“HOA SỮA THÔI RƠI...”



Từ bao giờ hoa sữa đã trở thành một biểu tượng của Hà Nội - nhất là đối với những người đi xa? Tôi không biết chính xác nhưng tôi nhớ Hà Nội bắt đầu từ một tối mùa thu 1975 chia tay bạn bè trong hương hoa sữa, tôi bắt gặp nỗi nhớ ấy trong bài hát “Hoa Sữa” của Hồng Đăng, và sau đó da diết hơn theo từng câu hát “Em ơi Hà Nội phố… ta còn em mùi hoa sữa” (thơ Phan Vũ), và “hoa sữa thôi rơi em bên tôi một chiều tan lớp...” (nhạc Trương Quý Hải).

Có mặt ở Hà Nội từ thời Pháp nhưng chưa thấy trong biệt thự nào trồng hoa sữa, chỉ hoàng lan hoặc vài cây nhỏ. Cây hoa sữa được trồng ở vài tuyến phố thuộc khu phố Tây đường lớn vỉa hè rộng rãi chứ phải ở khu phố cổ đường nhỏ vỉa hè cũng nhỏ. Hàng cây cao lớn, lá xanh mướt quanh năm, trồng cách nhau đến hơn mươi mét mà vòm lá vẫn rợp vào nhau. Đây là loại cây xanh phù hợp với đô thị vì là cây lâu năm, thân gỗ, có tán rộng làm bóng mát. Nhưng có lẽ vì “đặc tính” của hương hoa nên người Pháp trồng hoa sữa không dày, phố chỉ có vài cây vừa đủ mùi hương thoang thoảng.

Khi còn ở Hà Nội nhà tôi trên phố Ngô Thời Nhiệm, một quãng phố này và phố Lò Đức gần đó hàng cây hoa sữa. Vào những ngày cuối thu đầu đông, chiều tối Hà Nội lãng đãng hơi sương, từng chùm hoa trắng sữa tỏa hương đậm đặc đến mức… nhức đầu. Thỉnh thoảng một làn gió thoáng qua là mùi hương lan xa và dịu hẳn. Quãng đường Nguyễn Du ven hồ Thiền Quang cũng vậy, những ngôi biệt thự “kín cổng cao tường” thời Pháp quanh đó như gần gũi và thân thiện hơn với người trong phố khi cùng được đắm mình trong hương hoa sữa…  

Trong không gian giới hạn của một đô thị, với “tuổi đời” gần cùng với tuổi của đô thị Hà Nội kiểu Pháp, những cây hoa sữa trở nên quen thuộc với nhiều người Hà Nội thời kỳ 1950-1960, và “hương hoa sữa” trở thành ký ức chung của những chàng trai, cô gái Hà Nội thập niên 1970-1980 và về sau. Ngay cả những người sống ở Hà Nội từng “khổ sở” vì mùi hương nồng nàn của nó thì khi đi xa, hoa sữa” đã là một từ khóa (keyword) để mở ra “kho kỷ niệm về Hà Nội.
***
Phải chăng từ vẻ đẹp quyến rũ của những lời hát về hoa sữa (và cả từ nỗi nhớ của những người Hà Nội đi xa?), khoảng những năm 1990 một số đô thị bắt đầu trồng hoa sữa trên đường phố chính. Hàng hoa sữa mới trồng chỉ cao hơn đầu người, cành còn khẳng khiu đã bắt đầu bung những chùm hoa tỏa hương đậm đặc. Nhưng không như mong đợi, nhiều người bất ngờ vì mùi hương của nó... Chỉ sau vài mùa hoa nhiều nơi đã phải chặt đi trồng cây khác vì không phù hợp với sức khỏe người dân.

Rồi Hà Nội lại trồng hoa sữa trên một số đường mới như Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh... Cũng như nơi khác, vài năm nay với mật độ cây trồng cao trong điều kiện khí hậu thay đổi, cây chưa kịp lớn nhưng hoa sữa đã nở sớm hơn ngay trong những ngày hè... Trước đây vào cuối thu trong tiết trời se lạnh hương hoa sữa nồng nàn như mang chút hơi ấm cho người đi ngoài phố, thì nay trong cái nắng oi mùa hạ người ta khó có thể “lãng mạn” với mùi hương đặc biệt này. Hệ quả tất yếu là hàng cây hoa sữa trên những con đường mới chưa kịp trở thành “ký ức” đã bị chặt bỏ di dời, đành ngậm ngùi chia tay với phố.

Hà Nội có hương hoa sữa trên đường Nguyễn Du, có mùa lá sấu rụng vàng trên phố Phan Đình Phùng... nhưng trước khi hương sắc ấy trở thành ký ức thì Hà Nội đã có hàng cây cổ thụ trăm năm, hàng cây là bóng mát mùa hè đổ lửa, là “nhân chứng” của bao đời người. Việc trồng cây lâu năm ở đô thị là một khoa học vì nó bảo vệ môi trường và sự cộng cảm giữa con người với thiên nhiên. Không thể cứ tùy tiện trồng cây rồi chặt bỏ hay di dời, làm tốn kém nguồn vốn xã hội, gây ra tâm lý bất an và cảm giác không thân thiện trong đời sống đô thị.

Hàng cây luôn gắn bó với những con đường những ngôi nhà, với người thành phố.  Cảnh quan đô thị không thể thiếu những hàng cây cao vút toả bóng mát tạo khoảng xanh bình yên… Mỗi thành phố, vô tình hay hữu ý, có loại cây đặc trưng riêng, như Hải Phòng “thành phố hoa phượng đỏ”, Hà Nội “mùa hoa sữa” và bây giờ là “mùa hoa tím bằng lăng”, Sài Gòn “cánh hoa dầu xoay tít bay bay” “hàng lá me bay”, giờ là mùa hoa bò cạp vàng hay hoa kèn hồng… Trải qua thời gian, đô thị phát triển, loài cây “đặc trưng” sẽ trở thành “thương hiệu” của thành phố ấy.

Sài Gòn 19.7.2019
Nguyễn Thị Hậu

y6s2iAKU.jpg
 ThÆ°Æ¡ng hiệu của thành phố - Ảnh 1.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...