SÀI GÒN CON ĐƯỜNG TÔI YÊU


Nguyễn Thị Hậu

Ở Sài Gòn có một con đường khá đặc biệt ở trung tâm thành phố, trong mọi giai đoạn lịch sử nó đều là chứng nhân cho những sự kiện quan trọng của Sài Gòn – Gia Định. Là một đại lộ rộng lớn hai đầu là những công trình nổi tiếng được xây dựng vào thời gian sớm nhất của đô thị Sài Gòn: Dinh Thống Nhất khởi đầu là Dinh Thống Đốc xây dựng năm 1868 và Thảo cầm Viên năm 1864.Tuy không dài nhưng có công viên cây xanh và nhiều kiến trúc rất đẹp, đó là con đường bây giờ là đường Lê Duẩn.

Là nơi có địa thế cao ráo nhất giữa rạch Thị Nghè và sông Bến Nghé, ít nhất từ thế kỷ 17 khu vực nơi con đường này tọa lạc là vị trí quan trọng nhất vùng Gia Định xưa.Năm 1790 Chúa Nguyễn Ánh xây dựng Thành Bát quái (Thành Quy) theo bố cục hai trục vuông mà trục đường Đông Bắc – Tây Nam thể hiện trên bản đồ của Trần Văn Học trùng với con đường Lê Duẩn ngày nay, một đầu là khu Vườn Ông Thượng còn đầu kia là bãi lầy trũng ven sông Thị Nghè, còn trục Tây Bắc – Đông Nam được coi là đường Hai Bà Trưng. Đây là trung tâm chính trị, quân sự, hành chính của Gia Định kinh. Sau cuộc binh biến của Lê Văn Khôi năm 1835, thành Quy bị vua Minh Mạng ra lệnh san phẳng để xây lại thành Phụng nhỏ hơn nằm ở  phía Đông Bắc thành cũ. Năm 1859 chỉ sau một trấn tấn công của quan Pháp, thành Phụng thất thủ.

Đến năm 1869 con đường này xuất hiện trên bản đồ đô thị Sài Gòn. Khoảng 1891ở vị trí trung tâm thành Phụngdựng nên một trại lính với những dãy nhà kiến trúc ba tầng mái ngói, cầu thang bằng sắt bậc bằng gỗ, tường dày,hành langcó hàng lan can bằng sắt, phía trên trang trí hình vòm. Các dãy nhà của trại lính bị cắt ngang bởi đường Đinh Tiên Hoàng sau thuộc về Đại học Y Dược và Đại học KHXH và NV đến nay vẫn còn mang dáng dấp cũ.

Năm 1976 tôi vào đại học Văn khoa ở đường Đinh Tiên Hoàng, sau này ở lại trường giảng dạy hơn mười năm, rồi làm việc tại Bảo tàng trong Thảo Cầm Viên cũng hơn mười năm nữa, có thể nói “thời thanh xuân tươi đẹp” của tôi rất quen thuộc với con đường này, con đường mà lần đầu tôi biết còn mang tên đường Thống Nhất.

Nằm ở trung tâm thành phố nhưng đường Lê Duẩn không phải là khu thương mại hay giải trí, nó là con đường của các công sở hành chínhvà của cơ quan ngoại giao: Tổng lãnh sự quán Pháp, Mỹ, Anh đều nằm trên đường này. Đây là con đường văn hóa vì một đầu là Dinh Thống Nhất – nay là Di tích lịch sử đặc biệt của Quốc gia; còn đầu kia là các trường Đại học, bảo tàng và Thảo Cầm Viên, còn có cả Trung tâm lưu trữ quốc gia 2. Lòng đường và vỉa hè rộng rãi, hàng cây điệp vàng rợp mát nhưng không quá cao nên con đường lúc nào trông cũng rộng và thoáng. Những năm cuối thập kỷ 1990 khi những công trình cao tầng chưa xây dựng dày đặc như bây giờ, con đường này lúc nào cũng lộng gió, những cánh điệp vàng cùng lá xanh rải trên vỉa hè vấn vít bước chân nữ sinh với những tà áo dài. Đường cũng không quá đông đúc như bây giờ cắt ngang là những con đường huyết mạch: Nam kỳ khởi nghĩa, Hai bà Trưng và Tôn Đức Thắng – Đinh Tiên Hoàng.

Trên con đường này có nhiều công trình được coi là di sản kiến trúc đô thị như Dinh Thống Nhất, Nhà thờ Đức bà, Tòa nhà trụ sở Ủy ban nhân dân quận 1, trụ sở hàng ESSO cũ, trụ sở hàng SHELL cũ, dãy nhà trại lính, tòa nhà công ty xổ số, Văn phòng chính phủ… trong đó có một số công trình được xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa.Các công trình khác kiểu thức kiến trúc ảnh hưởng châu Âu và Pháp được nghiên cứu kỹ lưỡng, xây thấp tầng, mặt bằng rộng rãi và sân vườn trồng nhiều cây xanh, hòa hợp với khoảng vỉa hè và lòng đường thoáng đãng. Với những đặc điểm trên có thể coi là một tuyến phố “hành chính” điển hình của đô thị Sài Gòn xưa.

Đường Lê Duẩn không chỉ có giá trị riêng nó mà còn làm tăng thêm giá trịtoàn bộ cảnh quan xung quanh: công viên với những hàng cây cao vút kết nối đại lộ với những tuyến phổ nhỏ nhắn bình yên như Alexandre De Rhodes, Hàn Thuyên, Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Du, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Chiêm… Quảng trường Nhà thờ Đức Bà nối với bùng binh Hồ Con Rùa phía sau, mở ra đường Đồng Khởi phía trước… Tạo nên không gian văn hóa của vùng lõi đô thị Sài Gòn của thế kỷ 20.Nơi đây những ngày lễ hội cũng tập trung đông người nhưng không náo nhiệt ồn ào như đường Nguyễn Huệ, đường Lê Lợi mà lắng đọng, thâm trầm hơn. Có thể coi quảng trường Nhà thờ Đức Bà và xung quanh giống như Hồ Gươm ở Hà Nội, ai đến Sài Gòn cũng phải một lần phải đến nơi đây để cảm nhận một Sài Gòn xưa, cởi mở phóng khoáng mà tinh tế, lịch sự.

Từ đầu thế kỷ 21 không gian cảnh quan khu vực này đã bị biến đổi, nhiều tòa nhà cao tầng đã mọc lên, xây dựng hết khuôn viên nên con đường như hẹp đi bởi những bức tường cao hai bên đường. Tâm điểm là Nhà thờ, Bưu điện cũng bị vây quanh bởi nhiều cao ốc đồ sộ ốp kính màu hiện đại. Khoảng xanh công viên cũng trở nên chật hẹp khi các con đường xung quanh mật độ xe cộ luôn dày đặc. Một số công trình cũ đã biến mất, tòa nhà Lãnh sự quán Mỹ cũng đã được xây dựng lại. Tính chất của con đường cũng biến đổi trở thành khu vực khách sạn, thương mại dịch vụ cao cấp. Và cũng giống như Hà Nội, nếu Hồ Gươm trở thành “cái ao” giữa khối nhà cao tầng vây quanh thì quảng trường, công viên quanh Nhà thờ Đức Bà cũng chỉ như mọi bùng binh khác, chật hẹp cả khoảng trời xanh phía trên do tầm mắt bị che chắn bởi tầng cao những công trình mới.

Việc xây dựng nhanh chóng trên tuyến đường Lê Duẩn đã làm mất đi khá nhiều dấu tích khảo cổ trong lòng đất, bởi vì từ cuối thế kỷ 19 người Pháp đã tìm thấy ở khu vực này nhiều di vật ngàn năm thời tiền sử, chưa kể dấu tích của thành Quy, thành Phụng hàng trăm năm trước.

Sài Gòn giờ đã gần 10 triệu dân, giá trị “đất vàng” gây áp lực “hiện đại hóa” lên khu trung tâm nên hàng loạt công trình xưa cũ đã thay đổi. Tính chất của từng con đường từng ô phố không còn sự độc đáo để tạo dấu ấn riêng biệt nữa. Khu hành chính công, khu ngoại giao, văn hóa lẫn với khu dịch vụ thương mại, những di tích kiến trúc lịch sử - văn hóa xen lẫn với công trình hiện đại, những ngôi biệt thự đẹp như mơ khuất lấp sau cao ốc ốp kính xanh chói chang… Sài Gòn hầu như không còn khu vực nào giữ được cảnh quan cổ xưa để làm thành khu vực di sản đô thị.

Ký ức về những ngày thời sinh viên thong thả đạp xe trên con đường lộng gió lấp loáng điệp vàng, ngồi trên bãi cỏ công viên cây xanh yên tĩnh giữa lòng thành phố, ngắm mảnh trời xanh thanh thản mây trắng bay mà lắng lòng với tiếng chuông nhà thờ thong thả buông từng tiếng… giờ là ước mơ “xa xỉ” của người thành phố.

Làm sao để thành phố Hồ Chí Minhphát triển hiện đại mà không chật chội tù túng, không xa rời thiên nhiên, không thu hẹp những giấc mơ của người thành phố… là vấn đề phải giải quyết và sẽ giải quyết được, nếu biết coi trọng đời sống tinh thần nhân văn của cư dân đô thị như và hơn sự quan trọng của phát triển kinh tế. “Thành phố đáng sống” chính là bản chất của phát triển bề vững.


 

 
 
 
 
 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...