ÁO DÀI – MỘT NÉT TÂM HỒN VIỆT


Do nghề nghiệp tôi có dịp đến một số nước ở châu Á, Âu và châu Mỹ. Đi công tác nên tôi thường mang theo trang phục gọn gàng, lịch sự nhưng bao giờ trong vali cũng có một bộ áo dài để nếu có dịp phù hợp thì tôi sẽ mặc. Ở những nơi đó tôi cũng hay gặp các chị em người Việt mặc áo dài trong ngày lễ hội, họp hành... Cảm giác đầu tiên khi tôi mặc áo dài hay nhìn những tà áo dài ở nơi xa là thấy như đang ở quê nhà, quen thuộc gần gũi với mọi người dù chưa quen biết. Và vui hơn vì vẻ đẹp của áo dài mang lại sự thán phục trong ánh nhìn của nhiều người nước ngoài.
Hồi nhỏ tôi sống ở miền Bắc trong thời kỳ chiến tranh nên chỉ nhìn thấy áo dài trên những tấm hình xưa của má tôi – một cô gái Sài Gòn những năm 1940, của những thiếu nữ Hà Nội trước năm 1954… Tôi thích lắm nhưng như nhiều bạn bè của mình, cho đến tuổi thiếu nữ chúng tôi cũng không có cơ hội được mặc áo dài. Khi ấy áo dài là loại trang phục hiếm có mặt trong đời sống, nó chỉ hiện diện trên sân khấu hoặc may mắn hơn, trong một đám cưới “sang trọng” ở Hà Nội giữa thời đạn bom.
Năm 1975 tôi theo gia đình về Sài Gòn, vào học lớp 12 nên được mặc “đồng phục” áo dài trắng. Dì tôi sống ở khu Chợ Vườn Chuối, đưa tôi ra chợ chọn mua hai xấp vải lụa trắng mịn màng, rồi đến một nhà may bình dân trong hẻm chợ may cho tôi 2 bộ áo dài trắng. Lần đầu tiên thấy mình trong gương thật lạ lẫm: trong bộ áo dài tôi ở tuổi mười bảy bỗng như lớn hơn và thực sự trở thành một cô gái. Từ đó, áo dài trắng với tôi là biểu tượng của thời nữ sinh, tuy chỉ một năm ngắn ngủi nhưng bước đầu mang lại cho tôi ý thức về “giới”. Bởi vì khi mặc chiếc áo dài là bắt đầu ý thức được vẻ đẹp và sự kín đáo của cơ thể thiếu nữ, sự nền nã của thái độ, lời nói…
Những năm sau đó đời sống khó khăn nên hầu hết các thành phố không còn duy trì đồng phục, nhất là áo dài cho nữ sinh. Từ đầu những năm 2000 áo dài quay trở lại trường học, rồi phổ biến thành đồng phục của học sinh trung học (cấp 3), nếu không sử dụng tất cả các ngày trong tuần thì ít nhất vào ngày đầu tuần hay sinh hoạt toàn trường, dịp lễ… Có thể nói áo dài trắng đặc biệt phù hợp với nữ sinh Việt Nam về hình dáng và mang lại nét tự nhiên dịu dàng trong sinh hoạt…
Hiện nay một bộ quần áo dài trắng không đắt hơn so với nhiều loại trang phục khác, nhiều nhà sản xuất vải lụa, nhà thiết kế và nhà may đã có giá ưu đãi cho nữ sinh, nhất là vào mùa khai giảng. Vì vậy việc mặc đồng phục áo dài không phải là quá khó khăn, nhất là ở thành phố. Ngoài ra nhiều tổ chức xã hội còn có hoạt động tặng áo dài cho con em gia đình nghèo khó… Đồng phục với ý nghĩa như “dầu chỉ” của một tầng lớp, nghề nghiệp trong xã hội, đồng thời cũng làm giảm thiểu khoảng cách giàu nghèo, tạo ra nhận thức về sự bình đẳng trong trường học.
***
Nhiều người trong chúng ta tuy chưa có dịp tiếp xúc với các nền văn hóa khác thì vẫn mang trong mình tình yêu đối với “tâm hồn Việt” qua trang phục, ẩm thực và những nét văn hóa khác. Đặc biệt đối với người Việt ở xa quê hương thì tình yêu này càng sâu đậm. Người ta yêu áo dài qua dáng mẹ, dáng chị em gái trong chiếc áo dài, trân trọng người yêu trong bộ áo dài cưới để từ đó thành người vợ của mình… Làm sao để phụ nữ Việt Nam duy trì và phổ biến trang phục áo dài là cách tốt nhất để “bảo tồn” tình yêu áo dài.
Hiện nay có nhiều chất liệu vải lụa vừa nhẹ, mát, có độ co dãn, nhiều hoa văn, màu sắc… để có thể may những chiếc áo dài vừa hợp thời trang vừa thoải mái khi sử dụng. Tuy nhiên cần lưu giữ những chi tiết quan trọng tạo nên chiếc áo dài, không nên tùy tiện thay đổi “sáng tạo” dáng áo khác lạ, hoặc kết hợp với loại trang phục khác không phải quần lụa. Tôi cho rằng đã là “áo dài Việt Nam” thì phải đi cùng với quần mềm mại. Ống quần và tà áo dài là một thể thống nhất tạo ra dáng tha thướt cho người mặc, khoe được những “điểm nhấn” nhưng đồng thời vẫn kín đáo.
Để duy trì kiểu đồng phục này thì áo dài nữ sinh nên gọn gàng, độ dài quần và áo vừa phải, vải nhẹ không mỏng quá và thấm hút tốt. Không nên bắt nữ sinh mặc áo lá ở trong vừa nóng nực vừa lôi thôi. Hình ảnh những chiếc áo dài nữ sinh Sài Gòn cuối những năm 1970 là đẹp và phù hợp: dài vừa qua đầu gối, tà hẹp, quần rộng vừa, eo hơi ôm không chiết ly, cổ áo thấp hoặc tròn sát chân cổ, không nên khoét cổ rộng vì làm các em già đi và bất tiện khi sinh hoạt.
Áo dài cho những giới khác thì tùy thuộc công việc có mẫu mã và hoa văn màu sắc phù hợp.Ví dụ: cô giáo khi lên lớp thì nên theo kiểu áo dài truyền thống tạo sự nghiêm túc, khi đi chơi thì áo dài cách tân cho tươi trẻ. Trong sinh hoạt hàng ngày tà áo và ống quần không nên dài quá, rộng quá, bất tiện khi di chuyển, nhưng cũng không nên quần bó sát áo ngắn cũn cỡn như “áo xẩm”, làm mất đi vẻ mềm mại đặc trưng của áo dài.
Áo dài đã trải qua nhiều lần cách tân và chắc sẽ còn tiếp tục thay đổi. Sự “cải tiến” của áo dài không thể tách rời sự phát triển của kỹ thuật may mặc và những phụ kiện, chất liệu mới. Đã có những “biến tấu” ở cổ áo, tay áo, hiện nay là dây kéo sau thay hàng nút bấm… đó là những thay đổi theo chiều hướng tích cực mang lại vẻ hiện đại cho áo dài. Tuy nhiên, những yếu tố chính tạo nên sự đặc sắc của áo dài như độ dài vạt áo khoảng trên/ngang gấu quần, độ ôm ở vai, eo, kết hợp với quần lụa mềm mại… vẫn cần phải bảo tồn.
Muốn gìn giữ “tâm hồn Việt”, dung hòa giữa truyền thống và hiện đại thì cần có sự hiểu biết đến nơi đến chốn về văn hóa nói chung và từng thành tố nói riêng, như trường hợp chiếc áo dài của phụ nữ Việt Nam. Đồng thời tránh tâm lý “so sánh” với những xu hướng thời trang của thế giới rồi mặc cảm tự ti hoặc tự tôn quá đáng. Ung dung tự tại khi hiểu rõ “ta là ai, ta như thế nào” thì sẽ vừa giữ gìn vừa phát triển văn hóa truyền thống phù hợp thời đại mới.
Nguyễn Thị Hậu
tc PHỤ NỮ MỚI 10/2017 (Hình: SG 1976 và 2016)

Kết quả hình ảnh cho áo dài sài gòn 1975

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...