THÁNG BẢY CÒN MÃI!


Nguyễn Thị Hậu

Tháng Bảy năm nay Sài Gòn ít ngày mưa, hầu như không thấy rỉ rả mưa Ngâu nhưng hễ mưa thì sập trời sập đất. Dường như ngàn năm qua vợ chồng Ngưu lang Chức nữ thổn thức mãi mà vẫn chia cắt đôi nơi nên giờ gặp nhau họ phải òa khóc nức nở mới trút hết nỗi niềm thương nhớ?

Thật trùng hợp, đúng vào ngày hàng cây trăm năm phía trước Nhà hát lớn Sài gòn bị đốn ngả nghiêng la liệt “để xây dựng ga metro ngầm” trời cũng đổ mưa tầm tã; rồi ngày báo đăng tin “di dời thương xá tax hơn 130 năm tuổi để xây dựng cao ốc 40 tầng” lại một cơn mưa kéo dài ngập đường kẹt xe hàng giờ. Chẳng biết nỗi niềm của ông bà Ngâu có bằng sự luyến tiếc nhớ thương của người Sài Gòn với những di tích trên trăm năm tuổi đang bị phá hủy ngay trước mắt hay không mà ông trời cũng phải động lòng như vậy…

Tuyến đường Đồng Khởi – Lê Lợi – Nguyễn Huệ  được coi là trung tâm của Sài Gòn. Trong đó đường Đồng Khởi và khu vực vòng xoay Nguyễn Huệ với các công trình kiến trúc đã trở thành tiêu biểu của thành phố như Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện, công viên Chi Lăng, các khách sạn Continental, Caravelle, Majestic, khu Eden, nhà sách Xuân Thu, tiệm cà phê Givral, tòa nhà UBND, khách sạn Rex, thương xá Tax… là nơi mà ai sống ở Sài Gòn cũng đều quen thuộc, là nơi bất cứ ai đến Sài Gòn đều ít nhất một lần dạo chơi ở đó. Vậy mà nay nhiều công trình đã biến dạng và biến mất. Lần lượt từng dấu tích của Sài Gòn bị thay đổi, bị phá bỏ để xây những công trình “hiện đại”. Có lần tôi đã viết về Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn “Chỉ tiếc là giờ đây, đứng phía nào nhìn lên cũng thấy nhà thờ Đức Bà bị đè bẹp bởi những toà nhà cao tầng ốp kính xanh lè. Gác chuông chỉ còn như cái đinh, nhỏ nhoi đến tội nghiệp!”. Còn khi tòa nhà Eden mất đi thì C’est fini Givral – sự tiếc nuối rưng rưng của biết bao thế hệ người Sài Gòn với cà phê Givral nổi tiếng. Tưởng đâu chỉ có “cơn lốc Vincom” tràn qua đường Đồng Khởi, bây giờ thì hàng cây trăm tuổi, bùng binh Nguyễn Huệ với vòng xoay cây liễu và thương xá Tax cũng bị cơn bão “hiện đại hóa” cuốn đi… Trước đó trên đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi hàng chục tòa cao ốc đã mọc lên, tòa nhà Bitexco 2 đã khởi công ngay phía trước chợ Bến Thành… Không biết vài chục hay trăm năm nữa những công trình mới này liệu có được ai ghi nhớ khi đến Sài Gòn hay không nhưng bây giờ, những gì đã trở thành tiêu biểu cho Sài Gòn hơn 100 năm thì đã mất đi…

Thế là trục đường trung tâm Đồng Khởi - Nguyễn Huệ - Lê Lợi “về cơ bản đã giải quyết xong” những chứng tích hình thành và phát triển đô thị Sài Gòn từ nửa sau thế kỷ XIX đến cuối thế kỷ XX!  Hiện nay nhiều người không còn biết gì về Sài Gòn xưa, hoặc cho rằng những kiến trúc cổ không còn đẹp, không phù hợp với thành phố hiện đại, ngoài ra họ chẳng biết gì thêm về lịch sử hay giá trị của các công trình, cảnh quan cũ… Chính vì vậy họ đã thản nhiên nói: muốn thành phố hiện đại thì cần phải đánh đổi, cứ giữ những gì xưa cũ thì không thể phát triển… Nhưng có thật phải là như thế?! Nhiều đô thị của các nước giàu có cũng đâu có bị phá hết di sản cổ để xây mới, dù họ có thừa tiền để làm điều đó? Khu vực trung tâm vẫn luôn được ưu tiên bảo tồn vì đó là trái tim, là bộ mặt của đô thị, chưa kể nhiều thành phố được gìn giữ gần như nguyên vẹn hoặc phục dựng lại sau khi bị chiến tranh tàn phá. Những nơi đó là niềm tự hào về văn hóa, là nguồn thu về du lịch, là truyền thống về lịch sử của cộng đồng, của quốc gia.

Còn chúng ta? Nếu có thể khái quát về việc xây dựng đô thị Việt Nam hôm nay, thì đó là “trung tâm thương mại + nhà nghỉ”, hai loại công trình phổ biến khắp các đô thị từ Bắc vào Nam, từ đô thị nhỏ đến đô thị lớn… Chao ôi, người Việt chúng ta chỉ còn hai nhu cầu đó hay sao?!

Trong quá trình phát triển đô thị, phần thiệt thòi thuộc về các di sản cổ vì chúng luôn bị phá đi để xây dựng những công trình mới. Việc “đánh đổi” di sản lấy công trình dân sinh cấp thiết như đường xá để giải quyết sức ép giao thông lên các tuyến đường đô thị đã trở nên quá chật hẹp là việc chẳng đừng, tuy vẫn có những phương pháp kỹ thuật khác để giảm thiểu sự hủy hoại di sản, nếu như nhà quản lý và đầu tư thực sự có sự hiểu biết và quý trọng di sản. Nhưng có nhất thiết phải phá những tòa nhà cổ để xây cao ốc vài chục tầng, trung tâm thương mai văn phòng cho thuê, thậm chí cả căn hộ… ở ngay vùng lõi của đô thị, nơi đọng lại những gì tinh túy nhất của văn hóa đô thị? Bộ mặt đô thị Sài Gòn sẽ chẳng còn gì là độc đáo là dấu ấn riêng. Người Sài Gòn thế kỷ XXI không có ký ức về lịch sử thành phố, vì không còn gì để lưu vào ký ức! Xóa bỏ ký ức một vùng đất, một đô thị, đó là cách tốt nhất để làm cho con người “mất gốc”. Từ mất gốc đến mất nước thì chẳng bao xa…

Cũng dịp này năm ngoái, khi chưa hết tháng mưa Ngâu tôi đã viết “Tháng Bảy đã qua” để cầu mong cho những linh hồn trẻ em chết oan do tiêm nhầm vacxin, do bất cẩn mà nhiều người chết đuối ở cửa biển Cần Giờ, chết vì tai nạn giao thông giữa đường đèo heo hút… được sớm siêu thoát và bình an ở cõi vĩnh hằng. Tháng Bảy này, cũng chỉ còn vài ngày nữa sẽ qua, nhưng sự hủy hoại di sản văn hóa vật chất, tinh thần nhân danh “phát triển hiện đại” như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và nhiều nơi khác đang làm hôm nay sẽ để lại hậu quả rất lâu dài…

Và như vậy, sẽ không còn gì làm cầu Ô thước nối liền quá khứ và tương lai…  Tháng Bảy cứ còn mãi vì những gì đã mất sẽ không bao giờ siêu thoát…

Sài Gòn 18/8/2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...