BẠCH MÃ SƯƠNG TAN…



Bạch Mã là một dãy núi đẹp, ranh giới tự nhiên giữa tỉnh Thừa Thiên-Huế và thành phố Đà Nẵng. Nằm trong vườn quốc gia Bạch Mã, đỉnh Bạch Mã với độ cao 1.450 m so với mực nước biển là đỉnh núi cao nhất của dãy núi này. Núi là một phần của dãy Trường Sơn chạy cắt ra sát biển, nơi đây có đèo Hải Vân nổi tiếng nằm cách Huế 60 km về phía Nam. Trên đỉnh núi hùng vĩ bốn mùa xanh tươi với thác nước, suối, rừng... nơi quy tụ nhiều loại động vật và thực vật quý hiếm ở miền nhiệt đới. Bạch Mã nằm cách biển chỉ có 18 km nên hòa với không khí của rừng núi là chút hương vị của biển.

Vào đầu thế kỷ XX Bạch Mã còn là một khu rừng núi hoang sơ chưa ai khai phá. Nhưng từ khoảng năm 1925, khi thám sát để mở đường qua khu vực này, một kỹ sư người Pháp là Girard đã phát hiện ra đỉnh Bạch Mã và bắt đầu tổ chức khai phá vùng núi này vào năm 1932 nhằm phát triển du lịch của Bạch Mã. Từ đó khu vực này trở thành khu nghỉ mát như Tam Đảo, Đà Lạt, xuất hiện các biệt thự, khách sản và kéo theo đó là phát triển về giao thông công cộng. Nhưng công trình này chủ yếu chỉ để phục vụ giới có tiền thời đó và các quan chức người Pháp. Bây giờ những ngôi biệt thự cổ này được sử dụng làm khách sạn phục vụ du lịch, nhưng trông vẫn hoang phế lắm…

Hôm đứng trên đỉnh Bạch Mã nhìn xuống đèo Hải Vân uốn lượn rồi mất hút, nhìn xuống phá Tam Giang xa mờ biển lẫn vào mây, nhìn xuống rừng Bạch Mã xanh ngút ngát... chợt ước biến thành hạt bụi hay một giọt sương, tan trong không trung, nhẹ nhàng, không dấu tích...

Hồi xưa có xem một bộ phim của Ba Lan, kể về một cô gái luôn nghĩ rằng mình biết bay. Mọi người đều coi cô như người tâm thần. Chỉ có một người đàn ông, một nhà văn dường như hiểu được điều đó... Nhưng cuộc sống chật hẹp đã không thể chứa đựng ước mơ bay lên của cô gái. Người đàn ông của cô - trong khỏanh khắc - cũng tự chặt đôi cánh tưởng tượng của mình... Để rồi thất vọng cô gái đã bay chuyến bay cuối cùng từ sân thượng tòa nhà mười mấy tầng... vào bầu trời của riêng cô...

Người ta đã xây một ngôi chùa trên đỉnh Bạch Mã. Trước sân là đôi ngựa đá màu trắng, trong chùa những đồ thờ cúng cũng là đá trắng, lọai đá Ngũ Hành Sơn. Thỉnh tượng Phật, treo chuông lúc đúng ngọ. Tiếng chuông vang lên... không gian nơi đây đủ cho tiếng chuông ngân dài, giao hòa trời đất...
Rồi nơi đây sẽ trở thành Hương Tích, Yên Tử chăng? Dù không thế thì cũng may mắn khi đã đến Bạch Mã khi nơi đấy còn chưa nhuốm nhiều màu đời trần tục...

Truyện ngắn của con gái: CÀ PHÊ SỮA VÀ CÀ PHÊ ĐEN



Vào quán uống nước, em luôn gọi café đen. Anh luôn gọi café sữa.
Người ta mang nước ra, luôn luôn nhầm lẫn. Anh café đen. Em café sữa.
Em nhanh tay đổi 2 món. Người bồi bàn đứng ngẩn ra, mặt đầy vẻ thắc mắc. Anh cười trừ. Đợi người ta đi, anh trách: “Sao không để người ta đi rồi em hãy đổi? Làm mất mặt anh quá!!!” Em cười phá lên: “Đằng nào cũng vậy. Đâu có gì mắc cỡ!”.
Em con gái mà lại thích café đen.
Anh con trai nhưng rất thích café sữa.
Em bảo café đen nguyên chất, tuy đắng nhưng uống rồi sẽ mang lại dư vị, mà nếu pha thêm sữa thì sẽ chẳng còn cảm giác café nữa.
Anh bảo café cho thêm tí sữa sẽ đậm mùi café hơn, lại còn cảm giác ngọt ngào của sữa…
Anh và em luôn thế. Khác nhau hoàn toàn.
Anh và em không yêu nhau. Đơn giản chỉ là bạn bè. Mà không, trên bạn bè 1 chút. Gần giống như tình anh em.
Nhưng em không chịu làm em gái anh. Em bảo, em gái có vẻ phụ thuộc vào anh trai, có vẻ yếu đuối, có vẻ… hàng trăm cái “có vẻ” và em không đồng tình.
Anh cũng không muốn anh là anh trai của em. Anh trai suốt ngày phải lo cho em gái, bị nhõng nhẽo, vòi vĩnh đủ thứ. Anh không thể kiên nhẫn.
Lâu lâu em hẹn anh ra ngoài đi uống café. Em café đen, anh café sữa.
Thỉnh thoảng buồn buồn anh lôi em đi vòng vòng, rốt cuộc cũng đến quán nước. Anh café sữa. Em café đen.
Anh có bạn gái. Bạn gái anh xinh xắn, rất dịu dàng, nữ tính. Đi với anh giống như 1 con thỏ non yếu ớt. Anh tự hào bảo, cô ấy không “ba gai”, bướng bỉnh như em.
Em có bạn trai. Bạn trai em đẹp trai, galant, luôn chiều chuộng em. Đi với em, anh ấy không bao giờ khiến em tức chết. Em kiêu hãnh khoe, anh ấy thực sự là chỗ dựa vững chắc.
Hai cặp thỉnh thoảng gặp nhau. Em vẫn café đen. Anh luôn café sữa.
Bạn trai em nói, anh đổi ly cho em. Em không chịu, café đen là sở thích của em.
Bạn gái anh thắc mắc, anh không uống café đen như những người con trai khác. Anh nhún vai, café sữa hợp khẩu vị với anh.
Trong lúc nói chuyện, thường thường anh và em vẫn cãi nhau. Bạn trai em luôn là người hòa giải. Bạn gái anh dịu dàng nói anh phải biết nhường nhịn con gái.
Cuối cùng anh là anh. Em vẫn là em.
Anh chia tay bạn gái. Cũng có thời gian chông chênh. Nhưng anh không hối tiếc. Anh và cô căn bản không hợp nhau. Dù cô ra sức chiều chuộng anh, nhưng anh vẫn thấy thiếu thiếu cá tính gì đó. Mà cá tính thiếu ấy mới thật sự hấp dẫn anh.
Em chia tay bạn trai. Có một lúc cảm thấy trống vắng. Nhưng em không hối hận. Em và bạn trai không tìm được tiếng nói chung. Dù anh ấy không khiến em bực mình, ít khi gây sự với em. Nhưng em vẫn thấy thiếu thiếu. Mà “thiếu thiếu” ấy làm em chán nản.
Anh và em không hẹn mà gặp nhau ở quán café cũ.
Em gọi café đen.
Anh gọi café sữa.
Người bồi đã quen với 2 người. Anh ta không để nhầm chỗ nữa.
Anh yên lặng. Em cũng không nói. Đợi người bồi đi, anh kéo ly café đen về phía mình, đẩy ly café sữa về phía em.
Hôm đó 2 người uống thử “khẩu vị” của người kia.
Đêm ấy, anh nhắn tin cho em “Café đen hay thật! Anh bắt đầu thấy thích nó!”
Em nhắn tin lại cho anh “Café thêm sữa cũng rất tuyệt vời. Em sẽ uống café sữa…”
Sau đó em và anh luôn đi cùng nhau, bất luận ở đâu, em cũng luôn gọi café sữa cho em và không quên gọi café đen cho anh…
Café đen hay café sữa đều là café, phải không?
Tình yêu đắng hay tình yêu ngọt đều là tình yêu… chẳng phải sao???

Mai Quyên

"Happy end"



Chiều cuối tuần, xách túi một mình cô đi đến X.
Trong túi, chiếc áo lạnh, cuốn sách đang đọc, máy tính và vài thứ linh tinh... Lên chuyến xe tốc hành, cô ngả lưng ghế, quay mặt ra cửa sổ lơ đãng nhìn những hàng cây vun vút chạy ngược, lơ đãng nhìn đêm như một bình mực tím đang loang dần ngoài kia, tự hỏi, mình đến X làm gì...?
Để làm gì ư? Có những việc ta không thể nói mục đích, lý do, vì chẳng có một lý do mục đích nào rõ ràng cả. Thật ra, cũng có lúc cô đã tự mắng mình: sao lại có thể mất thì giờ (và tiền bạc nữa, híc!) chẳng để làm gì như vậy?!

Gắn tai nghe, cô bật điện thoại. Bài hát thì thầm những lời thật buồn: Lên xe tiễn em đi... chưa bao giờ buồn thế... Những bài hát chia ly bao giờ cũng làm cô thấy xao xuyến và day dứt, cảm giác như mình là người có lỗi trong sự chia ly. Chia tay nhau, đôi khi chẳng vì ai cả, chỉ vì thế thôi, để chấm dứt một sự lưỡng lự có thời hạn và có khi bước vào một cuộc lưỡng lự khác, kéo dài suốt cả cuộc đời.

Cổ tích có câu chuyện, đại khái một nàng công chúa xinh đẹp dịu hiền, được làm vợ chàng hoàng tử đẹp trai, giàu có, tài giỏi. Nàng luôn được chồng yêu thương chiều chuộng..., nói chung là nàng có một cuộc sống vô cùng hạnh phúc. Chàng hoàng tử còn đưa nàng giữ chùm chìa khóa của tất cả các căn phòng trong lâu đài tráng lệ họ đang sống. Và chàng dặn rằng nàng có thể mở cửa mọi căn phòng, những căn phòng chứa toàn vàng bạc châu báu, hoa thơm cỏ lạ, là niềm vui, là sự hài lòng, là những điều tốt đẹp.
Duy chỉ có một căn phòng ở cuối lâu đài là nàng không được phép mở, nhưng chàng không bao giờ nói với nàng trong căn phòng đó có gì. Rồi một lần, tình cờ đứng trước căn phòng đó, lại có chìa khóa trong tay, lại không bao giờ nghĩ rằng chồng mình có điều gì bí mật, lại không thắng được sự tò mò rất đỗi đàn bà, nàng công chúa bèn mở cửa căn phòng bí mật... Kết thúc câu chuyện như thế nào tất nhiên mọi người đã biết.
Có lần ngồi “tám”, đám U40 các cô bảo nhau: đã may mắn là công chúa thì đừng tò mò làm gì, nếu lỡ biết về “căn phòng đầu lâu” của chồng thì tốt nhất hãy coi như không biết. Vậy mới hạnh phúc. Rồi sau những buổi chiều thật đẹp ngồi triết lý vụn bên ly cà phê và ngắm chiều tím loang vỉa hè, mà mơ màng chiều nay em ra phố về, thấy đời mình là những chuyến xe... những “công chúa” lại về nhà để tiếp tục cái cuộc lưỡng lự đã bắt đầu từ nhiều năm qua... Lưỡng lự vì mỗi người có một lựa chọn mà chẳng phương án nào giống cái “phương án tốt nhất” kể trên...

Cuộc sống của cô cũng như nàng công chúa nọ. Nhưng cô luôn nghĩ và tin rằng câu chuyện trên có một “happy end”: Sau khi bí mật bị bật mí, chàng hoàng tử ăn năn hối lỗi, thề sẽ không bao giờ tái phạm lỗi lầm. Nàng công chúa lòng đầy bao dung, tha thứ cho chồng. Từ đó họ sống yên ổn bên nhau cho tới khi đầu bạc răng long... Còn căn phòng chứa đầy di tích của “lỗi lầm” được khóa cửa vĩnh viễn, chìa khóa bị bẻ ra, nghiền nát vụn thành bột, gửi gió cho mây ngàn bay...
Cô đã không ngờ rằng một kết thúc như vậy thì không thể coi là hết chuyện, bởi sự đời cứ hay rắc rối thế. Cái thứ bột nghiền từ chiếc chìa khóa ấy bay khắp bốn phương trời, chị em phụ nữ - cả cô nữa - đã hít phải bột “tò mò”, và từ đó câu chuyện cổ tích xuất hiện thêm nhiều cái kết khác nhưng chẳng “có hậu” chút nào. Trong đó có cả cái kết câu chuyện cổ tích của chính cô. Cô đã lựa chọn “phương án tốt nhất” để không biết gì ngoài những điều sung sướng, nhưng cô hiểu mình không thể quên, không thể tha thứ, không thể coi như chưa từng biết. Cô còn hiểu rằng nếu cứ ở lại trong tòa lâu đài ấy thì đến một lúc nào đó chính nàng công chúa là cô cũng sẽ có một “căn phòng bí mật”...

Câu hỏi vì sao mình lại lựa chọn cái “happy end” như thế đã bào mòn cuộc sống của cô.Vào những lúc thấy mình bức bối, cùn mòn, cô sẽ đi đâu đấy, một mình, đến nơi xa lạ, tự nghiền ngẫm tra tấn mình đến tận cùng của sự bức bối cùn mòn... Ở đấy, lúc đó, cô mong mỏi vô cùng, hi vọng vô cùng, thèm khát vô cùng một ai đó có thể chia sẻ, có thể an ủi, hay đơn giản hơn có thể ngồi yên lặng hàng giờ bên cô, chăm chú nghe tiếng lanh canh chiếc muỗng khuấy trong ly cà phê dường như còn nguyên vẹn, để hiểu được cô đang nghĩ gì, đang muốn nói gì, hay chỉ là cô đang trống rỗng như thế nào... Để đến khi trong đôi mắt to buồn bã của cô long lanh những giọt nước mắt, sẽ có một bàn tay dịu dàng ôm nhẹ vai cô, nắm nhẹ bàn tay cô, thấu hiểu...
Hiển nhiên, chẳng có một ai như vậy.

Và cô sẽ nghiến răng chịu đựng, vì biết rõ nơi này mình không thể trông đợi vào ai, ngoài mình. Nhưng ngay cả lúc cô độc như thế, cô vẫn thấy mình nhẹ nhõm hơn những lúc cô độc giữa nhiều người, cô độc bên cạnh một người...
Như lúc này đây cô đang một mình đi đến X. Bởi vì X. là nơi đầu tiên cô đã gặp anh, chàng hoàng tử của cô!
Bởi vì, chuyện cổ tích của riêng cô vẫn chưa kết thúc…

(truyện ngắn từ một entry)
http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/Van-hoc/320267/Truyen-ngan-1200-chu-“Happy-end”.html

họp họp nữa họp mãi...


Hành quân xa đâu có gì gian khổ

Xe máy lạnh đâu có đổ mồ hôi

Mắt ta sáng thấy phong bì là ta mau tiến tới

Đời chúng ta đâu có họp là ta cứ đi

Có tuần họp 5 ngày đủ 10 cuộc. Có tuần tỷ lệ này giảm 50%... hiếm tuần nào giảm xuống dưới 30%. Bạn bảo: họp họp gì họp hoài! Mình bảo: phải có lương tâm tí chứ, lãnh lương thì phải đi họp. Nhưng cũng phải nói ngay, mình đi họp chả mấy khi có phong bì (híc).

Từ kinh nghiệm mười mấy năm hay bị họp, “và ta biết một điều thật giản dị” , phàm việc gì muốn làm được thì… đừng họp. Còn việc gì phải họp nhiều thì sẽ… không làm được/ ko ai làm. Hay nếu ko muốn làm thì cứ họp, hay do cứ họp mà ko phải làm gì, hay do ko làm gì nên cứ phải họp…. Tóm lại cứ quẩn quanh quanh quẩn khứ hồi như thế!

Họp nhiều đầu óc mụ mị, rối tung, lâu dần thành mít đặc.

Họp nhiều không còn lúc nào lang thang café, ngồi nhìn lá rụng mưa rơi tơi bời chim cá cảnh…

Họp nhiều, chiều vỉa hè ly bia đắng nghét, tào lao chuyện này chuyện khác mà không sao cười nổi…

Họp nhiều, mặt mũi lúc đăm chiêu, lúc ngơ ngác như mấy anh bị vợ quản thẻ ATM vậy, lúc buồn rầu như nhà thơ đang làm thi, hay nhà thi đang làm thơ cũng rứa.

Túm lại, họp nhiều nó nhược hết cả người.

Họp nhiều nó bạc hết cả người.

Họp nhiều nó già hết cả người.

Thế mới phục ông nhà thơ Maiakopxki từ những năm 1920 đã phải kêu lên “cần phải có một cuộc họp để chấm dứt tất cả các cuộc họp” của “những người cộng sản loạn họp”. Nhưng đến nay là đầu thế kỷ 21 rồi mà vẫn chưa có cuộc họp cuối cùng ấy, đành vào bờ - lốc viết cái en - chi này, để xả bớt cái mụ mẫm, cái ngơ ngác, cái buồn rầu, cái nhược cái bạc cái già…

[entry cũ nhưng tâm trạng ko cũ :))]

Không đề



Ngồi quán cafe quen thuộc chờ đến giờ ra sân bay. Đường giờ tan tầm thật đông, quán vẫn tấp nập như mọi lúc. Mình vẫn một mình như mọi lần...
Những giờ phút như thế này, nếu muốn có ai đó bên cạnh thì đó phải là một người thật đặc biệt, còn nếu không, thì một mình, như bây giờ...
Nhưng với một người đặc biệt thì thật khó khăn để có thể ra đi...
Vì vậy mình nên là người đưa tiễn hơn là người được tiễn đưa.
"Lại một chuyến bay đêm... Ngồi trên máy bay nhìn ra ngoài trời tối đen, bỗng ao ước: giá mà máy bay bay lạc ngược trở về nơi mình vừa ra đi, nhỉ...?"
Hình như đã có lần mình ước ao như thế.

Học trò cũ


Đà lạt: thung lũng một ngày chớm đông
Mỗi lần lên dạy ở đại học Đà Lạt lại gặp nhiều học trò cũ bây giờ là giảng viên của trường, có cậu còn làm chức gì to lắm, có xe hơi riêng (điều mà cô đang mơ nhưng chưa có :)). Học trò hay mời cô đi ăn hút, à quên, ăn hát (đi ăn nhà hàng xong đi hát karaoke), nhưng cô thì dạy cả ngày hết cả hơi, vả lại cũng ko muốn học trò cứ vất vả vì tiếp đón mình nên thi thoảng mới cùng đi. Học trò cứ trách, còn cô rất hiểu tình cảm trò nên cũng thân tình "mắng mỏ": cứ lo đón tiếp các thầy cô thỉnh giảng thì có mà quanh năm suốt tháng... (nói vậy chứ cô biết, học trò nào mời mình thật tình, học trò nào… mời lơi thế thôi...)

Có lần đi ăn cơm bụi với một cậu học trò mà cô làm giáo viên chủ nhiệm từ cách đây... lâu lắm rồi. Nhớ lại hồi xưa cậu này là lớp trưởng, rất nhanh nhẹn. Học môn khảo cổ xong cô đưa cả lớp đi thực tập, lớp trưởng giúp cô được bao nhiêu việc. Từ việc lo nơi ăn ở đến việc phân công từng nhóm người nào việc nấy. Lúc ấy cô mới ra trường còn trẻ măng tre nứa luôn... hay bị mấy sinh viên già trong lớp (là cán bộ, bộ đội đi học) suốt ngày hát trêu: cô giáo em tre trẻ... cô ơi cô chúng cháu yêu cô lắm... Cậu lớp trưởng này oai phết, lừ mắt là mấy sinh viên già im phắt, hehe...

Cái lớp này có nhiều kỷ niệm với cô. Có một chuyện vui miệng kể với mẹ cu Măng (blog Măng) mà lần nào gặp nhau bạn í cũng nhắc lại “…Tớ nhớ đến đám học trò của chị Hậu. Chúng nó cắc cớ hỏi cô là sao Trọng Thuỷ không chọn cách chết nào khác mà lại đâm đầu xuống giếng. Cô Hậu rất chi là đứng đắn và khoa học mới bẩu rằng thế nó mới là Trọng Thuỷ, chứ nhảy vào lửa mà chết thì đã tên là Trọng Hoả, hay đâm đầu vào tường mà chết thì thành Trọng Thổ rồi còn đâu! :D"

Còn chưa kể cho bạn Măng nghe hết, ngày ấy cô Hậu còn bảo: Nếu nó đâm đầu vào đường xe lửa (bây giờ chạy qua Cổ Loa) thì nó sẽ tên là Trọng Kim, sau này hóa kiếp thành Kim Trọng trong truyện Kiều  Tất nhiên là đùa thôi nhưng chuyện này học trò cứ nhớ mãi, gặp cô lần nào cũng nhắc, vui ghê...

Có lần lên Đà Lạt vào cuối năm, học trò tổ chức sinh nhật cho cô bằng một bữa karaoke hoành tráng có hoa có nến và có cả một chiếc bánh kem to đùng với hình chó Đốm (Hi, đúng ra là phải chó Mực thì mới đúng vía cô!!!). Cô làm “người mẫu tạo dáng” đủ kiểu, chụp hình lia lịa. Sau đó cô ra HN họp thì nhận được tin nhắn: Em đi nhậu về xỉn quá làm mất máy ảnh rồi cô ơi, mất cả hình “tư liệu” sinh nhật cô nữa, huhuhu...
Huhuhu thật, may là máy chụp hình bằng thẻ chứ máy chụp bằng phim không khéo cô lại nghĩ: cậu này xạo, hay là nó chụp cho mình bằng máy không có phim???

CON CHUỒN CHUỒN KHÔNG BUỒN




Giờ cao điểm mà đường thì đầy lô cốt từng đọan dài. Năm ngóai năm kia khi mới có kiểu dựng lô cốt đào đường, lô cốt chỉ rào khỏang nửa đường. Còn bây giờ họ rào đến 4/5 mặt đường, không cần biết dân sẽ đi lại thế nào…
Bỗng đâu một đám chuồn chuồn sà xuống giữa dòng xe cộ đang bị kẹt trên đường như dòng nước đen tù hãm. Lâu lắm mới nhìn thấy “chuồn chuồn bay thấp” như thế này.
Hồi còn nhỏ ở nông thôn rất thích dang nắng đi bắt chuồn chuồn. Những con chuồn chuồn lượn lờ ở vệ cỏ đường đi, ven bờ ao, nào chuồn chuồn ngô to đùng, chuồn chuồn ớt đỏ rực, chuồn chuồn kim bé xíu, chuồn chuồn bướm sặc sỡ. Những đôi cánh mỏng nhẹ cứ thấp thóang trong dàn mướp, trong đám cỏ, trên mặt ao lặng thinh thỏang tiếng cá đớp mồi. Rón rén, con bé 6 tuổi từ Hà Nội sơ tán về nhón chân đến gần con chuồn chuồn… đôi khi nó như nhìn thấy chính nó trong cặp mắt lộ to của chuồn chuồn. Nhưng nó không biết nó hiện ra ngơ ngác trong cặp mắt chuồn chuồn tinh khôn. Nó không biết chuồn chuồn nhìn thấy nó đến gần, làm ra vẻ vô tư lự đứng im, để rồi khi nó nhón tay tưởng như đã chạm vào đôi cánh mỏng thì… chuồn chuồn nhẹ nhàng bay lên vượt ngòai tầm với…cô bé ngẩn ngơ…
Cũng có khi đang bậm môi rón rén thì bỗng từ đâu, một chiếc cần câu nhỏ xíu bằng cành tre từ từ hạ xuống, đầu có nhựa dính vào cánh chuồn, và tiếng cười đắc thắng của cậu bé đầu tóc cháy nắng hoe vàng làm cô bé chực trào nước mắt. Chuồn chuồn ơi, nhón tay bắt được chuồn chuồn cánh mỏng, cô bé nâng niu, nhưng nếu bị cần câu dính nhựa từ xa thì thôi rồi, chuồn chuồn chỉ còn là mồi cho cá… Vậy nhưng lũ chuồn chuồn lại không biết như thế, vẫn lượn lờ lúc đậu lúc bay, vô tư, và vô tâm…
Bây giờ hay nói: “buồn như con chuồn chuồn”, mới nhớ ra rằng trong tâm thức người Việt hình ảnh con chuồn chuồn rất hay được nhắc đến. Ngoài câu tục ngữ chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng bay vừa thì râm, còn một số câu nữa cũng khá quen thuộc. Như:
Tháng bảy heo may chuồn chuồn bay thì bão.
Chuồn chuồn có cánh thì bay/ kẻo anh cu tí bắt mày đi tu . Rồi: chuồn chuồn đạp nước. Hay: tay bắt chuồn chuồn, rồi: ai biết đâu cái tổ con chuồn chuồn?
Sao thế nhỉ? Nhớ xem cái lũ chuồn chuồn này tụ bạ thế nào? Lũ chuồn chuồn cứ nay đây mai đó, ngày bay đêm nghỉ. Có lúc chuồn chuồn tụ họp bay rợp trời rợp bãi, bỗng chốc lại tan đàn, mất hút. Lúc ở phía trước, lát ở phía sau, thoắt một cái lại biến mất, vui đâu chầu đấy; Lối sinh hoạt không biết đâu mà lường lại thêm cái tổ chuồn chuồn ở đâu mà chẳng ai nhìn thấy bao giờ đã đưa đến liên tưởng về sự “bí ẩn” như câu thành ngữ “ai biết đâu cái tổ con chuồn chuồn”. Nhưng nếu tỏ ra đã biết rõ, biết tường tận điều bí mật nào đó người ta lại nói “biết tỏng cái tổ con chuồn chuồn”. Thế nên ai bảo “buồn như con chuồn chuồn”? Chuồn chuồn vui lắm chứ! Kiếp sau nếu có đầu thai thì dứt khóat xin Diêm vương cho cầm tinh con chuồn chuồn.
Mưa rồi. Chả còn con chuồn chuồn nào cả. Mưa tầm tã như chưa bao giờ được mưa. Nhìn quanh ai cũng im lặng trong tiếng máy xe, trong khói xăng, trong làn mưa như quất, nhích từng chút, không cằn nhằn, lỡ đụng chạm cũng chỉ nhìn nhau thông cảm, nhường đường cho mấy người chở con nhỏ, tránh chỗ cho mấy chị mua ve chai đi trước khi nhìn thấy đống giấy báo sau xe đạp đang ướt dần.
Sao ông trời không thương giùm bà con dưới này một chút!

Truyện dịch của con gái Mai Quyên đã phát hành :)



Doãn Đa Lâm và Hàn Thừa Tầm là đôi bạn thanh mai trúc mã từ thủa nhỏ. Cả hai đã sớm nảy sinh tình cảm yêu đương nam nữ nhưng đều một mực che giấu vì chỉ sợ đối phương từ chối.
Thừa Tầm tuy trong lòng rất quan tâm đến Đa Lâm nhưng bên ngoài lại luôn tỏ ra lạnh nhạt, cậu còn tỏ ra thân thiện với cô bạn gái học giỏi, xinh đẹp tên Thành Vũ Tuyết trước mặt cô. Còn cô, những tưởng Thừa Tầm chẳng để ý gì đến mình nên cũng cố kìm chế tình cảm, trong khi tiền bối Khương Tải Hoán - học sinh trên cô một khóa ra sức săn đón. Cứ thế, hiểu lầm nối tiếp hiểu lầm dẫn đến hai người phải xa nhau ba năm trời. Ba năm sau, Đa Lâm đã hiểu Thừa Tầm đã làm nhiều việc ngốc nghếch chỉ để được ở bên cô, vượt qua nhiều thủ đoạn để được bảo vệ cô, thậm chí đã bị đưa vào trại giam thanh thiếu niên suốt ba năm trời cũng là vì cô.
Khi tất cả sự thật đã được sáng tỏ, Đa Lâm nhận thấy mình và Thừa Tầm thật sự là những kẻ ngu ngốc, không dám đối diện với tình cảm của mình để rồi không ngừng làm tổn thương nhau. Cô quyết định đi tìm Thừa Tầm để bày tỏ hết lòng mình và cũng muốn gặp Khương Tải Hoán để dứt khoát mọi chuyện. Nhưng sự việc không hề được giải quyết đơn giản…
Họ sẽ để cố gắng bù đắp cho nhau những gì đã mất như thế nào để mãi mãi bên nhau? Hãy chờ đón “Kiss kiss bad girl” sẽ được Bachvietbooks phát hành trong tháng 5/2010 dưới tên “Hôn cái nào, cô nàng xấu tính” qua bản dịch của Mai Quyên - người khuấy động các diễn đàn văn học với nickname Dennis Q. Bằng một giọng văn sống động, trong trẻo tác giả Mễ Đồng sẽ lý giải tại sao “Kiss kiss bad girl” lại tạo nên cơn sốt kỷ lục trong dòng sách dành cho tuổi teen tại Trung Quốc hiện nay.
Bachvietbooks

Những mảnh vỡ (6)



16. Say bờ
Nó rất sợ đi tàu xe vì hay bị say. Ngày nọ nó phải đi tàu biển dài ngày. Ngày đầu say sóng tưởng chết đến nơi, ngày thứ hai vẫn say, ngày thứ ba không còn sức để mà say, ngày thứ tư, thứ năm, thứ n… nó quen dần với sóng.
Khi tàu cập bến, lên bờ nó lại nôn nao tưởng như bắt đầu một cuộc hành trình mới.
Cho đến giờ nó vẫn chưa hết say bờ, vì nó luôn nhớ biển…

17. Lô cốt

Khắp thành phố, đường nào cũng từng đọan dài lôcốt. Kẹt đường. Xe hơi nhích từng mét, xe máy lao lên lề, chui vào hẻm, nhưng rồi trên lề hay trong hẻm cũng vậy… Khói, bụi, mệt mỏi, cáu kỉnh, và cam chịu.
Hàng tháng sau lôcốt mới được dỡ bỏ. Mặt đường nham nhở những vết thương dài, xấu xí.
Đến với nhau, anh và em cũng phải vượt qua biết bao lôcốt ta vô tình dựng lên. Để rồi cuộc sống chung cũng như đọan đường mới được tái lập, nhưng không ai chắc rằng nó sẽ không bị đào xới, vào một ngày kia.

18. Tấm và Cám
Nhà có hai chị em. Tấm ngốc nghếch, làm gì cũng phải hỏi, nhưng chăm chỉ. Cám tinh quái, gì cũng biết làm, nhưng lười. Được cái hai đứa thân nhau, cùng làm việc nhà chu đáo. Bố mẹ rất yêu hai con gái.
Một ngày kia xuất hiện Gạo – cậu con trai cầu tự của bố mẹ. Thế là Tấm và Cám bị ra rìa.
Từ ấy Tấm hay tủi thân, động tí là khóc, còn Cám trở nên đanh đá, ghê gớm. Nhưng cả hai đều ao ước: sao mình không phải là Gạo mà chỉ là Tấm, Cám?

Bảo tồn và phát triển: để hai bên cùng thắng

Công trình nút giao thông Hoàng Hoa Thám – Văn Cao – Hồ Tây phải tạm dừng thi công thì không còn gì phải biện-minh-bàn-cãi, khi mới đây các nhà khảo cổ học đã phát hiện một số hiện vật được cho là từ thời Lý, Trần, Lê, và được xác định đây là một đoạn tường thành – La thành thời Lý, Trần (văn bản số 3229/UBND-VHKG ngày 10.5 tạm dừng thi công nút giao thông này để xem xét, nghiên cứu việc bảo tồn, bảo vệ và khai quật khảo cổ các di vật, di tích mới phát lộ).

Thế nhưng chiều ngày 13.5, Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội lại có văn bản số 3363/UBND-GT về việc tiếp tục thi công dự án đường Văn Cao – Hồ Tây. Theo đó, các nhà thầu sẽ tiếp tục hoàn thành nút giao thông, ngoại trừ một phạm vi nhỏ để các nhà khoa học nghiên cứu, thu thập hiện vật. Cũng trong văn bản này, thành phố Hà Nội giao sở Văn hoá – thể thao và du lịch chủ trì, phối hợp với viện Khảo cổ học, sở Giao thông vận tải tiến hành nghiên cứu thu thập hiện vật trong phạm vi đã phát lộ. Công việc này phải xong trước ngày 20.5, tạo điều kiện cho nhà thầu tiếp tục hoàn thành các hạng mục theo đúng tiến độ.

Nút giao thông nói trên là điển hình của tình trạng việc bảo tồn hay di dời giải tỏa di tích để phát triển tại các thành phố và những vùng đô thị hóa đang bị đặt trên bàn cân mà trọng lượng thường nghiêng về phía phát triển. Vì vậy bảo tồn các di tích khảo cổ học đô thị như thế nào, để vừa xây dựng những đô thị có hạ tầng cơ sở hiện đại phục vụ dân sinh tốt, vừa bảo tồn di tích lịch sử – văn hoá và lưu giữ được giá trị di sản văn hóa đô thị, thực sự là một vấn đề nan giải.

Nhưng sự “va chạm” giữa bảo tồn và phát triển không phải là không thể đạt được giải pháp cả hai bên cùng có lợi.

Bảo tồn các di tích khảo cổ học đô thị thường có hai giai đoạn:

– Đầu tiên là tiến hành thu thập thông tin dữ liệu từ nguồn sử liệu chữ viết và các dấu vết vật chất, qua đó những di tích và khu vực liên quan sẽ được nhận biết và kịp thời đưa vào bản đồ khảo cổ học của khu vực. Trên cơ sở đó lập kế hoạch nghiên cứu, ưu tiên khai quật trước những di tích đã bị xâm hại hay có nguy cơ bị xâm hại, như những di tích nằm trong khu vực quy hoạch xây dựng phát triển như những dự án mở đường giao thông hay các công trình công nghiệp lớn, kể cả khu vực mở rộng của các thành phố, các đô thị. Mục tiêu của giai đoạn này là nhằm thông tin đến chính quyền đồng thời có những biện pháp tác động đến những ngành liên quan nhằm thiết lập sự hợp tác, thực hiện đồng bộ các kế hoạch.

– Khi lập dự án xây dựng tại những khu vực nói trên cần có sự tham gia của các nhà khảo cổ và bảo tồn di tích để họ tiến hành điều tra thám sát khu vực chuẩn bị xây dựng. Qua điều tra thám sát nếu phát hiện về di tích khảo cổ học có giá trị thì khẩn trương lập kế hoạch khai quật cứu hộ (salvage excavation) trước khi xây dựng công trình để hạn chế tối đa việc phá huỷ di vật và di tích trong quá trình xây dựng. Các cuộc khai quật cứu hộ và quá trình nghiên cứu tiếp theo, nhằm phát hiện, thu thập, nghiên cứu giá trị của di tích, đồng thời đề xuất biện pháp bảo tồn, bảo vệ di tích và di vật phát lộ từ cuộc khai quật.

Đây là điều kiện nghiên cứu lý tưởng đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ trên cơ sở cùng mục đích cho một đô thị phát triển bền vững: các nhà quản lý, nhà đầu tư xây dựng không lâm vào tình trạng phá hoại di tích hay vi phạm luật Bảo vệ di sản văn hóa, các nhà khảo cổ học cũng có điều kiện thuận lợi để khai quật nghiên cứu, không gây trở ngại cho quá trình xây dựng. Hai bên cùng chủ động về thời gian kinh phí và tiến độ công việc, mang kết quả tốt cho việc bảo vệ di sản văn hoá.

Hiện nay ở nước ta khá phổ biến tình trạng di tích khảo cổ học bị huỷ hoại do xây dựng tự phát của cư dân, do tiến trình xây dựng theo quy hoạch của Nhà nước. Các công trình trong các thành phố hầu như không được điều tra thám sát khảo cổ học trước khi xây dựng. Do đó bên cạnh khai quật cứu hộ (hay còn gọi là khai quật giải toả) các nhà khảo cổ thường phải tiến hành các cuộc “khai quật chữa cháy”, tức là khai quật khi di tích đã xuất lộ hay bị phá huỷ, nhằm cứu lấy những di tích di vật còn lại. Công việc này rất phức tạp, vì bản chất khai quật khảo cổ học không chỉ là tìm kiếm cổ vật mà còn là nghiên cứu di tích. Khi di tích đã bị phá huỷ thì việc khai quật càng cần cẩn trọng hơn để có thể mang lại thông tin và nhận định khoa học chính xác. “Khai quật chữa cháy” càng khó khăn hơn đối với những công trình dân sinh vì nó có ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của dân cư. Câu hỏi của ngày hôm nay di tích hay dân sinh là sức ép rất lớn đối với các nhà khảo cổ, nhưng câu hỏi “giá trị, ý nghĩa di tích di vật thế nào, vì sao không bảo tồn/ bảo vệ di tích đó?” mà các nhà khảo cổ học phải trả lời cho mai sau cũng đang đè nặng lên vai họ.

Theo cách giải quyết của UBND thành phố Hà Nội đối với sự vụ nêu trên thì có lẽ vấn đề “dân sinh” đã là ưu tiên để giải quyết (?). Trong tình thế như vậy các nhà khảo cổ học cũng không còn cách nào khác ngoài việc chấp nhận nghiên cứu một phần nhỏ di tích vừa được “khoanh vùng” – nếu các thủ tục kịp hoàn tất trước khi đoạn thành này tiếp tục bị giải toả. Bảo tồn – một lần nữa, lại chịu thiệt thòi để nhường cho phát triển.

Những di tích của “1.000 năm Thăng Long – Hà Nội” đang biến mất, do bị phá huỷ, do trùng tu xây dựng lại làm biến dạng… Mai này Hà Nội có còn gì là lịch sử?

http://sgtt.com.vn/Thoi-su/Goc-nhin/122450/Bao-ton-va-phat-trien-de-hai-ben-cung-thang.html
Bonus: http://sgtt.com.vn/Loi-song/Gia-tri-song/114191/Toi-thuoc-the-he-“vung-bien”.html

Cho H.


Có đêm ở Sài Gòn, một mình, và chờ đợi…
Thời gian không chậm, không nhanh, vẫn tích tắc đều đặn từng giọt đồng hồ cát. Ngòai kia là bầu trời ẩm nước, chỉ cần một chút gió thôi mưa sẽ vỡ òa, cuốn đi cái ngột ngạt của sự mỏi mòn không muốn có…
Mình ngồi đây và đọc lại những gì bạn đã viết. Mỗi lần đọc lại mình thấy thêm một điều gì đó mà bạn chưa viết ra hay bạn không muốn nói ra. Nhưng bất chấp, nó vẫn cứ hiển hiện trước mắt mình. Dường như một người khác và lạ hơn người bạn mà mình vẫn biết. Như vậy là hay hơn hay dở hơn?

Vậy ai là bạn? Người mình vẫn luôn tin cậy hay trang viết làm mình chông chênh mỗi khi đọc?
Vậy bạn là ai? Người đã mang lại cho mình sự ấm áp mỗi khi cô đơn hay là trang viết làm mình bỗng chạnh lòng?

Giá mà bạn ở đây để mình có thể hỏi bạn như thế.
Nhưng có cần phải biết điều đó không… Bởi giữa hai ta có quá nhiều khác biệt!

bên nội và bên ngọai



Chàng trai và cô gái, sau vài năm, vài tháng quen nhau/ yêu nhau một đám cưới sẽ diễn ra, với những nghi thức rườm ra theo kiểu “công nghệ hoành tráng” tại các nhà hàng lớn nhỏ, hay theo những thủ tục giản dị nhưng cần thiết ngay tại gia đình. Mọi đám cưới dù giản đơn hay cầu kỳ đều không thể thiếu nghi thức dâng rượu của cô dâu chú rể cho cha mẹ hai bên. Và bao giờ cũng vậy, hai ly rượu đầu dành cho cha mẹ chú rể, rồi sau đó mới đến lượt cha mẹ của cô dâu.
Nhóm bạn bè chúng tôi ngồi cùng nhau, nhìn đi nhìn lại thấy khá nhiều “ông bà ngoại chung thân” vì chỉ “sinh con một bề” toàn là những “vịt giời” (mà bây giờ nhiều đứa đã thành các nàng “thiên nga” xinh đẹp!). Chợt thấy chạnh lòng: MC đám cưới mời cô dâu chú rể cùng lúc, nhưng giới thiệu đàng trai trước đàng gái sau, rồi chúc rượu cha mẹ chú rể trước cha mẹ cô dâu sau. Chắc hẳn tục lệ này “trước bày sao sau làm vậy” với quan niệm “con gái là con người ta”, “dạy vợ từ thủa bơ vơ mới về” để cô dâu phải biết yêu kính vâng lời cha mẹ chồng. Còn chàng rể "là khách” nên bố mẹ vợ đành đứng vị trí thứ 2 (trong 2 bên!). Nghi thức này vô hình chung đã nuôi dưỡng tâm lý coi thường con gái/ nhà gái/ bên ngoại (bên mẹ), mặc dù sau này ở riêng hay ở nhà chồng, khi cặp vợ chồng trẻ sinh con thì thường đưa nhau về bên ngoại. Tất nhiên vẫn có những bà mẹ chồng chăm con dâu như chăm con gái, nhưng tâm lý cô gái nào chẳng muốn ở bên mẹ ruột khi mình cần được chăm sóc, cần được yêu thương. Chưa kể tâm lý các chàng rể, gửi vợ về cho ông bà ngoại thì thật là yên tâm, như họ hay nói đùa: hàng ngoại tốt hơn hàng nội! “Ca rao” hiện đại có câu: Chưa đi chưa biết Đồ Sơn, Đi rồi mới biết chẳng hơn đồ nhà, Đồ Sơn là của Quốc gia, Đồ nhà là của ông bà Ngoại cho.
Vì vậy, sao trong nghi thức dâng rượu này ly rượu đầu không dành chúc hai BÀ MẸ – người đã mang nặng đẻ đau, nuôi dưỡng các cô gái chàng trai để hôm nay trở thành cô dâu/ chú rể, rồi sau này sẽ cùng chăm sóc những đứa cháu ngoại cháu nội, giúp cha mẹ chúng đỡ vất vả phần nào trong cuộc sống. (Cũng thành ngữ hiện đại: một mẹ già bằng ba con ở). Ly rượu thứ hai chúc cho hai ÔNG BỐ sẽ mãi là “cây cao bóng cả” của con trẻ, của gia đình lớn và của cả gia đình nhỏ mới hình thành. Được như vậy, đàng trai/ đàng gái, bên nội/ bên ngoại đều thấy trách nhiệm, nghĩa vụ và tình cảm của mình đối với hai con như nhau, và tình cảm hai bên sui gia – và nhất là giữa bà nội/ bà ngoại sẽ cũng thân thiết đậm đà hơn! Được như vậy những người chồng trẻ cũng sẽ qúy trọng vợ mình hơn, vì đó không chỉ là người bạn đời thân yêu mà còn là NGƯỜI MẸ tương lai.
Phải chăng đấy chỉ là suy nghĩ của riêng tôi – sẽ là một bà ngoại thời @?

Bay đêm



Tất nhiên, không phải chuyến “Bay đêm” của tác giả “Hòang tử bé”.
Chỉ là một chuyến bay đêm như nhiều lần, từ nơi ấy trở về. Nhưng đây là lần đầu tiên bay đêm vào một ngày trăng tròn, trăng 16.
Bên ngòai cửa sổ máy bay bầu trời như dát bạc. Mà cũng không hẳn, cái ánh trắng bàng bạc mà ấm áp chứ không phải là ánh sáng lấp lánh lành lạnh.
Bay trong ánh trăng dường như là không bay. Miên man nghĩ về những cái gì đó rất khó nắm bắt. Lướt qua nhưng không mờ nhạt, trôi nhanh mà vẫn có những điểm dừng đậm nhạt khác nhau. Sự việc, con người, câu nói, nét mặt, thóang một ánh mắt, ngỡ ngàng một cử chỉ…

Uh, sau một buổi tối vui lại là cảm giác bay đêm...

Vẫn chỉ là một chuyến bay đêm
một giờ bốn mươi lăm phút
thời gian như vô tận

Có tin nhắn nào đón
khi máy bay đáp xuống đường băng
mở điện thọai
Có dòng mess, có email nào chờ
ở nhà
khi laptop bật lên

Giữa không gian tràn ngập mess, email và tin nhắn
những lời bâng quơ
này em có nhớ…

Lặng lẽ như thế
ra đi rồi trở về
và ước ao được một lần
bay ngược

Về phía mùa thu...

ĐI QUA MÙA ĐÔNG



“Ngòai phố mùa đông
đôi môi em là đốm lửa hồng…”

Năm ấy ra Hà Nội không ngờ cô lại có những ngày đầu đông đẹp đến thế! Tối đầu tiên trời se lạnh, anh gọi cho cô và bảo rằng, trong một đêm Hà Nội đẹp thế này mà ngồi nhà thì thật phí! Rồi hai đứa đi uống cà phê. Quán vắng, chỉ có tụi mình và một đôi người yêu (chắc vậy) ngồi đến khi quán đóng cửa…Bao nhiêu điều định nói với nhau bỗng đi đâu mất, hai người mải mê chuyện trò về không gian cộng cảm của bếp lửa. Chợt nhớ ra, cô kể anh nghe về dã quỳ vàng rực Đà Lạt ngày đầu đông. Ánh mắt anh nhìn cô thật lạ, rồi anh hẹn sẽ đưa cô lên Ba Vì xem dã quỳ nở giữa mùa hè…
Hôm sau, chiều muộn, anh và cô lên quán càphê cheo leo trên mấy tầng gác một ngôi nhà gần Hồ Gươm lộng gíó! Ngồi đó nhìn xuống Tháp Ruà đèn giăng mờ trong sương mù đầu đông, cô kể cho anh nghe về tuổi thơ êm đềm đã trôi qua, về đêm cuối thu Hà Nội ngợp hương hoa sữa, cô chia xa tuổi thơ bằng cái nắm tay vụng về lần đầu tiên của người bạn trai cùng lớp. Đêm, gió mùa Đông Bắc về. Trong căn phòng khách sạn xa lạ, lạnh và buồn kinh khủng, cô một mình ra quán, chợt nhớ quay quắt ly càphê không đường của anh! Biết anh cũng đang một mình trên phố… Ừ, một mình đâu có nghĩa là cô đơn, phải không?
Tối cuối cùng ngồi trong quán nhỏ cùng bạn bè uống rượu cúc, cô chỉ im lặng nghe mọi người trò chuyện.“ Đã có ai nói với em rằng em có một nụ cười trẻ thơ chưa?”… Đêm Hà Nội mưa phùn thật lạnh, cô bỗng thấy ấm áp đến mềm lòng khi anh hỏi vậy. Chợt nhận ra những lúc ở bên nhau sao cô thấy mình nhỏ bé và vụng dại đến thế …
Hôm cô rời Hà Nội, trời đã hửng lên sau mấy ngày mưa phùn gió bấc. Trên đường ra sân bay, cô thầm mong phép lạ sẽ mang đến một người đưa tiễn… Đã bao lần một mình trở về Hà Nội rồi cô đơn quay lại Sài Gòn, cô không thích những cuộc tiễn đưa như là thủ tục, càng sợ hơn một sự lưu luyến ngắn ngủi nào đó. Vì thế cô luôn cố gắng để có thể ra đi một cách nhẹ nhõm dù Hà Nội luôn có bao điều quyến rũ, bao ánh mắt nào làm xao động trái tim! Nhưng riêng lần này thèm quá một lời chia tay ngập ngừng để mà tự hứa, sẽ sớm gặp lại nhau…
Sài Gòn đón cô bằng nắng, bằng gió, bằng nhịp sống quay cuồng. Công việc ngập đầu và các mối quan hệ lại như nắng như gió, nhưng nỗi nhớ Hà Nội đầu đông vẫn vây quanh như mưa bụi như tơ giăng, để rồi thỉnh thoảng giật mình thảng thốt Hà Nội bây giờ còn mưa?... Có những chiều Sài Gòn nắng vàng như lụa, không dám càphê một mình, cũng chẳng thể ngồi đâu đó với bạn bè, cô chỉ muốn lang thang trên phố với những ý nghĩ không đầu không cuối. Nhớ những lần cùng anh ngồi quán nhâm nhi ly cà phê không đường, tận hưởng dư vị ngọt ngào của tận cùng vị đắng cà phê. Thời gian cứ trôi qua… cô và anh đã không đủ can đảm cùng nhau uống ly cà phê không đường của cuộc sống… Ngày đã đi qua nhau họ mới hiểu, tận cùng tình yêu ngọt ngào là vị đắng cô đơn. Nhưng thà như thế, còn hơn một lúc nào bỗng nhận ra cuộc đời mình đã trôi qua đơn điệu và nghèo nàn biết mấy!
Đã bao mùa nắng bao mùa mưa… Một ngày bỗng nhận tin nhắn từ người thân quen ngày nào "Lâu nay có gì vui không em?"... Một chút xao động, có gì đó thoáng qua trái tim như là nhói đau... nhưng rồi cô mỉm cười bình yên "Sài Gòn đang giao mùa anh ạ…"

Tam Đảo


Vào một ngày hè một năm nào…
Khóa học về KHXH&NV với khoảng gần trăm người, từ SG, HN, Huế... các giảng viên từ Pháp qua, trong đó có nhiều nhà nghiên cứu nhân học dày dạn kinh nghiệm từ Châu Phi, từ các nước ĐNA. Sau 2 ngày nóng nực ở HN, lớp học được tổ chức tại Tam Đảo. Sống ở HN, miền Bắc bao nhiêu năm nhưng đây là lần đầu tiên tôi lên Tam Đảo, một thị trấn nhỏ cách HN khoảng 80km.
(Hồi xưa, có lần xem một cái tranh vui: trên con đường núi dốc ngoằn nghèo, ông chồng hớn hở đi trước miệng tấm tắc: Tam Đảo thật mát mẻ... phía sau bà vợ tay xách nách mang lỉnh kỉnh túi giỏ, mồ hôi mồ kê nhễ nhại...).

Bây giờ đường lên Tam Đảo vẫn dốc núi ngoằn nghèo như thế, nhưng xe hơi đủ loại đủ kiểu lên xuống , ở những đoạn cua gấp khúc vẫn phải nhường đường tránh nhau.

Thị trấn Tam Ðảo rộng hơn 300ha, nằm gọn trong một thung lũng nhỏ của dãy Tam Ðảo, đồng thời cũng là một trong những vườn quốc gia lớn nhất miền Bắc. Ðầu thế kỷ XX, người Pháp phát hiện ra Tam Ðảo và đã xây dựng ở nơi đây một thị trấn du lịch cho những quan chức thuộc địa người Pháp với 163 ngôi biệt thự nằm rải rác trên các sườn núi. Nay những toà nhà Tây chỉ còn là phế tích trong hoang tàn, đổ nát, trơ ra những móng, tường, công trình ngầm nằm lẫn với cỏ cây, rêu phong, nắng mưa... Nhìn mà thấy xót xa. Một thời gian dài chả ai cần cái đẹp như thế... và bây giờ cũng còn có ai biết đến vẻ đẹp như thế...?

Thị trấn bé xíu, xinh xắn với những con đường lên xuống quanh co nho nhỏ, một dòng suối như vệt nước cắt ngang chảy suốt bốn mùa, giờ nhan nhản những ngôi "biệt thự " kiểu mới, giống hệt bất cứ một thị trấn thị xã nào đó. Phần lớn là khách sạn nhà nghỉ, hoạt động chủ yếu vào mùa hè.
Khí hậu ở đây rất độc đáo, bốn mùa trong một ngày. Buổi sáng se se gió xuân, buổi trưa nắng ấm mùa hạ, buổi chiều lãng đãng heo may mùa thu, buổi tối lạnh giá mùa đông.
Những ngày ở đó trong đầu cứ văng vẳng một bài thơ không biết của ai mà mình thuộc từ ngày xửa ngày xưa...

THAY LỜI CHÀO MÙA ĐÔNG

Em đừng như mùa xuân,
vội vàng hoa nào cũng nở,
để cùng tàn lụi một lần...
Em đừng như mùa hè
nắng chói chang rồi bỗng mưa ào ạt
Cũng đừng như mùa thu
không của riêng ai trời xanh đắm đuối

Em hãy như mùa đông
Nắng tâm tư vàng rơi từng chiếc lá
dù tháng năm heo may thổi cả
để nắng hiếm hoi thay sắc mọi lòng

Anh sẽ đi qua cái quyến rũ của mùa xuân
cái cháy bừng của mùa hạ
cái xôn xao của mùa thu rất lạ
Đến cầm tay em se giá mùa đông
tình yêu nguyên vẹn đắm say thầm lặng
Thu nắng bốn mùa
gửi cả mắt trong em...

Và hoa. Hoa dại trên sườn núi, trong khuôn viên các ngôi nhà cổ, hoa trên tường rào những ngôi nhà mới, đủ sắc màu... nhưng màu tím vẫn nhiều sắc thái nhất: tím ngả xanh của bìm bìm, tím hồng nâu của anh đào, tím huế của bằng lăng, tím đỏ rực rỡ của bông giấy...
Và rau. Ngọn susu vươn bò khắp nơi, trên ruộng, trong vườn nhà... mỗi sáng đầy trên con đường có cái chợ nhỏ toàn khách du lịch. Bữa ăn nào cũng có món susu luộc chấm muối vừng dân dã.
Và mây... mây sáng mây chiều là là mặt đất. Đường đi lẫn trong mây, người đi lẫn vào sương... Hơi sương thẫm đẫm mà không lạnh, chỉ se se, làm người ta thèm quá một vòng tay...

Gần một tuần học, chơi ở đó, quen thêm nhiều bạn, biết thêm được nhiều điều...Lượn lờ mấy cái shop bán quà lưu niệm, mua được 2 con khỉ nhồi bông màu nâu và màu hồng rất dễ thương...
Sau vài ngày ở đó thì về Hà Nội.

Chợt mong sẽ được trở lại Tam Đảo, vào một ngày đông

Bốn thế hệ nhà thơ và một quán cà phê vỉa hè

(TT&VH) - Có lẽ cũng khá lâu rồi mới thấy một tập sách văn chương có cái tên nghe nghộ nghĩnh: Bông & giấy (NXB Lao động, 5/2010), gồm “30 tác giả hôm nay” - như tiêu chí của tuyển tập này đề ra.

Ban đầu những người chủ trương chỉ định mời những tác giả thường ngồi ở quán cà phê có cái dàn bông giấy phía trước (53bis Trần Quốc Thảo, TP.HCM), nhưng sau thì mời luôn các tác giả từng ngồi hay từng biết đến quán cà phê vỉa hè này - thành ra 30 tác giả, chủ yếu là các nhà thơ. Họ, có người từ thế hệ 4X như Nguyễn Đạt, Lê Văn Ngăn, Từ Hoài Tấn, Vũ Trọng Quang...; 5X như Nguyễn Quang Thiều, Inrasara, Phùng Tấn Đông, Mai Văn Phấn, Trần Hữu Dũng, Nguyễn Khương Bình...; đến 6X như Trần Tuấn; 7X như Nguyễn Hữu Hồng Minh, Lê Vĩnh Tài, Phan Huyền Thư, Đinh Thị Như Thúy, Huỳnh Lê
Nhật Tấn, Phan Trung Thành, Liêu Thái, Trúc Ty, Chiêu Anh Nguyễn...; và cả 8X như Đoàn Minh Châu, Đồng Chuông Tử, Nguyệt Phạm, Khương Hà, Lưu Mê Lan, Tiểu Anh, Bỉm...

Đặc biệt trong tập sách này còn sự xuất hiện của nhà khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu, với mấy tạp bút được viết như thơ, nên khiến cho nhiều người đọc lầm tưởng là thơ. Nguyễn Thị Hậu cho biết mình tham gia tập sách này chỉ với lý do duy nhất: “là khách ruột của cà phê bông giấy”; nếu chị không tham gia, thì tuyển tập này sẽ có tên là 29 nhà thơ hôm nay, chứ không phải là “30 tác giả”.

Văn Bảy
Lời bình của Hậu khảo cổ: Lẽ ra tập sách này có tên là “29 nhà thơ + 1” thì hay và đúng hơn, nhỉ



Má tôi là một người phụ nữ Nam bộ.
Ông ngọai có một nhà máy xay lúa ngay con rạch Cái Tôm ở Hòa An, gần chợ Cao Lãnh. Mỗi ngày thợ làm công có đến vài chục người. Cả nhà, từ ông bà ngọai đến các dì các cậu đều làm việc ở nhà máy này. Người lo máy móc, người lo điều thợ, người lo nhận, giao lúa gạo… Bà ngọai và mấy cô con gái lo chợ búa cơm nước cho cả nhà và đám thợ, cho cả khách hàng từ xa tới lỡ con nước chưa về được. Má tôi được giao việc đi chợ mua đồ ăn và phụ dì Hai nấu cơm. Bữa cơm chung chủ thợ ngon lành và đầm ấm như người trong một nhà. Nhờ vậy nhà máy xay luôn đông khách, làm ăn khấm khá.

Quê nội và quê ngọai tôi chỉ cách nhau một nhánh sông Tiền, có bến đò nhỏ nối liền làng Mỹ Hiệp bên Cù Lao Giêng, huyện Chợ Mới, An Giang với làng Hòa An, Cao Lãnh, Đồng Tháp. Xưa, dân Cù Lao Giêng vẫn qua chợ Cao Lãnh đi chơi, mua bán, nhất là vào ngày lễ tết. Các bà cô của ba tôi đã “tìm thấy” cô con dâu tương lai là má tôi trong những lần qua chợ Cao Lãnh như thế. Tiêu chuẩn tìm dâu của các bà là: vén khéo chợ búa, ăn nói dịu dàng, và dung nhan phải “coi được”. Vậy là má tôi, lúc đó tròn 20 tuổi, lọt vào “mắt xanh” của các bà cô. Và chỉ vài tháng sau ông bà nội tôi qua coi mắt má tôi. Ba tôi khi ấy là thầy giáo đang dạy học ở Cái Răng, Cần Thơ. Ông kể, ông nội viết thơ kêu về cưới vợ, bữa đám nói, ông chỉ kịp thấy người bưng khay nước đi ngang qua có cái lưng áo dài thon thả với búi tóc tròn dày, không kịp nhìn thấy mặt người vợ tương lai. Rồi đám cưới ba má tôi diễn ra vào đầu năm 1945. Từ ấy, ba má tôi đã bên nhau trọn 40 năm, cho tới ngày ba tôi đi xa.

Biết mình không thừa hưởng được nét phúc hậu gương mặt trái xoan và nước da trắng trẻo của cô gái miệt vườn Cao Lãnh, tôi vẫn thường nói đùa với má: Chắc má yêu ba lắm nên con mới giống ba dữ vậy, có nước da ngăm ngăm của “người Việt gốc Miên”. Má cười dịu dàng, con giống bà nội, còn chị giống bà ngọai, vì má thương bà nội bà ngọai như nhau.

Ngày sinh của Má chúng tôi không biết, Má cũng không biết, vì chỉ được nghe bà ngọai kể rằng sinh Má vào một đêm cuối năm. Dù bận rộn đến đâu thì những ngày cuối năm chúng tôi vẫn nhớ rằng Má đã già đi hơn một tuổi. Tuy nhiên Má không bao giờ đồng ý cho chúng tôi tổ chức mừng sinh nhật. Má nói: các con sống sao cho ba má không buồn lòng, thế là có hiếu, không cần phải bày vẽ làm gì. Các con gái tôi lại thường so sánh: mẹ nấu ăn không ngon bằng ngọai! Còn phải nói, con gái Cao Lãnh nấu ăn ngon có tiếng! Nhưng quan trọng hơn là suốt cuộc đời Má, mỗi món ăn là tình yêu Má dành cho Ba, cho các con các cháu. Thứ gia vị ấy đâu phải ai cũng có và biết sử dụng nó trong cuộc sống hiện nay…

Về với Má bao giờ tôi cũng như trẻ nhỏ để được nằm bên nghe Má thủ thỉ chuyện “hồi đó…”. Hồi đó có một cô gái Cao Lãnh lấy chồng bên Cù lao Giêng…

(entry cũ, đăng lại nhân Ngày của Mẹ)

VÍ DỤ NHƯ SÁCH



Bạn hỏi, sao không bao giờ mình viết về những cuốn sách mình từng nghiền ngẫm, những bài thơ mình yêu thích, những bộ phim mình say mê, những bản nhạc bài hát đã cùng mình những lúc cô đơn…?

Biết nói thế nào nhỉ?

Truyện, thơ, phim, nhạc hay những tác phẩm nghệ thuật khác, với mình luôn là, và chỉ là cảm xúc.

Cảm xúc từ lần đầu tiên tiếp xúc, cảm xúc thôi thúc mình tìm lại, cảm xúc theo mình đến những lần sau.

Cám xúc, với mình không dễ nói thành lời rành mạch. Cảm xúc, với mình không dễ viết thành dòng rõ ràng khúc chiết. Có cảm giác rằng khi nói ra, viết ra, những điều đẹp đẽ mà nó mang lại cũng theo lời nói, chữ viết rời khỏi đầu óc mình. Và hoặc là mọi cái trở nên nhạt nhẽo, hoặc có gì như không còn chân thực. Có lẽ mình kém cỏi không biết cách trình bày, không biết đứng cao hơn cảm xúc để nhận xét, phân tích, khái quát về một tác phẩm văn học…

Những tác phẩm nghệ thuật đích thực luôn mang lại cho con người lý do để sống, và sống đẹp, như cảm xúc thanh sạch mà nó đem lại khi ta đọc, nghe, xem nó. Xuyên suốt là cảm xúc, điểm xuyết là những chi tiết sống thực như ghim vào trí nhớ, chi phối cảm xúc, mang lại sự hiểu biết mới, bất ngờ, thú vị. Cảm xúc ngấm thành nhận thức, tan vào trong mọi suy nghĩ khi nhớ lại hình dung lại tưởng tượng lại tác phẩm ấy. Và không chỉ vậy, trong cuộc sống mỗi khi gặp điều gì đó tương tự, dễ liên tưởng, thì cảm xúc ấy lại hiện diện… mang lại sự tự tin, niềm an ủi, niềm vui sống, và có khi là nỗi buồn vì hiểu thêm một điều không hay nào đó… Mình vẫn cần chia sẻ, muốn chia sẻ những điều như thế. Hây dà, bởi vậy mình không là một nhà “phê bình”, mà chỉ là một người say/ mê thưởng thức tác phẩm (nhưng khá “tỉnh táo” để ko say/ mê tác giả của nó, hihi…).

Cảm xúc, cảm nhận từ những tác phẩm nghệ thuật, mình nghĩ nó là rất riêng tư, riêng tư như tình yêu vậy.

Tất nhiên, chỉ tình yêu đích thực mới có thuộc tính “riêng tư”, bạn nhỉ?

BÔNG & GIẤY



Hôm nay tập BÔNG & GIẤY của "30 tác giả hôm nay" ra mắt tại cà phê Bông Giấy. Tập thơ dày dặn hơn 300 trang của các tác giả Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng và một số tỉnh khác được anh em "giang hồ" Sài Gòn chọn in chung, nhà xuất bản Lao Động ấn hành tháng 5/2010.
Giới thiệu cùng bạn bè 2 trong số 5 tản văn của Hậu khảo cổ tui được chọn in trong tập này, như lời người tuyển chọn, là "thơ văn xuôi"

Quý bà Mùa thu
Mùa thu năm nay có những ngày mưa thật lạ lùng…

Ngỡ chỉ ở Sài Gòn còn những cơn mưa cuối mùa sầm sập quất xuống hàng cây ràn rạt lá, quất xuống dòng người câm nín giữa đường kẹt xe, quất lên những mái tôn liêu xiêu trong hẻm nhỏ…

Vậy mà ở Hà Nội cũng vậy.

Buổi sáng, ngồi quán café vỉa hè Lê Thánh Tông nghe hơi thở mùa thu tràn về trên vòm lá xanh mướt, mát mẻ, trong trẻo, nhẹ nhõm… Vậy mà chiều đến không khí lại oi nồng, rồi mây đen kéo đến, bỗng chốc mưa giông ầm ầm, đường phố ngập nước. Chưa lần nào ra Hà Nội vào những ngày chớm thu mà thời tiết lại thất thường như thế, cứ như một quý bà “xinh đẹp và thành đạt” nhưng đã bắt đầu vào cái tuổi “tiền mãn ” gì gì ấy…

Nhưng mặc kệ cái khó chịu, cái khó chiều của quý bà Mùa thu, cốm vẫn thơm dịu dàng, càng dịu dàng hơn trong chiếc lá sen với lạt rơm vàng buộc hờ, trong chiếc thúng nhỏ trên đôi quang nhẹ nhàng sau chiếc lưng thon. Mặc kệ cái thất thường của quý bà Mùa Thu, hồng chín vẫn đỏ rực lên như thế, hồng ngâm vẫn xanh mướt như màu ngọc bích, vẫn giòn vẫn ngọt như thế. Và cúc vàng vẫn như nuối tiếc mùa hạ, thu hết cả nắng hè rực lên từng đóa, trong cái se se của mùa thu màu vàng bỗng da diết hơn… Và mỗi sáng trời như xanh hơn, không của riêng ai màu xanh đắm đuối ấy…

Mùa Thu Hà Nội luôn làm xao xuyến lòng người, nhiều hòai niệm, nhiều kỷ niệm, nhiều tâm trạng… dành cho quý bà, dù có người chưa từng gặp. Mặc nhiên là thế, Hà Nội mùa thu…

Ô, nhưng sao tự nhiên cứ nghĩ đến bức tranh của danh họa Nga Kramxkôi “Chân dung người đàn bà xa lạ”, người đàn bà đẹp dịu dàng mà ánh mắt kiêu kỳ, lướt qua những gương mặt nhìn mình đầy ngưỡng mộ nhưng không hề đón nhận một ai.

Mùa thu Hà Nội… bạn có còn ở đó…?

GẶP LẠI DÃ QUỲ

Cuối tháng 10 mà Đà Lạt mưa tầm tã như tháng 6 trời mưa không dứt ở Sài Gòn. Khi máy bay chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Liên Khương, nhìn bầu trời nặng trĩu nước, mặt đất mờ mịt mưa, cứ nghĩ, có khi không hạ cánh được mà bay ngược về Sài Gòn cũng nên… Nhưng rồi đường băng dài mới được mở rộng đã hiện ra dưới cánh quạt máy bay, bên ô cửa nhỏ đã thấp thoáng vạt dã quỳ vàng rực…

Con đường cao tốc từ sân bay Liên Khương về Đà Lạt mới hoàn thành. Hai bên đường những vạt đồi bị xẻ ngang còn tươi màu đất đỏ, thế nhưng những vạt dã quỳ đã kịp bén rễ mọc lên tươi rói. Những bụi dã quỳ chưa kịp kết lại với nhau rậm rạp, chưa kịp vươn cao quá đầu người, chưa kịp nảy những chiếc gai nhọn dày đặc trên thân, những bông dã quỳ cũng chưa kịp xòe cánh hết mình… Cơn mưa làm cho vạt dã quỳ mới càng non xanh tươi rói, thật lạ thật khác những bụi dã quỳ phơi mình trong nắng và phủ đầy bụi đỏ trên con đường cũ trước đây.

Một ngày nào đó có người đã rất yêu dã quỳ bụi bặm…
Một ngày nào đó có người đã từ bỏ dã quỳ ngơ ngác…

Qua một mùa nắng gắt tưởng như đã cháy khô đến tận gốc, qua một mùa mưa trôi đất tưởng như không còn chỗ để rễ nảy mầm, chớm đông về dã quỳ lại hồi sinh, tươi mới, hồn nhiên, duyên dáng… Dù vậy, vẫn là dã quỳ cứng cỏi, và cô đơn...

Bạn ạ, lên Đà Lạt mùa này đi, dã quỳ vẫn luôn chờ đón đấy…

Một ngày lại một ngày...


Một ngày mệt mỏi… vẫn chưa qua.
Đầu tuần bao giờ mà ko lắm việc. Nhưng ko phải đầu tuần nào cũng có những việc làm cho mình phải mệt mỏi thế này. Đấy là những việc làm mình nhận ra thêm sự ích kỷ đến tàn nhẫn của con người. Không ảo tưởng về ai cả, nhưng sao khi người ta bộc lộ sự tầm thường như thế mình vẫn cứ ngỡ ngàng, ngỡ ngàng đến tội nghiệp, tội nghiệp cả người ta, và tội nghiệp chính mình… khi nhận ra đấy là lúc con người ta bộc lộ bản chất thật nhất, cái phần ẩn sâu bên trong mà người ta đã che dấu có khi một cách vô thức.

- Thôi mà, chỉ là những quan hệ công việc, việc gì mà bức xúc thế?
- Không, chả bức xúc gì, chỉ thấy buồn.
- Buồn gì, việc ấy cũng thường thôi. Ai mà chả muốn tranh giành lợi ích cho mình?
- Biết thế. Nhưng sao lại cứ phải đạp lên người khác để giành lấy một chút lợi lộc cỏn con… Có sống cả đời nhờ vào cái đó ko?
- Kệ chứ, ít nhiều cũng là lợi. Người này ko tranh người khác cũng tranh. Ai cũng xông đến cái lợi và cương quyết “không cho chúng nó thoát”!
- Ôi trời, để rồi nhìn nhau như kẻ thù… mà vừa mới nói cười thân thiết đấy!
- Thì vưỡn thế. Thế người ta tranh mất gì của nhà ngươi à?
- Ko, họ tranh nhau đấy chứ. Đây chả bao giờ xông vào đám đông. Chỗ nào tranh giành là đây biến.. Xông vào chả biết có được gì không, khéo lại nhem nhuốc mặt mày, áo quần xốc xếch, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, mặt mũi đằng đằng sát khí… Trẻ con nhìn thấy khóc thét!!! Đây biết mình xấu nên cố gắng ko để xấu hơn, thế thôi ạ.
- Thế thì bỏ qua đi… ra ngồi vỉa hè chút nhỉ.
Đấy, hồi chiều cứ ước ao: giá mà bây giờ ra ngồi vỉa hè Pasteur với bạn thì nhất! bạn nhậu nhiều nhưng mình phá mồi nhiều hơn :D
Loay hoay một hồi cũng chả gọi ai, mà cũng chả ai gọi mình, đành về nhà, hic hic...

Đọan kết


Cổ tích thường có một câu chuyện, đại khái có nàng công chúa xinh đẹp dịu hiền, được làm vợ một chàng hoàng tử đẹp trai, giàu có, tài giỏi. Nàng luôn được chồng yêu thương chiều chuộng… nói chung là nàng có một cuộc sống vô cùng hạnh phúc. Chàng hoàng tử còn đưa nàng giữ chùm chìa khóa của tất cả các căn phòng trong lâu đài to lớn họ đang sống. Và chàng dặn rằng, nàng có thể mở cửa mọi căn phòng, những căn phòng chứa toàn vàng bạc châu báu, hoa thơm cỏ lạ, là niềm vui, là sự hài lòng, là những điều tốt đẹp… Duy chỉ có một căn phòng ở cuối lâu đài là nàng không được phép mở, nhưng chàng cũng không bao giờ nói với nàng trong căn phòng đó có gì… Rồi một lần, tình cờ đứng trước căn phòng đó, lại có chìa khóa trong tay, lại không bao giờ nghĩ rằng chồng mình có điều gì bí mật, lại không thắng được sự tò mò rất đỗi đàn bà, nàng công chúa bèn mở cửa căn phòng bí mật… và tất nhiên, nàng nhìn thấy đầu lâu của những nàng công chúa khác…Kết thúc câu chuyện thế nào mọi người đều đã biết…

Kết luận sau khi nghe câu chuyện này là gì? Đem hỏi những người phụ nữ tuổi từ U.30 đến U.60 (theo kiểu Game Show Chung sức của HTV: câu hỏi này chúng tôi đã khảo sát trong 100 người, và…) đáp án được nhiều người lựa chọn nhất là: Đàn bà - nếu “may mắn” được làm công chúa thì hãy cứ là một nàng công chúa, hãy chỉ nhìn những gì chồng cho/ cho phép nhìn thấy (những gì tốt đẹp – hay là có vẻ tốt đẹp). Đừng mong/ muốn/ đòi/ hỏi được nhìn/ thấy/ biết/ hiểu điều gì khác… Cứ thế thì sẽ chẳng có gì xảy ra… Thế nhưng nếu đã lỡ nhìn/ thấy/ biết/ hiểu thì sao? Thì hãy giả vờ như chưa/ không có gì xảy ra, dù có thể với một số (không ít) phụ nữ cái sự giả vờ này “hơi bị khó”!

Đấy là cái kết luận “thuần túy lý thuyết” mà những người phụ nữ trên rút ra. Tuy nhiên trong cuộc sống bây giờ “cổ tích” này thường có một/ vài kết thúc như sau:
1) Hoặc nàng công chúa không bao giờ muốn/ dám tò mò tìm hiểu căn phòng bí mật của chồng (hỏi làm gì, nếu anh ấy/ ông ấy/ lão ấy… bảo rằng trong đó có… thì sao. Làm gì được anh/ ông/ lão ấy nào, có khi còn bị thế này, thế khác…);
2) Hoặc nếu do tình cờ/ cố ý biết được sự thật, đau đớn vì bị tổn thương nhưng đầy lòng tự trọng, nàng công chúa bèn ra đi (tất nhiên, nếu chồng nàng tử tế để cho nàng ra đi, hoặc sau khi đã hành hạ nàng chán chê …);
3) Nhưng cũng có thể, sau khi đau đớn vật vã kể lể khóc lóc hay là nổi “cơn tam bành” lên… nhưng khi được/ bị chàng dỗ dành/ dọa nạt/ đánh đập, nàng quá chán nản/ sợ hãi… bèn tặc lưỡi “bỏ qua”… vẫn tiếp tục sống như thế, như thế, trở nên dửng dưng, với tất cả…
Và 4) Cứ thế cho đến một lúc nào đó, có thể chính nàng công chúa lại có một căn phòng bí mật…Và khi ấy cổ tích sẽ bắt đầu với hướng ngược lại. Nhưng có lẽ chỉ có một kết thúc mà thôi… (!).

Có lẽ bạn đọc sẽ bảo rằng tôi “quá cực đoan!” vì tôi chẳng đưa ra được một kết thúc nào “có hậu”! Mà đã là Cổ tích thì thường là/ cần phải kết thúc có hậu (bây giờ những chuyện gì kết thúc tốt đẹp người ta cũng hay bảo: như cổ tích!). Vậy thì, tôi sẽ nêu ra cái kết thúc thứ nhất – có hậu như những câu chuyện cổ tích khác. Đó là:

1) Sau khi bí mật bị bật mí, chàng hoàng tử bèn ăn năn hối lỗi, thề sống thề chết sẽ không bao giờ tái phạm lỗi lầm…Nàng công chúa lòng đầy bao dung, tha thứ cho chồng. Từ đó họ sống yên ổn bên nhau cho tới khi đầu bạc răng long… Còn căn phòng chứa đầy di tích của “lỗi lầm” được khóa cửa vĩnh viễn, chìa khóa bị bẻ ra, nghiền nát vụn thành bột, gửi gió cho mây ngàn bay…

Đến đây có thể coi như hết chuyện. Nhưng, sự đời cứ hay rắc rối thế, cái thứ bột nghiền từ chiếc chìa khóa ấy bay khắp bốn phương trời, các chị em phụ nữ hít phải, và từ đó câu chuyện cổ tích về nàng công chúa và căn phòng bí mật xuất hiện các kết thúc như trên. Tất nhiên thứ tự tiếp theo là 2, 3, 4, và 5, với mức độ “bi quan” tăng dần…

Hy vọng khi có thêm một kết thúc có hậu, bạn sẽ không phải lưỡng lự tìm kiếm đoạn kết cho câu chuyện cổ tích của mình.

Nhưng mà… biết đâu đấy…

Ừ, thôi em về…



Lối về, có khi là con đường giữa hai hàng cây cao vút, gió chiều xào xạc bay từng cánh hoa chong chóng nhỏ xíu…
Lối về, có khi là ngõ nhỏ rợp dàn bông giấy, thi thoảng một chiếc xe chạy ra từ tốn nhập vào dòng xe đang chảy trên đường phố…
Lối về, có khi là con đường ra khu dân cư ở nơi mà mới đây còn là ngoại ô, nay đường cao tốc 8 làn xe, dải phân cách thảm cỏ xanh mướt mát.
Lối về, có khi là vỉa hè phố cổ, khập khiễng từng viên đá cũ, đi bên nhau sao trái tim vấp ngã...
Lối về, có khi là con đường quê dưới tán dừa, hàng rào bông bụt xao động tiếng gà trưa…
Lối về, có khi là một chiều trên bãi biển, dấu chân in trên cát, nhẹ mà sâu, sóng ùa vào cũng không làm mất dấu, thật đấy…
Lối về, có khi là một đêm dài sự yên tĩnh vò nhàu ký ức tưởng như đã được an bài…
Lối về, có khi là một sáng quán nhỏ café, ngồi gần mà bỗng nghe xa ngái…
Lối về, có khi chỉ là một lần ra đi không ngoái lại…
Và mọi cái bỗng dưng biến mất.
Đơn giản thế
Ừ thôi em về...

Những mảnh vỡ (6)



16 VỈA HÈ

Vỉa hè quán café quen vừa được lát gạch. Những viên gạch vuông màu đỏ sẫm được xếp cạnh nhau tạo thành hoa văn sặc sỡ vui mắt. Nhưng chỉ được vài bữa nhiều viên gạch đã bong tróc, khập khiễng, rồi vỡ mẻ. Ông chủ quán bảo: họ làm ẩu lắm, đổ có một lớp hồ mỏng rồi dán gạch lên, cũng chẳng có tí xi măng nào giữa các viên gạch mà chỉ quét cát qua cho lấp đầy kẽ hở.

… Ngẫm lại, anh và em, và những mối quan hệ của chúng ta cũng giống như những viên gạch trên cái vỉa hè nọ mà thôi…

17. Tu

Vợ chồng ly dị. Buồn. Hắn lên ở một ngôi chùa trên núi, vui với thiên nhiên, nghiền ngẫm kinh kệ và giáo lý nhà Phật. Qua vài tháng hắn quyết định xuất gia.
Trở về thành phố hắn gặp bạn bè thông báo sự việc. Mọi người thông hiểu và chia sẻ: thôi mày cứ làm theo những gì mày thấy cần thiết. Cần gì mail về bọn tao sẽ lên thăm hay gửi cho nhé.
Hắn ngẩn người, rồi thảng thốt nói “uh nhỉ, trên đó không có NET, làm sao tao tu?!”.
Bèn thôi không tu nữa.

18. Không đề

Trời mưa. Cô mơ màng: bây giờ ngồi quán nghe nhạc với một cốc cà phê sữa nóng thì tuyệt. Anh lắc đầu: trời mát thế này nhậu thịt chó mắm tôm là ngon nhất!
... Thế là tan vỡ một mối tình!

160 NĂM THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN

  https://nguoidothi.net.vn/160-nam-thao-cam-vien-sai-gon-42825.html   Nguyễn Thị Hậu Thảo cầm viên Sài Gòn là một không gian công cộng và...