NÓI VỚI BẠN - KHÔNG ĐỀ - TìNH KHUYẾT


 Không đề

 Lần đầu tiên tôi ra đi có một người đưa tiễn
khi nơi ấy và anh đã lùi lại phía kia bên dưới đường băng
tôi bỗng thấy ngực mình đau nhói
trái tim tôi ai níu giữ lại rồi...
Đôi mắt anh buồn không giống những gì anh nói cùng tôi
bình thản quá như chẳng có cuộc chia tay nào đang đến
đã thuc nhau nhưng sao tôi vẫn mong đến thế
một lần thôi, anh đừng dối lòng mình, hãy nói thật đi
...
...
Chẳng để làm gì...


 Tình khuyết 

Chia cho em nửa đời thơ (*)
Còn một nửa anh dành chia người khác
Đam mê của anh em giữ giùm một nửa
Còn nửa kia... người khác lấy mất rồi

Khi thành công
Anh như trăng rằm
Rực rỡ giữa bao người xa lạ
Lúc thất bại
anh về lại cùng em
Năm tháng dầy thêm tuổi
Dành cho em
Vầng khuyết lớn dần...

Em bên anh
Đi qua sâu thẳm ngày không trăng
Kiếp sau
Cùng bắt đầu một vầng trăng mới...

Nói với bạn
Khi tôi bảo em “quên đi”
Là tôi đã từng rất nhớ
Khi tôi khuyên em cẩn thận
Là đã có lúc tôi liều
Khi tôi nhắc em “đừng yêu”
Là tôi đã từng say đắm...

Mỗi lời tôi nói với em
Là những nỗi đau từng có
Nhưng mà thật tình tôi biết
Vì em đang đắm đuối yêu
Nên em sẽ chẳng nghe lời
Thôi thì... tùy Trời định đoạt J

[* ý thơ Nguyễn Trọng Tạo]
Hình ảnh có liên quan

PHONG VỊ TẾT THỜI NAY



Hương vị tết Sài Gòn
Từ nhiều năm nay không khí và sinh hoạt Tết cổ truyền ở các đô thị đã có nhiều thay đổi. Trong sinh hoạt gia đình là xu hướng “chuyển dịch” từ truyền thống, hướng nội sang hiện đại, hướng ngọai.  Nếu trước đây ngày Tết mang ý nghĩa đón chào năm mới và sum họp gia đình thì giờ đây ý nghĩa đón chào năm mới đã đến sớm hơn, vào dịp Noel và Tết dương lịch. Đó là vì nhịp sống đô thị và lối sống công nghiệp đã phổ biến ở các thành phố lớn, nơi mà có rất nhiều người nhập cư đến lao động, học tập, làm việc…
Ý nghĩa ngày Tết giờ đây chủ yếu là lưu giữ truyền thống sum họp gia đình và mừng thọ ông bà cha mẹ. Còn chuyện ăn uống cúng quảy thì được gia giảm nhiều. Ngày trước lo cho ba ngày Tết phải từ cả tháng trước, chủ yếu lo Ăn Tết: mua trữ nhiều lọai thực phẩm gạo nếp bánh kẹo măng miến đậu xanh bánh tráng, rồi mua rau làm các lọai dưa muối… Từ ngày Ông Táo 23 tháng Chạp đã lo mua thịt làm thức ăn sẵn như giò chả, rồi mấy ngày Tết loay hoay nấu ăn cúng kiếng, có đi đâu cũng quanh quanh bà con, láng giềng, ít đi chơi xa…
Nhưng bây giờ Ăn Tết, chơi Tết có nhiều dịch vụ về các lọai thực phẩm, nhất là ở thành phố thì hầu như không cần phải quá lo lắng đến việc ăn uống, vì chỉ cần có tiền đi siêu thị, đi chợ một buổi là có đầy đủ. Những biểu tượng Tết trong câu ca dao “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ. Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh” thì đã mất cây nêu tràng pháo, câu đối gần đây được phục hồi lại với nhiều ông đồ trẻ viết thư pháp chữ Việt nhiều hơn chữ Nho… Hương vị ngày Tết có lẽ không còn cảm giác “ngon như xưa vì bây giờ thịt mỡ dưa hành bánh chưng mứt kẹo ngày thường muốn ăn lúc nào cũng có.
Tất cả những điều đó vẫn làm cho  không khí Tết hiện nay có một chút ngậm ngùi... Dường như sự bận rộn của lo lắng, lối sống tình nghĩa thời thiếu thốn, niềm vui ấm áp của sự sum họp… đang mất theo thời gian. Bây giờ người thành phố lo “chơi Tết nhiều hơn, từ tháng 9 tháng 10 đã tìm tour du lịch Tết mua sớm vì sợ hết chỗ. Sài Gòn, Hà Nội ngày Tết vắng hoe, dân tình về quê, đi du lịch trong ngòai nước… Các thành phố trở nên yên tĩnh lạ lùng…
Những thay đổi của Tết thấy rất rõ ở TP. Hồ Chí Minh – một đô thị chịu tác động của “hiện đại hóa” nhanh chóng. Xưa nay người Sài Gòn đều thích đi chơi các dịp Lễ Tết, ra ngòai ăn tiệm, tụ tập bạn bè thường rủ nhau ra hàng quán, ít khi bày vẽ nấu nướng ở nhà. Các bà nội trợ thường mua thực phẩm làm sẵn: việc đặt giò chả, bánh chưng bánh tét, các loại bánh mứt đến cả trái cây... đây phổ biến từ lâu do lối sống đô thị nên các dịch vụ phát triển sớm. Người Sài Gòn trọng lễ nghĩa nhưng không quá câu nệ chuyện phải đi thăm viếng họ hàng vào ngày Tết, họ có thể đến thăm vào trước hay sau Tết miễn là thuận tiện cho cả hai bên.
Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh có nhiều người từ nơi khác đến làm ăn, vì vậy càng có nhiều quán ăn, đặc sản của các vùng miền. Ngày Tết ở Sài Gòn có thể thưởng thức nhiều món ăn khác nhau chứ không chỉ có những món truyền thống Nam bộ. Dù nghỉ Tết dài ngày nhưng người nhập cư về quê ăn Tết khỏang mùng bốn mùng năm lại lên Sài Gòn, chơi vài ngày để chuẩn bị đi làm. Tết cũng là dịp Sài Gòn đón nhiều người Việt sống ở nước ngòai về ăn Tết cùng gia đình. Ngày Tết các khu vui chơi giải trí, rạp phim rạp hát, hàng quán bán như ngày thường, nhiều quán bán ngay từ sáng Mùng Một, “ăn theo” là dịch vụ giữ xe và những hàng rong khác… Tất nhiên, giá cả thì “Tết mà”, có cao hơn chút đỉnh cũng là hợp lý! Bởi vậy Tết còn là dịp “kiếm thêm” của nhiều người, một khía cạnh nào đó có thể coi là sự “phân phối lại thu nhập” (một cách tự phát) trong dịp Tết của những tầng lớp khác nhau trong xã hội.
Chính vì vậy có người nói, những phong tục, thói quen được coi là truyền thống đẹp của người Việt mỗi dịp Tết dường như chỉ còn… trên báo Tết chứ đời thường chúng ta đón Tết vội vàng, cái gì cũng ồn ã.
Thật ra đây cũng là “quy luật” của nhiều hiện tượng văn hóa. Những phong tục tập quán dần dần chỉ còn lưu lại trong ký ức thế hệ trước rồi lưu truyền cho đời sau. Không thể bắt cuộc sống giữ nguyên tất cả phong tục cũ vì có những điều không phù hợp, không thuận tiện cho đời sống hiện đại. Bảo tồn truyền thống không phải là luôn giữ nguyên nếp sống xưa lối sinh hoạt cũ. Cái gì không phù hợp thì tự cuộc sống sẽ thay thế và xuất hiện những “truyền thống” mới, còn sinh hoạt lối sống xưa cũ sẽ được lưu lại trong sách vở, báo chí, phim ảnh, bảo tàng... bằng những phương tiện kỹ thuật hiện đại cho thế hệ sau biết về quá khứ.
Tuy nhiên, những ngày Tết vẫn là thời gian ký ức truyền thống quay về hiện hữu với mỗi người mỗi gia đình. Đó là sinh hoạt gia đình đầm ấm, là lễ nghĩa với ông bà tổ tiên, là tình tương thân tương ái với người nghèo khó... Những điều ấy ở Sài Gòn đã không mất đi dù đô thị này có thay đổi “hiện đại” đến thế nào...

Tết vui tốt lành cả năm

Quá trình giao lưu và hội nhập văn hóa giữa nước ta và thế giới đã mang đến nhiều sinh họat mang tính quốc tế như từ Giáng sinh đến Tết dương lịch là dịp những họat động văn hóa giải trí từ lễ hội đến các chương trình trên truyền thông… Bài hát Happy New Year của ABBA vang lên khắp nơi báo hiệu một năm mới sắp đến, dù năm đó là năm dương lịch.
Chính vì vậy, trong xã hội Việt Nam hiện nay Tết âm lịch cũng đã ít nhiều thay đổi, cả về sinh hoạt và quan niệm.
Theo quan niệm truyền thống, Tết với người Việt là thời gian sum họp gia đình. Những bữa ăn ngày Tết không chỉ để cúng ông bà mà còn là lúc gia đình trò chuyện về những điều đạo lý, hiếu thảo. Hơn hết cả Tết là dịp để những mối quan hệ trong gia đình gắn bó hơn. Tuy nhiên ở thành thị, do nhịp sống công nghiệp ngày càng vội vã bận rộn, truyền thống này đã ít nhiều phôi phai.
Ngày nay mỗi gia đình ít người hơn trước, kể cả ở nông thôn. Thanh niên lên thành phố, các khu công nghiệp, thậm chí ra nước ngoài làm việc. Trong nước dịp Tết tàu xe đi lại khó khăn nhưng có điện thọai, có internet tiện cho việc thăm hỏi gia đình bất cứ lúc nào, không chỉ trong nước mà cả ở nước ngòai. Sự hiếu đễ với cha mẹ ông bà, tình cảm gia đình vẫn gắn bó tuy không gặp gỡ nhiều như xưa.
Những ngày lễ Tết hay giỗ chạp là ngày có thể tập hợp đông đủ người nhà. Vì vậy tổ chức ăn uống nhân dịp này một phong tục truyền thống. Phần lớn các gia đình Việt Nam còn giữ được tập tục “ăn giỗ, ăn tết” nhất là những gia đình “tam tứ đại đồng đường”. nông thôn có nhiu gia đình tính sơ sơ mỗi năm tới chục đám giỗ, rồi mấy ngày tết là những bữa cúng sáng trưa chiều tối từ ngày Ba mươi rước ông bà tới ngày mùng Ba đưa ông bà đi. Chưa kể những ngày Rằm hay mùng Một lớn nhỏ trong năm.
Trong những ngày này phụ nữ thường giữ vai trò bếp núc bày dọn, đàn ông chỉ  thắp nhang và sau đó lo… nhậu. Từ sáng sớm các bà các mẹ sửa soạn cúng trà nước bánh trái trên bàn thờ, rồi xuống bếp nấu đồ cúng chay hay mặn. Chừng nửa buổi là dọn mâm cơm cúng với bảy, tám món nóng nguội chiên xào canh kho… đủ cả. Tàn nhang mâm cúng được mang xuống, có khi cả nhà quay quần mỗi người vài ba miếng, cũng có khi để đó rồi… dọn cất vô tủ lạnh vì không có ai ăn. Ngày Tết mà, nhìn thức ăn ê hề cũng đủ no ngang, huống hồ bữa nào cũng vậy, tới nhà ai cũng chừng đó món! Thanh niên và trẻ em thường kéo nhau đi chơi, cả tuần lễ Tết những người phụ nữ hầu như ít có dịp đi ra ngoài thăm viếng bạn bè, bà con… Họ phải lo toan cơm nước hơn cả ngày thường vì là mâm cơm cúng không thể đơn sơ đạm bạc.
Vì vậy hiện này ở thành phố và nhiều gia đình ở nông thôn đã “cải tiến” tục lệ này để phụ nữ có thời giờ nghỉ ngơi, vui chơi, và cũng đỡ lãng phí thức ăn! Tục lệ được giữ lại từ ngày Hai mươi ba Ông Táo mới bắt đầu mua sắm, ở thành phố thì đặt mua trước một số đặc sản hay thực phẩm ngon để biếu ông bà và người thân. Từ ngày này chợ Tết nhộn nhịp, hình ảnh các mẹ, các chị đi chợ cùng con gái luôn là một ký ức đẹp của nhiều thế hệ phụ nữ Việt Nam… Ở nông thôn nhiều gia đình chung nhau gói bánh tét bánh ít, đây là dịp cho các cô gái học mẹ học bà cách làm bánh gói bánh. Nhà nào cũng nấu vài món truyền thống cúng ngày Ba mươi và mùng Ba theo đúng phong tục, như thịt kho hột vịt, thịt khìa nước dừa, làm bì cuốn, canh khổ qua hầm hay canh măng tươi, làm vài hũ đồ chua dưa món... nhưng việc cúng kiếng đã đơn giản hơn nhiều, vẫn thắp nhang bàn thờ ông bà nhưng không quá câu nệ phải cúng cơm ngày ba bữa như trước.
Phần lớn các gia đình không có sự “xung đột” vì sự thay đổi này do thời thế đã có nhiều thay đổi, hòan cảnh công việc bận rộn nên cần gia giảm ít nhiều tục lệ cũ. Tuy vậy những việc như đi chợ Tết, mâm cúng Ông Táo, bữa cơm trưa Ba Mươi đón ông bà, cúng Giao thừa, Mùng Một thăm hai bên nội bên ngoại, Mùng Ba cúng cơm đưa ông bà… thì hầu như vẫn được duy trì. Tuy không quá bày vẽ cầu kỳ nhưng nếu không còn những tục lệ này thì không phải là Tết Việt Nam nữa.
Hiện nay nhiều gia đình trẻ thích đi du lịch vào dịp Tết, một phong cách nghỉ lễ được du nhập từ sự giao lưu văn hóa với phương Tây. Giới trẻ có thu nhập khá trở lên quan niệm không chỉ biết kiếm tiền mà còn phải biết hưởng thụ từ đồng tiền kiếm được. Vì vậy khi có điều kiện thì họ đi du lịch nghỉ ngơi mở mang hiểu biết… Tuy nhiên Tết nào cũng đi xa nhà thì không nên, cũng như các gia đình trẻ chỉ thích ăn tiệm mà để bếp nhà lạnh tanh thì… dễ “có chuyện”. Vì trong văn hóa Việt Nam bữa ăn không chỉ là ăn mà còn là sinh họat gia đình, duy trì văn hóa gia đình. Ngày Tết lại càng nên như vậy.
Xu hướng hiện này được nhiều người mong muốn là ăn tết chơi tết vừa đủ, không phung phí, không quá sức mệt mỏi. Nhưng thế nào là “vừa đủ” thì không phải ai cũng nghĩ như ai. Tùy vào hòan cảnh điều kiện của từng người mà nhu cầu “vừa đủ” cũng khác nhau cho việc chi tiêu mua sắm thực phẩm, quần áo, đồ dùng, phân bố thời gian cho việc nghỉ ngơi, thăm viếng gia đình, vui chơi giải trí… Vì vậy cần biết dung hòa những sinh hoạt, nhu cầu khác nhau của người trong gia đình để tránh lo lắng, xung khắc trong dịp Tết, để năm mới được vui vẻ may mắn như những câu chúc tốt lành đầu năm.

Hạ Nêu
Qua ba ngày Tết mùng bốn mùng năm đường phố trở lại nhịp sống bình thường. Mùng 7 Tết là ngày Hạ nêu theo tục lệ ông bà để lại. Không cây nêu, không cung tên không vôi bột… Hình như cũng không còn nơi nào làm lễ Dựng nêu và Hạ nêu. Ngay cả khái niệm Cây nêu cũng đang trôi vào quên lãng. Bao nhiêu tập tục đã biến mất trong cái thế giới, trong cái xã hội thực tế đến mức quá thực dụng này. Nhiều thứ trong câu đối Tết ngày xưa đã mất và sắp mất, giờ chắc chỉ những người lớn tuổi là còn nhớ đến:
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh
Sắc đỏ của câu đối tết trong mỗi gia đình giờ rất hiếm. Còn chăng chỉ có ở nơi đình chùa hay thấp thóang trong khu phố người Hoa. Tiếng pháo báo hiệu giao thừa, mở đầu ngày mùng Một Tết cũng đã im ắng từ mấy năm nay. Bánh chưng (và bánh tét) không còn là “đặc sản” ngày Tết. Bước chân ra đường ở đâu cũng có thể tìm thấy nơi bán bánh chưng. Lớn có nhỏ có, gói bằng lá dong cũng có mà bằng lá chuối cũng nhiều. Bánh vẫn xanh màu lá, nhưng không chắc. Nhân bánh vẫn có miếng thịt mỡ và đậu xanh… gọi là. Cũng phải thôi, giờ ăn bánh chưng lấy no làm chính, mấy ai biết thưởng thức miếng ngon từ nhân đậu xanh lựa từng hạt nấu nhỏ lửa cho thật nhừ để có thể thấm đẫm mỡ thịt tan ra trong miệng, miếng bánh nếp chắc dẻo quánh mà ngọt ngào như lắng đọng từ dòng nước ngọt mát chở nặng phù sa.
Bây giờ, bất cứ ngày nào ta vào một quán cơm bụi hay quán café bán cơm trưa văn phòng cũng có thể ăn thịt (nấu) đông giữa Sài Gòn nắng như đổ lửa, không cần phải có cái giá lạnh của mùa đông miền Bắc. Dưa hành bán trong các siêu thị quanh năm, chưa kể tại các cửa hàng thức ăn Hà Nội luôn có nhiều lọai hành củ hành muối. Thức ăn ngày thường chẳng khác ngày Tết bao nhiêu, vị ngon đặc biệt của món ăn ngày Tết theo đó cũng mất dần, chỉ còn lại trong ký ức…
Vậy nhưng mâm cơm cúng ngày Tết vẫn là những món ăn được người bà, người mẹ, người chị chăm chút: Chiều Ba Mươi đón ông bà thì có nồi thịt kho tàu kho bằng nước dừa, hột vịt và từng miếng thịt màu nâu vàng, mỡ trong veo mềm rục, này đĩa thịt đầu heo ngâm dấm trộn vài cọng dưa rau muống xanh điểm lát tỏi trắng lát ớt đỏ sợi gừng vàng, dĩa dưa góp củ cải cà rốt mặn ngọt thơm thơm, đĩa chả giò chiên và rau sống, tô canh khổ qua hầm thịt, tô canh măng tươi hầm chân giò… Tất nhiên không thể thiếu đĩa bánh tét từng khoanh và những món đồ nguội như giò chả, nem, bì… Ngày mùng Ba cúng đưa ông bà không thể không có đĩa Tam sên gồm miếng thịt ba chỉ, con tôm càng xanh và hột vịt luộc, nồi cá kho và tô canh chua, rau củ Đà Lạt xào thịt bò, nấm hương, cần tây… Vẫn biết trước cúng sau ăn, nhưng bữa cơm đông đủ cả nhà, lại có ông bà về chứng kiến, chắc chắn là bữa cơm ngon nhất trong năm!
Tháng Giêng rồi cũng qua nhanh. Người tứ xứ lại dổ vào Sài Gòn. Người về Sài Gòn sẽ lần lượt ra đi. Sài Gòn gần mười triệu dân, vậy nhưng nỗi cô đơn của sự chờ đợi dường như vẫn ẩn hiện đâu đó trên những con đường. Mùa nắng dần nhường chỗ cho mùa mưa đến sớm…
Em còn nhớ hay em đã quên…*

Nguyễn Thị Hậu

Kết quả hình ảnh cho tết sài gòn

TÂM LINH VÀ TÂM AN



Nguyễn Thị Hậu

Mùa lễ hội  
Không biết từ bao giờ khoảng thời gian sau Tết âm lịch – tháng giêng kéo dài qua hết tháng hai, tháng ba thậm chí qua tới tháng tư – được gọi là ‘mùa lễ hội”?
“Mùa lễ hội” tương đương thời gian của một vụ mùa nên cũng có sự co giãn về thời gian theo cơ cấu thời gian nông nghiệp, nông thôn. Lễ hội diễn ra liên tục về thời gian  từ lúc nông nhàn sau Tết âm lịch đến đầu mùa mưa bước vào thời vụ mới. Lễ hội diễn ra liên tục trong không gian: từ làng này qua làng khác, lễ hội liên làng, lễ hội của một vùng… chủ thể của lễ hội là cộng đồng của một làng, của một vùng. Nhiều lễ hội nổi tiếng không phải vì có đông người từ xa về tham dự hay vì có các quan về chủ trì, mà vì sự độc đáo của phần Hội, ở ý nghĩa nhân văn của phần Lễ. Chính vì vậy được cộng đồng chủ thể của lễ hội gìn giữ, không làm biến chất, biến dạng vì hiểu giá trị của lễ hội làng, vùng mình chính là sự khác biệt, độc đáo.

Từ khoảng mươi năm nay lễ hội bỗng dưng nở rộ dồn dập vào sau Tết, khi mà cơ cấu thời gian hiện nay của xã hội đã là thời gian công nghiệp và đô thị - giờ hành chính. Hơn 800 lễ hội cấp quốc gia và cấp tỉnh (chưa tính những lễ hội chưa được thống kê) diễn ra trong khoảng  ba tháng, tức là một phần tư của một năm, lại là quý đầu năm, thời điểm cần phải bắt đầu, khởi động kế hoạch của một năm mới. Thử thống kê số lượng người đến các lễ hội này bao nhiêu phần trăm là công chức, viên chức nhà nước? Chắc chắn tỷ lệ không nhỏ, bởi vì, ngoài việc đi lễ hội để thỏa mãn tâm lý “cầu cạnh” các vị thánh thần ban cho tài lộc chức tước thì việc công chức viên chức nghỉ việc đi lễ hội có bị trừ mất đồng lương nào đâu (và thu nhập thêm, nếu có), thậm chí còn “trốn” được nhiều việc mà… không làm cũng chẳng ai chết (“dân có cần nhưng quan chưa vội” – ca dao mới).

Chưa nói đến những giá trị đích thực của lễ hội còn hay mất, chưa nói đến hình thức lễ hội còn là truyền thống hay không… chỉ cần nhìn hiện tượng các địa phương đua nhau “nâng cấp” lễ hội cả về quy mô và hình thức, có thể nhận biết mục đích chính của hiện tượng lễ hội tổ chức tràn lan đến mức không kiểm soát được, như thừa nhận của ngành Văn hóa: Thực chất ở rất nhiều lễ hội đó là sự thương mại hóa. Không thể phủ nhận, khi Lễ hội trở thành một sản phẩm văn hóa thì mục đích thương mại không thể không đặt ra, nhưng mục đích thương mại phải đặt sau, đặt dưới mục đích bảo tồn giá trị văn hóa của lễ hội, tức là bảo tồn di sản văn hóa cho đời sau, bên cạnh việc quảng bá, giới thiệu văn hóa Việt Nam đến thế giới.
Việc các phương tiện thông tin và ngành du lịch đua nhau quảng bá rầm rộ về “mùa lễ hội” cũng góp phần kích thích tâm lý “lễ hội” của người dân và xu hướng thương mại hóa các lễ hội.

Quá khứ nào đang trở lại?
Từ năm 2010 nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa đã chỉ ra, Lễ khai ấn đền Trần và nhiều lễ hội khác hiện nay phục hồi lại không còn giữ đúng về hình thức và nội dung đã được lưu truyền hay ghi chép trong sử sách.Thế nhưng vì sao mỗi năm lại mỗi phát triển hòanh tráng, lãng phí thời giờ tiền bạc công sức của xã hội, biến chất về ý nghĩa mang nặng yếu tố tiêu cực hơn?

Hiện nay tâm lý truyền thống "tháng Giêng là tháng ăn chơi" sống lại và phát triển nhờ hàng lọat lễ hội mở ra với mật độ dày đặc trong một thời gian không dài, quy mô tổ chức ngày càng lớn ngòai phạm vi làng xã. Hầu hết lễ hội đều do các cấp chính quyền nhà nước tổ chức và cử hành nên phần Nghi lễ (trước đây trang nghiêm, giản dị, vừa phải) thì nay trở thành phần chính được cử hành hoành tráng, biến ý nghĩa của Nghi lễ dân gian truyền thống thành sự thể hiện và đáp ứng những nhu cầu “chính thống” của xã hội hiện đại. Do đó không lạ khi Lễ Khai Ấn đền Trần được nhiều người coi là lễ cầu xin thăng quan tiến chức! Đây là tâm lý của một bộ phận không nhỏ của công chức nhà nước nên có ảnh hưởng lớn đến tâm lý xã hội nói chung.

Người xưa nói “ấn tín” là để chỉ đạo đức, trách nhiệm của người giữ ấn. Nhưng nay những “công bộc của dân” mấy ai quan tâm đến việc tạo dựng và gìn giữ uy tín đạo đức? Mặt khác, việc các công chức nhà nước bỏ nhiệm sở đổ xô đi lễ Khai Ấn và nhiều lễ hội khác, cho thấy mặc dù chúng ta luôn nói đến Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa nhưng không biết đến bao giờ tác phong văn minh công nghiệp mới trở thành nếp sống của toàn xã hội?
Cũng vậy, những lễ hội có những hành vi chém giết động vật, tranh cướp “lộc thánh”… nếu trước đây là biểu trưng văn hóa của một làng xã nhỏ hẹp thì nay lại mang tính thực dụng của cả xã hội. Không thể không nhận thấy sự phổ biến của việc nhúng tiền vào máu động vật bị giết hay rải tiền lẻ ở đền, chùa để cầu may, việc để cho con trẻ chứng kiến, người lớn thì reo hò nhìn con vật chết dần một cách bất nhẫn trong lễ hội và thực trạng xã hội: những hành vi “buôn thần bán thánh” coi thường đạo đức luật pháp, dửng dung, trơ lỳ cảm xúc trước bất công, trước hành vi bạo lực của con người với con người, như những vụ “mất chó giết người đền mạng”, cô bảo mẫu đáng trẻ nhỏ, thanh niên nam nữ đánh người già cả… xảy ra ngày càng nhiều.

Việc tiếp tục tổ chức rầm rộ những lễ hội với hàng trăm ngàn người dân ùn ùn kéo đến làm cho ý nghĩa của lễ hội ngày càng biến dạng, thực chất nó chỉ phản ánh thực trạng xã hội hiện nay. Đó là:
1/ Các lễ hội truyền thống không còn giá trị đích thực, chúng ta sẽ làm mất di sản văn hóa của chính chúng ta.
2/ Các giá trị tinh thần tốt đẹp của truyền thống mất đi, con người sẽ phải tìm đến và tin vào những giá trị “ảo”, dần dần sẽ làm băng họai xã hội!
Và 3/ Nhà nước không thể quản lý được các lễ hội nếu cứ tổ chức tràn lan và tùy tiện như vậy, những tệ nạn đã xuất hiện trong các lễ hội sẽ rất khó bị dẹp bỏ, chưa kể nó sẽ biến tướng và xuất hiện thêm những tệ nạn mới.

Mỗi thời đại có hệ giá trị của thời đại mình, nhất là những giá trị văn hóa. Có nên làm “sống dậy” một vài giá trị văn hóa của quá khứ nhưng không còn hợp thời, thậm chí “giá trị” ấy còn dung dưỡng khuyến khích những hành vi tâm lý xấu trong xã hội hiện này?
Quá khứ phải là nguồn mạch trong lành để nuôi dưỡng tâm hồn con người hiện tại và tương lai, chúng ta không thể biến quá khứ thành “ao tù nước đọng” chứa đựng thêm những rác rưởi ngày nay, bởi vì chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu chứ không phải sống trong một cái làng tù túng ngày xưa.

Lên đường để đến tâm an
Mùa xuân cũng là mùa lễ hội. Phong tục tổ chức lễ hội vào thời gian “nông nhàn” khiến cho trong Nam ngoài Bắc khắp đình, chùa, đền, miếu... tấp nập người đi lễ. Ngày xưa lễ hội những ngày này, dù vào “tháng Giêng ăn chơi” nhưng không nặng tính thực dụng mà chủ yếu để giải trí, du xuân gặp gỡ mọi người và thăm viếng nơi danh lam thắng cảnh. Những lời khấn cầu đầu năm ngoài sự mong muốn những điều may mắn tốt lành còn nhằm bày tỏ lòng thành tâm thiện với Thần, Phật.

Trải qua mấy chục năm chiến tranh, ở miền Bắc nhiều phong tục tập quán liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo bị xóa bỏ vì coi là “mê tín dị đoan”. Nhưng sau chiến tranh, nhất là từ khi “đổi mới” về kinh tế, trong xã hội “làm giàu” trở thành mục tiêu của nhiều người thì nhiều tục lệ đã phục hồi và ngày càng phát triển theo hướng thực dụng.
Điều đáng nói là việc cầu xin tài lộc chức tước lan tràn mọi lúc mọi nơi, đến mức không thể kiểm soát! Bây giờ vào ngày lễ tết đền chùa nào cũng mù mịt khói nhang tràn ngập đồ lễ vàng mã tiền lẻ rải như rác... Người ta cho rằng lễ càng “hoành tráng” thì thần, phật càng chứng giám phù hộ, cơ may như những hợp đồng làm ăn béo bở, chức tước danh vị sẽ vào tay mình, tránh được những rủi ro thậm chí nếu vi phạm luật pháp sẽ không bị phát hiện và được bao che khỏi sự trừng trị của cơ quan chức năng...

Từ đó đã nảy sinh hiện tượng “buôn thần bán thánh”, “mua chuộc thần phật”, “kinh doanh tâm linh”... Phục vụ cho nhu cầu này nên chùa chiền được trùng tu, xây mới tràn lan, ngày càng hoành tráng, truyền thông rầm rộ về những ngôi chùa xác lập một “kỷ lục” nào đó về quy mô kiến trúc trang trí, sự có mặt của các vị quan chức thăm viếng cúng dường, tổ chức lễ hội cấp quốc gia... Chùa càng to càng “giàu có” thì càng đông “tín đồ”, tiếng đồn “linh nghiệm” càng nhiều. Người ta ồ ạt theo những tour “du lịch tâm linh” vội vã chạy từ chùa này sang chùa khác cho đủ mấy “kiểng chùa” mà không có nơi nào đủ thời gian mà lắng lòng thanh tịnh.

Trong khi đó ở đâu cũng có chùa làng. Những ngôi chùa đơn sơ giản dị, gần gũi với dân cư trong vùng, nhiều chùa nuôi trẻ mồ côi người già cơ nhỡ... nhưng ít người thăm viếng, thỉnh thoảng có người “từ thiện” đến giúp đỡ chút đỉnh. “Phật tại tâm” sao còn phân biệt chùa giàu chùa nghèo, phân biệt chùa lớn chùa nhỏ? Sự phân hóa “đẳng cấp” một cách sâu sắc không chỉ có ngoài xã hội mà đã hiện diện trong các ngôi chùa phản ánh nhu cầu tâm linh đã bị tâm lý “thực dụng” lấn át. Xưa trong truyện cổ tích khi khó khăn người ta thường cầu xin ông Bụt giúp đỡ, nay lại coi Phật như ông Bụt vạn năng có thể giúp cô Tấm trở thành hoàng hậu hay giúp anh nông dân có cây tre trăm đốt để trả thù phú ông nên người ta lên chùa cầu xin không thiếu thứ gì... Và phải chăng vì quan niệm “Bụt chùa nhà không thiêng” nên hay phải đi cầu Phật chùa xa cho “linh”?

          Nhiều người đã biết rằng, đi lễ chùa đầu năm hay vào ngày rằm, mùng một hàng tháng là để tỏ lòng thành kính với Đức Phật, con người đến với Phật không phải để cầu xin ban phát lợi lộc vật chất cho mình mà tìm đến giáo lý Phật Giáo để giác ngộ, xuất phát từ bản thân làm việc thiện “tu nhân tích đức”... Trong xã hội ai cũng hướng thiện và làm việc đức thì ngày càng có nhiều điều tốt đẹp cho tất cả mọi người, trong đó có mỗi người. Đó là tâm thức cần có khi đến với các tôn giáo trong đó có Phật giáo.

Mùa lễ hội nào cũng kết thúc, mọi người lại trở về với công việc và sinh hoạt thường ngày. Nhưng điều quan trọng là sau mỗi lần lên chùa vào đền thành kính khấn vái, chúng ta có hành xử tử tế, làm ăn lương thiện và chăm chỉ hơn không, bởi vì nói cho cùng, lười biếng thì không Thần nào cứu giúp, ác tâm thì không Phật nào độ trì... Có tâm có đức thì mới có linh. Vô tâm thất đức thì dù có cầu cúng đến đâu cũng không thể mang lại sự bình an trong tâm hồn. Tâm bất an là nguyên nhân mọi sự bất ổn của cá nhân và xã hội.


Kết quả hình ảnh cho lễ hội lộn xộn

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...