Nhớ quê
Tuổi càng về chiều người ta càng muốn “quy cố
hương” bằng cách hồi tưởng về ký ức thời
còn ở quê, hay là kỷ niệm mỗi lần về quê. Mà nguyên cớ để những hồi ức trở về
thì không thiếu.
Trên những con đường ta qua bất cứ gì nhìn thấy
đều như giọt nước rơi vào cái ly “nhớ quê” để rồi một ngày sẽ có giọt nước làm
tràn ly, nỗi nhớ vỡ òa, không thể không nói ra không kể lại không trải ra trên
trang giấy trên màn hình máy tính.
Một lần đi trên đường phố Quận Cam, nhìn thấy mấy
tàu chuối vươn khỏi tường rào vẫy vẫy trên hè phố, bỗng nhớ nhà da diết dù chỉ
mới xa nhà hai ngày trong đó có gần 20 giờ trong chuyến bay dài. Hỏi bạn, ở đây
trồng nhiều chuối không? Bạn như hiểu, trả lời: chị thấy nhà ai mà trồng bụi
chuối thì gần như chắc chắn là nhà người Việt mình. Ừ càng đi xa lại càng muốn
lưu lại chút gì của quê hương bên mình.
Bụi chuối sau hè, hồi nhỏ là sự sợ hãi mỗi tối
khi phải ra đó vì một lý do mà ai cũng như ai J, là niềm vui khi thấy bắp hoa bắt đầu kết
thành buồng bé xíu xinh xinh, lớn dần lên, rồi từng nải trái già căng, mẹ chặt
mang vô dựng trong bếp gần khạp gạo. Vài bữa khi trái hườm hườm, nải chuối ngon
nhất, đẹp nhất được cha đặt lên bàn thờ ông bà, thắp nén nhang trước là lấy thảo
sau là lấy hơi ấm cho cả nải chín đều. Bữa cơm Nam bộ ít khi thiếu vài trái chuối
sứ, từ con nít đến bà già đều quen với chén cơm chan nước cá kho thịt kho ăn với
chuối chín. Nhà có đàn bà sanh nở luôn có buồng chuối chín dần, canh chuối sứ
nêm chút muối chút đường là món ăn lợi sữa rất lành và cũng rất rẻ tiền, dễ kiếm.
Giữa buổi mà đói, có chén chè chuối hay
cái bánh chuối chiên thì không còn gì bằng.
Một người bạn, có lần đi đâu đó đến tận bờ biển
Mexico xa xôi, nhắn về: trời ơi, tui như
đang ở bãi biển quê mình, cũng hàng dừa đong đưa trong gió chiều, cũng mùi thơm
của mực tươi cá tươi, của ốc của sò nướng trên than hồng, cũng mấy trái khóm
trái chuối mà mấy bà đội cái thúng trên đầu mang bán… nhớ nhà quá trời… Bạn
đã hơn 30 năm sống ở nước ngoài, đã tự coi mình như một người Tây “chánh hiệu”,
vậy mà chỉ mùi thơm khói bếp than cũng làm bạn bần thần rồi quyết tâm “tết này
sẽ về nhà” dù ở quê nhà bạn chẳng còn ai cả.
Ở xa thì vậy, còn ở gần thì sao? Quê tôi ở miền
Tây, một năm cũng vài lần về tết nhất giỗ chạp, chưa kể đi công việc. Sáng đi tối
về hay đi vài ngày, đi xe đò, đi xe riêng, hồi trước còn chạy xe gắn máy nữa… vậy
mà lần nào trở lên thành phố cũng bồi hồi (người miền Tây hay gọi Sài Gòn là
“thành phố”, lên thành phố, ở thành phố mới dìa…). Nhớ từ tiếng gà trưa nhớ đến chùm mận bên
chái bếp, nhớ từ bờ mương thoảng tiếng cá quẫy trong vườn đến mùi khói bếp lò
trấu lúa mới… Mỗi lần về đám giỗ là “quảy” lên nào thịt kho tàu, thịt ram, tôm
rang nước dừa, nào dừa xiêm nào xoài nào dưa hấu. À, có ai còn nhớ món bắp đùm
thơm mùi nước dừa lá dứa không? Gần nhà ngoại tôi có lò nấu bắp và hấp bắp đùm,
khi tôi chuẩn bị ra về là cô em dâu tất tả chạy ra lò xách về mấy chục bắp mới
nấu nóng hổi “chị bỏ theo xe lỡ tụi nhỏ đói thì ăn”.
Trên đường miền Tây rất dễ nhận ra “người miền
Tây” trên những chiếc xe máy trước sau ràng buộc túi xách ba lô, người chạy xe
hay người ngồi sau đều mặc áo khoác giữa ngày nắng như đổ lửa, là để không bị
trúng nắng, trúng gió. Mùa tháng chạp gió chướng trên xe còn có mấy giỏ bánh mứt,
người vợ ngồi sau cầm bó vạn thọ gói bằng mấy tàu lá ló ra chùm bông vàng rực rỡ,
đúng là vợ chồng chở nhau về nhà ăn tết
với ông bà. Lúc quay lên thành phố thế nào cũng có máng ở móc xe mấy đòn bánh
tét nhưn đậu nhưn chuối.
Dọc đường
gặp quán cà phê nào ưng ý thì ghé vô, ngả lưng trên những chiếc võng treo tong
ten. Bạn có thể nằm đó thật lâu, dù chỉ kêu một ly cà phê ngọt như chè hay một
trái dừa xiêm thanh mát, đung đưa dưới ánh nắng xuyên qua tàu lá dừa trên cao,
ngó dàn bông giấy đỏ trắng tím vàng rực lên ngoài cửa quán, nghe hết những CD
nhạc “sến” mà cô chủ quán luôn lẩm nhẩm hát theo, những "nếu lỡ chúng mình hai đứa xa
nhau...", với "tình đẹp mùa chôm chôm" rồi sang "cây trứng
cá" rồi lại đi đào ao thả cá gì đấy... lời ca giai điệu của chôm chôm với trứng
cá với cây cầu dừa với rau đắng sau hè, rồi phút cuối với sầu tím thiệp hồng,
ai khổ vì ai... các kiểu cây trái các kiểu dối lừa đau lòng hờn dỗi, các kiểu
chim sáo mồ côi hay chim trắng cô đơn...
Sến là thế đấy nhưng cam
đoan khi bạn rời quán tiếp tục lên đường, bạn sẽ thấy cuộc đời không cần gì hơn
thế nữa!
Một lần ngồi trong quán ven đường như thế, ngó
ra hồ sen bát ngát phía sau quán, nghe hương sen vấn vít, nôn nao theo lời ca Lâu nay muốn qua thăm em nhưng ngại vì cầu
tre lắc lẻo… Ờ mà nhà quê giờ nhiều cầu tre lắt lẻo đã thay
bằng cầu bê tông, vẫn cheo leo nhưng chắc chắn hơn. Đám cưới qua cầu, chú rể dắt
tay cô dâu còn cô dâu tay nâng váy dài mà không còn phải cầm đôi giày đi chân
không qua cầu khỉ. Bọn trẻ con không còn cơ hội hò reo khi ai đó lỡ trợt chân
té xuống kinh rạch, các bà già trầu không phải chép miệng an ủi: đám cưới mà “gặp
nước” như vầy là hên lắm nghen.
Nỗi nhớ quê chỉ giản đơn như hương
tóc mạ non mà sao khi Tháng ngày tuổi đời trôi theo níu chân nhau,
bạc thêm mái đầu… với quê hương ta vẫn biết
“tình mình dù ngăn cách sông chớ
đâu cách lòng, mỗi lần nhớ nhau sao nghẹn lời…”.
Vọng cổ
trưa
Đã bao lâu rồi mình chưa nghe một câu vọng cổ ở
Sài Gòn, cái nôi của nghệ thuật cải lương? Tôi đã tự hỏi như thế khi bất chợt
nghe thấy giọng ca Lệ Thủy ngọt ngào chân chất vang lên trong một trưa hè đứng
nắng giữa bạt ngàn xanh miệt vườn Nam bộ.
“Hỡi cô đi bán đèn hồng, đèn hồng cô bán má hồng cô bán
không… Đèn hồng đã có người mua, má hồng thì đã nắng mưa phai rồi…”
Có lẽ không ở đâu mà một loại hình nghệ thuật lại
có sức sống bền bỉ, gắn bó sâu đậm và được người dân yêu thích như cải lương ở
Nam bộ. Ra đời mới khoảng gần 100 năm nhưng cải lương đã trở thành “máu thịt” của
người Nam bộ, vượt qua những năm kháng chiến chống Pháp bị coi là “ướt át ủy mị”,
vượt qua thời gian dài chia cắt Bắc – Nam… Từ sau 1954 ở miền Bắc ngoài Đoàn Cải
lương Nam bộ tập kết còn có hàng chục đoàn “cải lương bắc” của các tỉnh. Thời kỳ
sau 1975 khó khăn cùng cực mà sân khấu cải lương vẫn có những vở diễn trở thành kinh điển… Nhưng
cho đến hôm nay thì nhiều người vô Sài Gòn, về miền Tây đã phải hỏi thăm “sân
khấu cải lương Nam bộ đâu rồi? còn không?”
Ừ nhỉ, từ bao giờ sân khấu cải lương thành phố
không còn nhộn nhịp sáng đèn? những “thánh đường” của Cải lương Sài Gòn đâu rồi?
Rạp Aristo hay còn gọi là Trung ương Hý Viện, rạp Hưng Đạo, Olimpic, các rạp Nguyễn Văn Hảo, Thanh Bình, Hưng Đạo, Quốc
Thanh, Khải Hoàn, Thành Xương, Hào Huê, Cao Đồng Hưng, Thủ Đô, Huỳnh Long, Quốc
Thái, Cây Gõ… bây giờ đã biến thành gì? Các đoàn cải lương nổi tiếng như Kim
Chung, gánh hát Nam Phi của bầu Năm Phỉ, gánh cải lương tuồng Tàu Phụng
Hảo của bầu Nhơn-Phùng Há, gánh Việt Kịch Năm Châu của ông bầu Năm Châu. Đoàn cải lương Kim Thanh-Út Trà Ôn, đoàn Thanh
Minh – Thanh Nga, các đoàn Sài Gòn 1,2,3, Hương Mùa Thu, cải lương tuồng cổ Huỳnh
Long…còn ai nhớ đến…?
Thế hệ nghệ nhân “khai sáng” sân khấu cải lương
như các nghệ sĩ Năm Châu, Phùng Há, Ba Vân, Út Trà Ôn… đã không còn nữa, “thế hệ
vàng” của các nghệ sĩ Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Ngọc Giàu, Thanh Sang, Minh Vương, Mỹ
Châu… cũng đã từ biệt sân khấu, lớp nghệ sĩ kế tiếp cũng bị mai một: người ra
nước ngoài định cư, người ở lại chuyển sang tấu hài diễn kịch đóng phim lập gia
đình bỏ nghề… Có ai nhớ được tên một nghệ sĩ cải lương nào thuộc thế hệ thứ tư
không…?
Vậy nhưng cuộc thi “Bông lúa vàng” của Đài tiếng
nói nhân dân TPHCM vẫn thu hút hàng ngàn lượt thí sinh tham gia, đủ lứa tuổi đủ
nghề nghiệp, sống ở thành phố hay ở tỉnh vẫn say mê thuộc nằm lòng nhiều bài bản
cổ… Những chương trình ca cổ theo yêu cầu vẫn luôn nhận được hàng ngàn lời đề
nghị, lời nhắn gửi… của người yêu gửi cho người yêu, con gửi tặng ba má, bạn gửi
cho bạn, của trò gửi tặng thầy… Người Nam bộ vẫn yêu cải lương và coi nó như
cách tỏ bày tình cảm một cách chân thành và thoải mái nhất. Trong các quán
karaoke, “hát với nhau” không bao giờ thiếu những bài ca tân cổ giao duyên – một
sự “cải biên” để thích nghi với đời sống thị thành hồi thập niên 1970 của cải
lương. Và người Sài Gòn, người miền Tây luôn sẵn sàng ca một, hai câu vọng cổ
khi bạn bè yêu cầu. Dù là karaoke nhưng khi hạ giọng “xuống xề” người ca vẫn nhận
được những tràng pháo tay giòn giã của bạn bè. Chèo ở miền Bắc, hát bài chòi
hay hát bội ở miền Trung có lẽ phải “ganh tỵ” với cải lương về hiện tượng này!
Gần đây Đờn ca Tài tử Nam bộ được Unesco vinh
danh là Di sản văn hóa Phi vật thể của thế giới. Nhiều di sản văn hóa phi vật
thể được công nhận khi chúng đã và đang có nguy cơ biến mất, biến dạng bởi những
làn điệu lời ca mộc mạc chân chất không còn chỗ trong quay cuồng đời sống hiện
đại, bởi con người không có sự hiểu biết đầy đủ để quý trọng và gìn giữ nó. Khi
đó di sản văn hóa mới được vội vã “bảo tồn”. Một ngày nào đó có thể Cải lương
cũng được vinh danh như thế… Lẽ nào sẽ
có một ngày Sài Gòn, Nam bộ không còn cải lương?!
Miệt vườn vẫn lướt qua xanh ngát ngoài kia, nắng
đứng bóng tiếng gà trưa vẫn eo óc ngoài kia, giọng ca Lệ Thủy vẫn ngọt ngào quyến
rũ trong bản vọng cổ trưa buồn như tiếng thở dài…
Đường về quê
Đường về miền Tây từ TP. Hồ Chí Minh mới vài năm gần đây có đoạn cao tốc từ Bình Chánh đến Trung Lương, còn lại gần như toàn tuyến vẫn chật hẹp dù đã giải tỏa mở rộng thêm nhưng mỗi bên cũng chỉ có 2 làn xe hơi. Xe máy nhiều quá đành đi vào làn đường xe hơi, nguy hiểm vô cùng. Có vài đoạn đường tránh nhưng lưu lượng xe ở quốc lộ Một vẫn không giải tỏa được bao nhiêu. Không hiểu sao đã bao nhiêu năm mà đường miền Tây vẫn “kiên trì độc đạo”?
Ngày nào cũng vậy, từ sáng tới khuya đường miền Tây lúc nào cũng nườm
nượp xe cộ. Trạm dừng chân sáng đèn suốt đêm, hàng quán nơi thị tứ luôn thức
khuya dậy sớm. Dưới những con sông, kinh rạch cắt ngang đường lộ có lúc nào im
tiếng ghe máy ngược xuôi…
Từ Sài Gòn về các tỉnh miền Tây có bao nhiêu cây cầu? Chắc không ai biết
hết. Cũng mới vài năm nay nhiều cây cầu đã được xây mới, xây thêm cầu đôi để
ngày thường tránh nạn kẹt xe nhưng vào dịp lễ tết thì vẫn ùn ứ ở những “|nút thắt
cổ chai” hai bên đầu cầu. Chỉ riêng con đường vô thành phố Cao Lãnh từ quốc lộ
Một rẽ ngã ba An Hữu khoảng 30km đâu đã hơn 20 cây cầu, hồi “thế kỷ trước” toàn
cầu sắt lót ván gập ghình, xe “bò” qua cầu và hành khách phải xuống đi bộ, chú
lơ xe còn phải vác theo tấm ván lót những đoạn ván cầu bị mục. Nay cầu đã được
xây bằng bê ton, đường trải nhựa ngon lành, thời gian qua đoạn đường này rút lại
chỉ hơn một tiếng đồng hồ thay vì nửa ngày như trước.
Đường miền Tây vào mùa Tết đẹp nhất vì nhà nào cũng có vài cây mai, có
khi cả một vườn mai nở vàng rực. Cây mai như người bạn của mỗi gia đình miền
Tây, rằm tháng Chạp lặt lá để Tết nở hoa, nhìn mai nở biết người thân sắp về ăn
tết. Nhìn mai rụng biết người thân sắp rời nhà đi thành phố… Cây mai trồng
trong sân vườn nhưng người miền tây ít khi chặt cành mai vô chưng trong nhà mà
để mai nở tự nhiên ngoài vườn. Cũng giống như ở vùng núi phía miền Bắc, đào, mận
trồng trước nhà, mùa xuân nở hoa hồng hoa trắng đẹp vô cùng. Vùng thôn quê miền
Bắc ít thấy trồng đào phổ biến như nông thôn Nam bộ trồng mai.
Mỗi lần về quê thấy con sông Cao Lãnh ngày càng cạn hẹp dù đã được kè bờ
(má vẫn kể ngày xưa sông rộng tàu lớn còn đi về tận Nam Vang), thấy khu đất nền
nhà ông cố bây giờ thành những dãy nhà phố đông đúc, nhớ hồi đó nhà máy xay gạo
của ông ngoại với đống trấu đống tro cao ngang mái nhà sàn của ngoại. Trong nhà
sàn gian giữa có dãy bàn thờ mà ngày giỗ ngày tết, bà ngoại, má và mấy dì mấy mợ
chỉ lo cúng cơm ở đó cũng hết ngày. Nét xưa nay không còn nữa…
May mà còn những cây mai vàng khoe sắc rực rỡ trong sân nhà cậu Út để mỗi lần về
lại nhận ra, dù sống ở đâu thì trong mỗi người vẫn luôn còn đó một quê hương…
Hình : internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét