Tiểu thuyết Miền Thơ Ấu
của nhà văn Vũ Thư Hiên đã gặp lại bạn đọc sau 30 năm tác phẩm đoạt Giải A Văn
học thiếu nhi của Hội nhà văn VN (năm 1988).
Câu chuyện bắt đầu từ một
đêm người cha bị mật thám Pháp bắt. Vài lần thăm cha trong tù và sau đó là sự
thay đổi cuộc sống của cậu bé Thư. Khoảng thời gian ba năm trong truyện ngắn
ngủi so với cả cuộc đời nhưng với thời thơ ấu thì không hề ngắn. Nó dài vì đấy
là những năm tháng đầu tiên cậu bé Thư phải xa nhà, xa cha mẹ, xa Hà Nội về
sống ở nông thôn; nó dài vì ở nhà quê cậu sống với người cô già khó tính trái
nết, giấu trong lòng tình yêu thương con cháu, cả đời chắt bóp đối với bản thân
và những người ruột thịt, nhưng cũng cả đời dành dụm của nả lo gìn giữ ngôi nhà
ông bà để lại. Thời gian ấy dài vì cậu bé Thư đã nhận được biết bao nhiêu điều
tốt, xấu, nỗi buồn cũng như niềm vui dù ít ỏi... mà tôi chắc rằng đến bây giờ
khi tuổi đã ngoài 80 tác giả vẫn còn nhớ hết.
Quê nội của Thư, một làng
quê Bắc bộ công giáo “toàn tòng” mang vẻ bình yên trong nghèo khó và có phần
tăm tối, đấy là nơi chốn truyền đời của bao nhiêu con người hiền lành, chân
thật, đầu tắt mặt tối và cam chịu số phận. Xung quanh cậu bé Thư là những người
họ hàng: cô dì chú bác, anh chị em... Dù họ hàng xa hay gần thì lúc khó khăn
luôn nhường nhịn giúp đỡ nhau, tuy có vài thói xấu thậm chí có lúc ác, nhưng
chưa bị tha hóa. Nền nếp gia phong được coi trọng, lối sống, sinh hoạt của một
làng đạo gốc được giữ gìn. Đàn ông đàn bà, già hay trẻ, có chữ hay mù chữ...
các nhân vật đều hiện lên sinh động từ hình dáng, hành vi đến lời ăn tiếng nói.
Lâu rồi tôi mới được “nghe” lại cách nói năng quê mùa, nhiều từ ngữ có lẽ đã
mất đi từ lâu rồi...
Câu chuyện bình dị của
một cậu bé ở cái tuổi đang lớn, nghịch ngợm, bướng bỉnh nhưng sáng dạ, thật thà
và có lòng thương người... Người đọc không khỏi mỉm cười với vài chuyện từ nhận
biết tinh tế và nhiều khi hóm hỉnh của người kể chuyện, và rưng rưng cùng cậu
chứng kiến những cảnh đời những con người khốn khó. Đọc những trang viết này,
một lần nữa tôi lại nhớ trải nghiệm của mình: nhiều điều tốt đẹp tôi đã học
được từ những người nông dân hồi tôi sơ tán về các vùng nông thôn miền Bắc. Quả
thật, đó là “những bài học nông thôn” (*) vô cùng quý giá.
Đoạn kết của truyện dừng
lại ở nạn đói năm 1945, làng quê tan tác. Cậu bé Thư trở về Hà Nội khi cha cậu
được ra tù. Sự dịch chuyển âm thầm của xã hội như tiếng sấm ầm ì từ xa báo hiệu
một cơn giông đang đến.
***
Cuốn tiểu thuyết Miền Thơ
Ấu ra đời trong hoàn cảnh thật đặc biệt. Tác giả đã viết nó trong những năm
tháng trong lao tù, viết trên những mảnh giấy vụn, phải giấu thật kỹ và khéo
léo đưa cho vợ con vào thăm mang về, rồi được người nhà tỉ mỉ cẩn thận chép
lại... Vậy mà cả câu chuyện chỉ thấy tràn ngập yêu thương, xót xa những số phận
nghèo khó. Tình cảm ấy của tác giả như tia sáng trên cao tít qua song sắt chiếu
vào trại giam mang lại niềm hy vọng, rằng đêm đang qua và ngày đang đến.
Cũng như nhiều tác phẩm
của nhà văn Bùi Ngọc Tấn, Miền Thơ Ấu của nhà văn Vũ Thư Hiên một lần nữa cho tôi
nhận ra, khi tâm người viết trong sáng, nhân hậu thì dù trong hoàn cảnh khắc
nghiệt thế nào trang viết vẫn thể hiện sự nhân văn. “Một người tốt như thế thì
chắc chắn con đường mà ông đi theo không bao giờ là con đường xấu”, có thể mượn
lời một nhân vật nói về cha cậu bé Thư để hiểu về tác giả.
Cám ơn anh Vũ Thư Hiên đã
mang đến cho bạn đọc, cho em những trang viết tràn đầy vẻ đẹp của tâm hồn, như bản
dịch tác phẩm Bông Hồng Vàng, Bình Minh Mưa em đọc từ lúc mới biết chữ... và
nay, khi cuộc đời đã qua bên kia con dốc được gặp lại cả một Miền Thơ Ấu.
Sài
Gòn 20.10.2018
(*) Tên một tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét