Quán cà phê vỉa hè
Từ nhỏ tôi đã thuộc lòng tuỳ bút Cây tre Việt Nam của nhà văn Thép Mới. Nhiều lần lang thang quán xá tôi chợt nghĩ có thể dùng lối ví von như thế để nói về cà phê ở Sài Gòn. Này nhé: Sài Gòn có muôn vàn quán xá khác nhau, quán nào cũng đẹp, quán nào cũng mát… nhưng thân thuộc nhất vẫn là quán cà phê. Cà phê vỉa hè, cà phê máy lạnh, cà phê nhạc, cà phê sách, cà phê sân vườn, cà phê salon văn hoá… Đâu đâu ta cũng có quán cà phê làm bạn. Quá được, phải không?
Nói đến cà phê Sài Gòn đầu tiên phải nói đến cà phê vỉa hè vì nó có mặt khắp nơi, từ người bình dân đến công chức, từ già đến trẻ hay sồn sồn trung niên, từ đàn ông đến đàn bà… đều có thể tạt vô mua một ly mang đi, hoặc kéo ghế nhựa ngồi uống một mình hay trò chuyện chốc lát cùng bạn bè, có thể sáng ghé rồi trưa lại ghé, có thể chiều đi làm về cũng ghé, ngồi lề đường nghe ngọn gió trên cao lùa về mát rượi, thấy lòng thanh thản sau một ngày vất vả mưu sinh.
Bất cứ quán “Cà phê vỉa hè” nào cũng có “không gian địa lý” là vỉa hè một con đường nào đó, dưới tán cây cao hay cạnh bức tường loang lổ vôi bạc màu, hay sát lề con hẻm nhỏ xe cộ ra vô thường xuyên… Cà phê vỉa hè ở gần công sở, cửa tiệm, khu dân cư, trường học, có khi ở ngay những con hẻm toàn biệt thự sang trọng… vậy nên “không gian xã hội” của mỗi quán là dân văn phòng, công chức, có quán chủ yếu là sinh viên học sinh, có quán chỉ bán cho bà con trong hẻm, quán lại phục vụ khách qua đường là chính… Nhưng mọi quán đều giống nhau: thức uống chính là cà phê, dĩ nhiên, cà phê “vợt”, cà phê phin đen như than, cà phê sữa nâu sẫm, và cà phê nào cũng rất đắng! Vài chai nước ngọt, sữa đậu nành, có khi có thêm vài trái cam hũ chanh muối… rồi tủ thuốc lá với mấy cây kẹo Singgum. Dù là khách quen hay lạ thì chủ quán cũng đón tiếp vui vẻ, chiều theo sở thích, có quán còn khuyến mãi ly trà đá… Bình dân và bình đẳng là cà phê vỉa hè.
Ở cà phê vỉa hè có thể bắt gặp ai đó yên lặng một mình, mở laptop xài ké Wifi của công sở gần bên, hay nhóm đông bạn bè “tám” chuyện trên trời dưới đất chuyện quốc nội quốc ngoại…; có những người đến đó gặp nhau bàn công chuyện, uống ực cái hết ly cà phê thì chuyện cũng xong, lại lao ra đường đi làm ăn tiếp. Lại có khi nhìn thấy anh chị kia ngồi rù rì chốc lát rồi lên xe chở nhau đi mất… Ở cà phê vỉa hè giải trí có, làm ăn có, lãng mạn có, chuyện thế sự có, và chẳng làm gì, ngồi “giết thời gian” cũng có… Ở đó tràn đầy sự năng động nhưng cũng là những khoảng lặng đáng yêu của người Sài Gòn.
Bạn tôi là một nhà thơ, nói: nhiều tác phẩm văn chương đã ra đời từ những quán cà phê vỉa hè Sài Gòn. Tôi chẳng phải dân văn thơ nhưng cũng đồng ý với bạn: cà phê vỉa hè Sài Gòn luôn mang lại cho người Sài Gòn những ý tưởng và sức sống mới. Hơn thế, nó làm cho ai một lần đến Sài Gòn, ngồi cà phê vỉa hè sẽ không quên ấn tượng về nó, bởi mỗi quán cà phê vỉa hè là một Sài Gòn thu nhỏ.
Vỉa hè của quán cà phê
Sài Gòn có hàng ngàn quán cà phê lớn
nhỏ trong những ngôi biệt thự, nhà phố, chung cư… khác nhau, hợp thành một loại quán “có nhà” khác với quán lề đường, vỉa hè hay cà phê bệt ở công viên. Hầu hết những
quán này thuộc 2 loại cà phê sân vườn hoặc quán có máy lạnh, hoặc kết hợp cả
hai. Không khí dễ chịu hay không của một quán cà phê thường được tạo nên bởi 3
yếu tố: chủ quán (sở thích, thẩm mỹ, ý tưởng) – khách đến quán – không gian (nội, ngoại thất) của quán.
Những quán như vậy thường không quá sang trọng, giản dị thôi nhưng trang trí
khá bắt mắt, có “gout” riêng tạo nên sức hấp dẫn với nhiều
khách hàng.
Có những quán dường như không bao giờ đông khách, chủ
quán cũng không trông chờ điều đó mà chỉ mong chờ vài người khách “ruột” đến đấy
chỉ ngồi yên lặng lắng nghe một bản nhạc jazz hay ngắm một bức tranh. Có những
vị khách chỉ thích tìm quán vắng, nghiền ngẫm một cuốn sách hay lặng lẽ lướt
web, ngồi cả buổi với ly cà phê đá đã cạn và đã thêm vài ly trà đá… Chủ quán
cũng không sốt ruột. Một sự sẻ chia thầm lặng đã kết nối chủ và khách, đó là cà
phê hay là gì khác?
Nhiều quán như vậy ta có thể bắt gặp trên bất cứ con đường nào. Đó là những căn nhà
phố dùng mặt tiền mở quán cà phê. Quán không lớn, thậm chí nhỏ thôi,
thường có 2 không gian rõ ràng là trong nhà và ngoài vỉa hè, ngăn cách nhau
bằng tấm cửa kính mờ. Trong nhà là quầy nước, nơi tính tiền, vài bộ bàn ghế hay
salon khác nhau từng quán, máy lạnh mát rượi, nhạc êm dịu, ánh sáng vừa đủ… bên ngoài dưới mái hiên hay dưới mấy cây dù là hai, ba cái bàn, vài cái
ghế nép sát cửa nhà
Vì sao những quán cà phê này luôn có một phần quán trước cửa nhà như vậy?
Có thể trả lời được ngay: là để tận dụng mặt bằng “công cộng” mở cho không gian
của quán rộng thêm một chút. Khoảng vỉa hè này, nhà nào buôn bán cũng “lấn chiếm”,
khi để xe của khách, khi trưng bày hàng hoá sáng mang ra đến chiều tối lại mang
vô. Nhiều nơi còn có gánh hàng rong chiếm cứ. Vậy thì tại sao không tận dụng để
bộ bàn ghế, cây dù, vừa thêm chỗ ngồi vừa “tiếp thị” cho người đi đường dễ nhận
biết về quán.
Nhưng có lẽ không chỉ là như vậy. Ngoài
vỉa hè có khi nắng sớm nắng chiều chói chang, có khi mưa tạt ướt hết, vậy mà
hầu như lúc nào cũng có khách ngồi đây. Ngồi đây quay mặt ra đường, buổi sáng khách thong
thả đọc báo và uống cà phê, buổi chiều có thể ngồi đó một mình nhìn ngó đường
phố tấp nập hay vắng lặng, trong ngày có khi chỉ ghé qua, dựng vội chiếc xe,
kêu một ly cà phê đá, uống nhanh rồi xuống đường đi tiếp. Chủ quán chỉ cần nghe kêu là nhanh chóng phục vụ, có khi
mời anh/ chị vô trong nhà mát hơn, khi lại nói anh chị ngồi ngoài này cho
thoáng… Vỉa hè trước cửa như không gian mở rộng của từng căn nhà phố. Nó là nơi
giao thoa của đường phố và căn nhà, thể hiện cái riêng của từng ngôi nhà trong
cái chung của đường phố, của khu vực ấy. Có thể cảm nhận không gian văn hóa
riêng – chung của nhà và phố không cắt rời mà linh họat kết nối với nhau bằng
khoảng vỉa hè, như người Sài Gòn phóng khóang cởi mở trong giao tiếp mà vẫn tạo
ra khỏang riêng tư cho mỗi con người.
Nhiều người nói những quán cà phê mở ra khoảng không gian
vỉa hè ở Sài Gòn là tiếp thu từ phong cách cà phê Paris (nói riêng, hay là
phong cách cà phê Pháp nói chung). Ngồi đó, nhàn tản ngắm người qua đường và cuộc
sống đang diễn ra trước mắt, phiếm đàm về thời cuộc về văn chương… ấy là cà phê
Paris của văn nghệ sĩ, của tầng lớp trung và thượng lưu. Dấu ấn ấy, nếu có ở
Sài Gòn thì nay còn thấy ở những quán cà phê lâu đời trên đường Đồng Khởi, Lê Lợi,
Nguyễn Huệ… thuộc khu trung tâm thành phố. Còn những vỉa hè của quán cà phê mà
tôi kể trên đây có mặt trên các con đường lớn nhỏ ở khắp các quận huyện của
thành phố, nó là của phần đông người Sài Gòn luôn năng động nhưng nhiều lúc
cũng cần cho mình khoảng lặng bình yên.
Cà phê vỉa hè và vỉa hè của quán cà phê là hai không gian
văn hoá cà phê đặc trưng của Sài Gòn. Khi nghe tôi bảo tôi là dân cà phê vỉa
hè, bạn nói thì tôi cũng hay ngồi cà phê vỉa hè đấy chứ. Tôi cười: vâng, ông ngồi
cà phê vỉa hè Hàn Thuyên bàn cao ghế nệm có người phục vụ đeo tạp dề tinh tươm,
làm sao sánh được với tôi ghế thấp bàn nhựa, tự phục vụ và có thể… ký sổ nợ thoải
mái nếu chưa đến ngày lãnh lương.
Vậy nên viết cái tạp bút này, biết đâu có vài đồng nhuận
bút để bon chen cà phê Hàn Thuyên với bạn, xem mình có thể trở thành “thượng
lưu” được chút nào không? Mà thôi, nếu có nhuận bút thì rủ bạn ra cà phê vỉa
hè, mình cứ là mình là tuyệt nhất, phải không?
Ở Sài Gòn, Hà Nội và một vài thành phố khác ta dễ dàng
nhìn thấy những quán cà phê sân vườn trong khuôn viên các ngôi biệt thự xưa, kiểu
Pháp, được xây dựng trong khoảng nửa đầu thế kỷ XX.Có lẽ những quán cà phê như
thế này nở rộ từ sau 1975, khi mà chủ nhân của hàng loạt các ngôi biệt thự ở
Sài Gòn đã lần lượt được thay thế bằng những người khác.
Thật ra việc có một lớp cư dân khác đến sống trong các ngôi
biệt thự kiểu Pháp bắt đầu từ Hà Nội sau 1954, nhưng trước 1975 ở Hà Nội hầu
như ít thấy quán cà phê sân vườn trong biệt thự, mà nếu có, lại là vài… quán
bia hơi trong khuôn viên những ngôi biệt thự trở thành cơ quan nhà nước. Ngoài số ít biệt thự ở khu Ba Đình còn khá
nguyên vẹn, phần lớn biệt thự khác
biến thành nhà tập thể của nhiều hộ gia đình. Quá trình chung đụng, phân
chia, cơi nới làm cho những ngôi biệt thự trở nên xộc xệch, manh mún, nhếch
nhác… như một người từng có thời
trẻ tuổi đẹp trai nhưng nay ốm đau
bệnh tật, lại phải khoác lên mình những bộ quần áo cũ không vừa, vá víu và bẩn
thỉu, vì vậy, càng làm người ta tiếc nuối vẻ hào hoa một thời của chàng.
Trước 1975 Sài
Gòn cũng giống như Paris vậy: quán cà phê thường là những căn nhà trên phố, lại
mở ra khoảng
không gian vỉa hè. Ngồi đó, dưới tán dù che mát hay dưới bóng cây xanh, nhàn tản ngắm người qua đường và cuộc
sống đang diễn ra trước mắt, phiếm đàm về thời cuộc về văn chương… ấy là cà phê
Paris của văn nghệ sĩ, của tầng lớp trung và thượng lưu.Ở Sài Gòn thì nay chỉ
còn thấy phong cách này ở vài quán cà phê lâu đời trên đường Đồng Khởi, Lê Lợi,
Nguyễn Huệ… thuộc khu trung tâm thành phố.
Từ khoảng sau 1980 trong nhiều biệt thự vắng chủ lần lượt có những gia
đình đến ở. Lại quá trình chung đụng, phân chia, cơi nới… lần này còn thảm hơn:
trong khuôn viên đẹp như thế mà nhiều hộ gia đình phải làm chuồng nuôi heo, xây
bể nuôi cá trê phi để “cải thiện” cuộc sống… Cũng may quá trình này không kéo
dài như ở Hà Nội, khoảng gần mười năm sau thì có chủ trương “hoá giá” nhà biệt
thự. Nhiều biệt thự được mua đi bán lại, không còn cảnh là nhà tập thể. Những
chủ nhân mới đã biết khai thác giá trị của biệt thự, hoặc cải tạo lại cho người
nước ngoài thuê, hoặc phổ biến hơn, biến thành quán cà phê, vì không có gì kiếm
tiền nhanh bằngchủ nhà cho thuê lại biệt thự (một phần hoặc tất cả), và không đầu
tư gì kiếm lời nhanh như mở quán cà phê.Vả lại, kinh tế “mở cửa” vài năm nên cuộc
sống có phần dễ thở hơn, các thành phố trở lại nếp sống đô thị mà cà phê là một
trong nhiều thói quen sinh hoạt hàng ngày của thị dân. Có thể nói, từ lúc này
phong cách “cà phê biệt thự” của Sài Gòn nhanh chóng lan toả đi nhiều thành phố
khác.
Những
ngôi biệt thự trước đây và những quán cà phê hiện nay có điểm gì chung nhỉ?
Ở
khu vực đô thị cũ (quận 1, quận 3) cà phê – biệt thự dù ở mặt tiền hay trong hẻm
đều có khuôn viên rộng, nhiều cây xanh. Kiến trúc nhà thường một trệt một lầu, tầng
trệt thông thoáng tầng lầu có ban công nhẹ nhàng bên khung cửa mở rộng. Ban
ngày ánh nắng nhẹ hơn khi xuyên qua vòm lá xanh, ban đêm ánh đèn dịu dàng khuất
sau rèm thưa. Không gian tràn ngập tiếng nhạc thánh thót piano da diết violin
trầm lắng guitare… Tiếng hát ở đây như vẳng ra từ băng catsette của dàn Akai những
năm 80 vậy, nhạc Pháp, nhạc Trịnh Công Sơn Khánh Ly , Ngô Thụy Miên, Vũ Thành
An, Ngọc Lan Trịnh Nam Sơn… những hoài niệm, những chia ly, những đớn đau mà
tràn đầy dịu dàng tràn đầy thương nhớ. Người ra vào đông hơn chủ nhân nhà biệt
thự xưa nhưng nhiều quán cà phê vẫn giữ được không gian yên ả, không ồn ào, biệt
lập, không xô bồ như những quán cà phê sân vườn mới mở ở những khu vực khác mới
đô thị hóa. Sự phong lưu, tinh tế, có khi sang trọng còn được lưu lại trong
trang trí nội thất: những bộ salon, bàn ghế, vài bức tranh, bình bông đẹp mà
đơn giản… Những quán cà phê biệt thự ở Sài Gòn được chủ nhân chăm chút về thiết
kế và trang trí nội thất, tạo ra phong cách riêng độc đáo và quyến rũ, phần nào
cho biết tính cách của chủ nhân.
Hiện
nay nhiều cà phê biệt thự còn là những quán “cà phê sách”. Những kệ sách nhiều
kiểu dáng, những cuốn sách hay… càng tạo cho quán một không khí ấm cúng như
trong một ngôi nhà. Bên ly cà phê, cuốn sách đang mở, và sự thoải mái trên những
gương mặt chăm chú đọc… Có cần gì hơn nữa, phải không?
Vậy
còn gì khác nhau?
Thay
cho những tường cao cổng kín là hàng rào thưa thoáng hoặc chỉ ngăn cách với đường
bằng bức tường thấp hoặc bãi cỏ nho nhỏ xanh mượt, nối liền không gian quán cà
phê với con đường tấp nập ngoài kia. Những chiếc dù vươn ra vỉa hè mời gọi, hơi
nước phun sương mờ mát cả trời trưa nắng hè gay gắt khiến người đi qua không thể
không muốn ghé vào. Vào quán cà phê Sài Gòn bạn có thể kêu một món ăn nhẹ, bánh
ngọt, buổi trưa dùng một phần cơm văn phòng, và tất nhiên không chỉ có cà phê
mà còn nhiều loại thức uống khác. Bây giờ đã có một số quán cà phê chỉ có thức
ăn chay, những quán này buổi trưa rất đông khách là nhân viên văn phòng, công
chức… Quan sát xu hướng của cà phê-biệt thự Sài Gòn có thể nhận biệt xu hướng
sinh hoạt của thị dân đô thị lớn nhất nước này.
Đôi
lúc, ngồi trong những quán cà phê-biệt thự, một mình nhàn tản với ly cà phê hay
tán gẫu với bạn bè, tôi luôn tự hỏi: sự biến đổi từ biệt thự thành quán cà phê
có gì đáng tiếc hay có gì đáng mừng? Ngẫm đi nghĩ lại có lẽ sự biến đổi này “được”
nhiều hơn “mất”. Trong cơn lốc đô thị hóa vài chục năm gần đây, sự biến đổi cảnh
quan đô thị là hệ quả của lối sống thị dân “chưa hoàn chỉnh”, nếu không có những
người chủ quán cà phê đã bảo tồn không gian và kiến trúc của những ngôi biệt thự
đẹp như cổ tích này thì không biết Sài Gòn có còn gì là “hồn đô thị” ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét