TÀN MẠN TỪ BERLIN (2)


4.    Đường mùa thu

 Mỗi ngày, từ vùng Templin qua mấy chặng tàu xe mất gần 3g đến Berlin làm việc rồi cũng ngần ấy thời gian quay về khách sạn. Chiều hôm qua làm việc xong mọi người mải mê mua sắm và chụp hình ở khu trung tâm Berlin đến tối mịt mới về đến Templin. Chuyến xe bus cuối cùng đã hết từ trước đó hơn một tiếng nên từ ga xe lửa đi bộ về khách sạn, khỏang 3km. Con đường nhỏ chỉ đủ 2 làn xe chạy giữa rừng thông, một bên là lối đi nhỏ lát gạch sạch sẽ dành cho xe đạp, bên kia lề đường rộng rãi và những ngôi nhà nhỏ một trệt một lầu. Những gian phòng ấm cúng ngọn đèn vàng, cửa sổ sơn màu sáng buông rèm trắng, bệ cửa đặt những chậu hoa nho nhỏ đủ màu sắc. Bậc tam cấp bằng gỗ tay vịn thanh mảnh, cửa ra vào sơn màu sẫm… Khung cảnh gợi nhớ một truyện ngắn đầy ám ảnh của nhà văn Nguyễn Thị Minh Thái “Ngồi đợi ở bậc thềm”  dù nơi đây yên bình đến mức có thể ngồi đợi một ai đó ở bậc thềm ngôi nhà xinh xắn này cho đến hết đời… (mà mình thì cũng đã cuối đời rồi còn đâu…)

Con đường mùa thu trải dài qua rừng thông những cành thấp đã rụng hết chỉ còn phần ngọn xanh lá. Mùa thu sẽ qua rất nhanh, thông rụng lá để đón gió lạnh mùa đông và những bông tuyết đầu mùa. Nếu không rụng lá cây khó mà đứng vững trước sức nặng khi tuyết phủ trắng trĩu nặng cành cây.
Con đường mùa thu vun vút qua rừng bạch dương thân trắng lốm đốm nâu đen, dáng thanh mảnh vươn cao, rừng đấy mà bạch dương trông vẫn cô đơn. Mặt đất khô ráo thảm lá vàng trông chỉ muốn ngả lưng xuống đó mà ngắm bầu trời xanh thăm thẳm trên kia, để cho ý nghĩ không đầu không cuối lang thang bất định…

Con đường mùa thu đẩy lùi về phía sau những hàng phong tán lá sum sê, ngọn chớm vàng. Nắng sớm nắng chiều làm màu lá ánh lên như dát vàng. Gió lạnh thế này chỉ vài bữa nữa thôi những cây phong sẽ nhuộm vàng rồi đỏ rực… Mùa Thu ngắn lắm, vì vậy những sắc màu rực rỡ nhất vội vã thu hết cả vào lá vào hoa, vào sắc trời vào mặt nước… Từ sáng đến tối, bất cứ lúc nào cũng có thể nhận thấy những màu sắc phô bày không dấu diếm. “Quý bà mùa thu” đang ở vào độ tuổi đẹp nhất, rực rỡ mà đằm thắm. Sắc đẹp làm người ta ngưỡng mộ và thoáng nao lòng…

Con đường mùa thu thấp thóang hồ nước mỗi sớm hơi sương bốc lên mờ mịt, từ hàng liễu rủ ven hồ bỗng một cánh chim vút bay lên. Xa xa chiếc thuyền nhỏ, chiếc cầu nhỏ… Buổi chiều mặt nước lặng lẽ trong vắt như gương in bóng hàng liểu rủ trông như những bức tranh thủy mặc.
Con đường mùa thu qua những ngôi làng nhỏ. Những ngôi nhà vút qua cũng nhỏ nằm giữa khu vườn xinh xinh trồng hoa, những luống rau, vài cây táo trong sân, hàng rào gỗ sơn nâu, mái ngói xám dốc đứng, cửa sổ tầng sát mái như đôi mắt lặng ngắm con đường thẳng tắp chạy qua chia ngôi làng làm hai nửa.

Con đường mùa thu là tuyến đường sắt trải dài mọi miền đất nước, đường ray và hàng tà vẹt như cũ mòn nhưng những đòan tàu thì hiện đại, rộng rãi, sạch sẽ, tiện nghi làm người đi không ngán ngại thời gian dài di chuyển. Đường sắt cao tốc nối liền các nước rất hiệu quả, còn trong nước thường thấy hệ thống đường sắt khổ 1,4m vận chuyển người và hàng hóa với hệ thống ga tàu có những dịch vụ tiện dụng, đầy đủ thông tin cho hành khách, chỉ tiếc là tòan bằng tiếng Đức, đọc khó vô cùng.

Từ một ga nhỏ quạnh vắng, người đàn ông trung niên bước lên tàu. Tay cầm gậy, tay kia dẫn chú chó bergiê lông loăn xoăn màu vàng nâu. Ông khiếm thị. Chú chó to lớn ngoan ngõan quanh quẩn sát chân ông, thỉnh thỏang dụi đầu vào tay ông chủ như muốn nói rằng mình vẫn ở ngay bên cạnh. Người đàn ông xoa đầu nó và nói thầm gì đấy trông rất âu yếm. Bất giác chú chó ngước nhìn tôi. Chao ôi, một đôi mắt to tròn màu nâu quá đỗi dịu dàng... Chú Vàng ơi, nếu ông chủ không bị khiếm thị thì đôi mắt chú có buốn đến thế…?

Chiều xuống chầm chậm nhưng rồi bóng đêm lướt đến. Tôi xuống ga, đòan tàu chuyển bánh. Không biết người đàn ông và chú chó có đôi mắt buồn còn đi đến tận đâu…
Ngày Thu sắp hết…

5.    Sans souci (không buồn lo)

 Đi chơi với em mà chị lo đủ thứ: nào là đi tàu nào, ở ga nào, đến đâu xuống, đến nơi thì: đi phía nào, bản đồ du lịch đâu… rồi lại thắc mắc sao mấy cái bảng chỉ dẫn ở khu này rắc rối thế, đọc chả hiểu gì, lo trễ tàu, lo em không kịp ra sân bay… haizzz, lo suốt, chả thư thả lúc nào.
Còn em thì cứ tỉnh queo: đi đường này này, một lúc quay lại vì… nhầm, mình lên tàu này đi mấy ga thôi… một lúc: mình xuống tàu vì đi quá rồi. Rồi: đi bộ tí nhé, đằng kia có bến xe bus… một tí của em là khỏang… hơn 1 km… Túm lại là chị thì nửa tin nửa ngờ mà vẫn lẽo đẽo đi theo em, em thì cũng nửa ngờ nửa tin vào cái “bản đồ” trong trí nhớ của mình mà vẫn hiên ngang dẫn chị loanh quanh khắp khu trường Đại học rộng mênh mông, cuối cùng lại nhờ chị tinh mắt nhìn thấy nơi Hội thảo, còn mấy cái bảo tàng thì ở ngay… đầu con đường hai chị em đứng đấy xem bản đồ và hỏi thăm bao nhiêu người. Em cười vui vẻ khen: sao chị nhìn thấy hay thế?

Đi chơi với em nói đủ chuyện vẫn không thóat khỏi những lo âu thường trực trong chị: công việc của em thế nào, tính khí cứ ngang bướng thế nhỡ có chuyện gì… Em lại cười vui vẻ: thì vẫn có chuyện đấy chứ! – Rồi sao? – Thì kệ, tới đâu hay tới đó. Nhỡ người ta không cho làm nữa…? Thì tìm việc khác, lo gì! Hết biết với em luôn! Thế mới thấy chị và em rất khác nhau: Ở đây chị là người lạ, lúc nào cũng nơm nớp “xảy nhà ra thất nghiệp”, vì vậy đi đâu cũng phải chuẩn bị kỹ càng, nhớ mua vé, nhớ quẹt vé, nhớ xem bản đồ, nhớ giờ tàu đi về, nhớ đủ thứ…
Còn em là người “hơi quen” vì đã từng ở đây một thời gian ngắn, tiếng Đức nghe đến đâu nhớ ra đến đấy, tự tin nói ào ào, quên thì lại xổ tiếng Anh… Em bảo: bên này giờ giấc mọi cái cứ theo quy định, tàu xe có liên tục không đi chuyến này thì chuyến sau, mà trễ thì ở lại mai về sớm, có gì mà lo…

Thế mới thấy môi trường sống tạo cho phong cách người ta khác nhau: con người ở đây khẩn trương mà ung dung, họ luôn tự tin vì biết quanh mình mọi cái đều vận hành “chuẩn không cần chỉnh”. Còn ở nhà mình lúc nào cũng vội vàng mà vẫn luôn lo lắng… nơm nớp vì không biết chuyện gì sẽ xảy ra, dù mọi việc có “chỉnh” mà vẫn không thể “chuẩn”…
Chợt nhớ bàn tay em vỗ nhẹ lên vai chị: đến Sans souci thì đừng lo lắng, vui đi, chị! Lại chợt buồn: thời gian nhanh quá, đã sắp hết ngày rồi… (lại nghĩ quá một chút: thì cũng sắp hết đời roài!) Uh, nếu có lần sau quay lại (và nếu có kiếp sau), nhất định chị sẽ sans souci!

6.    Bạn xa xứ

Internet mang lại cho con người những trải nghiệm thú vị về một thế giới mênh mông mà cũng vô cùng nhỏ bé. Thế giới rộng lớn qua các địa danh nhưng lại nhỏ xíu khi chỉ một cái clich là có thể đến bất cứ  nơi nào mình muốn. Dù ở nơi đâu trên trái đất người ta cũng dễ dàng quen biết nhau, có thể cả đời chẳng gặp mặt mà vẫn trở thành bạn bè.
Tôi đã quen nhiều người bạn như thế. Dù gặp gỡ đổi trao thân thiết hàng ngày trên mạng nhưng khi có cơ hội thì chúng tôi vẫn cố gắng tìm gặp nhau, và thật may mắn vì những cuộc gặp gỡ ấy chưa bao giờ làm chúng tôi thất vọng.
Vào những ngày cuối thu năm 2010 tôi có chuyến công tác dài ngày ở Cộng hòa liên bang Đức. Trước khi đi tôi đã nhận được từ nhiều bạn bloggers lời “rủ rê” đến chơi nơi này nơi khác. Nhưng rồi lịch làm việc kín mít nên tôi chỉ có thể gặp được vài người. 

Ngay buổi chiều đầu tiên tôi đến Berlin, một người chị mà tôi cũng chỉ quen trên mạng, đã đến đón và đưa tôi đi đến một nơi khá đặc biệt: Khu tưởng niệm Hồng quân Liên xô trong thế chiến II, một nơi rất ít khi có khách Việt Nam đến tham quan. Chị bảo đây là một trong những nơi đẹp nhất Berlin. Quả nhiên như vậy, khi đứng trước tượng đài Người mẹ và các chiến sĩ Hồng quân, tôi hiểu chị cũng như chúng tôi, ký ức của một thời chiến tranh một thời gian khó không dễ gì trôi qua dù hòan cảnh đã có nhiều đổi thay. Sống ở Berlin gần 20 năm mà chị vẫn giữ phong cách Hà Nội thuần khiết, chu đáo, nhiệt tình, giọng nói nhẹ nhàng.

 Những ngày sau đó dù công vịêc rất bận rộn mà chị vẫn tranh thủ buổi chiều sau giờ làm việc đưa tôi đi nơi này nơi kia. Đường đông đúc mà chị vừa lái xe rất “lụa” vừa nói chuyện với tôi. Anh chị thường xuyên lên mạng xem tin tức ở nhà, rồi trao đổi với các con để chúng gần gũi với quê hương hơn. Hai con của  anh chị học rất giỏi, và nói tiếng Việt cũng rất hay dù chúng được sinh ra trên đất Đức. Có hôm hai chị em về đến nhà đã thấy cháu trai nấu xong nồi cơm, đang sửa sọan thức ăn. Tôi hỏi cháu có thích ăn thức ăn Việt Nam không, cháu nói rất thích vì mẹ cháu nấu rất ngon. Chị bảo, cả ngày cháu ở trường ăn đồ ăn Tây, nói tiếng Đức tiếng Anh nên về nhà nấu cơm Việt để trong bữa ăn nói tiếng Việt nhiều hơn. Học ngôn ngữ qua đường… dạ dày là nhanh nhất, phải không, chị cười hóm hỉnh.

Cũng qua một người bạn trên mạng mà tôi được đến thăm một lớp học đặc biệt ở Berlin: Lớp dạy nhạc dân tộc của anh Hùng và chị Hoa, cũng là người Hà Nội. Đến thăm anh chị vào một buổi chiều muộn, bước vào gian phòng nhỏ tôi đã nhìn thấy hàng chục lọai nhạc cụ Việt Nam: đàn tranh, đàn bầu, sáo trúc, trống phách… Trong lớp có 4,5 cháu gái đủ lứa tuổi đang chăm chú hòa tấu bản nhạc Trống cơm, Bắc Kim thang… Hỏi thăm, có cháu nói tiếng Việt không sõi nhưng sử dụng nhạc cụ thành thạo, say mê đánh đàn.

Chị Hoa vốn là nghệ sĩ múa, anh chị qua đây làm ăn cũng lâu rồi, khi công việc đã ổn định anh chị nhận thấy nhiều người trong cộng đồng người Việt ở Berlin muốn con em mình phải biết về văn hóa dân tộc, vậy là anh chị mở lớp dạy nhạc này vừa để đỡ “nhớ nghề” như chị bảo, vừa tạo sự thích thú cho các em. Không ngờ lớp học duy trì đã được mấy năm, các em theo học hầu như suốt ngày, chia làm nhiều lớp. Giờ thì lớp học của anh chị rất nổi tiếng, ngòai con em người Việt còn có cả các em nhỏ người Đức nữa. Âm nhạc luôn là “sứ giả’ của các dân tộc, anh chị đã góp phần giới thiệu văn hóa Việt Nam với bạn bè, đồng thời cũng góp phần gìn giữ văn hóa truyền thống của người Việt Nam ở nơi đất khách.

Một lần tôi nhận được một cuộc điện thọai, chị ơi em là P. đây, anh C. nói chị qua đây và cho em số điện thọai của chị. Chị ơi chị rảnh hôm nào em đón chị về chơi với em và cháu? Ôi cô em dễ thương và cậu con trai ở cách Berlin gần 500km, làm sao mà tôi đến thăm em được? Xa thế mà em vẫn thu xếp công việc để gặp nhau. Sáng sớm đi tàu đến Berlin để rồi xế chiều quay về ngay. Hai chị em chỉ ngồi với nhau có vài tiếng, tôi hỏi thăm công việc của em, cuộc sống của hai mẹ con, biết em vẫn ổn mà cũng biết em vất vả thế nào để sinh sống nơi đây khi không có một người đàn ông làm trụ cột trong gia đình!
Em tâm sự: gia đình muốn em quay về Việt Nam, em cũng nhớ nhà, thương bố mẹ lắm… nhưng giờ về thì làm sao em kiếm được được việc làm để nuôi mình, nuôi con? Bên này làm công nhân vất vả lắm nhưng dù sao đã ổn định, hai mẹ con em có một mái nhà đơn sơ nhưng ấm cúng. Con trai đang tuổi lớn, không biết có thích nghi được với trường lớp với cuộc sống ở nhà không? Tôi bảo: thôi hai mẹ con cứ ở bên này cho con trai có điều kiện học hành đến nơi đến chốn. Khi cháu có nghề rồi muốn về cũng không muộn. Vả lại bây giờ thế giới như cái “làng tòan cầu”, ở đâu cũng vậy nếu lòng mình luôn nhớ về quê cha đất tổ. Ở đâu cũng được miễn là mình sống lương thiện và tử tế, không có gì phải xấu hổ với cha mẹ là được. Em đừng băn khoăn.

Tiễn em lên tàu tôi không khỏi ngậm ngùi, khi nhìn dáng em nhỏ bé với mái tóc dài em cố giữ qua bao năm dài như giữ gìn những ký ức quê nhà. Cầu mong hai mẹ con em luôn được bình yên…
Chia tay bạn bè, chúng tôi đều hẹn sẽ gặp lại nhau, hàng ngày, trên internet. Để chia sẻ với nhau những khó khăn những nỗi buồn, để góp từng niềm vui mang lại cho mọi người chút bình yên khi cuộc sống còn quá nhiều bề bộn và đầy bất trắc…

Tháng 10.2010 (hình: internet)


Potsdam Schloss Sanssouci (707912855).jpg

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DI SẢN LỊCH SỬ - VĂN HÓA CÁC ĐÔ THỊ NAM BỘ NHÌN TỪ GIA ĐỊNH THÀNH THÔNG CHÍ CỦA TRỊNH HOÀI ĐỨC

Vài nét về công trình Gia Định thành thông chí Gia Định thành thông chí ( 嘉定城通志 ) còn có tên Gia Định thông chí ( 嘉定通志 ), là một quyển địa...