NHỮNG GÓC NHỎ SÀI GÒN


Xóm đường rầy

Sài Gòn bây giờ còn mấy “xóm đường rầy”?
Hồi ga Sài Gòn nằm ngay trước chợ Bến Thành thì tuyến đường sắt vắt ngang hơn nửa thành phố. Hai bên đường ray là những xóm lao động, nhà mái tôn mái lá san sát nhỏ bé và nhếch nhác. Từ đường Lương Hữu Khánh (bây giờ) xuyên qua khu chợ Vườn Chuối, qua Hòa Hưng, khu Cống bà xếp, qua vùng Phú Nhuận rồi Bình Thạnh với cầu Bình Lợi ra đến ga Bình Triệu ở Thủ Đức. Cặp theo đường sắt là con đường nhỏ chỉ vừa một chiếc xe máy, nhà cửa nhô ra thụt vào nhưng “mặt tiền” vẫn mở hàng quán ăn uống, tiệm sửa xe, nhà may… Người bán người mua là dân lao động nên giá cả mềm hơn hàng quán bình dân ở nhiều đường hẻm khác dù chất lượng có khi không thua kém. Còn nhớ quán bò bảy món Ánh Hồng nổi tiếng từ trước 1975 nằm kế đường ray cổng xe lửa đường Nguyễn Minh Chiếu Phú Nhuận (nay là Nguyễn Trọng Tuyển), mỗi khi xe lửa sắp chạy qua chủ quán liền kêu phục vụ ra cẩn thận đậy điệm các món ăn cho khách.

Thập nhiên 80, 90 của thế kỷ trước, những chuyến tàu chạy bằng than nhả hơi nước và khói muội đen sì, lắc lư rầm rập mỗi ngày vài lần chạy xuyên qua thành phố, ngang qua những xóm đường ray lúc đó còn chưa có hàng rào sắt ngăn cách đường sắt với dãy nhà hai bên. Trên những con đường cắt ngang khi xe lửa sắp chạy qua thì có hồi chuông reo và người gác “cổng xe lửa” kéo barie xuống ngăn dòng xe dừng lại. Còn ở xóm đường ray hễ nghe tiếng còi tàu thét lên điếc tai thì mọi người mới thu dọn hàng quán sát vô, mấy bà bán rau thịt cá của cái chợ tạm vài tiếng buổi sáng cũng lật đật ôm thau chậu rổ rá vừa chạy vừa thối tiền hay đưa vội mớ rau con cá cho người mua; lúc chiều tối khách nhậu đứng lên bưng cả cái bàn có dĩa mồi ổi cóc xoài khô cá đuối với chai “rượu thuốc” vào bên lề, chờ xe lửa chạy qua lại đặt bàn ngay trên đường rầy ngồi nhậu tiếp. Nửa đêm gà gáy xe lửa hú còi đánh thức những giấc ngủ mê mệt sau một ngày vất vả… hỏi sao xóm đường ray có quá nhiều con nít?

Tuyến đường sắt lúc đó như một bãi rác khổng lồ. Rác và nước thải từ nhà hai bên đường liệng ra, từ khách đi tàu liệng xuống, từ những hàng quán bỏ lại… chuột chạy qua lại, thỉnh thoáng có xác mèo chuột bị xe lửa cán chết gan ruột nát bấy tùm lum, những đoạn vắng nhà cửa hai bên đường sắt là khu WC cho xóm quanh đấy. Từ trên cao nhìn xuống xóm đường ray như có hai nửa: mặt tiền đường phố nhà lầu cửa tiệm khang trang, rực rỡ màu sắc và ánh đèn, mặt kia nhìn ra đường sắt nhà cửa màu xám đèn vàng ảm đạm… Những con hẻm ngoằn ngoèo chạy từ nơi đèn sáng càng vào trong càng nhỏ dần rồi mất hút, nhà lầu “ráng” quay mặt ra đường lớn hay hẻm, quay lưng về xóm đường ray. Nhưng đừng thấy vậy mà cho rằng có sự ngăn cách giữa hai nửa, không đâu, dân trong hẻm hay mặt tiền có thể không quen biết nhau giáp mặt ít khi chào hỏi nhưng khi có việc cần thì luôn giúp nhau như thể bà con xóm giềng quen thuộc.

Từ khi ga Sài Gòn dời về Hòa Hưng thì một phần khu vực quận 1, quận 3 đường ray đã thành đường nhựa, mặt tiền nhà cửa khang trang hẳn lên. Từ Hòa Hưng qua Cống bà Xếp đến Bình Triệu phần lớn đường sắt đã có rào chắn, đường nhỏ hai bên cũng đổ nhựa hay bê tông sạch sẽ, nhà cửa vẫn nhỏ bé nhưng sáng sủa hơn, nhà lầu ngày càng nhiều, đường hẻm nhỏ cũng có người gác chắn, giảm hẳn tai nạn vì xe lửa trong thành phố. Chưa bao giờ thấy người Sài Gòn chui qua rào chắn hay la lối người gác cổng xe lửa vì hạ barie khi còn chưa thấy tiếng sình sịch của đoàn tàu, dù mỗi lần xe lửa chạy qua thì kẹt xe kéo dài cả trăm mét nhất là vào giờ cao điểm.

Bây giờ xe lửa loại mới, đầu máy toa xe sáng đẹp, vệ sinh, tiện nghi đầy đủ, người đi tàu văn minh hơn, đoạn đường sắt ngang qua thành phố vẫn là đầu mối quan trọng của tuyến đường sắt Bắc – Nam. Lại còn có tàu du lịch chạy ra ngoại ô, ngày cuối tuần cả nhà kéo nhau đi hóng gió, bọn trẻ háo hức nhìn phố xá, vườn cây, khu nhà mới, đường xa lộ… Ngồi trên tàu máy lạnh mát rượi đến ga cuối rồi quay về, thấy hai bên là xóm đường ray khang trang sạch sẽ thì biết đã vào thành phố.

Hệ thống đường sắt ở bất cứ nơi nào cũng là một phần không thể thiếu của mạch máu giao thông vận tải, nhất là vận tải công cộng. Vài năm nữa thôi, nhiều tuyến đường sắt đang xây dựng trên cao (skytrain) hay trong lòng đất (metro) nối liền thành phố và các đô thị mới xung quanh sẽ được hoàn thành nhưng không làm xuất hiện thêm những xóm đường ray trên mặt đất nữa… Xóm đường ray buồn hiu hắt xưa kia sẽ dần đi vào ký ức như những “xóm kênh đen” hôi hám nay đã lột xác trở nên tươi mát  bên dòng kênh xanh.

Tiệm làm tóc bình dân
Sài Gòn có đến hàng ngàn tiệm bình dân cắt uốn tóc làm móng tay chân, phần lớn nằm trên những con đường nhỏ hay trong  hẻm.

Hồi những năm 1990 tôi hay đến một tiệm làm tóc trên đường Mạc Đĩnh Chi quận Một. Tiệm là một gian phòng nhỏ khoảng 6 mét vuông cơi nới từ tường rào của một công sở, cao hơn vỉa hè đến gần 1 mét nên có hai bậc thang gỗ gá tạm, khi nào mấy anh quản lý  đô thị của phường buồn buồn đi ngang thì vội vàng kéo vào, nếu không thì bị phạt vì “lấn chiếm vỉa hè”! Hai ghế ngồi cắt tóc làm móng, một ghế nằm gội đầu, vài dụng cụ uốn tóc… tất cả xếp đặt gọn gàng hợp lý trong không giản nhỏ xíu. Trên tường một tấm gương lớn và mấy tấm hình các kiểu tóc của phụ nữ. Tiệm chỉ có cô chủ cũng là thợ chính và một cô thợ phụ. Cô chủ từ Long Khánh lên Sài Gòn vài năm, tính tình vui vẻ, làm tóc kỹ càng nên tiệm lúc nào cũng đông khách là nhân viên các công sở xung quanh. Có bữa buổi trưa ghé ngồi chờ hết giờ nghỉ cũng chưa tới lượt vậy mà ai cũng vui vẻ nói “thôi mai chị ghé”, “chiều cuối giờ em ghé nha”. Sau hơn 20 năm bây giờ cô chủ đã có một tiệm lớn đàng hoàng ở mặt tiền một con đường gần đó, có dịch vụ matxa, chăm sóc da mặt, thợ làm công có đến hơn chục người. Khách đến tiệm nhiều người thuộc tầng lớp thượng lưu xe hơi đưa đón và cả khách quen cũ vẫn xe máy “cà tàng”, tất nhiên giá cả không còn bình dân nữa nhưng ai cũng hài lòng vì chất lượng và thái độ thân tình vui vẻ.

Trên đường Trần Quốc Thảo quận Ba bên cạnh quán cà phê có giàn bông giấy lớn che mát cả một khoảng vỉa hè, trước đây có tiệm làm tóc của một chị tuổi trung niên nói giọng Bắc ngọt ngào. Tiệm có hai cháu gái miền Tây phụ việc nói năng rổn rảng thiệt thà, xưng hô với khách một điều thưa dì hai điều thưa cô, khách khó tính cũng phải mềm lòng. Chị chủ mướn nhà mở tiệm đã lâu, tuy ở mặt tiền con đường nhiều biệt thự nhưng giá cả bình dân nên nhiều khách vãng lai ghé lại rồi trở thành khách quen. Chị chủ truyền nghề cho hai người con: cô con gái học nghề rồi lấy chồng và mở tiệm ở Gò Vấp, còn cậu con trai cắt tóc rất khéo dù tính thì tưng tưng như chị vẫn “than” với khách, có hứng thì cậu làm mà không thì bỏ đi bụi đời vài ngày có khi đến vài tháng! Có lúc cậu vướng vào ma túy phải đi cai nghiện, may sao cai được nhưng cái tật lang thang vẫn không bỏ. Ba năm trước chủ nhà đòi lại nhà để mở quán ăn (nhưng đã mấy lần thay đổi mà vẫn vắng teo!), chị phải chuyển về Gò Vấp mở tiệm tại nhà. Xa quá và trái đường  nên tôi chưa ghé quán mới của chị lần nào nhưng tôi luôn tin chị ăn nên làm ra bởi sự khéo léo và chỉn chu của chị. Không biết cậu con trai đã chí thú làm ăn chưa hay vẫn bụi đời như trước?

Gần nhà tôi trong một hẻm nhỏ ở Phú Nhuận có một tiệm làm tóc nhỏ xíu chỉ khoảng 4 mét vuông của hai chị em từ miền Tây lên. Hai cô bé chân dài thon thả da trắng bóc, giọng nói còn nguyên chất miền quê “con cá gô bỏ vô gổ nhảy gột goẹt” nghe thương gì đâu! Thỉnh thoảng tôi ghé tiệm vào buổi tối, có bữa thấy một câu trai dáng cao lớn chất phác nói giọng miền Trung khi sửa cái đèn, ổ điện, có bữa lại nấu ăn trong góc bếp giùm hai cô thợ đang có khách. Năm kia cô chị và cậu trai thành vợ chồng và đã có một bé gái thật xinh. Tiệm nhỏ vẫn những khách quen lui tới vừa gội đầu vừa nghe con nhỏ khóc gọi mẹ nhưng chẳng ai phiền mà còn phụ dỗ em bé.

Tính chất dịch vụ của đô thị Sài Gòn không chỉ là cửa tiệm sang trọng cho giới giàu có mà còn là tiệm nhỏ cho người bình dân. Tiệm nhỏ thợ “có nghề” và ngoan nên khách quen yên tâm “giao phó” mái tóc cho thợ, quen lạ gì thì khách cũng cho thợ thêm chút đỉnh ngoài tiền trả cho chủ. Người làm trong tiệm hầu hết là nhập cư từ miền Tây lên miền Trung miền Bắc vào, líu ríu giọng địa phương nghe lạ riết thành quen. Làm ăn khá thì mướn tiệm đàng hoàng hơn chứ không để xập xệ; thợ học nghề rồi thành thợ phụ, may mắn thành thợ chính nếu muốn thì mở tiệm riêng, khách có chia bớt chủ cũng chẳng phiền hà vì coi đó là chuyện giúp nhau bình thường.

Mỗi tiệm làm tóc bình dân như thế là một Sài Gòn thu nhỏ vì ở đó có những người “tứ xứ” nhưng chân tình giúp nhau trong mối quan hệ làm ăn đậm chất hào sảng của người Sài Gòn.

Buổi sáng ở đường sách
Thỉnh thoảng tôi hay tới Đường Sách vào buổi sáng. Khoảng thời gian trước 9g nơi đây còn yên tĩnh, những gian hàng đã mở cửa, quán cà phê đã có người đi làm sớm ghé vô, nắng đang lên hàng me hai bên còn đọng sương lấp lánh…

Con đường nhỏ nhắn đứng một đầu đường nhìn được tới đầu kia dù có những pano hình ảnh hay vài kiot nhỏ dựng giữa đường vào dịp lễ lạt. Tôi thích sự thoáng đãng của đường sách ngày thường, nó đúng là một không gian của sách, của người đọc và những gặp gỡ thân tình. Ở đó người ta có thể ngồi thưởng thức cà phê ngon ở những quán sách đẹp, có thể từ tốn ghé vào từng nhà sách, ngắm nghía, cầm lên đặt xuống từng cuốn sách còn thơm mùi giấy mới, chân bước đi rồi quay lại luyến tiếc nhìn cuốn sách chưa thể mua, hay hớn hở cầm túi xốp có cuốn sách dù được người bán cột lại gọn gàng nhưng vừa ra khỏi quầy đã lấy ra xem lướt… Đúng là tín đồ của “văn hóa đọc” như một thuật ngữ đang thịnh hành.

Sài Gòn xưa có những con đường sách nổi tiếng và quen thuộc với người Sài Gòn, đa phần là bán sách cũ. Cũ mà không cũ, bởi phần lớn sách ở đó có giá trị cao, từ sách văn chương sách nghiên cứu đến tạp chí, báo cũ… Có thể tìm thấy ở đường sách cũ Đặng Thị Nhu, Trần Phú, Trần Huy Liệu, cuối đường Nguyễn Thị Minh Khai… những cuốn sách xưa quý hiếm, nhiều công trình khoa học có giá trị, tạp chí nguyên bộ… ngoài sinh viên các trường đại học hay “lùng sục” thì sau 75 còn có các nhà sưu tầm sách đã may mắn tìm thấy “vàng” ở đó.

Từ những năm 2000 nhiều đường sách “cũ” vẫn còn hoạt động nhưng hầu như không còn sách “quý”: nhiều nhất là sách truyện trẻ em từng bộ chất chồng, truyện chưởng, tiểu thuyết diễm tình, truyện vụ án trinh thám… của nhà xuất bản các tỉnh một thời “nhà nhà xuất bản”. Những năm 1990 còn có sách “thanh lý” từ các thư viện công, các nhà sách tư nhân mà nhà nước “tiếp quản”, tài liệu của nhiều công sở mang ra “cân ký” bán như giấy vụn. Nhưng bây giờ thì chẳng còn, sách quý hiếm lắm vì “người ta đã bán hết rồi, những ai còn giữ lại tức là họ sẽ không bao giờ bán” – như lời người bạn tôi chuyên sưu tầm sách.

Từ bao giờ người ta mất thói quen tặng cho nhau những cuốn sách mới, sách hay? Từ thời “bao cấp” khốn khó nhịn mua một cuốn sách để mua được vài mớ rau, hay khi những cuốn sách in bằng giấy đen ẩm bìa dán hồ chưa kịp xem đã bị gián nhấm? Từ lúc TV rồi các loại phương tiện nghe nhìn phổ biến hơn, hay lúc điện thoại thông minh lên ngôi trở thành “cái kho” chứa tất cả của mỗi người, trừ sách?

Nhớ vậy mới biết thương quý những người đã cố gắng tạo dựng lại tình yêu và thói quen đọc sách. Việc xây dựng Đường sách là một cố gắng bên cạnh những Hội Sách hàng năm vẫn có. Đường sách là không gian để thưởng thức chứ không chỉ để mua bán, như những khu phố sách cũ ở những nước khác. Dạo chơi ngắm nghía phố sách cũ ta như được đi ngược thời gian trở về quá khứ của thành phố. Những năm trước có dịp qua Paris tôi luôn đến dãy kiot bên bờ sông Seine. Một Paris cổ xưa hiện lên cụ thể và đa dạng trên từng quầy sách mà người bán là tourguide nhiệt tình và hết lòng yêu nghề, họ say mê tất cả những gì họ bán, một cuốn sách bán đi, một tấm bưu thiếp có người mua, một bức tranh có ngừơi chủ mới… người bán dường như phải chia tay với người bạn thân thiết, họ gửi gắm cho người mua cả tình yêu của mình đối với Paris, với nước Pháp. Rất đông du khách đến đây để khi chia tay người ta sẽ nhớ mãi Paris từ nơi bình dị này.
Người yêu sách đều mong muốn Sài Gòn, Hà Nội có nhiều không gian như vậy.

Khi nào bạn vô Sài Gòn nhớ nhắn tôi nhé, mình sẽ hẹn nhau ở Đường Sách, “con đường có lá me bay” rất Sài Gòn nằm kế bên Nhà Thờ Đức Bà và Bưu điện thành phố. Đến đó mình cùng cà phê và trò chuyện, ngắm nhìn một Sài Gòn trẻ trung năng động trên những gương mặt trẻ đang dạo chơi, chụp hình rồi mua sách, những gia đình cùng đi lựa sách cho con, những người có tuổi nâng niu từng cuốn sách ở sạp sách cũ… Và sách, rất nhiều sách mới từng ngày xuất hiện ở các gian hàng, sách in đẹp và giá cũng khá mềm, mua đọc hay tặng đều xứng đáng. Thương và quý nhau thì tặng sách cho nhau. Tặng nhau kho tàng tri thức, tặng nhau tình cảm không lời qua cuốn sách thì làm sao không quý… Chúng mình cùng tham gia những buổi giới thiệu sách mới và giao lưu với tác giả thường xuyên được tổ chức ở đây. Người hâm mộ tác giả và người yêu sách đứng ngồi kín cả một đoạn đường…

Còn đó tình yêu dành cho sách, chung thủy và sâu lắng trong một góc nhỏ trong tâm hồn người Sài Gòn, không dễ mất đi trước những phù phiếm bởi truyền thông đa phương tiện đang len lỏi vào từng giây phút rảnh rỗi của mỗi người.  

 Tạp bút, Nguyễn Thị Hậu
Hình: internet

 Hình ảnh có liên quan



GIAN BẾP CỦA NGOẠI



Mỗi lần về quê vào dịp Tết, sau khi lên nhà trên thắp nhang bàn thờ ông bà, tôi thường xuống ngay gian bếp, nơi ngoại tôi luôn ở đó với nụ cưới móm mém chờ tôi chạy vào ngồi kế bên ngoại, thơm sực mùi trầu.

Gian bếp của ngoại nằm ngang so với nhà trên, từ nhà trên đi xuống qua một hành lang dài mái tôn có máng xối hứng nước mưa vào hai hàng lu mái. Nhà bếp mái ngói cũ nâu thâm lác đác những chiếc lá của cây mận hồng đào sau bếp. Ngoại nói cây mận này ngoại trồng hồi má tôi sinh tôi, nay cũng đã tuổi “U 50” rồi mà vẫn rất sai trái. Vào mùa gần Tết từng chùm trái đỏ rực, lúc lỉu trên cành, mỗi đêm gió chướng lại rụng lộp bộp, trẻ con khoái lượm những trái mận chín rụng, ăn giòn và ngọt như đường phèn.

Cũng như nhiều gian bếp trong những ngôi nhà miệt vườn Nam bộ, gian bếp của ngoại rộng rãi, sáng sủa, cửa ra vào hai cánh bằng gỗ luôn rộng mở. Cửa sổ sát mé con rạch Cái Tôm đón từng cơn gió mát rượi ngày hai lần nước lớn, lúc nước ròng thoảng mùi bùn non và tiếng cá quẫy… Ngay cửa bếp là sàn nước rửa chén bát và làm đồ ăn. Bước vô, một đầu gian bếp là khuôn bếp, cao khoảng 0,8m, dài 1,2m rộng 0,5m, đóng bằng cừ tràm lâu ngày đen bóng. Ba “ông lò” luôn sạch than tro, phía trên có cà ràng chặn khói, bên cạnh là ống thổi, kẹp gắp than, miếng lót nhắc nồi. Phía trên khuôn bếp cậu Út tôi làm một mái tôn có ống hút khói, tránh cho ngoại và mợ Út khỏi cực khi mùa mưa dầm củi ẩm ướt. Phía dưới khuôn bếp xếp củi đã chẻ nhỏ, từng bó lá dừa chặt đầu đuôi bằng nhau, gọn gàng. Trên vách là hai hàng đinh treo những chiếc nồi, xoong, chảo lớn nhỏ thường được mợ Út tôi chùi rửa sạch sẽ. Nhớ những lần ở quê có đám tiệc, tôi luôn phải “chỉ huy” con gái tôi và mấy đứa cháu mang nồi xoong chảo ra sông chùi rửa bằng trấu và tro bếp. Khi những chiếc nồi xoong bóng loáng treo trong bếp theo thứ tự lớn nhỏ chuẩn bị cho việc nấu nướng vào ngày mai, thì tụi nhỏ móng tay đứa nào cũng đen thui, dùng chanh rửa hoài không sạch hết.

Kế bên khuôn bếp là tủ đựng thức ăn, phía dưới để các loại chai lọ hộp đựng gia vị.
Gian giữa của bếp đặt tủ chén bát, ống đũa muỗng treo bên cạnh tủ. Một bàn ăn tròn có thể gập lại một nửa lại cho gọn. Mấy chiếc ghế gỗ, một giá gỗ thấp để đặt nồi cơm. Bữa cơm hàng ngày nhà ngoại thường ăn dưới bếp, trừ khi có khách lạ hay có đám tiệc thì dọn cơm ở nhà trên. Khách quen thân tới nhà vào bữa thường được ngoại mời cơm luôn, nếu chưa ăn khách vui vẻ cùng ăn, còn nếu khách ăn rồi thì tới ngồi trên bộ ván uống nước trà, hay ngả lưng trên chiếc võng treo tòng teng bên cửa sổ. Gian còn lại kê bộ ván ngựa, nơi ngoại thường ngồi với ô trầu hay giỏ đồ may bên cạnh, vào buổi trưa là nơi ngả lưng của ông ngoại sau khi đã sương sương vài ly trong bữa cơm trưa… Má tôi kể, hồi xưa mỗi lần giận ông ngoại là ngoại… xuống bếp ngủ. Một đêm, hai đêm…ông ngoại phải xuống năn nỉ, và sau đó má tôi lại có thêm một đứa em, vì vậy bây giờ nhà ngoại có cậu Út tới thứ 12 lận!

Có dịp đi nhiều vùng miền trong nước, tôi nhận thấy gian bếp của ngoại tôi, của những gia đình Nam bộ thật đặc biệt. Bước vào gian bếp có thể nhận biết sự vén khéo của những người phụ nữ trong gia đình vì tuy là nhà bếp nhưng luôn sạch sẽ, thoáng mát. Đồ đạc sắp xếp thật tiện lợi, nhất là khuôn bếp đứng, khi nấu nướng không mất công đứng lên ngồi xuống, đồ dùng đặt để đúng tầm tay, dãy nồi xoong luôn chùi rửa sạch bong, không sợ quệt lọ nồi dơ bẩn quần áo, dường như nhờ đó người phụ nữ khi làm bếp cũng thong thả ung dung hơn…

Bếp là nơi sinh hoạt của cả gia đình vào mọi thời điểm trong ngày. Ban ngày nhà trên thường khép cửa, mọi người đi vắng, khi trở về thì vào bếp trước, cửa bếp hầu như không bao giờ đóng. Lúc rảnh rỗi, ông ngoại, hay sau này là cậu Út tôi, cũng thường ở dưới bếp, ngồi trên chiếc võng đong đưa bàn công chuyện nhà với bà ngoại hay với mợ Út. Bếp là nơi ngoại và mợ Út có “toàn quyền quyết định” những việc bếp núc, đám tiệc, giỗ chạp, hiếu hỉ bà con lối xóm… Bếp là nơi cả nhà quây quần hai bữa cơm trưa tối, nơi mỗi chiều ông ngoại, cậu Út ngồi lai rai con khô nướng quyện mùi khói lá dừa ngọt ngào. Nếu có khách đột xuất thì món nhậu cũng được mợ Út tôi chế biến rất nhanh. 

Trong bếp nhà ngoại tôi còn thường có sẵn một vài món ăn như nồi cháo trắng, chảo cơm chiên vào buổi sáng, tô bánh lọt nước dừa lúc xế trưa, hay nồi khoai, bắp nấu vào buổi tối… Bếp là nơi những người quen thân hay ghé vô ngồi chơi, đôi khi cũng bàn công chuyện (và nếu người quen ghé nhà mà được mời lên nhà trên uống nước nói chuyện thì hoặc là có việc quan trọng, hoặc coi chừng, tình cảm hai bên đã có điều gì sứt mẻ…). Nhà ngoại tôi nằm kế rạch Cái Tôm gần chợ Cao Lãnh nên đôi khi vào ban đêm, có khách lỡ đường ngủ nhờ, trên bộ ván mát rượi nơi nhà bếp khách vẫn cảm thấy quen thuộc và ấm cúng như ở nhà mình.

Gần Tết, các con tôi lại háo hức: mẹ, bữa nào về quê ngoại đi, mẹ! Ừ, về quê để đắm mình trong từng cơn gió chướng như thoảng hương sen từ Đồng Tháp Mười gửi tới, để nằm trong gian bếp của ngoại mà lắng nghe từng trái mận trở mình chín ngọt ngoài kia, để hít sâu vào lồng ngực mùi thơm khói lá dừa nướng bánh phồng bánh tráng… Ừ, về quê lần này mấy đứa phụ mẹ và ngoại gói bánh tét bánh ít nghen… Nhưng không phải chùi xoong nồi nữa, mẹ nhỉ, vì nhà ngoại bây giờ đã có bếp gaz. Con gái Út của tôi vừa nói vừa thở phào, nhẹ nhõm…

Chợt giật mình, quê ngoại giờ đã là thành phố Cao Lãnh, làng xóm đô thị hóa khá nhanh, liệu vài năm nữa các con tôi có còn thích về quê…?

(2010) Hình: internet

Kết quả hình ảnh cho BÊP lò miền tây

ĐÀ LẠT MÙA VẮNG DÃ QUỲ


Mọi năm tôi thường lên Đà Lạt vào khoảng tháng muời một.
Lúc ấy là đầu mùa đông. Bước xuống sân bay Liên Khương, cùng với không khí se lạnh và đầy hương gió núi, đập vào mắt tôi đầu tiên bao giờ cũng là thảm dã quỳ rực lên trong nắng. Dọc đường từ sân bay về thành phố Đà Lạt những vạt dã quỳ cứ hồn nhiên khoe sắc  mặc cho bụi cuốn lên phủ đỏ hai bên đường… Đi đã nhiều nơi, chiêm ngưỡng nhiều loài hoa nhưng với tôi, chưa có loài hoa dại nào mang trong hình dáng mình vẻ trái ngược nhau đến thế: cây cứng cỏi thoáng những chiếc gai nhọn, kết thành từng vạt rậm rạp nhưng vẫn mềm mại uốn mình theo từng cơn gió lộng cao nguyên, trong nắng sớm mai hay trong buổi hoàng hôn màu vàng rực rỡ buộc người thờ ơ nhất đi qua cũng phải ngắm nhìn nhưng từng bông hoa vẫn e ấp này cánh này nhị, duyên dáng nổi bật trên nền lá xanh ngăn ngắt… Dã quỳ giống như một thiếu phụ từng trải mà vẫn vô cùng quyến rũ vì tâm hồn thanh sạch và tình yêu nồng nàn thơ trẻ… dù không phải ai đến với nàng cũng hiểu và  yêu nàng vì điều đó…

Năm nay lên Đà Lạt khi  mùa dã quỳ đã qua mà trời đêm vẫn vừa đủ lạnh cho những đôi lứa đi bên nhau nép sát vào nhau… Không có dã quỳ dường như Đà Lạt xa lạ hơn, tôi như cô đơn hơn khi ngồi cà phê một mình nơi quán nhỏ đầu con dốc dài đi xuống thung lũng mờ sương  vắng những đốm vàng ấm áp… Vào mùa này dã quỳ chỉ có ở một nơi xa lắm… Đã lâu rồi, hình như cũng vào một buổi tối se lạnh như thế này, có người đã hẹn sẽ cùng tôi lên Ba Vì ngắm dã quỳ nở vào mùa hè chứ không phải vào đầu đông như ở Đà Lạt… Nhưng rồi với tôi, lời hẹn ấy mãi mãi chỉ là hẹn ước

Ở Đà Lạt thú nhất là ngồi quán cà phê.
Quán cà phê ở đây có thể gặp trên mọi  đường phố, là ngôi nhà lầu đồ sộ ven đường hay là sân vườn ngôi biệt thự nằm sâu trong con đường nhỏ quanh co. Lớn hay nhỏ, sang trọng hay bình dân, phong cách trang trí thể hiện cá tính nghệ sĩ hay đậm nét trẻ trung sinh viên… những quán cà phê như vậy là nơi ta có thể ngồi vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, một mình, từng đôi hay cùng bạn bè, bên ly cà phê thơm nồng, ly trà gừng thơm dịu mà ngắm nhìn những thiếu nữ tóc buông dài, áo len màu tím, màu xanh khoác ngoài áo dài trắng, ôm cặp sách thong thả đến trường mỗi buổi sớm mai hay trở về nhà vào mỗi hoàng hôn.

Trong một quán cà phê như thế bất ngờ lần này tôi gặp lại một người bạn cũ.
Khi tôi bước vào, nơi góc quán có một nhóm người đang trò chuyện vui vẻ. Có vẻ như câu chuyện xoay quanh văn chương thơ phú. Vốn là khách quen, tôi lẳng lặng đến chiếc bàn nhỏ “của mình” sát ô cửa sổ rồi ngồi xuống và giở tờ tạp chí ra đọc. Vài gương mặt tò mò ngoái nhìn (ở Đà Lạt phụ nữ ngồi cà phê một mình là điều hơi lạ?). Đón ly cà phê từ tay cô bé phục vụ, chưa kịp đặt xuống bàn bỗng giật mình bởi một giọng nói  hồi hộp: H. phải không, sao em lại ở đây…?

Phút chốc ngạc nhiên nhưng tôi nhận ngay ra anh.
Ngày ấy, tôi và anh cùng học với nhau chỉ một năm cuối cùng của trường trung học. Khi tôi vừa kịp quen với thành phố phương Nam ấm áp và sôi động thì anh đã cùng gia đình ra đi, đến một nơi cách xa nửa vòng trái đất. Nhiều năm sau tình cờ công việc làm chúng tôi biết nhau, rồi liên lạc thường xuyên hơn khi nhận ra là “đồng môn” thủa nào. Biết bao lần anh mail cho tôi, nói đủ thứ chuyện nhưng chưa một lần anh nói đến chuyện về quê, thậm chí cả khi tôi “rủ rê”: về chơi đi, bạn bè gặp nhau vẫn nhắc anh luôn đấy… Anh vẫn im lặng và lảng sang chuyện khác. Vì sao, tôi cũng không biết nữa… Thời gian sau này khi công việc đã kết thúc, tôi và anh ít liên lạc với nhau hơn. Công việc mới lại đến và cuốn tôi đi, trong nhịp sống bận rộn những mối liên hệ qua NET tưởng như bền chặt bỗng hóa mỏng manh, rồi thường mất hút tưởng như chưa từng bao giờ tồn tại…

Giây phút đầu tiên nói chuyện với nhau, cả tôi và anh đều không tránh khỏi ngỡ ngàng. Tôi, vì chưa quen với giọng nói hơi “cứng” của một người đã lâu ít dùng tiếng Việt. Còn anh, hơi ngạc nhiên với một chút gì như là trách cứ: đã ba mươi năm mà em vẫn không nói tiếng Sài Gòn được ư?!

Nhưng chính câu hỏi này đã làm chúng tôi bật cười vui vẻ. Hồi đó,  anh và tôi thường “cạnh tranh” với nhau trong tất cả các môn học. Anh rất giòi ngoại ngữ vì là “dân trường Tây” từ nhỏ nên thường vượt qua tôi về môn này. Mặc dù  cả hai đều học hành rất “tài tử” chứ không phải là kiểu người chuyên cần chăm chỉ, lại cùng hay làm thơ viết văn… nghiệp dư báo tường nhưng anh luôn tỏ thái độ không thích tôi , chỉ vì giọng nói “rặt Bắc kỳ” của tôi! Có lần anh nhái giọng chọc quê một cách đầy ác ý, làm tôi tức đến phát khóc khi tôi nói một điều gì đó bằng giọng Bắc mà bạn bè không hiểu… Từ đó trước mặt anh tôi bỗng e dè ít nói hơn, nhưng nếu nói thì cố ý dùng toàn tiếng “Hà Nội chuẩn”  để chọc tức anh, dù tôi đã có thể nói giọng Nam bộ một cách dễ dàng. Vài lần như vậy dường như cũng đủ để anh hiểu sự bướng bỉnh của tôi và sự…  vô lý của mình nên lúc ra đi, qua người bạn thân anh gửi đến tôi lời chào tạm biệt “cô nhỏ Bắc kỳ dễ…ghét”.

Bao năm trôi qua nhưng dường như anh không thay đổi mấy… Anh cũng nhận xét về tôi như vậy. Có lẽ mối liên hệ từ mấy năm trước đây đã mang lại cho chúng tôi cảm giác đó?  Được biết anh về Sài Gòn để lo thủ tục cho một dự án đầu tư về công nghệ thông tin. Công việc tạm ổn, trước khi quay về bên đó anh lên Đà Lạt nghỉ ngơi mấy bữa, cũng để gặp gỡ một số bạn bè bàn việc sẽ triển khai một dự án khác trên này. Anh nói, gần một tháng ở Sài Gòn nhưng anh không thể liên lạc với tôi vì e-mail cũ tôi đã không còn sử dụng. Qua vài người bạn anh biết tôi đã có một công việc mới, hình như cũng đi công tác thường xuyên và ít ở Sài Gòn… Hỏi thăm nhau về gia đình, anh hóm hỉnh Sao, con gái em có nói giọng Bắc kỳ như em không? Dạ không, nó nói rặt giọng Sài Gòn anh ơi. Còn con trai anh thì sao? Ừ, anh sợ nó không quen nên rèn dữ lắm, giờ thì nó nói tiếng Việt cũng khá, nhưng chắc không bằng… ba nó đâu! Đấy, ba mươi năm nói tiếng Tây nhưng anh có quên tiếng Việt được đâu, huống chi em ở đây, giọng Nam hay Bắc thì cũng là tiếng Việt mình, phải không anh…

Từ ô cửa nhỏ nhìn xuống thung lũng trải dài ngút ngát dưới ánh nắng vàng như mật ngày chớm hè, tôi chợt nhận ra Đà Lạt trong một màu sắc mới: màu tím tươi thắm của dàn bông giấy bên hàng rào ngôi biệt thự cổ, thấp thoáng đây đó bông bằng lăng tím e ấp dịu dàng, và hàng phượng ven đường những chùm hoa ngơ ngác tím… Tiết trời Đà Lạt làm cho sắc tím nơi đây thật lạ, như sắc tím đôi mắt thiếu nữ trong lần hò hẹn đầu tiên…
Mùa này Đà Lạt không có dã quỳ… 

 Kết quả hình ảnh cho dã quỳ

NƠI ẤY QUÊ NHÀ


Nhớ quê

Tuổi càng về chiều người ta càng muốn “quy cố hương” bằng cách hồi tưởng về  ký ức thời còn ở quê, hay là kỷ niệm mỗi lần về quê. Mà nguyên cớ để những hồi ức trở về thì không thiếu.
Trên những con đường ta qua bất cứ gì nhìn thấy đều như giọt nước rơi vào cái ly “nhớ quê” để rồi một ngày sẽ có giọt nước làm tràn ly, nỗi nhớ vỡ òa, không thể không nói ra không kể lại không trải ra trên trang giấy trên màn hình máy tính.

Một lần đi trên đường phố Quận Cam, nhìn thấy mấy tàu chuối vươn khỏi tường rào vẫy vẫy trên hè phố, bỗng nhớ nhà da diết dù chỉ mới xa nhà hai ngày trong đó có gần 20 giờ trong chuyến bay dài. Hỏi bạn, ở đây trồng nhiều chuối không? Bạn như hiểu, trả lời: chị thấy nhà ai mà trồng bụi chuối thì gần như chắc chắn là nhà người Việt mình. Ừ càng đi xa lại càng muốn lưu lại chút gì của quê hương bên mình.

Bụi chuối sau hè, hồi nhỏ là sự sợ hãi mỗi tối khi phải ra đó vì một lý do mà ai cũng như ai J, là niềm vui khi thấy bắp hoa bắt đầu kết thành buồng bé xíu xinh xinh, lớn dần lên, rồi từng nải trái già căng, mẹ chặt mang vô dựng trong bếp gần khạp gạo. Vài bữa khi trái hườm hườm, nải chuối ngon nhất, đẹp nhất được cha đặt lên bàn thờ ông bà, thắp nén nhang trước là lấy thảo sau là lấy hơi ấm cho cả nải chín đều. Bữa cơm Nam bộ ít khi thiếu vài trái chuối sứ, từ con nít đến bà già đều quen với chén cơm chan nước cá kho thịt kho ăn với chuối chín. Nhà có đàn bà sanh nở luôn có buồng chuối chín dần, canh chuối sứ nêm chút muối chút đường là món ăn lợi sữa rất lành và cũng rất rẻ tiền, dễ kiếm. Giữa buổi mà đói,  có chén chè chuối hay cái bánh chuối chiên thì không còn gì bằng.

Một người bạn, có lần đi đâu đó đến tận bờ biển Mexico xa xôi, nhắn về: trời ơi, tui như đang ở bãi biển quê mình, cũng hàng dừa đong đưa trong gió chiều, cũng mùi thơm của mực tươi cá tươi, của ốc của sò nướng trên than hồng, cũng mấy trái khóm trái chuối mà mấy bà đội cái thúng trên đầu mang bán… nhớ nhà quá trời… Bạn đã hơn 30 năm sống ở nước ngoài, đã tự coi mình như một người Tây “chánh hiệu”, vậy mà chỉ mùi thơm khói bếp than cũng làm bạn bần thần rồi quyết tâm “tết này sẽ về nhà” dù ở quê nhà bạn chẳng còn ai cả.

Ở xa thì vậy, còn ở gần thì sao? Quê tôi ở miền Tây, một năm cũng vài lần về tết nhất giỗ chạp, chưa kể đi công việc. Sáng đi tối về hay đi vài ngày, đi xe đò, đi xe riêng, hồi trước còn chạy xe gắn máy nữa… vậy mà lần nào trở lên thành phố cũng bồi hồi (người miền Tây hay gọi Sài Gòn là “thành phố”, lên thành phố, ở thành phố mới dìa…).  Nhớ từ tiếng gà trưa nhớ đến chùm mận bên chái bếp, nhớ từ bờ mương thoảng tiếng cá quẫy trong vườn đến mùi khói bếp lò trấu lúa mới… Mỗi lần về đám giỗ là “quảy” lên nào thịt kho tàu, thịt ram, tôm rang nước dừa, nào dừa xiêm nào xoài nào dưa hấu. À, có ai còn nhớ món bắp đùm thơm mùi nước dừa lá dứa không? Gần nhà ngoại tôi có lò nấu bắp và hấp bắp đùm, khi tôi chuẩn bị ra về là cô em dâu tất tả chạy ra lò xách về mấy chục bắp mới nấu nóng hổi “chị bỏ theo xe lỡ tụi nhỏ đói thì ăn”.

Trên đường miền Tây rất dễ nhận ra “người miền Tây” trên những chiếc xe máy trước sau ràng buộc túi xách ba lô, người chạy xe hay người ngồi sau đều mặc áo khoác giữa ngày nắng như đổ lửa, là để không bị trúng nắng, trúng gió. Mùa tháng chạp gió chướng trên xe còn có mấy giỏ bánh mứt, người vợ ngồi sau cầm bó vạn thọ gói bằng mấy tàu lá ló ra chùm bông vàng rực rỡ, đúng  là vợ chồng chở nhau về nhà ăn tết với ông bà. Lúc quay lên thành phố thế nào cũng có máng ở móc xe mấy đòn bánh tét nhưn đậu nhưn chuối.

 Dọc đường gặp quán cà phê nào ưng ý thì ghé vô, ngả lưng trên những chiếc võng treo tong ten. Bạn có thể nằm đó thật lâu, dù chỉ kêu một ly cà phê ngọt như chè hay một trái dừa xiêm thanh mát, đung đưa dưới ánh nắng xuyên qua tàu lá dừa trên cao, ngó dàn bông giấy đỏ trắng tím vàng rực lên ngoài cửa quán, nghe hết những CD nhạc “sến” mà cô chủ quán luôn lẩm nhẩm hát theo, những "nếu lỡ chúng mình hai đứa xa nhau...", với "tình đẹp mùa chôm chôm" rồi sang "cây trứng cá" rồi lại đi đào ao thả cá gì đấy... lời ca giai điệu của chôm chôm với trứng cá với cây cầu dừa với rau đắng sau hè, rồi phút cuối với sầu tím thiệp hồng, ai khổ vì ai... các kiểu cây trái các kiểu dối lừa đau lòng hờn dỗi, các kiểu chim sáo mồ côi hay chim trắng cô đơn...  Sến là thế đấy nhưng cam đoan khi bạn rời quán tiếp tục lên đường, bạn sẽ thấy cuộc đời không cần gì hơn thế nữa!

Một lần ngồi trong quán ven đường như thế, ngó ra hồ sen bát ngát phía sau quán, nghe hương sen vấn vít, nôn nao theo lời ca  Lâu nay muốn qua thăm em nhưng ngại vì cầu tre lắc lẻo…  Ờ mà nhà quê giờ nhiều cầu tre lắt lẻo đã thay bằng cầu bê tông, vẫn cheo leo nhưng chắc chắn hơn. Đám cưới qua cầu, chú rể dắt tay cô dâu còn cô dâu tay nâng váy dài mà không còn phải cầm đôi giày đi chân không qua cầu khỉ. Bọn trẻ con không còn cơ hội hò reo khi ai đó lỡ trợt chân té xuống kinh rạch, các bà già trầu không phải chép miệng an ủi: đám cưới mà “gặp nước” như vầy là hên lắm nghen.
Nỗi nhớ quê chỉ giản đơn như  hương tóc mạ non  mà sao khi   Tháng ngày tuổi đời trôi theo níu chân nhau, bạc thêm mái đầu… với quê hương ta vẫn biết   tình mình dù ngăn cách sông chớ đâu cách lòng, mỗi lần nhớ nhau sao nghẹn lời…”.

Vọng cổ trưa

Đã bao lâu rồi mình chưa nghe một câu vọng cổ ở Sài Gòn, cái nôi của nghệ thuật cải lương? Tôi đã tự hỏi như thế khi bất chợt nghe thấy giọng ca Lệ Thủy ngọt ngào chân chất vang lên trong một trưa hè đứng nắng giữa bạt ngàn xanh miệt vườn Nam bộ.
“Hỡi cô đi bán đèn hồng, đèn hồng cô bán má hồng cô bán không… Đèn hồng đã có người mua, má hồng thì đã nắng mưa phai rồi…”

Có lẽ không ở đâu mà một loại hình nghệ thuật lại có sức sống bền bỉ, gắn bó sâu đậm và được người dân yêu thích như cải lương ở Nam bộ. Ra đời mới khoảng gần 100 năm nhưng cải lương đã trở thành “máu thịt” của người Nam bộ, vượt qua những năm kháng chiến chống Pháp bị coi là “ướt át ủy mị”, vượt qua thời gian dài chia cắt Bắc – Nam… Từ sau 1954 ở miền Bắc ngoài Đoàn Cải lương Nam bộ tập kết còn có hàng chục đoàn “cải lương bắc” của các tỉnh. Thời kỳ sau 1975 khó khăn cùng cực mà sân khấu cải lương vẫn  có những vở diễn trở thành kinh điển… Nhưng cho đến hôm nay thì nhiều người vô Sài Gòn, về miền Tây đã phải hỏi thăm “sân khấu cải lương Nam bộ đâu rồi? còn không?”

Ừ nhỉ, từ bao giờ sân khấu cải lương thành phố không còn nhộn nhịp sáng đèn? những “thánh đường” của Cải lương Sài Gòn đâu rồi? Rạp Aristo hay còn gọi là Trung ương Hý Viện, rạp Hưng Đạo, Olimpic, các rạp Nguyễn Văn Hảo, Thanh Bình, Hưng Đạo, Quốc Thanh, Khải Hoàn, Thành Xương, Hào Huê, Cao Đồng Hưng, Thủ Đô, Huỳnh Long, Quốc Thái, Cây Gõ… bây giờ đã biến thành gì? Các đoàn cải lương nổi tiếng như Kim Chung, gánh hát Nam Phi của bầu Năm Phỉ, gánh cải lương tuồng Tàu Phụng Hảo của bầu Nhơn-Phùng Há, gánh Việt Kịch Năm Châu của ông bầu Năm Châu. Đoàn cải lương Kim Thanh-Út Trà Ôn, đoàn Thanh Minh – Thanh Nga, các đoàn Sài Gòn 1,2,3, Hương Mùa Thu, cải lương tuồng cổ Huỳnh Long…còn ai nhớ đến…?

Thế hệ nghệ nhân “khai sáng” sân khấu cải lương như các nghệ sĩ Năm Châu, Phùng Há, Ba Vân, Út Trà Ôn… đã không còn nữa, “thế hệ vàng” của các nghệ sĩ Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Ngọc Giàu, Thanh Sang, Minh Vương, Mỹ Châu… cũng đã từ biệt sân khấu, lớp nghệ sĩ kế tiếp cũng bị mai một: người ra nước ngoài định cư, người ở lại chuyển sang tấu hài diễn kịch đóng phim lập gia đình bỏ nghề… Có ai nhớ được tên một nghệ sĩ cải lương nào thuộc thế hệ thứ tư không…?

Vậy nhưng cuộc thi “Bông lúa vàng” của Đài tiếng nói nhân dân TPHCM vẫn thu hút hàng ngàn lượt thí sinh tham gia, đủ lứa tuổi đủ nghề nghiệp, sống ở thành phố hay ở tỉnh vẫn say mê thuộc nằm lòng nhiều bài bản cổ… Những chương trình ca cổ theo yêu cầu vẫn luôn nhận được hàng ngàn lời đề nghị, lời nhắn gửi… của người yêu gửi cho người yêu, con gửi tặng ba má, bạn gửi cho bạn, của trò gửi tặng thầy… Người Nam bộ vẫn yêu cải lương và coi nó như cách tỏ bày tình cảm một cách chân thành và thoải mái nhất. Trong các quán karaoke, “hát với nhau” không bao giờ thiếu những bài ca tân cổ giao duyên – một sự “cải biên” để thích nghi với đời sống thị thành hồi thập niên 1970 của cải lương. Và người Sài Gòn, người miền Tây luôn sẵn sàng ca một, hai câu vọng cổ khi bạn bè yêu cầu. Dù là karaoke nhưng khi hạ giọng “xuống xề” người ca vẫn nhận được những tràng pháo tay giòn giã của bạn bè. Chèo ở miền Bắc, hát bài chòi hay hát bội ở miền Trung có lẽ phải “ganh tỵ” với cải lương về hiện tượng này!

Gần đây Đờn ca Tài tử Nam bộ được Unesco vinh danh là Di sản văn hóa Phi vật thể của thế giới. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể được công nhận khi chúng đã và đang có nguy cơ biến mất, biến dạng bởi những làn điệu lời ca mộc mạc chân chất không còn chỗ trong quay cuồng đời sống hiện đại, bởi con người không có sự hiểu biết đầy đủ để quý trọng và gìn giữ nó. Khi đó di sản văn hóa mới được vội vã “bảo tồn”. Một ngày nào đó có thể Cải lương cũng được vinh danh như thế…  Lẽ nào sẽ có một ngày Sài Gòn, Nam bộ không còn cải lương?!

Miệt vườn vẫn lướt qua xanh ngát ngoài kia, nắng đứng bóng tiếng gà trưa vẫn eo óc ngoài kia, giọng ca Lệ Thủy vẫn ngọt ngào quyến rũ trong bản vọng cổ trưa buồn như tiếng thở dài…

Đường về quê

Đường về miền Tây từ TP. Hồ Chí Minh mới vài năm gần đây có đoạn cao tốc từ Bình Chánh đến Trung Lương, còn lại gần như toàn tuyến vẫn chật hẹp dù đã giải tỏa mở rộng thêm nhưng mỗi bên cũng chỉ có 2 làn xe hơi. Xe máy nhiều quá đành đi vào làn đường xe hơi, nguy hiểm vô cùng. Có vài đoạn đường tránh nhưng lưu lượng xe ở quốc lộ Một vẫn không giải tỏa được bao nhiêu. Không hiểu sao đã bao nhiêu năm mà đường miền Tây vẫn “kiên trì độc đạo”?

Ngày nào cũng vậy, từ sáng tới khuya đường miền Tây lúc nào cũng nườm nượp xe cộ. Trạm dừng chân sáng đèn suốt đêm, hàng quán nơi thị tứ luôn thức khuya dậy sớm. Dưới những con sông, kinh rạch cắt ngang đường lộ có lúc nào im tiếng ghe máy ngược xuôi…

Từ Sài Gòn về các tỉnh miền Tây có bao nhiêu cây cầu? Chắc không ai biết hết. Cũng mới vài năm nay nhiều cây cầu đã được xây mới, xây thêm cầu đôi để ngày thường tránh nạn kẹt xe nhưng vào dịp lễ tết thì vẫn ùn ứ ở những “|nút thắt cổ chai” hai bên đầu cầu. Chỉ riêng con đường vô thành phố Cao Lãnh từ quốc lộ Một rẽ ngã ba An Hữu khoảng 30km đâu đã hơn 20 cây cầu, hồi “thế kỷ trước” toàn cầu sắt lót ván gập ghình, xe “bò” qua cầu và hành khách phải xuống đi bộ, chú lơ xe còn phải vác theo tấm ván lót những đoạn ván cầu bị mục. Nay cầu đã được xây bằng bê ton, đường trải nhựa ngon lành, thời gian qua đoạn đường này rút lại chỉ hơn một tiếng đồng hồ thay vì nửa ngày như trước.

Đường miền Tây vào mùa Tết đẹp nhất vì nhà nào cũng có vài cây mai, có khi cả một vườn mai nở vàng rực. Cây mai như người bạn của mỗi gia đình miền Tây, rằm tháng Chạp lặt lá để Tết nở hoa, nhìn mai nở biết người thân sắp về ăn tết. Nhìn mai rụng biết người thân sắp rời nhà đi thành phố… Cây mai trồng trong sân vườn nhưng người miền tây ít khi chặt cành mai vô chưng trong nhà mà để mai nở tự nhiên ngoài vườn. Cũng giống như ở vùng núi phía miền Bắc, đào, mận trồng trước nhà, mùa xuân nở hoa hồng hoa trắng đẹp vô cùng. Vùng thôn quê miền Bắc ít thấy trồng đào phổ biến như nông thôn Nam bộ trồng mai.

Mỗi lần về quê thấy con sông Cao Lãnh ngày càng cạn hẹp dù đã được kè bờ (má vẫn kể ngày xưa sông rộng tàu lớn còn đi về tận Nam Vang), thấy khu đất nền nhà ông cố bây giờ thành những dãy nhà phố đông đúc, nhớ hồi đó nhà máy xay gạo của ông ngoại với đống trấu đống tro cao ngang mái nhà sàn của ngoại. Trong nhà sàn gian giữa có dãy bàn thờ mà ngày giỗ ngày tết, bà ngoại, má và mấy dì mấy mợ chỉ lo cúng cơm ở đó cũng hết ngày. Nét xưa nay không còn nữa…
May mà còn những cây mai vàng khoe sắc rực rỡ trong sân nhà cậu Út để mỗi lần về lại nhận ra, dù sống ở đâu thì trong mỗi người vẫn luôn còn đó một quê hương…

Tản văn, Nguyễn Thị Hậu
Hình : internet

Kết quả hình ảnh cho miệt vườn miền Tây

THƯƠNG VỀ MIỀN THƠ ẤU



Tiểu thuyết Miền Thơ Ấu của nhà văn Vũ Thư Hiên đã gặp lại bạn đọc sau 30 năm tác phẩm đoạt Giải A Văn học thiếu nhi của Hội nhà văn VN (năm 1988).

Câu chuyện bắt đầu từ một đêm người cha bị mật thám Pháp bắt. Vài lần thăm cha trong tù và sau đó là sự thay đổi cuộc sống của cậu bé Thư. Khoảng thời gian ba năm trong truyện ngắn ngủi so với cả cuộc đời nhưng với thời thơ ấu thì không hề ngắn. Nó dài vì đấy là những năm tháng đầu tiên cậu bé Thư phải xa nhà, xa cha mẹ, xa Hà Nội về sống ở nông thôn; nó dài vì ở nhà quê cậu sống với người cô già khó tính trái nết, giấu trong lòng tình yêu thương con cháu, cả đời chắt bóp đối với bản thân và những người ruột thịt, nhưng cũng cả đời dành dụm của nả lo gìn giữ ngôi nhà ông bà để lại. Thời gian ấy dài vì cậu bé Thư đã nhận được biết bao nhiêu điều tốt, xấu, nỗi buồn cũng như niềm vui dù ít ỏi... mà tôi chắc rằng đến bây giờ khi tuổi đã ngoài 80 tác giả vẫn còn nhớ hết.

Quê nội của Thư, một làng quê Bắc bộ công giáo “toàn tòng” mang vẻ bình yên trong nghèo khó và có phần tăm tối, đấy là nơi chốn truyền đời của bao nhiêu con người hiền lành, chân thật, đầu tắt mặt tối và cam chịu số phận. Xung quanh cậu bé Thư là những người họ hàng: cô dì chú bác, anh chị em... Dù họ hàng xa hay gần thì lúc khó khăn luôn nhường nhịn giúp đỡ nhau, tuy có vài thói xấu thậm chí có lúc ác, nhưng chưa bị tha hóa. Nền nếp gia phong được coi trọng, lối sống, sinh hoạt của một làng đạo gốc được giữ gìn. Đàn ông đàn bà, già hay trẻ, có chữ hay mù chữ... các nhân vật đều hiện lên sinh động từ hình dáng, hành vi đến lời ăn tiếng nói. Lâu rồi tôi mới được “nghe” lại cách nói năng quê mùa, nhiều từ ngữ có lẽ đã mất đi từ lâu rồi...

Câu chuyện bình dị của một cậu bé ở cái tuổi đang lớn, nghịch ngợm, bướng bỉnh nhưng sáng dạ, thật thà và có lòng thương người... Người đọc không khỏi mỉm cười với vài chuyện từ nhận biết tinh tế và nhiều khi hóm hỉnh của người kể chuyện, và rưng rưng cùng cậu chứng kiến những cảnh đời những con người khốn khó. Đọc những trang viết này, một lần nữa tôi lại nhớ trải nghiệm của mình: nhiều điều tốt đẹp tôi đã học được từ những người nông dân hồi tôi sơ tán về các vùng nông thôn miền Bắc. Quả thật, đó là “những bài học nông thôn” (*) vô cùng quý giá.

Đoạn kết của truyện dừng lại ở nạn đói năm 1945, làng quê tan tác. Cậu bé Thư trở về Hà Nội khi cha cậu được ra tù. Sự dịch chuyển âm thầm của xã hội như tiếng sấm ầm ì từ xa báo hiệu một cơn giông đang đến.
***
Cuốn tiểu thuyết Miền Thơ Ấu ra đời trong hoàn cảnh thật đặc biệt. Tác giả đã viết nó trong những năm tháng trong lao tù, viết trên những mảnh giấy vụn, phải giấu thật kỹ và khéo léo đưa cho vợ con vào thăm mang về, rồi được người nhà tỉ mỉ cẩn thận chép lại... Vậy mà cả câu chuyện chỉ thấy tràn ngập yêu thương, xót xa những số phận nghèo khó. Tình cảm ấy của tác giả như tia sáng trên cao tít qua song sắt chiếu vào trại giam mang lại niềm hy vọng, rằng đêm đang qua và ngày đang đến.

Cũng như nhiều tác phẩm của nhà văn Bùi Ngọc Tấn, Miền Thơ Ấu của nhà văn Vũ Thư Hiên một lần nữa cho tôi nhận ra, khi tâm người viết trong sáng, nhân hậu thì dù trong hoàn cảnh khắc nghiệt thế nào trang viết vẫn thể hiện sự nhân văn. “Một người tốt như thế thì chắc chắn con đường mà ông đi theo không bao giờ là con đường xấu”, có thể mượn lời một nhân vật nói về cha cậu bé Thư để hiểu về tác giả.

Cám ơn anh Vũ Thư Hiên đã mang đến cho bạn đọc, cho em những trang viết tràn đầy vẻ đẹp của tâm hồn, như bản dịch tác phẩm Bông Hồng Vàng, Bình Minh Mưa em đọc từ lúc mới biết chữ... và nay, khi cuộc đời đã qua bên kia con dốc được gặp lại cả một Miền Thơ Ấu.

Sài Gòn 20.10.2018
(*) Tên một tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
 Trong hình ảnh có thể có: văn bản


VÙNG CAO


Sapa không còn lặng kẽ

Vào một ngày Đông... chuyến tàu Hà Nội – Lào Cai rời ga Hàng Cỏ chuyển bánh đi về phía Bắc đưa tôi lần đầu đến với Sapa. Trong tôi Sapa bao giờ cũng là một thị trấn nhỏ bé và lặng lẽ như một truyện ngắn tôi từng đọc. Chuyến tàu đêm cuối tuần đông khách du lịch, đi theo nhóm, đi cả đoàn, đi từng đôi, không hiếm người đi một mình… Sáng sớm tàu đến Lào Cai.
Trong chiến tranh biên giới năm 1979 Lào Cai là thành phố và là tỉnh thiệt hại nặng nề nhất. Nay thành phố đã hiện đại lên với nhiều nhà cao tầng, đại lộ thẳng tắp rộng thênh thang hai bên là những tòa nhà công sở mới của Tỉnh, tôi tự hỏi: hàng cây lơ thơ bên những ngôi nhà mái ngói cũ, cái thư viện tỉnh vắng vẻ có cô thủ thư mái tóc dài chấm đất, và mối tình thầm lặng của cô với anh công chức Hà Nội sơ tán về… không biết có thật hay chỉ có trong cuốn tiểu thuyết nào đó mà lúc này tôi ko sao nhớ ra được.

Đường lên Sapa  uốn lượn, qua dốc 3 tầng sương sớm không tan mà càng dày, hàng cây samu ven đường ngọn lá hình tháp đọng sương gợi hình ảnh Noel sắp đến.  Sài Gòn đang những ngày nắng nực, Hà Nội đẹp trời giữa Đông, cái lạnh ở Hà Nội bạn nhắc mới nhớ ra cái từ “rét ngọt”.  Còn Sapa, Sapa mù sương không phân biết sáng trưa chiều, không phân biệt đồi cao và thung lũng… Sương đọng như mưa phùn,  tưởng không rét nhưng rồi cái rét cứ thấm dần vào da thịt, càng trưa càng lạnh, ngồi yên cũng lạnh mà đi lại cũng không thấy ấm hơn, cái lạnh vào người rồi ở yên trong đó làm cho toàn thân cứ run lên.
Năm 1979 dù năm sâu trong thung lũng nhưng Sapa cũng không thoát khỏi sự tàn phá nặng nề. Vào thập niên 1990, Sa Pa được xây dựng, tái thiết trở lại.Thị trấn nhiều xe máy hơn, nhiều trạm xe khách chất lượng cao từ Hà Nội và nhiều tỉnh khác đến Sapa. Chợ Sapa vẫn đông khách tây khách ta, quanh nhà thờ quanh “phố cũ” vẫn những người phụ nữ già trẻ lớn bé, lưng địu con nhỏ tay cầm những chiếc vòng bạc, túi thổ cẩm… chào mời khách mua, tiếng Kinh lơ lớ, tiếng Anh  chỉ đủ vài từ mặc cả. Trước cửa các khách sạn những cô gái Mông chào hỏi bằng tiếng Anh khá trôi chảy với khách du lịch ba lô. Váy áo thô cẩm, quấn xà cạp, em nhỏ địu trong tấm chăn hoa sặc sỡ, những người phụ nữ Mông  từ những bản gần bản xa, lặn lội đến Sapa “làm du lịch”. Phải chăng vì phụ nữ, trẻ nhỏ làm người ta dễ động lòng “từ bi” hơn…?  Thật ra phụ nữ ở đâu cũng phải bươn chải và có thể làm tất cả vì gia đình.

Đang ngồi trong quán trước mặt là hồ nước mù sương, ly cà phê nóng ủ giữa  hai tay mà vẫn lạnh run, một bà già người Mông trên tay lủng lẳng vòng bạc, túi thổ cẩm đi qua. Bà dúi vào tay tôi mấy chiếc túi thổ cẩm: “túi bà già khâu tay đây, mua đi, mua cho bà già. Bán cho Tây là 150 nghìn nhưng cháu mua thì 100 nghìn thôi”. Chiếc túi hoa văn kỷ hà xanh nhạt, vải mỏng khá mịn, loại vải dệt máy công nghiệp, đường khâu tay cố ý để lộ sự vụng về. Cầm chiếc Samsung Galaxy của tôi đặt lên túi, bà già cười: vừa với cái này này, mua đi. Vừa nói xong bỗng bà nhớn nhác và lao nhanh ra đường. Ngoài đường mấy anh trật tự viên đang đuổi theo người bán hàng rong tịch thu hàng, túi thổ cẩm, vòng bạc, vòng cườm rơi lung tung…
Mấy người bạn hôm  trước hớn hở khoe  đã kịp trả giá và mua mấy cái vòng bạc và vài túi thổ cẩm về làm quà. Hôm sau đi chợ Sapa về, giọng tức tối: ngoài chợ giá mấy cái này chỉ bằng một nửa, mấy ông trật tự bắt người hàng rong là đúng quá!
Trong mắt tôi lại hiện ra gương mặt nhăn nheo của bà già người Mông, gương mặt đỏ lên vì lạnh của các cô gái, những em bé ngủ gật ngật ngưỡng trên lưng mẹ, những đôi bàn tay xanh chàm không bao giờ phai nhạt… Tôi ân hận, giá mà hôm qua mình mua giúp họ vài thứ…

Sắc màu cao nguyên đá

Những ngày đầu xuân tôi có dịp lên Hà Giang. Trên con đường chạy giữa bạt ngàn màu xám núi đá thi thoảng lại nhìn thấy một vài phụ nữ người Mông đi bộ, lưng gùi nặng, trong bộ trang phục nhiều màu sắc hài hòa làm cho khung cảnh nơi đây bớt phần hoang vắng.
Có thể nhận thấy trang phục đàn ông người Mông hầu như không thay đổi, từ trẻ em đến cụ già vẫn một kiểu quần áo màu đen gài hàng nút vải trong khi đó khăn váy áo của phụ nữ thì nhiều màu sắc. Vào ngày chợ phiên ở Lũng Cú, Sà Phìn hay Đồng Văn các cô gái Mông đã chọn lựa khăn áo váy thắt lưng giày…và “phối màu” với nhau rất đẹp. Họ có thể thỏai mái lựa chọn mua hàng may sẵn với chất liệu vải mềm mỏng hay bóng bẩy, in màu và nhiều họa tiết hoa văn, dập đường xếp ly… được bán la liệt ở chợ, ở các cửa hàng ven đường hay trong thị trấn. Đa số phụ nữ bây giờ có váy áo bộ mặc bộ thay, chất liệu vải mỏng nhẹ hơn vải lanh dệt nhuộm thủ công nên việc vệ sinh giặt giũ cũng dễ dàng hơn. Chị em không còn mất quá nhiều công sức cho việc dệt may váy áo, thời gian để dành cho công việc khác. Sự thay đổi này mang lại nhiều thuận lợi cho người phụ nữ.

Tuy nhiên, hàng hóa sản xuất từ Trung quốc màu sắc đa dạng, nhưng trang phục phụ nữ Mông bây giờ không còn vẻ đẹp riêng của màu sắc, hoa văn từng bộ váy áo mà trước đây họ đã kỳ công dệt may cho chính mình. Chắc không lâu nữa không ai còn thấy được sự độc đáo của trang trí hoa văn trên váy áo người Mông khác biệt với dân tộc khác như thế nào vì cách thức dệt nhuộm may thêu truyền thống của người Mông đang bị mai một… Trong những gia đình người Mông ở Lũng Cú, Đồng Văn mà tôi có dịp ghé qua hầu như ít còn khung cửi gỗ dệt vải lanh, cũng hiếm thấy cảnh người mẹ người bà ngồi đưa thoi dệt vải, các cô gái chuốt chỉ thêu váy áo...

Trang phục dân tộc - nhất là trang phục phụ nữ - được coi là loại hình di sản văn hóa phi vật thể, vì thể hiện nét độc đáo riêng của thẩm mỹ, phù hợp sinh hoạt từng tộc người qua kiểu dáng và trang trí màu sắc hoa văn. Nghề dệt may, thêu và cách thức làm ra các bộ trang phục truyền thống của các dân tộc thường do người bà, người mẹ truyền dạy cho con gái từ khi còn nhỏ… cứ thế mà được lưu giữ lâu dài qua nhiều thế hệ. Khi hòan cảnh sống thay đổi làm cho chủ nhân văn hóa ấy không còn nhu cầu hay không có điều kiện để lưu giữ và truyền lại cho thế hệ sau thì cũng là lúc cần đến vai trò của chính quyền. Bằng những phương thức “vật thể hóa” di sản văn hóa phi vật thể như chụp hình quay phim quá trình làm ra sản phẩm, sưu tầm hiện vật kỹ thuật về nghề thủ công dệt nhuộm thêu, sưu tầm các kiểu trang phục và cách thức sử dụng trang phục hàng ngày và lễ hội, và phục dựng trong trưng bày bảo tàng - đặc biệt là xây dựng bảo tàng ngay tại cộng đồng… nhà nước “can thiệp” để giúp cộng đồng bảo tồn văn hóa truyền thống của chính họ.

Hiện nay nhiều quốc gia đã duy trì và phát triển những làng nghề “du lịch bền vững”: trình diễn nghề và sản xuất những sản phẩm thủ công (như dệt may thêu trang phục dân tộc), tuy nhiên, sản phẩm phải giữ được sự độc đáo riêng của từng nơi, có vậy mới hấp dẫn và thu hút được du khách trong, ngoài nước. Khi người dân sống được bằng nghề của mình, tức là di sản văn hóa “nuôi” được cộng đồng thì cộng đồng mới duy trì và gìn giữ văn hóa, trước là cho chính mình và sau là cho đất nước.
Cuộc sống nơi vùng cao đang thay đổi nhanh chóng, sự “tồn tại hay không tồn tại” của di sản văn hóa phi vật thể nơi đây là câu hỏi đặt ra mà câu trả lời không chỉ đến từ chủ nhân của những di sản văn hóa ấy.

Biệt phủ và con đường tính từng giờ máy xúc

Những năm gần đây tôi có dịp đi đến nhiều tỉnh miền núi phía bắc: Hà Giang, Bắc Cạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang… Tại đây, cũng như nhiều tỉnh thành khác, thành phố “thủ phủ” được xây dựng “hiện đại hóa” nhanh đến mức có thể không nhận ra diện mạo “vùng cao” nếu không có những dãy núi bao quanh.

Do quỹ đất dồi dào nên trong thành phố nào cũng có công viên trung tâm hay quảng trường mênh mông, tượng đài nghìn tỷ… Trụ sở cơ quan công quyền rất hoành tráng với kiểu dáng như Tây, cơ sở hạ tầng gồm những con đường rộng 8 làn xe có dải phân cách trồng hoa, cây xanh, vỉa hè rộng rãi có nơi được lát đá granit bóng loáng, nhà mặt tiền xây dựng kiểu cách, cửa hàng cửa hiệu phong phú đa dạng không thua gì Hà Nội. Những khu “dân cư mới” mọc lên, nhà liên kế, biệt thự nhà vườn san sát mà phần lớn là của quan chức và công chức.

Đây thật là điều đáng mừng cho “vùng sâu vùng xa” nếu như không có một quang cảnh khác hẳn, thậm chí đối lập khi chỉ cần ra khỏi thành phố chừng vài mươi cây số là có thể nhìn thấy. Đó là những xã, bản mà từ hạ tầng “điện đường trường trạm” đến đời sống dân cư nói chung như vẫn còn ở thập niên 60,70 của thế kỷ trước.

Một lần chúng tôi đến một xã thuộc một tỉnh vùng trung du phía Bắc.  Chính xác hơn nơi tôi đến là một xóm nhỏ có chừng hơn 20 nóc nhà và một điểm trường cấp Một. Xóm ở tách biệt với phần còn lại của xã bởi một cái hồ lớn, nước sâu hút chưa kể mùa lũ về thì mênh mông. Xóm nằm sát chân núi, từ bến đò chỉ có đường mòn ngoằn nghèo đường dốc xuyên qua xóm nhưng không nối liền với nơi khác trong xã. Chỉ có cách đi thuyền máy qua hồ mất khoảng hơn một tiếng nếu trời yên sóng lặng, còn vào mùa mưa bão thì không ai dám mạo hiểm.

Các bạn tôi đã cùng nhau đóng góp tiền của để thuê máy xúc làm đường cùng với công sức của dân trong xóm. Sau gần ba năm có lúc tưởng chừng phải dừng lại vì chạy tiền không kịp, vì một vài thủ tục nhiêu khê…  đến nay con đường đã hoàn thành: dài hơn 20km rộng khoảng 5m có nhiều đoạn phải làm cống, vắt vẻo sát chân núi trèo qua những đỉnh núi rồi nối với đoạn đường có sẵn bắt đầu từ trung tâm xã. Không chỉ vậy ngày mừng đường mới khách về chơi còn tặng cho điểm trường ở nơi hẻo lánh này một số dụng cụ sinh hoạt văn hóa, thể thao theo đề nghị của cô hiệu trưởng.
Xóm đã có điện nay có thêm đường, không thể nói hết niềm vui của người dân trong xóm và các cô giáo ở đây. Từ nay sinh hoạt của người dân, việc đi dạy đi học thuận lợi hơn rất nhiều, đặc biệt là vào mùa thu hoạch trái cây thì xe ô tô có thể vào tận xóm mua hàng, giá cả phù hợp hơn vì không mất nhiều thời gian và công sức thuê thuyền chở ra tận chợ. Tôi hỏi anh lái thuyền máy của xã:
-       Chắc ngày nào anh cũng phải ra vào xóm này nhỉ?
-        Không cô ạ, năm chỉ đôi ba lần, chủ yếu chở các sếp và khách khứa đi chơi hồ thôi.
-       Sao vậy, thế cán bộ không thường vào xóm à?
-       Họ chả vào làm gì…
Ừ, có lẽ vậy nên mong mỏi bao năm của dân về một con đường chẳng ai “thấu cảm”. Khi về chúng tôi đi qua Trụ sở Ủy ban xã, một tòa nhà 3 tầng khá mới, khang trang, phía trước là con đường đổ bê tông rộng rãi nhưng ít người qua lại. Ra khỏi xã đã là đường cao tốc, cầu vượt, và thành phố của tỉnh hiện đại như nhiều nơi khác...

Hiện nay có rất nhiều nhóm thiện nguyện đi đến những xã, bản khó khăn và giúp đỡ người dân bằng mọi cách tùy thuộc vào khó khăn từng nơi và nguồn đóng góp. Nhưng hầu như ở đâu cũng bắt đầu từ việc chăm lo cho các điểm trường và học sinh như xây trường học và nhà nội trú, tặng học bổng hay chi phí cho những bữa ăn cho học sinh, hay như nhóm bạn tôi làm một con đường… Lòng nhiều và của cũng không hề ít nhưng không ai tính đếm vì mọi người đều coi là việc cần làm “vì các con”.
Tôi tự hỏi, các quan chức – chủ nhân của “biệt phủ” lộng lẫy hoành tráng giữa rừng núi có bao giờ biết rằng đã những có mái trường, con đường, ngôi nhà ở ngay địa phương của các vị đang quản lý được xây nên từ những giọt mồ hôi, từ đồng tiền đóng góp có khi chỉ đủ cho “một giờ máy xúc” của những người mà thu nhập cả đời của họ cũng không thể xây được một góc nhỏ ngôi biệt phủ, nhưng họ vẫn dốc sức sẻ chia vì tình thương yêu và cả vì trách nhiệm với đồng bào của mình.

“Chỉ có súc vật mới quay lưng lại nỗi thống khổ của đồng loại mà chăm lo riêng cho bộ lông của mình”. Tôi ước gì câu nói này được khắc trên tất cả cánh cửa ngôi biệt phủ của các quan chức nói láo không biết ngượng miệng khi “giải trình” về nguồn gốc đồng tiền dơ bẩn và đen tối xây dựng nên những biệt phủ.

Tùy bút, Nguyễn Thị Hậu
Hình: internet


LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...