HOÀI CỔ KHÔNG PHẢI LÀ NỆ CỔ!


Trả lời chung vài lời nhắn riêng:
Xin cám ơn một số bạn đã nhắn nhủ tôi rằng không nên "nệ cổ", rằng muốn thành phố hiện đại thi cần "đánh đổi" những tòa nhà xưa cũ, những hàng cây xanh trăm năm... và ...!

Nói ngay và luôn: tôi hoài cổ nhưng không nệ cổ! Trong phạm vi sự hiểu biết và kiến thức nghề nghiệp của mình tôi hiểu rõ thế nào là một thành phố hiện đại và thế nào là sự phá hoại di sản! Ở TPHCM, ít nhất khu trung tâm PHẢI được coi là "khu vực cảnh quan di sản văn hóa" của đô thị Sài Gòn trên 100 tuổi, vì bề dày lịch sử của việc xây dựng cũng như giá trị nhiều công trình kiến trúc và thiết kế cảnh quan đô thị nói chung.

Một vài công trình ở đó hiện giờ không còn đẹp như lúc xây dựng đầu tiên thì đó cũng không phải là lý do để phá đi xây cái khác, bởi vì làm như vậy chính là lặp lai sai lầm của người đi trước. Cách "sửa sai" tốt nhất là, ví dụ như thương xá TAX nếu nhất thiết phải xây lại, hãy xây dựng lại như lúc đầu, hay còn gọi là "phục dựng" lại công trình như bản gốc (tất nhiên, kèm với thuyết minh rõ ràng). Dầu sao đây cũng là cách làm mà nhiều nước đã làm để thể hiện sự tôn trọng và bảo tồn di sản lịch sử, văn hóa.

Có gì đảm bảo rằng công trình 40 tầng xây mới sẽ không "khập khiễng", không ăn nhập gì với cảnh quan, làm xấu đi các công trình cổ... như tòa Vincom xanh lè trên đường Đồng Khởi? Làm như vậy là tội ác với di sản văn hóa, tội ác với cộng đồng cư dân vì đã góp phần làm xấu đi một cách tệ hại và làm mất bản sắc văn hóa Sài Gòn, xóa bỏ ký ức của biết bao con người! Chúng ta ứng xử như thế nào với những gì thế hệ trước để lại thì sẽ nhận được sự ứng xử như thế từ thế hệ sau!

Việc hiện đại hóa thành phố - thật ra chỉ là xây nhiều công trình kiểu dáng mới - là tất yếu, nhưng TPHCM còn cả một khu đô thị mới Thủ Thiêm, theo quy hoạch mà người dân được biết, có một khu hành chính lớn, nhiều khu thương mại hoành tráng... Hà cớ gì nhất định phải phá khu trung tâm hiện hữu?!

Để đổi mới thành phố và tạo điều kiện sống tốt hơn cho người dân, bảo tồn và phát triển luôn có "mâu thuẫn" cần giải quyết hài hòa, bởi vì giữ gìn di sản văn hóa chính là làm giàu hơn đời sống tinh thần, tri thức cho cộng đồng, bên cạnh sự tiện nghi vật chất.

Chúng ta luôn nói ta có "lợi thế của người đi sau", nhưng ít nhất trong việc bảo tồn di sản văn hóa, nhưng gì đang làm cho thấy ta chẳng học được điều gì từ những quốc gia đi trước, cả bài học tốt lẫn bài học xấu!
Vậy thôi bạn ạ!

SG 21/8/2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...