CHUYỆN TÀO LAO (6)



Hậu khảo cổ
Hai mươi năm sau
Bạn già đến thăm nhau trong Viện dưỡng lão. Chuyện cũ nhớ nhớ quên quên, bà liền kể một chuyện vui hồi xưa mỗi lần nghe cả hai đều cười rũ rượi. Bạn ngơ ngác chẳng cười tiếng nào. Thương bạn quá bà bật khóc. Bạn nhìn bà rồi bỗng cười y như ngày xưa, nước mắt bà càng ràn rụa...
Bây giờ còn cùng vui được thì vui đi, cũng đừng làm cho nhau phải rơi nước mắt. Hai mươi năm nữa biết đâu chúng mình cũng vậy.

Đúng quy trình
Trong đầm có chú
Ếch sống cô đơn, buồn bã, bèn đến bác sĩ tâm lý Cóc.
- Cậu đừng lo…. Sẽ có một cô gái xinh đẹp đến tìm hiểu mọi điều về cậu.
Chú ếch mừng rỡ:
- Tuyệt! Tôi sẽ gặp nàng ở chỗ làm, trong buổi tiệc hay ở nhà riêng?
- Không, trong phòng thí nghiệm sinh học.
- Trời, gặp nàng để rồi chết ngay à?
- Nếu cô ấy làm đúng quy trình thì cậu chết còn may đấy, nếu không thì sẽ như tôi phải sống với cô ấy cả đời …

Con Tê giác cuối cùng
Trong khu rừng kia tê giác sống đơn độc. Từ lâu nó đã tự hỏi: sao ta chỉ có một mình? Một ngày nó quyết định đi tìm bố mẹ, đồng loại.
Tê giác đi mãi. Rừng cây ngày càng thưa thớt, hiếm hoi thú lớn thú nhỏ. Qua bao khó khăn nó vẫn không tìm thấy một con tê giác nào khác.
Rồi nó bị bọn săn trộm thú bắn chết. Cuối cùng tê giác được gặp cha mẹ và đồng loại, ở thiên đường.

Ấp trứng vịt

Vịt vốn không biết ấp trứng nên nhờ gà ấp hộ. Gà nhiệt tình giúp. Vịt được thể càng đẻ nhanh đẻ nhiều, ổ gà không còn chỗ cho trứng gà nữa. Nghe mấy chị gà than thở, người bèn nghĩ ra cách ấp trứng vịt.
Nhưng vịt con chưa nở người đã có món ăn mới: trứng vịt lộn.
Vịt ân hận lắm, nhưng đã muộn. Làm biếng và ỷ lại cũng có giá của nó!

 Tự do
Từng bầy chim sẻ sống vô tư. Thấy họa mi bị nhốt trong lồng chim sẻ tỏ vẻ coi thường và chê bai họa mi không biết đi tìm tự do, nhưng chúng chẳng giúp gì cho họa mi cả.
Một ngày cả bầy chim sẻ bị bắt nhưng lại được phóng sinh trong ngày rằm tháng Bảy nên chúng càng tự hào vì sự tự do của mình. Chỉ vài tuần sau lại bị bắt. Lần này chim sẻ trở thành đặc sản trong nhà hàng.


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...