Làm sao bia đá không đau ?


PHÚC TIẾN - NGƯỜI ĐÔ THỊ 28/8/2014



Những ngày vừa rồi lại thêm một kiến trúc xưa và đẹp ngay trung tâm Sài Gòn được báo tử . Đó là Thương xá Tax, xa xưa còn có tên là thương xá Charner. Thật bất ngờ tòa nhà này được thông báo sẽ bị đập bỏ hoàn toàn, các cửa hàng của thương xá sẽ bị dời đi để nhường chổ cho một cao ốc mới 40 tầng. Lại thêm một sự đổi thay đột ngột gây tranh cãi lớn như khi người dân một tuần trước đó ngỡ ngàng trông thấy cây xanh và bồn phun nước ở giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi bị phá bỏ với lý do xây dựng metro.
Người dân Sài Gòn có thể có những cách nghĩ khác nhau, cách phản ứng khác nhau trước hiện tượng khu trung tâm bắt đầu bị thay đổi hàng loạt. Ngày thứ Hai 18/8, tôi chứng kiến nhiều người dân đổ về thương xá Tax để tranh thủ mua hàng đại hạ giá vì sắp “dẹp tiệm” . Nhưng cùng lúc ấy, vẫn có nhiều người dân khác, kể cả những bạn trẻ tuổi đôi mươi mang máy ảnh, máy điện thoại, máy tính bảng đến chụp hình và quay phim tòa nhà từ bên trong đến bên ngoài. Ở quán cà phê Highland trên lầu 3 , nơi có các ô cửa kính trông ra đường Nguyễn Huệ và giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi, một cách lặng lẽ , không ít người đến đây để gấp gáp tận hưởng trở lại những giây phút riêng tư từng có . Những giây phút chỉ vài ba tuần nữa sẽ không bao giờ gặp lại ? Tôi bắt gặp cả người già, người trẻ đều hướng mắt, hướng ống kính nhìn xuống hai con đường Nguyễn Huệ và Lê Lợi. Dường như ai cũng thở dài khi thấy hình ảnh phố xá tấp nập mới đây thôi nay trở nên hoang tàn, xơ xác  khi mặt đường bắt đầu bị cày xới và những hàng rào ngăn cách công trường đã được dựng xong. Lúc này đây, trông tang thương nhất là bồn phun nước giữa giao lộ đã bắt đầu bị đập vở nham nhở. Hàng liễu xanh mơ mộng quanh bồn phun nước cũng như một số cây sao ở phía đối diện tòa nhà Union square ( ngày xưa là đất Eden ) đã bay lên trời mất rồi. Giờ đây, công viên trước Nhà hát lớn nhìn từ trên cao giống một chiếc sân rổng tuếch...

Trời xám xịt,  một cơn mưa buổi trưa tầm tả chợt đổ xuống. Ô hay những chú gà Gaulois – phù điêu trên các cửa sổ thương xá Tax cũng đang rơi lệ buồn. Cô Hậu khảo cổ, cùng uống cà phê, vừa chụp xong những bức hình đường Nguyễn Huệ trong mưa, nhắc tôi : "Tháng Bảy là tháng cúng vong hồn ". Cô Hậu vừa viết trên Facebook : " Tháng Bảy này những gì vừa mất sẽ không bao giờ siêu thoát …". Vâng, những tòa nhà xưa đẹp, những cảnh quan phố xá đã nhiều năm nay là cột mốc của thành phố, là ký ức tập thể của người dân đều đã làm nên hồn thịt của đô thị. Tất cả đều có linh hồn, lẽ nào chỉ trông một chốc đã và sẽ trở thành vong hồn ? Nghĩ đến đó , lòng tôi bỗng ngân lên câu hát của Trịnh Công Sơn : " Làm sao em biết bia đá không đau ...". Chao ơi, lẽ nào những ngôi nhà, những góc phố đã từng là hình ảnh tiêu biểu , từng góp phần làm nên Sài Gòn – Hòn ngọc Viễn Đông bỗng phải theo một số mệnh nào đấy để hóa thành “ Diễm xưa” , hóa thành hình ảnh, hiện vật chỉ lưu giữ trong viện bảo tàng hay chỉ tồn tại trong tâm tưởng, khói cà phê, khói nhang đèn …Buồn ơi là buồn, phải chăng đó là số mệnh chung cho những đô thị phát triển hiện đại ?

Có lẽ không phải và không thể như thế! Dù có thể chưa đến nhưng có thể chúng ta đã nghe và có thể tìm thấy qua báo đài, Internet, người quen câu chuyện về những đô thị cổ kính vẫn sống hòa hợp với những thế kỷ mới. Hãy xem Paris, London hay Matxcơva, Washington, New York… mặc dù có đủ những phương tiện hiện đại như metro, thương xá cao và ngầm, những tháp nhà chọc trời nhưng người ta vẫn suy nghĩ và tìm được giải pháp để giữ gìn và tôn tạo được những kiến trúc và cảnh quan xưa đẹp, tiêu biểu của một thời và nhiều. Chẳng hạn, ở Paris, chung quanh Nhà hát lớn, Nhà thờ Đức Bà, Khải hoàn môn, tháp Eiffel, Tòa thị chính, thương xá La Fayette vẫn có  rất nhiều lối ra vào metro .  Ở London cũng vậy, tu viện Westminster, tháp Big Ben, những chiếc cầu qua sông Thames, thương xá Harrods vẫn tồn tại như từ trước đến giờ, không hề có chuyện nhân danh xây xe điện ngầm, đường hầm, mở rộng đường để phải thay đổi, chỉnh sửa tất cả cảnh quan và kiến trúc.  Ở nhiều đô thị lớn Âu Mỹ hay Nhật Bản, người ta xây dựng nhiều công trình ngầm song họ hết sức tránh không làm thay đổi từng viên gạch lót đường, từng ngôi nhà, dãy phố đã có từ trước đó.
Một người bạn tôi là Kỹ sư xây dựng - học hành ở Paris, nói rằng khi người ta làm metro có thể phải đào đường, phải chặt cây, phải chấp nhận cảnh công trường ngổn ngang một thời gian. Nhưng sau đấy, theo anh , các nhà xây dựng và quản lý đô thị phải tái tạo, phải khôi phục lại toàn bộ cảnh quan xưa đẹp đã có. Nhờ đó, anh nói, chúng ta mới còn được Paris, London và những đô thị - báu vật của quốc gia, của nhân loại. Tuy nhiên, khi hỏi anh liệu ở Việt Nam chúng ta có quy định xây dựng metro phải như thế nào? Quy định quy hoạch giữ được xưa trong nay? Liệu sắp tới đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ có được trả lại như cũ? Anh mĩm cười,  có vẻ ngần ngại : " Đúng ra là phải như thế nhưng tôi không rõ, không biết trong tương lai người ta có hành xử như vậy không? Nghe nói cùng với xây dựng metro, ban ngành này ban ngành kia còn dự kiến nhiều công trình khác nữa. Anh cứ đi hỏi xem, rất tiếc tôi không giúp gì được…"
Thôi rồi, ở Việt Nam đến nay đã có không ít tiền lệ xây sửa cái mới thì cùng lúc và sau đó làm hư hỏng, thậm chí phế bỏ cái cũ, lãng quên vẻ đẹp của quá khứ. Chính tại trung tâm Sài Gòn và Hà Nội, chúng ta đã có những tiền lệ đau lòng – phá cảnh quan, phá kiến trúc cũ đi và rồi chia tay vĩnh viễn không khôi phục được nét xưa. Tệ hơn nữa, người ta còn " biến tấu " , biến dạng, thay đổi chức năng và công dụng vốn có của những công trình xưa hoàn chỉnh. Không thể không quên , chỉ mới vài năm trước, công viên Chi Lăng- chiếc vườn treo gần 100 năm trên phố Đồng Khởi, nay chỉ còn là cái tên “ dán nhãn” lên một sảnh bê tông trang điểm cho tòa nhà tháp đôi Vincom A thô kệch. Và ngay bên kia đường , cả một block phố đầy chứng tích lịch sử và văn hóa, bao gồm thương xá và khu căn hộ Eden, cà phê Givral, rạp hát Măng Non, rạp hát Eden, nhà sách Xuân Thu, phòng vé máy bay, tòa nhà Sài Gòn tourist ( nguyên là nhà hàng La Pagode ) nay đã bị bứng đi. Thay vào đó, người ta xây nên khu thương mại Vincom B, nay sang tên là Union square,  may mắn không thô kệch. Nhưng sẽ mất bao lâu nữa để Union square có được cái sắc màu văn hóa độc đáo của Eden đã có từ những năm 1920? 
Thật bất hạnh, đến giờ linh hồn và hình ảnh của công viên Chi Lăng, khu nhà Eden vẫn không có được một bảng đồng, một panô để ghi dấu linh hồn tại chốn xưa. Ôi, phải chăng tòa nhà thương xá Tax , bồn phun nước giao lộ Nguyễn Huệ-Lê Lợi, công viên trước cửa Nhà hát lớn cũng sẽ rơi vào tiền lệ đau thương ấy ? Và rồi, chúng ta lại phập phòng nghĩ  đến tương lai của tượng đài Trần Nguyên Hán, tòa nhà  Hỏa xa và ngay cả Chợ Bến Thành, liệu có phải ra đi vì lý do nhường đất cho metro, nhường đất cho những khu shopping ngầm, những cao ốc thương mại mấy chục tầng chót vót? Những ai đã vô tình không biết bia đá cũng đau, không cảm được lòng người quyến luyến với những ký ức đẹp, không tôn trọng những giá trị vĩnh hằng ấy ?
Quý vị hãy lắng nghe nổi đau, hay lấy ý kiến người dân rộng rãi khi muốn thay đổi bản đồ của ký ức, bản đồ của tâm hồn của người Sài Gòn và những người yêu Sài Gòn khắp năm châu bốn biển?  Quý vị vẫn còn thời gian và cần dừng lại ngay việc cưa cây, việc phá vở, việc di dời những kiến trúc và cảnh quan đã định hình tốt đẹp ở trung tâm thành phố. Chúng tôi tin rằng Hội đồng nhân dân, UBND, các Hội đoàn xã hội, báo chí truyền thông, đủ sức huy động trí tuệ để tìm giải pháp đặt metro ở những vị trí khác không làm tổn thương lòng người, tìm giải pháp kỹ thuật xây dựng tốt hơn, gắn liền với yếu tố kinh tế - xã hội và kể cả tâm linh. Xin quý vị hãy hứa dù xây dựng kiểu nào cũng phải cố gắng trả lại cảnh quan, hình ảnh xưa đẹp, đừng lập lại sai lầm xây sửa để làm sai, làm hỏng cái đẹp đã đạt được. Thêm nữa, nếu một ai đó trong số quý vị có những lợi ích riêng tư ở đây, những món quà " lại quả" nào đấy thì chúng tôi xin khẩn cầu hay chừa ra những chốn linh thiêng, những vị trí đã trở thành linh hồn của thành phố. 
Khi viết những dòng cuối này, tôi đang có mặt ở Hà Nội. Khi đi dạo vòng quanh Hồ Gươm, tôi nhớ ra trước đây cũng đã có một số dự án xây dựng nhà cao tầng hiện đại chung quanh Bờ Hồ. Nhưng người dân Hà Nội, đặc biệt Hội khoa học lịch sử Việt Nam đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ. May mắn, tiếng nói ấy đã được lắng nghe, Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc đó đã quyết định giảm tầng của tòa cao ốc số 8 Lê Thái Tổ ( nay là cao ốc Bảo Việt ) để giữ được cảnh quan cũ của Bờ Hồ! Ở Sài Gòn, khu giao lộ Nguyễn Huệ - Sài Gòn cũng chính là một Bờ Hồ - giao lộ của nhiều năm tháng lịch sử, một cột mốc trung tâm của thành phố. Hà Nội đã có được một tiền lệ tốt trong việc giữ gìn cảnh quan, kiến trúc xưa đẹp. Vậy thì, Sài Gòn càng phải làm được, giữ được tòa nhà Thương xá Tax không biến dạng thành cao ốc 40 tầng, không để nhân danh metro, nhân danh những  shopping center ngầm để phá bỏ đi cảnh quan đã xây dựng đẹp của đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi ! Tôi tin chúng ta có thể làm được !
Phuc Tien
Sai Gon - Ha Noi
18-24/8/2014

Trong hình bên trái: Học trò cũ  :)

VỌNG CỔ TRƯA (TBKTSG ngày 27/8/2014)


Tạp bút, Nguyễn Thị Hậu

Đã bao lâu rồi mình chưa nghe một câu vọng cổ ở Sài Gòn, cái nôi của nghệ thuật cải lương? Tôi đã tự hỏi như thế khi bất chợt nghe thấy giọng ca Lệ Thủy ngọt ngào chân chất vang lên trong một trưa hè đứng nắng giữa bạt ngàn xanh miệt vườn Nam bộ.
“Hỡi cô đi bán đèn hồng, đèn hồng cô bán má hồng cô bán không… Đèn hồng đã có người mua, má hồng thì đã nắng mưa phai rồi…”

Có lẽ không ở đâu mà một loại hình nghệ thuật lại có sức sống bền bỉ, gắn bó sâu đậm và được người dân yêu thích như cải lương ở Nam bộ. Ra đời mới khoảng gần 100 năm nhưng cải lương đã trở thành “máu thịt” của người Nam bộ, vượt qua những năm kháng chiến chống Pháp bị coi là “ướt át ủy mị”, vượt qua thời gian dài chia cắt Bắc – Nam, ngay ở miền Bắc ngoài Đoàn Cải lương Nam bộ tập kết còn có hàng chục đoàn “cải lương bắc”ở các tỉnh, vượt qua thời kỳ sau 75 khó khăn cùng cực mà sân khấu cải lương vẫn  có những vở diễn trở thành kinh điển… Nhưng cho đến hôm nay thì nhiều người vô Sài Gòn, về miền Tây đã phải hỏi thăm “sân khấu cải lương Nam bộ đâu rồi? còn không?”

Ừ nhỉ, từ bao giờ sân khấu cải lương thành phố không còn nhộn nhịp sáng đèn? những “thánh đường” của Cải lương Sài Gòn đâu rồi? Rạp Aristo hay còn gọi là Trung ương Hý Viện, rạp Hưng Đạo, Olimpic, các rạp Nguyễn Văn Hảo, Thanh Bình, Hưng Đạo, Quốc Thanh, Khải Hoàn, Thành Xương, Hào Huê, Cao Đồng Hưng, Thủ Đô, Huỳnh Long, Quốc Thái, Cây Gõ… bây giờ đã biến thành gì? Các đoàn cải lương nổi tiếng như Kim Chung, gánh hát Nam Phi của bầu Năm Phỉ, gánh cải lương tuồng Tàu Phụng Hảo của bầu Nhơn-Phùng Há, gánh Việt Kịch Năm Châu của ông bầu Năm Châu. Đoàn cải lương Kim Thanh-Út Trà Ôn, đoàn Thanh Minh – Thanh Nga, các đoàn Sài Gòn 1,2,3, Hương Mùa Thu, cải lương tuồng cổ Huỳnh Long…còn ai nhớ đến…?

Thế hệ nghệ nhân “khai sáng” sân khấu cải lương như các nghệ sĩ Năm Châu, Phùng Há, Ba Vân, Út Trà Ôn… đã không còn nữa, “thế hệ vàng” của các nghệ sĩ Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Ngọc Giàu, Thanh Sang, Minh Vương, Mỹ Châu… cũng đã từ biệt sân khấu, lớp nghệ sĩ kế tiếp cũng bị mai một: người ra nước ngoài định cư, người ở lại chuyển sang tấu hài diễn kịch đóng phim lập gia đình bỏ nghề… Có ai nhớ được tên một nghệ sĩ cải lương nào thuộc thế hệ thứ tư không…?

Vậy nhưng cuộc thi “Bông lúa vàng” của Đài tiếng nói nhân dân TPHCM vẫn thu hút hàng ngàn lượt thí sinh tham gia, đủ lứa tuổi đủ nghề nghiệp, sống ở thành phố hay ở “tỉnh” vẫn say mê thuộc nằm lòng nhiều bài bản cổ… Vậy nhưng những chương trình ca cổ theo yêu cầu vẫn luôn nhận được hàng ngàn lời đề nghị, lời nhắn gửi… của người yêu gửi cho người yêu, của con gửi tặng ba má, của bạn gửi cho bạn, của trò gửi tặng thầy… Người Nam bộ vẫn yêu cải lương và coi nó như cách tỏ bày tình cảm một cách chân thành và thoải mái nhất. Trong các quán karaoke, “hát với nhau” không bao giờ thiếu những bài ca tân cổ giao duyên – một sự “cải biên” để thích nghi với đời sống thị thành hồi thập niên 1970 của cải lương. Và người Sài Gòn, người miền Tây luôn sẵn sàng ca một, hai câu vọng cổ khi bạn bè yêu cầu. Dù là karaoke nhưng khi hạ giọng “xuống xề” người ca vẫn nhận được những tràng pháo tay giòn giã của bạn bè. Chèo ở miền Bắc, hát bài chòi hay hát bội ở miền Trung có lẽ phải “ghen tỵ” với cải lương về hiện tượng này!
Gần đây Đờn ca Tài tử Nam bộ được Unesco vinh danh là Di sản văn hóa Phi vật thể của thế giới. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể được công nhận khi chúng đã và đang có nguy cơ biến mất, biến dạng bởi những làn điệu lời ca mộc mạc chân chất không còn chỗ trong quay cuồng đời sống hiện đại, bởi con người không có sự hiểu biết đầy đủ để quý trọng và gìn giữ nó. Khi đó di sản văn hóa mới được vội vã “bảo tồn”. Một ngày nào đó có thể Cải lương cũng được vinh danh như thế…  Lẽ nào sẽ có một Sài Gòn, Nam bộ không còn cải lương?

Miệt vườn vẫn lướt qua xanh ngát ngoài kia, nắng đứng bóng tiếng gà trưa vẫn eo óc ngoài kia, giọng ca Lệ Thủy vẫn ngọt ngào quyến rũ nhưng bản vọng cổ trưa bỗng buồn như tiếng thở dài…


Sài Gòn 10/8/2014

Tượng nghệ nhân Cao Văn Lầu - tác giả bản vọng cổ

Vụn vặt đời thường (48)

@ NGÔN NGỮ, TIẾNG NÓI CHUẨN?
Theo mình thì không có tiếng nói (giọng) chuẩn thực sự, vì ngôn ngữ, giọng nói là văn hóa, mà văn hóa thì không thể nói văn hóa này chuẩn hơn văn hóa khác.Tuy nhiên trên Đài phát thanh hay truyền hình quốc gia người ta thường sử dụng tiếng nói Thủ đô, theo quy ước là đại diện chung cho các giọng nói các dân tộc, vùng miền trong cả nướ - và chỉ là đại diện trên đài quốc gia, còn đài địa phương thì vẫn sử dụng giọng nói địa phương đó.
"Dễ nghe" thì lại là cảm nhận chủ quan của từng người, do thói quen, do ký ức, do có cảm tình riêng...
Vì vậy cuộc tranh luận về giọng của PTV trên VTV nếu không cùng suy nghĩ và không dựa trên quan điểm khoa học thì sẽ là vô ích!


@Quốc gia lào cũng lấy tiếng thủ đô nước ý làm chuẩn 

Khép lại tháng bảy với nhiều mất mát về di sản văn hóa SG, nhiều chuyện nực cười như "kỷ niệm sinh nhật Hai Bà Trưng, và nhiều chuyện tào lao không kém như "giọng chuẩn" theo kiểu trên 
@ Đừng để con cháu chúng ta bị "ăn thịt" bằng đề án vô nhân tính và sặc mùi đồng tiền bất chính như thế này!
http://nguyentandung.org/ai-cam-do-so-gd-va-dt-tp-hcm-dua-chan-den-d
e-an-ngon-tien-cua-dan-va-phi-nhan-ban.html

Không có hàng rào trắng thì có cửa sổ trắng vậy :)

Hình ảnh: Không có hàng rào trắng thì có cửa sổ trắng vậy :) Đèn gốm Nhật của Chica store :)

Sách của tui :)

HOÀI CỔ KHÔNG PHẢI LÀ NỆ CỔ!


Trả lời chung vài lời nhắn riêng:
Xin cám ơn một số bạn đã nhắn nhủ tôi rằng không nên "nệ cổ", rằng muốn thành phố hiện đại thi cần "đánh đổi" những tòa nhà xưa cũ, những hàng cây xanh trăm năm... và ...!

Nói ngay và luôn: tôi hoài cổ nhưng không nệ cổ! Trong phạm vi sự hiểu biết và kiến thức nghề nghiệp của mình tôi hiểu rõ thế nào là một thành phố hiện đại và thế nào là sự phá hoại di sản! Ở TPHCM, ít nhất khu trung tâm PHẢI được coi là "khu vực cảnh quan di sản văn hóa" của đô thị Sài Gòn trên 100 tuổi, vì bề dày lịch sử của việc xây dựng cũng như giá trị nhiều công trình kiến trúc và thiết kế cảnh quan đô thị nói chung.

Một vài công trình ở đó hiện giờ không còn đẹp như lúc xây dựng đầu tiên thì đó cũng không phải là lý do để phá đi xây cái khác, bởi vì làm như vậy chính là lặp lai sai lầm của người đi trước. Cách "sửa sai" tốt nhất là, ví dụ như thương xá TAX nếu nhất thiết phải xây lại, hãy xây dựng lại như lúc đầu, hay còn gọi là "phục dựng" lại công trình như bản gốc (tất nhiên, kèm với thuyết minh rõ ràng). Dầu sao đây cũng là cách làm mà nhiều nước đã làm để thể hiện sự tôn trọng và bảo tồn di sản lịch sử, văn hóa.

Có gì đảm bảo rằng công trình 40 tầng xây mới sẽ không "khập khiễng", không ăn nhập gì với cảnh quan, làm xấu đi các công trình cổ... như tòa Vincom xanh lè trên đường Đồng Khởi? Làm như vậy là tội ác với di sản văn hóa, tội ác với cộng đồng cư dân vì đã góp phần làm xấu đi một cách tệ hại và làm mất bản sắc văn hóa Sài Gòn, xóa bỏ ký ức của biết bao con người! Chúng ta ứng xử như thế nào với những gì thế hệ trước để lại thì sẽ nhận được sự ứng xử như thế từ thế hệ sau!

Việc hiện đại hóa thành phố - thật ra chỉ là xây nhiều công trình kiểu dáng mới - là tất yếu, nhưng TPHCM còn cả một khu đô thị mới Thủ Thiêm, theo quy hoạch mà người dân được biết, có một khu hành chính lớn, nhiều khu thương mại hoành tráng... Hà cớ gì nhất định phải phá khu trung tâm hiện hữu?!

Để đổi mới thành phố và tạo điều kiện sống tốt hơn cho người dân, bảo tồn và phát triển luôn có "mâu thuẫn" cần giải quyết hài hòa, bởi vì giữ gìn di sản văn hóa chính là làm giàu hơn đời sống tinh thần, tri thức cho cộng đồng, bên cạnh sự tiện nghi vật chất.

Chúng ta luôn nói ta có "lợi thế của người đi sau", nhưng ít nhất trong việc bảo tồn di sản văn hóa, nhưng gì đang làm cho thấy ta chẳng học được điều gì từ những quốc gia đi trước, cả bài học tốt lẫn bài học xấu!
Vậy thôi bạn ạ!

SG 21/8/2014

MỜI CÁC BẠN ỦNG HỘ SÁNG KIẾN VỀ BẢO TỒN KHU VỰC TRUNG TÂM SÀI GÒN!


Gửi toàn thể các bạn sinh viên kiến trúc và những người yêu không gian kiến trúc trung tâm Sài Gòn,
Thương xá tax được người Pháp xây dựng cách đây 130 năm, cùng thời với những công trình lớn đậm tính biểu tượng như Nhà Hát Lớn Thành Phố và Uỷ ban nhân dân.
        Xét về khía cạnh riêng lẻ, nó nằm sâu trong ký ức người dân những dịp lễ Tết, Giáng Sinh, khi họ đi bộ dọc những biển quảng cáo trang trí rực rỡ ánh đèn, khi họ đi xuyên qua nó để đi tắt giữa các đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi. Trải qua bao nhiêu thời kỳ thay hình đổi dạng, tuy nét duyên dáng xưa không còn, bị thay thế bằng những vỏ bọc khác nhau nhưng thương xá Tax ít nhất vẫn còn giữ nguyên được cấu trúc lúc ban đầu. 
       Nhìn một cách tổng quát, người dân khi đi vào khu trung tâm Quận 1 đều có một cảm giác cổ kính với một không gian rất Tây, rất Pháp, và đồng thời rất thân thiện với những nét văn hoá buôn bán và sinh hoạt của người Việt ở đây. Chúng ta tri kỷ với khu vực trước nhà hát thành phố, uỷ ban nhân dân, tượng đài Bác Hồ. Chúng ta thích thú ngắm nhìn những công trình lâu đời này trong một niềm tự hào khó tả. Cảm giác đó của chúng ta không đến từ những công trình riêng rẽ đó, nó đến từ tất cả trong tầm mắt của ta. Đó là một tổ hợp kiến trúc thấp tầng, mang phong cách thời Pháp thuộc. Chúng là những thành tố của một khối, liên kết với nhau, cùng tồn tại ven những con đường được quy hoạch kiểu Pháp, bên cạnh những tán cây cao, dãy bảng hiệu. Nay môi trường đó, mối liên kết đó đang đứng trước nguy cơ bị phá vỡ một cách tàn nhẫn.
      Như các bạn đã biết, thương xá Tax chuẩn bị bị xoá sổ, thay vào đó là một thứ kiến trúc cao tầng không hề ăn nhập với môi trường kiến trúc Pháp cổ, không hề có một sự quan tâm nào đến bối cảnh xung quanh của nó và có khả năng, hay theo mình là chắc chắn, sẽ lấn át những người cha chú quanh nó và phá hỏng toàn bộ cảnh quan đặc trưng khu vực này. 
      Cây có thể trồng lại, hiện trạng thương xá Tax có thể được cải tạo để đạt được giá trị kiến trúc vốn có (nay đã mai một). Nhưng nếu một toà nhà 40 tầng được đặt vào, mọi thứ sẽ trở nên rời rạc, hỗn độn, và không thể cứu vãn, tạo một tiền lệ rất xấu cho những toà nhà cổ xung quanh. Không gian có giá trị nhất về mặt kiến trúc cũng theo đó mà từng bước biến mất.

      Với tư cách là sinh viên trường Kiến trúc, mình nghĩ chúng ta phải nói lên quan điểm của mình về vấn đề này, với kiến thức của chúng ta, và trải nghiệm của chúng ta trước tình trạng không gian lịch sử của thành phố liên tục bị cày xới không thương tiếc như thế.
      Bao lâu nay, công tác thiết kế, quy hoạch bị bưng bít với những triễn lảm, thông tin 5 dòng trên báo mang đậm tính tượng trưng, cho có, đến nay lại đột nhiên thông báo việc phá dỡ. Không gian cổ kính khiến chúng ta tự hào khi tản bộ ở quận 1 nay trở thành một món đồ chơi của những kẻ lắm tiền nhiều của. Rất nhiều cây cổ thụ ngã xuống cho sự phát triển, có thể ta ngậm ngùi chấp nhận, nhưng thương xá Tax không có một lí do gì để bị phá huỷ khi nó được yêu mến bởi người dân Sài Gòn và hoàn toàn không ảnh hưởng đến tiến trình hiện đại hoá giao thông ngầm của TPHCM. 
    Chính vì vậy, không bao giờ là muộn nếu chúng ta hành động ngay bây giờ, có thể vấn đề sẽ không được giải quyết, nhưng là một sinh viên kiến trúc, chúng ta không thể làm ngơ, bởi vì đó đi ngược lại với tinh thần yêu cái đẹp và làm ra cái đẹp của ngành nghề chúng ta.

    Nay mình ra lời kêu gọi này, mong các bạn hưởng ứng vì một thành phố xinh đẹp và vì danh dự của sinh viên Kiến Trúc.

    Mình xin được đề xuất trước việc cất tiếng nói bằng 2 chiến dịch: Ký tên phản đối phá huỷ thương xá Tax và một chiến dịch chụp hình/ selfie/ group ở thương xá Tax với một dòng slogan thể hiện ý kiến của chúng ta, slogan đó sẽ do tập thể quyết định. Đồng thời thực hiện các nghiên cứu khoa học chi tiết về khu vực này để cho mọi người hiểu rõ tầm quan trọng của việc bảo tồn không gian lịch sử ( như UNESCO đã ra định nghĩa về KGLS ) đối với ngành du lịch của thành phố Hồ Chí Minh cũng như bản sắc đô thị của nó.
Mình mong mọi người sẽ tích cực đóng góp ý kiến và lập ra một nhóm điều hành chiến dịch. Chúng ta không còn nhiều thời gian, nên hãy hành động ngay hôm nay.

Cảm ơn các bạn đã đọc lời kêu gọi này.
Vì một thành phố Hồ Chí Minh đầy quyến rũ và độc nhất!
Chào các bạn,

THÁNG BẢY CÒN MÃI!


Nguyễn Thị Hậu

Tháng Bảy năm nay Sài Gòn ít ngày mưa, hầu như không thấy rỉ rả mưa Ngâu nhưng hễ mưa thì sập trời sập đất. Dường như ngàn năm qua vợ chồng Ngưu lang Chức nữ thổn thức mãi mà vẫn chia cắt đôi nơi nên giờ gặp nhau họ phải òa khóc nức nở mới trút hết nỗi niềm thương nhớ?

Thật trùng hợp, đúng vào ngày hàng cây trăm năm phía trước Nhà hát lớn Sài gòn bị đốn ngả nghiêng la liệt “để xây dựng ga metro ngầm” trời cũng đổ mưa tầm tã; rồi ngày báo đăng tin “di dời thương xá tax hơn 130 năm tuổi để xây dựng cao ốc 40 tầng” lại một cơn mưa kéo dài ngập đường kẹt xe hàng giờ. Chẳng biết nỗi niềm của ông bà Ngâu có bằng sự luyến tiếc nhớ thương của người Sài Gòn với những di tích trên trăm năm tuổi đang bị phá hủy ngay trước mắt hay không mà ông trời cũng phải động lòng như vậy…

Tuyến đường Đồng Khởi – Lê Lợi – Nguyễn Huệ  được coi là trung tâm của Sài Gòn. Trong đó đường Đồng Khởi và khu vực vòng xoay Nguyễn Huệ với các công trình kiến trúc đã trở thành tiêu biểu của thành phố như Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện, công viên Chi Lăng, các khách sạn Continental, Caravelle, Majestic, khu Eden, nhà sách Xuân Thu, tiệm cà phê Givral, tòa nhà UBND, khách sạn Rex, thương xá Tax… là nơi mà ai sống ở Sài Gòn cũng đều quen thuộc, là nơi bất cứ ai đến Sài Gòn đều ít nhất một lần dạo chơi ở đó. Vậy mà nay nhiều công trình đã biến dạng và biến mất. Lần lượt từng dấu tích của Sài Gòn bị thay đổi, bị phá bỏ để xây những công trình “hiện đại”. Có lần tôi đã viết về Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn “Chỉ tiếc là giờ đây, đứng phía nào nhìn lên cũng thấy nhà thờ Đức Bà bị đè bẹp bởi những toà nhà cao tầng ốp kính xanh lè. Gác chuông chỉ còn như cái đinh, nhỏ nhoi đến tội nghiệp!”. Còn khi tòa nhà Eden mất đi thì C’est fini Givral – sự tiếc nuối rưng rưng của biết bao thế hệ người Sài Gòn với cà phê Givral nổi tiếng. Tưởng đâu chỉ có “cơn lốc Vincom” tràn qua đường Đồng Khởi, bây giờ thì hàng cây trăm tuổi, bùng binh Nguyễn Huệ với vòng xoay cây liễu và thương xá Tax cũng bị cơn bão “hiện đại hóa” cuốn đi… Trước đó trên đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi hàng chục tòa cao ốc đã mọc lên, tòa nhà Bitexco 2 đã khởi công ngay phía trước chợ Bến Thành… Không biết vài chục hay trăm năm nữa những công trình mới này liệu có được ai ghi nhớ khi đến Sài Gòn hay không nhưng bây giờ, những gì đã trở thành tiêu biểu cho Sài Gòn hơn 100 năm thì đã mất đi…

Thế là trục đường trung tâm Đồng Khởi - Nguyễn Huệ - Lê Lợi “về cơ bản đã giải quyết xong” những chứng tích hình thành và phát triển đô thị Sài Gòn từ nửa sau thế kỷ XIX đến cuối thế kỷ XX!  Hiện nay nhiều người không còn biết gì về Sài Gòn xưa, hoặc cho rằng những kiến trúc cổ không còn đẹp, không phù hợp với thành phố hiện đại, ngoài ra họ chẳng biết gì thêm về lịch sử hay giá trị của các công trình, cảnh quan cũ… Chính vì vậy họ đã thản nhiên nói: muốn thành phố hiện đại thì cần phải đánh đổi, cứ giữ những gì xưa cũ thì không thể phát triển… Nhưng có thật phải là như thế?! Nhiều đô thị của các nước giàu có cũng đâu có bị phá hết di sản cổ để xây mới, dù họ có thừa tiền để làm điều đó? Khu vực trung tâm vẫn luôn được ưu tiên bảo tồn vì đó là trái tim, là bộ mặt của đô thị, chưa kể nhiều thành phố được gìn giữ gần như nguyên vẹn hoặc phục dựng lại sau khi bị chiến tranh tàn phá. Những nơi đó là niềm tự hào về văn hóa, là nguồn thu về du lịch, là truyền thống về lịch sử của cộng đồng, của quốc gia.

Còn chúng ta? Nếu có thể khái quát về việc xây dựng đô thị Việt Nam hôm nay, thì đó là “trung tâm thương mại + nhà nghỉ”, hai loại công trình phổ biến khắp các đô thị từ Bắc vào Nam, từ đô thị nhỏ đến đô thị lớn… Chao ôi, người Việt chúng ta chỉ còn hai nhu cầu đó hay sao?!

Trong quá trình phát triển đô thị, phần thiệt thòi thuộc về các di sản cổ vì chúng luôn bị phá đi để xây dựng những công trình mới. Việc “đánh đổi” di sản lấy công trình dân sinh cấp thiết như đường xá để giải quyết sức ép giao thông lên các tuyến đường đô thị đã trở nên quá chật hẹp là việc chẳng đừng, tuy vẫn có những phương pháp kỹ thuật khác để giảm thiểu sự hủy hoại di sản, nếu như nhà quản lý và đầu tư thực sự có sự hiểu biết và quý trọng di sản. Nhưng có nhất thiết phải phá những tòa nhà cổ để xây cao ốc vài chục tầng, trung tâm thương mai văn phòng cho thuê, thậm chí cả căn hộ… ở ngay vùng lõi của đô thị, nơi đọng lại những gì tinh túy nhất của văn hóa đô thị? Bộ mặt đô thị Sài Gòn sẽ chẳng còn gì là độc đáo là dấu ấn riêng. Người Sài Gòn thế kỷ XXI không có ký ức về lịch sử thành phố, vì không còn gì để lưu vào ký ức! Xóa bỏ ký ức một vùng đất, một đô thị, đó là cách tốt nhất để làm cho con người “mất gốc”. Từ mất gốc đến mất nước thì chẳng bao xa…

Cũng dịp này năm ngoái, khi chưa hết tháng mưa Ngâu tôi đã viết “Tháng Bảy đã qua” để cầu mong cho những linh hồn trẻ em chết oan do tiêm nhầm vacxin, do bất cẩn mà nhiều người chết đuối ở cửa biển Cần Giờ, chết vì tai nạn giao thông giữa đường đèo heo hút… được sớm siêu thoát và bình an ở cõi vĩnh hằng. Tháng Bảy này, cũng chỉ còn vài ngày nữa sẽ qua, nhưng sự hủy hoại di sản văn hóa vật chất, tinh thần nhân danh “phát triển hiện đại” như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và nhiều nơi khác đang làm hôm nay sẽ để lại hậu quả rất lâu dài…

Và như vậy, sẽ không còn gì làm cầu Ô thước nối liền quá khứ và tương lai…  Tháng Bảy cứ còn mãi vì những gì đã mất sẽ không bao giờ siêu thoát…

Sài Gòn 18/8/2014

Tạp chí Nghiên cứu phát triển số 1/2014

Số tạp chi cuối mình là Tổng Biên Tập bây giờ mới phát hành :)
Trong mỗi số tạp chí mình làm bao giờ cũng có 1 bài tư liệu của các học giả là người Việt Nam đang sống và làm việc ở nước ngoài. Những bài này giúp bổ sung cho người nghiên cứu trong Viện những vấn đề cơ bản và vấn đề mới trong lĩnh vực KT - XH mà họ chưa được tiếp cận. 





VỀ MIỀN TÂY, THƯƠNG…


Tản văn, Nguyễn Thị Hậu

Quê tôi ở miền Tây. Còn tôi sống ở Sài Gòn.
Quê ngoại tôi chỉ cách quê nội một nhánh Tiền Giang nối liền nhau bằng bến đò Mỹ Hiệp, xưa ghe chèo nay là chiếc phà có thể chở xe tải nhẹ hay xe hơi 16 chỗ. Mỗi ngày hàng chục lượt phà qua lại nối liền Cù Lao Giêng với thành phố Cao Lãnh, dân cù lao buôn bán quanh năm hay chợ búa hàng ngày từ lâu đã quen thuộc với thị tứ bên này. Nhiều gia đình kết sui gia với nhau, ngày rước dâu chiếc phà rực rỡ sắc màu chạy trên sông, lẫn trong tiếng máy nổ đều đều là tiếng nhạc rộn rã và tiếng con nít chỉ trỏ í ới...

Những đám rước dâu, đưa dâu trên sông gợi nhớ bài hát “Ngẫu hứng Lý qua cầu” của nhạc sĩ Trần Tiến. Người nhạc sĩ tài hoa của Hà Nội đã cảm nhận được sự bình dị và lời ăn tiếng nói của người miền Tây để chuyển thành những câu ca nghe chạm vào tận đáy lòng “bằng lòng đi em về với quê anh, một cù lao xanh một dòng sông xanh… Đóa hoa tím trôi líu riu, dòng sông nước chảy líu ríu… anh thấy em nhỏ xíu anh thương… Những đêm ngắm sông nhớ em buồn muốn khóc…”. Có một thời tôi đã thầm nghĩ, nếu có ai đó chỉ cần nói với mình một câu giản dị “anh thương em” thì mình sẽ bỏ tất cả mà theo. Lúc đó tôi còn chưa hiểu vì sao chữ “thương” của người miền Tây lại làm mình nao lòng đến thế. Sau này, mỗi lần về quê hay đi công tác miền Tây là đi qua vô số những cây cầu dọc theo quốc lộ, nhìn những con sông, dòng kinh, con rạch… xanh mướt hai bờ, ghe xuồng xuôi ngược, chợ búa ở đầu cầu tấp nập, trái cây rau cải tôm cá tươi chong… Bỗng thấy thương quê mình gì đâu! Mới hiểu, chữ thương của miền Tây ngọt ngào, nặng tình nặng nghĩa biết bao, bởi vì thương không chỉ là thương yêu cha mẹ anh em, mà còn là thương nhớ người dưng, thương xót thân phận ghe xuồng trên sông, thương những gì gắn bó cả đời như thương chính mình.… Chữ thương bao dung và nhân hậu, nhẹ như hơi thở mà người miền Tây chỉ buông ra khi dằn lòng không được …

Về miền Tây thương đất hè nắng nứt, thương đất vàng phèn mặn, thương những dòng sông mùa nước nổi mang phù sa về tưới tắm cho những cánh đồng lúa mới, mang cá tôm về làm mắm làm khô nuôi sống dân miền Tây trong những tháng mùa khô sau đó; thương những mái nhà lá lô nhô trong nước, thương đồng lúa chín gặt vội chạy cho kịp mùa nước nổi, thương bầy trâu lặn lội mùa “len”, thương đàn vịt đồng ốm nhom mùa nắng tới…
Về miền Tây thương con nước ngày hai lần nước lớn cho ghe xuồng đi xuống miệt ruộng vùng sông Hậu, nước ròng cho ghe xuồng đi lên miệt vườn trên những cù lao sông Tiền. Mùa nước nổi có xuồng “năm quăng” giúp bà con sinh sống. Thương chiếc xuồng len lỏi theo những rạch, tắt, cựa gà… khuất vào đám dừa nước rậm rạp rồi chợt hiện ra nhỏ nhoi đơn côi trong tiếng “bìm bịp kêu nước lớn anh ơi…”. Thương những chiếc ghe thương hồ từ nhiều đời miệt mài xuôi ngược “buôn bán không lời chèo chống mỏi mê”…

Về miền Tây thương những xóm làng nghèo khó mà ấm áp tình người. Trưa vắng vẳng tiếng gà gáy lao xao trong vườn, ngọn khói bếp vẩn vơ trên tán xoài, cầu dừa chông chênh cô thiếu nữ thoát thoắt bước qua. Chiều xuống những bến nước ven con rạch ồn ào trẻ nhỏ, đờn bà giặt đồ trên chiếc cầu tre, đờn ông chạy ào xe máy trên đường mòn, bất chợt nghe tiếng ai kêu dừng lại gạt chân chống để đó ghé vô, có khi tới khuya mới quay ra, xiêu xiêu lên xe chạy tiếp về nhà…
Về miền Tây thương những con đường giữa bóng xoài bóng dừa mát rượi, thương hàng rào bông bụt nhà ai đỏ vàng rực rỡ, thương dàn bông giấy màu trắng tím đỏ ngời lên trong nắng hạn làm lóa ánh mắt người qua… Về miền Tây thương nhà sàn lô nhô trên kênh rạch, thương bếp cà ràng đỏ lửa trên ghe, thương lò trấu trong gian bếp gọn gàng như những người đờn bà miền Tây vén khéo.

Về miền Tây thương ngôi chợ nhỏ đầu làng, sương sớm còn mờ đã lao xao mua bán, đến nửa buổi thì nhà lồng chỉ còn vài hàng cây trái. Thương chợ ngã năm ngã bảy trên sông ghe xuồng san sát, những chiếc sào cột các loại trái cây rau cải lơ lửng trên cao, ghe tạp hóa xanh đỏ đồ dùng, ghe than ghe chiếu giờ đã ít người mua kẻ bán… Thương phố chợ nhỏ mà cột antena san sát như đàn chuồn chuồn báo hiệu trời mưa, nhà cao tầng ngói đỏ ngói xanh, tiệm uốn tóc, tiệm vàng, tiệm thời trang… chẳng khác gì thành phố.
Về miền Tây thương những chành gạo ven sông, xà lan ghe lớn ghe nhỏ vào mùa gặt tụ họp về đêm ngày trên bến, những băng chuyền thay sức người tải gạo lên kho xuống ghe không dứt. Thương những lò gạch tròn như tổ tò vò khổng lồ in bóng xuống dòng sông. Những con sông dòng kinh như những mạch máu nuôi sống miền Tây.
Về miền Tây thương rừng tràm rừng đước xanh bạt ngàn miệt U Minh nước đỏ. Đêm Năm Căn câu vọng cổ nghe buồn chí xứ “chiếu này tôi chẳng bán đâu, tìm cô không gặp… tôi gối đầu mỗi đêm…”. Thương những Bãi, Bàu, Bắc, Bến, Bưng, Cái, Cầu, Cồn, Cù lao, Cửa, Đầm, Đồng, Gành, Hòn, Hố, Láng, Lung, Mũi, Mương, Rạch, Tắc, Vàm, Vũng, Xẻo… nghe giản dị mà gợi hình gợi cảnh.

Về miền Tây thương đám lục bình bông tím mong manh trôi xuôi ngược trên sông. Lúc nước ròng thì tấp vô như tìm chút hơi ấm của bờ đất mẹ, khi nước lên lại bơ vơ dập dờn trên mặt nước. Bông lục bình đẹp như em gái miền Tây, chơn chất, hiền lành, biết lo toan cho gia đình cha mẹ, khi em phải lấy chồng xa xứ khác nào số phận lục bình trôi… Chỉ mong mỗi ngôi nhà và những người đờn ông miền Tây sẽ là những bè tầm vông chắn sóng chắn nước cho giề lục bình bông tím mong manh đừng trôi xa, bình yên ở lại bờ bến quê nhà.
Về miền Tây thương những gian bếp có máng xối hứng nước mưa vào hai hàng lu mái. Sân nhỏ trước nhà lác đác lá khô của cây mận hồng đào. Thương từng chùm trái đỏ rực, lúc lỉu trên cành vào mùa Tết, thương mỗi đêm gió chướng nghe trái cây ngoài kia rơi lộp bộp, thương bầy trẻ con tranh nhau lượm những trái mận chín rụng, giòn và ngọt như đường phèn.

Về miền Tây thương những giọng hò ơ lai láng trên sông, thương câu vọng cổ thổn thức đêm đêm, thương bài đờn ca tài tử những ngày giỗ chạp, thương những “hẹn, hò”, “giỗ, quảy”… Về miền Tây thương người dưng buông câu “anh thương em” để trái tim lỗi nhịp, thương em gái nghẹn ngào “em thương ảnh, chị ơi…” nặng đến thắt lòng… Chỉ một tiếng “thương” thôi mà miền Tây đã níu giữ bao người ở lại, bao người đã đi rồi còn quay trở lại.
Về miền Tây thương những cửa sông rộng mênh mông, từng là con đường dẫn ông cha đi tìm đất khẩn hoang lập ấp. Thương vùng biển bồi bùn nâu nước lợ, mắm trước đước sau lấn biển, cả ngàn năm mũi Cà Mau dày thêm từng thước đất.
Về miền Tây thương những con người bao đời khó nhọc, nói “làm chơi ăn thiệt” vì không hay than thở, nói “làm đại đi” vì can đảm dám chịu trách nhiệm về việc mình làm. Thời thế nào cũng có những người “giữa đường thấy sự bất bằng chẳng tha”, “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”, dù sau đó có phải chịu nhiều oan khuất…

Về miền Tây…
Thương quá, miền Tây ơi!

Sài Gòn, tháng 11. 2013


http://plo.vn/que-minh/ve-mien-tay-thuong-445626.html

Vụn vặt đời thường (47)

Trong mọi hoạt động của đời sống xã hội hiện nay, nếu thấy ai đó hành xử không như thói thường của số đông mà bạn vội vã đánh giá, kết luận người ta “làm điều đó vì tiền” thì chỉ cho thấy cái chứng bệnh mê tiền rất nặng của chính bạn mà thôi. 
Sống mà trước mắt lúc nào cũng chỉ thấy phấp phới tờ giấy bạc, thì cả thế giới cũng chỉ nhỏ bằng tờ giấy bạc!

@
Thần tượng gì đi nữa cũng chỉ là của một thời, đừng bắt họ phải gánh vác trách nhiệm làm thần tượng mãi mãi. 
Quá khứ luôn đẹp trong ký ức. Nhưng "bao giờ cho đến ngày xưa" là bịnh của người già, hay là của một quốc gia không còn (khả năng) trẻ nữa :D

@  Tin từ VTV1: để giảm số lượng lớn các loại súng mà người dân đang lưu giữ, một thành phố ở Mỹ quyết định đổi súng lấy máy tính. Dân tình khoái trá mang đổi quá nhiều 
Chính quyền Tp này ko sợ toàn dân chơi FB nhỉ 

@ Cái kiểu tặng "quà lưu niệm" của ông Nghị HN tặng ông nghị Mỹ thật là kinh dị. Trình ứng xử ngoại giao ngày càng "tiểu nhân". Vì sao mà một tiến sĩ, một nhà chính trị, lãnh đạo cao cấp của thủ đô một quốc gia lại có thể làm điều đó? 
Mình hỏi ngu tí, ai có thể giải thích cho mình biết ko?

 Bất cứ thành phố nào làng nào ở Pháp mình đi qua cũng có nhà thờ, lâu đài cổ, phần lớn được bảo tồn tốt, không chỉ vì nơi đây vẫn là trung tâm tôn giáo hay là di sản văn hóa quốc gia mà còn vì được "phát huy" tốt về du lịch. Văn hóa thực sự là đồng lực và nguồn lợi của kinh tế, chẳng cần phải có nghị quyết về "nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc".

@  dọc đường
 Hoa có ở khắp nơi, hoa trồng nhưng tự nhiên như... thiên nhiên. Oải hương ven đường quốc lộ, bên vỉa hè, trong công viên... Mình thích dùng từ "oải hương" vì nó bình dị hơn "lavender" - từ mà những phụ nữ thượng lưu (hay làm ra vẻ thượng lưu) thường dùng 

@ Nói chuyện với các bạn nhà báo phóng viên, từ mà họ nhắc đến nhiều nhất với nhiều sắc thái khác nhau nhất, đó là từ "Ban tuyên giáo" :D

SÁCH


Nhà thấm dột đã lâu, rồi chỗ này hư chỗ kia hỏng… chần chừ mãi rồi cũng phải thu xếp mọi việc để có thời gian sửa nhà. Tưởng chỉ sửa chữa nhẹ, ai ngờ đụng vào đâu cũng thấy... có vấn đề. Vậy là phải đóng gói đồ đạc gọn gàng. Nhà không lớn, cứ tưởng mỗi ngày đều đã dọn dẹp thì chắc một hai ngày sách vở quần áo đồ đạc linh tinh sẽ vào hết những thùng giấy, vali túi xách… Vậy mà hai ngày cuối tuần cả nhà cật lực cũng chỉ xong chỗ sách vở - tài sản nhiều nhất sau hơn 30 năm cả hai vợ chồng dạy học và nghiên cứu.

Sách có khắp nơi, cái giá sách lớn đóng lúc mới xây nhà đã đầy ắp, vậy là cứ có thêm sách thì phải mua thêm giá để sách. Rồi các con lớn dần, sách vở mỗi ngày nhiều lên… vì Internet có Google đấy nhưng không thể mất thói quen đọc sách. Đọc để tìm tài liệu cho công việc, đọc để đắm mình vào cảm xúc chỉ riêng mình có với những tác phẩm văn học, đọc để hiểu hơn con người và cuộc sống quanh mình… Mỗi cuốn sách cầm lên là thấy một kỷ niệm, một thời đã qua. Nhiều cuốn sách in từ những năm 1980, giấy đen chữ nhỏ, bây giờ xốp nhẹ, đụng vào phải nhẹ nhàng như cầm cổ vật, vẫn không nỡ bỏ đi chỉ vì trang lót có chữ ký từ thời con gái. Có cuốn sách dùng nhiều đến mức bìa long gáy rời, vì không được tái bản nên cứ dùng mãi… đến lúc thông tin trong đó cũ rồi thì xếp lên giá sách, lâu lâu nhìn thấy như gặp lại người bạn cũ. Có cuốn tiểu thuyết… hồi xưa lén chồng bớt tiền chợ để mua vào cái thời khốn khó đồng lương giáo viên không đủ ăn được 2 tuần, vậy mà cứ nhìn thấy sách truyện là mắt sáng lên, không mua được thì thấy như mình đánh mất vật quý. Có cuốn sách tưởng bị mất bỗng tìm thấy nằm sâu trong góc tủ, vuốt ve những tờ giấy quăn góc mà muốn thì thầm xin lỗi vì đã để sách đau.

Nhiều cuốn sách mới mua, được bạn tặng, được biếu… mà chưa có thời gian đọc, thậm chí còn nguyên lớp nilon bọc ngoài. Nhìn thấy lại áy náy, rồi đành tự nhủ, thôi để dành lúc về hưu đọc, vì lúc đó chắc ít người biếu tặng và cũng phải… tiết kiệm nữa chứ, sách bây giờ đâu có rẻ. Nghe vậy, ông xã lầu bầu: em mà không mua sách nữa thì chắc chỉ đến lúc già rồi nên đổi tính! Lựa chọn mãi, xếp vào lại lấy ra rồi lại xếp vào… cuối cùng hầu như chẳng bỏ đi cuốn nào, hết thùng lại đi mua thêm, lại cẩn thận bọc cả thùng vào bao xốp lớn vì đang là mùa mưa, đề phòng sửa nhà mưa tạt ướt hết.
Rồi tất cả sách cũng đã vào thùng, phân loại sơ sơ, đánh số ghi rõ từng thùng để khi sửa xong nhà sẽ sắp xếp vào đúng vị trí cũ. Khi rảnh rỗi sắp xếp lại sách trong tủ trên giá thực là một “thú vui tao nhã”. Vừa xếp vừa giở vài trang, đọc hú hoạ một câu một đoạn nào đấy như kiểu Bói Kiều. Như lúc này chẳng hạn, giở một trang trong cuốn tiểu thuyết Thuyền trưởng và đại uý – niềm say mê hồi những năm là sinh viên – bắt gặp câu này “Em muốn quên hết những chuyện đã qua nhưng còn luyết tiếc quá khứ…”.

Mới đó mà đã vài tháng, nhà sửa xong rồi, sách cũ sách mới lại đứng cạnh nhau, như quá khứ luôn hiện diện trong mỗi ngày ta đang sống, bởi vì quá khứ không chỉ là những chuyện đã qua…

Sài Gòn tháng 6 - 8/2014

Linh tinh lang tang (93) - XANH XA


Tháng Tám mùa thu mới bắt đầu, lá còn xanh mướt, hồ nước cũng xanh lặng lờ. Vài đội thiên nga trắng, một bầy vịt xám... Công viên với bãi cỏ và những hàng cây xanh, chỉ một màu xanh không hề có thêm một sắc hoa nào cả, dù chỉ bước ra khỏi nơi đây thì dọc những đường trong thành phố ta luôn nhìn thấy những bồn hoa muôn màu khoe sắc trong nắng cuối hè vàng như thể cả bầu trời là một rừng hướng dương...

Hai chị em lang thang gần hết buổi sáng cũng chỉ đi hết non nửa công viên, và cũng chưa hết những chuyện muốn nói... Đâu đây là Hà Nội và những kỷ niệm xưa cũ, đâu đây là Sài Gòn và những người bạn văn...
Và cả hai chị em đều ước gì HN, SG có một công viên xanh như thế này, chỉ trồng một đời nhưng cây xanh sẽ dành cho nhiều đời...

Haizzzz.... Vì lợi ích 10 năm trồng cây, chỉ 10 năm thôi, ai cần nhiều hơn 10 năm cơ chứ?!
"hàng cây lá xanh gần với nhau...", sau này nghe bài hát này con cháu mình sẽ nghĩ TCS viết về Paris hay bất cứ nơi nào khác, không phải SG không phải HN....
Buồn thế, Anh Thuan Doan nhỉ 


Hình ảnh: Linh tinh lang tang (91) - XANH XA

Tháng Tám mùa thu mới bắt đầu, lá còn xanh mướt, hồ nước cũng xanh lặng lờ. Vài đội thiên nga trắng, một bầy vịt xám... Công viên với bãi cỏ và những hàng cây xanh, chỉ một màu xanh không hề có thêm một sắc hoa nào cả, dù chỉ bước ra khỏi nơi đây thì dọc những đường trong thành phố ta luôn nhìn thấy những bồn hoa muôn màu khoe sắc trong nắng cuối hè vàng như thể cả bầu trời là một rừng hướng dương...
Hai chị em lang thang gần hết buổi sáng cũng chỉ đi hết non nửa công viên, và cũng chưa hết những chuyện muốn nói... Đâu đây là Hà Nội và những kỷ niệm xưa cũ, đâu đây là Sài Gòn và những người bạn văn... 
Và cả hai chị em đều ước gì HN, SG có một công viên xanh như thế này, chỉ trồng một đời nhưng cây xanh sẽ dành cho nhiều đời...
Haizzzz.... Vì lợi ích 10 năm trồng cây, chỉ 10 năm thôi, ai cần nhiều hơn 10 năm cơ chứ?!
"hàng cây lá xanh gần với nhau...", sau này nghe bài hát này con cháu mình sẽ nghĩ TCS viết về Paris hay bất cứ nơi nào khác, không phải SG không phải HN....
Buồn thế, Anh Thuan Doan nhỉ :(

Vài nơi ở Paris (4) - CẦU TÌNH YÊU


Khóa tình yêu (1)

Cầu cũ chi chít những chiếc khóa nhiều lọai nhiều màu. Chàng và nàng trịnh trọng bấm ổ khóa có khắc tên hai người vào thanh sắt, chìa khóa - theo phong tục - được vứt xuống sông. Họ thề thốt: không ai có thể chia lìa hai ta. Nhưng :
1. Chỉ vài tháng thì đường ai nấy đi. Cả hai đều không biết người kia còn dấu một chiếc chìa của “khóa tình yêu”.
2. Vừa qua khỏi cầu họ đã cãi nhau vì vứt nhầm chìa khóa xe hơi xuống sông. Thế là chia tay.

(Truyện 100 chữ, Paris - 10/2010)





 Khoá tình yêu (2)

Nhiều năm sau cô trở lại Paris. Ở cầu tình yêu cô không sao tìm thấy chiếc khóa của anh và cô ngày trước. Có lẽ nó đã bị phá lấy đi, nhường chỗ cho khóa của những cặp tình nhân khắp thế giới đến đây mỗi ngày.
Cô lại khóa vào cây cầu một chiếc khóa mới, chìa khóa không vứt xuống sông Seine mà cẩn thận cất vào túi xách. Đây là khóa cô dành cho Paris, thành phố của mối tình đã qua…

(truyện 100 chữ, Paris 7/2014)


 

160 NĂM THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN

  https://nguoidothi.net.vn/160-nam-thao-cam-vien-sai-gon-42825.html   Nguyễn Thị Hậu Thảo cầm viên Sài Gòn là một không gian công cộng và...