Đất và Người Nam bộ - vài ý nghĩ thoáng qua!


Sáng nay đến Nhà xuất bản Trẻ dự lễ ra mắt cuốn sách Đất và người Nam bộ của học giả Ngạc Xuyên Ca Văn Thỉnh – bậc tiền bối, nhà văn hóa lớn trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu về Nam bộ. Ghi lại vài suy nghĩ của mình.
Nhà văn hóa Ca Văn Thỉnh cũng như rất nhiều trí thức Nam bộ khác, xuất thân từ những gia đình nghèo, nhờ học giỏi từ tiểu học, trung học… mà được nhận học bổng (các loại) của chính quyền Pháp học lên cao đẳng hoặc đại học, ở Sài Gòn, Hà Nội, hoặc qua Pháp. Những người trí thức Nam bộ đi tham gia cách mạng tháng tám 1945 là từ ý thức về Tự do – Bình đẳng – Bác ái, muốn giành tự do độc lập cho dân tộc. Họ từ bỏ cuộc sống đầy đủ nơi thành đô, vứt bỏ giàu sang phú quý, tài sản ruộng đất có được do chính sức lao động và tri thức của họ làm ra để đi vào chiến khu chống Pháp. Lý tưởng trong sáng đó đã được họ gìn giữ đến trọn đời. Sau này những trí thức Nam bộ đa phần đều có cuộc sống thanh bạch  dù có thể có chức vị cao.
Công trình, tác phẩm của các nhà văn hóa, nhà văn Nam bộ thường được viết và diễn đạt bằng ngôn ngữ trong sáng, giản dị, bình dân, không theo phong cách “hàn lâm” dù đó là những tri thức khoa học từ phương Tây hay công trình khảo cứu thực tế công phu. Với tôi, tác phẩm của Ca Văn Thỉnh, Sơn Nam, Vương Hồng Sển, Trang Thế Hy, Trần Kim Trắc… hay trước đó là Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc… và sau đó như Đoàn Giỏi, Nguyễn Quang Sáng hay bây giờ là Nguyễn Ngọc Tư… đều mang lại cảm nhận đầu tiên: họ viết vì tình yêu quê hương sâu đậm, tình yêu cụ thể dành cho từng con người thân quen, từng cảnh vật gần gũi… Họ viết như để nói lên lòng biết ơn với những bậc Tiên hiền, Hậu hiền – những con người bình thường nhưng có công khai hoang lập làng nên được nhân dân tôn thờ trong các đình làng Nam bộ, cùng với vị Thần được sắc phong của nhà vua. Họ viết như để đền ơn đáp nghĩa với quê hương mà cũng như để chuyện trò với bạn bè gần xa.  
Vì sao khi viết về vùng đất này người ta hay dùng “đất và người Nam bộ”? Phải chăng vì đất Nam bộ thì xa xôi cách trở về địa lý, người Nam bộ thì “lạ” về lối sống, phong tực tập quán? Sự xa – lạ ấy mang lại không ít cái nhìn phiến diện, thậm chí thiên lệch khi tìm hiểu, đánh giá về văn hóa, về lịch sử, về con người Nam bộ. Cho nên, đọc những tác phẩm của tác giả Nam bộ nếu tinh ý ta sẽ nhận thấy ẩn hiện trong đó câu trả lời cho những thiên kiến không đúng, chưa trúng. Người Nam bộ không đao to búa lớn, không đối một đáp hai để cố chứng minh mình là ai, mình là thế nào cứ nhẹ nhàng có khi tưng tửng để người đọc hiểu ra rằng “Đất Nam bộ, người Nam bộ coi dậy mà hổng phải dậy! Đừng có nhìn ba chớp ba nháng… ”. Sự thâm thúy mà hóm hỉnh làm cho ai đó lỡ phán bậy phán bạ phải nhận ra cái nông cạn sai sót của mình mà không bị “quê độ”, vẫn có thể cùng ngồi với nhau trong bữa nhậu, cụng một ly để “bỏ qua” chuyện cũ.
Cách đây hơn 10 năm, Hội Sử học TPHCM đã bắt đầu xuất bản tập sách “Nam bộ - đất và người”, đến nay đã có tập thứ 10. Những tập đầu tiên cũng do NXB Trẻ xuất bản, lúc đó chúng tôi chưa hề biết học giả Ngạc Xuyên Ca Văn Thỉnh cũng có một tiểu luận mang tên “Đất và người Nam bộ”.  Hội Sử học TPHCM duy trì việc xuất bản tập sách này với hy vọng đây là nơi để những người nghiên cứu trẻ thử sức để dần tiếp nối các bậc tiền bối trong lĩnh vực “Nam bộ học, Sài Gòn học”.
Viết đến đây bỗng nhớ ra có nhiều bạn hỏi tôi: Sao những tập tản văn tạp bút của chị có rất nhiều bài về Sài Gòn, Nam bộ nhưng tựa sách thì không cuốn nào có chữ Sài Gòn? Người Nam bộ yêu dữ lắm cũng chỉ dung chữ “thương”.  Khi bạn thương một người đến mức chỉ cần tên người đó thoáng qua cũng làm cho tim bạn nghẹn lại vì lỡ nhịp… có cần gì phải luôn gọi tên người ấy, phải không?

Sài Gòn 13.1.2016


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...