Giới thiệu sách: BƯỚC MỞ ĐẦU CỦA SỰ THIẾT LẬP HỆ THỐNG THUỘC ĐỊA PHÁP Ở VIỆT NAM (1858 – 1897)



BƯỚC MỞ ĐẦU CỦA SỰ THIẾT LẬP HỆ THỐNG THUỘC ĐỊA PHÁP
 Ở VIỆT NAM (1858 – 1897)
Của TS. Nguyễn Xuân Thọ
Đây là một công trình lịch sử có độ xác thực cao vì sử dụng những tư liệu gốc từ kho tư liệu của Bộ Ngoại giao Pháp, Bộ Ngoại vụ Tây Ban Nha, Bộ Hải quân, Bộ thuộc địa Pháp và những nguồn sử liệu khác, cùng với tư liệu riêng của tác giả với một số nhân vật lịch sử. Cuốn sách được bắt đầu và phát triển rộng hơn, sâu sắc hơn từ luận án Tiến sĩ của chính tác giả, do đó cuốn sách có giá trị khoa học cao từ việc sưu tầm, hệ thống, đối sánh các nguồn tư liệu để “phục dựng” khá toàn diện lịch sử nước Việt Nam giai đoạn quan trọng trong 40 năm nửa sau thế kỷ 19.
Chỉ khoảng 40 năm nhưng với kho tư liệu vô cùng phong phú và đa dạng, cuốn sách với gần 600 trang đã dẫn dắt người đọc đi theo những sự kiện lịch sử một cách logic, cho biết thêm nhiều “góc khuất” của những sự kiện, quá trình diễn biến, kể cả về tính cách và hành xử của những nhân vật lịch sử quan trọng. Cách diễn giải của tác giả rất dễ hiểu, hấp dẫn, lôi cuốn do trình bày sử liệu một cách khách quan, những nhận xét dựa trên cơ sở dữ liệu trong mối liên kết chặt chẽ với nhau.
Có thể hình dung cuốn sách là một cái cây cổ thụ - xã hội Việt Nam nửa sau thế kỷ 19, trong đó “thân cây” chính là những hiệp ước giữa Việt Nam và Pháp từ Hiệp ước Versailles 1787 đến Thỏa ước Thiên Tân 1884, từng bước xóa bỏ nền độc lập tự chủ của Việt Nam, đồng thời cũng từng bước thiết lập chính quyền đô hộ của Pháp. Những cành cây chính một phía là mối quan hệ giữa Pháp với các nước Tây Ban Nha, Đức, Trung quốc; giữa chính phủ Pháp với chính quyền của Pháp ở Việt Nam, giữa chính phủ Pháp với các giáo sĩ, giữa những người Pháp trực tiếp “quản lý” Việt Nam với các giáo sĩ và giáo dân ở đây… Phía khác là quan hệ giữa vua và những đại thần trong triều đình nhà Nguyễn, giữa các đại thần với nhau, giữa triều đình với nhân dân ba miền Nam Trung – Bắc…  Từ đó biểu hiện  thành những “nhánh phụ” là nguyên nhân xa gần của những sự biến trong nội bộ triều chính, hành xử và của những nhân vật lịch sử nhà Nguyễn dẫn đến việc mất nước, vai trò của nhân dân, rồi vai trò, tính cách và hành xử của những quan lại người Pháp trong bộ máy cai trị… Tất cả hiện lên rõ ràng, trách nhiệm của từng người cụ thể trong từng sự kiện, và cái kết cho số phận của họ như một tất yếu của nhân vật lịch sử nhưng ta cũng hiểu được từ góc độ  một “con người” của xã hội đó. Tập hợp số phận bi kịch của những nhận vật lịch sử VN chính  là bi kịch của đất nước VN cuối thế kỷ 19.
Nhưng cuốn sách cũng đã nói đến một phần “gốc rễ” của tình hình xã hội VN thế kỷ 19:  ít nhất là từ thời kỳ Đàng Trong và Đàng Ngoài (thế kỷ 17) đã để lại nhiều “di chứng” trong tâm thức lịch sử - văn hóa Việt Nam, bên cạnh việc mở rộng đất đai về phương Nam và quá trình hình thành chính quyền các Chúa Nguyễn rồi thiết lập Triều Nguyễn..
Một số vấn đề như:
-        Trách nhiệm của vua Tự Đức và những đại thần trong hòa ước 1862.
-        Vai trò của những giáo sĩ Pháp không phải là “nạn nhân” của triều đình Nguyễn mà họ là một tác nhân quan trọng trong quá trình Pháp xâm lược VN.
-        Mối quan hệ triều đình nhà Nguyễn với Bắc kỳ bộc lộ khi Pháp xâm lược (phản ánh nguy cơ tiềm ẩn một sự chia rẽ sâu sắc Nam/Bắc vì có căn nguyên từ giai đoạn trước đó và trực tiếp là việc miền Bắc/ Thăng Long không còn là trung tâm của đất nước)
-        Những dẫn chứng lịch sử về  mối quan hệ phức tạp “hai mặt” giữa VN và Trung quốc, Việt Nam và Pháp qua các sự kiện “quân cờ đen”, mối liên hệ buôn bán với vùng Lưỡng Quảng, Vân Nam, hiệp ước Thiên Tân 1884…
-        Cho biết về vai trò của Tây Ban Nha, Đức trong cuộc chiến Pháp xâm lược VN, qua đó cho thấy vị thế VN là nước nhỏ luôn bị các nước lớn chi phối, nhất là trong những thời điểm ngặt nghèo liên quan đến nền độc lập của VN.
-        Khi triều đình quyết tâm kháng chiến chống ngoại xâm thì đó là cơ hội đoàn kết và huy động được nhân dân, dù trước đó có những bất đồng thậm chí nguy cơ chia rẽ, cát cứ.
Là những bài học lịch sử sâu sắc, cụ thể, rõ ràng mà cuốn sách này, một lần nữa mang lại cho người đọc.
Đọc cuốn sách về 40 năm cuối thế kỷ XIX nhưng có rất nhiều trang, nhiều đoạn làm tôi liên tưởng đến giai đoạn hiện nay: tình thế Việt Nam khi có nguy cơ bị xâm lược; tương quan phái chủ chiến / chủ hòa hoặc phái “cầm cự để thương lượng”; rồi tình trạng quốc gia cạn kiệt ngân khố triều đình phải đặt ra nhiều loại thuế phí để vơ vét của nhân dân “để trả nợ”, nhưng phần lớn là để cua Tự Đức xây lăng mộ của mình… Rồi cách ứng xử với hai nước lớn là Pháp và Trung quốc của triều đình Nguyễn, nội bộ triều Nguyễn và những sự biến cung đình…
Về mặt xã hội VN thì đó là tầng lớp trí thức cung đình, thói quen về giáo dục, học hành, sự bảo thủ không đổi mới về tư duy và về khoa học kỹ thuật, không học theo mô hình Nhật bản, những đề nghị cải cách đều bị từ chối…
Ngoài ra cuốn sách có những chú thích trích dẫn cũng rất chi tiết, công phu, phụ lục đầy đủ những văn bản gốc quan trọng cũng  làm tăng giá trị khoa học của cuốn sách. Tuy nhiên những nhà nghiên cứu chắc sẽ hơi tiếc khi không có Thư mục tài liệu tham khảo, tài liệu chú dẫn.
Việc xuất bản cuốn sách này là rất cần thiết, và tôi tin bạn đọc sẽ đọc nó với sự thích thú, không chỉ vì thông tin lịch sử mà nó mang lại, mà còn vì nó rất lôi cuốn người đọc qua cách viết, giọng văn. Cách trình bày sự kiện gần gũi với kiểu “biên niên, thực lục” truyền thống ở độ chính xác nhưng từng câu chữ và cách đặt mỗi sự kiện trong bối cảnh xã hội rộng hơn thì mang phong cách của sử học hiện đại: lịch sử xã hội chứ không chỉ là lịch sử của triều chính.

Sài Gòn 21/11/2015

Nguyễn Thị Hậu

Sách do Công ty Alpha Books và NXB Hồng Đức xuất bản 1/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...