Đọan kết


Cổ tích thường có một câu chuyện, đại khái có nàng công chúa xinh đẹp dịu hiền, được làm vợ một chàng hoàng tử đẹp trai, giàu có, tài giỏi. Nàng luôn được chồng yêu thương chiều chuộng… nói chung là nàng có một cuộc sống vô cùng hạnh phúc. Chàng hoàng tử còn đưa nàng giữ chùm chìa khóa của tất cả các căn phòng trong lâu đài to lớn họ đang sống. Và chàng dặn rằng, nàng có thể mở cửa mọi căn phòng, những căn phòng chứa toàn vàng bạc châu báu, hoa thơm cỏ lạ, là niềm vui, là sự hài lòng, là những điều tốt đẹp… Duy chỉ có một căn phòng ở cuối lâu đài là nàng không được phép mở, nhưng chàng cũng không bao giờ nói với nàng trong căn phòng đó có gì… Rồi một lần, tình cờ đứng trước căn phòng đó, lại có chìa khóa trong tay, lại không bao giờ nghĩ rằng chồng mình có điều gì bí mật, lại không thắng được sự tò mò rất đỗi đàn bà, nàng công chúa bèn mở cửa căn phòng bí mật… và tất nhiên, nàng nhìn thấy đầu lâu của những nàng công chúa khác…Kết thúc câu chuyện thế nào mọi người đều đã biết…

Kết luận sau khi nghe câu chuyện này là gì? Đem hỏi những người phụ nữ tuổi từ U.30 đến U.60 (theo kiểu Game Show Chung sức của HTV: câu hỏi này chúng tôi đã khảo sát trong 100 người, và…) đáp án được nhiều người lựa chọn nhất là: Đàn bà - nếu “may mắn” được làm công chúa thì hãy cứ là một nàng công chúa, hãy chỉ nhìn những gì chồng cho/ cho phép nhìn thấy (những gì tốt đẹp – hay là có vẻ tốt đẹp). Đừng mong/ muốn/ đòi/ hỏi được nhìn/ thấy/ biết/ hiểu điều gì khác… Cứ thế thì sẽ chẳng có gì xảy ra… Thế nhưng nếu đã lỡ nhìn/ thấy/ biết/ hiểu thì sao? Thì hãy giả vờ như chưa/ không có gì xảy ra, dù có thể với một số (không ít) phụ nữ cái sự giả vờ này “hơi bị khó”!

Đấy là cái kết luận “thuần túy lý thuyết” mà những người phụ nữ trên rút ra. Tuy nhiên trong cuộc sống bây giờ “cổ tích” này thường có một/ vài kết thúc như sau:
1) Hoặc nàng công chúa không bao giờ muốn/ dám tò mò tìm hiểu căn phòng bí mật của chồng (hỏi làm gì, nếu anh ấy/ ông ấy/ lão ấy… bảo rằng trong đó có… thì sao. Làm gì được anh/ ông/ lão ấy nào, có khi còn bị thế này, thế khác…);
2) Hoặc nếu do tình cờ/ cố ý biết được sự thật, đau đớn vì bị tổn thương nhưng đầy lòng tự trọng, nàng công chúa bèn ra đi (tất nhiên, nếu chồng nàng tử tế để cho nàng ra đi, hoặc sau khi đã hành hạ nàng chán chê …);
3) Nhưng cũng có thể, sau khi đau đớn vật vã kể lể khóc lóc hay là nổi “cơn tam bành” lên… nhưng khi được/ bị chàng dỗ dành/ dọa nạt/ đánh đập, nàng quá chán nản/ sợ hãi… bèn tặc lưỡi “bỏ qua”… vẫn tiếp tục sống như thế, như thế, trở nên dửng dưng, với tất cả…
Và 4) Cứ thế cho đến một lúc nào đó, có thể chính nàng công chúa lại có một căn phòng bí mật…Và khi ấy cổ tích sẽ bắt đầu với hướng ngược lại. Nhưng có lẽ chỉ có một kết thúc mà thôi… (!).

Có lẽ bạn đọc sẽ bảo rằng tôi “quá cực đoan!” vì tôi chẳng đưa ra được một kết thúc nào “có hậu”! Mà đã là Cổ tích thì thường là/ cần phải kết thúc có hậu (bây giờ những chuyện gì kết thúc tốt đẹp người ta cũng hay bảo: như cổ tích!). Vậy thì, tôi sẽ nêu ra cái kết thúc thứ nhất – có hậu như những câu chuyện cổ tích khác. Đó là:

1) Sau khi bí mật bị bật mí, chàng hoàng tử bèn ăn năn hối lỗi, thề sống thề chết sẽ không bao giờ tái phạm lỗi lầm…Nàng công chúa lòng đầy bao dung, tha thứ cho chồng. Từ đó họ sống yên ổn bên nhau cho tới khi đầu bạc răng long… Còn căn phòng chứa đầy di tích của “lỗi lầm” được khóa cửa vĩnh viễn, chìa khóa bị bẻ ra, nghiền nát vụn thành bột, gửi gió cho mây ngàn bay…

Đến đây có thể coi như hết chuyện. Nhưng, sự đời cứ hay rắc rối thế, cái thứ bột nghiền từ chiếc chìa khóa ấy bay khắp bốn phương trời, các chị em phụ nữ hít phải, và từ đó câu chuyện cổ tích về nàng công chúa và căn phòng bí mật xuất hiện các kết thúc như trên. Tất nhiên thứ tự tiếp theo là 2, 3, 4, và 5, với mức độ “bi quan” tăng dần…

Hy vọng khi có thêm một kết thúc có hậu, bạn sẽ không phải lưỡng lự tìm kiếm đoạn kết cho câu chuyện cổ tích của mình.

Nhưng mà… biết đâu đấy…

13 nhận xét:

  1. @Chị Hậu:
    Chuyện cổ tích nước ngoài nó mới phức tạp như vậy chị ạ. Hóa ra thế mới có đất cho con cháu đời sau lãng mạn nhỉ?
    Chuyện cổ tích nước mình kết là kết luôn: cô Tấm hiền dịu chặt xác cô Cám làm mắm bỏ vào hũ cho mẹ ghẻ ăn. Dì ghẻ ăn hết hũ thấy đầu lâu con gái thì sợ quá lăn ra chết.
    Đấy, cứ giản dị thế đỡ phải phòng phèo, chìa khóa, bí mật...

    Trả lờiXóa
  2. @ VMC: Uh, cứ cho chết là hết chuyện, nhỉ :D

    Trả lờiXóa
  3. Thế đấy bạn ạ! Cho nên ai đó thật có lý khi nói rằng người hạnh phúc là người biết những gì cần biết, và không biết những gì không nên biết. Đúng không bạn?

    Trả lờiXóa
  4. @ A Thụy: nhưng làm sao biết được cái gì cần biết và cái gì ko nên biết??? Có khi ko biết rồi cứ phải đoán già đoán non còn khổ hơn ấy chứ :D

    Trả lờiXóa
  5. Úi đúng rồi, hôm qua em vừa nghe anh Thụy bảo HP là cứ không biết những gì ko nên biết, giờ lại đọc entry này của chị, trùng hợp quá giật mình bảo hay là hai bạn này đọc được ý tưởng của nhau :)

    Trả lờiXóa
  6. Lana: Ừ nhỉ, thật là trùng hợp. Đúng là như thế! Hôm qua vừa nói về chủ đề này xong.

    HauKhaoCo: Còn muốn đoán già đoán non là còn muốn biết bạn ạ! Không cần biết nữa thì mới thực sự là thanh thản.

    Trả lờiXóa
  7. Theo những giả thuyết ở trên thì em rút ra kết luận : hạnh phúc hay ko là do mình. Sống thông thoáng một chút thì đời mình đở mệt mõi hơn. Tính càng rắc rối thì không những làm khổ mình, mà còn làm khổ luôn cả người bạn đời.

    Trả lờiXóa
  8. EM thì luôn tin vào một cái kết có hậu. Nhiều khi hơi phi thực tế nhưng em không nghĩ khác được, chị ạ :-D

    Trả lờiXóa
  9. @ Lana: chị và anh Thụy cùng thế hệ mà :)
    @ A Thụy: đâu phải cứ ko muốn biết là... sẽ ko biết! Dưng mà đúng anh Thụy ko phải là... phụ nữ nên khó mà chiêm nghiệm cảm giác "đóan già đóan non" của phụ nữ - đó là cảm giác vừa ko muốn biết vừa muốn biết :)

    Trả lờiXóa
  10. @ Lu: Tính tình rắc rối đã mệt, nhưng chị thấy tự ảo tưởng về mình còn làm mệt mình và người xung quanh hơn nhiều, nhỉ :)
    @ Titi: Chị cũng thế. Em biết ko chị rất thích xem truyện, phim cổ tích. Ở SG có sân khấu của Thành Lộc hay diễn kịch "ngày xửa ngày xưa" chị hay đi xem, dù trong đó tòan là trẻ em thôi :D

    Trả lờiXóa
  11. @Hậu: giờ mới còm cho ý 'biết hay không biết', Em trùng ý với LU và hơi giống với Titi, đơn giản để thoải mái chị ạ. Cái gì mình không được biết mà không buộc phải biết thì cho là không có, chứ không biết mà lại cứ phải loay hoay 'hình như còn điều gì đó mình chưa biết' thì mệt lắm.
    Nàng công chúa không cần phải tò mò về căn phòng cuối cùng làm gì. Em nghĩ gần trọn tòa lâu đài đủ để nàng sống vui vẻ HP. Hay nàng cho rằng nàng là công chúa, là vợ hoàng tử nên nàng được quyền tuyệt đối hóa?

    Trả lờiXóa
  12. @ Lana: "sự tò mò rất đỗi đàn bà" mang tính bản năng giống như trẻ con vậy, hòan tòan ko hề có ý thức rằng cái đó sẽ mang đến điều gì, tốt hay xấu. Vấn đề ở đây là khi "biết" rồi (dĩ nhiên, biết điều ko hay, cái điều mà mình ko nên biết, ko cần biết, ko muốn biết) thì sẽ phải xử sự thế nào... Là người "tích cực" thì sẽ đơn giản hóa mọi việc cho nhẹ nhõm, còn người "tiêu cực" sẽ trầm trọng hóa nó lên... Tùy vào tính cách và cả hòan cảnh khi ấy.
    Có lẽ trong ý nghĩ ai cũng muốn sẽ bỏ qua điều đó một cách dễ dàng (như cái kết "có hậu"), tuy nhiên trong thực tế lại ko dễ dàng như thế. Nhưng nếu đã phải vất vả để có thể "bỏ qua" được thì sẽ trưởng thành lên nhiều hơn. Chị nghĩ thế...

    Trả lờiXóa
  13. @ nói thêm: Thật ra hình tượng tòa lâu đài đã cho thấy cuộc sống ko có gì là hòan hảo cả. Sự tò mò của nàng công chúa là khát vọng về một sự hòan hảo (ko thể có) trong cuộc đời mỗi người.

    Trả lờiXóa

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...