bên nội và bên ngọai



Chàng trai và cô gái, sau vài năm, vài tháng quen nhau/ yêu nhau một đám cưới sẽ diễn ra, với những nghi thức rườm ra theo kiểu “công nghệ hoành tráng” tại các nhà hàng lớn nhỏ, hay theo những thủ tục giản dị nhưng cần thiết ngay tại gia đình. Mọi đám cưới dù giản đơn hay cầu kỳ đều không thể thiếu nghi thức dâng rượu của cô dâu chú rể cho cha mẹ hai bên. Và bao giờ cũng vậy, hai ly rượu đầu dành cho cha mẹ chú rể, rồi sau đó mới đến lượt cha mẹ của cô dâu.
Nhóm bạn bè chúng tôi ngồi cùng nhau, nhìn đi nhìn lại thấy khá nhiều “ông bà ngoại chung thân” vì chỉ “sinh con một bề” toàn là những “vịt giời” (mà bây giờ nhiều đứa đã thành các nàng “thiên nga” xinh đẹp!). Chợt thấy chạnh lòng: MC đám cưới mời cô dâu chú rể cùng lúc, nhưng giới thiệu đàng trai trước đàng gái sau, rồi chúc rượu cha mẹ chú rể trước cha mẹ cô dâu sau. Chắc hẳn tục lệ này “trước bày sao sau làm vậy” với quan niệm “con gái là con người ta”, “dạy vợ từ thủa bơ vơ mới về” để cô dâu phải biết yêu kính vâng lời cha mẹ chồng. Còn chàng rể "là khách” nên bố mẹ vợ đành đứng vị trí thứ 2 (trong 2 bên!). Nghi thức này vô hình chung đã nuôi dưỡng tâm lý coi thường con gái/ nhà gái/ bên ngoại (bên mẹ), mặc dù sau này ở riêng hay ở nhà chồng, khi cặp vợ chồng trẻ sinh con thì thường đưa nhau về bên ngoại. Tất nhiên vẫn có những bà mẹ chồng chăm con dâu như chăm con gái, nhưng tâm lý cô gái nào chẳng muốn ở bên mẹ ruột khi mình cần được chăm sóc, cần được yêu thương. Chưa kể tâm lý các chàng rể, gửi vợ về cho ông bà ngoại thì thật là yên tâm, như họ hay nói đùa: hàng ngoại tốt hơn hàng nội! “Ca rao” hiện đại có câu: Chưa đi chưa biết Đồ Sơn, Đi rồi mới biết chẳng hơn đồ nhà, Đồ Sơn là của Quốc gia, Đồ nhà là của ông bà Ngoại cho.
Vì vậy, sao trong nghi thức dâng rượu này ly rượu đầu không dành chúc hai BÀ MẸ – người đã mang nặng đẻ đau, nuôi dưỡng các cô gái chàng trai để hôm nay trở thành cô dâu/ chú rể, rồi sau này sẽ cùng chăm sóc những đứa cháu ngoại cháu nội, giúp cha mẹ chúng đỡ vất vả phần nào trong cuộc sống. (Cũng thành ngữ hiện đại: một mẹ già bằng ba con ở). Ly rượu thứ hai chúc cho hai ÔNG BỐ sẽ mãi là “cây cao bóng cả” của con trẻ, của gia đình lớn và của cả gia đình nhỏ mới hình thành. Được như vậy, đàng trai/ đàng gái, bên nội/ bên ngoại đều thấy trách nhiệm, nghĩa vụ và tình cảm của mình đối với hai con như nhau, và tình cảm hai bên sui gia – và nhất là giữa bà nội/ bà ngoại sẽ cũng thân thiết đậm đà hơn! Được như vậy những người chồng trẻ cũng sẽ qúy trọng vợ mình hơn, vì đó không chỉ là người bạn đời thân yêu mà còn là NGƯỜI MẸ tương lai.
Phải chăng đấy chỉ là suy nghĩ của riêng tôi – sẽ là một bà ngoại thời @?

2 nhận xét:

  1. Bên mình trọng nam khinh nữ rất vớ vẩn nên mới có tục lệ nói với nhà trai trước nhà gái. Đáng lẽ nên chia đều, khi nói với nhà trai trước, khi nói với nhà gái trước mới đúng. Cứ giữ những hủ tục như vậy thì đàn ông Việt bao giờ mới bit ga lăng chính là thước đo giáo dục và trình độ sống của người đàn ông?

    Trả lờiXóa
  2. Đám cưới, dưới con mắt của thời nay, và quan sát không phải với tư cách người trong cuộc thì thấy rất là rườm rà. Nhưng là người phải lo cho một đám cưới, mới thấy thủ tục nào cũng có lý do của nó. Và nhiều thủ tục rất hay.

    Câu về Đồ Sơn lần đầu tiên tôi được biết đấy nhé!

    Trả lờiXóa

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...