TỪ BIỆT NHỮNG CHUYẾN PHÀ

Nguyễn Thị Hậu

Cầu Vàm Cống vừa khánh thành, cây cầu dây văng vắt ngang dòng sông Hậu nối liền hai tỉnh Cần Thơ và Đồng Tháp. Vậy nhưng khi nhắc đến phà Vàm Cống thì ai cũng nghĩ đến thành phố Long Xuyên của tỉnh An Giang, bởi vì từ huyện Lấp Vò tỉnh Đồng Tháp qua phà này thì vào đến thành phố một thủa nổi tiếng với tên gọi Đông Xuyên.
Nam bộ - miền đất sông Tiền sông Hậu và hàng ngàn con sông kinh rạch. Từ Sài Gòn về các tỉnh lỵ miền Tây biết bao nhiêu cây cầu hình như chưa ai thống kê đầy đủ, nhưng có thể nhớ tên những chiếc phà bến “bắc” lớn nhỏ bởi vì gần như một quy luật, trên đường miền Tây cứ qua một chiếc phà/bắc là vào thị tứ của một tỉnh khác. Này nhé: từ Tiền Giang qua phà Rạch Miễu là Bến Tre, từ Bến Tre qua phà Hàm Luông là tỉnh Trà Vinh... Đi theo quốc lộ Một thì qua chiếc “bắc” Mỹ Thuận nổi tiếng là đến Vĩnh Long, từ Vĩnh Long qua bắc Cần Thơ vào Tây Đô, đi ngả Sa Đéc qua phà Cao Lãnh đi Cao Lãnh, Hồng Ngự... Đi ngả Lấp Vò qua phà Vàm Cống đến Long Xuyên, từ An Giang qua bắc An Hòa tới Kiên Giang... Đó là chưa kể đến hàng trăm chiếc phà nhỏ nối những cù lao và đất liền, như phà Mỹ Hiệp qua một nhánh sông Tiền nối liền quê nội tôi là làng Mỹ Hiệp trên Cù Lao Giêng – Chợ Mới – An Giang với làng Hòa An bên thị tứ Cao Lãnh là quê ngoại... Hay như ở TP. Hồ Chí Minh vẫn còn phà lớn Bình Khánh qua sông Nhà Bè sang huyện Cần Giờ.
Những năm cuối thế kỷ 20 đường về miền Tây rất cực không chỉ vì độc đạo mà còn vì tắc nghẽn tại các bến phà. Chờ phà là nỗi ám ảnh lâu đến nỗi biến thành thói quen của người miền Tây. Chờ hai, ba giờ qua để phà là bình thường, ngày lễ tết nửa buổi gần hết ngày cũng bình thường luôn. Mỗi bến phà là một “thị tứ” nhỏ xíu luôn nhộn nhịp ngày đêm: hàng quán sát hai mặt đường treo đủ thứ bánh tráng nem chua bánh phồng lạp sườn trái cây mùa nào thức ấy... những chai nước ngọt, “nước suối”, xửng hấp bánh bao bánh giò, xe bánh mì... Rồi quán hủ tiếu cơm tấm phở bún bò bánh canh... ôi thôi miền Tây có đặc sản ẩm thực gì thì ở bến phà có món đó.
Trên phà thường xuyên có một lực lượng hùng hậu bán hàng rong: bắp nấu trứng cút bánh phồng trái cây bịch trà đá đậu phộng luộc, cả nem chua bánh ít bánh tét gói nhỏ xíu... Ngồi trên phà gió mát rượi làm hành khách đói bụng hơn sau khi đã phải chờ đợi mỏi mòn, ăn vặt lót dạ vừa kịp lúc phà cập bến lại hối hả chạy theo chiếc xe đò đang leo lên bờ. Trên phà là một bầu không khí đặc quánh mùi xăng dầu, mùi người, mùi của mặt sàn phà nhớp nháp... quyện vào nhau thật khó chịu. Khi phà đã xa bờ cơn gió mát tràn qua mang lại sự trong lành trong chốc lát, rồi tất cả lại đậm đặc trong tiếng sình sịch đều đều của động cơ... Có người mơ màng ngủ gật giật mình bởi tiếng rao “báo mới đây, hôm nay thành phố có 30 người bị lừa”, thấy tin giật gân bèn mua tờ báo, nghe liền sau đó “báo mới đây hôm nay thành phố có 31 người bị lừa”... xung quanh cười ồ. Những chuyện vui như thế trên chuyến phà nào cũng có.
***
Với tôi ấn tượng chờ phà qua phà không phải là nơi nổi tiếng như phà Mỹ Thuận hay Bắc Cần Thơ, mà là một chiếc phà nhỏ vùng Cần Giờ: Phà Dần Xây. Những năm 1990 chúng tôi thường xuyên đi nghiên cứu và khai quật các di tích khảo cổ học ở đây. Hàng tuần 1,2 lần từ TP.HCM đi chiếc xe Jepp trống hơ trống hoác qua huyện Nhà Bè, qua phà Bình Khánh ra Cần Giờ theo con đường lúc đó mới đắp, đất đỏ bụi mù, có đoạn đường bị lở hai xe tránh nhau còn khó. Cũng may, đường “duyên hải” lúc đó chạy cả tiếng có khi chưa thấy chiếc xe nào chạy ngược. Hai bên bờ ngút ngát dừa nước, kênh rạch chằng chịt, vài chiếc cầu sắt nhỏ gập ghềnh chỉ một xe qua được.
Phà Dần Xây qua một nhánh của sông Đồng Tranh đổ ra sông Lòng Tàu. Nhánh sông khá lớn và chịu ảnh hưởng rất rõ của chế độ bán nhật triều từ cửa Gành Rái, vì vậy phải canh giờ “con nước lớn” theo ngày âm lịch để kịp giờ qua phà không phải chờ lâu. Tuy vậy nhiều lần chúng tôi phải chờ ở đó gần nửa ngày, dòng sông vào lúc “nước ròng” lộ ra bãi sình lớn, chỉ có chiếc ghe nhỏ chở người đi bộ hay xe đạp nhưng phải lội sình lầy khá xa từ bờ ra ghe, còn xe máy xe hơi thì chờ phà. Ở bến phà chỉ có phòng bán vé và quán nhỏ kế bên, bán trà đá cà phê, treo một, hai cái võng tòng teng. Đi lại nhiều riết rồi quen thân với mấy cô bán vé và bà chủ quán. Bữa nào tới bến mà chưa qua được phà thì tôi nằm võng đung đưa, nghe mùi bùn sực lên trong nắng, nước ròng nên đứng gió, trời cứ xanh thẳm không một bóng mây... Nghe mấy anh đồng nghiệp tán chuyện với mấy cô mà ngủ quên hồi nào không hay. Khi thấy làn gió lao xao tràn qua rừng cây mắm đước hai bên là biết đang nước lớn, sắp qua được phà.
***
Sống ở Nam bộ, cả ở những thành phố lớn, mấy ai chưa từng đi qua những chuyến phà bến bắc? Nhiều năm trước một buổi chiều muộn đi ngang bến Bạch Đằng thấy trống trải thiêu thiếu một cái gì đó… À phải rồi, phà Thủ Thiêm hôm nay ngừng hoạt động. Đi làm về tôi thấy con gái có gì buồn buồn. Gặng hỏi, con gái nói: hồi sáng tụi con ra bến Thủ Thiêm, hôm nay là chuyến phà cuối cùng mẹ ạ… Rồi các con cho tôi xem những bức hình chụp chiếc phà đang rời bến phía Sài Gòn, ra giữa sông rồi cặp bến Thủ Thiêm. Gương mặt hành khách, gương mặt những người làm việc trên phà đều lặng lẽ… Nhiều người dân Sài Gòn cũng đến bến Thủ Thiêm để chia tay với quá khứ gần trăm năm của những chuyến phà cũng như trước đây đã từng chia tay với những “con đò Thủ Thiêm” qua lại trên sông này hàng trăm năm, đã đi vào câu ca dao nổi tiếng “Bắp non mà nướng lửa lò, đố ai ve được con đò Thủ Thiêm”.
Hồi mới khánh thành cầu Mỹ Thuận, dân miền Tây hàng tháng trời còn chèo ghe về đứng ngắm chiếc cầu là mơ ước bao đời. Bây giờ trên những chuyến xe vun vút qua những cây cầu mới trên sông Sài Gòn, sông Tiền sông Hậu như cầu Thủ Thiêm, Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, Rạch Miễu, cầu Vàm Cống mới đây… hành khách mải mê ngắm cây cầu dây văng hiện đại vươn dài qua dòng sông rộng. Không biết có ai còn nhớ bến phà nổi tiếng một thời, nhớ những chiếc phà rộng lòng đưa đón hàng triệu lượt người xe qua lại cả năm không hề ngưng nghỉ một ngày. Hiện nay đi xe về đồng bằng sông Cửu Long có thể ghé bất cứ trạm dừng nào để nghỉ ngơi, ăn uống, mua đặc sản... Không gian sạch sẽ và ngăn nắp như trạm dừng trên nhiều con đường khác mang lại cảm giác thoải mái cho hành khách, nhưng không ít người nao nao thương nhớ sự sống náo nhiệt và thân thiện “rất miền Tây” của bến phà bến bắc ngày xưa.
***
Trong chuyến đi công tác ở Pháp gần đây, có lần qua một nhánh của sông Seine gần Paris bằng chiếc phà nhỏ. Trên bờ nơi đậu xe chuẩn bị xuống phà có tấm biển ghi chữ BAC... A, giờ tôi mới hiểu chữ “bắc” Mỹ Thuận, “bắc” Cần Thơ là từ đâu. Chợt thấy vui vui như gặp lại một người bạn thân thiết ở quê nhà...
Cuộc sống là phát triển, tạm biệt những bến phà và những chuyến phà! Quốc lộ I ở đồng bằng sông Cửu Long nhờ những chiếc cầu đã liền mạch nhưng vẫn còn cảnh kẹt xe tắc đường y như hồi phải chờ phà qua bắc. Mong sao miền Tây sẽ có thêm đường cao tốc để nơi này thực sự chuyển mình thay đổi.
(Bài hai năm trước). Trên phà Vàm Cống 2017

TÙY TÂM

 Bạn hỏi: xem hai phim mới về Trịnh chưa? - Chưa, và chắc không.

Nhạc Trịnh – như đã kể trong một bài viết – tôi biết từ năm 17 tuổi, khi mới về SG. Bài đầu tiên nghe là Nghe những tàn phai, rồi tất cả các băng Sơn Ca… Từ đó nhạc Trịnh với tôi là Khánh Ly, và chỉ luôn nghe một mình.
Những ca sĩ sau này hát nhạc Trịnh cũng hay, nhưng không mang lại cho tôi cảm xúc như lần đầu nghe Khánh Ly, và nghe suốt những năm bao cấp khốn khó sau đó… Vì vậy, chưa bao giờ tôi đi nghe nhạc Trịnh ở phòng trà hay những dịp tổ chức kỷ niệm ngày sinh ngày mất của Trịnh một cách hoành tráng. Thi thoảng nghe vài bài do các ca sĩ khác hát, có thể thích có thể không, nhưng không chê, vì họ cho thêm một cách cảm khác về Trịnh nhưng không hợp với tôi, vậy thôi.

Với phim về Trịnh cũng vậy. Đó là một tác phẩm nghệ thuật về Trịnh chứ không phải là phim tài liệu. Góc nhìn của người sáng tác, dù bao quát đến đâu cũng không thể như cái nhìn của mọi người về một “người của công chúng”. Đây là tác phẩm của thế hệ sau Trịnh, họ có quyền nhận biết và tái hiện Trịnh như cách họ cảm nhận. Thời đại bây giờ cách vài năm đã là một thế hệ khác, huống gì đã gần 50 năm trôi qua…
Góc nhìn cách hiểu năm 2022 sẽ khác cách cảm Trịnh những năm 1970, 1980 như của
tôi, càng không giống người cùng thời với Trịnh, nhất là với người tự coi là đã “biết tuốt” về Trịnh – mà chắc gì đã biết về Trịnh như thật – là – Trịnh?

Còn nhớ vài lần ngồi “chầu” cuộc nhậu của ba tôi với chú Nguyễn Quang Sáng, anh Trịnh Công Sơn và vài người khác, khi nghe ai đó nói lại dư luận này khác về mình, từ chuyện đời tư đến chuyện chinh trị… anh Trịnh Công Sơn chỉ mỉm cười, sau cặp kiếng trắng ánh mắt lấp lánh như ngạc nhiên, giọng nhẹ nhàng: Ủa có chuyện đó hả? Thôi kệ đi…

Phim về Trịnh Công Sơn và "cuộc đời ông" (dù chỉ một phần) cũng giống như những ca sĩ khác Khánh Ly hát nhạc Trịnh: là một – phiên – bản – khác. Nếu anh còn sống, khi xem phim này hay khi nghe người ta bình luận đủ kiểu về phim và… về chinh mình, anh sẽ nói gì nhỉ? Tôi lại hình dung thấy nụ cười nhẹ nhàng thoáng chút hóm hỉnh của anh. Thôi kệ đi…

 


Thơ Ngô Liêm Khoan

 SÀI GÒN

Sài Gòn nắng đến độ
Em phủ kín khẩu trang
Ta chỉ còn biết yêu đôi mắt
Sài Gòn mưa đến độ
Ta chưa kịp xòe ô
Em đã về nhà ai ướt áo
Sài Gòn bụi đến độ
Ta lạc mất mùi nhau
Sau một chiều kẹt xe vô cớ
Sài Gòn đông đến độ
Có quá nhiều dáng người
Ta sửng sốt… là em
Sài Gòn rộng đến độ
Mười năm ta xa nhau
Chưa một lần gặp em tình cờ trên phố
Sài Gòn vui đến độ
Ta không còn đủ buồn
Để đi hết những quán đêm...
Tác giả: Ngo Liem Khoan
(Một bài thơ hay về Sài Gòn mà mình rất thích)
Photo NAG Minh Hòa
Có thể là hình ảnh đen trắng về 1 người, đường phố và nhà chọc trời

ời khác

SÀI GÒN NHÌN PHỐ NHỚ SÔNG

 

Thành phố Thông thoáng, Thông thương và Thông minh

Từ đầu năm 2022 TP. Hồ Chí Minh đã đẩy nhanh và hoàn thành việc chỉnh trang khu vực bến Bạch Đằng, mang lại diện mạo hiện đại cho nơi này, đồng thời mở ra hướng quy hoạch chỉnh trang toàn bộ “mặt tiền” sông Sài Gòn, nhằm thay đổi cả hai bên bờ sông không chỉ ở đoạn trung tâm “dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai”, mà xa hơn, về phía Bình Dương hay ra phía Nhà Bè, Cần Giờ.

Như nhiều đô thị ở Nam bộ hình thành và phát triển bên những dòng sông thành những “đô thị sông nước”, Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh trải qua hơn 300 năm đã định hình là một thành phố ven sông Sài Gòn. Trước nay sông Sài Gòn thường được biết qua khúc sông ở khu vực trung tâm làm nên một “Sài Gòn đẹp lắm”: Tân Cảng, công xưởng Ba Son, hệ thống cảng Sài Gòn lớn nhất nước, hình ảnh bến Bạch Đằng tấp nập người xe, bên kia là Thủ Thiêm còn giống như xóm làng miền Tây Nam bộ. Rồi từ Cầu Mống vào Chợ Lớn là rạch Bến Nghé hai bên là nhà máy bến cảng phố chợ... Do đó, sông Sài Gòn – rạch Bến Nghé được coi là “mặt tiền” của đô thị Sài Gòn (xưa) vì ở đó hiện diện khá đầy đủ những đặc trưng kinh tế - văn hóa của thành phố.

Có đi trên những chuyến bus đường sông từ bến Bạch Đằng về phía Thủ Đức, Bình Dương hay về phía Cù Lao Phố - Biên Hòa, đi tàu cao tốc ra Cần Giờ, Vũng Tàu hay theo sông Chợ Đệm ngược lên Vàm Cỏ Đông – Tây về Long An... mới thấy TP. Hồ Chí Minh thiệt là rộng lớn! Từ thủa xa xưa những dòng sông đã mở rộng thành phố về mọi hướng, đồng thời nhờ đó đô thị Sài Gòn được kết nối với toàn vùng Nam bộ. Ngày nay nếu tái lập chức năng “đường thủy” những dòng sông này sẽ trở thành “đại lộ” xuyên qua nhiều vùng cảnh quan tự nhiên còn khá nguyên vẹn sự hoang sơ, hay các “vùng di sản” hàng trăm năm tuổi. Đó chính là nguồn tài nguyên văn hóa có rất nhiều tiềm năng, không khó để khai thác và phát triển du lịch nếu biết sử dụng và bảo vệ đúng cách.

Từ đầu thế kỷ 21 thành phố Hồ Chí Minh có tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ và lan rộng. Do quá trình hiện đại hóa nên hệ thống bến – cảng công nghiệp đã di dời ra khỏi thành phố. Tuy nhiên, TP. HCM nếu mất tính chất “cảng thị” thì sẽ mất đi một nguồn lực kinh tế cũng như nguồn lực văn hóa có được nhờ tính chất giao lưu tiếp nhận những yếu tố mới từ bên ngoài, qua hệ thống cảng thị. Tính chất “cảng” làm duy trì và phát triển sự cởi mở, năng động của thành phố. Vì vậy, bên cạnh khu vực cảng kinh tế thì khu vực cửa sông – vịnh biển Gành Rái – Cần Giờ - Vũng Tàu nên trở thành cảng du lịch lớn nhất, “cửa ngõ” quốc tế của thành phố (bên cạnh đường hàng không là sân bay Tân Sơn Nhất và sau này là sân bay Long Thành).

TP. Hồ Chí Minh là trung tâm du lịch lớn nhất phía Nam, mang đặc trưng “thành phố sông nước” tiêu biểu cho cả vùng Nam bộ. Vì vậy du lịch của thành phố cần khai thác tính chất thông thương và thông thoáng của hệ thống sông rạch. Khai thác tiềm năng sông nước có thể bắt đầu bằng bài học trong quá khứ: từ sông Sài Gòn và mạng lưới kinh rạch tỏa ra khắp thành phố hình thành hệ thống bus đường sông và các bến tàu kết hợp những trung tâm thương mại (theo mô hình truyền thống: bến là/và chợ). Đó là sự khôi phục “văn hóa sông nước” với tính chất “mặt tiền” của nhà của phố là sông, cùng với đó là hệ thống bến sông thân thiện, thuận tiện cho dịch vụ du lịch đường thủy.

Chuyến khảo sát mới đây của lãnh đạo thành phố trên sông Sài Gòn đã thể hiện kỳ vọng về sự thay đổi của những dòng sông, từ việc quy hoạch những không gian công cộng khang trang hai bên bờ đến thay đổi môi trường sạch hơn của dòng chảy, từ việc thiết kế những cây cầu sao cho dòng sông ngày càng đẹp hơn đến việc xây dựng những tuyến điểm du lịch độc đáo, hấp dẫn, ghi dấu ấn một thành phố đã qua gần nửa thế kỷ hòa bình... Một trong những mục đích quan trọng là hướng đến phát triển du lịch, mang lại nhận thức mới về Tp. Hồ Chí Minh: là một trung tâm kinh tế và trung tâm văn hóa!

TP. Hồ Chí Minh xây dựng “Thành phố thông minh” không chỉ từ những khu công nghệ cao phần mềm hay từ việc ứng dụng và sử dụng thành quả của công nghệ thời 4.0 và trí tuệ nhân tạo. Mà sự thông minh đầu tiên là nhận biết những bài học hữu ích từ quá khứ: từ những lợi thế tự nhiên nhiều thế hệ đã sử dụng để mang lại sự phát triển thịnh vượng và bản sắc riêng độc đáo của vùng đất Sài Gòn.

 Nguyễn Thị Hậu

TC Du lịch TPHCM số tháng 5/2022

 



KHI ĐÀN BÀ YÊU (Truyện ngắn, Nguyễn Thị Hậu)

 

1.    Những cây cầu

Tình cờ cô nhìn thấy  tấm hình chụp gia đình anh ở nơi anh đang sống. Trong hình anh đứng bên người vợ xinh đẹp, phía trước là câu con trai nhỏ hai tay nắm tay ba mẹ. Hai người không đứng sát vào nhau, chỉ có mái đầu của người vợ  hơi nghiêng gần như chạm vào bờ vai vững chãi của anh, tin cậy và âu yếm.

Trên cao là bầu trời xanh, phía sau hai người xa  xa là dòng sông uốn quanh và những cây cầu nhiều hình dáng. Chỉ một dòng sông chảy ngang đã làm cho thành phố đẹp lên rất nhiều bởi hàng trăm chiếc cầu nối liền khi là những con đường, khi là thảm cỏ, cánh rừng, khi là ngọn đồi, dốc núi… Nơi đây được gọi là “Thành phố của những cây cầu”, nhiều lần anh đã kể với cô như thế.

Cô quen anh từ một người bạn nhưng họ nhanh chóng thân nhau vì có chung nhiều điều quan tâm, suy nghĩ. Giữa họ có biết bao chuyện “trên trời dưới đất” và trong những cuộc trò chuyện không dứt  của anh và cô bao giờ cũng có câu “Ừ khi nào em qua đây”… Câu nói có khi là đùa bỡn, khi lại như lời hứa hẹn, nỗi ước ao, cũng có khi như một lời xin lỗi… Tự nhận mình là những người “mơ hoang chuyên nghiệp” nhưng cả anh và cô đều biết, chuyện đó, lúc này, với họ như là một điều không tưởng. Không phải vì tiền bạc, không phải vì thời gian, những thứ thủ tục hồi nào khó khăn rắc rối giờ đây cũng không còn là trở ngại, mà vì, như một câu hỏi lặng thầm luôn vang lên giữa hai người “gặp nhau… rồi sao nữa…?”

Thời gian trôi đi. Những câu chuyện không dứt rồi cũng ngắn dần. Giấc mơ “về nơi xa lắm” luôn khép lại trước khi được thốt thành lời. Có khi năm bữa nửa tháng gặp nhau trên mạng, họ trò chuyện như vẫn gặp mỗi ngày. Giữa câu chuyện vô thưởng vô phạt luôn là những dấu lặng kéo dài, bởi vì còn đó niềm khát khao nỗi trông đợi sự dằn vặt…  “gặp nhau… rồi sao nữa?!”

Anh vẫn ở xa tít tắp với những dự án những công trình. Cô vẫn mỗi ngày lu bu họp hành công việc. Khoảng thời gian lệch nhau nửa ngày sáng tối bỗng là bức tường thành ngăn cách  hữu hiệu. Mỗi ngày khi mở trang facebook của mình cô cố gắng nén lại để không ném lên câu status  “có những buổi chiều sao quá dài như thế”. Chỉ cần nhìn thấy cái chấm sáng nhỏ nhoi bên cạnh tên cô trong danh sách bạn bè là anh cảm thấy bình yên, rằng cô vẫn còn đó, thật gần anh dù chỉ là trên không gian ảo.

Rồi cô có dịp đến thành phố của anh. Một ngày trời cũng xanh như thế, một mình cô đi lên ngọn đồi cao, đứng ở nơi anh đã chụp tấm hình ấy, nhìn xuống dòng sông và những cây cầu… tất cả nhòe đi. Cô biết, không cây cầu nào có thể đưa cô đến bên bờ vai vững chãi của anh, bởi vì giữa họ không phải là một dòng sông, bởi vì bên anh luôn có một người hướng về anh đầy tin cậy và âu yếm. Người ấy cũng là phụ nữ, như cô…

Lặng lẽ bên bờ hai hàng cây nối những cây cầu. Và dưới kia dòng sông vẫn miên man chảy.

2.    Đón và đưa tiễn

Cô ra phi trường đón một người, chuyến bay của anh sẽ đến vào lúc nửa đêm.

Từ chập tối, đi làm về cô vội vàng ăn gói mỳ, rồi mở máy tranh thủ xem có email không. Vừa lướt qua những tài liệu được gửi đến cô vừa nhìn đồng hồ dù khách sạn cô ở cách sân bay chỉ nửa giờ xe taxi. Khi còn gần hai tiếng nữa, cô tắm và mặc một chiếc váy màu xanh. Trên đường ra sân bay cô mới nhận ra chiếc váy này cô đã mặc và chụp hình gửi cho anh vài ngày trước khi anh đi. Càng hay, anh có thể nhận ngay ra mình, cô mỉm cười.

Các chuyến bay từ nửa vòng trái đất thường đến vào giờ này, khi thành phố bắt đầu vắng lặng thì sân bay lại tấp nập. Bảng đèn nhấp nháy báo hiệu các chuyến đến liên tục nhưng chưa hiện số hiệu chuyến bay của anh. Lơ đãng giở tờ tạp chí ra xem, lại nhìn đồng hồ… rồi tự cười mình “làm như là con nít mới lớn…”. Rồi chuyến bay của anh cũng hạ cánh. Dòng người đổ ra quanh băng chuyền nhận đồ đạc rồi đi ra… mãi vẫn chưa thấy anh. Hay là anh qua rồi mà không nhận ra mình? Rùng mình vì ý nghĩ vừa thóang qua thì cô nhìn thấy anh. Anh cũng nhận ra cô, tay kéo valy tay kia giữ cái ba lô trên vai, sải những bước dài đi về phía cô.

Sau này mỗi khi nhớ anh hình ảnh này lại trở về, cảm giác quen thuộc gần gũi nao lòng…

Thời gian qua nhanh. Ngày chia tay. Lần này anh đưa cô đi nhưng vào lúc trời rạng sáng. Dường như cả đêm đó cô không ngủ, vậy mà khi anh lay nhẹ vai cô, cô vẫn giật mình thảng thốt.

Ngồi trên taxi cô chỉ mong quãng đường ra sân bay dài hơn chút nữa. Nhà ga vẫn đông như mọi ngày.Họ đứng bên nhau, im lặng, thỉnh thỏang cô tìm ánh mắt anh. Hình như anh không nhận ra cô trong chiếc váy xanh ngày đi đón anh. Ở cổng an ninh sau cái ôm vội vã anh quay đi, vẫn những bước sải dài… Cô ngoái nhìn lưng áo trắng của anh khuất dần sau bao nhiêu gương mặt.

Có một điều cô định nói với anh mà quên mất: Đã bao nhiêu chuyến đi và về nhưng đây là lần đầu cô có một người thân yêu để được đón và đưa tiễn.

Mà bây giờ có lẽ không cần nói nữa.

3.    Mười năm

Không hiểu sao trong những câu chuyện về tình yêu dang dở, những bài hát về sự chia ly hay có lời hẹn ước “Mười năm…”. Mười năm - khoảng thời gian không hề ngắn của một đời người, nhất là khi người ta đã ở vào tuổi trung niên (mà hình như ở tuổi này người ta mới hứa/ hẹn như thế, chứ nếu còn trẻ thì người ta sẽ hành xử khác?)

Sài Gòn rộng đến độ
Mười năm ta xa nhau
Chưa một lần gặp em tình cờ trên phố*

Chia tay nhau lần cuối, anh trìu mến ôm vai cô và nói, “có lẽ mười năm nữa ta mới gặp nhau, anh không còn lý do gì để về lại quê hương”. Lúc đó cô chỉ cười và trả lời “ừ, nếu có gặp nhau chắc là sẽ ở đâu đó ngoài quê mình. Bạn tạo điều kiện để mình đi chơi chăng?”. Anh cười gượng gạo. Không biết anh có hiểu lời nói giỡn của cô đang che dấu một sự thất vọng cùng cực, cô biết, mười năm nữa với cô - bây - giờ có nghĩa là không - bao - giờ!

Mười năm trước anh và cô chưa hề biết nhau, và mười năm sau nữa, anh và cô sẽ trở thành những người xa lạ. Trong cái thế giới đang thay đổi nhanh đến chóng mặt, cả tình cảm và những mối quan hệ của con người, thời gian của mỗi người chỉ tính bằng từng ngày từng giờ thì mười năm là một khoảng thời gian khó có thể hình dung được. Không gian nào cho 10 năm sau cô và anh gặp lại? Nguyên cớ nào để họ tìm về nhau? Và lúc đó cô là ai, anh là ai? Không hiểu sao cô luôn đoan chắc rằng, mười năm nữa sẽ không có gì thay đổi khi họ nghĩ về nhau, dù khoảng thời gian mười năm ấy có những người đàn bà khác đi qua đời anh. Bởi vì giữa anh và cô không chỉ là một tình yêu không thể thay thế mà còn là một tri kỷ!

Đoạn đường dài một ngày anh tiễn cô đi lúc mưa lúc tạnh, trời hôm ấy lạnh giá như một ngày đông dù đã sang xuân.

Cô trở về thành phố của mình, tiếp tục tồn tại trong cái “lãnh cung” mà cô tự xây cho mình khổ công như yến làm tổ. Cô sống dù phải đếm từng ngày. Rồi sẽ đến lúc cô quên mất ngày thứ bao nhiêu đã trôi qua…

Sài Gòn vui đến độ
Ta không còn đủ buồn
Để đi hết những quán đêm*

Đoạn kết

Họ gặp nhau trong quán cà phê, ba người đàn bà. Ly đá tan lõang, ly đen nguội tanh. Một người nói: Chị đã nghĩ là em không nên đi… Ngập ngừng, người kia như tự hỏi: Còn chị, chị có ân hận khi không gặp anh ấy?

Người thứ ba lơ đãng khuấy vỡ lớp bọt kem hình trái tim trên ly capuchino, màn hình ipad nhấp nháy những dòng chữ:

- Em vẫn còn yêu anh à?

- Vâng.

- Chuyện chúng ta đã chấm dứt...

- Tình yêu có phải là Hợp đồng làm ăn đâu mà khi một bên hủy hợp đồng thì tình yêu dừng lại?

- Không phải lỗi tại anh...

- Không, đây là tình yêu của riêng em, anh chỉ là người tình cờ đi qua...

Quán vắng. Mưa. Nước tràn đường phố... Thấp thoáng đâu đó là hình bóng những người đàn ông đang ở rất xa...

 

(* thơ NLiêm Khoan)

Sài Gòn, 2012 - 2013. In trong cuốn này:

 


ADN XANH CỦA “ĐÔ THỊ CỔ” TRÀ VINH

 TC Người đô thị số tháng 5/2022 

1.

Các đô thị ở Nam bộ được hình thành từ khoảng đầu thế kỷ 20, hiện nay là nơi chứa đựng những di sản phản ánh lịch sử - văn hóa – cộng đồng cư dân của đô thị đó. Hơn nữa, là trung tâm của một địa phương nên đặc trưng văn hóa đô thị phản ánh đặc trưng văn hóa của khu vực.

Gia định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, trong mục Thành trì chí cho biết ở Nam bộ vào đầu thế kỷ XIX đã có những trung tâm kinh tế sầm uất. Tại mỗi trấn cùng với “thành” là trung tâm hành chính thì nhà cửa phố xá bến chợ luôn được nhắc đến như một thành phần quan trọng. Thời kỳ này Trà Vinh thuộc trấn Vĩnh Thanh. Năm 1834 vua Minh Mạng đặt ra Nam Kỳ và chia thành 6 tỉnh nên gọi là Nam Kỳ Lục tỉnh. Thời kỳ này Trà Vinh thuộc tỉnh Vĩnh Long.

 Sau khi Pháp chiếm toàn bộ Nam kỳ, năm 1899 Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer ra nghị định đổi tên gọi "hạt" thành "tỉnh" (province) và chia Nam Kỳ 20 tỉnh trong đó có tỉnh Vĩnh Long. Từ lúc này trung tâm các “tỉnh” ở Nam kỳ bắt đầu hình thành những đô thị hành chính, tiêu biểu là “tòa bố” (dinh thự làm việc của chủ tỉnh - chef de province), dần được chỉnh trang và quy hoạch theo kiểu phương Tây: đường xá và hạ tầng đô thị, không gian và công trình kiến trúc công cộng.

 Từ khi khởi lập, vị trí của các đô thị Nam bộ luôn ở trung tâm của mạng lưới giao thông đường thủy từng khu vực, tận dụng sự thuận tiện của hệ thống sông, kênh rạch, đường biển và chế độ thủy triều… Giữa các tỉnh hầu như đều có ranh giới tự nhiên là những dòng sông lớn nhỏ. Hiện nay có thể nhận thấy trên trục lộ chính cứ qua một bến phà - nay là một cây cầu - là vào địa phận một thành phố lớn/trung tâm một tỉnh. Có thể nói tính chất của đô thị Nam bộ là “đô thị sông nước”, đô thị không chỉ là những thành trì, các công trình hành chính hay tôn giáo mà còn được biết đến vì những bến cảng “thị tứ” phong phú hàng hóa, giao lưu trao đổi buôn bán trù mật, dân cư đông đúc đa dạng. 

Các đô thị ở Nam bộ tuy là trung tâm của một vùng nông thôn rộng lớn nhưng không bị “nông thôn hóa” mà ngược lại, có ảnh hưởng khá nhiều về lối sống, về sinh họat kinh tế - văn hóa đến những vùng xung quanh. Một hiện tượng phổ biến tại Nam bộ mà không thấy xuất hiện ở miền Trung hay miền Bắc, đó là ở nhiều tỉnh có huyện “châu thành”, đó là đơn vị hành chính bao gồm hoặc ở sát thị xã trung tâm của tỉnh. Trong quá trình phát triển, huyện Châu Thành là nơi “dự trữ” cho quy hoạch đô thị và được “đô thị hóa” nhanh nhất.

2.

Thành phố Trà Vinh là tỉnh lỵ của tỉnh Trà Vinh, nằm bên bờ sông Tiền, trên quốc lộ 53 và cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng hơn 200 km. Trà Vinh có “mặt tiền” là dòng sông Cổ Chiên, có “đảo” là cù lao Long Trị và một số cù lao nhỏ. Nằm giữa hệ thống giao thông đường bộ và đường thủy khá hoàn chỉnh với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, thuận tiện để phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội và là khu vực kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Có thể thấy thành phố Trà Vinh vừa mang đặc điểm chung của các đô thị Nam bộ là đô thị sông nước, “một thị tứ” vừa mang đặc điểm riêng là sự có mặt, hòa hợp gắn bó lâu đời của ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa. Từ đó đã hình thành một nền văn hóa đa tộc người, biểu hiện bằng các công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng độc đáo.

Hiện nay thành phố Trà Vinh có 6 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và 1 di tích cấp tỉnh. Bao gồm các loại hình: Miếu thờ, Đình, Chùa Khmer, chùa Hoa, danh thắng Ao Bà Om và quần thể di tích và thiết chế văn hóa quanh đó, Đền thờ Hồ Chủ Tịch... Đặc biệt nằm ngay cửa ngõ vào thành phố là Chùa Hang – di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia nổi tiếng, thuộc địa phận huyện Châu Thành.

              Ngoài ra còn có nhiều công trình kiến trúc khác, tuy chưa được xếp hạng di tích nhưng là những công trình quen thuộc với cộng đồng cư dân, phản ánh đời sống vật chất, tinh thần của người dân như Chợ Trà Vinh, nhà thờ giáo xứ Thánh Tâm, chùa Khmer Điệp Thạch, chùa Phật giáo Thánh Tâm, thánh thất Cao Đài...

              Nhìn trên bản đồ có thể nhận diện phạm vi của “Đô thị cổ” Trà Vinh là khu vực hình thành sớm, được quy hoạch theo kiểu “đô thị phương Tây” với các đường phổ nhỏ giao cắt nhau tạo thành ô phố “bàn cờ”, hai bên là dãy nhà phố hoặc những biệt thự nhỏ xinh xắn. Vỉa hè rộng trồng cây xanh đến nay đã hơn trăm năm tuổi, là chứng tích của đô thị cổ xưa. Theo tài liệu lịch sử thì thành phố Trà Vinh có một số công trình xây dựng thời Pháp, đó là công sở, trường học, bệnh viện, biệt thự kiểu Tây hay kiểu “Đông Tây kết hợp” khá phổ biên ở Nam bộ. Tất cả đã hợp thành một hệ thống di tích lịch sử phản ánh cấu trúc xã hội, tình trạng kinh tế và nhất là tạo ra sự đa dạng của cảnh quan đô thị.

              “Đô thị cồ Trà Vinh” là khu vực mật độ đường phố cao, có cơ sở hạ tầng đô thị, tập trung nhiều di tích lịch sử - văn hóa lâu đời và nổi tiếng, tiêu biểu cho các loại hình di sản đô thị. Tất cả đã trở thành “dấu chỉ” để nhận biết tuổi đời và đặc trưng của đô thị nhỏ nhưng rất đẹp này.

3.

Các loại hình di sản văn hóa đô thị Trà Vinh tuy có công trình ra đời sớm hơn nhưng phần lớn kiến trúc còn lại có niên đại thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX. Loại hình kiến trúc của công trình tôn giáo tín ngưỡng, nhà ở, một vài công sở, không gian công cộng… cho biết sự đa dạng về văn hóa cũng như các giai đoạn lịch sử của thành phố. Hệ thống di tích lịch sử văn hóa của Trà Vinh phản ánh quá trình hình thành và phát triển của một đô thị hòa hợp văn hóa các cộng đồng dân cư, tạo nên ấn tượng về sự hiền hòa, bình an của đời sống đô thị.

Hệ thống hàng ngàn cây xanh đô thị tuổi đời trăm năm, các loại cây đặc trưng của vùng đất Nam bộ như cây me, cây sao, cây dầu... chính là một “thương hiệu” nhận diện của đô thị Trà Vinh. Thành phố Trà Vinh có thể tự hào là “đô thị xanh”, “đô thị di sản cây xanh”... độc đáo, phù hợp với xu hướng bảo vệ môi trường trong thời kỳ biến đổi khí hậu khắc nghiệt hiện nay. “Thương hiệu” hay danh tiếng của thành phố có thể được nâng cao, cải thiện hay suy thoái đi một phần lớn thông qua giá trị di sản văn hóa được bảo tồn và phát huy trong đời sống hiện tại như thế nào. Hiểu biết và sử dụng hợp lý tất cả giá trị của di sản văn hóa đô thị chính là phát triển bền vững.

              Hiện nay, thông qua việc nghiên cứu, đào tạo, giảng dạy, truyền bá tri thức về lịch sử văn hóa tỉnh Trà Vinh trong bối cảnh Nam bộ nói chung, những giá trị của di sản văn hóa luôn được quan tâm bảo vệ, bảo tồn, trùng tu tôn tạo. Trà Vinh đã biết dựa vào cộng đồng để duy trì đời sống của di tích, thực sự coi trọng vai trò “chủ thể văn hóa” của cộng đồng dân cư. Có thể nhận thấy việc bảo tồn di sản lịch sử văn hóa, “di sản cây xanh” ở “đô thị cổ” Trà Vinh không thể không có vai trò quan trọng của các cộng đồng dân cư, nhất là tâm thức cư dân theo Phật giáo Nam tông luôn gắn bó mật thiết với văn hóa truyền thống và cảnh quan thiên nhiên.

“Đô thị cổ” Trà Vinh hiện còn nhiều di tích lịch sử văn hóa độc đáo. Có thể nhận thấy “ADN văn hóa” – những đặc trưng cơ bản của thành phố Trà Vinh là “đô thị xanh”, văn hóa truyền thống phong phú và cộng đồng dân cư hiền hòa, thân thiện. Đây là “vốn xã hội” quý giá và giàu tiềm năng để có thể phát huy và ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, nhất là trong kinh tế di sản và kinh tế du lịch.

Với tuổi đời hơn một thế kỷ, các đô thị cổ ở Nam bộ trong đó có Trà Vinh là nơi chứa đựng những di sản kiến trúc phản ánh lịch sử - văn hóa – cộng đồng cư dân. Hơn nữa, đô thị luôn là trung tâm của một địa phương nên đặc trưng văn hóa đô thị phản ánh đặc trưng văn hóa của khu vực. Lưu giữ, bảo tồn di sản văn hóa đô thị chính là lưu giữ và phát huy giá trị vật chất và tinh thần của một vùng đất, một địa phương.

Để bảo tồn “đô thị cổ”, quá trình đô thị hóa và quy hoạch đô thị mới không nên tập trung vào “vùng di sản” để tránh làm tổn thương và biến dạng, phá hủy khu vực đô thị cổ. Ngược lại cần mở rộng, tạo dựng các khu đô thị mới, hướng đến việc xây dựng “di sản đô thị thế kỷ XXI” cho đời sau. Đây là cách thức bảo tồn, tích lũy và xây dựng thêm di sản văn hóa cho một địa phương.

Nguyễn Thị Hậu

Những hàng cây xanh (hình của tui) và "Tòa bố Trà Vinh" (hình: internet)






 

 

 

 

DI SẢN VĂN HÓA - MÂM CỖ ĐẶC SẮC CỦA DU LỊCH TP.HCM

 https://tcdulichtphcm.vn/suy-ngam/di-san-van-hoa-mam-co-dac-sac-cho-nganh-du-lich-tphcm-c8a32555.html

Những tháng cuối năm 2021, tôi được tham gia đợt khảo sát di tích lịch sử - văn hóa của TP.HCM (trong đó có thành phố Thủ Đức), do Sở Văn hóa Thông tin phối hợp với một số sở, ngành tiến hành, nhằm bổ sung, điều chỉnh Danh mục kiểm kê di tích giai đoạn 2021 – 2026. Có đi khắp các quận huyện của thành phố mới thấy “tài nguyên du lịch văn hóa” của thành phố vô cùng phong phú và đa dạng, tuy nhiên hoàn toàn còn ở dạng nguyên sơ chưa được khám phá hết giá trị nhiều mặt của hệ thống di tích lịch sử - văn hóa này.

Sự phong phú và đa dạng bắt nguồn từ văn hóa của các cộng đồng tộc người sinh sống trên vùng đất Sài Gòn – TP. HCM: từ các di tích tín ngưỡng như đình, miếu, nhà thờ họ, hội quán... đến di tích tôn giáo như nhà thờ, chùa, thánh thất, thánh đường... Từ di tích kiến trúc như các công sở, biệt thự, công trình công nghiệp... đến di tích của đời sống xã hội như chợ, nhà truyền thống, khu mộ cổ... Số lượng di tích của thành phố rất lớn: Đến cuối năm 2020 toàn thành phố đã có 185 di tích được xếp hạng, trong đó có 02 di tích quốc gia đặc biệt (di tích lịch sử); 58 di tích cấp quốc gia (02 di tích khảo cổ học, 32 di tích kiến trúc nghệ thuật, 24 di tích lịch sử); 125 di tích cấp thành phố (75 di tích kiến trúc nghệ thuật, 50 di tích lịch sử) [1]. Đồng thời Danh mục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 – 2020 có 100 công trình địa điểm: 1 địa điểm khảo cổ, 71 công trình kiến trúc nghệ thuật và 28 công trình, địa điểm lịch sử [2].

Có thể nhận thấy, ngoài một số di tích nổi tiếng ở khu vực trung tâm (quận 1, quận 3, quận 5) đã trở thành địa chỉ quen thuộc của du khách, còn lại nhiều khu vực khác cũng có những di tích, địa điểm có giá trị văn hóa mà nếu thiết kế thành chuyến tham quan “one day” hay “two days”, liên kết với xe bus hoặc bus đường sông thì nhiều khả năng trở thành sản phẩm du lịch rất hấp dẫn. Sản phẩm này trước hết tổ chức trong ngày cuối tuần và hướng đến đối tượng chính là khách nội địa, nhất là người dân thành phố. Đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, thư giãn đồng thời tăng thêm sự hiểu biết cho người dân, nhất là với trẻ em và thanh thiếu niên.

Ngành du lịch nên phối hợp với các quận huyện, thành phố Thủ Đức để tạo ra sản phẩm “đặc sản” của từng khu vực (có thể liên quận nếu cùng những đặc trưng văn hóa), hoặc tour “một con đường, một dòng sông” để tham quan các công trình kiến trúc, cảnh quan, thưởng thức ẩm thực theo một tuyến đường/sông nổi tiếng, độc đáo.

Đường Đồng Khởi không dài lắm nhưng nằm ở vị trí đặc biệt và đắc địa nhất trung tâm Sài Gòn, bắt đầu từ bờ sông Sài Gòn và kết thúc ở quảng trường Công xã Paris, nơi có hai công trình được xây dựng vào cuối thế kỷ 19 là Nhà thờ Đức bà và Bưu điện thành phố. Có thể coi quảng trường này là “tâm” và với “bán kính” bằng con đường Đồng Khởi, quay một vòng tròn chính là khu vực di sản của đô thị Sài Gòn. Trên đường Đồng Khởi có những cửa hàng, quán cà phê, khách sạn được nhiều người biết đến. Hiện giờ hầu hết cả tuyến đường đã thay đổi, nhiều cái tên gắn liền với con đường nay chỉ còn là ký ứcđã trở thành thương hiệu của thành phố... Đều có thể trở thành những điểm du lịch “one day” giới thiệu kiến trúc cổ và thưởng thức ẩm thực của các khách sạn, nhà hàng sang trọng.

 Đoạn “Bến Bạch Đằng” mới được chỉnh trang cũng có thể nối dài theo bus đường sông về phía Thanh Đa hay theo sông Bến Nghé vào quận 5 quận 8... vừa chiêm ngưỡng cảnh quan thành phố đang hiện đại hóa, vẫn còn đó những dãy nhà phố cổ làng xóm xưa, kết hợp thưởng thức ẩm thực dân gian trong các quán bình dân, trong chợ hay nhà hàng, bar... Nếu vào dịp lễ hội ở các đình, chùa, hội quán thì du khách sẽ có một trải nghiệm thú vị.

Tất nhiên, TP. HCM không chỉ là đường Đồng Khởi sầm uất sang trọng mà còn nhiều con đường hẻm phố khác cũng ghi lại dấu ấn văn hóa của người Sài Gòn. Cũng như bên cạnh sông Sài Gòn, Bến Nghé còn có Nhiêu Lộc – Thị Nghè đã được cải tạo chỉnh trang sạch đẹp.

 Có lẽ chưa bao giờ sau một biến cố xã hội ngành du lịch của thành phố thiệt hại nặng nề như vậy. Như các chuyên gia dự đoán, ngành du lịch VN phải qua năm 2023 mới phục hồi như trước, đồng thời sẽ phải cơ cấu lại để phát triển, trong đó ưu thị trường khách du lịch. Có lẽ cần lưu ý phát triển phân khúc khách hàng nội địa, bởi vì đây là khách hàng tiềm năng cho du lịch địa phương, nhất là khi mà lượng du khách nước ngoài chưa thể phục hồi. Do đó cần bổ sung những mô hình phù hợp với điều kiện thời gian, kinh phí của đa số khách hàng, với hình thức thân thiện và tăng cường giới thiệu sự đa dạng văn hóa của thành phố.

Nhớ về những nơi đã đi qua tôi nhận ra một điều: ngay trong những thời điểm khủng hoảng kinh tế thì ở nhiều quốc gia, du lịch địa phương vẫn duy trì và phát triển nhờ vào nguồn khách nội địa. Thị trường khách nội địa luôn được ưu ái, chính nguồn thu từ đây sẽ giúp những thành phố lớn là trung tâm du lịch - dịch vụ có thời gian “dưỡng sức” để bùng nổ trở lại và mạnh mẽ hơn. Thực hiện được điều này là nhờ quan điểm phát triển du lịch phải coi di sản văn hóa là “mâm cỗ” cho người trong nước trước khi là “đặc sản” cho du khách nước ngoài.

Thì Sài Gòn  - TPHCM cũng là một nơi rất giàu có về di sản văn hóa nhưng phần lớn người dân thành phố chưa được thụ hưởng “mâm cỗ” này. Sao ngành du lịch không bắt đầu từ các tour ngắn để tham quan thưởng thức di sản - ẩm thực – lễ hội tại các quận huyện của thành phố?

Nguyễn Thị Hậu

 Dãy nhà ngói cổ ở bến Bình Đông, Quận 8



 Hoàng hôn trên sông Sài Gòn

Nhà thờ Đức Bà



 Khu Di tích Ngã ba Giồng ở Hóc Môn



 



[1] Danh sách các công trình, địa điểm đã được quyết định xếp hạng di tích trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (đến hết tháng 12/2020). Trung tâm Bảo tồn di tích – Sở VHTT TPHCM.

[2] Danh mục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 – 2020 (Ban hành kèm theo Quyết định số: 923/QĐ-UBND ngày 07 tháng 3 năm 2017 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh)

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...