Lâu lắm rồi tôi mới đi xem cải lương, vì
nhiều lý do. Hôm nay đến với chương trình CẢI LƯƠNG TRĂM NĂM NGUỒN CỘI bỗng như
sống lại với sân khấu cải lương đầu những năm 1980, khi mà cải lương Sài Gòn có
một sức sống mới từ những vở diễn kinh điển đến vở diễn hiện đại, từ thế hệ nghệ
sĩ khởi đầu tài hoa đến thế hệ kế tiếp đầy tài năng, từ sự nhuần nhuyễn của năng
khiếu bẩm sinh đến sự thể hiện bài bản của đào tạo, truyền nghề... Hơn hết cả là
mỗi đêm diễn khán phòng rạp hát là một không gian thiêng – nơi giao hòa cảm xúc
của nghệ sĩ và khán giả.
Chỉ là sự hiểu biết hạn hẹp về cải lương
– do ba tôi truyền cho – nhưng tôi cho rằng, chương trình thể hiện được và đúng
chất cải lương, thấm đẫm từng câu chuyện về cổ nhạc, về kịch bản, về vai diễn...
Bản Dạ cổ hoài lang, bản vọng cổ Hàn Mạc Tử, các trích đoạn ca ra bộ “Bùi Kiệm
thi rớt trở về” (hay còn gọi là lớp Bùi Kiệm – Kiều Nguyệt Nga), vở Đời cô Lựu –
lớp cô Lưu nhận được thư của người chồng vượt ngục, vở tuồng cổ Câu thơ yên ngựa
của đoàn Minh Tơ – lớp Xử án Hoàn hậu Thượng Dương là những trích đoạn điển hình,
tiêu biểu cho các đặc trưng cơ bản của cải lương cả về loại hình thể hiện, kịch
bản, tính cách nhân vật và không thể thiếu là tính xã hội của một nghệ thuật
truyền thống đặc biệt như cải lương.
Bằng tình yêu có phần thiên lệch với cải
lương – cái nghiệp cả đời sống chết của ba tôi – tôi thật cảm động khi xem chương
trình này. Không phải là một vở diễn hoàn chỉnh mà chương trình là một câu chuyện
về trăm năm của nghệ thuật cải lương. Từ đờn ca tài tử đến ca ra bộ, từ bản dạ
cổ hoài lang tới bản Vọng cổ, từ vở diễn xã hội đến tích tuồng lịch sử... Đặc
biệt các thế hệ nghệ sĩ cải lương đã được chương trình trân trọng nhắc nhớ tôn
vinh một cách đầy tình cảm, các nghệ sĩ giao lưu gần gũi với khán giả... Chương
trình là sự giới thiệu khái quát nhưng sắc nét thế nào là cải lương, và qua đó phần
nào lý giải, vì sao cải lương được người Nam bộ yêu quý và tới giờ vẫn phổ biến
trong đời sống người Nam bộ.
Tôi nhớ lại hồi trước có lần gặp nhà
nghiên cứu Trần Bạch Đằng, ông nói với tôi: hồi kháng chiến ở khu 9, bản vọng cổ
bị hạn chế vì “ảo não, làm nản lòng chiến sĩ”. Thằng cha mày (ông gọi ba tôi một
cách thân thiết như vậy) cứng đầu lắm, vẫn cho đoàn hát của nó ca vọng cổ. Nhờ
vậy mà mang được vọng cổ tập kết ra Bắc.
Tôi nhớ Ba tôi, người dành cả đời mình
cho ánh đèn sân khấu cải lương. Khi tôi còn nhỏ, hiếm hoi những giây phút ông không
đi biểu diễn xa, khi ở nhà ông đều ru tôi ngủ bằng bản Dạ cổ hoài lang... với ông,
bản Dạ cổ hoài lang không chỉ là tiếng lòng người thiếu phụ vọng phu mà đó là nỗi
lòng nhớ quê hương của ông trong thời gian dài ngày Bắc đêm Nam.
Tôi nhớ Ba tôi những ngày đầu về Sài Gòn
đã không mệt mỏi đi nói chuyện về “Lịch sử và đặc điểm của sân khấu cải lương” ở
Nhà văn hóa Thanh niên số 4 Duy Tân, ở các trường đại học... Và cho đến cuối đời
ông vẫn luôn mơ ước có một Viện nghiên cứu sân khấu cải lương, một Bảo tàng nghệ
thuật cải lương, để ghi ơn những thế hệ tiền bối và lưu giữ một tinh hoa văn hóa của Nam bộ.
Hôm nay, nếu Ba tôi còn sống chắc Ba sẽ
vui lắm. Cải lương Nam bộ sẽ không mất đâu Ba, một thế hệ trẻ đã biết yêu quý và
gìn giữ cải lương bằng cách thức mới.
Một chương trình nghệ thuật mang lại nhiều
cảm xúc đẹp. Rất đáng được thưởng thức!
THÔNG TIN CHƯƠNG TRÌNH https://www.facebook.com/CLTNNC/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét