CÓ BAO GIỜ ANH XƯNG TỘI VỀ EM…?



Mỗi khi đến nhà thờ với Chúa
Có bao giờ anh xưng tội về em?

Anh sẽ nói gì về người đàn bà
Với anh nàng là tất cả
Ý nghĩ, việc làm, phút giây riêng tư nhất
Dù chưa bao giờ ta thuộc về nhau.

Chúa nói gì khi anh thú nhận tình yêu
Ngài mỉm cười bao dung hay Ngài giận dữ
Ngài tha thứ rồi có khi nào bắt tội
Để nàng xa anh?

Từ “Ruồi Trâu” đến “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”
Những ông Cha đã trọn đời dâng Chúa
Vẫn nặng nợ trần gian
                                         với một người đàn bà
Huống chi anh
Người trần mắt thịt!

Dù anh xưng tội  thế nào
Thì Chúa vẫn luôn tha thứ
Tình yêu thì không có lỗi
nên anh tái phạm nhiều lần.

em tò mò muốn biết
Chúa nghĩ thế nào nếu anh xưng tội
Về một người đàn bà
                               không phải là em?

Chuyện ở nhà thờ, 2016

P/S. Thật ra em muốn biết
Với Chúa, anh nói gì 
Về những người đàn bà
mà anh đã đi qua...

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, văn bản

SÁCH MỚI: MỖI NGÀY TA SỐNG

Trong hình ảnh có thể có: Hậu Kc Nguyễn, đang cười, văn bản

BÌA SÁCH MỚI  Là tập tùy bút, tản văn mình viết gần đây.
Sách do NXB Tổng hợp TP phát hành. Hy vọng sách sẽ lên kệ trong tháng 8 mùa thu. 
Hình bìa: tác giả chụp tại Baie de Somme (Pháp) nhân một dịp được anh chị Hà Dương Tường đưa về đây nghỉ ngơi tại ngôi nhà nhỏ của anh chị.
CÁC BẠN TIẾP TỤC ỦNG HỘ MÌNH NHÉ 

“HOA SỮA THÔI RƠI...”



Từ bao giờ hoa sữa đã trở thành một biểu tượng của Hà Nội - nhất là đối với những người đi xa? Tôi không biết chính xác nhưng tôi nhớ Hà Nội bắt đầu từ một tối mùa thu 1975 chia tay bạn bè trong hương hoa sữa, tôi bắt gặp nỗi nhớ ấy trong bài hát “Hoa Sữa” của Hồng Đăng, và sau đó da diết hơn theo từng câu hát “Em ơi Hà Nội phố… ta còn em mùi hoa sữa” (thơ Phan Vũ), và “hoa sữa thôi rơi em bên tôi một chiều tan lớp...” (nhạc Trương Quý Hải).

Có mặt ở Hà Nội từ thời Pháp nhưng chưa thấy trong biệt thự nào trồng hoa sữa, chỉ hoàng lan hoặc vài cây nhỏ. Cây hoa sữa được trồng ở vài tuyến phố thuộc khu phố Tây đường lớn vỉa hè rộng rãi chứ phải ở khu phố cổ đường nhỏ vỉa hè cũng nhỏ. Hàng cây cao lớn, lá xanh mướt quanh năm, trồng cách nhau đến hơn mươi mét mà vòm lá vẫn rợp vào nhau. Đây là loại cây xanh phù hợp với đô thị vì là cây lâu năm, thân gỗ, có tán rộng làm bóng mát. Nhưng có lẽ vì “đặc tính” của hương hoa nên người Pháp trồng hoa sữa không dày, phố chỉ có vài cây vừa đủ mùi hương thoang thoảng.

Khi còn ở Hà Nội nhà tôi trên phố Ngô Thời Nhiệm, một quãng phố này và phố Lò Đức gần đó hàng cây hoa sữa. Vào những ngày cuối thu đầu đông, chiều tối Hà Nội lãng đãng hơi sương, từng chùm hoa trắng sữa tỏa hương đậm đặc đến mức… nhức đầu. Thỉnh thoảng một làn gió thoáng qua là mùi hương lan xa và dịu hẳn. Quãng đường Nguyễn Du ven hồ Thiền Quang cũng vậy, những ngôi biệt thự “kín cổng cao tường” thời Pháp quanh đó như gần gũi và thân thiện hơn với người trong phố khi cùng được đắm mình trong hương hoa sữa…  

Trong không gian giới hạn của một đô thị, với “tuổi đời” gần cùng với tuổi của đô thị Hà Nội kiểu Pháp, những cây hoa sữa trở nên quen thuộc với nhiều người Hà Nội thời kỳ 1950-1960, và “hương hoa sữa” trở thành ký ức chung của những chàng trai, cô gái Hà Nội thập niên 1970-1980 và về sau. Ngay cả những người sống ở Hà Nội từng “khổ sở” vì mùi hương nồng nàn của nó thì khi đi xa, hoa sữa” đã là một từ khóa (keyword) để mở ra “kho kỷ niệm về Hà Nội.
***
Phải chăng từ vẻ đẹp quyến rũ của những lời hát về hoa sữa (và cả từ nỗi nhớ của những người Hà Nội đi xa?), khoảng những năm 1990 một số đô thị bắt đầu trồng hoa sữa trên đường phố chính. Hàng hoa sữa mới trồng chỉ cao hơn đầu người, cành còn khẳng khiu đã bắt đầu bung những chùm hoa tỏa hương đậm đặc. Nhưng không như mong đợi, nhiều người bất ngờ vì mùi hương của nó... Chỉ sau vài mùa hoa nhiều nơi đã phải chặt đi trồng cây khác vì không phù hợp với sức khỏe người dân.

Rồi Hà Nội lại trồng hoa sữa trên một số đường mới như Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh... Cũng như nơi khác, vài năm nay với mật độ cây trồng cao trong điều kiện khí hậu thay đổi, cây chưa kịp lớn nhưng hoa sữa đã nở sớm hơn ngay trong những ngày hè... Trước đây vào cuối thu trong tiết trời se lạnh hương hoa sữa nồng nàn như mang chút hơi ấm cho người đi ngoài phố, thì nay trong cái nắng oi mùa hạ người ta khó có thể “lãng mạn” với mùi hương đặc biệt này. Hệ quả tất yếu là hàng cây hoa sữa trên những con đường mới chưa kịp trở thành “ký ức” đã bị chặt bỏ di dời, đành ngậm ngùi chia tay với phố.

Hà Nội có hương hoa sữa trên đường Nguyễn Du, có mùa lá sấu rụng vàng trên phố Phan Đình Phùng... nhưng trước khi hương sắc ấy trở thành ký ức thì Hà Nội đã có hàng cây cổ thụ trăm năm, hàng cây là bóng mát mùa hè đổ lửa, là “nhân chứng” của bao đời người. Việc trồng cây lâu năm ở đô thị là một khoa học vì nó bảo vệ môi trường và sự cộng cảm giữa con người với thiên nhiên. Không thể cứ tùy tiện trồng cây rồi chặt bỏ hay di dời, làm tốn kém nguồn vốn xã hội, gây ra tâm lý bất an và cảm giác không thân thiện trong đời sống đô thị.

Hàng cây luôn gắn bó với những con đường những ngôi nhà, với người thành phố.  Cảnh quan đô thị không thể thiếu những hàng cây cao vút toả bóng mát tạo khoảng xanh bình yên… Mỗi thành phố, vô tình hay hữu ý, có loại cây đặc trưng riêng, như Hải Phòng “thành phố hoa phượng đỏ”, Hà Nội “mùa hoa sữa” và bây giờ là “mùa hoa tím bằng lăng”, Sài Gòn “cánh hoa dầu xoay tít bay bay” “hàng lá me bay”, giờ là mùa hoa bò cạp vàng hay hoa kèn hồng… Trải qua thời gian, đô thị phát triển, loài cây “đặc trưng” sẽ trở thành “thương hiệu” của thành phố ấy.

Sài Gòn 19.7.2019
Nguyễn Thị Hậu

y6s2iAKU.jpg
 ThÆ°Æ¡ng hiệu của thành phố - Ảnh 1.

Tình khuyết



 Chia cho em nửa đời thơ *
Còn một nửa anh dành cho người khác
Đam mê của anh em giữ giùm một nửa **
Còn nửa kia... người khác lấy mất rồi

Khi thành công
Anh rực rỡ trăng rằm
Giữa bao người ngưỡng mộ
Lúc thất bại
anh về lại bên em
tháng năm qua
Vầng khuyết lớn dần...

Suốt đời em chờ
Trăng phục sinh
Từ hoang tàn tình muộn…

2.2019
 * Ý thơ Nguyễn TrọngTạo

Hình ảnh có liên quan

CẢI LƯƠNG TRĂM NĂM NGUỒN CỘI




Lâu lắm rồi tôi mới đi xem cải lương, vì nhiều lý do. Hôm nay đến với chương trình CẢI LƯƠNG TRĂM NĂM NGUỒN CỘI bỗng như sống lại với sân khấu cải lương đầu những năm 1980, khi mà cải lương Sài Gòn có một sức sống mới từ những vở diễn kinh điển đến vở diễn hiện đại, từ thế hệ nghệ sĩ khởi đầu tài hoa đến thế hệ kế tiếp đầy tài năng, từ sự nhuần nhuyễn của năng khiếu bẩm sinh đến sự thể hiện bài bản của đào tạo, truyền nghề... Hơn hết cả là mỗi đêm diễn khán phòng rạp hát là một không gian thiêng – nơi giao hòa cảm xúc của nghệ sĩ và khán giả.

Chỉ là sự hiểu biết hạn hẹp về cải lương – do ba tôi truyền cho – nhưng tôi cho rằng, chương trình thể hiện được và đúng chất cải lương, thấm đẫm từng câu chuyện về cổ nhạc, về kịch bản, về vai diễn... Bản Dạ cổ hoài lang, bản vọng cổ Hàn Mạc Tử, các trích đoạn ca ra bộ “Bùi Kiệm thi rớt trở về” (hay còn gọi là lớp Bùi Kiệm – Kiều Nguyệt Nga), vở Đời cô Lựu – lớp cô Lưu nhận được thư của người chồng vượt ngục, vở tuồng cổ Câu thơ yên ngựa của đoàn Minh Tơ – lớp Xử án Hoàn hậu Thượng Dương là những trích đoạn điển hình, tiêu biểu cho các đặc trưng cơ bản của cải lương cả về loại hình thể hiện, kịch bản, tính cách nhân vật và không thể thiếu là tính xã hội của một nghệ thuật truyền thống đặc biệt như cải lương.
Bằng tình yêu có phần thiên lệch với cải lương – cái nghiệp cả đời sống chết của ba tôi – tôi thật cảm động khi xem chương trình này. Không phải là một vở diễn hoàn chỉnh mà chương trình là một câu chuyện về trăm năm của nghệ thuật cải lương. Từ đờn ca tài tử đến ca ra bộ, từ bản dạ cổ hoài lang tới bản Vọng cổ, từ vở diễn xã hội đến tích tuồng lịch sử... Đặc biệt các thế hệ nghệ sĩ cải lương đã được chương trình trân trọng nhắc nhớ tôn vinh một cách đầy tình cảm, các nghệ sĩ giao lưu gần gũi với khán giả... Chương trình là sự giới thiệu khái quát nhưng sắc nét thế nào là cải lương, và qua đó phần nào lý giải, vì sao cải lương được người Nam bộ yêu quý và tới giờ vẫn phổ biến trong đời sống người Nam bộ.

Tôi nhớ lại hồi trước có lần gặp nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng, ông nói với tôi: hồi kháng chiến ở khu 9, bản vọng cổ bị hạn chế vì “ảo não, làm nản lòng chiến sĩ”. Thằng cha mày (ông gọi ba tôi một cách thân thiết như vậy) cứng đầu lắm, vẫn cho đoàn hát của nó ca vọng cổ. Nhờ vậy mà mang được vọng cổ tập kết ra Bắc.
Tôi nhớ Ba tôi, người dành cả đời mình cho ánh đèn sân khấu cải lương. Khi tôi còn nhỏ, hiếm hoi những giây phút ông không đi biểu diễn xa, khi ở nhà ông đều ru tôi ngủ bằng bản Dạ cổ hoài lang... với ông, bản Dạ cổ hoài lang không chỉ là tiếng lòng người thiếu phụ vọng phu mà đó là nỗi lòng nhớ quê hương của ông trong thời gian dài ngày Bắc đêm Nam.
Tôi nhớ Ba tôi những ngày đầu về Sài Gòn đã không mệt mỏi đi nói chuyện về “Lịch sử và đặc điểm của sân khấu cải lương” ở Nhà văn hóa Thanh niên số 4 Duy Tân, ở các trường đại học... Và cho đến cuối đời ông vẫn luôn mơ ước có một Viện nghiên cứu sân khấu cải lương, một Bảo tàng nghệ thuật cải lương, để ghi ơn những thế hệ tiền bối và lưu giữ một tinh hoa văn hóa của  Nam bộ.

Hôm nay, nếu Ba tôi còn sống chắc Ba sẽ vui lắm. Cải lương Nam bộ sẽ không mất đâu Ba, một thế hệ trẻ đã biết yêu quý và gìn giữ cải lương bằng cách thức mới.
Một chương trình nghệ thuật mang lại nhiều cảm xúc đẹp. Rất đáng được thưởng thức!

THÔNG TIN CHƯƠNG TRÌNH  https://www.facebook.com/CLTNNC/

























Khoảnh khắc



6.
Có một ngày Sài Gòn lạ lùng
Nửa mùa xuân nửa mùa lá rụng
Nửa nắng nửa mưa ngọn gió đùa cũng nửa
Một nửa thành phố ngủ quên
Chiều thôi mà ngỡ đã thiên thu rồi.

7.
Những khối beton chắn ngang thành phố
Ngoài kia là sông
Xa hơn là biển
Gió lách qua từng ô cửa kính
Đường xưa
Người
Nẻo tình đã chia...

8.
Tháng Bảy rơi rớt mưa ngâu
Phố phường mờ mịt... nhìn đâu cũng buồn...

14.

Chợt một ngày nhận ra
Sài Gòn mùa lá rụng
Chiều công viên nắng đổ
Vàng cả bóng người qua...

Hình ảnh có liên quan

TỪ BIỆT NHỮNG CHUYẾN PHÀ




Nguyễn Thị Hậu

Cầu Vàm Cống vừa khánh thành, câu cầu dây văng vắt ngang dòng sông Hậu nối liền hai tỉnh Cần Thơ và Đồng Tháp. Vậy nhưng khi nhắc đến phà Vàm Cống thì ai cũng nghĩ đến thành phố Long Xuyên của tỉnh An Giang, bởi vì từ huyện Lấp Vò tỉnh Đồng Tháp qua phà này thì vào đến thành phố một thủa nổi tiếng với tên gọi Đông Xuyên.

Nam bộ - miền đất sông Tiền sông Hậu và hàng ngàn con sông kinh rạch. Từ Sài Gòn về các tỉnh lỵ miền Tây biết bao nhiêu cây cầu hình như chưa ai thống kê đầy đủ, nhưng có thể nhớ tên những chiếc phà bến “bắc” lớn nhỏ bởi vì gần như một quy luật, trên đường miền Tây cứ qua một chiếc phà/bắc là vào thị tứ của một tỉnh khác. Này nhé: từ Tiền Giang qua phà Rạch Miễu là Bến Tre, từ Bến Tre qua phà Hàm Luông là tỉnh Trà Vinh... Đi theo quốc lộ Một thì qua chiếc “bắc” Mỹ Thuận nổi tiếng là đến Vĩnh Long, từ Vĩnh Long qua bắc Cần Thơ vào Tây Đô, đi ngả Sa Đéc qua phà Cao Lãnh đi Cao Lãnh, Hồng Ngự... Đi ngả Lấp Vò qua phà Vàm Cống đến Long Xuyên, từ An Giang qua bắc An Hòa tới Kiên Giang... Đó là chưa kể đến hàng trăm chiếc phà nhỏ nối những cù lao và đất liền, như phà Mỹ Hiệp qua một nhánh sông Tiền nối liền quê nội tôi là làng Mỹ Hiệp trên Cù Lao Giêng – Chợ Mới – An Giang với làng Hòa An bên thị tứ Cao Lãnh là quê ngoại... Hay như ở TP. Hồ Chí Minh vẫn còn phà lớn Bình Khánh qua sông Nhà Bè sang huyện Cần Giờ.

Những năm cuối thế kỷ 20 đường về miền Tây rất cực không chỉ vì độc đạo mà còn vì tắc nghẽn tại các bến phà. Chờ phà là nỗi ám ảnh lâu đến nỗi biến thành thói quen của người miền Tây. Chờ hai, ba giờ qua để phà là bình thường, ngày lễ tết nửa buổi gần hết ngày cũng bình thường luôn. Mỗi bến phà là một “thị tứ” nhỏ xíu luôn nhộn nhịp ngày đêm: hàng quán sát hai mặt đường treo đủ thứ bánh tráng nem chua bánh phồng lạp xườn trái cây mùa nào thức ấy... những chai nước ngọt, “nước suối”, xửng hấp bánh bao bánh giò, xe bánh mì... Rồi quán hủ tiếu cơm tấm phở bún bò bánh canh... ôi thôi miền Tây có đặc sản ẩm thực gì thì ở bến phà có món đó.

Trên phà thường xuyên có một lực lượng hùng hậu bán hàng rong: bắp nấu trứng cút bánh phồng trái cây bịch trà đá đậu phộng luộc, cả nem chua bánh ít bánh tét gói nhỏ xíu... Ngồi trên phà gió mát rượi làm hành khách đói bụng hơn sau khi đã phải chờ đợi mỏi mòn, ăn vặt lót dạ vừa kịp lúc phà cập bến lại hối hả chạy theo chiếc xe đò đang leo lên bờ. Trên phà là một bầu không khí đặc quánh mùi xăng dầu, mùi người, mùi của mặt sàn phà nhớp nháp... quyện vào nhau thật khó chịu. Khi phà đã xa bờ cơn gió mát tràn qua mang lại sự trong lành trong chốc lát, rồi tất cả lại đậm đặc trong tiếng sình sịch đều đều của động cơ... Có người mơ màng ngủ gật giật mình bởi tiếng rao “báo mới đây, hôm nay thành phố có 30 người bị lừa”, thấy tin giật gân bèn mua tờ báo, nghe liền sau đó “báo mới đây hôm nay thành phố có 31 người bị lừa”... xung quanh cười ồ. Những chuyện vui như thế trên chuyến phà nào cũng có.
***
Với tôi ấn tượng chờ phà qua phà không phải là nơi nổi tiếng như phà Mỹ Thuận hay Bắc Cần Thơ, mà là một chiếc phà nhỏ vùng Cần Giờ: Phà Dần Xây. Những năm 1990 chúng tôi thường xuyên đi nghiên cứu và khai quật các di tích khảo cổ học ở đây. Hàng tuần 1,2 lần từ TP.HCM đi chiếc xe Jepp trống hơ trống hoác qua huyện Nhà Bè, qua phà Bình Khánh ra Cần Giờ theo con đường lúc đó mới đắp, đất đỏ bụi mù, có đoạn đường bị lở hai xe tránh nhau còn khó. Cũng may, đường “duyên hải” lúc đó chạy cả tiếng có khi chưa thấy chiếc xe nào chạy ngược. Hai bên bờ ngút ngát dừa nước, kênh rạch chằng chịt, vài chiếc cầu sắt nhỏ gập ghềnh chỉ một xe qua được.

 Phà Dần Xây qua một nhánh của sông Đồng Tranh đổ ra sông Lòng Tàu. Nhánh sông khá lớn và chịu ảnh hưởng rất rõ của chế độ bán nhật triều từ cửa Gành Rái, vì vậy phải canh giờ “con nước lớn” theo ngày âm lịch để kịp giờ qua phà không phải chờ lâu. Tuy vậy nhiều lần chúng tôi phải chờ ở đó gần nửa ngày, dòng sông vào lúc “nước ròng” lộ ra bãi sình lớn, chỉ có chiếc ghe nhỏ chở người đi bộ hay xe đạp nhưng phải lội sình lầy khá xa từ bờ ra ghe, còn xe máy xe hơi thì chờ phà. Ở bến phà chỉ có phòng bán vé và quán nhỏ kế bên, bán trà đá cà phê, treo một, hai cái võng tòng teng. 

Đi lại nhiều riết rồi quen thân với mấy cô bán vé và bà chủ quán. Bữa nào tới bến mà chưa qua được phà thì tôi nằm võng đung đưa, nghe mùi bùn sực lên trong nắng, nước ròng nên đứng gió, trời cứ xanh thẳm không một bóng mây... Nghe mấy anh đồng nghiệp tán chuyện với mấy cô mà ngủ quên hồi nào không hay. Khi thấy làn gió lao xao tràn qua rừng cây mắm đước hai bên là biết đang nước lớn, sắp qua được phà.
***
Sống ở Nam bộ, cả ở những thành phố lớn, mấy ai chưa từng đi qua những chuyến phà bến bắc? Nhiều năm trước một buổi chiều muộn đi ngang bến Bạch Đằng thấy trống trải thiêu thiếu một cái gì đó… À phải rồi, phà Thủ Thiêm hôm nay ngừng hoạt động. Đi làm về tôi thấy con gái có gì buồn buồn. Gặng hỏi, con gái nói: hồi sáng tụi con ra bến Thủ Thiêm, hôm nay là chuyến phà cuối cùng mẹ ạ… Rồi các con cho tôi xem những bức hình chụp chiếc phà đang rời bến phía Sài Gòn, ra giữa sông rồi cặp bến Thủ Thiêm. Gương mặt hành khách, gương mặt những người làm việc trên phà đều lặng lẽ… Nhiều người dân Sài Gòn cũng đến bến Thủ Thiêm để chia tay với quá khứ gần trăm năm của những chuyến phà cũng như trước đây đã từng chia tay với những “con  đò Thủ Thiêm” qua lại trên sông này hàng trăm năm, đã đi vào câu ca dao nổi tiếng “Bắp non mà nướng lửa lò, đố ai ve được con đò Thủ Thiêm”.

Hồi mới khánh thành cầu Mỹ Thuận, dân miền Tây hàng tháng trời còn chèo ghe về đứng ngắm chiếc cầu là mơ ước bao đời. Bây giờ trên những chuyến xe vun vút qua những cây cầu mới trên sông Sài Gòn, sông Tiền sông Hậu như cầu Thủ Thiêm, Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, Rạch Miễu, cầu Vàm Cống mới đây… hành khách mải mê ngắm cây cầu dây văng hiện đại vươn dài qua dòng sông rộng. Không biết có ai còn nhớ bến phà nổi tiếng một thời, nhớ những chiếc phà rộng lòng đưa đón hàng triệu lượt người xe qua lại cả năm không hề ngưng nghỉ một ngày. Hiện nay đi xe về đồng bằng sông Cửu Long có thể ghé bất cứ trạm dừng nào để nghỉ ngơi, ăn uống, mua đặc sản... Không gian sạch sẽ và ngăn nắp như trạm dừng trên nhiều con đường khác mang lại cảm giác thoải mái cho hành khách, nhưng không ít người nao nao thương nhớ sự sống náo nhiệt và thân thiện “rất miền Tây” của bến phà bến bắc ngày xưa.
***
Trong chuyến đi công tác ở Pháp gần đây, có lần qua một nhánh của sông Seine gần Paris bằng chiếc phà nhỏ. Trên bờ nơi đậu xe chuẩn bị xuống phà có tấm biển ghi chữ BAC... A, giờ tôi mới hiểu chữ “bắc” Mỹ Thuận, “bắc” Cần Thơ là từ đâu. Chợt thấy vui vui như gặp lại một người bạn thân thiết ở quê nhà...

Cuộc sống là phát triển, tạm biệt những bến phà và những chuyến phà! Quốc lộ I ở đồng bằng sông Cửu Long nhờ những chiếc cầu đã liền mạch nhưng vẫn còn cảnh kẹt xe tắc đường y như hồi phải chờ phà qua bắc. Mong sao miền Tây sẽ có thêm đường cao tốc để nơi này thực sự chuyển mình thay đổi.

Sài Gòn 7.6.2019


LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...