn bà tặng hoa cho nhau
Hồng thơm, Ly, Cúc họa mi, Violet
Những loài hoa chỉ một mùa ngắn ngủi
như hạnh phúc của chúng ta
Những người đàn bà 
Qua mỗi mùa hoa
lại nhớ đến nhau
Từng câu chữ dịu dàng
Nhẹ nhàng chia sẻ...
Trong hình ảnh có thể có: hoa, thực vật, thiên nhiên và ngoài trời

@ Mười năm với tuổi về chiều là khoảng thời gian không dài. Tôi tin người mẹ ấy sẽ tiếp tục vững vàng bên con và thay con nuôi cháu.
Mười năm với lớp trẻ thì nhanh lắm. Nấm và Gấu sẽ lớn lên không có mẹ hiện hữu bên cạnh nhưng mẹ hai con luôn trong tâm trí các con. 
Mười năm... Để nuôi dưỡng lòng vị tha khoan dung thì mười năm là dài, nhưng để trồng cây hận thù thì mười năm là rất ngắn!

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người

@ Lại một lần nữa TS Đoàn Hương phát biểu trên VTV, lần trước thì "lũ vô công rồi nghề" mới chơi fb, lần này thì "đám quần chúng" biết gì mà ném đá công trình của nhà khoa học.
Thôi thì đầu óc chị ấy vốn là như vậy, chả thay được. Nhưng VTV lẽ nào cứ thích mang chị ấy ra làm mồi nhậu? là TV quốc gia sao lại ác thế!
😡😎🤔😂




@ Từ hồi có việc cô bảo mẫu lấy băng keo dán miệng không cho trẻ khóc đến việc hiện nay trẻ thường xuyên bị bạo hành bởi người lớn và bởi chính trẻ em, đó là quãng đường người lớn đang đi nhanh xuống địa ngục!
Các hội đoàn ủy ban ăn lương nhà nước và có chức tước để "bảo vệ trẻ em" đang ở đâu? Quý vị muốn xuống địa ngục trước là chuyện của quý vị, nhưng không được phép mang theo con cháu chúng tôi!
Thật, không thể khóc mà chỉ muốn chửi một câu!

BOT VÀ THAM NHŨNG

Nguyễn Thị Hậu

Vụ việc trạm thu phí BOT ở Cai Lậy, Tiền Giang từ đầu tháng 8/2017 qua một thời gian tạm lắng nhưng chưa có dấu hiệu kết thúc thì đến nay lại bùng phát. Bộ Giao thông vận tải đã phải họp để giải quyết nhưng hướng “quyết” của Bộ không “giải” được vấn đề cốt lõi: vì sao trạm thu phí lại đặt ở vị trí “đón lõng” tất cả xe đi qua, bất kể có đi vào “đường tránh” hay không? Từ vấn đề này nảy sinh thêm nhiều câu hỏi khác như, vì sao giá vé ở đây quá cao, vì sao đoạn quốc lộ 1A qua thị trấn Cai Lậy – con đường huyết mạch có từ thời xa xưa – thuộc chức trách quản lý, bảo trì, sửa chữa của nhà nước, cụ thể là Bộ Giao thông, mà nay lại giao cho tư nhân “nâng cấp” để rồi thu phí?...

Rất nhiều câu hỏi vì sao đã được đặt ra từ phía người dân. Nhưng về phía nhà quản lý là Bộ giao thông thì ngay một câu hỏi đơn giản nhất cũng không được đặt ra và trả lời nghiêm túc: Vì sao người dân bức xúc và phản ứng? Cụ thể là những lái xe qua đoạn đường này, dù phải chờ đợi hàng giờ dưới cái nắng nóng như thiêu hay trong cơn mưa tầm tã thì họ vẫn cùng nhau thực hiện một hành động “bất tuân dân sự”: trả phí bằng các loại tiền lẻ.

Trước đó ở miền Trung đã có một trạm thu phí bị lái xe phản ứng cũng bằng cách này, nhưng hiệu quả không cao và sự lan truyền không mạnh mẽ. Nhưng đến BOT Cai Lậy Tiền Giang thì có tác động ngay vì lưu lượng xe qua lại trên con đường này quá lớn, chỉ cần ùn tắc ít phút ở trạm BOT là tạo ra “phản ứng dây chuyền” cả đoạn đường dài. Hiện nay quốc lộ 1A từ TPHCM về đồng bằng sông Cửu Long gần như là “độc đạo”! Thực hiện đúng BOT là làm thêm một con đường khác (nhất là những đoạn qua thành phố, thị xã)… thì vừa phá thế độc đạo rất nguy hiểm đối với tính mạng hàng trăm ngàn lượt người, xe qua lại hàng ngày, vừa tăng cường được hiệu quả giao thông qua việc rút ngắn thời gian vận chuyển. Như vậy cả lợi ích kinh tế - xã hội đều đạt được.

Nếu đường mới làm bằng phương thức BOT thì chỉ được phép đặt trạm thu phí cho đoạn đường đó. Thời gian đầu có thể các chủ phương tiện giao thông còn né tránh nhằm tiết kiệm chi phí. Nhưng nếu đường và trạm đặt ở vị trí hợp lý và mức phí phù hợp thì chắc chắn về lâu dài đó là “phương án chọn” của đa số phương tiện giao thông. Bởi vì, trong bài toán kinh tế “thời gian” không chỉ là tiền mà còn là “vàng, kim cương”, hơn nữa, độ an toàn với người sử dụng phương tiện giao thông cao hơn.

Tuy nhiên, dù chính sách BOT cho thấy “ích nước lợi nhà” nhưng trong thực tế việc thực thi BOT đã không nhằm đến “phát triển bền vững” và trước mắt là đảm bảo quyền lợi chính đáng của đa số người dân mà rõ ràng chỉ vì lợi ích của một nhóm người. Bất chấp phản ứng của người dân trạm BOT vẫn đặt ở vị trí vô lý “không đi qua vẫn phải nộp tiền”!
***
 Sự việc ở Cai Lậy làm lộ ra nhiều trạm thu phí BOT khác trên những con đường huyết mạch của cả nước cũng bị tình trạng tương tự. Không cần tìm đâu xa là thấy ngay có một sự tham nhũng “không hề nhẹ”, đó là những luật lệ, việc làm nhằm nhũng nhiễu và “móc túi”dân chúng. Tham nhũng không chỉ ở những dự án công trình hàng ngàn tỷ đồng mà bắt đầu từ lạm thu, thu sai chỉ từ “vài nghìn đồng” gây thiệt hại cho hàng triệu người dân.

Sai phạm ở nhiều BOT Bộ Giao thông đã thừa nhận. Vậy nhưng chính quyền những địa phương ấy lại tăng cường việc đưa cả quan đội, công an ra để ngăn chặn, “xử lý” tài xế thực hiện hành vi dân sự là trả phí bằng tiền lẻ. Đây là một sự tham nhũng tồi tệ hơn: tham nhũng quyền lực - nguyên nhân của mọi loại tham nhũng. Virus gây bệnh và làm lây lan căn bệnh tham nhũng có nhiều biến thể này là một virus nguy hiểm có tên “coi thường nhân dân”.

Chống tham nhũng thực sự cần bắt đầu ngay từ việc chống lạm thu, thu sai các loại phí, thuế, bỏ ngay những trạm BOT đặt sai vị trí, xử lý ngay những người lạm quyền cố ý làm sai gây hậu quả xấu cho kinh tế và xã hội. Lập lại sự công bằng, lấy lại niềm tin trong dân chúng để ngăn chặn và tiêu diệt virus “coi thường nhân dân”.
Chống tham nhũng thực sự hãy bắt đầu từ những người đang có chức có quyền. Cắt đứt ngay cơ hội tiếp tục tham nhũng của họ chứ đừng đợi cho “hạ cánh” rồi mới “cách” cái “nguyên là” nhưng hầu như không làm tróc một cái vảy nhỏ nào ở đống tài sản khổng lồ của họ, họ và gia đình vẫn an toàn mà thụ hưởng. Xử lý như vậy khác nào dung dưỡng và khuyến khích tham nhũng!

Đừng mong bọn tham nhũng có liêm sỉ để mà xấu hổ khi bị kỷ luật, bởi nếu có liêm sỉ họ đã không tham nhũng và tham quyền đến thế! Xử lý tham nhũng theo kiểu “dơ cao đánh khẽ” chẳng qua được mắt nhân dân.

Sài Gòn 1.12.2017
Rất đông Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động của Công an tỉnh Tiền Giang và Công an huyện Cai Lậy được điều đến BOT ở Cai Lậy ngày hôm qua (30.11). Ảnh: Zing.vn

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...