TRANG PHỤC CÔNG SỞ - SỰ XÁC TÍN VỂ CHỨC TRÁCH


Trang phục công sở, trong đó có đồng phục, và những phụ kiện như giày dép, bảng tên… là dấu hiệu nhận biết nhân viên của một cơ quan công quyền, đồng thời thể hiện hình ảnh công sở văn minh. Trang phụ phù hợp với nơi làm việc giúp công chức tự tin hơn khi giao tiếp, giúp người dân tin tưởng vào người đang thực hiện nhiệm vụ, tạo nên sự thống nhất và bình đằng nơi công sở.

Với ý nghĩa đó, mới đây Sở Nội Vụ TP. Hồ Chí Minh vừa trình dự thảo về Bộ qui tắc ứng xử công chức, trong đó có điều khoản về trang phục. Dự thảo đề xuất khi thực hiện nhiệm vụ, công chức phải đầu tóc gọn gàng, lịch sự, đi giày hoặc dép có quai hậu. Trang phục được quy định đối với nam, mặc quần tây, áo sơmi. Đối với nữ, mặc quần tây hoặc váy dài (qua đầu gối), áo sơmi có tay hoặc comple hoặc bộ áo dài truyền thống, đặc biệt là đề xuất “cấm công chức không được mặc quần jeans, áo thun” ở công sở.

Nếu phần lớn những quy định trong bộ quy tắc này về ứng xử, thái độ tiếp dân và tinh thần trách nhiệm được công chức và người dân tán thành thì quy định về trang phục lại gây ra những ý kiến tranh luận. Nhiều ý kiến cho rằng, “bộ quần áo không làm nên thầy tu”, quan trọng là tinh thần thái độ làm việc, trách nhiệm với người dân chứ không cần phải quy định hay khắt khe về trang phục. Trước đó, từ hồi tháng 9.2017 trên mạng xã hội facebook đã có ý kiến đả phá việc “cấm công chức mặc quần jeans áo thun” khi thành phố Cần Thơ có quy định này.

Những ý kiến đồng tình thì cho rằng, đúng là không chỉ “nghiêm túc” ở trang phục nhưng trang phục công sở là thể hiện đầu tiên của sự nghiêm túc. Quần jeans áo thun là trang phục gọn gàng, trẻ trung, thể hiện sự năng động nhưng phù hợp ở môi trường ngoài công sở như đi chơi, hoạt động dã ngoại hoặc những công việc nặng nhọc khác… Ngay ở nhiều nước Đông Nam Á và phần lớn các nước trên thế giới, công chức không mặc quần jeans áo thun tại công sở, thậm chí người ta cũng không mặc trang phục này khi tham dự những buổi hòa nhạc, biểu diễn trong Nhà hát lớn hay đến những nơi trang trọng như đám hiếu, đám hỷ, đám tiệc… 

Sự phân biệt này không phải là chê bai về nguồn gốc hay coi thường quần jeans áo thun (nhiều nhãn hiệu nổi tiếng của loại trang phục này mắc không thua những trang phục khác), mà thể hiện sự phù hợp với nơi chốn của trang phục, cũng là một yếu tố văn hóa trong ứng xử.

Thật ra những quy định về trang phục phù hợp nơi công sở không phải là điều gì mới mẻ. Còn nhớ ở Sài Gòn trước năm 1975 công chức đi làm luôn trong trang phục lịch sự: Nam áo sơ mi dài tay, hoặc bộ đồ vét và thắt cravat, nữ áo dài truyền thống hoặc đồ tây (quần và áo sơ mi, áo đầm). Nhiều công sở dịch vụ như ngân hàng, bưu điện… có đồng phục có khi theo từng ngày. Công chức cơ quan hành chính là nơi thường xuyên tiếp xúc và phục vụ người dân càng cần có trang phục phù hợp. Điều đó thể hiện việc xác định vị trí chức năng của công chức, xây dựng tác phong chuyên nghiệp, đồng thời tạo ra hình ảnh kỷ luật và nền nếp nơi công sở.

Một thời gian dài sau 1975, do kinh tế khó khăn (và cũng từ quan niệm “phải có tác phong quần chúng” tức là ăn mặc theo kiểu của phần lớn người dân lúc đó) nên những thói quen nề nếp cần thiết này dần bị lãng quên nơi công sở. Công chức ăn mặc xuề xòa có khi là bộ quần áo còn nhiều nếp nhăn, đi dép lê loẹt quẹt… cùng với đó là tác phong lề mề hoặc không tập trung vào công việc. Rồi ngay cả người dân đến công sở cũng trong trang phục lôi thôi, phụ nữ mặc đồ bộ nam giới quần lửng áo thun… Nhiều khi không phân biệt được công chức và khách đến công sở. Tình trạng này cùng với thói làm việc “cửa quyền” của thời bao cấp đã góp phần làm cho công chức và người dân không tôn trọng nhau, thể hiện qua thái độ, lời nói, tác phong làm việc…

Hiện nay phần lớn công chức – nhất là cơ quan hành chính thường xuyên tiếp dân, đã có trang phục lịch sự tại công sở. Tuy nhiên chưa phải tất cả đều như vậy. Vẫn còn xuất hiện quần jeans áo thun, váy đầm quá ngắn hoặc kiểu dáng rườm rà màu sắc lòe loẹt, thậm chí xuất hiện trong một số việc quan trọng hay tiếp khách quốc tế. Điều này làm giảm đi sự chuyên nghiệp và lịch sự nơi công sở. Mặt khác, trang phục công sở hiện nay giá cả cũng phù hợp với đồng lương công chức viên chức, vì vậy những quy định về trang phục trong Bộ quy tắc ứng xử của công chức nên được ủng hộ và sớm thực hiện.

Nhân đây cũng nêu một đề nghị: phóng viên, nhà báo của các cơ quan truyền thông khi tham gia những sự kiện hoặc cuộc họp quan trọng, tác nghiệp ở nơi trang trọng cũng cần có trang phục và tác phong phù hợp. Điều đó thể hiện sự tôn trọng chủ thể công việc và tính chuyên nghiệp của người làm truyền thông.

Đúng là “Chiếc áo không làm nên thầy tu” nhưng chắc chắn, khi thầy tu làm chức trách của mình tại cơ sở tôn giáo thì phải xuất hiện trước mọi người trong trang phục như quy định. Việc công chức có trang phục phù hợp nơi công sở vừa là sự xác tín về chức trách vừa là đòi hỏi người khác tôn trọng chức trách của mình.
Nguyễn Thị Hậu
Sài Gòn 23.10.2017

KỲ THỊ VÙNG MIỀN – NHÌN TỪ TRẢI NGHIỆM CÁ NHÂN


Từ nhiều năm nay bên cạnh những gạch đá “mũi tên hòn đạn” kể cả đại bác bắn ra từ “bên thắng bên thua” nóng bỏng vào dịp 30/4 thì sự kỳ thị Bắc – Nam lại như những đợt sóng ngầm trong xã hội. Chỉ cần ném xuống một “hòn sỏi” là bài báo mạng hay status trên facebook lập tức biến thành cơn bão trên đại dương truyền thông. Cơn bão này có sức tàn phá khủng khiếp, để rồi sau đó lòng người tan hoang hơn bởi những vết thương chưa kịp lành lại tiếp tục bị làm cho lở loét!

Không thể không nhận thấy tình trạng này ngày càng trở nên nặng nề, tiêu cực. Nếu trước năm 1975 nói về những khác biệt về văn hóa, lối sống Nam Bắc chỉ là sự nhận biết và phân biệt thì hiện nay trở thành sự so sánh hơn thua và kỳ thị. Không chỉ ở tầng lớp bình dân mà nhiều “văn nhân” đã phát ngôn gây ra mồi lửa cho sự kỳ thị bùng phát. Đặc biệt những phát ngôn ấy qua báo chí đặt tựa gây sốc, có sự tiếp tay của những facebooker chỉ đọc tựa dẫn link và comment chửi bới, rồi từ chuyện cá nhân dẫn đến chuyện gia đình họ hàng sự nghiệp… Những định kiến chính trị, sự ác cảm với chính quyền, sự tự tôn “trung tâm” tự hào “chuẩn mực” một cách quá đáng… đều là những chất đốt rất tốt cho cái lò kỳ thị Bắc Nam bùng cháy dữ dội.

Sự kỳ thị Bắc Nam bộc phát như vậy cũng giống như những phản ứng khác trong xã hội vì bất cứ lý do nào. Nó phản ánh sự dồn nén về tinh thần, khủng hoảng niềm tin (như người ta thường nói) và sự hụt hẫng trầm trọng văn hóa ở khía cạnh tri thức nhân văn và tôn trọng con người.
***
Đây thực sự là chuyện vô cùng tế nhị và nhạy cảm, không chỉ về văn hóa mà còn về chính trị nữa! Tôi không muốn nhắc lại, khơi gợi chuyện này nhưng chưa bao giờ tôi thôi nghĩ về nó, bởi vì nó luôn hiện diện trong cuộc đời tôi, dù muốn hay không vẫn cảm thấy bị tổn thương mỗi khi sự việc lại ồn ào trên mạng ngoài đời.

Tôi là một người được sinh ra tại Hà Nội khi ba má tôi từ miền Tây Nam bộ tập kết ra Bắc. Năm 1975 cả nhà tôi về quê, về Sài Gòn. Từ nhỏ tôi luôn nhớ rằng quê mình ở miền Nam và từ khi vào Nam, tôi không nguôi nhớ về Hà Nội của thời thơ ấu. Cũng từ nhỏ tôi được dạy rằng, ở đâu cũng có người tốt người xấu, ở đâu mình cũng phải sống tử tế, mà điều tử tế đầu tiên là không được vô ơn bội nghĩa.

Khi ở miền Bắc tôi còn là một cô bé rồi thành thiếu nữ, tôi hay phải nghe người lớn nhận xét “con gái gì mà như cột nhà cháy”, “con gái gì mà như cái sào chọc cứt”, “con gái gì mà nói chuyện với con giai tự nhiên như ruồi”… Con gái gì mà…? Và người ta thản nhiên kết luận, “à nó là con gái miền đù!” rồi cười khoái chí! Các bạn có hiểu là thế nào không? Thật ra chuyện đơn giản và bình thường thôi: tôi có nước da ngăm đen, tôi gầy và cao, tôi coi bạn trai bạn gái như nhau, không biết yểu điệu khép nép… Và tôi sống ở một khu tập thể có nhiều người miền nam tập kết. Khi vui khi giận thì chửi thề “đù má” chứ không “đ. mẹ”. Ngoài ra, nhà tôi còn hay bị chê vì làm chao ăn chao và nhiều món ăn Nam bộ “không ai ăn kinh thế”. Nói chung cứ không giống người khác là bị chê “kinh” dù không liên quan đến ai và cũng chẳng có gì để gọi là tốt hay xấu.

Ngoài chuyện tào lao ấy thì cuộc sống gia đình tôi cũng như mọi gia đình khác, tôi vẫn được nhiều bạn bè quý mến, dù thỉnh thoảng có câu đùa ác làm tôi chạnh lòng. Đến nay tôi về Sài Gòn đã mấy chục năm nhưng gặp lại các bạn vẫn nhận ra tôi là cô gái ngày xưa cao gầy ngăm đen có bím tóc dài quăn quăn và hay cười hồn nhiên…
Cả một thời thơ ấu nghèo khó ở Hà Nội và gian nan những nơi sơ tán, miền Bắc còn lại trong tôi là sự đùm bọc sẻ chia. Hà Nội là quê hương thứ hai của tôi, nơi đã lưu lại trong tôi nhiều điều tốt đẹp, nhất là cái giọng Hà Nội ngày xưa, nhẹ nhõm, tự nhiên.  Hơn 40 năm sống ở Sài Gòn tôi không cần phải cố gắng “giữ giọng Hà Nội” vì nó là một phần của tôi, tự nhiên là như thế!

Như tôi đã kể trong vài tùy bút, những ngày đầu về Sài Gòn và về quê nội ngoại, bà con đều ngạc nhiên khi nghe tôi thưa gửi: “nó nói tiếng gì không phải tiếng Việt mình?”. Tôi vừa tủi thân vừa buồn cười. “Tiếng Việt mình” theo người miền Tây là tiếng miền Tây, tiếng Sài Gòn, hay cùng lắm là tiếng Trung tiếng Huế. Còn tiếng “nước Bắc” nghe thiệt lạ lẫm xa xôi… Tất nhiên, sống đâu âu đấy, tới nay vốn từ ngữ của tôi được bổ sung nhiều từ Nam bộ, sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày thuận tiện và cũng cho tôi hiểu biết nhiều hơn qua ngôn ngữ, phương ngữ, nhất là khi về làm việc ở miền Tây. Ngôn ngữ, cũng như ẩm thực, chấp nhận và tiếp nhận càng nhiều cái mới lạ thì mình càng có lợi.

Hồi đó ở Sài Gòn và nhiều tỉnh thành miền Nam còn phổ biến tư tưởng “công thần” Nhứt trụ nhì tù tam khu tứ kết (Trụ lại hoạt động trong thành, ở tù, vô rừng, tập kết).  Ba má tôi là dân tập kết về rất “thấm” cách đối xử của tình trạng ấy. Ngoài ra  ông bà thường nghe nhiều người bạn phiền trách “anh chị biểu con nhỏ nói tiếng Nam đi, sao nói tiếng Bắc kỳ hoài vậy!”, ba tôi nghiêm giọng trả lời “nó nói tiếng Bắc thì sao, miễn nó là người tốt. Nhiều người nói tiếng Nam mà cũng cà chớn thấy mồ!”. Xong, tôi chẳng bao giờ phải nghĩ đến việc đổi giọng thậm chí khi làm việc tại một cơ quan của thành phố mà ai cũng tưởng tôi là người Hà Nội. Có cô bạn khuyên  tôi chịu khó nói tiếng Nam sẽ dễ dàng hơn trong công việc, tức là dễ được sếp để ý rồi lên chức nọ kia… Tôi chỉ cười, biết bạn chân tình vì bạn cũng dân tập kết về như tôi, nhưng khi đi họp hành, gặp các sếp bạn nói tiếng Nam lơ lớ… Tôi thì không, vì không chịu nổi cảm giác giả dối khi cố khác mình!
***
Từ năm 1975, nhiều chục năm trôi qua, miền Nam bây giờ có rất nhiều người Bắc vô sinh sống, người Nam tập kết ra Bắc hầu hết cũng trở về quê hương. Ở miền Nam nhiều người cũng đã ra đi, đi xa hơn ra nước ngoài chứ không chỉ vào Nam như những người Bắc di cư hồi 1954.  Sài Gòn là nơi chịu sự đột biến lớn nhất miền Nam về dân cư sau năm 1975, sự đột biến này kéo theo “cú sốc” không hề nhẹ về văn hóa, dù Sài Gòn là nơi cởi mở dễ tiếp nhận mọi thứ. Tâm lý xã hội “bên thắng bên thua” vô thức hay hữu thức đều tồn tại thực sự trong mỗi người. Nếu hiểu biết và thiện ý thì mọi khác biệt sẽ được tôn trọng, để dần đi đến những điểm chung. Nếu thiếu hiểu biết và tự cho “bên thắng cuộc” có quyền áp đặt tất cả thì những khác biệt về văn hóa sẽ bị đồng hóa, đồng nhất thậm chí bị triệt tiêu. Ở từng cơ quan, công ty hay ở cấp độ lớn hơn ít nhiều đều có hiện tượng này, và công khai hay ngấm ngầm cũng có sự phân biệt người Bắc người Nam mà đôi khi chỉ vì cá tính văn hóa vùng miền khác nhau.

Tôi, “Nam kỳ gia công tại Bắc kỳ” nhìn ra những chuyện đó khá nhanh khá rõ. Kể cả việc chính mình bị “bạn bè” kỳ thị chỉ vì không cùng cách nhìn nhận một số vấn đề xã hội. Khi nêu chính kiến về cái tốt của Nam kỳ thì bị nói “nó là người Nam mà, thảo nào cục bộ địa phương…”, còn khi bênh vực cái tốt của Bắc kỳ thì “thấy giọng nó hông, Bắc kỳ rặc ri, con cộng sản nòi mà”. Nghe mắc mệt!

Sài Gòn là nơi có lượng người nhập cư lớn nhất nước, văn hóa là sự pha trộn và đa dạng từ nhiều vùng miền, lối sống, ngôn ngữ, ẩm thực ở đây như một “liên hiệp quốc” thu nhỏ. Tình cảm quê hương là tự nhiên nhưng sống ở Sài Gòn là chấp nhận khác biệt và thích nghi. Cũng như ba má mình, tôi không ưa những người tập kết mới trở về Nam nhìn cuộc sống vật chất đầy đủ hơn liền quay ra chê bai miền Bắc, người Bắc là nghèo nàn là nhà quê… Nhưng tôi cũng rất ghét những ai đến Sài Gòn, nhờ Sài Gòn mà có cuộc sống thoải mái, làm ăn dễ dàng, thậm chí giàu có, vậy mà mở miệng là chỉ có chê, chê từ thời tiết khí hậu đến tất cả những gì “không giống làng mình”… Hai loại người chê bai sổ toẹt tất cả như thế nếu một lần có thể là vô tình, hai lần là vô tâm, ba lần là vô duyên nhưng bốn lần thì là vô ơn. Tôi thật!

Gần đây sự kỳ thị Nam Bắc luôn bùng phát từ vài hiện tượng văn hóa mà nguyên cớ là từ thói quen coi văn hóa miền Bắc, văn hóa Hà Nội là trung tâm, là “chuẩn” để so sánh, rồi nhìn sự khác biệt thành sự hơn kém tốt xấu… Từ đó có thái độ coi thường văn hóa khác vùng miền khác. Họ không hiểu biết hay quên rằng, lãnh thổ đất nước ta như bây giờ là đã hình thành trải dài trong không gian từ Bắc vào Nam qua thời gian hàng trăm năm, sao có thể lấy văn hóa một nơi chốn một thời điểm làm “chuẩn” cho tất cả, chưa kể mỗi vùng miền có hoàn cảnh xã hội và lịch sử khác nhau? Chưa kể là sự phân biệt vùng miền càng nặng thêm vì cùng với đó còn là dấu vết chiến tranh “bên thắng bên thua”?

Từ bỏ tâm thức “trung tâm” (của người Việt/Kinh, miền Bắc, Hà Nội, trung ương…) để nhận biết, chấp nhận và tôn trọng sự đa dạng văn hóa (của 54 tộc người, của các vùng miền, địa phương, của những cộng đồng có số phận lịch sử khác nhau…). Ngược lại, bình thản đón nhận những góp ý cũng như những chê bai, vì không phải “Sài Gòn xưa” cái gì cũng là “tuyệt đỉnh”, hoài cổ là chắt lọc những giá trị tốt đẹp nhưng “nệ cổ” thì sẽ phục dựng lại cả những giá trị ảo…. Cả hai thái độ đó hiện nay, bây giờ đều rất cần thiết, đó là một cách lấp dần vực sâu ngăn cách hai miền mà hơn 40 năm hòa bình vẫn còn đó.
Hơn ai hết, văn nhân trí thức là những người đầu tiên cần ý thức và thực hiện điều đó. Bởi vì kỳ thị về chính trị chính là căn cốt của sự kỳ thị văn hóa vùng miền, kỳ thị Bắc Nam.

Nguyễn Thị Hậu

Sài Gòn 25.10.2017


Vụn vặt đời thường (147)

@ Chúng ta nghĩ gì?!
Khi anh lính Mỹ bế một người phụ nữ Việt vượt qua dòng nước lũ thì hình ảnh được share tràn ngập với những lời ca ngợi sự nhân văn của hành động đó.
Khi trên báo có hình ảnh những người lính biên phòng phía Bắc nhiều ngày quên ăn quên ngủ cứu giúp vùng lũ lụt, bế con trẻ dắt người già phụ nữ, đào bới tìm kiếm những người mất tích, ăn vội gói mỳ trong khi còn dầm mình dưới nước… Thì nhiều người buông lời mỉa mai chửi rủa rằng “đóng kịch, diễn vụng”.
Những người lính ở bất cứ đâu làm nhiệm vụ là vì nghĩa vụ, trách nhiệm và vì lương tâm. Vì vậy, hãy có lương tâm khi phán xét những người xả thân trong cơn nguy khốn.
Có cuộc ra đi – như của nhà báo trẻ Đinh Hữu Dư, của những chiến sĩ biên phòng khi làm nhiệm vụ – buộc chúng ta - nếu là người tử tế - phải suy nghĩ về chính mình, về những gì mình đã làm trong cuộc đời này.
SG 17.10.2017

Trò chuyện với sinh viên.
- Học sử để làm gì?
- Học sử để nâng cao lòng tự hào dân tộc về quá trình dựng nước và giữ nước...
- Theo cô, hiện nay học sử là để tự vấn. Biết tự vấn sẽ không tự ti và tự tôn quá đáng. Chúng ta đã tự hào quá nhiều rồi.
- Sao buổi học nào các em cũng đi trễ?
- Thưa cô, tại, vì, bởi…
- Đi học đã không nghiêm túc giờ giấc, như vậy là coi thường thầy cô. Sau này đi làm công chức sẽ quen thói mà chây lười và coi thường dân.
- Cô ơi cô photo sách cho bọn em…
- Cô đã đưa danh mục và nguồn, các em tự tìm nhé. Có tự tìm tự đọc thì kiến thức mới là của mình, đi học mà chỉ biết ghi chép theo lời thầy cô thì sau này ra đời cũng chỉ biết làm theo người khác.
SG 18.10.2017

Vụn vặt đời thường (146)

@ NXA vừa bị kỷ luật nặng nhưng nhiều COCC vẫn tại vị và tiếp tục nhận chức vụ cao. Vì sao? - Vì NXA gặp xui xẻo thôi.

@ Chỉ khi nào báo chí nói về hiện tượng Vin &CA như nói về NXAnh thì mới có thể hy vọng chống tham nhũng là thật!

@ Đang nghĩ về "nhất dương chỉ" và "tung cước" ở hai nơi khác nhau có gì giống nhau?

@ Vợ (hát): "kỷ niệm như rêu em níu vào chợt ngã..." 
Chồng: Mai nhớ mua vôi bột về chà rêu ở sân không thì té thật đấy! 
Vợ: "tình yêu giờ quá xa..."

@ Một lần nữa nhắc lại, SG đã mang tên khác hơn 40 năm, sao báo chí luôn gọi tên SG cho những gì tiêu cực xấu xa hiện nay?! 





@ Có một số đàn ông coi vợ là người để nhận giùm tiền ko rõ nguồn gốc và là lý do khi muốn bỏ bồ!

Chỉ nói về tác hại của mối mọt, lẽ ra nên lấy giấy phép của nxb KHKT hoặc Nông nghiệp, sao lấy gp "hội nhả văn" làm chi cho nhiều thị phi

nxb  Không có văn bản thay thế tự động nào.



🤣




ÁO DÀI – MỘT NÉT TÂM HỒN VIỆT


Do nghề nghiệp tôi có dịp đến một số nước ở châu Á, Âu và châu Mỹ. Đi công tác nên tôi thường mang theo trang phục gọn gàng, lịch sự nhưng bao giờ trong vali cũng có một bộ áo dài để nếu có dịp phù hợp thì tôi sẽ mặc. Ở những nơi đó tôi cũng hay gặp các chị em người Việt mặc áo dài trong ngày lễ hội, họp hành... Cảm giác đầu tiên khi tôi mặc áo dài hay nhìn những tà áo dài ở nơi xa là thấy như đang ở quê nhà, quen thuộc gần gũi với mọi người dù chưa quen biết. Và vui hơn vì vẻ đẹp của áo dài mang lại sự thán phục trong ánh nhìn của nhiều người nước ngoài.
Hồi nhỏ tôi sống ở miền Bắc trong thời kỳ chiến tranh nên chỉ nhìn thấy áo dài trên những tấm hình xưa của má tôi – một cô gái Sài Gòn những năm 1940, của những thiếu nữ Hà Nội trước năm 1954… Tôi thích lắm nhưng như nhiều bạn bè của mình, cho đến tuổi thiếu nữ chúng tôi cũng không có cơ hội được mặc áo dài. Khi ấy áo dài là loại trang phục hiếm có mặt trong đời sống, nó chỉ hiện diện trên sân khấu hoặc may mắn hơn, trong một đám cưới “sang trọng” ở Hà Nội giữa thời đạn bom.
Năm 1975 tôi theo gia đình về Sài Gòn, vào học lớp 12 nên được mặc “đồng phục” áo dài trắng. Dì tôi sống ở khu Chợ Vườn Chuối, đưa tôi ra chợ chọn mua hai xấp vải lụa trắng mịn màng, rồi đến một nhà may bình dân trong hẻm chợ may cho tôi 2 bộ áo dài trắng. Lần đầu tiên thấy mình trong gương thật lạ lẫm: trong bộ áo dài tôi ở tuổi mười bảy bỗng như lớn hơn và thực sự trở thành một cô gái. Từ đó, áo dài trắng với tôi là biểu tượng của thời nữ sinh, tuy chỉ một năm ngắn ngủi nhưng bước đầu mang lại cho tôi ý thức về “giới”. Bởi vì khi mặc chiếc áo dài là bắt đầu ý thức được vẻ đẹp và sự kín đáo của cơ thể thiếu nữ, sự nền nã của thái độ, lời nói…
Những năm sau đó đời sống khó khăn nên hầu hết các thành phố không còn duy trì đồng phục, nhất là áo dài cho nữ sinh. Từ đầu những năm 2000 áo dài quay trở lại trường học, rồi phổ biến thành đồng phục của học sinh trung học (cấp 3), nếu không sử dụng tất cả các ngày trong tuần thì ít nhất vào ngày đầu tuần hay sinh hoạt toàn trường, dịp lễ… Có thể nói áo dài trắng đặc biệt phù hợp với nữ sinh Việt Nam về hình dáng và mang lại nét tự nhiên dịu dàng trong sinh hoạt…
Hiện nay một bộ quần áo dài trắng không đắt hơn so với nhiều loại trang phục khác, nhiều nhà sản xuất vải lụa, nhà thiết kế và nhà may đã có giá ưu đãi cho nữ sinh, nhất là vào mùa khai giảng. Vì vậy việc mặc đồng phục áo dài không phải là quá khó khăn, nhất là ở thành phố. Ngoài ra nhiều tổ chức xã hội còn có hoạt động tặng áo dài cho con em gia đình nghèo khó… Đồng phục với ý nghĩa như “dầu chỉ” của một tầng lớp, nghề nghiệp trong xã hội, đồng thời cũng làm giảm thiểu khoảng cách giàu nghèo, tạo ra nhận thức về sự bình đẳng trong trường học.
***
Nhiều người trong chúng ta tuy chưa có dịp tiếp xúc với các nền văn hóa khác thì vẫn mang trong mình tình yêu đối với “tâm hồn Việt” qua trang phục, ẩm thực và những nét văn hóa khác. Đặc biệt đối với người Việt ở xa quê hương thì tình yêu này càng sâu đậm. Người ta yêu áo dài qua dáng mẹ, dáng chị em gái trong chiếc áo dài, trân trọng người yêu trong bộ áo dài cưới để từ đó thành người vợ của mình… Làm sao để phụ nữ Việt Nam duy trì và phổ biến trang phục áo dài là cách tốt nhất để “bảo tồn” tình yêu áo dài.
Hiện nay có nhiều chất liệu vải lụa vừa nhẹ, mát, có độ co dãn, nhiều hoa văn, màu sắc… để có thể may những chiếc áo dài vừa hợp thời trang vừa thoải mái khi sử dụng. Tuy nhiên cần lưu giữ những chi tiết quan trọng tạo nên chiếc áo dài, không nên tùy tiện thay đổi “sáng tạo” dáng áo khác lạ, hoặc kết hợp với loại trang phục khác không phải quần lụa. Tôi cho rằng đã là “áo dài Việt Nam” thì phải đi cùng với quần mềm mại. Ống quần và tà áo dài là một thể thống nhất tạo ra dáng tha thướt cho người mặc, khoe được những “điểm nhấn” nhưng đồng thời vẫn kín đáo.
Để duy trì kiểu đồng phục này thì áo dài nữ sinh nên gọn gàng, độ dài quần và áo vừa phải, vải nhẹ không mỏng quá và thấm hút tốt. Không nên bắt nữ sinh mặc áo lá ở trong vừa nóng nực vừa lôi thôi. Hình ảnh những chiếc áo dài nữ sinh Sài Gòn cuối những năm 1970 là đẹp và phù hợp: dài vừa qua đầu gối, tà hẹp, quần rộng vừa, eo hơi ôm không chiết ly, cổ áo thấp hoặc tròn sát chân cổ, không nên khoét cổ rộng vì làm các em già đi và bất tiện khi sinh hoạt.
Áo dài cho những giới khác thì tùy thuộc công việc có mẫu mã và hoa văn màu sắc phù hợp.Ví dụ: cô giáo khi lên lớp thì nên theo kiểu áo dài truyền thống tạo sự nghiêm túc, khi đi chơi thì áo dài cách tân cho tươi trẻ. Trong sinh hoạt hàng ngày tà áo và ống quần không nên dài quá, rộng quá, bất tiện khi di chuyển, nhưng cũng không nên quần bó sát áo ngắn cũn cỡn như “áo xẩm”, làm mất đi vẻ mềm mại đặc trưng của áo dài.
Áo dài đã trải qua nhiều lần cách tân và chắc sẽ còn tiếp tục thay đổi. Sự “cải tiến” của áo dài không thể tách rời sự phát triển của kỹ thuật may mặc và những phụ kiện, chất liệu mới. Đã có những “biến tấu” ở cổ áo, tay áo, hiện nay là dây kéo sau thay hàng nút bấm… đó là những thay đổi theo chiều hướng tích cực mang lại vẻ hiện đại cho áo dài. Tuy nhiên, những yếu tố chính tạo nên sự đặc sắc của áo dài như độ dài vạt áo khoảng trên/ngang gấu quần, độ ôm ở vai, eo, kết hợp với quần lụa mềm mại… vẫn cần phải bảo tồn.
Muốn gìn giữ “tâm hồn Việt”, dung hòa giữa truyền thống và hiện đại thì cần có sự hiểu biết đến nơi đến chốn về văn hóa nói chung và từng thành tố nói riêng, như trường hợp chiếc áo dài của phụ nữ Việt Nam. Đồng thời tránh tâm lý “so sánh” với những xu hướng thời trang của thế giới rồi mặc cảm tự ti hoặc tự tôn quá đáng. Ung dung tự tại khi hiểu rõ “ta là ai, ta như thế nào” thì sẽ vừa giữ gìn vừa phát triển văn hóa truyền thống phù hợp thời đại mới.
Nguyễn Thị Hậu
tc PHỤ NỮ MỚI 10/2017 (Hình: SG 1976 và 2016)

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang cười

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, thực vật và ngoài trời

NHÂN MẠNG


Một ngày bạn bỗng nhận ra địa chỉ email của một người bạn không còn tồn tại
Một ngày bạn bỗng nhận ra nick chat của một người bạn biến mất khỏi friendlist
Một ngày bạn bỗng nhận ra tên một người bạn không bao giờ xuất hiện trên tường FB của mình. Tìm FB bạn thì, ồ, bạn đã bị chặn từ bao giờ
Bạn bỗng phải tự hỏi, chuyện gì đã xảy ra?
Chắc bạn sẽ cố nhớ lại xem lần cuối hai người liên lạc với nhau là khi nào, như thế nào, và sau đó là gì…
Chắc bạn sẽ phải lục lọi từng cm trí nhớ như lần theo sợi chỉ mỏng manh để tìm ra đầu sợ chỉ là lần gần nhất mà hai người còn gặp nhau trên mạng
Thường thì ký ức cho bạn biết, chẳng có chuyện gì bất thường trong lần gặp nhau cuối cùng ấy, vẫn bình thường, thậm chí còn vui vẻ là khác
Bạn vẫn cứ tự hỏi, vì sao “tự nhiên” lại như thế? Bạn cố tìm ra lý do để giải thích nhưng rốt cục cũng không tin vào lý do mà mình nghĩ ra.
Bạn sẽ tặc lưỡi, ừ thì thôi vậy. Chắc bạn mình có chuyện gì đó “khó ở”. Chắc vài bữa nữa sẽ liên lạc lại, chắc… Mà nói cho cùng chỉ là một người bạn trên mạng thôi mà…
Thi thoảng, có trường hợp, ký ức loé lên một sự việc, một câu nói, một nguyên cớ nào đấy có thể giải thích cho sự “biến mất” của bạn mình. Bạn giật mình, ồ, chuyện không có gì, lẽ nào…
Có khi linh cảm cho bạn biết rõ nguyên nhân dù sự linh cảm ấy rất mong manh thì bạn vẫn đoan chắc rằng, nó là như thế
Có thể bạn sẽ băn khoăn, có khi ân hận, có khi bứt rứt… Nhưng làm thế nào liên lạc được để giải thích hay hỏi rõ mọi chuyện? Mà có cần không nhỉ?
Có khi rồi cũng tặc lưỡi cho qua… có thế mà cũng… ừ nếu vậy thì không đáng.. thôi, chả tiếc!
Thế là bạn quên dần chuyện đó, rồi quên hẳn, như chưa từng tồn tại những vui vẻ ấm áp giữa hai người, thậm chí, như chưa từng biết có một người như thế…
Không hiểu sao tôi bỗng nghĩ đến chuyện như thế khi nhớ về một người bạn vừa từ bỏ thế giới này. Cứ nghĩ đến việc sẽ không còn bao giờ có thể gặp nhau để mà trò chuyện, để mà giận dỗi, để mà làm lành để mà tha thứ… Bỗng thấy cuộc sống thật là phù du vì có đấy cũng là mất đấy… Sao khi còn có thể gặp nhau chúng ta không làm khác đi điều chúng ta đã làm, để rồi có lúc phải nghĩ đi nghĩ lại…?
Trong thế giới của NET càng dễ tìm đến nhau bao nhiêu càng dễ xa nhau bấy nhiêu. Đến nhanh thế nào thì rời bỏ cũng nhanh như thế. Mạng mà!
Con người trong những mối quan hệ trên mạng như thế gọi là nhân mạng.
Sài Gòn, tháng 10.2013 (repost)
Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang ngồi, thực vật, hoa và trong nhà

160 NĂM THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN

  https://nguoidothi.net.vn/160-nam-thao-cam-vien-sai-gon-42825.html   Nguyễn Thị Hậu Thảo cầm viên Sài Gòn là một không gian công cộng và...