Vụn vặt đời thường (103)

@ Ở chợ có một đám cãi lộn, rồi chửi nhau. Có tới mấy người đàn ông đàn bà cãi qua chửi lại. Lúc đầu cón ông /tui, bà /tui... rồi chửi thề, rồi... xưng mày tao... 
Ở Sài Gòn 41 năm, đi miền Tây cũng rất nhiều, nghe, xem, chứng kiến cũng rất nhiều đám cãi lộn thậm chí đánh nhau. Nhưng hầu như chưa bao giờ tui thấy người Nam bộ tự xưng là "ông/bà/ bố/mẹ" và gọi đối thủ là "con". Có thể chửi thề, và "hỗn" nhất là gọi mày tao với người lớn hơn.
Trong gia đình miền Tây thì con cái hay xưng "tui" với ba má, em cũng xưng tui với anh chị. Cách xưng hô như vậy không ai coi là hỗn hào, dù cha mẹ anh chị có thể gọi con Tư hay thằng Năm... 
Bình đẳng và dân chủ khi ngay trong cãi lộn cũng không có ý định "làm cha" người khác

@ Gọi bằng Cụ rồi đâm ra kính sợ
Thần hồn nát thần tính là thế!
Truyền thuyết thời trung cổ thành sự thật hôm nay
Thế rồi “suy” điểm gở “diễn” điềm may.
Giàn khoan nó sát cửa nhà
Ai người cầm gươm báu xông ra

Hay ngồi bàn luận ta bà trong cung?

@ Từ hôm xong ĐH  trời miền Bắc, Hà Nội ấm lên rồi. Xong việc ấy thì thời tiết lại đâu vào đấy. Chỉ khổ bà con phải chịu một trận rét kinh khủng, nơi núi cao nhiều người không đủ quần áo ấm, lại có người bị "ném đá" vì "thưởng tuyết", thậm chí vì làm việc thiện.
Trong một diễn biến khác không liên quan, hai hôm nay nhà iem được nhiều bạn chia vui một cách khó hỉu: nghề khảo cổ của chị đang "có giá"!
Có ai giải thích cho iem hỉu hơm
J

@ Những ngày qua có nhiều bạn càm ràm chê bai: tại sao phải chọn người này hay người khác vi họ xấu đều như nhau? Sự "chọn lựa" của dư luận không phải là dại dột "tìm cái ít xấu hơn" mà thể hiện khát khao một thay đổi và đã không còn dửng dưng với sự trì trệ.
Có thể bạn may mắn không phải "lựa chọn" , nhưng nếu là bạn, bạn sẽ thế nào?!

@ Bác tống nói bác ấy bất ngờ vì bác ấy lại được làm tổng. Hí hí, thế thì từ bây giờ còn có chuyện gì mà bác tổng sẽ không bất ngờ nhỉ?

@ Kẻng báo yên! Mặt trận vẫn yên tĩnh. Chỉ tội cụ Rùa xả thân vì việc nhớn, ông giời đổi tính đợi sự to. Hóa ra hơi phí, nhể :D

@ Đám oánh cờ đã đến hồi kết thúc. Một bên ở vào thế chấp nhận thua vì khó bề gỡ gạc. Mấy đứa chầu hẫu bên ngoài thì vẫn chỉ chỏ bàn tán khen chê loạn cả lên. Một đứa phủi đít đứng lên bước đi mồm nói: thua rồi, xóa mẹ bàn cờ làm lại ván khác!
Đơn giản là sự thật của cuộc sống

@Càng ngày càng nhận thấy mọi cái ở con người đều không có giới hạn, nhất là sự vô liêm sỉ! Kịch ngoài đời ko có sân khấu nào sánh được.

@ Lòng vòng quá đọc mà hiểu được chít liền!  Nhưng túm lại làm đờn ông, lại là người lãnh đạo, tối thiều là đừng hèn. Tính cách HÈN thì không cách gì "chữa" được. HÈN làm người ta vừa ghét lại vừa khinh! Thà để người ta ghét mà sợ còn hơn để người ta vừa ghét vừa khinh!

@ TIN TƯỞNG tức là TIN vì TƯỞNG là như thế, như thế... 
TIN CẬY tức là có thể NHỜ CẬY được thì mới TIN

Tiếng Việt hay thế chứ J

ĂN TẾT VỪA ĐỦ


Tạp bút, Nguyễn Thị Hậu

Cái Tết với người Việt là thời gian sum họp gia đình, những bữa ăn ngày Tết không chỉ để cúng ông bà mà còn là lúc gia đình trò chuyện về những điều đạo lý, hiếu thảo. Hơn hết cả tết là một dịp để sinh hoạt gia đình gắn bó hơn. Tuy nhiên truyền thống này đã ít nhiều phôi phai, nhất là ở thành thị, do nhịp sống công nghiệp ngày càng vội vã, bận rộn.
Ngày nay gia đình thường ít người hơn trước, kể cả ở nông thôn. Thanh niên đổ lên thành phố, ra các khu công nghiệp làm việc. Tàu xe đi lại dịp lễ tết khó khăn nhưng bù lại có điện thọai, có internet, không chỉ trong nước mà ở nước ngòai để có thể thăm hỏi ông bà cha mẹ bất cứ lúc nào. Qua việc thể hiện sự hiếu đễ với cha mẹ ông bà tình cảm gia đình càng gắn bó hơn.
Ngày lễ tết hay ngày giỗ mới có thể tập hợp nhau về nhà. Vì vậy tổ chức ăn uống nhân dịp gặp gỡ vừa là thói quen hàng ngày vừa là phong tục truyền thống.
Phần lớn gia đình Việt Nam vẫn còn giữ được tập tục “ăn giỗ, ăn tết” nhất là những gia đình nào có ông bà cha mẹ ở cùng. Nhiếu gia đình ở nông thôn tính sơ sơ hàng năm có tới chục đám giỗ, rồi mấy ngày tết là những bữa cúng sáng trưa chiều tối từ ngày Ba mươi rước ông bà tới ngày mùng Ba đưa ông bà đi. Chưa kể những ngày Rằm hay mùng Một lớn nhỏ trong năm.
Trong những ngày này phụ nữ thường giữ vai trò bếp núc bày dọn, đàn ông chỉ  thắp nhang và sau đó lo… nhậu. Từ sáng sớm các bà các mẹ sửa soạn cúng trà nước bánh trái trên bàn thờ, rồi xuống bếp nấu đồ cúng chay hay mặn. Chừng nửa buổi là dọn mâm cơm cúng với bảy, tám món nóng nguội chiên xào canh kho… đủ cả. Tàn nhang mâm cúng được mang xuống, có khi cả nhà quay quần mỗi người vài ba miếng, cũng có khi để đó rồi… dọn cất vô tủ lạnh, cho vô nồi hâm lại vì không có ai ăn. Ngày tết mà, nhìn cũng đủ no ngang, huống hồ bữa nào cũng vậy, tới nhà ai cũng thế! Cả ngày, cả tuần lễ tết, những người phụ nữ trong gia đình hầu như ít có dịp đi ra ngoài chơi với bạn bè, bà con… họ vẫn phải lo toan cơm nước hơn cả ngày thường vì là mâm cơm cúng không thể đơn sơ đạm bạc.
Vì vậy hiện này những gia đình ở thành phố và nhiều nhà ở nông thôn nữa đã “cải tiến” tục lệ này, để những người phụ nữ có thời giờ nghỉ ngơi, vui chơi, và cũng đỡ lãng phí thức ăn! Tục lệ được giữ lại phổ biến từ ngày Hai mươi ba Ông Táo mới bắt đầu mua sắm, ở thành phố thì đặt mua trước một số đặc sản hay thực phẩm ngon để biếu ông bà và vài người thân. Từ ngày này chợ Tết nhộn nhịp các chị các mẹ, hình ảnh mẹ và con gái đi chợ luôn là ký ức đẹp của phụ nữ ở bất cứ thời đại nào… Ở nông thôn nhiều gia đình chung nhau gói bánh tét bánh ít, đây cũng là dịp cho các cô gái học để biết làm. Gia đình nào cũng nấu vài món truyền thống cúng ngày Ba mươi và mùng Ba theo đúng phong tục. Còn những ngày khác thì đã đơn giản hơn nhiều. Vẫn thắp nhang bàn thờ ông bà nhưng không quá câu nệ phải cúng kiếng ngày ba bữa như trước.
Phần lớn các gia đình không có sự “xung đột” vì thay đổi này do thời thế đã có nhiều thay đổi, hòan cảnh công việc bận rộn nên cần gia giảm ít nhiều tục lệ cũ. Tuy vậy những việc như đi chợ Tết, bữa cơm cúng Ông Táo, cúng trưa Ba Mươi đón ông bà, cúng Giao thừa, Mùng Một thăm bên nội bên ngoại, Mùng Ba đưa ông bà… thì hầu như vẫn được thực hiện. Tuy không quá bày vẽ cầu kỳ nhưng nếu không có những tục lệ này thì không còn là Tết Việt Nam nữa.
Hiện nay nhiều gia đình trẻ thích đi du lịch vào dịp Tết, một phong cách nghỉ lễ được du nhập từ sự giao lưu văn hóa với phương Tây. Giới trẻ có thu nhập trung bình khá trở lên quan niệm không chỉ là kiếm tiền mà còn là hưởng thụ từ đồng tiền kiếm được. Vì vậy khi có điều kiện thì họ đi du lịch nghỉ ngơi, mở mang kiến thức… Tuy nhiên, nếu Tết nào cũng đi xa nhà thì không nên, cũng như các gia đình trẻ chỉ thích ăn tiệm mà để bếp nhà lạnh tanh thì… dễ “có chuyện”, vì văn hóa Việt Nam bữa ăn không chỉ là ăn, mà còn là sinh họat gia đình, duy trì văn hóa gia đình. Ngày Tết lại càng nên như vậy.
Ăn tết vừa đủ, chơi tết cũng vừa đủ, đừng phung phí, có lẽ ai cũng nghĩ vậy. Nhưng thế nào là “vừa đủ” thì không phải ai cũng nghĩ giống ai. Tùy vào hòan cảnh điều kiện của từng người mà nhu cầu “vừa đủ” cũng khác nhau cho việc mua sắm thực phẩm, quần áo, đồ dùng, phân bố thời gian cho việc nghỉ ngơi, thăm viếng cha mẹ, đi chơi, giải trí… Cần có và rèn luyện “kỹ năng” sử dụng thời gian và tiền bạc thì mới biết thế nào là “vừa đủ”. Mặt khác, các bạn trẻ nên biết dung hòa nhu cầu của mình và nhu cầu của cha mẹ - nhất là khi sống chung - để tránh xung khắc, mất vui trong mấy ngày Tết.



Sài Gòn 6/1/2016

TỪNG BƯỚC ĐẾN HẠNH PHÚC


Tùy bút, Nguyễn Thị Hậu
Năm nay Sài Gòn không có mùa Đông.
Đúng ra có được một hai ngày trời mù sương, nhiệt độ không thấp nhưng nhờ đó không khí lạnh hơn một chút. Sài Gòn vội vã khoác lên mình những chiếc áo lạnh đủ màu rực rỡ, đôi chân dài của những cô gái Sài Gòn kín đáo và khêu gợi hơn khi phủ đôi vớ dài sẫm màu, gương mặt người Sài Gòn tươi tắn hơn, như rừng cây đang mùa nắng gắt bỗng có cơn mưa rào mát mẻ.
Sau Noel lại là những ngày nắng nóng, Sài Gòn tự an ủi “Hà Nội, miền Bắc vẫn còn chưa lạnh như mọi năm mà”. Như một quy luật, chừng nào Hà Nội qua đợt giá rét thì mới tới Sài Gòn, không khí lạnh cũng phải vượt qua chặng đường dài bao nhiêu đèo dốc để vào phương Nam, giống như mùa đông 1975 lần đầu tiên sau gần trăm năm Sài Gòn mới có nhiệt độ xuống dưới 20 độ C, “vĩ tuyến 17 đã mở” hai miền thông thương nên thời tiết cũng mừng rỡ giao lưu!
Nghĩ cũng lạ, con người luôn mong muốn thèm khát những gì mình không có, ít khi bằng lòng với những gì mình đã có. “Thiên thư định phận” nhưng con người thì luôn muốn thay đổi số phận của mình, và của người khác.
Số phận là gì? Là những ngẫu nhiên nối tiếp nhau theo một trật tự hợp lý nào đó? Hay là một vài sự kiện con người sắp xếp tính toán thúc đẩy để nó xảy ra? Liệu có tránh được những toan tính bên ngoài đẩy ta vào một “số phận” mình không mong muốn? Vì sao khi lựa chọn những thiệt thòi ta cũng đồng thời biết đó là hạnh phúc?
***
Tình cờ đọc lại hai truyện ngắn của nhà văn Nga nổi tiếng Pautopxki, Chuyến xe đêm và Bình minh mưa là hai câu chuyện tình yêu thuần khiết và trang nhã, đầy ắp cảm xúc nuối tiếc… dường như phần nào giải đáp cho tôi những câu hỏi trên.
Chuyến xe đêm là câu chuyện (tưởng tượng) của Pautopxki về nhà văn viết truyện cổ tích nổi tiếng Andersen, về sự lựa chọn số phận cô đơn để được là người mang đến cho trẻ em, và cả người lớn, những câu chuyện cổ tích thấm đẫm lòng nhân ái và vẻ đẹp giản dị của cuộc sống.
Trên chuyến xe từ Venice đến Verona, trong bóng đêm “đồng lõa” với trí tưởng tượng, Andersen đã mang đến cho những người phụ nữ đồng hành với ông niềm vui vì lời tiên đoán về số phận của họ. Dù “an phận” với một anh chồng nông dân và bầy con đông đúc có những đôi má hồng hào khỏe mạnh và cặp mắt long lanh tinh nghịch, hay phải vượt qua mọi trở ngại “trèo đèo lội suối” đến với người yêu, hay là mang lại “hoặc rất hạnh phúc hoặc rất bất hạnh” cho người mình yêu… Những người phụ nữ bình dân hay thượng lưu này đều rất đáng được trân trọng, bởi họ sống và dám sống với sự lựa chọn của mình.
Chấp nhận thử thách để “hoàn thành” số phận cô đơn của mình, Christian Andersen, nhà thơ và người viết truyện cổ tích danh tiếng nhưng trong cuộc đời ông lại sợ truyện cổ tích, đến nỗi ông cũng chẳng có đủ nghị lực và can đảm, thậm chí cho một cuộc tình ngắn ngủi. Ông đã để cho những người đàn bà yêu quý ông đi qua cuộc đời như một khung cảnh đẹp thoáng qua ô cửa nhỏ của chiếc xe lữ hành, còn chăng chỉ là sự tiếc nuối tình yêu trong tim, như một chiếc lá đẫm mùi thơm sương ban mai mà ông bứt được và giữ lại bên mình rất lâu…
Cuối đời Andersen từng tâm sự Tôi đã trả bằng một giá đắt, có thể nói vô cùng đắt cho những truyện cổ tích của tôi. Vì chúng, tôi đã chối bỏ hạnh phúc mà lẽ ra tôi được hưởng... Nhưng số phận đã mang lại cho ông niềm hạnh phúc không ai có được, những câu truyện cổ của ông sẽ sống mãi cùng con người!
Có lẽ ít có truyện ngắn nào làm người ta bồi hồi rất lâu vì vẻ đẹp của nỗi buồn đã vượt lên trên cả luyến tiếc của sự chia ly, như Bình minh mưa. Người lính về phép, mang theo bức thư của đồng đội gửi về cho người vợ mà anh ta đã chia tay. Cuộc gặp gỡ vào một đêm mưa ẩm ướt ở một tỉnh lẻ bên sông, ngôi nhà với ánh nến và ngọn lửa tí tách trong lò sưởi, người đàn bà thanh lịch dịu dàng tỏa hương thơm phảng phất nỗi buồn trong đêm khuya. Và ý nghĩ về sự qua đi không thể nào lấy lại mỗi khoảnh khắc nhỏ nhất của thời gian, cái ý nghĩ dằn vặt con người thế kỷ này qua thế kỷ khác, đã đến với chính chàng lúc này, ban đêm, trong ngôi nhà xa lạ, và từ ngôi nhà ấy, một phút nữa thôi, chàng sẽ ra đi và không bao giờ trở lại.
Người lính “hoàn thành nhiệm vụ” rồi ra đi, vì anh hiểu, điều tốt lành hầu như bao giờ cũng chỉ đi lướt bên ta, chỉ trong khoảnh khắc dù ta chờ đợi chúng suốt đời, nhưng nếu gặp thì đó là hạnh phúc. Chính khoảng thời gian ngắn ngủi trong ngôi nhà trên bờ sông dốc đứng này, anh đã bắt gặp hạnh phúc của mình.
Bắt gặp để rồi chia tay sau một phút im lặng ngồi bên nhau như tục lệ xưa. Có ai ngăn anh ở lại đâu nhưng người lính vẫn ra đi, tiếp tục số phận của mình như con tàu trong buổi bình minh ẩm ướt, với hành trình lang thang của nó trong những ngày mưa và trong những buổi sương mù. Tàu rời bến nhưng những làn sóng khi nó lướt đi thì còn vỗ mãi vào bờ. Tình yêu, hay cảm giác về tình yêu cũng như những con sóng kia, sẽ làm cho trái tim hai người không thôi xao động khi nhớ về nhau…
Sự lựa chọn nào cũng là một bước đi đến số phận.
***
Sài Gòn trở lại những ngày mùa nắng. Trái đất đang nóng lên từng ngày do biến đổi khí hậu và còn do sự tàn phá của con người. Đừng tiếc vì mùa đông Sài Gòn nóng bức, vì ở đâu đó sẽ là những ngày ấm áp cho trẻ nhỏ đang thiếu đôi giày, chiếc áo ấm, cho những người cơ nhỡ không có một vòng tay người thân, cho cây cối ủ nụ mầm non chờ ngày xuân tới.
Mùa xuân sẽ mang lộc xanh đến mọi nơi, dù nơi đó là ngày nắng gắt hay mùa đông lạnh giá. Cũng như hạnh phúc sẽ đến khi ta không lấy nó từ nỗi bất hạnh hay sự thiệt thòi của người khác.
Sài Gòn 28/12/2015
NGƯỜI ĐÔ THỊ XUÂN BÍNH THÂN 2016

Giới thiệu sách: BƯỚC MỞ ĐẦU CỦA SỰ THIẾT LẬP HỆ THỐNG THUỘC ĐỊA PHÁP Ở VIỆT NAM (1858 – 1897)



BƯỚC MỞ ĐẦU CỦA SỰ THIẾT LẬP HỆ THỐNG THUỘC ĐỊA PHÁP
 Ở VIỆT NAM (1858 – 1897)
Của TS. Nguyễn Xuân Thọ
Đây là một công trình lịch sử có độ xác thực cao vì sử dụng những tư liệu gốc từ kho tư liệu của Bộ Ngoại giao Pháp, Bộ Ngoại vụ Tây Ban Nha, Bộ Hải quân, Bộ thuộc địa Pháp và những nguồn sử liệu khác, cùng với tư liệu riêng của tác giả với một số nhân vật lịch sử. Cuốn sách được bắt đầu và phát triển rộng hơn, sâu sắc hơn từ luận án Tiến sĩ của chính tác giả, do đó cuốn sách có giá trị khoa học cao từ việc sưu tầm, hệ thống, đối sánh các nguồn tư liệu để “phục dựng” khá toàn diện lịch sử nước Việt Nam giai đoạn quan trọng trong 40 năm nửa sau thế kỷ 19.
Chỉ khoảng 40 năm nhưng với kho tư liệu vô cùng phong phú và đa dạng, cuốn sách với gần 600 trang đã dẫn dắt người đọc đi theo những sự kiện lịch sử một cách logic, cho biết thêm nhiều “góc khuất” của những sự kiện, quá trình diễn biến, kể cả về tính cách và hành xử của những nhân vật lịch sử quan trọng. Cách diễn giải của tác giả rất dễ hiểu, hấp dẫn, lôi cuốn do trình bày sử liệu một cách khách quan, những nhận xét dựa trên cơ sở dữ liệu trong mối liên kết chặt chẽ với nhau.
Có thể hình dung cuốn sách là một cái cây cổ thụ - xã hội Việt Nam nửa sau thế kỷ 19, trong đó “thân cây” chính là những hiệp ước giữa Việt Nam và Pháp từ Hiệp ước Versailles 1787 đến Thỏa ước Thiên Tân 1884, từng bước xóa bỏ nền độc lập tự chủ của Việt Nam, đồng thời cũng từng bước thiết lập chính quyền đô hộ của Pháp. Những cành cây chính một phía là mối quan hệ giữa Pháp với các nước Tây Ban Nha, Đức, Trung quốc; giữa chính phủ Pháp với chính quyền của Pháp ở Việt Nam, giữa chính phủ Pháp với các giáo sĩ, giữa những người Pháp trực tiếp “quản lý” Việt Nam với các giáo sĩ và giáo dân ở đây… Phía khác là quan hệ giữa vua và những đại thần trong triều đình nhà Nguyễn, giữa các đại thần với nhau, giữa triều đình với nhân dân ba miền Nam Trung – Bắc…  Từ đó biểu hiện  thành những “nhánh phụ” là nguyên nhân xa gần của những sự biến trong nội bộ triều chính, hành xử và của những nhân vật lịch sử nhà Nguyễn dẫn đến việc mất nước, vai trò của nhân dân, rồi vai trò, tính cách và hành xử của những quan lại người Pháp trong bộ máy cai trị… Tất cả hiện lên rõ ràng, trách nhiệm của từng người cụ thể trong từng sự kiện, và cái kết cho số phận của họ như một tất yếu của nhân vật lịch sử nhưng ta cũng hiểu được từ góc độ  một “con người” của xã hội đó. Tập hợp số phận bi kịch của những nhận vật lịch sử VN chính  là bi kịch của đất nước VN cuối thế kỷ 19.
Nhưng cuốn sách cũng đã nói đến một phần “gốc rễ” của tình hình xã hội VN thế kỷ 19:  ít nhất là từ thời kỳ Đàng Trong và Đàng Ngoài (thế kỷ 17) đã để lại nhiều “di chứng” trong tâm thức lịch sử - văn hóa Việt Nam, bên cạnh việc mở rộng đất đai về phương Nam và quá trình hình thành chính quyền các Chúa Nguyễn rồi thiết lập Triều Nguyễn..
Một số vấn đề như:
-        Trách nhiệm của vua Tự Đức và những đại thần trong hòa ước 1862.
-        Vai trò của những giáo sĩ Pháp không phải là “nạn nhân” của triều đình Nguyễn mà họ là một tác nhân quan trọng trong quá trình Pháp xâm lược VN.
-        Mối quan hệ triều đình nhà Nguyễn với Bắc kỳ bộc lộ khi Pháp xâm lược (phản ánh nguy cơ tiềm ẩn một sự chia rẽ sâu sắc Nam/Bắc vì có căn nguyên từ giai đoạn trước đó và trực tiếp là việc miền Bắc/ Thăng Long không còn là trung tâm của đất nước)
-        Những dẫn chứng lịch sử về  mối quan hệ phức tạp “hai mặt” giữa VN và Trung quốc, Việt Nam và Pháp qua các sự kiện “quân cờ đen”, mối liên hệ buôn bán với vùng Lưỡng Quảng, Vân Nam, hiệp ước Thiên Tân 1884…
-        Cho biết về vai trò của Tây Ban Nha, Đức trong cuộc chiến Pháp xâm lược VN, qua đó cho thấy vị thế VN là nước nhỏ luôn bị các nước lớn chi phối, nhất là trong những thời điểm ngặt nghèo liên quan đến nền độc lập của VN.
-        Khi triều đình quyết tâm kháng chiến chống ngoại xâm thì đó là cơ hội đoàn kết và huy động được nhân dân, dù trước đó có những bất đồng thậm chí nguy cơ chia rẽ, cát cứ.
Là những bài học lịch sử sâu sắc, cụ thể, rõ ràng mà cuốn sách này, một lần nữa mang lại cho người đọc.
Đọc cuốn sách về 40 năm cuối thế kỷ XIX nhưng có rất nhiều trang, nhiều đoạn làm tôi liên tưởng đến giai đoạn hiện nay: tình thế Việt Nam khi có nguy cơ bị xâm lược; tương quan phái chủ chiến / chủ hòa hoặc phái “cầm cự để thương lượng”; rồi tình trạng quốc gia cạn kiệt ngân khố triều đình phải đặt ra nhiều loại thuế phí để vơ vét của nhân dân “để trả nợ”, nhưng phần lớn là để cua Tự Đức xây lăng mộ của mình… Rồi cách ứng xử với hai nước lớn là Pháp và Trung quốc của triều đình Nguyễn, nội bộ triều Nguyễn và những sự biến cung đình…
Về mặt xã hội VN thì đó là tầng lớp trí thức cung đình, thói quen về giáo dục, học hành, sự bảo thủ không đổi mới về tư duy và về khoa học kỹ thuật, không học theo mô hình Nhật bản, những đề nghị cải cách đều bị từ chối…
Ngoài ra cuốn sách có những chú thích trích dẫn cũng rất chi tiết, công phu, phụ lục đầy đủ những văn bản gốc quan trọng cũng  làm tăng giá trị khoa học của cuốn sách. Tuy nhiên những nhà nghiên cứu chắc sẽ hơi tiếc khi không có Thư mục tài liệu tham khảo, tài liệu chú dẫn.
Việc xuất bản cuốn sách này là rất cần thiết, và tôi tin bạn đọc sẽ đọc nó với sự thích thú, không chỉ vì thông tin lịch sử mà nó mang lại, mà còn vì nó rất lôi cuốn người đọc qua cách viết, giọng văn. Cách trình bày sự kiện gần gũi với kiểu “biên niên, thực lục” truyền thống ở độ chính xác nhưng từng câu chữ và cách đặt mỗi sự kiện trong bối cảnh xã hội rộng hơn thì mang phong cách của sử học hiện đại: lịch sử xã hội chứ không chỉ là lịch sử của triều chính.

Sài Gòn 21/11/2015

Nguyễn Thị Hậu

Sách do Công ty Alpha Books và NXB Hồng Đức xuất bản 1/2016

SÀI GÒN CON ĐƯỜNG TÔI YÊU


Nguyễn Thị Hậu

Ở Sài Gòn có một con đường khá đặc biệt ở trung tâm thành phố, trong mọi giai đoạn lịch sử nó đều là chứng nhân cho những sự kiện quan trọng của Sài Gòn – Gia Định. Là một đại lộ rộng lớn hai đầu là những công trình nổi tiếng được xây dựng vào thời gian sớm nhất của đô thị Sài Gòn: Dinh Thống Nhất khởi đầu là Dinh Thống Đốc xây dựng năm 1868 và Thảo cầm Viên năm 1864.Tuy không dài nhưng có công viên cây xanh và nhiều kiến trúc rất đẹp, đó là con đường bây giờ là đường Lê Duẩn.

Là nơi có địa thế cao ráo nhất giữa rạch Thị Nghè và sông Bến Nghé, ít nhất từ thế kỷ 17 khu vực nơi con đường này tọa lạc là vị trí quan trọng nhất vùng Gia Định xưa.Năm 1790 Chúa Nguyễn Ánh xây dựng Thành Bát quái (Thành Quy) theo bố cục hai trục vuông mà trục đường Đông Bắc – Tây Nam thể hiện trên bản đồ của Trần Văn Học trùng với con đường Lê Duẩn ngày nay, một đầu là khu Vườn Ông Thượng còn đầu kia là bãi lầy trũng ven sông Thị Nghè, còn trục Tây Bắc – Đông Nam được coi là đường Hai Bà Trưng. Đây là trung tâm chính trị, quân sự, hành chính của Gia Định kinh. Sau cuộc binh biến của Lê Văn Khôi năm 1835, thành Quy bị vua Minh Mạng ra lệnh san phẳng để xây lại thành Phụng nhỏ hơn nằm ở  phía Đông Bắc thành cũ. Năm 1859 chỉ sau một trấn tấn công của quan Pháp, thành Phụng thất thủ.

Đến năm 1869 con đường này xuất hiện trên bản đồ đô thị Sài Gòn. Khoảng 1891ở vị trí trung tâm thành Phụngdựng nên một trại lính với những dãy nhà kiến trúc ba tầng mái ngói, cầu thang bằng sắt bậc bằng gỗ, tường dày,hành langcó hàng lan can bằng sắt, phía trên trang trí hình vòm. Các dãy nhà của trại lính bị cắt ngang bởi đường Đinh Tiên Hoàng sau thuộc về Đại học Y Dược và Đại học KHXH và NV đến nay vẫn còn mang dáng dấp cũ.

Năm 1976 tôi vào đại học Văn khoa ở đường Đinh Tiên Hoàng, sau này ở lại trường giảng dạy hơn mười năm, rồi làm việc tại Bảo tàng trong Thảo Cầm Viên cũng hơn mười năm nữa, có thể nói “thời thanh xuân tươi đẹp” của tôi rất quen thuộc với con đường này, con đường mà lần đầu tôi biết còn mang tên đường Thống Nhất.

Nằm ở trung tâm thành phố nhưng đường Lê Duẩn không phải là khu thương mại hay giải trí, nó là con đường của các công sở hành chínhvà của cơ quan ngoại giao: Tổng lãnh sự quán Pháp, Mỹ, Anh đều nằm trên đường này. Đây là con đường văn hóa vì một đầu là Dinh Thống Nhất – nay là Di tích lịch sử đặc biệt của Quốc gia; còn đầu kia là các trường Đại học, bảo tàng và Thảo Cầm Viên, còn có cả Trung tâm lưu trữ quốc gia 2. Lòng đường và vỉa hè rộng rãi, hàng cây điệp vàng rợp mát nhưng không quá cao nên con đường lúc nào trông cũng rộng và thoáng. Những năm cuối thập kỷ 1990 khi những công trình cao tầng chưa xây dựng dày đặc như bây giờ, con đường này lúc nào cũng lộng gió, những cánh điệp vàng cùng lá xanh rải trên vỉa hè vấn vít bước chân nữ sinh với những tà áo dài. Đường cũng không quá đông đúc như bây giờ cắt ngang là những con đường huyết mạch: Nam kỳ khởi nghĩa, Hai bà Trưng và Tôn Đức Thắng – Đinh Tiên Hoàng.

Trên con đường này có nhiều công trình được coi là di sản kiến trúc đô thị như Dinh Thống Nhất, Nhà thờ Đức bà, Tòa nhà trụ sở Ủy ban nhân dân quận 1, trụ sở hàng ESSO cũ, trụ sở hàng SHELL cũ, dãy nhà trại lính, tòa nhà công ty xổ số, Văn phòng chính phủ… trong đó có một số công trình được xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa.Các công trình khác kiểu thức kiến trúc ảnh hưởng châu Âu và Pháp được nghiên cứu kỹ lưỡng, xây thấp tầng, mặt bằng rộng rãi và sân vườn trồng nhiều cây xanh, hòa hợp với khoảng vỉa hè và lòng đường thoáng đãng. Với những đặc điểm trên có thể coi là một tuyến phố “hành chính” điển hình của đô thị Sài Gòn xưa.

Đường Lê Duẩn không chỉ có giá trị riêng nó mà còn làm tăng thêm giá trịtoàn bộ cảnh quan xung quanh: công viên với những hàng cây cao vút kết nối đại lộ với những tuyến phổ nhỏ nhắn bình yên như Alexandre De Rhodes, Hàn Thuyên, Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Du, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Chiêm… Quảng trường Nhà thờ Đức Bà nối với bùng binh Hồ Con Rùa phía sau, mở ra đường Đồng Khởi phía trước… Tạo nên không gian văn hóa của vùng lõi đô thị Sài Gòn của thế kỷ 20.Nơi đây những ngày lễ hội cũng tập trung đông người nhưng không náo nhiệt ồn ào như đường Nguyễn Huệ, đường Lê Lợi mà lắng đọng, thâm trầm hơn. Có thể coi quảng trường Nhà thờ Đức Bà và xung quanh giống như Hồ Gươm ở Hà Nội, ai đến Sài Gòn cũng phải một lần phải đến nơi đây để cảm nhận một Sài Gòn xưa, cởi mở phóng khoáng mà tinh tế, lịch sự.

Từ đầu thế kỷ 21 không gian cảnh quan khu vực này đã bị biến đổi, nhiều tòa nhà cao tầng đã mọc lên, xây dựng hết khuôn viên nên con đường như hẹp đi bởi những bức tường cao hai bên đường. Tâm điểm là Nhà thờ, Bưu điện cũng bị vây quanh bởi nhiều cao ốc đồ sộ ốp kính màu hiện đại. Khoảng xanh công viên cũng trở nên chật hẹp khi các con đường xung quanh mật độ xe cộ luôn dày đặc. Một số công trình cũ đã biến mất, tòa nhà Lãnh sự quán Mỹ cũng đã được xây dựng lại. Tính chất của con đường cũng biến đổi trở thành khu vực khách sạn, thương mại dịch vụ cao cấp. Và cũng giống như Hà Nội, nếu Hồ Gươm trở thành “cái ao” giữa khối nhà cao tầng vây quanh thì quảng trường, công viên quanh Nhà thờ Đức Bà cũng chỉ như mọi bùng binh khác, chật hẹp cả khoảng trời xanh phía trên do tầm mắt bị che chắn bởi tầng cao những công trình mới.

Việc xây dựng nhanh chóng trên tuyến đường Lê Duẩn đã làm mất đi khá nhiều dấu tích khảo cổ trong lòng đất, bởi vì từ cuối thế kỷ 19 người Pháp đã tìm thấy ở khu vực này nhiều di vật ngàn năm thời tiền sử, chưa kể dấu tích của thành Quy, thành Phụng hàng trăm năm trước.

Sài Gòn giờ đã gần 10 triệu dân, giá trị “đất vàng” gây áp lực “hiện đại hóa” lên khu trung tâm nên hàng loạt công trình xưa cũ đã thay đổi. Tính chất của từng con đường từng ô phố không còn sự độc đáo để tạo dấu ấn riêng biệt nữa. Khu hành chính công, khu ngoại giao, văn hóa lẫn với khu dịch vụ thương mại, những di tích kiến trúc lịch sử - văn hóa xen lẫn với công trình hiện đại, những ngôi biệt thự đẹp như mơ khuất lấp sau cao ốc ốp kính xanh chói chang… Sài Gòn hầu như không còn khu vực nào giữ được cảnh quan cổ xưa để làm thành khu vực di sản đô thị.

Ký ức về những ngày thời sinh viên thong thả đạp xe trên con đường lộng gió lấp loáng điệp vàng, ngồi trên bãi cỏ công viên cây xanh yên tĩnh giữa lòng thành phố, ngắm mảnh trời xanh thanh thản mây trắng bay mà lắng lòng với tiếng chuông nhà thờ thong thả buông từng tiếng… giờ là ước mơ “xa xỉ” của người thành phố.

Làm sao để thành phố Hồ Chí Minhphát triển hiện đại mà không chật chội tù túng, không xa rời thiên nhiên, không thu hẹp những giấc mơ của người thành phố… là vấn đề phải giải quyết và sẽ giải quyết được, nếu biết coi trọng đời sống tinh thần nhân văn của cư dân đô thị như và hơn sự quan trọng của phát triển kinh tế. “Thành phố đáng sống” chính là bản chất của phát triển bề vững.


 

 
 
 
 
 

 

THÊM MỘT CĂN NHÀ CHO GIA ĐÌNH HOÀNG SA

Sáng 19-1-2016, đại diện 5 gia đình có người hy sinh trong trận Hải chiến Hoàng Sa ngày 19-1-1974, cựu binh Trần Văn Hà - có mặt trên hộ tống hạm Nhựt Tảo ngày hôm đó - và các thành viên Nhịp Cầu Hoàng Sa đã đến phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, Sài Gòn, gặp mặt tưởng niệm 42 năm ngày Hoàng Sa rơi vào tay quân Trung Quốc xâm lược và mừng gia đình bà quả phụ Hải quân thiếu tá Nguyễn Thành Trí có nhà mới.
Và đặc biệt, đây là lần đầu tiên, chúng tôi liên lạc được với bà quả phụ Hải quân đại úy Huỳnh Duy Thạch (nhũ danh Lê Kim Chiêu). Bà Chiêu đã đến từ Gò Công.
Hải quân thiếu tá Nguyễn Thành Trí - Hạm phó Hộ tống hạm Nhựt Tảo - tử trận tại Hoàng Sa ngày 19-1-1974 khi vợ ông, bà Ngô Thị Kim Thanh, mới 28 tuổi, đang mang thai người con thứ hai; con trai, được đặt tên là Nguyễn Thanh Triết, tự Hoàng Sa.
Như phần lớn các góa phụ Hoàng Sa khác, suốt 42 năm qua, bà Ngô Thị Kim Thanh vẫn ở vậy thờ chồng và làm dâu trong căn nhà 2B đường Bà Triệu, quận 5. Năm 2000, nhà chồng bán nhà chia cho 8 anh chị em, bà dùng số tiền này mua được một căn hộ chung cư 40 mét vuông, sống cùng hai con (người con gái đầu, Nguyễn Thị Thanh Thảo, sinh năm 1969). Kể từ 7-2014, Nguyễn Thanh Triết cưới vợ, căn hộ càng trở nên chật chội.
Để cải thiện chỗ ở, gia đình bà Thanh đã phải bán căn hộ đang ở với giá 1,090 tỷ, Nhịp Cầu Hoàng Sa góp 650 triệu; cùng với phần dành dụm lâu nay, gia đình bà đã mua căn nhà này với giá 2,1 tỷ VND.
Đây là ngôi nhà thứ 5 mà Chương trình Nhịp Cầu Hoàng Sa góp phần xây cho các gia đình tử sỹ Hoàng Sa và cựu binh Gạc Ma.
Trước đó, Nhịp Cầu Hoàng Sa đã góp 1.114.292.981 VND để cùng bà quả phụ Hải quân Trung tá Ngụy Văn Thà mua một căn hộ ở chung cư Nguyễn Kim - quận 10, Sài Gòn - trị giá 1.343.797.981 VNĐ (tân gia ngày 11-7-2014); Chi 432 triệu VND giúp cựu binh Gạc Ma Lê Hữu Thảo mua đất xây nhà ở Hà Tĩnh (tân gia ngày 5-2-2015); Chi 400 triệu giúp vợ và con trai tử sĩ Hoàng Sa Nguyễn Thành Trọng chuộc lại nhà (30-4-2015); Chi 400 triệu giúp cụ Phan Thị Thê, mẹ của trung sĩ Phạm Ngọc Đa - tử trận tại Hoàng Sa - xây nhà (15-8-2015)
Chương trình NCHS còn tặng cụ Phan Thị Thê một sổ tiết kiệm trị giá 150 triệu đồng. Vừa qua, khi cụ Thê bị bệnh, phải can thiệp nong động mạch vành, NCHS cũng đã chi 112 triệu để hỗ trợ gia đình trang trải các chi phí thuốc men và bệnh viện.
Ngoài ra, Chương trình còn chi 10 phần quà Tết 2014 cho 5 gia đình Hoàng Sa & 5 gia đình Gạc Ma (trị giá 5 triệu/phần quà); Chi 20 triệu cùng với blogger Cu Làng Cát giúp bà Hồ Thị Đức, mẹ anh hùng liệt sỹ Gạc Ma Trần Văn Phương, sửa nhà ở Quảng Binh; Chi 40 triệu giúp cựu binh Gạc Ma Phạm Xuân Trường hoàn thiện nhà ở Hương Sơn, Hà Tĩnh; Mua tặng trung sĩ Việt Nam Cộng Hòa Phan Văn Phải (quận 10, Sài Gòn) một xe Wave Alpha trị giá 19,3 triệu VND; Giúp cựu binh Gạc Ma Hồ Văn Ba (Bố Trạch, Quảng Bình) 50 triệu trả khoản nợ ngân hàng từ lâu không có khả năng chi trả.
Như vậy, trong số 6 gia đình tử sĩ Hoàng Sa mà Chương trình được biết, chúng tôi đã giúp được 4 gia đình "dựng lại nhà".
Sau ngôi nhà của Lê Hữu Thảo, Chương trình đang tiếp tục có nhiều hoạt động hỗ trợ các gia đình liệt sỹ Gạc Ma và các cựu binh Gạc Ma (sửa sang nhà cửa, cấp học bổng cho con em...).
Qua vừa đúng hai năm vận động (từ 7-1-2014), chương trình Nhịp Cầu Hoàng Sa đã nhận được hơn 1000 lượt đóng góp với số tiền lên đến hơn 4 tỷ đồng.
Nhịp Cầu Hoàng Sa là một chương trình do các nhà báo Vũ Kim Hạnh, Nguyễn Thế Thanh, Huy Đức, Đỗ Thanh Triều cùng nhà nghiên cứu hàng hải Đỗ Thái Bình và tiến sỹ Nguyễn Thị Hậu khởi xướng nhằm tri ân gia đình những người lính đã tham gia, đã ngã xuống trên các trận tuyến chống quân Trung Quốc xâm lược, đặc biệt là hai trận hải chiến Hoàng Sa 1974 và Gạc Ma 1988.
Hoàng Sa còn là một nhịp cầu, được bắc để nối những tấm lòng người Việt.
Chương trình kính mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các bạn. Xin cám ơn bạn bè người Việt ở trong và ngoài nước đã liên tục đồng hành với chúng tôi.
Nhịp Cầu Hoàng Sa mong nhận được sự hưởng ứng của các bạn theo các địa chỉ sau:
1, Đỗ Thanh Triều– Vietcombank TP.HCM – số TK 0071001176816 cho tiên đồng VN (VND) Vietcombank TP.HCM số TK 0071370974455 cho dollar
2, Trường hợp chuyển tiền mặt xin gửi: Đỗ Thanh Triều, báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, điện thoại: 0903383994.
3, Tài khoản Paypal: nhipcauhoangsa@gmail.com
4, Những người ở Mỹ có thể gửi check cho “Thai Thai Dinh” (tức Đinh Quang Anh Thái ) địa chỉ 14771 Moran Street, Westminster, CA 92683, USA ; với memo “Đóng góp cho quĩ Nhịp Cầu Hoàng Sa
Xin cám ơn nhà báo Trung Dũng và Sự Viễn đã chụp những bức ảnh này.

OSIN HUY ĐỨC




Vụn vặt đời thường (102)

@ Một ngày tháng Chạp, quán cà phê vắng và những bản bolero. Giở tập thơ mới được em tặng, tình cờ đúng bài này. Có những người – như em - ở SG mà cả năm không gặp nhau, thậm chí trên FB cũng ít gặp. Vậy mà đọc cứ nghĩ như em viết cho mình! Người đọc mang họ “tưởng” trong trường hợp này là một niềm vui cho người viết, phải không em :)





“Nghĩa” của người Sài Gòn


Nguyễn Thị Hậu

Trịnh Hoài Đức viết trong Gia Định thành thông chí “Vùng Gia Định nước Việt ta đất rộng, thực vật phong phú, không lo đói rét, nên dân ít dự trữ, quen thói xa hoa, phong cách kẻ sĩ thì hiên ngang, do người từ bốn phương tụ lại nên mỗi nhà đều có riêng phong tục… Gia Định ở về phương Nam vị trí Dương Minh người đủ tính trung dũng khí tiết, trọng nghĩa khinh tài, dẫu phụ nữ cũng thế” (quyển 4- Phong tục chí).

Chữ “Nghĩa” có nhiều ý nghĩa khi nó đi cùng với một từ khác: nhân nghĩa, tình nghĩa, nghĩa khí, nghĩa hiệp, lễ nghĩa… thường là một phẩm chất cũng có khi là một hành động như nghĩa cử. Trong quan niệm và hành xử của Người Sài Gòn/ Nam bộ thường thể hiện hai phẩm chất: trọng nghĩa khinh tài và sống có tình có nghĩa.

Trọng nghĩa khinh tài: coi Nghĩa là quan trọng hơn tiền tài nói riêng và địa vị, chức tước bổng lộc nói chung. Nếu cần phải đắn đo giữa một bên là địa vị chức tước giàu sang nhưng không trọn tình, không thể hiện nghĩa khí, không giữ được lòng nhân, không đúng lễ nghĩa… thì người Sài Gòn/ Nam bộ thường chọn NGHĨA để giữ trọn tình cảm, phẩm giá, khuôn phép. Nếu cần họ sẵn sàng hy sinh cả tính mạng, tài sản quyền lợi riêng để thực hiện việc Nghĩa.

Trọng nghĩa khinh tài còn là sự hào hiệp trong việc tiếp đón giúp đỡ người nơi xa đến, không quan tâm đến “thân thế sự nghiệp”, địa vị của người đó. Bất kể là ai đến vùng đất này đều được đón tiếp chia sẻ như nhau. Càng nghèo khó, càng yếu thế (như người tù tội, phải trốn tránh…) càng được giúp đỡ, thậm chí còn được che giấu, bênh vực. Nếu có chuyện gì xảy ra thì thường đứng về phía người thân cô thế cô mà chống lại kẻ giàu mạnh mà ức hiếp người khác. Thấy việc đúng thì làm không so đo tính toán vì coi đó là làm việc nghĩa.

Trọng nghĩa khinh tài là không nịnh bợ, không quỵ lụy luồn cúi trước kẻ có quyền có tiền, kẻ có địa vị cao. Ứng xử với mọi người bình đẳng trên tình nghĩa chứ không phải vì tiền của chức tước. Những ai ở địa vị cao sang mà giữ được lễ nghĩa, sống nhân nghĩa, thể hiện được nghĩa khí thì được dân coi trọng, lỡ bị thất thế cũng không ai chê cười coi thường mà trái lại còn được giúp đỡ cưu mang. Ai sai lầm biết thực tâm hối cải thì được bỏ qua. Ai vì nhân dân mà chống lại cường quyền, dù phạm vào chữ “trung” với triều đình thì người dân vẫn kính cẩn thờ cúng. Nhưng ngược lại thì bị dân khinh khi, tiếng xấu để lại muôn đời.

Trọng nghĩa khinh tài đi đôi với sống có tình có nghĩa. Sống nghĩa tình vừa là quan niệm đạo đức vừa là phương châm hành xử hàng ngày. “Nghĩa’ trong “tình nghĩa” không chỉ là những quan hệ ràng buộc bền chặt còn là “nghĩa lý”. Nếu cái “lý” như một nguyên tắc cứng nhắc, khách quan, không khoan nhượng thì khi được vận dụng cùng với “nghĩa” trở nên phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể, biết thông cảm với người lỡ lầm, cân nhắc “một vừa hai phải”. Trong quan hệ làm ăn, “nghĩa lý” là sự thẳng thắn, sòng phẳng nhưng không “lạnh lùng” tiêu diệt triệt hạ lẫn nhau.

          Nghĩa lý không quá uyển chuyển, linh hoạt như chỉ vì “tình” cũng không quá cứng rắn như “lý lẽ”; nghĩa lý có sự công bằng nên thuyết phục, thu phục con người lâu dài. Chính vì sống tình nghĩa/ nghĩa lý nên ứng xử chân thành, tử tế mà phân biệt phải trái rạch ròi, không lẫn lộn vàng thau, mặt khác cũng không dung thứ cho sự cố tình vi phạm đạo đức, làm tổn thương nghĩa tình trong cuộc sống.

Trong những giai đoạn lịch sử khác nhau, ở Nam bộ/ Sài Gòn đều có những nhân vật lịch sử, văn hóa tiêu biểu cho phẩm chất “trọng nghĩa khinh tài”, “sống có tình có nghĩa”… Còn trong văn chương thì Lục vân Tiên  của cụ Đồ Chiều được người Nam bộ yêu quý nhất, bởi đó là nhân vật hội tụ được tất cả tính cách tốt đẹp của người Nam bộ.

Sài Gòn 8/12/2015

BÁO PHÁP LUẬT TPHCM XUÂN BÍNH THÂN 2016


Đất và Người Nam bộ - vài ý nghĩ thoáng qua!


Sáng nay đến Nhà xuất bản Trẻ dự lễ ra mắt cuốn sách Đất và người Nam bộ của học giả Ngạc Xuyên Ca Văn Thỉnh – bậc tiền bối, nhà văn hóa lớn trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu về Nam bộ. Ghi lại vài suy nghĩ của mình.
Nhà văn hóa Ca Văn Thỉnh cũng như rất nhiều trí thức Nam bộ khác, xuất thân từ những gia đình nghèo, nhờ học giỏi từ tiểu học, trung học… mà được nhận học bổng (các loại) của chính quyền Pháp học lên cao đẳng hoặc đại học, ở Sài Gòn, Hà Nội, hoặc qua Pháp. Những người trí thức Nam bộ đi tham gia cách mạng tháng tám 1945 là từ ý thức về Tự do – Bình đẳng – Bác ái, muốn giành tự do độc lập cho dân tộc. Họ từ bỏ cuộc sống đầy đủ nơi thành đô, vứt bỏ giàu sang phú quý, tài sản ruộng đất có được do chính sức lao động và tri thức của họ làm ra để đi vào chiến khu chống Pháp. Lý tưởng trong sáng đó đã được họ gìn giữ đến trọn đời. Sau này những trí thức Nam bộ đa phần đều có cuộc sống thanh bạch  dù có thể có chức vị cao.
Công trình, tác phẩm của các nhà văn hóa, nhà văn Nam bộ thường được viết và diễn đạt bằng ngôn ngữ trong sáng, giản dị, bình dân, không theo phong cách “hàn lâm” dù đó là những tri thức khoa học từ phương Tây hay công trình khảo cứu thực tế công phu. Với tôi, tác phẩm của Ca Văn Thỉnh, Sơn Nam, Vương Hồng Sển, Trang Thế Hy, Trần Kim Trắc… hay trước đó là Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc… và sau đó như Đoàn Giỏi, Nguyễn Quang Sáng hay bây giờ là Nguyễn Ngọc Tư… đều mang lại cảm nhận đầu tiên: họ viết vì tình yêu quê hương sâu đậm, tình yêu cụ thể dành cho từng con người thân quen, từng cảnh vật gần gũi… Họ viết như để nói lên lòng biết ơn với những bậc Tiên hiền, Hậu hiền – những con người bình thường nhưng có công khai hoang lập làng nên được nhân dân tôn thờ trong các đình làng Nam bộ, cùng với vị Thần được sắc phong của nhà vua. Họ viết như để đền ơn đáp nghĩa với quê hương mà cũng như để chuyện trò với bạn bè gần xa.  
Vì sao khi viết về vùng đất này người ta hay dùng “đất và người Nam bộ”? Phải chăng vì đất Nam bộ thì xa xôi cách trở về địa lý, người Nam bộ thì “lạ” về lối sống, phong tực tập quán? Sự xa – lạ ấy mang lại không ít cái nhìn phiến diện, thậm chí thiên lệch khi tìm hiểu, đánh giá về văn hóa, về lịch sử, về con người Nam bộ. Cho nên, đọc những tác phẩm của tác giả Nam bộ nếu tinh ý ta sẽ nhận thấy ẩn hiện trong đó câu trả lời cho những thiên kiến không đúng, chưa trúng. Người Nam bộ không đao to búa lớn, không đối một đáp hai để cố chứng minh mình là ai, mình là thế nào cứ nhẹ nhàng có khi tưng tửng để người đọc hiểu ra rằng “Đất Nam bộ, người Nam bộ coi dậy mà hổng phải dậy! Đừng có nhìn ba chớp ba nháng… ”. Sự thâm thúy mà hóm hỉnh làm cho ai đó lỡ phán bậy phán bạ phải nhận ra cái nông cạn sai sót của mình mà không bị “quê độ”, vẫn có thể cùng ngồi với nhau trong bữa nhậu, cụng một ly để “bỏ qua” chuyện cũ.
Cách đây hơn 10 năm, Hội Sử học TPHCM đã bắt đầu xuất bản tập sách “Nam bộ - đất và người”, đến nay đã có tập thứ 10. Những tập đầu tiên cũng do NXB Trẻ xuất bản, lúc đó chúng tôi chưa hề biết học giả Ngạc Xuyên Ca Văn Thỉnh cũng có một tiểu luận mang tên “Đất và người Nam bộ”.  Hội Sử học TPHCM duy trì việc xuất bản tập sách này với hy vọng đây là nơi để những người nghiên cứu trẻ thử sức để dần tiếp nối các bậc tiền bối trong lĩnh vực “Nam bộ học, Sài Gòn học”.
Viết đến đây bỗng nhớ ra có nhiều bạn hỏi tôi: Sao những tập tản văn tạp bút của chị có rất nhiều bài về Sài Gòn, Nam bộ nhưng tựa sách thì không cuốn nào có chữ Sài Gòn? Người Nam bộ yêu dữ lắm cũng chỉ dung chữ “thương”.  Khi bạn thương một người đến mức chỉ cần tên người đó thoáng qua cũng làm cho tim bạn nghẹn lại vì lỡ nhịp… có cần gì phải luôn gọi tên người ấy, phải không?

Sài Gòn 13.1.2016


CHUYỆN TÀO LAO (6)



Hậu khảo cổ
Hai mươi năm sau
Bạn già đến thăm nhau trong Viện dưỡng lão. Chuyện cũ nhớ nhớ quên quên, bà liền kể một chuyện vui hồi xưa mỗi lần nghe cả hai đều cười rũ rượi. Bạn ngơ ngác chẳng cười tiếng nào. Thương bạn quá bà bật khóc. Bạn nhìn bà rồi bỗng cười y như ngày xưa, nước mắt bà càng ràn rụa...
Bây giờ còn cùng vui được thì vui đi, cũng đừng làm cho nhau phải rơi nước mắt. Hai mươi năm nữa biết đâu chúng mình cũng vậy.

Đúng quy trình
Trong đầm có chú
Ếch sống cô đơn, buồn bã, bèn đến bác sĩ tâm lý Cóc.
- Cậu đừng lo…. Sẽ có một cô gái xinh đẹp đến tìm hiểu mọi điều về cậu.
Chú ếch mừng rỡ:
- Tuyệt! Tôi sẽ gặp nàng ở chỗ làm, trong buổi tiệc hay ở nhà riêng?
- Không, trong phòng thí nghiệm sinh học.
- Trời, gặp nàng để rồi chết ngay à?
- Nếu cô ấy làm đúng quy trình thì cậu chết còn may đấy, nếu không thì sẽ như tôi phải sống với cô ấy cả đời …

Con Tê giác cuối cùng
Trong khu rừng kia tê giác sống đơn độc. Từ lâu nó đã tự hỏi: sao ta chỉ có một mình? Một ngày nó quyết định đi tìm bố mẹ, đồng loại.
Tê giác đi mãi. Rừng cây ngày càng thưa thớt, hiếm hoi thú lớn thú nhỏ. Qua bao khó khăn nó vẫn không tìm thấy một con tê giác nào khác.
Rồi nó bị bọn săn trộm thú bắn chết. Cuối cùng tê giác được gặp cha mẹ và đồng loại, ở thiên đường.

Ấp trứng vịt

Vịt vốn không biết ấp trứng nên nhờ gà ấp hộ. Gà nhiệt tình giúp. Vịt được thể càng đẻ nhanh đẻ nhiều, ổ gà không còn chỗ cho trứng gà nữa. Nghe mấy chị gà than thở, người bèn nghĩ ra cách ấp trứng vịt.
Nhưng vịt con chưa nở người đã có món ăn mới: trứng vịt lộn.
Vịt ân hận lắm, nhưng đã muộn. Làm biếng và ỷ lại cũng có giá của nó!

 Tự do
Từng bầy chim sẻ sống vô tư. Thấy họa mi bị nhốt trong lồng chim sẻ tỏ vẻ coi thường và chê bai họa mi không biết đi tìm tự do, nhưng chúng chẳng giúp gì cho họa mi cả.
Một ngày cả bầy chim sẻ bị bắt nhưng lại được phóng sinh trong ngày rằm tháng Bảy nên chúng càng tự hào vì sự tự do của mình. Chỉ vài tuần sau lại bị bắt. Lần này chim sẻ trở thành đặc sản trong nhà hàng.


 

Chuyện tào lao (6) EMAIL HỒI ÂM CỦA ÔNG GIÀ NOEL (TTC 1/1/2016)




EMAIL HỒI ÂM CỦA ÔNG GIÀ NOEL

Thân gửi những người chồng ưu tú người bố nhân dân
Đồng kính gửi phu nhân của những người đàn ông ngoan.

Từ đầu tháng mười hai đến giờ ta bị ngập trong hàng chục ngàn lá thư gửi qua bưu điện, hàng trăm ngàn email, hàng triệu tin nhắn qua facebook… với những yêu cầu, đề nghị, xin cho, ra lệnh… về đủ các loại quà tặng từ vật thể đến phi vật thể, từ hữu cơ đến vô cơ, từ cổ vật đến hiện kim… Quà cho trẻ em còn dễ chứ quà cho người lớn thì thú thật là ta “lực bất tòng tâm” vì có những món quà ta không thể hình dung được nó như thế nào, nên càng không biết có thể kiếm nó ở đâu.
Không muốn làm các người thất vọng nhưng điều đáng buồn là món quà “tham nhũng” các người yêu cầu lại ở trong số đó.

Khi nhận được thư của các người, ta đã đi hỏi thăm khắp nơi và nhận được một vài chỉ dẫn con đường tìm kiếm để phát hiện ra nơi “tham nhũng” đang được cất giấu. Nhưng khi ta tìm đến thì đó là những lâu đài xây dựng ở nơi đất vàng rừng bạc bờ biển kim cương. Đã kín cổng cao tường lại còn hai bên là hai con sư tử đến từ “nước lạ” giơ vuốt nhe nanh đe dọa… Bầy tuần lộc hiền lành của ta nhìn thấy khiếp vía chạy mất dép, à quên, chạy sút móng luôn! Ta suýt bị quăng xuống đường, may mà đã cài dây an toàn và đội mũ bảo hiểm gắn hai cái sừng “chống va quệt”. Thế nên ta không thể biết ở trong đó “tham nhũng” có hình thù mặt mũi ra sao nữa, hic hic!

Bởi vậy, hôm nay ta gửi mail này xin lỗi vì không thể mang đến cho các ngươi món quà như yêu cầu, hẹn mùa Giáng sinh năm sau sẽ đền bù gấp năm gấp mười lần hơn, OK? Tất nhiên nếu các người vẫn còn quyết tâm tìm kiếm “tham nhũng”, bởi vì nếu chưa bị phát hiện thì “tham nhũng” sẽ còn sinh sôi nảy nở nhanh nhiều hệt như ruồi đẻ trứng.

Nói đến ruồi ta lại nhớ đến con ruồi trong một cái chai, con ruồi nổi tiếng vì cái giá của nó và nhờ đó nó sẽ “bất tử” trong trí nhớ người tiêu dùng. Bút Tre, nhà thơ dân gian đất tổ Hùng Vương đã tiên đoán rằng:
Con ruồi là giống hiểm nguy
Hai chân có rất là vi trùng nhiều
Em ơi nhớ lấy một điều
Ruồi sa nước ngọt đừng liều kiện ai! (hai câu sau là của ta “chế”, hehe)

Ruồi thì dễ nhìn thấy nhưng trứng ruồi thì rất khó thấy dù nó có ở khắp nơi, nhất là những nơi dơ bẩn. Muốn hết ruồi thì môi trường phải sạch sẽ chứ không chỉ bắt từng con ruồi mà bẻ hết chân của nó. Giữ sạch môi trường là việc của tất cả mọi người, nhất là những người lớn ngoan.

Ta nghĩ, nếu xã hội đồng lòng “tổng vệ sinh” thì dù “tham nhũng” khó thấy như trứng ruồi cũng sẽ lộ ra ngay! Vì vậy Noel này ta gửi tặng các ngươi món quà “phi vật thể”: một câu “khẩu hiệu” để tăng thêm sự quyết tâm làm trong sạch môi trường. Đó là:
RUỒI hay KHÔNG RUỒI, vấn đề sống còn sinh tử của chúng ta! Yaehhh!

Già Santa Claus

Hậu khảo cổ (sao y bổn chánh)


Linh tinh lang tang (133). CHUYỆN KHEN THƯỞNG


Hôm trước đi dự lễ ở một nơi, phần khen thưởng tập thể, cá nhân là phần chính của buổi lễ, với rất nhiều hình thức bằng cấp các kiểu…

Nhớ lại cả đời làm công chức của mình cũng có rất nhiều giấy khen bằng khen các cấp các kiểu, đều vì thành tích trong công việc của một năm (như lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua), rồi mấy năm liền như vậy thì được bằng khen ở cấp cao hơn… Ngoài ra có một số khen thưởng vì hoạt động của Hội KHLS, chưa kể những huy hiệu, kỷ niệm chương… Tóm lại là một thùng to các loại bằng, giấy, nhà chả có chỗ treo mà cũng chẳng định treo J.
Những khen thưởng này đều có kèm theo ít “hiện kim” nhưng thường thì đó là kinh phí của cơ quan, cho nên mới có câu TRÊN KHEN DƯỚI THƯỞNG J

Mình biết có những người thường “phấn đấu” bằng được quý nào năm nào cũng có giấy khen để 1) tăng lương trước niên hạn; và 2) “tích lũy” để đủ tiêu chuẩn “đổi” lấy hình thức khen thưởng cao hơn. Lần nào không được khen thì “làm giặc” ở cơ quan, riết rồi mọi người cũng ngại không đụng vào, cứ cho được khen dù sau lưng thì coi khinh! Bình thường có cái chức vụ như giám đốc, phó giám đốc sở, ngành đến lúc nghỉ hưu thì đủ tiêu chuẩn thi đua để làm hồ sơ nhận Bằng khen của thủ tướng. Ai giỏi hơn thì có khi còn được huân chương lao động, giỏi nữa thì được huân chương khi còn đương chức J

Khi mình nghỉ hưu, tổ chức cơ quan có thông báo mình làm hồ sơ cho bằng khen của thủ tướng. Mình bảo, mình nghỉ hưu rồi,  xuất khen thưởng ấy dành cho người khác. “Không được, phải đủ tiêu chuẩn mới được làm hồ sơ chứ đâu nhường ai được ạ!”. Vậy à, thôi, mình nghỉ rồi, thêm một lần khen thưởng cũng không danh giá hơn. Quan trọng là mình đã làm tròn công việc của mình một cách tử tế.

Mình nhớ ba mình, hoạt động sân khấu từ 1945 nhưng đến khi mất ông cũng chỉ là Nghệ sĩ ưu tú. Nhiều năm sau ông mới được truy tặng Huân chương lao động hạng ba. Khi người ta đề nghị gia đình làm hồ sơ xin truy xét danh hiện Nghệ sĩ nhân dân cho ông, má mình và gia đình đều một ý kiến: không làm hồ sơ xin cho gì hết vì biết chắc chắn ở thế giới bên kia ba mình cũng đồng ý như vậy J
Ba mình mất đã 30 năm nhưng nhiều đồng nghiệp già trẻ của ông vẫn nhớ thương ông, gặp mình là nhắc tới ông, ngày đám giỗ ông thì tự mang rượu đến nhà mình “uống với chủ Bảy một ly”. Đấy là Phần thưởng cao nhất rồi - phần thưởng từ Nhân dân J


 

160 NĂM THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN

  https://nguoidothi.net.vn/160-nam-thao-cam-vien-sai-gon-42825.html   Nguyễn Thị Hậu Thảo cầm viên Sài Gòn là một không gian công cộng và...