ĂN TẾT VỪA ĐỦ


Tạp bút, Nguyễn Thị Hậu

Cái Tết với người Việt là thời gian sum họp gia đình, những bữa ăn ngày Tết không chỉ để cúng ông bà mà còn là lúc gia đình trò chuyện về những điều đạo lý, hiếu thảo. Hơn hết cả tết là một dịp để sinh hoạt gia đình gắn bó hơn. Tuy nhiên truyền thống này đã ít nhiều phôi phai, nhất là ở thành thị, do nhịp sống công nghiệp ngày càng vội vã, bận rộn.
Ngày nay gia đình thường ít người hơn trước, kể cả ở nông thôn. Thanh niên đổ lên thành phố, ra các khu công nghiệp làm việc. Tàu xe đi lại dịp lễ tết khó khăn nhưng bù lại có điện thọai, có internet, không chỉ trong nước mà ở nước ngòai để có thể thăm hỏi ông bà cha mẹ bất cứ lúc nào. Qua việc thể hiện sự hiếu đễ với cha mẹ ông bà tình cảm gia đình càng gắn bó hơn.
Ngày lễ tết hay ngày giỗ mới có thể tập hợp nhau về nhà. Vì vậy tổ chức ăn uống nhân dịp gặp gỡ vừa là thói quen hàng ngày vừa là phong tục truyền thống.
Phần lớn gia đình Việt Nam vẫn còn giữ được tập tục “ăn giỗ, ăn tết” nhất là những gia đình nào có ông bà cha mẹ ở cùng. Nhiếu gia đình ở nông thôn tính sơ sơ hàng năm có tới chục đám giỗ, rồi mấy ngày tết là những bữa cúng sáng trưa chiều tối từ ngày Ba mươi rước ông bà tới ngày mùng Ba đưa ông bà đi. Chưa kể những ngày Rằm hay mùng Một lớn nhỏ trong năm.
Trong những ngày này phụ nữ thường giữ vai trò bếp núc bày dọn, đàn ông chỉ  thắp nhang và sau đó lo… nhậu. Từ sáng sớm các bà các mẹ sửa soạn cúng trà nước bánh trái trên bàn thờ, rồi xuống bếp nấu đồ cúng chay hay mặn. Chừng nửa buổi là dọn mâm cơm cúng với bảy, tám món nóng nguội chiên xào canh kho… đủ cả. Tàn nhang mâm cúng được mang xuống, có khi cả nhà quay quần mỗi người vài ba miếng, cũng có khi để đó rồi… dọn cất vô tủ lạnh, cho vô nồi hâm lại vì không có ai ăn. Ngày tết mà, nhìn cũng đủ no ngang, huống hồ bữa nào cũng vậy, tới nhà ai cũng thế! Cả ngày, cả tuần lễ tết, những người phụ nữ trong gia đình hầu như ít có dịp đi ra ngoài chơi với bạn bè, bà con… họ vẫn phải lo toan cơm nước hơn cả ngày thường vì là mâm cơm cúng không thể đơn sơ đạm bạc.
Vì vậy hiện này những gia đình ở thành phố và nhiều nhà ở nông thôn nữa đã “cải tiến” tục lệ này, để những người phụ nữ có thời giờ nghỉ ngơi, vui chơi, và cũng đỡ lãng phí thức ăn! Tục lệ được giữ lại phổ biến từ ngày Hai mươi ba Ông Táo mới bắt đầu mua sắm, ở thành phố thì đặt mua trước một số đặc sản hay thực phẩm ngon để biếu ông bà và vài người thân. Từ ngày này chợ Tết nhộn nhịp các chị các mẹ, hình ảnh mẹ và con gái đi chợ luôn là ký ức đẹp của phụ nữ ở bất cứ thời đại nào… Ở nông thôn nhiều gia đình chung nhau gói bánh tét bánh ít, đây cũng là dịp cho các cô gái học để biết làm. Gia đình nào cũng nấu vài món truyền thống cúng ngày Ba mươi và mùng Ba theo đúng phong tục. Còn những ngày khác thì đã đơn giản hơn nhiều. Vẫn thắp nhang bàn thờ ông bà nhưng không quá câu nệ phải cúng kiếng ngày ba bữa như trước.
Phần lớn các gia đình không có sự “xung đột” vì thay đổi này do thời thế đã có nhiều thay đổi, hòan cảnh công việc bận rộn nên cần gia giảm ít nhiều tục lệ cũ. Tuy vậy những việc như đi chợ Tết, bữa cơm cúng Ông Táo, cúng trưa Ba Mươi đón ông bà, cúng Giao thừa, Mùng Một thăm bên nội bên ngoại, Mùng Ba đưa ông bà… thì hầu như vẫn được thực hiện. Tuy không quá bày vẽ cầu kỳ nhưng nếu không có những tục lệ này thì không còn là Tết Việt Nam nữa.
Hiện nay nhiều gia đình trẻ thích đi du lịch vào dịp Tết, một phong cách nghỉ lễ được du nhập từ sự giao lưu văn hóa với phương Tây. Giới trẻ có thu nhập trung bình khá trở lên quan niệm không chỉ là kiếm tiền mà còn là hưởng thụ từ đồng tiền kiếm được. Vì vậy khi có điều kiện thì họ đi du lịch nghỉ ngơi, mở mang kiến thức… Tuy nhiên, nếu Tết nào cũng đi xa nhà thì không nên, cũng như các gia đình trẻ chỉ thích ăn tiệm mà để bếp nhà lạnh tanh thì… dễ “có chuyện”, vì văn hóa Việt Nam bữa ăn không chỉ là ăn, mà còn là sinh họat gia đình, duy trì văn hóa gia đình. Ngày Tết lại càng nên như vậy.
Ăn tết vừa đủ, chơi tết cũng vừa đủ, đừng phung phí, có lẽ ai cũng nghĩ vậy. Nhưng thế nào là “vừa đủ” thì không phải ai cũng nghĩ giống ai. Tùy vào hòan cảnh điều kiện của từng người mà nhu cầu “vừa đủ” cũng khác nhau cho việc mua sắm thực phẩm, quần áo, đồ dùng, phân bố thời gian cho việc nghỉ ngơi, thăm viếng cha mẹ, đi chơi, giải trí… Cần có và rèn luyện “kỹ năng” sử dụng thời gian và tiền bạc thì mới biết thế nào là “vừa đủ”. Mặt khác, các bạn trẻ nên biết dung hòa nhu cầu của mình và nhu cầu của cha mẹ - nhất là khi sống chung - để tránh xung khắc, mất vui trong mấy ngày Tết.



Sài Gòn 6/1/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...