TẢN MẠN TỪ BERLIN (10.2010) (1)



1.   Ký ức chiến tranh

Sau khỏang 14 giờ bay từ Hà Nội, qua một đêm dài hơn nửa ngày, Berlin đón tôi bằng cái lạnh se se của ngày thu. Mới đầu thu mà gió đã mang theo hơi lạnh đầu đông, dù hàng cây phong hai bên đường lá mới chớm vàng. Nhưng thời tiết này thì chỉ vài ngày nữa thôi cây sẽ trút lá thành những thảm vàng rực rỡ trên đường, trong rừng, trên những bãi cỏ xanh mát ở công viên... Còn giờ đây lác đác vài cây những chiếc lá vàng in lên nền trời xanh thẳm, gợi nhớ đến những bức họa mùa thu vàng của Levintal.
Buổi chiều đầu tiên chưa phải làm việc, chị Hòa, bạn tôi dẫn đến thăm một nơi mà theo chị, rất ít các tour du lịch của người Việt đến đây, đó là khu Tưởng niệm các chiến sĩ Hồng Quân trong Thế chiến thứ II. Công viên rộng lớn, vắng lặng, nhưng trang nghiêm và có lẽ, từ tình cảm và nghề nghiệp của mình, cảnh quan nơi đây mang lại cho tôi thật nhiều cảm xúc.

Khu tưởng niệm nằm giữa một công viên như khu rừng nhỏ. Trên chiếc cổng xây bằng đá còn nguyên những dòng chữ tôn vinh những người lính đã ngã xuống ở Berlin mùa hè năm 1945. Hàng rào thấp như để phân chia con đường và khu rừng phong lá còn xanh mướt, bên này là con đường lát những viên đá nhỏ dẫn vào khu tượng đài. Những thành phố châu Âu luôn mang cho tôi một cảm giác thân thuộc khi nhìn thấy lá phong vàng đã rụng gió cuốn đi rồi lặng nằm ven lề đường lát đá. Hàng trăm năm đã trôi qua, những viên đá hằn dấu thời gian vẫn được gìn giữ, trở thành những chứng nhân thầm lặng của lịch sử, trở thành ký ức của biết bao người từng sống và từng đến nơi đây.

Buổi chiều, công viên vắng, chỉ có tiếng lá kêu xào xạc. Những hàng liễu đứng thẳng tắp như hàng lính đứng nghiêm bên ngôi mộ các chiến sĩ vô danh, hàng liễu lá rủ sau tượng đài như nỗi đau của những Người Mẹ. Tượng đài chính trên một ngọn đồi thấp có những bậc thang dẫn lên, xung quanh viền những vòng nguyện quế đúc bằng đồng. Người lính Xô Viết tay bồng một bé gái, tay kia cầm thanh kiếm mũi chúc xuống đất. Gương mặt người lính và bé gái thảng thốt như vừa thóat khỏi một tai nạn khủng khiếp. Nghe kể rằng ý tưởng về tượng đài này xuất phát từ một câu chuyện có thật: một người lính Xô Viết đã lao ra cứu sống một bé gái giữa làn đạn, một phóng viên tình cờ chụp được bức hình người lính bồng em bé, vai khóac khẩu súng chúc nòng xuống đất. Tượng đài ra đời như thế. Mấy chục năm đã trôi qua, người ta tìm được cô bé ngày nào đã trở thành một phụ nữ, còn người lính vô danh ấy đã hy sinh ngay trong trận đánh.

Tượng đài của khu tưởng niệm gắn những dòng chữ tiếng Nga mà không cần dịch ra tiếng Đức. Những nỗi đau của chiến tranh, những sự hy sinh cho hòa bình có lẽ không cần phiên dịch bởi bất cứ nơi nào trên trái đất con người cũng cảm nhận và thấu hiểu về nó như nhau.

Bên dưới chân tượng đài luôn có những bông hoa tươi, bông hồng, bông cúc, có cả những nhành hoa dại. Chỉ có vài người ở đó nhưng tôi nghe thấy tiếng Đức, tiếng Nga, tiếng Anh… Một chú bé khỏang 2,3 tuồi lẫm chẫm từ chân đồi đi lên, mái tóc bạch kim sáng rực lên trong nắng chiều, dáng nhỏ nhoi của chú bé và bức tượng đài hòanh tráng bên nhau trông thật gần gũi và bình dị như bất cứ gì ta nhìn thấy trên đường phố, nhưng sao lòng tôi rưng rưng. Sự hy sinh to lớn của các thế hệ chính là để bảo vệ sự sống và sự hồn nhiên của trẻ thơ ở bất cứ nơi nào trên trái đất. Chiến tranh rồi cũng qua đi. Những tượng đài kỷ niệm chiến tranh trở thành di sản văn hóa vì không chỉ ghi lại một sự kiện mà vì ý nghĩa nghệ thuật của tác phẩm điêu khắc đó mang gía trị nhân văn của lòai người. Tôn trọng những sự kiện của thời đã qua, bảo vệ ký ức của tiền nhân, gìn giữ di sản tinh thần cho đời sau… là sự thể hiện bản chất văn hóa của mỗi con người của mỗi thể chế.

Tôi nhớ có đọc trong một tác phẩm của Dumbatze, nhà văn Gruzia, một chuyện như sau: ông chủ tịch nông trang nọ đặt một nhà điêu khắc làm tượng đài kỷ niệm trận đánh đã diễn ra ở địa phương đó. Nhà điêu khắc phác thảo một người lính cầm súng trong tư thế lao lên phía trước. Ông chủ tịch bảo, đại khái: chiến tranh với lính tráng và vũ khí thì chúng tôi nhìn thấy nhiều rồi, anh vẽ giỏi mấy cũng ko thể đúng như chúng tôi đã thấy. Cái tôi cần là anh làm thế nào cho người ta ghê sợ chiến tranh, để sống tử tế hơn, để nuôi nhiều bò làm ra nhiều sữa, trồng nhiều lúa mì hơn, cho trẻ con được lớn lên dưới bầu trời xanh… Bạn có nhận thấy không, các tượng đài về Thế chiến II ở Liên Xô cũ và nhiều nước Đông Âu đều rất đẹp và buồn, “nỗi buồn chiến tranh”, đúng là như vậy đấy!

Chiều thu Berlin nắng nhạt dần, gió vẫn vi vút trên những hàng liễu. Vẫn biết không tượng đài nào bền vững như lòng người… nhưng sao vẫn chạnh lòng khi nhớ đến những nghĩa trang bạt ngàn tên tuổi những người đã nằm xuống trong suốt mấy chục năm chiến tranh trên đất nước ta.

2.    Tiếng phong cầm trên đường phố Potsdam

Thành phố Potsdam một chiều tháng chín se lạnh nắng vàng rực rỡ.
Khu phố trung tâm tấp nập du khách, dãy cửa hàng nhộn nhịp người mua sắm, ăn uống, tán gẫu, dạo chơi… Bỗng đâu tiếng phong cầm rộn vang cả một đọan đường. Giai điệu của những bài hành khúc Liên Xô không lẫn vào đâu được. Tiếng nhạc kéo tôi đi về phía một nhóm mấy người đàn ông trung niên trong bộ quân phục Xô Viết vừa đàn vừa hát, chân dập nhịp nhàng, thân mình lắc lư theo tiếng nhạc sôi động. Lời hát tiếng Nga vừa quen vừa lạ. Lâu lắm rồi mới được nghe những giọng nam phối bè “đặc Nga” như thế.

Giai điệu làm sống lại một thời chưa xa, thời mà đối với nhiều người Việt Nam đất nước Liên Xô vô cùng thân thuộc dù có thể chưa từng đến đó. Tôi cũng chưa một lần đến nước Nga, chỉ biết và yêu mến nước Nga qua các tác phẩm văn học cổ điển và văn học Nga – Xô Viết. Rất nhiều tác phẩm đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam, những dịch giả thời ấy thấu hiểu ngôn ngữ Nga giàu cảm xúc và đã chuyển ngữ bằng thứ tiếng Việt trong sáng, uyển chuyển và tinh tế. Qua đó “tâm hồn Nga” đến với người Việt Nam như không có khỏang cách không gian, không còn khỏang cách thời gian, chỉ còn sự đồng cảm sẻ chia của những CON NGƯỜI. Hồi nhỏ, khi biết đọc, cuốn sách đầu tiên tôi tìm thấy trong tủ sách của ba tôi là cuốn Bông Hồng Vàng của Pauxtopxki do Vũ Thư Hiên dịch. Tôi vẫn nghĩ đây là một may mắn vì số phận đã mang đến ngay cho tôi vẻ đẹp của văn học từ  Bông Hồng Vàng. Cho đến bây giờ đây vẫn là cuốn sách tôi yêu qúy nhất, thường đọc lại mỗi khi muốn tìm cho mình một chốn bình yên, một niềm an ủi.

Suốt thời thanh niên, cùng nhiều bạn bè chúng tôi không ai không thuộc vài bài hát Nga, nhất là "Cachiusa" – bài hát quen thuộc đến mức mọi người đều nghĩ đây là một bài dân ca Nga. Những bài hát đến với người Việt từ những bộ phim nổi tiếng như "Pie Đại Đế", "Sông Đông êm đềm", "Khi đàn sếu bay qua", "Số phận một con người", "Bài ca người lính"...  Đến những ngày đầu tháng 5/1975 thanh niên ở Sài Gòn cũng bừng bừng lời ca "Thời thanh niên sôi nổi" Lòng ta hằng mong muốn và ước mơ. Bàn tay son sắt giương cao ngọn cờ. Để ngàn đời bền vững Tổ Quốc ta. Trời cao muôn ngàn năm chói lòa... Rồi lời ca trầm hùng "Cả tình yêu trao cuộc sống có thấy chăng ơi cuộc đời tình ta thắm nồng" trong bài "Cuộc sống ơi ta mến yêu người". Vở kịch "Câu chuyện Irkust" được mọi người nhớ đến nhiều hơn từ bài hát "Xi-bê-ri nở hoa". Rồi ca khúc "Chiều Maxcơva" là một trong những bài hát trữ tình nổi tiếng chúng ta được nghe nhiều nhất mỗi năm vào những ngày lễ của nước Nga. Riêng tôi rất thích những bài hát mang âm hưởng dân ca Nga như bài “Cây liễu”, “Cánh đồng Nga”, “Tuổi 18”, “Cây thùy dương”…Còn nhớ có một thời gian tôi học tiếng Nga với một cô giáo người Nga. Ngày mùng 7 tháng 11 năm ấy trường tổ chức biểu diễn văn nghệ, khi nghe tôi hát bằng tiếng Nga “Tuyệt vời… những cánh đồng lúa nước Nga, người là tuổi trẻ là ước mơ của chính tôi…”, đôi mắt cô giáo rơm rớm. Từ đó cô luôn âu yếm gọi tôi bằng cái tên rất Nga là Natasa.
Những giai điệu Nga đã trở thành  một phần ký ức tuổi trẻ chúng tôi.

 Ở các thành phố châu Âu ta vẫn gặp những “nghệ sĩ đường phố”. Nhưng nhóm nhạc Nga trên đường phố Potsdam hôm nay đã cho tôi thêm một sự bất ngờ trong thời gian ngắn ngủi tôi ở nước Đức. Giữa thủ đô Berlin khu tưởng niệm các chiến sĩ Hồng quân trong thế chiến thứ 2 vẫn còn đó dù chính thể Liên Xô, Đông Đức không còn tồn tại. Và ở đây, nơi gắn liền với sự kiện Hiệp ước Potsdam lịch sử (1), những người đàn ông trong quân phục Liên Xô vẫn đàng hòang biểu diễn những bài hát Nga – Xô viết trên đường phố. Quen thuộc là thế nhưng khi nhìn những gương mặt Nga trong bộ quân phục, nghe những bài hát thân thuộc thủa nào, có gì đó ngậm ngùi…khiến tôi không thể dừng chân lâu hơn. Gần đó, trên ghế băng dài mấy người phụ nữ Đức ngồi nghe như đang hòa mình với bài hát, chân nhịp nhịp, đôi tay vung lên quay cùng điệu nhạc. Có lẽ họ cũng như tôi đang nhớ lại ký ức một thời đã qua.
Đi xa rồi vẫn nghe tiếng phong cầm day dứt một giai điệu thật đẹp mà cũng thật buồn “Giờ này anh về đâu, hỡi người bạn cũ cùng trung đòan, đã dấn bước cùng tôi trên chặng đường xa…”.
Trên bầu trời xanh cuối thu những đàn chim đã bắt đầu bay về phương Nam.

3. Mùa thu xanh
 
Mùa thu, mùa được nhiều người coi là đẹp nhất trong năm ở Châu Âu: Mùa thu họach nhiều lọai cây trồng, ban ngày nắng ấm vẫn còn dài nhưng ban đêm hơi lạnh mùa đông đã hiện diện. Không khí trong lành tràn hương thơm từ hoa nở trên đường phố, trên ban công, trong những khu vườn, hương thơm từ các lọai trái cây chín đỏ từ những nông trại theo ra đến chợ, vào tận các cửa hàng trong thành phố.

Từ sân bay Berlin về trung tâm thành phố tôi hơi ngạc nhiên vì ngỡ mùa thu châu Âu vàng như những bức tranh tôi từng biết nhưng Berlin lại hiện ra với tràn ngập màu xanh của cây của lá của công viên như những khu rừng nhỏ. Trên mọi con đường đều có bóng cây: cây phong, cây liễu, bạch dương, và nhiều lọai cây khác tôi không biết tên. Cây trồng trên lề đường, hoa trên ban công, cây dây leo trên những bức tường… những thảm cỏ xanh, những khu vườn còn nhiều cây cổ thụ trông hoang dại như khu rừng nhỏ… Ngòai những con đường, những tòa nhà, bất cứ nơi nào trống là màu xanh có mặt mang lại cảm giác thư thái bình yên. Mà khoảng đất dành cho cây cho hoa nhiều lắm, nhiều đến mức hầu như người ta ít để ý đến những tòa nhà kiến trúc kiểu Gotic nặng nề hay những tòa nhà mấy cục tầng cao ốp kinh như ở những thành phố khác. Không biết gọi Berlin là “rừng trong thành phố” hay “thành phố trong rừng” thì chính xác hơn?

Vùng ngọai ô Berlin hầu như còn nguyên những khu rừng tự nhiên. Hàng ngày đi từ Berlin về Templin khoảng gần 3g xe hơi tốc độ 120km/g, hai bên đường hút mắt là rừng cây, bãi cỏ chăn nuôi, những chú bò ung dung gặm cỏ. Có những đọan đường đẹp như tranh vẽ, mỗi sớm mỗi chiều ánh mặt trời làm những hàng cây bừng lên lộng lẫy. Thi thoảng ven đường có tấm biển báo hiệu đọan đường thường có thú rừng chạy ngang, đủ biết hệ sinh thái trong rừng còn nguyên sơ đến thế nào. Anh lái xe kể: Trên đường đi nếu gặp thú bị thương nằm ở ven đường thì mọi lái xe đều tự giác gọi ngay cứu hộ và bảo vệ con thú cho đến khi đội cứu hộ có mặt. Trong rừng có nhiều trạm báo cháy lắp đặt thiết bị quan sát được hàng trăm hecta, bất cứ nơi nào có dấu hiệu cháy rừng là Trung tâm nhận được ngay tín hiệu từ trạm. Các phương tiện chữa cháy và cứu hộ được điều đến ngay và đám cháy được dập tắt ngay trong chốc lát. Mùa thu hanh khô là mùa dễ cháy rừng nếu ai đó chỉ vô ý vứt một tàn thuốc lá, vì vậy mọi người đều rất tự giác giữ gìn và bảo vệ rừng.

Trong các ga metro, ga đường sắt tôi hay gặp những quầy bán hoa của người Việt. Những loài hoa tươi tắn trong cái se lạnh mùa thu: hoa cúc, hoa hồng, layơn, hoa ly, mimoda, thạch thảo… Những chậu hoa lớn nhỏ sẽ theo người về trang trí từng ngôi nhà, những bó hoa xinh xắn sẽ được trao tặng cho các cô gái những người phụ nữ. Đôi bàn tay khéo léo của người bán làm tăng thêm vẻ đẹp của những bông hoa. Cần mẫn kiếm sống và góp phần làm đẹp cho cuộc sống, tôi chợt nghĩ rằng có lẽ từ công việc của mình những người này sẽ yêu quý thiên nhiên, yêu quý cái đẹp hơn chứ không chỉ coi đây là một việc để kiếm tiền, dù trên gương mặt họ vẫn nhiều ưu tư.

Chưa kịp quen với màu xanh ở Berlin thì lá đã chuyển vàng và rụng theo những cơn gíó chớm lạnh. Mùa thu vàng đang đến rồi cũng sẽ qua rất nhanh. Để rồi mùa đông cây sẽ ủ trong mình những mầm lá, xuân đến lộc nảy chồi non, mấy tháng nữa thôi lại một màu xanh mới tràn ngập nơi đây. Tôi không muốn rời Berlin trong ám ảnh màu vàng chia ly mà chỉ muốn chia tay trong một sắc thu xanh như ngày đầu tôi đến./.

 Berlin, 10/2010

 Không có văn bản thay thế tá»± Ä‘á»™ng nào.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...