Linh tinh lang tang (133). CHUYỆN KHEN THƯỞNG


Hôm trước đi dự lễ ở một nơi, phần khen thưởng tập thể, cá nhân là phần chính của buổi lễ, với rất nhiều hình thức bằng cấp các kiểu…

Nhớ lại cả đời làm công chức của mình cũng có rất nhiều giấy khen bằng khen các cấp các kiểu, đều vì thành tích trong công việc của một năm (như lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua), rồi mấy năm liền như vậy thì được bằng khen ở cấp cao hơn… Ngoài ra có một số khen thưởng vì hoạt động của Hội KHLS, chưa kể những huy hiệu, kỷ niệm chương… Tóm lại là một thùng to các loại bằng, giấy, nhà chả có chỗ treo mà cũng chẳng định treo J.
Những khen thưởng này đều có kèm theo ít “hiện kim” nhưng thường thì đó là kinh phí của cơ quan, cho nên mới có câu TRÊN KHEN DƯỚI THƯỞNG J

Mình biết có những người thường “phấn đấu” bằng được quý nào năm nào cũng có giấy khen để 1) tăng lương trước niên hạn; và 2) “tích lũy” để đủ tiêu chuẩn “đổi” lấy hình thức khen thưởng cao hơn. Lần nào không được khen thì “làm giặc” ở cơ quan, riết rồi mọi người cũng ngại không đụng vào, cứ cho được khen dù sau lưng thì coi khinh! Bình thường có cái chức vụ như giám đốc, phó giám đốc sở, ngành đến lúc nghỉ hưu thì đủ tiêu chuẩn thi đua để làm hồ sơ nhận Bằng khen của thủ tướng. Ai giỏi hơn thì có khi còn được huân chương lao động, giỏi nữa thì được huân chương khi còn đương chức J

Khi mình nghỉ hưu, tổ chức cơ quan có thông báo mình làm hồ sơ cho bằng khen của thủ tướng. Mình bảo, mình nghỉ hưu rồi,  xuất khen thưởng ấy dành cho người khác. “Không được, phải đủ tiêu chuẩn mới được làm hồ sơ chứ đâu nhường ai được ạ!”. Vậy à, thôi, mình nghỉ rồi, thêm một lần khen thưởng cũng không danh giá hơn. Quan trọng là mình đã làm tròn công việc của mình một cách tử tế.

Mình nhớ ba mình, hoạt động sân khấu từ 1945 nhưng đến khi mất ông cũng chỉ là Nghệ sĩ ưu tú. Nhiều năm sau ông mới được truy tặng Huân chương lao động hạng ba. Khi người ta đề nghị gia đình làm hồ sơ xin truy xét danh hiện Nghệ sĩ nhân dân cho ông, má mình và gia đình đều một ý kiến: không làm hồ sơ xin cho gì hết vì biết chắc chắn ở thế giới bên kia ba mình cũng đồng ý như vậy J
Ba mình mất đã 30 năm nhưng nhiều đồng nghiệp già trẻ của ông vẫn nhớ thương ông, gặp mình là nhắc tới ông, ngày đám giỗ ông thì tự mang rượu đến nhà mình “uống với chủ Bảy một ly”. Đấy là Phần thưởng cao nhất rồi - phần thưởng từ Nhân dân J


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...