“Nghĩa” của người Sài Gòn


Nguyễn Thị Hậu

Trịnh Hoài Đức viết trong Gia Định thành thông chí “Vùng Gia Định nước Việt ta đất rộng, thực vật phong phú, không lo đói rét, nên dân ít dự trữ, quen thói xa hoa, phong cách kẻ sĩ thì hiên ngang, do người từ bốn phương tụ lại nên mỗi nhà đều có riêng phong tục… Gia Định ở về phương Nam vị trí Dương Minh người đủ tính trung dũng khí tiết, trọng nghĩa khinh tài, dẫu phụ nữ cũng thế” (quyển 4- Phong tục chí).

Chữ “Nghĩa” có nhiều ý nghĩa khi nó đi cùng với một từ khác: nhân nghĩa, tình nghĩa, nghĩa khí, nghĩa hiệp, lễ nghĩa… thường là một phẩm chất cũng có khi là một hành động như nghĩa cử. Trong quan niệm và hành xử của Người Sài Gòn/ Nam bộ thường thể hiện hai phẩm chất: trọng nghĩa khinh tài và sống có tình có nghĩa.

Trọng nghĩa khinh tài: coi Nghĩa là quan trọng hơn tiền tài nói riêng và địa vị, chức tước bổng lộc nói chung. Nếu cần phải đắn đo giữa một bên là địa vị chức tước giàu sang nhưng không trọn tình, không thể hiện nghĩa khí, không giữ được lòng nhân, không đúng lễ nghĩa… thì người Sài Gòn/ Nam bộ thường chọn NGHĨA để giữ trọn tình cảm, phẩm giá, khuôn phép. Nếu cần họ sẵn sàng hy sinh cả tính mạng, tài sản quyền lợi riêng để thực hiện việc Nghĩa.

Trọng nghĩa khinh tài còn là sự hào hiệp trong việc tiếp đón giúp đỡ người nơi xa đến, không quan tâm đến “thân thế sự nghiệp”, địa vị của người đó. Bất kể là ai đến vùng đất này đều được đón tiếp chia sẻ như nhau. Càng nghèo khó, càng yếu thế (như người tù tội, phải trốn tránh…) càng được giúp đỡ, thậm chí còn được che giấu, bênh vực. Nếu có chuyện gì xảy ra thì thường đứng về phía người thân cô thế cô mà chống lại kẻ giàu mạnh mà ức hiếp người khác. Thấy việc đúng thì làm không so đo tính toán vì coi đó là làm việc nghĩa.

Trọng nghĩa khinh tài là không nịnh bợ, không quỵ lụy luồn cúi trước kẻ có quyền có tiền, kẻ có địa vị cao. Ứng xử với mọi người bình đẳng trên tình nghĩa chứ không phải vì tiền của chức tước. Những ai ở địa vị cao sang mà giữ được lễ nghĩa, sống nhân nghĩa, thể hiện được nghĩa khí thì được dân coi trọng, lỡ bị thất thế cũng không ai chê cười coi thường mà trái lại còn được giúp đỡ cưu mang. Ai sai lầm biết thực tâm hối cải thì được bỏ qua. Ai vì nhân dân mà chống lại cường quyền, dù phạm vào chữ “trung” với triều đình thì người dân vẫn kính cẩn thờ cúng. Nhưng ngược lại thì bị dân khinh khi, tiếng xấu để lại muôn đời.

Trọng nghĩa khinh tài đi đôi với sống có tình có nghĩa. Sống nghĩa tình vừa là quan niệm đạo đức vừa là phương châm hành xử hàng ngày. “Nghĩa’ trong “tình nghĩa” không chỉ là những quan hệ ràng buộc bền chặt còn là “nghĩa lý”. Nếu cái “lý” như một nguyên tắc cứng nhắc, khách quan, không khoan nhượng thì khi được vận dụng cùng với “nghĩa” trở nên phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể, biết thông cảm với người lỡ lầm, cân nhắc “một vừa hai phải”. Trong quan hệ làm ăn, “nghĩa lý” là sự thẳng thắn, sòng phẳng nhưng không “lạnh lùng” tiêu diệt triệt hạ lẫn nhau.

          Nghĩa lý không quá uyển chuyển, linh hoạt như chỉ vì “tình” cũng không quá cứng rắn như “lý lẽ”; nghĩa lý có sự công bằng nên thuyết phục, thu phục con người lâu dài. Chính vì sống tình nghĩa/ nghĩa lý nên ứng xử chân thành, tử tế mà phân biệt phải trái rạch ròi, không lẫn lộn vàng thau, mặt khác cũng không dung thứ cho sự cố tình vi phạm đạo đức, làm tổn thương nghĩa tình trong cuộc sống.

Trong những giai đoạn lịch sử khác nhau, ở Nam bộ/ Sài Gòn đều có những nhân vật lịch sử, văn hóa tiêu biểu cho phẩm chất “trọng nghĩa khinh tài”, “sống có tình có nghĩa”… Còn trong văn chương thì Lục vân Tiên  của cụ Đồ Chiều được người Nam bộ yêu quý nhất, bởi đó là nhân vật hội tụ được tất cả tính cách tốt đẹp của người Nam bộ.

Sài Gòn 8/12/2015

BÁO PHÁP LUẬT TPHCM XUÂN BÍNH THÂN 2016


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...